Người đàn ông lượm rác được mệnh danh là vua
sách
Tại Bogotà, thủ đô Colombia bên Mỹ Châu Latinh, từ 20 năm
nay, có một người đàn ông lượm rác được mệnh danh là vua sách. Đó là ông José
Alberto Gutierrez, năm nay 54 tuổi. Ông làm nghề lái xe hốt rác. Và từ 20 năm
nay, ông đã biến căn nhà khiêm hạ của ông thành một thư viện bình dân cho người
trong khu xóm.
Mọi chuyện đã bắt đầu với những chuyến lái xe đi hốt rác đầu
tiên hồi năm 1997, khi ông thấy hàng thùng sách bị quẳng ra đường. Tác phẩm đầu
tiên mà ông nhặt được là cuốn Anna Karenine của nhà đại văn hào người Nga Leon
Tolstoi, nằm chỏng chơ trên một thùng đầy sách ở bên vệ đường. Ông đã không ngần
ngại bưng nguyên thùng sách về nhà và khám phá ra bao nhiêu là tác phẩm khác, từ
những tiểu thuyết lừng danh như Hoàng tử bé, thế giới của Sophie, đến thơ truyện
hay sách giáo khoa vv…và lẽ dĩ nhiên là rất nhiều sách của Gabriel Garcia
Marquez, nhà văn hào người Colombia đoạt giải Nobel văn chương.
Tiếng đồn dần dần lan ra, người trong xóm bắt đầu lui tới
xin mượn sách giáo khoa để giúp con cái làm bài vở học hành, tiếp đến mượn sách
để đọc giải trí, và thế là nhà của ông hốt rác đã trở thành một thư viện, lấp đầy
một khoảng trống trong khu vực nỏi ông sinh sống. Năm 2000, cùng với vợ là bà
Luz Mery và ba đứa con, ông biến hẳn tầng trệt rộng 90 mét vuông thành thư viện
có tên gọi là Mãnh lực của chữ nghĩa.
Sáng kiến này đã thành công vượt bậc. Rất nhiều người thiện
nguyện đã đến xin giúp gia đình yêu sách vở này một tay. Có nhiều người đến từ
nước ngoài nữa. Có lẽ đây là thư viện duy nhất trên thế giới tặng sách cho những
người đến mượn. Có những cuốn sách thật giá trị nhưng lại ở trong tình trạng
thê thảm khi bị vất bỏ, khiến bà Luz đã mở một loại “bệnh viện chữa sách” bỏ
công bỏ của tân trang lại hầu như lành lặn hoàn toàn.
Tiếng tăm của thư viện “mãnh lực của chữ nghĩa” lan rộng ra
khắp nơi, từ trong vùng rồi trên toàn quốc và vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Ông José Alberto được mời đến thăm nhiều hội chợ triển lãm sách mới tại
Santiago bên Chilê, Monterrey bên Mêhicô và Bogotà và nhiều nhà xuất bản đã tặng
sách cho thư viện. Ngày nay, thư viện có trên 25 ngàn tác phẩm và mở cửa suốt để
tặng hay cho mượn sách.
Ông bà Gutierrez rất vui mừng và nói Thật là khó tin được.
Càng cho đi lại càng nhận được nhiều hơn. Để có thể dành chỗ nhận sách mới, ông
bà lấy thời gian rảnh rỗi đi đến những vùng xa xôi cách trở và nghèo khó để
phát hay tặng sách. Nhiều trường học cũng gọi đến để xin sách cho học sinh
nghèo. Cho đến nay, sách tặng biếu đã được thư viện gửi đến 235 nơi khác nhau
trong nước, trong đó có cả những nơi vừa mới ra khỏi cuộc nội chiến kéo dài hơn
50 năm qua giữa quân đội chính quy và lực lượng phiến quân FARC. Một phiến quân
đã liên lạc với ông xin ông gửi sách cho các nhóm du kích để họ có thể chuẩn bị
hành trình trở về đời sống dân sự sau thỏa hiệp hòa bình ký kết hồi cuối tháng
11 năm ngoái.
Ông José nói: Tôi yêu sách từ khi còn nhỏ, sống tại một nơi
hẻo lánh, nghe mẹ tôi đọc sách dạy con hàng đêm. Chính điều này đã thay đổi con
người tôi. Sách giúp con người phát triển tâm linh. Tôi cũng đang cố gắng trở lại
học tập và sắp thi tú tài. Tôi nghĩ đến những du kích quân và tin chắc rằng nơi
chốn rừng sâu ấy, sách cũng là một dấu hiệu hòa bình, một biểu tượng của lòng
hy vọng.
(AFP 06.06.2017)
Mai Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét