ĐTC dâng thánh lễ tại hội trường
thể thao Tokyo Dome
Văn Yên, SJ - Vatican News
Chương trình buổi chiều ngày 25/11 của ĐTC tại Tokyo bắt đầu
lúc 16 giờ, với Thánh Lễ tại hội trường thể thao Tokyo Dome, với sự hiện diện của
hơn 50 ngàn tín hữu, trong đó có rất nhiều tín hữu Việt Nam với một số bài hát
tiếng Việt được hát trong Thánh Lễ.
Tokyo Dome được khánh thành năm 1988 sau gần 3 năm xây dựng,
với sức chứa lên đến 53 ngàn người.
Trước Thánh Lễ, ĐTC đã đi vòng quanh hội trường để chào thăm
các tín hữu hiện diện.
Bài đọc 1 được trích từ sách Sáng Thế 1,26-31: “Thiên Chúa
thấy mọi sự Ngài đã làm ra đều rất tốt đẹp”, được đọc bằng tiếng Bồ Đào Nha; và
bài Phúc Âm từ Tin Mừng Matthêu 6,24-34: “Anh em đừng lo về ngài mai”, được đọc
bằng tiếng Nhật.
Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha khai triển bài Tin Mừng trích
từ “Bài giảng trên núi” và nói rằng, đây là con đường mời gọi chúng ta bước đi.
Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra. Đây là đỉnh núi mà người ta
không thể đạt tới bằng ý chí hay vận động xã hội, mà chỉ bằng sự lắng nghe chăm
chú, kiên nhẫn và nhạy bén nghe theo vị Tôn sư tại mỗi ngã ba đường của cuộc sống.
Đỉnh núi trình bày cho chúng ta một viễn cảnh hoàn toàn mới
mẻ về mọi thứ xung quanh chúng ta, mà điểm nhắm trung tâm là lòng trắc ẩn của
Chúa Cha. Trong Chúa Giêsu, Trong Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy đỉnh cao của
con người nghĩa là gì. Nơi ngài, chúng ta tìm thấy cuộc sống mới, nơi chúng ta
tự do nhận biết rằng chúng ta là những người con yêu quý của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, trên đường đi, sự tự do của
con cái Thiên Chúa có thể bị bóp nghẹt và suy yếu khi chúng ta bị bao vây trong
vòng xoáy lo lắng và cạnh tranh; hoặc khi chúng ta tập trung mối bận tâm và
năng lượng cho việc theo đuổi năng suất và chủ nghĩa tiêu thụ điên cuồng như là
tiêu chí duy nhất để đo lường và xác nhận lựa chọn của chúng ta, hoặc xác định
chúng ta là ai hoặc chúng ta có giá trị thế nào.
Đây là một đo lường mà dần dần khiến chúng ta xơ cứng và mất
đi nhạy bén với những điều quan trọng, đẩy con tim chúng ta đến những thứ thừa
thãi hoặc phù du. Rồi linh hồn bị xiếng xích và bức ép đến chỗ tin rằng mọi thứ
đều có thể được sản xuất, chinh phục và kiểm soát!
Tại Nhật Bản này, nơi một xã hội có nền kinh tế phát triển
cao, những người trẻ tôi gặp sáng nay đã nói chuyện với tôi về nhiều người bị
cô lập về mặt xã hội. Họ vẫn ở bên lề, không thể hiểu được ý nghĩa của cuộc sống
và sự tồn tại của chính mình. Càng ngày, ngôi nhà, trường học và cộng đồng, vốn
là nơi chúng ta hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, đang bị xói mòn bởi sự cạnh tranh
quá mức trong việc theo đuổi lợi nhuận và hiệu quả. Nhiều người cảm thấy bối rối
và lo lắng; họ bị choáng ngợp bởi rất nhiều nhu cầu và bận tâm. Chúng lấy đi sự
bình an và quân bình của họ.
Những lời của Chúa Giêsu như là hương thảo mời gọi chúng ta
đừng xao xuyến nhưng tin tưởng. Ngài lặp lại với chúng ta ba lần: Đừng lo lắng
về cuộc sống... cho ngày mai (x. Mt 6,25.31.34). Đây không phải là một lời mời
phớt lờ những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta hoặc trở nên bất cần trước
công việc và trách nhiệm hàng ngày của chúng ta. Thực sự ngược lại, đó là một một
lời mời gọi dành ưu tiên cho một chân trời rộng lớn hơn và do đó có được không
gian tự do để nhìn theo hướng của Ngài: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa
và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt
6:33).
Chúa không nói với chúng ta rằng những nhu yếu phẩm căn bản,
như thực phẩm và quần áo, không quan trọng; thay vào đó, Ngài mời chúng ta xem
xét lại các lựa chọn hàng ngày của mình để không bị mắc kẹt hoặc bị cô lập
trong việc theo đuổi thành công bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng cái giá cuộc
sống của chúng ta. Những thái độ thế tục chỉ theo đuổi và tìm kiếm lợi nhuận hoặc
lợi ích riêng của mình trong thế giới này và sự ích kỷ vì hạnh phúc cá nhân, thực
sự chỉ khiến chúng ta bất hạnh và trở thành nô lệ, và cản trở sự phát triển một
xã hội thực sự hài hòa và nhân văn.
Đối lập với một “cái tôi” bị cô lập, tách biệt và thậm chí
ngạt thở chỉ có thể là một “chúng tôi” được chia sẻ, vui mừng và giao tiếp với
nhau (x. Giáo lý, ngày 13/02/2019). Lời mời này của Chúa nhắc nhở
chúng ta rằng “chúng ta cần vui mừng nhận ra rằng sự sống của chúng ta là một
món quà, và ý thức rằng tự do của chúng ta là một ân huệ. Đây là điều không dễ
ngày nay, giữa một thế giới tin rằng nó sở hữu một điều gì đó tự chính nó, như
thành quả chính nó sáng tạo ra và tự do định đoạt” (Tông huấn Gaudete
et exsultate, 55).
Do đó, trong bài đọc đầu tiên, Kinh thánh nhắc nhở chúng ta
rằng thế giới của chúng ta, tràn đầy sức sống và vẻ đẹp, trên hết là một món
quà tuyệt vời từ Đấng Tạo Hóa có trước chúng ta: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người
đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31); Thiên Chúa ban cho chúng ta vẻ đẹp và
sự tốt lành này để chúng ta có thể chia sẻ và trao tặng cho những người khác,
không phải với tư cách sở hữu hay chủ nhân, mà là những người chia sẻ trong
cùng một giấc mơ sáng tạo của Thiên Chúa. “Sự chăm sóc đích thực cho cuộc sống
của chúng ta và các mối liên hệ của chúng ta với thiên nhiên không thể tách rời
khỏi tình huynh đệ, sự công bằng và trung tín đối với người khác” (Thông điệp Laudato
sì, 70).
Với thực tế này, chúng ta được mời gọi, như là cộng đoàn
Kitô giáo, bảo vệ mọi sự sống và làm chứng bằng sự khôn ngoan và can đảm về một
lối sống được đánh dấu bằng tính nhưng không và lòng trắc ẩn, bằng sự quảng đại
và lắng nghe đơn sơ, bằng khả năng ôm lấy và đón nhận sự sống như chính nó, “với
tất cả sự mong manh và nhỏ bé, và nhiều khi ngay cả với tất cả những mâu thuẫn
và phiền phức của nó” (Bài phát biểu trong buổi canh thức ĐHGT Panama, 26/01/
2019). Chúng ta được mời gọi trở thành một cộng đoàn có thể học và dạy về khả
năng “chào đón tất cả những gì không hoàn hảo, thuần khiết hay chắt lọc, nhưng
không vì đó mà không đáng được yêu. Phải chăng một người khuyết tật hoặc yếu đuối
thì không đáng được yêu? [...] Có ai đó không đáng được yêu vì là người ngoại quốc,
vì sai lỗi, vì bệnh tật hay ở tù? Đây là những gì Chúa Giêsu đã làm: Ngài ôm lấy
người phong hủi, người mù, người bại liệt, người Pharisiêu và tội nhân. Ngài ôm
lấy anh trộm lành trên thập giá, thậm chí ôm lấy và tha thứ cho những người đã
đóng đinh Ngài vào thập giá” (sđd.).
Việc loan báo Tin Mừng Sự Sống khẩn thiết đòi chúng ta, với
tư cách là cộng đoàn, phải trở thành một bệnh viện dã chiến, chuẩn bị điều trị
các vết thương và luôn đưa ra một con đường hòa giải và tha thứ. Bởi vì đối với
người Kitô hữu, thước đo khả thi duy nhất để phán xét mọi người và mọi hoàn cảnh
là lòng trắc ẩn của Cha đối với mọi con cái của mình.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với mời gọi các tín hữu:
“Hiệp nhất với Chúa, cộng tác và luôn đối thoại với tất cả mọi người nam nữ thiện
chí và cả với những người có niềm tin tôn giáo khác, chúng ta có thể trở thành
những ngôn sứ của một xã hội ngày càng bảo vệ và quan tâm đến mọi sự sống.”
Thánh Lễ tiếp tục với lời nguyện tín hữu, được đọc bằng các
thứ tiếng Anh, Việt, Nhật, Hàn, Taglog và Tây Ban Nha.
Cuối Thánh Lễ, ĐTC đến khu phức hợp Kantei để Gặp Thủ Tướng
Nhật, các quan chức chính quyền và ngoại giao đoàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét