Thánh ca Tiếng Việt cất lên
giữa Tokyo
Thánh lễ của cộng đồng người Việt do Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh chue tế tại nhà thờ Thánh I-Nhã ở Tokyo hôm 24/11 |
Không khí tại Nhật Bản đang trùm bởi một màu "vui"
khó tả. Đó không chỉ là niềm vui gặp gỡ, hiệp thông với Giáo hoàng của người
Công giáo Nhật mà cả của tín hữu Việt Nam tại Nhật. Ban Việt ngữ - Vatican News
có buổi nói chuyện với cha Giuse Nguyễn Thanh Nhã, SJ – phụ trách giới trẻ Công
giáo Việt Nam tại Nhật Bản.
An Duyên - CTV Vatican News
Đức Thánh Cha ‘gõ cửa’ Nhật Bản
Vatican News Tiếng Việt: Nhật Bản vẫn được
cho là một nước “đóng cửa” với dòng người di cư đang diễn ra trên thế giới. Sự
“đóng cửa” này xuất phát từ nguyên nhân nào thưa cha?
Có nhiều nguyên nhân để nói về sự “đóng cửa” của nước Nhật đối
với thế giới bên ngoài.
Trước hết đó là lý do địa lý. Nước Nhật bị tách biệt khỏi thế
giới bên ngoài, bị bao phủ xung quanh bởi biển. Vậy nên, nước Nhật vốn tự bản
chất ít có tương tác với thế giới bên ngoài.
Kế đến là lý do chính trị. Do nhiều mâu thuẫn, hoài nghi nên
nước Nhật đã duy trì chính sách “bế quan toả cảng” một thời gian dài cho đến thời
Minh Trị. Có thể nói đây là 2 nguyên nhân dẫn đến việc nước Nhật dường như đi
bên lề những chuyển biến của thế giới, đặc biệt vấn đề đón nhận người di cư.
Tuy nhiên thời gian gần đây có rất nhiều tổ chức xã hội ở Nhật
đang kêu gọi chính phủ mở rộng cửa hơn để tiếp nhận những người di cư do chiến
tranh, xung đột hay mâu thuẫn chính trị.
Vatican News: Theo nhiều bài viết thì
có một cộng đồng Việt Nam khá đông đang sinh sống tại Nhật Bản. Vậy, sự hội nhập
của tín hữu Công giáo Việt Nam vào Giáo hội địa phương như thế nào?
Theo thông kê gần đây nhất, người Việt ở Nhật đã lên tới con
số 370.000, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Người Việt ở Nhật bao gồm nhiều
thành phần người di dân của những năm 80, gần đây là du học sinh, tu nghiệp
sinh, kỹ sư.
Nhìn chung tiếng Nhật là rào cản lớn nhất trong việc hội nhập
vào xã hội Nhật. Tiếng Nhật là một trong nhưng thứ tiếng khó học nhất trên thế
giới.
Phong tục tập quán của Nhật cũng khá khác biệt so với những
nước châu Á xung quanh nên việc hội nhập tương đối khó. Người Nhật yêu chuộng sự
ngăn nắp, rõ ràng trong công việc và các tương quan.
Tuy nhiên, nói như thế không phải là không thể hội nhập vào
xã hội Nhật. Những người đến Nhật từ những năm 80 đã hội nhập vào văn hoá Nhật
rất tốt. Nhìn chung, người Nhật có thiện cảm nhiều đối với Việt Nam.
Những năm gần đây do số lượng người Việt đến Nhật quá đông
và các công ty, trường học đưa người sang Nhật nhưng chưa trang bị cẩn thận kiến
thức cơ bản dẫn đến những khó khăn trong việc hội nhập văn hoá và đời sống ở Nhật.
Điều đặc biệt là người Nhật rất không thích sự ồn ào. Người Việt Nam thì khá
thoải mái về vấn đề này nên đôi khi làm họ mất thiện cảm phần nào.
Gần đây, người Việt Nam đến Nhật với tư cách là sinh viên,
thực tập sinh, kỹ sư… Điều này mang lại bộ mặt mới cho xã hội Nhật nhưng cũng
là một thách đố. Làm sao để giúp các bạn trẻ này thật sự tìm được tương lai của
mình ở Nhật là câu hỏi lớn dành cho xã hội cũng như Giáo hội Nhật. Nhiều nhóm
xã hội, thiện nguyện của nhà nước, chùa và nhà thờ cũng hình thành để giúp các
bạn trẻ Việt Nam ở Nhật hội nhập tốt hơn và thành công hơn.
Giáo Hội Nhật cũng dần mở ra hơn với di dân, đặc biệt người
Việt Nam. Các thánh lễ Chúa Nhật nhiều nơi được cử hành với nhiều ngôn ngữ. Tiếng
Việt cũng được đưa vào phụng vụ như bài đọc tiếng Việt trong thánh lễ, các lời
cầu nguyện…
Thánh Lễ của cộng đoàn người Việt tại nhà thờ Thánh Inhã ở Tokyo hôm
24/11
Vatican News: Trong chuyến viếng thăm
tại Nhật, Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề “đón nhận người nhập cư” ra sao? Những
lời chia sẻ của ĐTC có tác động như thế nào?
ĐTC luôn chủ trương đón nhận người di cư. Tuy nhiên, về phía
xã hội Nhật mặc dù có những tiến bộ nhưng vẫn còn dè dặt. Đức Thánh Cha cũng đã
đề cập đến vấn đề mở cửa đón nhận mọi người đặc biệt người nghèo, người di dân…
Hy vọng thông điệp của Ngài sẽ giúp nước Nhật thay đổi nhiều hơn về mảng này.
Thánh ca Tiếng Việt được cất lên
Vatican News: Trong Thánh lễ do ĐTC chủ
tế, cộng đoàn Công giáo Việt cũng đóng góp bài hát “Tán tụng Hồng ân”. Cha có
thể chia sẻ sự tham gia của cộng đoàn người Việt trong chuyến viếng thăm lần
này?
Ban tổ chức đề nghị tôi tìm 5 bạn trẻ Việt Nam để đại diện
đi đón ĐTC tại toà Khâm sứ ngày 23/11, một người đọc lời nguyện và họ muốn mình
hát một bài lúc hiệp lễ. Đề nghị này đến cũng khá bất ngờ.
Có một số lớn những người Việt đang sinh sống ở Nhật tham dự
thánh lễ của ĐGH tại Nagasaki và Tokyo. Cũng có các phái đoàn từ Việt Nam sang
với số lượng khiêm tốn hơn ở Thái Lan. Tuy nhiên, tất cả những ai hiện diện
trong thánh lễ ở Tokyo Dome vừa qua đều xúc động khi nghe tiếng Việt vang lên
trong thánh lễ. Đó là sự ưu ái của giáo hội Nhật dành cho người Việt.
Ca đoàn giới trẻ Việt Nam phụng vụ Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ tế tại
Tokyo Dome ngày 25/11.
Trong quá khứ, cộng đoàn Việt Nam ở Nhật chịu nhiều thiệt
thòi hơn các cộng đoàn khác như Philippines, Tây Ba Nha, Brazil… Hiện nay Dòng
Tên Nhật Bản có trung tâm dành cho người nói tiếng Tây Ban Nha, người
Philippines, người Đức, người Trung Quốc nhưng chưa có trung tâm dành cho người
Việt.
Tuy nhiên, những năm gần đây với sự tăng trưởng số người Việt
đến Nhật Bản, Giáo hội Nhật bắt đầu quan tâm hơn đến chúng ta. Dòng Tên Nhật Bản
cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện đẩy mạnh hơn hoạt động dành cho di dân, đặc biệt
cho người Việt Nam.
Chúng ta cám ơn Giáo hội Nhật vì những nỗ lực của họ trong
việc cố gắng đồng hành về thiêng liêng với giáo dân Việt Nam tại Nhật. Đồng thời
tôi thiết nghĩ người Công giáo Việt Nam tại Nhật đang được mời gọi để làm chứng
cho Chúa ngang qua đời sống của mình trong môi trường vốn đang bị thế tục hoá của
Nhật.
Chúng con xin chân thành cảm ơn cha!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét