01/12/2019
CHÚA NHẬT TUẦN 1
MÙA VỌNG NĂM A
(phần II)
Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật I Mùa Vọng A
(Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)
CANH THỨC CHỜ ĐỢI CHÚA
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào
Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).
Chúa Giêsu đã đến qua mầu nhiệm
nhập thể và Người sẽ lại đến qua mầu nhiệm quang lâm. Mùa Vọng nhắc nhớ các tín
hữu về ngày Chúa nhập thể làm người; đồng thời hướng họ đến sự đợi chờ ngày
Chúa đến trong vinh quang. Các bài đọc lời Chúa hôm nay cho thấy người tín hữu
phải chờ đợi ngày Chúa đến với tâm tình nào.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Ngôn sứ Isaia đệ nhất loan báo một
thời hòa bình vĩnh cửu trong tương lai, trong đó muôn dân nước sẽ tập hợp đến
núi Nhà Đức Chúa. Và nhờ sự phân xử của Chúa mà muôn dân được hưởng thái bình.
Ngôn sứ mở ra một quang cảnh phổ
quát của ơn cứu độ trong tương lai, trong đó muôn dân nước sẽ tập hợp về núi
Nhà Đức Chúa. Dù Đức Chúa là “Thiên Chúa của Giacóp”, nhưng “dân dân lũ lượt
đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi” (x. Is 2,2-3). Không chỉ dân riêng
được Chúa tuyển chọn mới có quyền đến thờ lạy Thiên Chúa trên núi thánh tại
Giêrusalem, mà tất cả mọi dân nước đều được mời gọi đến phụng thờ Thiên Chúa,
vì nhà của Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân (x. Is 56,6-8). Đồng thời, từ
Giêrusalem, Thiên Chúa sẽ dạy người ta về đường lối của Người và nhờ sống theo
đường lối của Chúa, người ta mới có hoà bình đích thật.
Quả vậy, thánh luật của Chúa là
tiêu chuẩn mà Người sẽ dùng để làm trọng tài phân xử cho các dân tộc. Thánh luật
của Người dựa trên nền tảng “chính trực công minh” và lòng “yêu thương nồng nhiệt”
(x. Is 9,6), nên sự phân xử của Người vừa dựa trên sự công bằng, đúng đắn,
nghiêm minh, vừa dựa trên tình thương nồng nàn. Sự công minh và tình thương của
Thiên Chúa thôi thúc người ta đi theo đường lối của Người và nhờ giữ thánh luật
của Chúa mà người ta sẽ sống với nhau trong cảnh thái bình (Is 2,4; x. 11,6-9).
Như thế, nền hoà bình thật sự của các quốc gia không đặt nền tảng trên các loại
vũ khí hay nghề chinh chiến mà trên nền tảng thánh luật của Chúa.
Dù là “nhà Giacóp”, dân riêng của
Chúa, hay bất cứ dân nước nào, nếu đi trong ánh sáng của thánh luật Chúa, trên
nền tảng “công minh chính trực” và “lòng thương”, thì sẽ tìm được nền hoà bình
đích thật.
2. Bài đọc 2:
Đặt trong viễn tượng cánh chung,
thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Rôma hãy tỉnh thức, bằng cách sống đạo đức,
thánh thiện theo khuôn mẫu Đức Kitô.
Trước hết, thánh Phaolô nói về
“ngày Thiên Chúa cứu độ đã gần hơn trước kia”. Ngày cứu độ đã bắt đầu khi Đức
Kitô chết và sống lại, nhưng ơn cứu độ chỉ được hoàn tất trọn vẹn khi Người trở
lại trong ngày quang lâm. Trong khi chờ đón ngày Đức Kitô trở lại (x. 1 Tx
3,12; 1 Cr 1,8), người tín hữu được mời gọi sống tỉnh thức. Đây là lời mời gọi
cấp bách vì thời gian đang qua đi, “đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12) nhưng
không ai biết chắc lúc nào Người sẽ đến trong vinh quang (Mt 24,42; 25,13) để
xét xử kẻ sống và kẻ chết (Kinh Tin Kính).
Sau nữa, tác giả thư Rôma hối
thúc các tín hữu hãy “loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự
sáng để chiến đấu” (Rm 13,12). Thật vậy, một trong những cách tỉnh thức là đứng
về phía sự sáng, dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa (x. Ep 6,10-11), “mặc áo giáp
là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5,8), mà sống
cuộc đời công chính (x. Rm 6,13). Sự công chính là thứ vũ khí của ánh sáng,
giúp chiến đấu chống lại những gì là đen tối trong lòng con người và trong thế
giới này.
Cuối cùng, các Kitô hữu được mời
gọi “mặc lấy Chúa Kitô” (Rm 13,14). Qua Bí tích Rửa tội, các tín hữu thuộc về
Chúa Kitô, được kết hợp với Người và trở nên giống hình ảnh của Người. Như thế,
mặc lấy Đức Kitô là trở nên giống như Người, hoạ lại đời sống của Người, nghĩa
là không chiều theo bản tính tự nhiên mà ăn uống quá độ, chơi bời dâm đãng hay
cãi cọ ghen tương (Rm 13,13). Trái lại, các tín hữu được thúc đẩy sống đứng đắn
như người đang sống giữa ban ngày, nghĩa là sống ngay thẳng, thánh thiện.
3. Bài Tin Mừng:
Tác giả Tin Mừng Mátthêu dùng
hình ảnh trong Cựu Ước nhằm cho thấy tính cách bất ngờ của ngày “Con Người
quang lâm” và mời gọi độc giả “hãy canh thức” vì “chính giờ phút anh em không
ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Trước hết, Chúa Giêsu dùng biến
cố trong Cựu Ước để cho thấy tính cách bất ngờ của ngày Chúa Giêsu trở lại. Thật
vậy, trong khi thiên hạ vẫn đang mải mê “ăn uống, cưới vợ, lấy chồng”, không
hay biết ngày ông Nôê và gia đình vào tàu vì tin vào lời của Thiên Chúa, thì nước
hồng thuỷ ập tới bất ngờ và tiêu diệt tất cả (x. St 6,13-22). Thiên Chúa đã từng
tiêu diệt những kẻ sống trong tội lỗi cách bất ngờ thế nào trong biến cố ông
Nôê, thì Người cũng có thể trừng phạt những ai không chuẩn bị sẵn sàng như thế
trong ngày Đức Kitô quang lâm.
Sau nữa, Tin Mừng cho thấy số phận
con người sẽ không giống nhau trong ngày đó. Dù là đàn ông hay đàn bà, đang ở
ngoài đồng hay đang xay bột, thì sẽ có người “được đem đi” và cũng có kẻ “bị bỏ
lại”, có người được ân thưởng thì cũng có kẻ bị trừng phạt. Người ta không thể
biết được lúc nào Chúa Kitô sẽ lại đến trong vinh quang, nhưng số phận của mỗi
người vào lúc đó sẽ khác nhau tùy thuộc vào cách sống trong hiện tại. Nếu người
ta có sự chuẩn bị thì đó là ngày họ “được đem đi” cùng với Đức Kitô; trái lại,
nếu không có sự chuẩn bị trong cuộc sống hiện tại thì đó là ngày họ “bị bỏ lại”.
Cuối cùng, tác giả Tin Mừng
Mátthêu cho thấy sự cần thiết phải ở trong trạng thái canh thức và sẵn sàng để
ngày Chúa Kitô trở lại không là một sự bất ngờ. Thật vậy, như chủ nhà không thể
biết giờ nào kẻ trộm đến, nên nếu muốn nhà của mình an toàn thì không còn cách
nào khác là phải luôn ở trong trạng thái canh thức; cũng vậy, giờ Chúa Kitô
quang lâm sẽ không phải là một sự bất ngờ nếu người ta ở trong trạng thái sẵn
sàng chờ đón Người.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Ơn cứu độ mở rộng cho tất cả
mọi dân mọi nước. Tất cả những ai sống theo đường lối thánh chỉ của Thiên Chúa
đều được mời gọi đến để hưởng nền hoà bình viên mãn. Hoà bình theo đường lối của
Thiên Chúa đặt nền tảng trên sự công minh, chính trực và yêu thương. Hơn ai hết,
tất cả các Kitô hữu đều có bổn phận xây dựng hoà bình theo đường lối của Thiên
Chúa bằng chính đời sống ngay thẳng và yêu thương.
2/ Thánh Phaolô phác hoạ viễn tượng
cánh chung khi Đức Kitô trở lại để đưa ơn cứu độ đến hồi viên mãn. Trong khi chờ
đợi ngày đó, các tín hữu được mời gọi sống tỉnh thức bằng cách “mặc lấy Chúa
Kitô”, trở nên giống như Người. Sống giữa thế giới với biết bao nhiêu cám dỗ,
các Kitô hữu dễ bị lôi kéo hướng chiều về những chuyện của thế gian. Nhờ “mặc lấy
Chúa Kitô”, mặc lấy lối sống của con cái ánh sáng, sống theo chân lý Tin Mừng,
họ mới có thể thoát khỏi những lôi kéo của sức mạnh bóng tối sự dữ, làm cho họ
không còn tỉnh thức đợi chờ Chúa Kitô quang lâm.
3/ Tin Mừng Mátthêu cho thấy
tính bất ngờ của ngày Chúa đến và mời gọi các tín hữu ở trong tư thế canh thức
và sẵn sàng. Thật không dễ dàng canh thức chờ đợi mà không biết chính xác lúc
nào Đấng mình chờ đợi sẽ đến để sẵn sàng nghênh đón, vì bất cứ sự chờ đợi nào
cũng có thể làm cho người ta mệt mỏi, nản lòng mà mất cảnh giác. Tuy vậy, nếu mỗi
Kitô hữu tin rằng Chúa Kitô là Đấng đáng cho mình đợi chờ, hy vọng và sự đợi chờ
đi kèm với lòng yêu mến thì mới giúp người tín hữu kiên tâm cho đến cùng để được
cứu độ (x. Mt 10,22).
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị
em thân mến! Bước vào một chu kỳ phụng vụ mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải
luôn tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Đó chính là tâm tình để sống Mùa Vọng,
là thời gian chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh và hướng về ngày Chúa quang lâm. Với
tâm tình hân hoan chào đón Chúa, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. Hội Thánh có sứ mạng mời gọi
mọi người “bước đi trong ánh sáng của Chúa.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi
thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực sống và làm chứng cho Tin Mừng, giúp
con người thời đại tin nhận Đức Giêsu Kitô là ánh sáng thế gian.
2. Thiên Chúa sẽ quy tụ các dân
tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho
những người đang hoang mang lạc hướng vì thiếu niềm tin trong cuộc sống, được
ơn nhận biết chỉ có Thiên Chúa mới đem lại ý nghĩa cho đời người.
3. Thánh Phaolô kêu gọi các tín
hữu hãy từ bỏ những hành vi đen tối và mang lấy khí giới sự sáng. Chúng ta hiệp
ý cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết hướng về ngày Chúa quang lâm bằng một thái độ
tích cực: tránh xa tội lỗi và canh tân đời sống theo tinh thần Phúc Âm.
4. Chúa Giêsu nói: “Hãy tỉnh thức,
vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.” Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi
người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống tinh thần tỉnh thức, bằng việc siêng
năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, và tích cực làm việc lành.
Chủ tế: Lạy
Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ý nguyện của cộng đoàn chúng
con, và ban ơn Thánh Thần giúp chúng con luôn vững lòng tin cậy nơi Chúa trong
mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm A
HÃY SẴN SÀNG
CHO MỘT TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP
CHO MỘT TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP
“Anh em hãy sẵn
sàng”
(Mt 24,44)
Sợi chỉ đỏ :
– Tương lai tốt đẹp được khơi
lên bởi ngôn sứ Isaia (Bài đọc I)
– Nghĩ đến nó, tác giả Tv 121
hân hoan hát mừng Thiên Chúa (Đáp ca)
– Đức Giêsu khuyên hãy tỉnh thức
sẵn sàng chờ đón nó (Bài Tin Mừng)
– Thánh Phaolô giải thích thế
nào là tỉnh thức sẵn sàng (Bài đọc II)
Hôm nay Giáo Hội bước vào Mùa Vọng.
Vọng là chờ, là mong. Nhưng chúng ta chờ mong điều gì ? Phải chăng là mong
chờ Lễ Giáng sinh ? Thưa không, chúng ta không mong chờ một lễ vui, mà
mong chờ chính Chúa sẽ đến với chúng ta. Khi Ngài đến, Ngài sẽ mang cho chúng
ta bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rằng những ơn lành ấy chỉ đến
với những ai đã chuẩn bị lòng mình sẵn sàng. Vậy kể từ hôm nay, mỗi người chúng
ta hãy tích cực chuẩn bị tâm hồn, vì ơn cứu độ của Chúa đã đến gần.
– Một năm phụng vụ đã trôi qua,
hôm nay bắt đầu một năm phụng vụ mới. Phải chăng trong năm phụng vụ vừa qua
chúng ta đã có phần thờ ơ, ươn lười, nhiều lầm lỗi ?
– Xã hội ngày nay đầy dẫy sự xấu.
Phải chăng chúng ta cũng có phần tạo nên tình trạng ấy ?
– Chúng ta cũng mong rằng thế giới
sẽ tốt hơn, con người sẽ thương yêu nhau hơn. Nhưng chúng ta có làm gì cho
tương lai ấy mau đến không ?
Vào hậu bán thế kỷ VIII trước
công nguyên, vương quốc Giuđa khá thịnh vượng về mặt vật chất, nhưng lại rất
suy đồi về mặt đạo đức. Trước tình trạng ấy, ngôn sứ Isaia một mặt thẳng thắn vạch
tội dân và kêu gọi họ ăn năn sám hối, mặt khác loan báo rằng nếu dân trở lại
thì Thiên Chúa sẽ ban cho họ một tương lai tốt đẹp.
Tương lai ấy được Isaia diễn tả
bằng những hình ảnh thi vị :
– Đó sẽ là thời dân Thiên Chúa
được tôn vinh : “Núi Nhà Chúa sẽ được xây trên đỉnh các núi”. Mà dân Thiên
Chúa được tôn vinh cũng có nghĩa là Thiên Chúa được tôn vinh, vì chính nhờ đức
tin của họ mà các dân tộc trên mặt đất sẽ biết tới Chúa và tôn thờ Ngài :
“Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng : Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và
lên nhà của Giacóp”.
– Khi mọi người đã biết tôn thờ
Chúa thì đó cũng sẽ là một thời thái bình : “Người ta sẽ lấy gươm mà rèn
nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh
nước kia nữa”.
Tâm tình đầy lạc quan hy vọng của
Isaia được diễn tả qua Tv 121 : “Ôi tôi sung sướng biết bao khi nghe
nói : Chúng ta sẽ về nhà Chúa”
Đức Giêsu cho biết Ngày tốt đẹp ấy
sắp đến. Nhưng Ngài đặc biệt lưu ý ba điều :
a/ Ngày ấy sẽ đến một cách không
ai ngờ cũng như chuyện Hồng thuỷ thời Nôe : thiên hạ cứ mải mê với những
chuyện thế tục “Người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Nôe
vào tàu mà người ta cũng không ngờ”.
b/ Trong Ngày ấy, số phận loài
người sẽ phân thành hai hạng khác nhau : có người sẽ “được đem đi” (được
tiếp nhận), nghĩa là được nhận vào hưởng tương lai hạnh phúc với Chúa, nhưng có
người sẽ “bị bỏ lại”, nghĩa là không được hưởng hạnh phúc ấy (Chú ý : một số
bản Việt ngữ đã dịch ngược nghĩa là “bị đem đi” và “được để lại”).
c/ Được tiếp nhận hay bị bỏ rơi
là do người ta có chuẩn bị sẵn sàng hay không. Vì thế Đức Giêsu kết luận :
“Vậy các con phải sẵn sàng”
Thánh Phaolô nói rằng Ngày tươi
sáng đó rất gần rồi : “Giờ đây phần rỗi của chúng ta gần đến… Đêm sắp tàn,
ngày gần đến”. Và Ngài giải thích thế nào là tỉnh thức sẵn sàng :
a/ Trước hết, tỉnh thức sẵn sàng
là “từ bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu”.
Nghĩa là phải tích cực chiến đấu để loại trừ sự dữ và cổ vũ cho sự thiện.
b/ Kế đó, tỉnh thức sẵn sàng là
thay đổi cách sống : Hãy bỏ nếp sống cũ theo xác thịt, thể hiện trong việc
ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị, lo lắng thỏa mãn những
dục vọng xác thịt ; thay vào đó bằng một cuộc sống mới theo gương Đức
Giêsu Kitô.
Alan Platon là một nhà văn Nam
Phi, tác giả một quyển sách nhan đề Cry the Beloved Country trong
đó ông mô tả hoàn cảnh khốn khổ của nước Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.
Platon có một giấc mơ : ông mơ có một ngày mà mọi người dân trong đất nước
của ông đều được đối xử công bình và bình đẳng. Và để thực hiện giấc mơ ấy, ông
đã lao mình vào chính trị, đấu tranh suốt mấy mươi năm để xoá bỏ chế độ
apartheid ấy. Nhiều người cho rằng mơ ước và việc làm của Platon là không thể
nào thực hiện được. Nhưng ông vẫn kiên trì vì tin rằng ngày mơ ước ấy sẽ đến.
Chỉ tiếc là ông đã chết trước khi thấy được ngày đó, nhưng lịch sử chứng minh rằng
ông đã đúng.
Ngôn sứ Isaia còn có một giấc mơ
táo bạo hơn nữa : Ông mơ tới ngày các nước sẽ không còn tuốt gươm chém giết
lẫn nhau nữa, người ta sẽ lấy gươm rèn thành lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm,
và mọi người sẽ bước đi trong ánh sáng của Chúa. Thật là một giấc mơ tuyệt vời !
Có người cho rằng giấc mơ ấy sẽ đến khi Đấng Messia đến. Người khác cho rằng nó
chỉ sẽ đến khi Đấng Messia lại đến lần thứ hai. Có kẻ nói nó sẽ chẳng bao giờ đến,
đó chỉ là nằm mơ giữa ban ngày. Nhưng vẫn có người tin rằng thế nào nó cũng đến
nên miệt mài theo đuổi như Alan Platon trong chuyện trên.
Một chuyện khác : Một người
thợ săn nghe nói tới một con chim đặc biệt có đôi cánh rộng màu trắng rực rỡ.
Đó là con chim đẹp nhất trong các loài chim trên mặt đất. Vì thế người thợ săn
không quản ngại đường xa, trèo đồi vượt suối đi tìm nó hết ngày này sang ngày
khác, tháng này đến tháng nọ, năm này đến năm kia. Một lần anh đã may mắn thấy
được bóng dáng nó ở một khoảng cách rất xa. Nhưng chỉ thoáng thấy là nó bay đi
mất. Anh vẫn kiên trì đi tìm. Một ngày kia anh nhặt được một cọng lông trắng của
nó. Rồi anh chết đi mà không bao giờ bắt được con chim mơ ước của mình.
Cuộc săn tìm của người thợ săn
là hình ảnh của loài người tìm kiếm hòa bình. Giấc mơ toàn thế giới vui hưởng
thái bình của Isaia có thể không thực hiện được nhưng nó không chỉ đơn thuần là
nằm mơ giữa ban ngày, mà giống như một ngọn núi mà ta mơ có ngày sẽ đứng trên
đó. Dĩ nhiên muốn thế thì ta không thể cứ ngồi một chỗ mà mơ, hoặc ước chi nó từ
trên trời hạ thấp xuống tận chân ta. Ta phải leo, phải có chương trình và kiên
trì làm theo chương trình ấy, cho dù có chậm chạp và lâu dài.
Ngay cả khi giấc mơ thái bình ấy
sẽ không bao giờ được thực hiện trọn vẹn trên toàn thế giới đi nữa, thì việc
theo đuổi giấc mơ ấy cũng có ảnh hưởng tốt trên đời ta. Điều quan trọng không
phải là đạt được mục đích mà là sống có mục đích. Nhiều khi, có một mục đích tốt
cho đời mình thì kể như đủ, miễn là không bao giờ ta bỏ mục đích ấy.
Thế giới ngày nay nhờ khoa học kỹ
thuật tiến bộ có thể làm được hầu như mọi điều, nhưng lại bất lực không tạo ra
hòa bình được : bất hòa khắp nơi, trên bình diện lớn như nước này với nước
nọ, dân này với dân nọ ; hoặc trên bình diện nhỏ như nhóm này với nhóm
kia, người này với người khác. Mỗi kitô hữu có thể góp phần mình vào việc thực
hiện giấc mơ thái bình của Isaia, bằng những cố gắng xoá bỏ óc kỳ thị, sự đố kỵ,
ích kỷ, chia rẻ nhau… ; bằng cách gieo rắc hòa thuận, cảm thông, hợp tác…
Chúng ta cũng nên biết rằng
chúng ta không cô đơn trong những cố gắng ấy, mà có Chúa giúp ta : Thiên
Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi sai Con Một của Ngài đến ở với loài người
chúng ta, thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian này, và cùng đồng hành với
chúng ta trong nỗ lực leo lên đỉnh núi thái bình.
Lời Thánh Phaolô trong bài đọc
II làm cho chúng ta giật mình. Phải chăng chúng ta đang ngủ vùi ?
Đúng vậy, dù mắt chúng ta vẫn mở
nhưng thực sự chúng ta đang ngủ trong bóng tối mịt mù :
– Chúng ta ngủ vì “những việc
làm đen tối”
– Chúng ta ngủ vì cứ “chè chén
say sưa, chơi bời dâm đãng”
– Chúng ta ngủ vì lòng đầy
“tranh chấp đố kỵ”
– Chúng ta ngủ vì chỉ “lo lắng
thỏa mãn những dục vọng xác thịt”.
Nhưng Thánh Phaolô nhắc nhở rằng :
“Đêm sắp tàn, ngày gần đến” và “Giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc
chúng ta mới tin đạo”, vậy “Đây là lúc chúng ta phải thức dậy”.
– “Hãy đi đứng đàng hoàng như giữa
ban ngày”
– Hãy “cầm lấy khí giới của sự
sáng” để chiến đấu chống lại những sức mạnh của tối tăm tội lỗi.
– Hãy cởi bỏ con người cũ thiên
về những dục vọng xác thịt để “mang lấy Đức Giêsu Kitô”.
“Hai người đàn ông đang ở ngoài
đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Hai người đàn bà đang xay
bột, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi”.
Đức Giêsu chỉ nói tình trạng như
thế thôi chứ không nói rõ lý do tại sao. Tuy nhiên chúng ta có thể biết lý do
qua câu chuyện Ngài kể về thời ông Nôe : Ông Nôe chính là người được tiếp
nhận, nhờ ông đã tỉnh táo nghe được lời Chúa báo sắp có nạn Hồng thuỷ, và ông đã
tích cực chuẩn bị đóng tàu. Còn mọi người khác là những kẻ bị bỏ rơi, vì họ chẳng
để ý tới việc gì khác ngoài cuộc sống vật chất, “ăn uống, dựng vợ gả chồng”. Những
bận tâm đó đã chiếm hết tâm trí họ rồi, còn tâm trí đâu mà để ý đến lời Chúa.
Giả như ông Nôe có kể lại cho họ nghe lời cảnh báo của Chúa thì họ cũng không
tin và còn cho là chuyện viễn vông, không thiết thực như chuyện “ăn uống, dựng
vợ gả chồng”.
Trong cuộc sống của chúng ta, giữa
những bề bộn lo lắng về vật chất, thế tục, Lời Chúa vẫn vang lên để nhắc chúng
ta phải biết quan tâm đến nhiều việc khác thuộc phương diện tinh thần, phương
diện siêu nhiên, phương diện đời đời… Ai tỉnh táo thì nghe được và sẽ “được tiếp
nhận”, kẻ nào mãi thờ ơ thì như “đàn gãy tai trâu” và sẽ “bị bỏ lại”.
* Hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã
sa, con hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường
quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quỵ, bị nhiều cú đấm, bị thương tích,
nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế (ĐHV 971)
Cha Charles de Foucauld có để lại
mấy giòng sau đây. Đọc kỹ, con sẽ thấy phấn khởi tâm hồn và lấy lại được niềm
tin, nhất là những lúc hầu như con thất vọng :
– “Dù con xấu xa, dù con tội lỗi,
con cũng trông cậy vững chắc rằng con sẽ được lên trời. Chúa cấm con thất vọng
về điều đó”.
– “Dù con bội bạc cách mấy, khô
khan cách mấy, hèn nhát cách mấy, lợi dụng ơn Chúa cách mấy. Chúa cũng vẫn bắt
con phải hy vọng được sống đời đời dưới chân Chúa trong tình thương và sự thánh
thiện”.
– “Chúa cấm con ngã lòng trước sự
khốn nạn của con. Chúa không cho con nói ‘Tôi không thể đi tới được, đường lên
trời khó khăn quá, tôi phải thụt lùi và trở xuống chỗ thấp”
– “Trước những sa ngã trở đi trở
lại của con, Chúa lại cấm không cho con nói : “Tôi không hề sửa mình được,
tôi không có sức để nên thánh, tôi không xứng đáng để vào thiên đàng…”
– “Vậy Chúa muốn con phải trông
cậy Chúa luôn, vì Chúa ra lệnh và vì con phải tin ở tình thương và quyền năng của
Chúa” (ĐHY NVT, Trên đường lữ hành)
Ở Mêhicô, giáo phận của Đức Cha
Samuel Ruiz có tới 80 % giáo dân là người da đỏ bản xứ. Bản thân ngài nổi tiếng
là người bênh vực cho dân da đỏ. Nhưng không phải tự nhiên mà ngài làm được việc
đó đâu. Trong một buổi nói chuyện ở Nhà thờ Chính tòa Westminster Mùa Chay
1996, ngài đã thố lộ tâm sự như sau : “Suốt 20 năm làm giám mục giáo phận
này, tôi như một con cá đang ngủ (sleeping fish), nghĩa là mắt vẫn mở nhưng chẳng
thấy gì. Tôi còn hãnh diện vì giáo phận có nhiều nhà thờ và giáo dân đông đúc.
Rồi một hôm tôi gặp cảnh một người da đỏ bị trói vào một thân cây và bị ông chủ
dùng roi quất túi bụi vì lý do người này không chịu làm thêm 8 giờ phụ trội nữa.”
Chính cái biến cố đó đã làm cho Đức Cha Samuel Ruiz “thức dậy”. Từ đó trở đi,
Ngài hăng hái tranh đấu cho quyền lợi người da đỏ.
Chuyện trên cho ta thấy hai điều :
1/ Thiên Chúa có nhiều cách để kêu gọi người ta thức dậy ; 2/ Và cũng có
nhiều cách thức dậy : thức dậy về thể xác (thôi ngủ), thức dậy về xã hội,
thức dậy về đạo đức v.v.
Chủ tế : Anh chị em thân mến
Mùa Vọng, mùa Xuân của năm phụng
vụ, là thời gian chuẩn bị đón mừng Đức Kitô, Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với
loài người, vừa hướng lòng trông đợi Người đến lần thứ hai trong ngày tận thế.
Trong niềm khát khao trông chờ Chúa ngự đến, chúng ta cùng tin tưởng nguyện
xin.
1- Hội Thánh được Chúa Giêsu thiết
lập / và trao ban sứ mạng rao giảng mọi nước mọi dân biết Thiên Chúa là Tình
yêu. / Người yêu thương và muốn cứu độ hết thảy mọi người. / Chúng ta hiệp lời
cầu xin cho Hội Thánh / luôn làm tròn sứ mạng cao quý nhưng hết sức khó khăn
này.
2- Khát vọng sâu xa nhất của con
người thời nay / là được sống trong hòa bình và thịnh vượng. / Nhưng chiến
tranh vẫn bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới / gây ra biết bao cảnh tang thương.
/ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lòng bác ái yêu thương thâm nhập mọi sinh hoạt
trần thế / để mọi người biết thương yêu và tôn trọng nhau hơn.
3- Thánh Phaolô kêu gọi : /
“Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày / không chè chén say
sưa / không chơi bời dâm đãng / cũng không cãi cọ ghen tương” / Chúng ta hiệp lời
cầu xin cho những ai tin Chúa / biết luôn ghi nhớ và thực hiện lời mời gọi của
vị tông đồ dân ngoại / để có thể trở nên muối ướp mặn đời / và ánh sáng chiếu
soi trần gian.
4- Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ :
/ “Anh em hãy canh thức / vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”. /
Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn sẵn sàng
đón Chúa ngự đến / bằng một đời sống sốt sắng thờ phượng Chúa và chan hòa tình
bác ái yêu thương.
CT : Lạy Chúa, vì yêu thương thế gian, Chúa đã ban Con
Một xuống thế làm người, sống kiếp phàm nhân, nên giống chúng con trong mọi sự,
trừ tội lỗi. Xin cho tất cả chúng con thiết tha trông chờ Con Chúa ngự đến, biết
chuẩn bị xứng đáng tâm hồn, để đón mừng mầu nhiệm Giáng sinh cao cả. Chúng con
cầu xin…
(Phần “Lời nguyện cho mọi người”
của Năm A này được trích từ Báo Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt Giáng sinh
năm Phụng vụ A, 1998-1999)
– Nên dùng Kinh nguyện Thánh Thể
3, nhấn mạnh một số nơi :
. (Sau lời tung hô sau truyền
phép) : “Vì vậy lạy Cha, giờ đây chúng con tưởng nhớ… đồng thời
mong đợi Người lại đến, chúng con dâng lên Cha hy lễ hằng sống và thánh thiện
này…”
. (Sau truyền phép, đoạn
4) : “Lạy Cha, xin cho hy lễ hòa giải này… Còn những con cái Cha
đang tản mát bốn phương trời, xin thương quy tụ tất cả về với Cha…”
– Trước Kinh Lạy Cha :
Trong niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta hãy sốt sắng dâng lên
Thiên Chúa là Cha chúng ta lời kinh Lạy Cha sau đây :
– Chúc bình an : Ngôn sứ
Isaia đã mơ đến ngày thế giới không còn chiến tranh, người ta sẽ lấy gươm giáo
rèn thành lưỡi hái lưỡi cày. Chúng ta hãy chúc cho nhau được bình an và trở
thành những người xây dựng hòa bình cho cuộc sống.
– Trước lúc rước lễ : “Đây
Chiên Thiên Chúa, Đấng đã đến xóa tội trần gian và sẽ lại đến thăm viếng
chúng ta, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Dùng công thức ban phúc lành cuối
lễ long trọng của Mùa Vọng (Sách lễ Rôma, xuất bản 1992, trang 575)
Lm.
Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Vọng (A)
Hãy luôn sẵn sàng
Thiên Chúa có thể đến với
chúng ta bất cứ lúc nào
Mt 24:37–44
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần
Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho
các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết
trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên
Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập
giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự
sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự
thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong
Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung
quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng
dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức
mạnh sự Phục Sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống
hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa
bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải
cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.
Amen
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa cho
bài đọc:
Trong phần Phụng Vụ của Chúa Nhật
thứ nhất Mùa Vọng, Giáo Hội đặt trước chúng ta một trích đoạn bài giảng của
Chúa Giêsu về ngày tận thế. Mùa Vọng có nghĩa là Trông
Đợi. Đây là thời gian chuẩn bị cho sự xuất hiện của Con Người
vào đời sống chúng ta. Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta hãy tỉnh thức. Người
đòi hỏi chúng ta phải chú ý tới các sự kiện để khám phá trong đó dấu hiệu giờ
khắc Con Người xuất hiện.
Vào đầu Mùa Vọng, thật là quan
trọng phải thanh tẩy quan niệm của chúng ta và ôn lại cách đọc các sự kiện
trong ánh sáng của Lời Chúa. Và điều này không có gì đáng ngạc
nhiên, bởi vì Thiên Chúa đến không báo trước, vào lúc mà chúng ta không mong đợi
nhất. Để cho chúng ta thấy phải nên chú ý tới các sự kiện như thế
nào, Chúa Giêsu nhắc lại trận đại hồng thủy thời ông Nô-e.
Trong lúc đọc bài Tin Mừng,
chúng ta hãy chú ý tới những sự so sánh mà Chúa Giêsu dùng để chuyển tải sứ điệp
của Người.
b) Phân đoạn bài
Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 24:37-39: Con Người
sẽ đến giống như những gì đã xảy ra trong thời ông Nô-e
Mt 24:40-41: Chúa
Giêsu áp dụng sự so sánh để giảng cho những người đang lắng nghe
Mt 24:42: Lời kết luận: “Hãy
tỉnh thức”; “Hãy canh phòng”.
Mt 24:43-44: Một tỷ dụ
để khuyên người ta nên cảnh giác.
c) Phúc Âm:
37 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong
thời ông Nô-e xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. 38 Cũng
như trong những ngày trước nạn đại hồng thủy, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng,
mãi đến chính ngày Nô-e vào tàu, 39 mà người ta cũng không
ngờ, thình lình đại hồng thủy đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến,
cũng sẽ xảy ra như vậy. 40 Khi ấy sẽ có hai người đàn ông
đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. 41 Và
có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ
rơi.
42 Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các
con đến. 43 Nhưng các con phải biết điều này là nếu chủ
nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho nó đào ngạch
khoét vách nhà mình. 44 Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì
lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.”
3. Giây phút thinh lặng
cầu nguyện
Để cho Lời của Chúa có thể thấm
nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi
ý
Để giúp chúng ta trong việc suy
gẫm cá nhân.
i) Phần nào của bài Tin Mừng đánh động bạn nhất? Tại
sao?
ii) Ở đâu, khi nào và lý do tại sao Chúa Giêsu giảng
bài giảng này?
iii) Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta phải cảnh giác
như thế nào, việc cảnh giác bao gồm những gì?
iv) “Một người được tiếp nhận, một người bị bỏ
rơi”. Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì với lời khẳng định
này?
v) Vào thời thánh Mátthêu, trong một nghĩa nào đó, cộng đoàn
Kitô hữu đã mong đợi sự xuất hiện của Con Người. Và ngày nay, chúng
ta chờ đợi sự xuất hiện của Chúa Giêsu theo cách nào?
vi) Theo bạn, đâu là trọng tâm hay nguồn gốc của
lời giáo huấn này của Chúa Giêsu?
5. Dành cho những ai
muốn đào sâu vào chủ đề
a) Bối cảnh bài giảng
của Chúa Giêsu:
Tin Mừng theo thánh Mátthêu – Trong sách Tin Mừng của thánh Mátthêu có năm bài
giảng tuyệt vời, như thể đó là một ấn bản mới của năm cuốn sách Luật
Môisen. Đoạn Tin Mừng mà chúng ta đang suy gẫm trong Chúa Nhật tuần
này là một phần của Bài Giảng thứ năm của cuốn sách Luật Mới này. Mỗi
một bài trong tất cả bốn bài giảng trước đó soi sáng một khía cạnh khẳng định của
Vương Quốc Thiên Chúa được công bố bởi Đức Giêsu. Bài thứ nhất: Công
lý của Nước Trời và những điều kiện để được vào Nước Trời (Mt các chương
5-7). Bài thứ hai: Sứ vụ của các công dân Nước Trời (Mt
chương 10). Bài thứ ba: Sự hiện hữu mầu nhiệm của Nước Trời
trong đời sống người ta (Mt chương 13). Bài thứ tư: Đời sống
Nước Trời trong cộng đoàn (Mt chương 18). Bài giảng thứ năm nói về sự cảnh
giác trong quan điểm khẳng định Nước Trời đang đến. Trong bài giảng
cuối cùng này, Mátthêu nối tiếp bản đề cương của thánh Máccô (xem Mc 13:5-37),
nhưng thêm vào một số bài dụ ngôn nói về sự cần thiết của việc cảnh giác và việc
phục vụ, của sự đoàn kết và tình anh em.
Chờ đợi sự trở lại của Con
Người – Ở cuối thế kỷ thứ nhất, các
cộng đoàn đã sống trong mong đợi sự trở lại ngay lập tức của Chúa Giêsu (1Tx
5:1-11). Họ căn cứ vào một số lời của thánh Phaolô ( 1Tx 4:15-18),
có một số người đã ngưng làm việc vì nghĩ rằng Chúa Giêsu sắp trở lại đến nơi
(2Tx 2:1-2; 3:11-12). Họ tự hỏi: “Khi Chúa Giêsu đến, liệu
chúng ta có sẽ được cất thẳng lên Thiên Đàng như Người chăng?” (xem
1Tx 4:17). “Chúng ta có sẽ được tiếp nhận hay sẽ bị bỏ rơi?” (xem Mt
24:40-41). Ngày nay, cũng có một bầu không khí tương tự như thế,
trong đó có nhiều người tự hỏi: “Tình trạng khủng bố này có phải là
một dấu hiệu báo cho biết ngày tận thế đã gần kề không?” Chúng ta phải
làm gì để khỏi bị ngạc nhiên?” Một đáp án cho câu hỏi và điều quan
tâm này đến với chúng ta từ Lời của Chúa Giêsu mà Mátthêu chuyển đến cho chúng
ta trong Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này.
b) Lời bình giải về
đoạn Phúc Âm:
Mt 24:37-39: Chúa
Giêsu so sánh sự trở lại của Con Người với những ngày của trận lụt đại hồng thủy
“Trong thời ông Nô-e xảy ra thế
nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy.” Ở đây, để làm sáng tỏ lời
kêu gọi phải cảnh giác, Chúa Giêsu nhắc tới hai cảnh trong Cựu Ước: ông Nô-e và
Con Người. “Những ngày thời ông Nô-e” có ý muốn nhắc tới thời kỳ đại
hồng thủy (St 6:5-8:14).
Hình ảnh về “Con Người” xuất
phát từ một thị kiến của tiên tri Đanien (Đn 7:13). Trong thời ông
Nô-e, đa số người ta đã sống mà không lo lắng bất kỳ một điều gì, không biết rằng
giờ Thiên Chúa đã gần kề. Cuộc sống vẫn tiếp tục “và họ đã không nhận
thức được bất cứ điều gì cho đến khi cơn đại hồng thủy đến và nhận chìm tất cả”. Và
Chúa Giêsu kết luận: “Khi Con Người đến thì cũng như vậy”. Trong
thị kiến của tiên tri Đanien, Con Người sẽ ngự giá mây trời mà đến một cách bất
ngờ và sự xuất hiện của Người sẽ tiêu diệt mọi đế quốc thống trị, mà sẽ không
có tương lai.
Mt 24:40-41: Chúa
Giêsu áp dụng sự so sánh để giảng cho những người đang lắng nghe lời Người.
“Hai người đàn ông đang ở
ngoài đồng: một người được tiếp nhận, một người bị bỏ
rơi”. Những chữ này không nên hiểu theo nghĩa đen. Đó là
một cách để nói lên số phận khác nhau mà người ta sẽ lãnh nhận tùy theo sự phán
xét về các việc mà họ đã làm. Một số người sẽ được tiếp nhận, nghĩa
là, sẽ lãnh nhận ơn cứu rỗi, và những người khác sẽ không được nhận
nó. Đây là những gì đã xảy ra trong cơn đại hồng thủy: “Ngươi
hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công
chính trước nhan Ta trong thế hệ này” (St 7:1). Ông Nô-e
và gia đình ông đã được cứu rỗi.
Mt 24:42: Chúa
Giêsu đưa ra kết luận: “Vậy hãy tỉnh thức”, phải canh phòng.
Thiên Chúa là Đấng quyết định giờ
xuất hiện của Con Người. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa thì không được
đo bằng chiếc đồng hồ hoặc năm tháng của chúng ta. Đối với Chúa, một
ngày ví thể ngàn năm, và ngàn năm cũng tựa một ngày (Tv 90; 2 Pr
3:8). Thời gian của Thiên Chúa (kairos = kỳ hạn) thì độc lập với thời
gian của chúng ta (cronos = ngày tháng). Chúng ta không thể can thiệp
vào thời gian của Thiên Chúa, nhưng chúng ta nên chuẩn bị cho giây phút mà giờ
của Chúa trở thành hiện tại trong thời gian của chúng ta. Nó có thể
là ngày hôm nay, nó có thể là một ngàn năm nữa.
Mt 24: 43-44: Sự
so sánh: Con Người sẽ đến vào lúc mà các con không ngờ.
Thiên Chúa đến khi chúng ta
không ngờ nhất. Nó cũng có thể xảy ra rằng Người đến và người ta
không nhận thức được giờ khắc xuất hiện của Người. Chúa Giêsu đòi hỏi
hai điều: việc luôn luôn cảnh giác chu đáo, và cùng lúc, sự dấn thân
yên lặng của người sống trong bình an. Thái độ này là dấu hiệu của sự
trưởng thành vững chãi, trong đó mối quan tâm thận trọng được hòa lẫn với yên
bình thanh thản. Sự trưởng thành kế tiếp theo đó để kết hợp tính chất
nghiêm trọng của thời điểm với việc nhận thức rằng mọi thứ đều tương đối.
c) Phần phụ chú để hiểu
rõ hơn về đoạn Tin Mừng:
Chúng ta nên thận trọng chuẩn
bị cho bản thân như thế nào? – Đoạn
Tin Mừng của chúng ta được dẫn trước bởi bài dụ ngôn cây vả (Mt 24:32-33). Cây
vả là biểu tượng của dân Do-Thái (Tl 9:10; Mt 21:18). Trong việc xem
xét cây vả, Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ hãy quan sát và phân tích các dữ kiện
đang xảy ra. Tưởng chừng như Chúa Giêsu đang nói với chúng
ta: “Các con nên học hỏi từ cây vả để đọc thấy các dấu hiệu của thời
gian, và bằng cách này các con sẽ khám phá nơi đâu và khi nào Thiên Chúa can
thiệp vào lịch sử của chúng ta!”
Điều chắc chắn được chia sẻ với
chúng ta bởi Đức Giêsu – Chúa Giêsu
để lại cho chúng ta một điều chắc chắn gấp đôi để định hướng cho cuộc hành
trình của chúng ta trong cuộc sống: (1) nhất định ngày sau hết sẽ đến;
(2) chắc chắn, không ai biết bất cứ điều gì về ngày hoặc giờ khắc của ngày tận
thế. “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên
sứ trên trời hay ngay cả Con Người cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà
thôi!” (Mt 24:36). Mặc dù tất cả các ước đoán hoặc tính toán mà người
ta có thể làm để đoán về ngày tận thế, không ai có thể tính toán một cách chắc
chắn. Điều có thể cho sự an bình không phải là sự hiểu biết về giờ
phút của ngày tận thế, mà là Lời của Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống. Thế
giới này sẽ qua đi nhưng Lời Chúa sẽ không bao giờ qua đi (xem Is 40:7-8).
Bao giờ ngày tận thế sẽ đến? – Khi Kinh Thánh nói về “ngày mạt thế”, điều này
không đề cập đến sự kết thúc của thế giới, nhưng về sự kết thúc của một thế giới. Nó
muốn đề cập đến sự kết thúc của thế gian này, nơi mà sự bất công và quyền lực của
sự dữ thống trị; những điều làm cuộc đời trở thành cay đắng. Thế giới
bất công này sẽ đi đến chỗ kết thúc và thay vào đó sẽ là “một trời mới và một đất
mới”, điều này được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 65:15-17) và được dự kiến
trong sách Khải Huyền (Kh 21:1). Không ai biết khi nào hay cách nào
thế giới này sẽ bị kết thúc (Mt 24:36), bởi vì không ai có thể mường tượng được
Thiên Chúa đã dọn sẵn điều gì cho những ai yêu mến Người (1Cr
2:9). Thế giới mới của cuộc-sống-không-có-cái-chết vượt trội tất cả
mọi sự, giống như cây vượt quá hạt giống (1Cr 15:35-38). Những Kitô
hữu tiên khởi đã lo lắng để được hiện diện trong ngày tận thế này (2Tx
2:2). Họ tiếp tục nhìn lên trời, chờ đợi sự quang lâm của Chúa Kitô
(Cv 1:11). Có một số người đã ngưng làm việc (2Tx
3:11). Tuy nhiên “Anh em không cần biết kỳ hạn hoặc thời giờ Chúa
Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1:7). Cách duy nhất để đóng góp vào
ngày cuối cùng sắp đến “để Thiên Chúa có thể ban cho thời kỳ an lạc” (Cv 3:20),
và làm nhân chứng cho Tin Mừng ở khắp mọi nơi, cho đến tận cùng của trái đất
(Cv 1:8).
6. Cầu Nguyện: Thánh
Vịnh 46 (45):
“Thiên Chúa là nơi ta ẩn
náu! Chúng ta chẳng sợ hãi gì!”
Thiên Chúa là nơi ta ẩn
náu và là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.”
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.”
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta.
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm
tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa
Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và
ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng
con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria,
thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời
Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét