Trang

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các Giám Mục Nhật Bản


Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các Giám Mục Nhật Bản
Vũ Văn An


Đức Phanxicô đã tới Nhật Bản trong một buổi tối trời mưa gió nặng nề. Theo Vatican News, thời tiết này quả là thích hợp để nhắc lại niềm khao khát tuổi trẻ của Bergoglio mong muốn được đi Nhật truyền giáo, nhưng bị từ chối vì lý do sức khỏe: Lúc 21 tuổi, ngài bị chứng lao phổi phải cắt bỏ một buồng phổi. Nhật không thích hợp cho một người yếu ớt như Bergoglio. Nay thì khác, không ai có thể ngăn cản ngài tới vùng đất không thân thiện về sức khỏe này. Không ngờ nó không buông tha ngài. Không hệ chi, ngài biết con đường truyền giáo tại Nhật không khác gì thời tiết ngài đang lao vào. Không những là dịp ngài cương định ý nguyện truyền giáo mà ngài còn có nhiệm vụ cương định ý nguyện truyền giáo của anh em mình, những người, ngài vội đến gặp ngay sau buổi tiếp đón ở phi trường Haneda.
Trong bài nói chuyện với “chư huynh”, Đức Phanxicô nói với các Giám Mục chủ đề chuyến viếng thăm của ngài là “Hãy bảo vệ mọi sự sống”. Ngài cũng chia sẻ với các ngài giấc mơ tuổi trẻ của ngài được đến Nhật truyền giáo. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài.

Chư huynh thân mến,

Trước hết, tôi cần cáo lỗi và xin lỗi vì đã vào mà không chào hỏi ai cả. Người Argentina chúng tôi thật thô lỗ làm sao! Tôi xin lỗi vì điều đó. Quả là một niềm vui được ở đây với chư huynh. Người Nhật nổi tiếng là người có phương pháp và làm việc chăm chỉ, và đây là bằng chứng: Giáo hoàng xuống máy bay và họ đưa ngài đi làm việc ngay lập tức! Cảm ơn nhiều.

Tôi rất biết ơn về quà phúc được đến thăm Nhật Bản và vì sự nghinh đón mà chư huynh đã dành cho tôi. Tôi đặc biệt cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Takami vì những lời nói của ngài thay mặt cho toàn thể cộng đồng Công Giáo ở đất nước này. Tại đây, trước sự hiện diện của chư huynh, trong cuộc họp chính thức đầu tiên này, tôi muốn chào hỏi từng thành viên trong các cộng đồng của chư huynh: giáo dân, giáo lý viên, linh mục, tu sĩ, người thánh hiến, chủng sinh. Tôi cũng muốn mở rộng vòng tay và cầu nguyện cho tất cả người dân Nhật Bản vào thời điểm được đánh dấu bằng việc đăng quang của tân Hoàng đế và sự khởi đầu của kỷ nguyên Reiwa.

Tôi không biết chư huynh có biết điều này không, nhưng từ khi còn nhỏ tôi đã cảm thấy thích và yêu mến những vùng đất này. Đã nhiều năm trôi qua kể từ đà thúc đẩy truyền giáo đó, mà sự thể hiện phải rất lâu mới diễn ra. Hôm nay, Chúa cho tôi cơ hội được đến giữa chư huynh với tư cách là một người hành hương truyền giáo theo bước chân của các nhân chứng vĩ đại của đức tin. Bốn trăm bảy mươi năm đã trôi qua kể từ khi Thánh Phanxicô Xavier đến Nhật Bản, môt biến cố đánh dấu sự khởi đầu của việc truyền bá Kitô giáo ở vùng đất này. Để tưởng nhớ ngài, tôi muốn cùng chư huynh cảm ơn Chúa vì tất cả những người, trong nhiều thế kỷ, đã tận tụy hiến thân cho việc cấy trồng Tin Mừng và phục vụ người dân Nhật Bản một cách rất dịu dàng và đầy yêu thương. Sự tận tụy hiến thân này đã mang lại cho Giáo hội Nhật Bản một khuôn mặt độc đáo. Tôi nghĩ đến các vị tử đạo, Thánh Phaolô Miki và các đồng bạn của ngài, và của Chân phước Justo Takayama Ukon, người ở giữa nhiều thử thách đã làm chứng cho tới lúc chết. Một việc tự hy sinh như vậy để giữ cho đức tin được sống động trong bối cảnh bách hại đã giúp cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé phát triển, lớn mạnh và sinh hoa trái. Chúng ta cũng có thể nghĩ tới “những Kitô hữu ẩn núp” của vùng Nagasaki, những người đã duy trì đức tin cho nhiều thế hệ, nhờ bí tích rửa tội, cầu nguyện và dạy giáo lý. Các Giáo hội tại gia chân chính từng tỏa sáng trên vùng đất này, như những phản ảnh của Thánh gia Nadarét dù chính họ có lẽ không biết điều này.

Con đường Chúa đã đi qua chỉ cho chúng ta thấy sự hiện diện của Người “đã diễn ra” như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của các tín hữu của Người, những người tìm cách giữ cho hoài niệm về Người luôn sống động. Sự hiện diện của Người là một sự hiện diện thầm lặng, một hoài niệm sống động khiến chúng ta nhận ra rằng bất cứ nơi nào hai người hoặc nhiều hơn tụ họp nhân danh Người, thì Người ở đó, bằng sức mạnh và sự dịu dàng của Thần Khí Người (x. Mt 18:20). DNA của các cộng đồng chư huynh được đánh dấu bởi chứng tá này, một thuốc giải độc chống lại sự tuyệt vọng, chỉ đường cho họ đi theo. Chư huynh là một Giáo hội sống động được bảo tồn bằng cách kêu cầu danh Chúa và suy ngẫm việc Người đã hướng dẫn chư huynh vượt qua cuộc bách hại ra sao.

Trung thành gieo hạt, chứng tá của các vị tử đạo và kiên nhẫn kỳ vọng các thành quả mà Chúa ban cho vào thời điểm của Người, đã là đặc điểm của lối tiếp cận tông đồ của chư huynh đối với nền văn hóa Nhật Bản. Kết quả là, trong nhiều năm qua, chư huynh đã khai triển được một hình thức hiện diện giáo hội mà phần lớn được xã hội Nhật Bản đánh giá cao, nhờ nhiều đóng góp của chư huynh cho lợi ích chung. Chương quan trọng này trong lịch sử của đất nước chư huynh và của Giáo hội hoàn vũ nay được công nhận với sự chỉ định các nhà thờ và làng xóm ở Nagasaki và Amakusa như là Di sản Văn hóa Thế giới. Nhưng trên hết, là niềm hy vọng sinh hoa trái cho mọi hình thức truyền giáo, như những đài tưởng niệm sống động của linh hồn các cộng đồng chư huynh.

Phương châm cuộc Tông Du của tôi là : “Hãy bảo vệ mọi sự sống”. Điều này có thể tượng trưng rất hay cho thừa tác vụ giám mục của chúng ta. Một giám mục được Chúa kêu gọi giữa dân của Người, và sau đó được trao lại cho họ như một mục tử, được kêu gọi bảo vệ mọi sự sống. Điều này xác định phần lớn các mục tiêu và đích nhắm của chúng ta phải là gì.

Truyền giáo ở những vùng đất này được đánh dấu bằng một cuộc tìm kiếm mạnh mẽ việc hội nhập văn hóa và đối thoại, một việc cho phép tạo nên các mô hình mới, độc lập với những mô hình được khai triển ở châu Âu. Chúng ta biết rằng, ngay từ đầu, văn chương, kịch nghệ, âm nhạc và nhiều loại nhạc cụ đã được sử dụng, phần lớn bằng tiếng Nhật. Đây là một dấu hiệu của tình yêu mà những nhà truyền giáo đầu tiên cảm nhận đối với những vùng đất này. Bảo vệ mọi sự sống, trước hết, có nghĩa có một ánh mắt chiêm niệm có khả năng yêu thương sự sống của mọi người được trao phó cho chư huynh, và nhìn nhận ra nó, trên hết, như quà phúc của Chúa. “Chỉ những gì được yêu thương mới được cứu vớt. Chỉ những gì được chấp nhận mới được biến đổi” (Diễn từ tại Buổi Canh thức với người trẻ, Panama, ngày 26 tháng 1 năm 2019). Một nguyên lý nhập thể có thể giúp chúng ta nhìn mỗi sự sống như một quà phúc nhưng không, ngoài những xem xét giá trị nhưng thứ yếu khác. Bảo vệ mọi sự sống và loan báo Tin Mừng không tách biệt hay chống đối nhau; đúng hơn, mỗi điều kêu gọi, và đòi hỏi, lẫn nhau. Cả hai đều ngụ hàm việc phải cẩn thận và cảnh giác đối với bất cứ điều gì, ở những vùng đất này, gây trở ngại cho việc phát triển toàn diện những con người được giao phó cho ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Chúng ta biết rằng Giáo hội tại Nhật Bản nhỏ bé và người Công Giáo chiếm thiểu số, nhưng điều này không nên làm giảm bớt cam kết của chư huynh đối với việc truyền giảng tin mừng. Trong tình huống đặc thù của chư huynh, lời lẽ mạnh mẽ và rõ ràng nhất chư huynh có thể nói là lời lẽ của một chứng nhân khiêm tốn, hàng ngày và cởi mở để đối thoại với các truyền thống tôn giáo khác. Lòng hiếu khách và chăm sóc mà chư huynh bày tỏ với nhiều công nhân ngoại quốc đại diện cho hơn một nửa số người Công Giáo Nhật Bản, không chỉ làm chứng cho Tin mừng trong xã hội Nhật Bản, mà còn chứng thực cho tính phổ quát của Giáo hội. Điều này chứng tỏ rằng sự kết hợp của chúng ta với Chúa Kitô mạnh hơn bất cứ sự ràng buộc hay thẻ căn cước nào khác, và có thể tham gia và trở thành một phần của mọi tình huống.

Một Giáo hội biết làm chứng có thể nói chuyện một cách tự do hơn, nhất là khi giải quyết các vấn đề cấp bách về hòa bình và công lý trong thế giới của chúng ta. Ngày mai tôi sẽ viếng Nagasaki và Hiroshima, nơi tôi sẽ dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ dội bom thảm khốc ở hai thành phố này, và lặp lại lời kêu gọi tiên tri của chư huynh về giải trừ hạch nhân. Tôi ước ao được gặp những người vẫn còn mang vết thương của giai đọan bi thảm này trong lịch sử loài người, cũng như những nạn nhân của thảm họa ba mặt này. Những đau khổ tiếp diễn của họ là một lời nhắc nhở hùng hồn về bổn phận nhân bản và Kitô hữu của chúng ta phải hỗ trợ những người gặp khó khăn về thể xác và tinh thần, và cung hiến cho mọi người thông điệp Tin Mừng về hy vọng, chữa lành và hòa giải. Chúng ta hãy nhớ rằng sự ác không có sở thích thiên vị; nó không quan tâm đến hậu cảnh hay danh tính của người ta. Nó chỉ đơn giản xông vào bằng sức tàn phá của nó, như trường hợp gần đây với cơn bão tàn khốc từng gây ra rất nhiều thương vong và thiệt hại vật chất. Chúng ta hãy giao phó cho lòng Chúa thương xót những người đã chết, các gia đình của họ và tất cả những ai đã mất nhà cửa và của cải vật chất. Ước mong chúng ta đừng bao giờ sợ theo đuổi, ở đây và trên toàn thế giới, một việc truyền giáo có khả năng nói lên và bảo vệ mọi sự sống như quà phúc quý giá của Chúa.

Vì lý do này, tôi khuyến khích các nỗ lực của chư huynh trong việc bảo đảm rằng cộng đồng Công Giáo ở Nhật Bản cung cấp một chứng nhân rõ ràng cho Tin mừng ở giữa lòng xã hội lớn hơn. Việc tông đồ trong ngành giáo dục rất được kính trọng của Giáo hội đại diện cho một nguồn lực lớn để truyền giảng tin mừng và tiếp xúc với các trào lưu văn hóa và trí tuệ lớn hơn; phẩm chất đóng góp của nó đương nhiên tùy thuộc vào việc phát huy bản sắc và sứ mệnh Công Giáo rõ ràng khác biệt của nó.

Tất cả chúng ta đều nhận thức được các vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến mọi người trong các cộng đồng của chư huynh; cuộc sống của họ, vì nhiều lý do, được đánh dấu bằng sự cô đơn, tuyệt vọng và cô lập. Sự gia tăng tỷ lệ tự tử ở các thành phố của chư huynh, cũng như nạn dọa nạt (ijime) và các loại nhu cầu khác nhau, đang tạo ra các hình thức tha hóa và mất phương hướng tâm linh mới. Vì những điều này ảnh hưởng đến giới trẻ nói riêng, tôi yêu cầu chư huynh đặc biệt chú ý đến họ và các nhu cầu của họ. Chư huynh hãy cố gắng tạo ra các không gian trong đó nền văn hóa vụ hiệu năng, vụ hiệu suất và thành công có thể mở lòng ra đón nhận nền văn hóa yêu thương quảng đại và vị tha, có khả năng cống hiến cho mọi người, chứ không phải chỉ những người đã “thành công”, một khả thể sống hạnh phúc và thành công. Với lòng nhiệt huyết, các ý tưởng và năng lực của họ, những người trẻ tuổi - khi được đào tạo và đồng hành tốt - có thể là nguồn hy vọng sâu sắc cho những người cùng thời với họ và làm chứng quan trọng cho đức bác ái Kitô giáo. Một việc tìm kiếm sáng tạo, hội nhập văn hóa và giàu trí tưởng tượng để sống thông điệp Tin Mừng có thể có tác động mạnh mẽ đến rất nhiều cuộc đời hằng khao khát được cảm thương.

Tôi nhận ra rằng mùa gặt hiện rất lớn lao mà thợ gặt thì rất ít. Tôi khuyến khích chư huynh tìm cách và khai triển một công cuộc truyền giáo có khả năng bao gồm các gia đình và cổ vũ một nền đào tạo có thể với tới mọi người ở ngay nơi họ sinh sống, luôn luôn tính đến các chi tiết chuyên biệt của từng tình huống. Điểm khởi đầu cho mọi hoạt động tông đồ là nơi cụ thể trong đó mọi người tìm thấy chính họ, với những thói thường và công việc hàng ngày, chứ không phải ở những nơi giả tạo. Chính ở đó, chúng ta phải vươn tới linh hồn các thành phố của chúng ta, các nơi làm việc và các trường đại học, để đồng hành với các tín hữu được trao phó cho chúng ta với Tin Mừng cảm thương và thương xót.

Tôi cảm ơn chư huynh một lần nữa vì cơ hội chư huynh đã cung ứng để tôi đến thăm các Giáo Hội địa phương của chư huynh và để cùng nhau cử hành mừng vui với họ. Phêrô muốn củng cố chư huynh trong đức tin, nhưng Phêrô cũng đến để bước theo, và được đổi mới bởi, các bước chân của rất nhiều vị tử đạo và nhân chứng của đức tin. Xin chư huynh cầu nguyện để Chúa có thể ban cho tôi ân sủng đó.
Và tôi xin Chúa chúc lành cho chư huynh và, cùng với chư huynh, chúc lành cho các cộng đồng của chư huynh. Cảm ơn chư huynh rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét