TV 82
Thánh vịnh 82 là một sáng tác sử dụng thứ ngôn ngữ thần thoại
mang dấu vết ảnh hưởng của dân Canaan. Mục đích là nhằm tôn vinh Giavê Thiên
Chúa của Israel trên tất cả mọi thần linh của các dân tộc sống chung quanh, bằng
cách tưởng tượng ra một vụ phán xử của Giavê trong đại hội do Thiên Chúa triệu
tập. Các phán quyết đưa ra như sau: vì các thần linh ấy không bênh vực người
yêu đuối và kẻ nghèo túng, nên chúng không phải là các thần linh cứu độ. Chúng
bị dìm sâu trong ngu dốt, lảo đảo trong đêm tối, hoàn toàn bất lực trước sự đảo
lộn của trật tự thể lý và luân lý của thế giới. Chúng được gọi là thần linh,
đúng thế, nghĩa là “các con của Đấng Tối Cao”, nhưng tính chất thần linh của
chúng không phải là “thần linh tính” thật sự là sự bất tử và ổn định. Vì thế
chúng được chỉ định phải biến mất, và Thiên Chúa của Israel sẽ lấy cho Ngài
“gia tài của mọi dân tộc”.
Như vậy đây là một cuộc tranh luận tế nhị chống lại việc tôn
thờ thần giả, không dựa trên việc triệt để khước từ lý thuyết như trong các
ngôn sứ, nhưng dựa trên việc hạ bệ thực thụ, là một phương thế đặc biệt hữu hiệu
nơi một dân tộc không quá quen thuộc với suy tư biện chứng. Giải thích ý nghĩa
nguyên thuỷ này của thánh vịnh được xác nhận bởi các khám phá trong thế giới
tôn giáo và văn chương vùng Đông Phương Cổ, đặc biệt là thế giới Canaan của
thành Ugarit. Nhưng giải thích này được chồng lên trên hay được thay thế bằng một
giải thích khác, coi các thần linh của các câu 2 tới 6 là các thẩm phán của dân
được tuyển chọn, là các đại diện của Thiên Chúa và các quản nhiệm công lý của
Thiên Chúa, như trong thánh vịnh 58, trong đó Thiên Chúa quở trách họ đã không
thực thi tốt quyền bính của họ: “Hỡi những kẻ quyền thế, có thực các người phán
quyết công minh, xét xử người ta theo đường chính trực? Các người chủ tâm làm
điều bất chính,
ra tay bạo hành trên đất này.” (Tv 58,2-3). Giải thích thứ
hai này, được giả thiết trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với người do thái
như ghi trong Phúc Âm thánh Gioan chương 10, trong đó Chúa Giêsu nói: "Tôi
đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc
nào mà các ông ném đá tôi? " Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném
đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông
là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." Đức Giê-su bảo họ:
"Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán:
các ngươi là những bậc thần thánh""? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được
Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ
bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao
các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con
Thiên Chúa" (Ga 10,31-36). Giải thích này ở trên bình diện của việc triệt
để gỡ bỏ huyền thoại của ngôn ngữ huyền thoại, trong một giai đoạn trong đó vấn
đề của niềm tin độc thần của Israel không còn có các khó khăn nghiêm trọng trên
bình diện thực tế nữa.
Văn thể của thánh vịnh 82 thuộc loại cảnh báo ngôn sứ trong
một khung cảnh huyền thoại. Thánh vịnh gồm phần nhập đề, câu 1; lời cảnh cáo,
các câu 2-4; suy tư, các câu 5-7; và kết luận, câu 8.
“Thượng Đế chủ toạ triều đình thiên quốc, Người xử án giữa
chư thánh chư thần:”
Trong câu dẫn nhập thánh vịnh chúng ta thấy nơi chốn lời cảnh
báo của Thiên Chúa: chúng ta đang ở trong hội nghị, trong đó Giavê Thiên Chúa của
Israel đứng lên như “Thẩm phán tối cao” và đưa ra phán quyết chống lại các thành
phần khác của đại hội, nghĩa là “các thần linh” duới quyền Ngài.
“Thiên Chúa đứng lên”: Cảnh Thiên Chúa đứng lên phán xử được
ngôn sứ Isaia miêu tả trong chương 3 như sau: “Giavê đứng lên cáo tội, Người đứng
đó xét xử chư dân. Giavê đưa ra toà xét xử hàng kỳ mục và những kẻ lãnh đạo dân
Người: "Chính các ngươi đã ăn hại vườn nho. Của cải người nghèo các ngươi
đã bóc lột còn đang ở trong nhà các ngươi. Cớ sao các ngươi lại chà đạp dân Ta,
làm tan nát mặt mày những kẻ nghèo khó? " (Is 3,13-15)
“Đại hội của Thiên Chúa”: Trong huyền thoại Canaan thành
Ugarit hội nghị khoáng đại của các thần linh do thần El là cha của các thần chủ
sự. Các thần linh được gọi là “con của El” banu Elima. Kiểu nói này cũng được
tìm thấy trong thánh vịnh 89: “Trên cõi trời cao, nào có ai sánh tày Giavê?
Trong hàng thần thánh, hỏi có ai giống Giavê được chăng?
Thiên Chúa oai phong giữa triều thần thánh, vô cùng lẫm liệt trên hết cả quần thần.” (Tv 89,7-8). Hàng thần thánh ở đây tiếng do thái là “bene elim”. Trong thánh vịnh của chúng ta “El” là chính Thiên Chúa của Israel hay Elohim tức Giavê, nhưng Ngài không được giới thiệu như là “cha” của các nhân vật thiên linh, mà như thẩm phán nghiêm khắc.
Thiên Chúa oai phong giữa triều thần thánh, vô cùng lẫm liệt trên hết cả quần thần.” (Tv 89,7-8). Hàng thần thánh ở đây tiếng do thái là “bene elim”. Trong thánh vịnh của chúng ta “El” là chính Thiên Chúa của Israel hay Elohim tức Giavê, nhưng Ngài không được giới thiệu như là “cha” của các nhân vật thiên linh, mà như thẩm phán nghiêm khắc.
Các câu 2-7 của thánh vịnh 82 gồm sấm ngôn, các câu 2-4, và
suy tư của tác giả ngôn sứ, các câu 5-7.
"Tới bao giờ các ngươi còn xử án bất công, hay còn
thiên vị phường gian ác? Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan
cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi
nanh vuốt bọn ác nhân. "Vậy mà chúng chẳng hay chẳng hiểu, cứ bước đi, giữa
tăm tối mịt mù, khiến nền tảng địa cầu phải lung lay nghiêng ngả.
Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao, thế nhưng rồi phải chết không khác kẻ phàm nhân, và có ngày sụp đổ như mọi bậc quan quyền."
Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao, thế nhưng rồi phải chết không khác kẻ phàm nhân, và có ngày sụp đổ như mọi bậc quan quyền."
“Cho tới khi nào?” là công thức diễn tả thái độ không kiên
nhẫn chờ đợi mở đầu một lời khiển trách và một đe dọa, chẳng hạn như trong
chương 10 sách Xuất Hành: “Ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến với Pha-ra-ô và nói với
vua: "Giavê, Thiên Chúa của người Híp-ri, phán thế này: cho đến bao giờ
ngươi vẫn không chịu hạ mình xuống trước nhan Ta? Hãy thả dân Ta ra, để chúng
đi thờ phượng Ta. Nếu ngươi không chịu thả cho dân Ta đi, thì đây ngày mai
Ta sẽ cho châu chấu vào lãnh thổ ngươi. Chúng sẽ che kín cả mặt đất, khiến
người ta không thể thấy mặt đất nữa. Chúng sẽ ăn sạch những gì còn lại sau khi
thoát tai ương, những gì trận mưa đá còn để sót lại cho các ngươi: chúng sẽ ăn
sạch mọi cây cối của các ngươi mọc ngoài đồng. Cung điện của ngươi, nhà của
mọi bề tôi ngươi, nhà của mọi người Ai-cập sẽ tràn ngập châu chấu; đó là điều
mà cha ông ngươi, cũng như cha ông của cha ông ngươi chưa từng thấy từ ngày có
họ trên mặt đất cho đến ngày hôm nay." Rồi ông Mô-sê quay gót, ra khỏi
cung điện Pha-ra-ô. Bề tôi Pha-ra-ô thưa với vua: "Tên ấy còn gieo hoạ
cho chúng ta đến bao giờ nữa đây? Xin bệ hạ thả bọn người ấy ra, để họ đi thờ
phượng Giavê, Thiên Chúa của họ. Bệ hạ chưa biết Ai-cập đang đi tới chỗ diệt
vong hay sao? " (Xh 10,3-7).
“Các phán quyết gian tà”: lời trách cứ cũng như những gì còn
lại của lời khích lệ thực thi đúng đắn quyền phán xử của các câu theo sau, xem
ra phù hợp với các quan án của trần gian này. Từ đó nảy sinh ra giải thích truyền
thống coi các “thần linh” của câu 1 biểu tượng cho các thẩm phán của thế giới
này. Duy trì giải thích huyền thoại lời trách cứ của Thiên Chúa và các khích lệ
trong các câu 3-4 có mục đích nêu bật việc thiếu ngay thẳng nơi các thần ngoại
giáo trong việc phán xử và thiếu nhậy cảm đối với kẻ nghèo hèn và bị áp bức. Đó
là các nhân đức nền tảng của ngai Giavê.
“Thông phần của các kẻ gian ác”, dịch sát chữ là “mang bộ mặt
của các kẻ gian ác”. Trong Thánh Kinh Cựu Ước đây là lời quở trách các thẩm
phán và các kẻ quyền thế. Nhưng nơi Thiên Chúa thì không hề có như vậy bao giờ.
Vì Giavê Thiên Chúa của Israel là Đấng thánh thiện, nhân từ và phán xử công
minh cho mọi người, không thiên vị ai và không bao giờ chấp nhận sự gian ác.
“Hãy bênh vực người yêu đuối, kẻ mồ côi và xử công bằng cho
người khốn khổ kẻ bần cùng”: Đây đã là giáo huấn được ghi trong chương 22
sách Xuất Hành: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì
chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. Mẹ goá con côi, các ngươi
không được ức hiếp.” (Xh 22,21); Chương 10 sách Đệ Nhị Luật cũng viết: “Giavê,
Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại,
dũng mãnh, khả uý, là Đấng không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ, là
Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn
áo mặc” (Đnl 10,17-18). Bênh vực kẻ nghèo hèn, người goá bụa, trẻ mồ côi chống
lại sự áp bức của kẻ quyền thế cũng là điều được ghi trong các luật lệ của vùng
Trung Đông Cổ. Đây là nét đẹp ngàn đời diễn tả đỉnh cao của luật lệ văn minh
trong xã hội loài người. Vì thế ở đâu các lớp người này không được bênh vực bảo
vệ thì đó là dấu chứng xã hội đã bị băng hoại, suy thoái và xuống cấp trầm trọng.
Các thần giả của dân ngoại, vì là các vật vô hồn do con người
chế ra, nên chúng không hiểu biết gì và không thể hiểu biết gì. Tác giả thánh vịnh
115 tranh luận với dân ngoại và khẳng định như sau: “Thiên Chúa chúng ta ở trên
trời, muốn làm gì là Chúa làm nên. Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ
do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có
mũi có tai, không ngửi không nghe. Có hai tay, không sờ không mó
có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng.” (Tv 115, 3-7). Tác giả thánh vịnh 13 cũng có cùng lập luận như thế khi viết: “Tượng thần chư dân chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành: Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có hai tai, mà chẳng thể nghe chi,
không chút hơi thở nơi mồm nơi miệng. Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần, cũng giống như chúng vậy!” Tv 135,15-18).
có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng.” (Tv 115, 3-7). Tác giả thánh vịnh 13 cũng có cùng lập luận như thế khi viết: “Tượng thần chư dân chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành: Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có hai tai, mà chẳng thể nghe chi,
không chút hơi thở nơi mồm nơi miệng. Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần, cũng giống như chúng vậy!” Tv 135,15-18).
Chính vì là thần giả nên chúng bước đi trong tối tăm. Nếu nền
móng trái đất có rung chuyển chúng chẳng làm được gì và không có khả năng đem lại
an ủi và vơi nhẹ nào cho con người. Còn Giavê Thiên Chúa của Israel là núi đá
trú ẩn cho tín hữu (Tv 29,1). Ngài là “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn
loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư. Nền trái đất, Người dựng trên biển
cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.” (Tv 24,1-2).
“Tôi đã nói: các ngươi là thần linh, tất cả là con Đấng Tối
Cao, thế nhưng sẽ chết như mọi người, sẽ ngã như mọi kẻ quyền thế”: là suy tư
châm biếm của tác giả đối với các thần ngoại. “Các ngươi sẽ chết” cũng là
lời phán xử mà Adam và Evà đã nghe từ Thiên Chúa trong vườn địa dàng sau khi họ
phạm tội kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa. Các con cái giả của Đấng Tối Cao cũng
bị kết án chết như các kẻ quyền thế bị thất sủng và mất hết phẩm giá và đặc ân
đặc lợi.
Thánh vịnh 82 kết thúc với lời cộng đoàn Israel tụ tập cử
hành việc phụng tự kêu xin Chúa phán xử trái đất, vì chắc chắn trong tay Ngài họ
sẽ đuợc gia nghiệp của tất cả mọi dân tộc:
“Tâu Thượng Đế, xin Ngài đứng dậy mà xét xử địa cầu, vì
chính Ngài làm chủ muôn dân.”
TV 82
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét