Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến
bay Tokyo về Roma, phần II
(Vatican Media) |
Điểm chú ý trong phần II cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên
chuyến bay về từ Tokyo tập trung vào vấn đề tài chính của Vatican.
Văn Yên, SJ - Vatican News
Câu hỏi của Cristiana Caricato từ TV 2000
Người ta đọc thấy trên báo rằng: Toà Thánh đã mua bất động
sản trị giá hàng trăm triệu ở trung tâm London và hơi bối rối về việc sử dụng
tài chính này của Vatican, đặc biệt là khi có liên quan đến Đồng Tiền Thánh
Phêrô (Obolo di San Peter). Ngài có biết về các giao dịch tài chính này và đặc
biệt, theo Ngài, việc sử dụng Đồng Tiền Thánh Phêrô có đúng không? Ngài thường
nói rằng tiền không nên được tạo ra bằng tiền, Ngài đã tố cáo việc sử dụng tài
chính cách bất chính, nhưng rồi chúng ta thấy rằng các hoạt động này cũng liên
quan đến Tòa Thánh và điều này gây tai tiếng. Ngài thấy tất cả sự kiện này như
thế nào?
Cảm ơn chị. Trước hết, việc quản trị tốt, bình thường là khi
chị nhận được số tiền từ Đồng Tiền Thánh Phêrô, thì chị phải làm gì? Cất nó vào
trong ngăn kéo? Không, đây là quản trị tồi! Tôi tìm cách đầu tư và khi nào tôi
cần cho đi, khi nào có những nhu cầu, trong một năm, thì tôi lấy nó và số vốn
đó không bị mất giá, giữ nguyên hoặc tăng một chút. Đây là quản trị tốt. Quản
trị ngăn kéo là tồi. Nhưng phải tìm cách quản trị tốt, một việc đầu tư tốt: điều
này rõ ràng không? Ngay cả đầu tư như chúng ta nói, “kiểu bà goá”, giống như
các bà góa làm: hai quả trứng ở đây, ba quả ở đó, năm ở kia. Nếu một chỗ rơi
thì còn chỗ khác không bị vỡ. Đồng thời, luôn luôn phải an toàn và luôn luôn phải
hợp đạo đức: nếu bạn đầu tư Đồng Tiền Thánh Phêrô vào một nhà máy vũ khí, thì Đồng
Tiền Thánh Phêrô ở đó không còn là Đồng Tiền Thánh Phêrô nữa. Nếu bạn đầu tư và
trong nhiều năm chẳng động chạm gì đến đồng vốn, thì điều đó không ổn. Đồng Tiền
Thánh Phêrô phải được chi tiêu trong một năm, một năm rưỡi, cho đến đợt quyên
góp lần tới từ khắp nơi trên thế giới. Và đây là quản trị tốt: phải an toàn...
và cũng có thể mua một tài sản, cho thuê, rồi bán lại, nhưng phải an toàn, với
tất cả sự đảm bảo vì lợi ích của người hưởng Đồng Tiền.
Sau đó, những gì đã xảy ra đó là một vụ bê bối: người ta đã
làm những điều dường như không sạch sẽ. Nhưng việc tố giác không phải từ bên
ngoài. Việc cải tổ về phương thức kinh tế, được bắt đầu từ thời Đức Benedictô
XVI, đã tiến triển và chính Kiểm toán viên nội bộ đã nói: ở đây là một điều xấu,
có điều gì đó không ổn. Ông đến chỗ tôi và tôi hỏi: ông có chắc không? Ông trả
lời “chắc”, ông chỉ cho tôi và hỏi tôi: “vậy con phải làm gì?” Và tôi trả lời:
Có Tư pháp Vatican. Hãy đi trình báo với Công tố viên. Và về điều này, tôi rất
vui vì chúng ta thấy rằng việc quản trị Vatican hiện tại có nguồn lực để làm rõ
những điều xấu diễn ra bên trong, như trường hợp này, trường hợp bất động sản ở
London - bởi vì điều này vẫn chưa rõ ràng - nhưng đã có những trường hợp tham
nhũng. Công tố viên đã nghiên cứu sự việc, đã thực hiện các cuộc tham vấn và thấy
rằng có sự mất cân đối trong ngân sách. Sau đó, ông đã xin phép tôi để thực hiện
việc khám xét: có một giả thiết về tham nhũng, nên ông nói với tôi rằng ông phải
khám xét ở văn phòng này văn phòng kia. Tôi đã ký giấy đồng ý. Việc khám xét được
thực hiện tại năm văn phòng và đến hôm nay - mặc dù giả định vô tội - có những
vốn không được quản lý tốt, ngay cả có tham nhũng. Tôi tin rằng không đầy một
tháng nữa, các cuộc thẩm vấn về năm người đã bị đình chỉ sẽ bắt đầu bởi vì có
những dấu hiệu tham nhũng. Chị có thể hỏi: năm người này có tham nhũng không?
Không, sự giả định vô tội phải được đảm bảo, đây là một quyền của con người.
Nhưng người ta thấy có tham nhũng. Với các cuộc khám xét, người ta sẽ thấy họ
có tội hay không. Đây là một điều tồi tệ, chẳng hay ho khi xảy ra ở Vatican.
Nhưng nó đã được làm sáng tỏ nhờ các cơ chế nội bộ được bắt đầu vận hành bởi Đức
Giáo hoàng Benedictô. Tôi cảm ơn Chúa về điều này. Không phải cảm ơn vì tham
nhũng, nhưng cảm ơn vì hệ thống kiểm soát của Vatican hoạt động tốt.
Câu hỏi từ Philip Pullella, từ Reuters
Có những lo ngại trong những tuần gần đây về những gì
đang xảy ra về tài chính của Vatican và theo một số người, có một cuộc chiến nội
bộ về việc ai sẽ kiểm soát tiền. Hầu hết các thành viên của Hội đồng quản trị của
Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF) đã từ chức. Egmont, Hiệp hội các cơ quan tài
chính, đã không cho Vatican tham gia vào các thông tin an toàn của nó sau vụ
khám xét ngày 1 tháng 10. Giám đốc của AIF vẫn còn bị ngưng chức, như ngài đã
nói, và vẫn chưa có Tổng Kiểm toán viên. Ngài có thể làm gì hoặc nói gì để bảo
đảm cho cộng đồng tài chính quốc tế và các tín hữu được mời gọi đóng góp cho Đồng
Tiền Thánh Phêrô, rằng Vatican sẽ không lại bị coi là “kẻ ở ngoài” bị loại trừ,
không được tin tưởng, và rằng những cải cách sẽ tiếp tục và sẽ không trở lại những
thói quen của quá khứ?
Vatican đã đạt được tiến bộ trong việc quản trị của mình: ví
dụ, Viện giáo vụ (IOR – Ngân hàng Vatican) ngày nay được tất cả các ngân hàng
chấp nhận và có thể hoạt động như các ngân hàng Ý, điều mà cách đây một năm đã
không xảy ra. Như vậy đã có những bước tiến. Kế đến, về nhóm Egmont: đây là một
nhóm quốc tế không chính thức, đó là một nhóm thành viên của AIF và việc kiểm
soát quốc tế không lệ thuộc vào nhóm Egmont, là một nhóm tư nhân dù được đánh
giá cao. Moneyval (cơ quan chống rửa tiền, ndr.) sẽ thực hiện kiểm tra theo lịch
trình cho những tháng đầu năm tới. Giám đốc AIF bị đình chỉ vì có những nghi ngờ
về việc không quản trị tốt. Chủ tịch của AIF, với sự trợ giúp của nhóm Egmont,
đã nỗ lực lấy lại tài liệu (bị tạm giữ, ndr.), điều mà Tư pháp (Vatican) không
thể làm. Trước vấn đề này, tôi đã tham khảo ý kiến của một thẩm phán cao cấp
người Ý: tôi nên làm gì? Đứng trước một cáo buộc tham nhũng thì Tư pháp là thẩm
quyền tối cao ở một đất nước, không ai có thể can thiệp vào đó, không ai có thể
trao giấy tờ cho nhóm Egmont. Những giấy tờ phải được nghiên cứu có thể đưa ra
ánh sáng điều dường như là quản trị tồi, theo nghĩa là kiểm soát kém: đó là, dường
như, AIF không kiểm soát những vi phạm của nơi khác. Nhiệm vụ của nó là kiểm
soát. Tôi hy vọng người ta chứng minh rằng nó không phải vậy, bây giờ thì giả định
là vô tội. Nhưng hiện tại thẩm phán có thẩm quyền và phải nghiên cứu mọi thứ diễn
ra như thế nào, bởi vì nếu ngược lại, một quốc gia sẽ có một thẩm quyền cao hơn
can thiệp đến thẩm quyền của ông. Chủ tịch của AIF đã hết hạn vào ngày 19
(tháng 11, ndr.), tôi đã gọi cho ông vài ngày trước và ông đã không để ý về điều
đó, sau đó ông nói với tôi như thế. Và tôi đã thông báo rằng ngày 19 ông ta sẽ
rời chức chủ tịch. Tôi đã tìm được người thay thế, một thẩm phán cao cấp ở cấp
độ quốc gia và quốc tế về pháp lý và kinh tế, và khi tôi về, ông sẽ đảm nhận chức
vụ chủ tịch của AIF. Có vẻ có điều mâu thuẫn khi cơ quan kiểm soát cao hơn nhà
nước. Đó không phải là một điều dễ hiểu. Điều hơi lo ngại là nhóm Egmont, một
nhóm tư nhân: nó giúp nhiều nhưng nó không phải là cơ quan kiểm soát Moneyval.
Moneyval sẽ nghiên cứu các con số, nghiên cứu các thủ tục, nghiên cứu cách Công
tố viên đã hành động và cách các thẩm phán đã xác định vấn đề. Tôi biết rằng
trong những ngày này, cuộc thẩm vấn một số trong năm người bị đình chỉ sẽ bắt đầu.
Không dễ, nhưng chúng ta không được ngây thơ, không được trở nên nô lệ. Có người
nói với tôi, nhưng tôi không nghĩ vậy, rằng: với vụ việc này, chúng ta đã đụng
đến nhóm Egmont, người ta sợ rằng nó là một chút khủng bố (tâm lý, ndr.). Hãy để
chuyện này sang một bên. Chúng ta tiến bước với luật pháp, với Moneyval, với chủ
tịch mới của AIF. Và giám đốc bị đình chỉ: có thể anh ta vô tội, tôi mong muốn
điều đó, vì điều tốt đẹp là một người vô tội và không phạm tội, tôi hy vọng như
vậy. Nhưng nhóm này đã tạo ra một chút ồn ào rằng họ không muốn các giấy tờ vốn
thuộc về họ bị đụng đến.
Đây là lần đầu tiên tại Vatican, chiếc nồi được mở nắp từ
bên trong, không phải từ bên ngoài. Đã nhiều lần từ bên ngoài, người ta nói với
chúng tôi và chúng tôi rất xấu hổ ... Nhưng Đức Giáo hoàng Benedictô rất khôn
ngoan, ngài bắt đầu một tiến trình mà nay đã chắc chắn, và có các định chế. Như
việc Kiểm toán viên đã can đảm tố giác bằng văn bản đối với năm người, nên nó
đang hoạt động... Thật sự, tôi không muốn phản đối nhóm Egmont vì nó làm nhiều
điều tốt, nó giúp ích, nhưng trong trường hợp này, quyền tối thượng của nhà nước
là công lý, vượt lên trên quyền hành pháp. Đây là điều không dễ hiểu nhưng tôi
xin quý vị hiểu.
Câu hỏi của Roland Juchem, từ CIC
Thưa Đức Thánh Cha, trên chuyến bay từ Bangkok đến Tokyo,
ngài đã gửi một bức điện tín tới bà Carrie Lam của Hong Kong. Ngài nghĩ gì về
tình hình ở đó, với các cuộc biểu tình và với các cuộc bầu cử cấp quận? Và khi
nào chúng tôi có thể cùng ngài đến Bắc Kinh?
Điện tín được gửi tới tất cả các Nguyên thủ quốc gia, là điều
tự động để chào hỏi và cũng là một cách lịch sự xin phép bay qua lãnh thổ của họ.
Điều này không có ý nghĩa lên án hoặc ủng hộ. Đó là một điều máy móc mà tất cả
các máy bay làm khi về mặt kỹ thuật chúng bay vào một lãnh thổ, chúng báo rằng
chúng đang vào và chúng ta làm điều đó vì lịch sự. Điều này không có giá trị
theo nghĩa câu hỏi của anh, nó chỉ có giá trị lịch sự. Về điều khác mà anh hỏi
tôi: nếu chúng ta nghĩ đến, thì đó không chỉ là Hồng Kông. Hãy nghĩ về Chile,
nghĩ về Pháp, nước dân chủ Pháp: một năm với người biểu tình áo vàng. Hãy nghĩ
về Nicaragua, nghĩ về các quốc gia Mỹ Latinh khác có vấn đề thuộc loại này và
thậm chí một số nước châu Âu. Đó là một điều chung. Tòa Thánh làm gì với điều
này? Kêu gọi đối thoại, vì hòa bình, nhưng không chỉ Hồng Kông, có nhiều tình
huống khác nhau với những vấn đề mà tôi không thể đánh giá được tại thời điểm
này. Tôi tôn trọng hòa bình và kêu gọi hòa bình đối với tất cả các quốc gia có
vấn đề, bao gồm cả Tây Ban Nha. Nó có ý nghĩa là tương đối hóa sự việc và kêu gọi
đối thoại, vì hòa bình, để giải quyết vấn đề. Và cuối cùng: Tôi muốn đến Bắc
Kinh, tôi yêu Trung Hoa.
Câu hỏi của Valentina Alazraki, từ Televisa
Thưa ĐTC Phanxicô, Mỹ Latinh đang bùng cháy. Chúng ta đã
thấy sau những hình ảnh Venezuela và Chile mà chúng ta không nghĩ sẽ thấy sau
thời Pinochet. Chúng ta đã thấy tình hình ở Bolivia, Nicaragua hoặc các quốc
gia khác: bạo loạn, bạo lực đường phố, tử vong, thương tích, các nhà thờ bị đốt
cháy và xúc phạm. Đâu là phân tích của ngài về những gì đang xảy ra ở các nước
này? Giáo hội và cá nhân ngài như một Giáo hoàng Mỹ Latinh làm gì với nó?
Có người đã nói với tôi điều này: phải làm một phân tích.
Tình hình ngày nay ở Mỹ Latinh giống như những năm 1974-1980, tại Chile,
Argentina, Uruguay, Brazil, Paraguay với Strössner và tôi nghĩ Bolivia nữa...
đã có chiến dịch Condor vào thời điểm đó... Một tình huống bốc lửa, nhưng tôi
không biết nó có phải là một vấn đề tương tự hay một vấn đề khác, tôi thực sự
không thể làm phân tích này ngay bây giờ. Đúng là có những tuyên bố chính xác
là không có tính hòa bình. Điều xảy ra ở Chile làm tôi sợ, bởi vì Chile đang
thoát ra khỏi vấn đề lạm dụng đã gây ra đau khổ rất nhiều và bây giờ là một vấn
đề thuộc loại này mà chúng ta không hiểu rõ. Nhưng nó đang bùng cháy như chị
nói, và phải tìm cách đối thoại, cũng như phân tích. Tôi chưa tìm thấy một phân
tích được thực hiện công phu về tình hình Mỹ Latinh và cũng có những chính phủ
yếu, rất yếu, đã không mang lại trật tự và hòa bình, và do đó dẫn đến tình huống
này.
Câu hỏi của Valentina Alazraki, từ Televisa
Evo Morales đã xin ngài làm trung gian chẳng hạn. Những
điều cụ thể ...
Vâng, những điều cụ thể. Venezuela đã xin trung gian và Tòa
thánh luôn sẵn sàng. Có một tương quan tốt, một tương quan thực sự tốt, chúng
tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Bôlivia đã làm một điều gì đó như thế này, họ
đã yêu cầu Liên Hợp Quốc, và Liên Hợp Quốc đã gửi các đại diện, và ngay cả một
số người từ một số quốc gia châu Âu. Tôi không biết Chile đã yêu cầu trung gian
quốc tế chưa, Brazil chắc chắn là chưa, nhưng ở đó cũng có các vấn đề. Đây là
điều hơi lạ, nhưng tôi không muốn nói thêm lời nào vì tôi không đủ khả năng và
đã không nghiên cứu kỹ và thật lòng tôi không hiểu rõ lắm.
Tôi tận dụng câu hỏi của chị để nói thêm rằng các bạn đã nói
rất ít về Thái Lan, một nước khác với Nhật Bản, một văn hóa siêu việt, một văn
hóa và cả vẻ đẹp khác với vẻ đẹp của Nhật Bản: một nền văn hóa, đất nước còn
nghèo nhưng rất giàu về tinh thần. Nhưng cũng có một vấn đề đau lòng khiến
chúng ta nghĩ về “Hy Lạp và những nước khác”, chị là một chuyên gia về vấn đề
khai thác bóc lột, chị đã nghiên cứu kỹ càng, và cuốn sách của chị viết rất tốt.
Và Thái Lan, một số nơi ở Thái Lan rất khó về điều này. Nhưng có nam Thái Lan,
và cũng có bắc Thái Lan xinh đẹp mà tôi không thể đến, đó là vùng bộ lạc và có
một nền văn hóa hoàn toàn khác. Tôi đã đón tiếp khoảng hai mươi người từ khu vực
đó, những Kitô hữu đầu tiên, những người chịu phép rửa đầu tiên, đã đến Roma, với
một nền văn hóa khác, những văn hóa bộ lạc. Và Bangkok, như chúng ta đã thấy,
là một thành phố hùng mạnh, rất hiện đại, nhưng nó có những vấn đề khác với Nhật
Bản và có sự giàu có khác với Nhật Bản. Về vấn đề khai thác tôi muốn nhấn mạnh
nó để cảm ơn chị vì cuốn sách của chị, cũng như tôi cũng muốn cảm ơn cuốn sách
“xanh” của Franca Giansoldati: hai phụ nữ trên máy bay, mỗi người đều đã ra một
cuốn sách đụng chạm đến những vấn đề ngày nay, vấn đề sinh thái và vấn đề hủy
hoại mẹ trái đất, môi trường và vấn đề khai thác con người mà chị đã chạm tới.
Người ta thấy rằng phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới và họ có khả năng. Cảm ơn
hai chị, cả hai vì sự đóng góp này. Và tôi cũng không quên chiếc áo của Rocio
(ngài muốn nói đến chiếc áo của một phụ nữ Mexico bị sát hại mà Valentina
Alazraki đã tặng cho Đức Thánh Cha trong một cuộc phỏng vấn video vào mấy tháng
trước, ndr.). Và cảm ơn vì đã đặt câu hỏi trực tiếp, đó là điều tốt. Xin cầu
nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét