16/02/2020
Chúa Nhật 6 Thường
Niên năm A
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Hc 15, 16-21
(Hl 15-20)
“Người không truyền dạy cho một
ai làm điều gian ác”.
Trích sách Huấn Ca.
Nếu ngươi muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn
là tuỳ ở ngươi. Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì, thì
giơ tay ra trên đó. Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ,
họ thích thứ nào, thì được thứ ấy. Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng
dũng và toàn năng, Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ
kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người. Người không truyền dạy
cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 1-2.
4-5. 17-18. 33-34.
Đáp: Phước đức những
ai tiến thân trong pháp luật của Chúa (c. 1b).
Xướng:
1) Phước đức những ai theo đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong
pháp luật của Chúa. Phước đức những ai giữ lời Ngài nghiêm huấn, những người đó
tận tâm kiếm tìm Ngài. – Đáp.
2) Phần Chúa, Ngài ban bố huấn lệnh, cốt để người ta tuân giữ hết sức ân
cần. Nguyện cho đường nẻo con vững chắc, để tuân giữ các thánh chỉ của Ngài. –
Đáp.
3) Xin gia ân cho tôi tớ Ngài được sống, để tuân giữ những lời Ngài răn.
Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật
Chúa. – Đáp.
4) Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường lối thánh chỉ Ngài, để con tuân giữ
cho bằng triệt để. Xin dạy con, để con tuân theo luật pháp Ngài, và để con hết
lòng tuân giữ luật đó. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 2,
6-10
“Thiên Chúa đã tiền định từ trước
muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng ta”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúng tôi có bàn giải sự khôn ngoan với những người toàn
thiện, mà đó không phải là sự khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của những
bậc vua chúa thế trần, hạng người đã bị dồn vào chỗ hư vong. Nhưng chúng tôi
thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa vẫn được giấu kín, mà Thiên
Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi. Sự
khôn ngoan đó, không một ai trong các vua chúa thế trần đã biết tới: vì giá thử
nhận biết, hẳn họ đã không đóng đinh Chúa sự hiển vinh. Nhưng chúng tôi rao giảng
như lời đã chép: “Sự mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, và lòng người cũng
chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm cho những ai
yêu mến Người”. Bởi chưng Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi do Thánh
Thần của Người. Thật vậy, Thánh Thần thấu suốt mọi sự, cả những điều thâm sâu của
Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 1, 14 và
12b
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe; Chúa có lời ban sự sống đời
đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 17-37
(bài dài)
“Người xưa đã bảo như thế, còn
Ta, Ta bảo các con thế này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến
để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.
Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong
bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một
trong những điều luật nhỏ mọn nhất và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người
nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ
được kể là người cao cả trong Nước Trời. Nếu các con không công chính hơn các
luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người,
sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh
em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước
công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu ngươi đang
dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với
ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em
ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay
lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan toà,
quan toà lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật
các ngươi biết: Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc
cuối cùng.
“Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo
các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với
họ trong lòng rồi. Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó
mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả
ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con;
vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
“Cũng có lời dạy rằng: ‘Ai ly dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị’.
Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ
cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình.
“Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: ‘Chớ thề gian, nhưng hãy
giữ trọn lời mình thề với Chúa’. Còn Ta, Ta bảo các con: Đừng thề chi cả; đừng
lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ
chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. cũng đừng
chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen
được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không,
thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”. Đó là lời Chúa.
Hoặc bài vắn này: Mt 5,
20-22a. 27-28. 33-34a. 37
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ta bảo thật các con: Nếu
các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được
vào Nước Trời đâu.
“Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người,
sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh
em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước
công nghị.
“Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo
các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với
họ trong lòng rồi.
“Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: ‘Chớ thề gian, nhưng hãy
giữ trọn lời mình thề với Chúa’. Còn Ta, Ta bảo các con: Đừng thề chi cả. Nhưng
lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt
chuyện là bởi ma quỷ mà ra”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Giáo huấn chung của Tân Ước
Phụng vụ Mùa Thường niên không đề cao một mầu
nhiệm nào đặc biệt, nhưng chỉ trình bày giáo huấn thông thường của Hội Thánh
liên quan đến đời sống hàng ngày của tín hữu. Hôm nay chúng ta vừa được nghe một
đoạn sách Huấn ca, một khúc thơ Phaolô và một số lời Tin Mừng theo thánh
Mátthêô. Nếu được phép tổng hợp, chúng ta có thể nói Lời Chúa hôm nay khuyên
chúng ta hãy lựa chọn đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa và đến với Ðức Yêsu
Kitô là Ðấng đang rao giảng sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho loài người.
A. Chúng Ta Hãy Lựa Chọn Ðường Lối Khôn Ngoan
Huấn ca là một tác phẩm trong loại sách khôn
ngoan của Thánh Kinh Cựu Ước. Ngay trong đoạn trích đọc vắn tắt hôm nay, người
ta đã có thể nhận ra mấy sắc thái chính yếu của tác phẩm cũng như của loại sách
khôn ngoan này. Tác giả kêu gọi sự tự do lựa chọn của con người. Không có sự tự
do, không thể nói đến triết học và khôn ngoan. Do đó các sách khôn ngoan không
có tính cách giáo điều. Luôn luôn độc giả được kêu mời tự do lựa chọn. Hơn nữa,
hạnh phúc mà người ta tìm kiếm nằm ngay ở tầm tay của họ. Giơ tay nắm lấy cái
gì, hạnh phúc hay bất hạnh, thì người ta sẽ được ngay cái đó.
Như vậy, tư tưởng của Thánh Kinh không có gì
là "định mệnh" cả. Chính con người làm chủ vận mạng của mình. Và điều
này, ngay trang đầu của bộ Kinh Thánh cũng đã khẳng định. Thiên Chúa bấy giờ dựng
nên Ađam-Evà. Người đặt họ trong "vườn địa đàng" có đủ mọi thứ cây
ngon lành có thể thỏa mãn sự thèm khát của con người. Nhưng giữa vườn cũng có một
cây "lành dữ", mà nếu giơ tay bất quả nó mà ăn, con người sẽ có kinh
nghiệm mất mát tất cả những gì đang có và bắt được những gì ngược hẳn với nếp sống
hiện nay. Lúc này họ đang sống trong tình giao hữu hạnh phúc với Thiên Chúa là
nguồn mọi sự sống. Bứt quả cây trái cấm mà ăn, họ sẽ rơi vào tình trạng thù địch
với Người và nếm biết sự chết đời đời. Ađam-Evà đã được đặt trong tình trạng tự
do để lựa chọn tương lai cho mình và con cháu. Trái cây hạnh phúc và bất hạnh ở
ngay tầm tay của họ. Họ có thể lựa chọn giữa sự sống và sự chết, giữa "lửa
và nước" như lời sách Huấn ca hôm nay viết, bởi vì "lửa" là hình
ảnh về sức mạnh tiêu diệt, tàn phá và chết chóc, còn "nước" lại nói
lên nguồn mạch sinh ra sự sống và sự sống dồi dào. Con người muốn lựa chọn đàng
nào cũng được.
Ađam-Evà đã lựa chọn thế nào thì chúng ta ai
cũng đã biết. Chúng ta có thể tức vì tại hai ông bà đã chọn điều dữ, nên loài
người chúng ta ngày nay đang sống trong tình trạng sa đọa. Nhưng ngay trong
tình trạng này, con người chúng ta vẫn có sự tự do lựa chọn. Mặc nhiên, mọi người
đều tin như vậy. Chỉ mấy triết gia suy đi tính lại tỉ mỉ quá mức mới dám hoài
nghi: không biết cuối cùng con người có còn tự do hay không? Hay là họ đã nằm
trong bàn tay của một "con tạo đa đoan" và định mệnh của họ đã được
ghi khắc một lần thay vì tất cả ngay cả từ trước khi họ sinh ra ở đời. Hai câu
cuối của bài sách Huấn ca hôm nay phi bác mọi luận điệu như thế. Tác giả viết:
Thiên Chúa không truyền cho ai phạm tội; Người không ủy lạo kẻ dối trá. Ngược lại
truyền thống Thánh Kinh luôn khẳng định: vì là Ðấng tốt lành, Thiên Chúa không
muốn ai phải chết: Người luôn ra tay cứu độ; tất cả những gì Người làm chỉ là
hướng dẫn con người về đường ngay nẻo chính để họ được sống và được sống dồi
dào. Lựa chọn sự dữ và bất hạnh là quyền lợi - nói đúng hơn, là quyền hạn - của
con người. Ðúng hơn nữa, đó là lạm dụng quyền tự do mà Thiên Chúa đã ban cho
mình.
Chúng ta có nhiều kinh nghiệm về thái độ của
nhiều người khác. Rõ ràng họ được tự do hoàn toàn để lựa chọn điều hay, hay là
điều dở, đặc biệt trong các quan hệ với chính chúng ta. Chúng ta tạo mọi điều
kiện để giữa họ và ta có những tương quan thuận lợi. Thế mà dường như có một
cái gì như cố chấp ở nơi họ. Mối tình giữa họ và ta chẳng sao xây dựng được và
khả quan hơn. Tất cả, theo quan điểm của ta, chỉ vì họ không muốn.
Có lẽ bài sách Huấn ca đã đi từ kinh nghiệm ấy.
Tác giả mở đầu bằng mấy chữ "nếu muốn". Nếu muốn thì con người sẽ giữ
lệnh truyền của Chúa; và như vậy họ sẽ được sống. Bằng không họ sẽ tra tay vào
lửa và lựa chọn sự chết. Tư tưởng của Thánh Kinh vì thế đề cao sự tự do của con
người . "Từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên họ và trao họ cho tâm thuật của họ"
(Hc 15,14), tức là để cho họ được tự do làm theo ý mình. Tuy nhiên "Người
biết hết mọi sự và toàn năng". Mắt Người nhìn xuống những kẻ kính sợ Người�
Thế nên sự khôn ngoan của sách Huấn ca cũng
như của tư tưởng Kinh Thánh là con người hãy đi theo đường lối của Thiên Chúa.
Chính đó là sự khôn ngoan. Con người giữ lệnh truyền của Thiên Chúa sẽ chắc chắn
đi trong đường lối khôn ngoan dẫn đến sự sống, vì sự "khôn ngoan của Thiên
Chúa thật vạn năng".
Chân lý này, người tín hữu nào cũng công nhận.
Khó khăn nằm ở chỗ thực hành. Trong đời sống thực tế, không phải lúc nào cũng dễ
tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính dân Israel ngày xưa cũng vậy. Mặc
cho các tiên tri kêu gọi họ trở về đường lối mà Chúa đã vạch ra trong Luật
pháp, họ vẫn đi theo đường lối của họ. Nói đúng hơn, họ muốn sống như mọi dân tộc
khác và khước từ cố gắng chu toàn ơn gọi làm Dân Riêng của Chúa. Chúng ta, những
kẻ ở trong Dân Mới của Người, cũng không hơn gì họ. Chính vì vậy mà chúng ta cần
lắng nghe lời khuyên bảo của thánh Phaolô.
B. Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa
Thư 1 Côrinthô quen được coi như thư riêng của
người Công giáo, theo nghĩa những người này thích đọc nó như người Tin lành thường
thích đọc thư Rôma. Và quả thật, thư 1 Côrinthô có nhiều yếu tố để nói với các
cộng đồng Công giáo. Nó có cả những đề tài, như lời mở đầu đoạn trích đọc hôm
nay cho biết, dành cho những "người thành toàn", tức là những người
đã tiến bộ trong đức tin và đời sống tín hữu. Trong số đó có đề tài về sự khôn
ngoan mà bài đọc I hôm nay đã đề cập.
Sự khôn ngoan của đạo chúng ta, kể từ lời mạc
khải đầu tiên cho đến lời Kinh Thánh cuối cùng, không phải là sự khôn ngoan của
đời tạm này. Càng không phải là sự khôn ngoan của những đầu mục của đời tạm
này. Nó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan mà các sách khôn ngoan
trong Thánh Kinh Cựu Ước thường đem ra bàn. Tác giả sách Huấn ca đã thấy nó nằm
trong các lệnh truyền của Thiên Chúa. Và những tác giả khác cũng đồng ý bảo nó
nằm nơi Luật pháp mà Chúa đã ban cho Dân Riêng của Người.
Tuy nhiên Luật pháp thì dài và lệnh truyền thì
nhiều. Hơn nữa dù vẫn nghe Luật pháp và Tiên tri trong các ngày Hưu lễ nơi Hội
đường, người dân Israel ngày xưa vẫn không nhận ra sự khôn ngoan của Thiên
Chúa. Dường như vẫn còn có một tấm màn che mắt họ, khiến họ nghe đọc mà chẳng
hiểu, xem thấy mà chẳng nhận ra. Mãi đến khi tấm màn trong Ðền thờ rách toang
ra vào Giờ Chúa Yêsu chịu chết trên Thập giá, sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới
tỏ hiện. Người ta mới biết Ðức Yêsu là ai. Người là Ðấng Cứu thế! Và Thiên Chúa
đã muốn tỏ hiện sự khôn ngoan của Người ở nơi Ngài: "Ngài là Con Chí Ái của
Ta, các ngươi hãy nghe Ngài".
Chính vì vậy mà thánh Phaolô viết rằng, sự
khôn ngoan của Thiên Chúa vẫn giữ kín từ đời đời cho đến lúc bấy giờ. Trước đó
người ta đã được nghe nói về đường lối khôn ngoan cứu độ của Thiên Chúa. Người
ta cũng đã thấy rất nhiều kỳ công mà Người đã làm. Tuy nhiên tất cả như còn là
tiền ảnh và biểu tượng và như còn được nói bằng "dụ ngôn". Nhưng mọi
sự đã trở nên sáng tỏ và mới hẳn trong mầu nhiệm của Ðức Yêsu Kitô, cách riêng
trong biến cố Tử nạn - Phục sinh của Người. Ðứng trước mạc khải này, những người
được ơn khôn ngoan nhất, cũng bàng hoàng như thể trong mơ. Không vậy thì người
Dothái đã không đóng đanh Ðức Yêsu; và ngay các Tông đồ đã không lấy việc sống
lại làm khó hiểu. Chỉ khi đã chắc chắn về biến cố Phục sinh, các môn đệ mới thấy
Ðức Yêsu là "Chúa"; họ mới tuyên xưng Người là sự Khôn ngoan của
Thiên Chúa; họ mới thấy Luật pháp và Tiên tri trước kia đã chỉ nói về Người.
Như vậy, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn
ngoan mang lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho con người, không phải là Luật
pháp và các Tiên tri, nhưng là Ðức Yêsu Kitô; mà cũng không phải là Ðức Yêsu
Kitô như xác thịt cho biết, nhưng là "Chúa" Yêsu Kitô trong ánh sáng
đức tin mà mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Người đã ban cho. Nhờ ánh sáng tỏa
ra từ mầu nhiệm này, Luật pháp và Tiên tri mới minh bạch. Sự khôn ngoan của
Thiên Chúa giữ kín ở đó mới bộc lộ ra. Từ nay đọc lên người ta mới hiểu rõ vì họ
đã nhận được Thánh Thần, Ðấng dò thấu mọi sự, cả những chiều sâu thẳm nơi Thiên
Chúa. Và Thánh Thần chỉ được ban cho người ta sau khi Ðức Yêsu đã tử nạn-phục
sinh lên ngự bên hữu Thiên Chúa để tuôn đổ xuống cho những kẻ có lòng tin.
Thế mà có những tín hữu cứ muốn luận lý với những
người chưa có đức tin về đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa! Họ còn lầm hơn
khi dám so sánh đường lối của Thiên Chúa với đường lối của thế gian. Lẽ ra họ
đã phải cầu xin trước cho người ta được ơn đức tin. Họ phải lựa chọn Chúa trước
rồi mới thấy được sự khôn ngoan của Người. Chính điều này cũng cần phải có để
nhận ra ý nghiã của những lời Tin Mừng hôm nay mà Chúa Yêsu, sự Khôn ngoan của
Thiên Chúa, đang nói với chúng ta. Người đang rao giảng sự khôn ngoan của Thiên
Chúa ở trong Hội Thánh. Chúng ta hãy nghe Người.
C. Thiên Chúa Nói Sự Khôn Ngoan Của Người Với Chúng Ta
Chắc chắn không nên tìm trong đoạn này một bố cục
chặt chẽ. Vì đây không phải là một bài luân lý; nhưng chỉ là mớ những lời dạy dỗ,
có thể đã được nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà tác giả sách Tin Mừng đã
lấy đặt đứng bên nhau để làm thành một "bài giảng".
Chúng ta có thể nhận ra một số câu mở đầu. Ðức
Yêsu tuyên bố: "Ðừng tưởng Ta đến để bãi bỏ Lề Luật hay các Tiên tri; Ta đến
không phải để bãi bỏ mà để làm trọn". Lời nói hết sức quan trọng. Lập tức,
Chúa Yêsu đã khẳng định Người là Ðấng phải đến trong thế gian, tức là Vị Cứu thế
mà Cựu Ước loan báo phải trông đợi. Uy quyền của Người át cả Lề luật và các
Tiên tri. Tuy nhiên Người không phủ nhận và bãi bỏ họ. Người kiện toàn họ. Thế
nên không được coi nhẹ một nét nhỏ nào trong Luật pháp. Câu này không có ý nói
lên bất cứ một chút xíu nào trong khuynh hướng bảo thủ và vụ luật. Nó muốn tăng
cường sức mạnh cho câu khẳng định ở trên: Ta đến không phải để bãi bỏ mà để làm
nên trọn. Và cũng chính vì vậy mà người trong Dân Mới phải công chính hơn các
Ký lục và Biệt phái trong Ðạo cũ. Những người này nổi tiếng là những người giữ
Luật, thì những ai theo Ðấng đến làm cho Luật pháp nên trọn phải công chính
hơn.
Chẳng han Luật xưa bảo: Chớ giết người! Thì
nay, Ðấng đến làm trọn Lề luật truyền lệnh không được tức giận anh em mình. Người
đòi hỏi một sự công chính lớn và sâu xa hơn. Người làm "trọn" luật chớ
giết người, khi cấm ngay cả sự tức tối trong tâm hồn. Hễ bất hòa với ai, người
ta phải mau mau hòa giải để có khả năng thờ phượng, tức là để xứng đáng ở lại
trong Dân Mới của Thiên Chúa là Dân có bản chất tư tế. Ðàng khác người ta luôn
phải sợ có tâm hồn bất hòa như thế mà phải gặp mặt Ðấng Chí Công phán xét khi
Người bất thần kêu gọi họ ra khỏi đời này. Người muốn môn đệ của Người luôn sống
trong trạng thái yêu mến, như Thiên Chúa là Ðấng Mến Yêu.
Một thí dụ khác, Luật xưa dạy: Chớ ngoại tình!
Nay Ðấng kiện toàn Lề luật đến, Người tuyên bố: phàm ai nhìn người nữ để thỏa
lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng. Và Người truyền: con mắt nào có
những cái nhìn như thế, thì tốt hơn nên móc mà quăng nó đi. Vì thà mất một chi
thể còn lợi hơn là có cả toàn thân mà bị xô vào hỏa ngục. Ý của Người muốn người
ta phải tiêu diệt tội lỗi ngay từ trong lòng và nơi các nguyên nhân, điều kiện
dẫn đến tội lỗi.
Nhưng đã nói đến ngoại tình, Người không thể
mau lẹ bỏ qua một thắc mắc đang sôi nổi ở thời bấy giờ và có lẽ ở mọi thời, đặc
biệt ở thời đại chúng ta. Luật xưa nói: ai rẫy vợ thì hãy cho vợ ly thư. Và ở
nhiều nơi luật đời hiện nay cũng cho ly dị. Còn Chúa Yêsu, Ðấng đến kiện toàn Lề
luật nghĩ thế nào?
Có lần Người đã khẳng định: Xưa Môsê nói như vậy
là vì sự yếu đuối của con cái Israel, chứ tự nguyên thủy không như vậy và những
gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân rẽ. Ở đây, trong đoạn văn
này, lập trường trên vẫn không thay đổi, vì ai cưới người vợ ly dị là phạm tội
ngoại tình. Nhưng cũng vì con người yếu đuối, và cũng để tôn trọng chứ không phải
bãi bỏ Luật xưa đã cho phép, sách Tin Mừng Matthêô hôm nay viết: mọi kẻ rẫy vợ
- trừ phi là nố dâm bôn - là làm cho vợ ngoại tình. Tác giả cho phép có một nố
trừ. Các nhà chú giải mặc sức tìm hiểu sự thật nố trừ này là gì. Ðiều chắc chắn
là ngoài tác giả Matthêô ra, không một tác giả Tân Ước nào khác cho phép có luật
trừ trong việc cấm ly dị. Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng: trong toàn
thể Hội Thánh thời các Tông đồ, đâu đâu cũng rao giảng giáo lý của Chúa tuyệt đối
cấm ly dị. Nhưng ở những môi trường người Dothái theo đạo, người ta còn bám vào
Luật Môsê; người ta nại đến việc Chúa không đến để bãi bỏ Lề luật; người ta muốn
được áp dụng Luật mới một cách nhẹ nhàng... Có lẽ vì vậy tác giả Matthêô viết
sách cho những môi trường này, đã đề cập tới một nố trừ nhưng vẫn khẳng định
tính cách vĩnh viễn của hôn nhân. Nói theo danh từ của Giáo hội hiện nay, có những
trường hợp được ly thân nhưng không được ly hôn vì ai cưới người vợ ly dị là phạm
tội ngoại tình. Tuy nhiên muốn nói cho hết lẽ, chẳng bao giờ được phép tựa vào
một câu để đi ngược lại với toàn bộ giáo huấn chung của Tân Ước và giáo lý sống
động của Hội Thánh. Và điều này chúng ta cũng phải áp dụng ở đây.
Chúa Yêsu đang dạy dỗ dân chúng một cách sống
động. Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đến với loài người. Dân chúng không
thấy Người nói như các Luật sĩ và Biệt phái. Người có giáo lý mới "mắt chẳng
hề thấy, tai chẳng hề nghe". Người kêu gọi lòng tin. Người ta được tự do lựa
chọn. Và bắt đầu người ta phải tin Người. Ðó chính là điều mới lạ. Và cũng là
điều tồn tại mãi mãi trong đạo của Người, đạo của chúng ta.
Ngay trong giờ phút này và ở đây, chúng ta cử
hành Thánh lễ. Ðây là mầu nhiệm đức tin. Chúng ta tự do lựa chọn thái độ. Mầu
nhiệm nằm ở tầm tay chúng ta, theo nghĩa chúng ta có thể đón nhận với niềm tin
hay không. Và tùy đó, chúng ta sẽ lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa hay không.
Chẳng sự khôn ngoan nào của loài người giúp chúng ta làm được công việc này. Chỉ
có Lời của Chúa Yêsu Kitô, chỉ có uy tín của Người là sự khôn ngoan của Thiên
Chúa khiến được chúng ta tin vào sự biến đổi của bánh rượu. Và khi chúng ta đã
lãnh nhận Bí tích với niềm tin như thế, chúng ta sẽ được gia tăng đức tin, đức
cậy và đức mến để thay đổi cuộc đời hàng ngày của chúng ta, không theo sự khôn
ngoan của thế gian nữa, nhưng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được biểu lộ
cho chúng ta trong Lời Chúa và Mình Thánh Chúa mà chúng ta đón nhận trong Thánh
lễ này.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật VI Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Sir 15:16-21; 1 Cor 2:6-10; Mt 5:17-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm học và thực thi đường lối
khôn ngoan của Thiên Chúa.
Nếu con người biết khiêm nhường học hỏi và quan sát những điều xảy ra
trong vũ trụ, họ sẽ nhận thấy trí khôn của con người rất hạn hẹp và nhiều giới
hạn, không thể nào so với sự khôn ngoan vô biên của Thiên Chúa. Một thái độ như
thế sẽ giúp con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và làm theo những gì Ngài dạy,
và sẽ gặt hái rất nhiều kết quả tốt lành trong cuộc đời.
Cả ba bài đọc hôm nay đều nhấn mạnh đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt
xa sự khôn ngoan của con người, và con người phải học hỏi để sống theo đường lối
khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca đưa ra lý do tại
sao con người phải chọn để sống theo đường lối của Thiên Chúa, vì Ngài nắm giữ
vận mạng của loài người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô phân biệt sự khôn ngoan
của Thiên Chúa với sự khôn ngoan của con người. Thiên Chúa ban khôn ngoan của
Ngài cho những ai yêu mến và tìm nó. Trong Phúc Âm, sau khi đã loan báo Hiến
Chương Nước Trời (Mt 5:1-12) và cho hai ví dụ về muối và ánh sáng, Chúa Giêsu
đi thẳng vào trọng tâm của Lề Luật. Ngài vạch rõ những hiểu biết sai lầm về Luật
và lối sống vụ Luật; đồng thời dạy dỗ dân chúng lối sống mang lại hiệu quả theo
Luật của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trước mặt con người là cửa
sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó.
Sách Huấn Ca là một trong bảy Sách Khôn Ngoan, chú trọng đến việc dạy dỗ
con người biết sống mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân: cha mẹ, vợ chồng,
con cái, bạn hữu, kẻ thù… Sách rất nhiều lần nhấn mạnh đến chân lý nền tảng:
“Kính sợ Thiên Chúa là nguồn mạch mọi khôn ngoan.”
Tại sao phải học hỏi và tuân theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa? Câu trả lời
đơn giản là vì uy quyền của Thiên Chúa vượt xa con người giới hạn. Tác giả Sách
Khôn Ngoan viết: “Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Người mạnh mẽ uy
quyền và trông thấy tất cả. Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết
rõ tất cả những gì người ta thực hiện.” Dĩ nhiên, con người có tự do chọn để sống
nghịch ý với Thiên Chúa, nhưng làm như vậy có lợi gì đâu, con người chỉ chuốc lấy
đau khổ và thiệt hại, cả đời này lẫn đời sau. Tác giả cho một ví dụ chọn lựa:
“Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy.
Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó.” Ngay cả sự
tự do của con người cũng là của Thiên Chúa ban, nhưng không phải là để cho con
người muốn chọn sao thì chọn; nhưng phải chọn sao cho hợp với ý của Thiên Chúa,
thì mới mang lại kết quả tốt đẹp và hạnh phúc cho con người.
2/ Bài đọc II: Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn
ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Sự khác biệt giữa khôn ngoan của Thiên Chúa và của con người: Thánh
Phaolô ý thức rất rõ những gì ngài rao giảng về Đức Kitô vượt xa giới hạn hiểu
biết của con người, nhất là Đức Kitô chết trên Thập Giá là điều mà con người
thường không thể hiểu được. Ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một
sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những
người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1 Cor 1:18). Thánh
Phaolô cũng biết nếu những người liên hệ đến cái chết của Đức Kitô biết Ngài thực
sự là Con Thiên Chúa, họ sẽ không bao giờ dám tham dự vào việc giết Ngài; và
như vậy, kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa sẽ không thành công! Chính điều này nói
cho con người biết họ khôn ngoan của họ không thể nào sánh kịp khôn ngoan của
Thiên Chúa, họ đang thi hành kế hoạch của Thiên Chúa mà họ vẫn tưởng đang làm
theo sự khôn ngoan của mình.
Nhưng tại sao Thiên Chúa lại không mặc khải cho tất cả mọi người được biết?
Ngoài lý do kể trên, Đức Kitô vẫn không ngừng mặc khải cho họ biết Ngài là Con
Thiên Chúa, nhưng họ vẫn bưng tai bịt mắt không chịu nghe Ngài, phần vì họ quá
dựa vào sự khôn ngoan của họ, phần vì họ sợ sẽ mất những lợi nhuận vật chất.
Nhưng đối với những ai khiêm nhường và yêu mến sự thật, Thiên Chúa vẫn cho mọi
người ở mọi nơi và mọi thời có cơ hội để nhận ra và tin vào Đức Kitô, như
Phaolô xác nhận: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề
nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn
chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí.”
3/ Phúc Âm: Luật trọn lành của Chúa Giêsu
3.1/ Chúa Giêsu giải thích Lề Luật: Trước tiên, chúng ta cần xác định đâu
là ý nghĩa của Luật mà Chúa Giêsu muốn đề cập đến ở đây. Truyền thống Do-thái
có ít nhất 4 cách cắt nghĩa: (1) Thập Giới; (2) 5 cuốn Sách đầu tiên của Kinh
Thánh, Ngũ Thư; (3) Sách Luật và Sách Ngôn Sứ; và (4) không chỉ 3 điều trên, mà
còn cả Luật theo truyền thống của tổ tiên nữa, như luật rửa tay và thanh sạch,
như phái Pharisees hay tranh luận với Chúa Giêsu. Chắc chắn, Chúa Giêsu không
muốn nói tới luật lệ của con người (4), vì chúng bất toàn và hay thay đổi. Ngài
cũng không muốn nói tới cách giải thích Luật theo sự hiểu biết của con người
(2) và (3), vì nhiều khi chúng đi quá xa nguyên tắc căn bản và trở thành gánh nặng
cho con người; tuy nhiên, lời các ngôn sứ về việc Chúa đến chắc chắn Ngài sẽ kiện
toàn. Thập Giới có lẽ là điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ ở đây, vì nó đến trực tiếp
từ Thiên Chúa và không bao giờ thay đổi. Ba áp dụng của Luật Chúa muốn nói tới ở
đây.
(1) Thi hành Luật chứ không phải chỉ biết Luật: Nhiều người nghĩ có thể
trở nên công chính bằng việc biết Luật hay biết Đức Kitô, Chúa Giêsu nhấn mạnh
việc thực thi Lề Luật. Biết mà không thi hành, có ích lợi gì cho người biết
đâu, Satan và bè lũ của chúng biết còn hơn con người. Chúa cũng nhấn mạnh đến
việc dạy dỗ con người làm theo những gì Luật dạy: “Còn ai tuân hành và dạy làm
như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”
(2) Không được khinh thường và tức giận với anh em: Nhiều người trong
chúng ta chỉ để ý tới tội giết người, mà ít khi chịu để ý tới tội khinh thường
và chửi rủa anh em. Dĩ nhiên, Chúa không kết tội nóng giận tự nhiên khi tha
nhân làm điều gì cho mình buồn lòng; nhưng không được phản ứng đến độ khinh thường
và lăng nhục tha nhân.
(3) Sống hòa thuận với tha nhân: Truyền thống Do-thái không xa lạ với lời
dạy của Chúa, vì trong Cựu Ước, tội chỉ có thể được tha khi hội đủ 3 điều: làm
hòa, thú tội với Thiên Chúa, và dâng lễ vật đền tội. Tội không thể được tha cho
dù đã thú tội và dâng lễ vật. Vì thế, “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ,
mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, hãy để của lễ lại
đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của
mình.” Chúa cũng dạy một điều rất khôn ngoan là hãy biết sống hòa thuận với tha
nhân, và tìm cách giải quyết với nhau khi có vấn đề: chuyện bé đừng xé ra to;
chuyện có thể giải quyết với nhau được đừng đưa nhau đến cửa quan để cả hai đều
chịu thiệt hại.
3.2/ Sống theo sự thật: Hễ “có” thì phải nói “có;” “không” thì phải nói
“không.”
Nguyên tắc căn bản trong cuộc đời là con người phải biết sống theo sự thật,
và tuyệt đối không sống theo sự sai trái; dẫu biết sự thật mất lòng, con người
vẫn phải nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Sống theo sự thật không dễ vì nó
đòi hy sinh và ngay cả có thể phải chết để làm chứng cho sự thật. Không ai có
thể vỗ ngực tự nhận mình luôn sống theo sự thật; nhưng điều quan trọng là sau
khi đã lỡ sống theo sự gian trá, con người phải có can đảm tự nhận và thú lỗi:
mình đã không sống theo sự thật Thiên Chúa dạy. Đừng biện hộ với hết lý do này
đến lý do kia, để rồi dần dần giải thích sự gian trá theo lý luận quanh co của
mình; nhất là để biến sự gian trá thành sự thật. Chúa Giêsu đưa ra 4 áp dụng về
việc sống theo sự thật.
(1) Việc ngoại tình: Sự thật không phải chỉ biểu lộ trong việc làm nhưng
còn bắt nguồn trong tư tưởng. Chúng ta cần phân biệt ở đây giữa thèm muốn tự
nhiên với cố ý thèm muốn. Nếu một người nam nhìn người nữ với sự rung động tự
nhiên, rồi gạt bỏ đi ngay, điều đó không có tội. Điều Chúa Giêsu muốn đề cập đến
ở đây là trường hợp cố tình nhìn để khơi động tình dục. Hiểu như thế, điều phải
tránh không chỉ nhìn phụ nữ nhãn tiền, mà còn bao gồm cả phụ nữ trong phim, ảnh,
internet… để kích thích tình dục nữa; khi làm như thế cũng là đang khao khát
con người của họ dẫu họ không biết.
Điều Chúa Giêsu dạy: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy
móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả
ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì
thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục” không thể hiểu
theo nghĩa đen, dẫu đã có vài người đã làm như vậy. Với sự yếu đuối của con người,
nếu cứ làm như thế, không biết trên thân thể còn gì để móc và cắt! Điều Chúa muốn
nêu bật là sự trầm trọng của tội, chúng ta phải cố gắng hết sức để đừng làm nô
lệ cho tội lỗi, vì nó sẽ giam hãm chúng ta trong hỏa ngục.
(2) Việc ly dị: Căn bản là sự trung thành với lời mình đã thề hứa với
Thiên Chúa và với nhau. Giao ước hôn nhân không bao giờ có thể xóa bỏ được vì
“Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.” Con người có thể
vịn vào hàng trăm thứ lý do để xin ly dị; nhưng đơn giản là vì con người đã
không thật lòng với Thiên Chúa và với nhau, ngay từ ban đầu hay trong cuộc sống
lứa đôi. Giáo Hội có cho phép ly dị cũng chỉ vì những yếu đuối không sống theo
sự thật được của người xin; chứ Giáo Hội chẳng bao giờ xé được hôn nhân mà
Thiên Chúa đã liên kết.
(3) Việc thề hứa: Nguyên tắc căn bản Chúa Giêsu dạy là sống theo sự thật.
Nếu con người luôn sống theo sự thật, thề hứa là chuyện thừa. Người ta có thể
tin lời của một người luôn sống theo sự thật mà không cần thề hứa gì cả; nhưng
nếu một người đã không sống theo sự thật, có thề hứa bao nhiêu cũng chẳng bảo đảm
được lời người ấy hứa. Trong lịch sử, đã có những bộ tộc cấm tuyệt đối chuyện
thề hứa như Essenes và Quakers. Chúa Giêsu vạch ra những gian manh của con người
trong việc thề hứa để khỏi phải giữ, và Ngài dạy: “đừng thề chi cả.”
(4) Sống theo sự gian trá là sống theo ác quỉ: Lời của Thiên Chúa là sự
thật, và Đức Kitô đã cầu xin Cha Ngài thánh hóa các môn đệ trong sự thật (Jn
17). Mục đích của việc thánh hóa này là vì các môn đệ còn phải sống trong thế
gian, dưới ảnh hưởng của ác thần. Lời Chúa và sự thật không thể tách rời nhau,
con người sống theo sự gian trá có thể vì không biết sự thật. Một người luôn học
hỏi, suy niệm, và nắm vững Lời Chúa, khó lòng cho ma quỉ cám dỗ theo đường gian
ác.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải luôn biết học hỏi và sống theo đường lối khôn ngoan của
Thiên Chúa. Một thái độ như thế sẽ giúp chúng ta tránh được khổ đau và sống hạnh
phúc trong cuộc đời.
– Sự khôn ngoan và đường lối của Thiên Chúa nhiều khi hoàn toàn ngược lại
sự khôn ngoan và đường lối con của con người. Chúng ta cần cầu nguyện và xin ơn
khôn ngoan của Thánh Thần trợ giúp khi phải đương đầu với những trường hợp này.
– Chúng ta đừng chỉ tìm hiểu sơ sài và sống hời hợt bên ngoài; nhưng hãy
dành thời giờ học hỏi, suy niệm, và cầu nguyện để nhận ra những nguyên lý sâu
xa bên trong.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
16/02/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – A
Mt 5,17-37
LUẬT TRỌN HẢO
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người
Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)
Suy niệm: Với não trạng thực dụng,
người ta dễ an tâm với lối sống miễn sao không vi phạm lề luật, chỉ cần công
chính như các kinh sư và người Pha-ri-sêu là quá đủ rồi. Thế nhưng Thiên Chúa
là Tình Yêu, mà Tình Yêu thì không bao giờ bằng lòng ở mức chung chung. Đã yêu
thương thì phải yêu ở mức cao nhất, yêu đến cùng. Vì thế não trạng thực dụng
không bao giờ tương hợp với tính triệt để của Tin Mừng mà Chúa Giê-su mời gọi
chúng ta thực thi: Phải sống công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì
mới được vào Nước Trời. Vì thế, chỉ giữ luật về hình thức bề ngoài mà thôi thì
chưa đủ, mà phải đi vào chiều sâu nội tâm nữa.
Mời Bạn: Muốn trở nên môn đệ đích
thực của Thầy Giê-su, chúng ta chống lại cơn cám dỗ chạy theo trào lưu thực dụng
của xã hội hiện đại: Chớ giết người mà thôi thì chưa đủ, mà còn không được giận
ghét anh em. Không ngoại tình mà thôi thì chưa đủ mà còn phải trong sạch từ
trong tư tưởng nữa. Không phạm tội mà thôi thì chưa đủ mà còn phải triệt tiêu cả
những dịp tội nữa. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải trở nên hoàn thiện, không
như các kinh sư và người Pha-ri-sêu, mà như Cha trên trời là Đấng Công Chính và
Toàn Thiện.
Sống Lời Chúa: Thờ phượng Chúa cách kính
cẩn, phục vụ tha nhân cách tận tâm, để chỉ mình Chúa thấu suốt, dù người khác
có nhận biết hay không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho
con biết mặc lấy sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa để con luôn thực thi giới
răn Chúa truyền dạy với tất cả tấm lòng yêu mến.
(5 Phút Lời Chúa)
Thầy đến để kiện
toàn (16.02.2020 – Chúa Nhật 6 TN, Năm A)
SUY NIỆM
Người Do-thái coi trọng Luật Chúa đã ban cho ông Môsê,
từ núi thánh Xinai, giữa mây mù, khói lửa và sấm chớp (Xh 19,16-19).
Ông Môsê được Chúa sai làm người phát ngôn cho Ngài.
Ông có đủ thẩm quyền để giải thích Luật Chúa cho dân Ítraen,
vì ông là người đã lên núi gặp Chúa, đã nhận Luật chép trên bia đá,
và đã ở lại trên núi bốn mươi ngày đêm (Xh 24,18; Đnl 9,9).
Tuy nhiên, Đức Giêsu hẳn làm các môn đệ ngỡ ngàng
khi Ngài tuyên bố: Anh em đã nghe ông Môsê nói như thế này
với dân Ítraen ngày xưa, để giải thích cho họ về Luật Chúa.
Ngày nay, Thầy cho anh em một cách giải thích khác về Luật.
Hãy sống theo giáo huấn mới mẻ của Thầy.
Quả thật, Đức Giêsu có uy quyền hơn ông Môsê nhiều.
Môse chỉ là một thụ tạo gần gũi Thiên Chúa trong một thời gian,
Còn Đức Giêsu là Con Một luôn ở trong lòng Thiên Chúa Cha (Ga 1,18).
Vì thế Ngài biết rõ và truyền đạt trung thành ý muốn của Thiên Chúa.
Thầy không đến để bãi bỏ Luật mà Thiên Chúa đã ban qua ông Môsê,
Thầy đến để kiện toàn, và làm cho Luật ấy được nên trọn (Mt 5,17).
Đức Giêsu đã kiện toàn Luật Môsê bằng những đòi hỏi nội tâm.
Ngài không ngừng lại ở hành vi bên ngoài,
Ngài đòi chúng ta đi vào bên trong trái tim mình.
Không giết người bằng gươm dao, chưa đủ.
Còn cần tránh cả sự giận dữ vốn là cội rễ của tội sát nhân (1 Ga 3,15),
hơn nữa cần tránh cả những lời nói nhục mạ kẻ khác (Mt 5,21-23).
Không ngoại tình với vợ người khác, chưa đủ.
Còn cần tránh cả ngoại tình trong cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt,
đó là thứ ngoại tình không ai biết, vì nằm tận trong tim (Mt 5,28).
Đức Giêsu còn đưa ra những đòi hỏi tận căn về việc giữ Luật.
Ngài đòi để lễ vật lại trước bàn thờ để đi làm hòa với anh em,
không phải với người anh em mà chính mình đang bất hòa,
nhưng với người anh em đang gây cho mình nhiều rắc rối.
Phải làm hòa trước đã, rồi mới dâng lễ sau (Mt 5,23-24).
Hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa đòi hiệp thông trước với anh em.
Bằng lối nói cường điệu, Đức Giêsu đòi người môn đệ
phải dứt khoát tránh dịp tội, tránh cớ làm cho mình sa ngã.
Thà bỏ đi một phần quý giá như mắt phải hay tay phải,
còn hơn là toàn thân phải chịu hư mất đời đời (Mt 5,29-30).
Chúng ta không nên hiểu câu nói trên theo nghĩa đen,
nhưng lại không được quyền làm yếu đi sức mạnh của hình ảnh ấy.
Đức Giêsu đã dám đưa ra một giải thích khác với Môse về ly dị.
Ngài không coi ly dị là chuyện được phép.
Người đàn ông thời đó có nhiều tự do để ly dị vợ,
lắm khi chỉ vì một lý do cỏn con.
Ngài cho thấy mình biết rõ ý định ban đầu của Thiên Chúa (Mt 19,4),
nên Ngài cương quyết bảo vệ tính bất khả phân ly của hôn nhân.
Bài Giảng trên Núi của Đức Giêsu vẫn có tính thời sự,
vì chạm đến những vấn đề nóng bỏng ngày nay của chúng ta:
thù hận, giết người, ngoại tình, ly dị, thiếu trung thực…
Chỉ khi sống những giáo huấn của Đức Giêsu một cách nghiêm túc,
chúng ta mới giải quyết được những vấn đề lớn của thế giới.
Chỉ khi để cho tình yêu thấm vào mọi tương quan,
chúng ta mới thực sự là người mở lòng đón lấy Nước Trời.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau.
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG HAI
Bảo Trọng Những Hoa
Quả Khôn Ngoan
Tuổi đời càng chồng chất, sức lực càng suy kiệt, hay đau ốm, vv… người
già thường cảm thấy con người mình mỏng mảnh, và nhất là cảm thấy gánh nặng của
cuộc sống. Đó là những vấn đề của tuổi già – và những vấn đề ấy không thể tìm
ra ý nghĩa gì nếu chúng không được cảm nghiệm và được sống như một thực tại của
cuộc nhân sinh. Chúng ta được mời gọi trân trọng người cao tuổi bởi vì phẩm giá
của các ngài trong tư cách là con người và bởi vì ý nghĩa của chính sự sống: sự
sống bao giờ cũng là một hồng ân.
Thánh Kinh thường đề cập đến người cao tuổi. Thánh Kinh coi tuổi già như
một hồng ân – và hồng ân này phải được sống hằng ngày trong tấm lòng rộng mở ra
với Thiên Chúa và với tha nhân.
Trên tất cả, Cựu ước coi người già như thầy dạy sống: “Sự khôn ngoan của
các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân thật đẹp đẽ chừng nào!
Giàu kinh nghiệm là triều thiên cho hàng bô lão; lòng kính sợ Đức Chúa là niềm
hãnh diện của các ngài” (Hc 25, 5 – 6). Tuy nhiên, người cao tuổi còn có một
vai trò quan trọng khác nữa. Các ngài chuyển trao lời Thiên Chúa cho các thế hệ
hậu sinh:
“Lạy Thiên Chúa, tai chúng con đã từng được nghe
truyện cha ông vẫn thường kể lại
về công trình Chúa đã làm nên
thời các cụ thuở xa xưa ấy” (Tv 44, 2).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 16/2
CHÚA NHẬT VI
Thường Niên.
Hc 15,15-20; 1 Cr
2,6-10; Mt 5,17-37.
Lời Suy Niệm: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người
thì bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì
đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì đáng bị đưa ra trước Thượng
Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục
thiêu đốt.”
Đối với Chúa
Giêsu, Người đòi hỏi tất cả mọi con người sống trên trần gian này phải tôn trọng
sự sống và phẩm giá của nhau; bởi vì: “Sự sống con người phải được coi là điều
linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó đòi phải có hành động của Đấng
Tạo Hóa và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa. (GL 2258).
Và Người còn thêm vào đó lệnh cấm giận dữ, căm ghét và báo thù.”(GL 2262)
Lạy Chúa Giêsu.
Xin cho mỗi người chúng con nhận ra nhau là hình ảnh của Thiên Chúa; được chính
Thiên Chúa tạo dựng, không ai giống ai, nhưng tất cả cùng cần đến nhau, bổ túc
cho nhau, để biết tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu thương.
Mạnh Phương
16 Tháng Hai
Ngọn Nến Cháy Sáng
Nữ sĩ người Thụy Ðiển được giải Nobel văn chương là bà Selma Lagerloeff
có kể một câu chuyện như sau: Có một kỵ mã nọ, sau khi đã tham dự một trận
thánh chiến thành công tại Thánh Ðịa, đã làm một lời thề. Anh muốn đốt lên một
ngọn nến ngay từ trên mộ của Chúa Giêsu và mang ánh sáng ấy về quê hương của
anhlà thành phố Fireheze bên Italia.
Quyết định ấy đã biến anh thành một con người mới
hoàn toàn. Từ một quân nhân hung hãn chuyên cầm gươm giết người, nay người kỵ
mã đã trở thành một con người hiền hòa, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ thiệt thòi.
Trên đường trở về quê hương, cầm ngọn nến cháy sáng trong tay, người kỵ
mã gặp không biết bao nhiêu kẻ cướp bóc, nhưng anh không hề động đến chiếc gươm
đang mang trong người. Anh hứa trao cho họ bất cứ điều gì họ muốn, miễn là để
cho anh được phép giữ lại ngọn nến đang cháy sáng trong tay. Quân cướp lột hết
tất cả những gì anh có, kể cả chiến bào và con ngựa quý của anh. Họ cho anh một
con ngựa già để đi từng bước cầm chừng. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu
thử thách, giờ này, người kỵ mã cảm thấy thảnh thơi hơn bao giờ hết. Anh cảm thấy
thơ thới vì đã trút được bỏ những của cải không cần thiết, nhưng anh vui mừng
hơn cả vì vẫn còn giữ được ngọn nến cháy sáng đã được thắp lên từ trên mồ của
Chúa. Khi anh về đến giữa phố, nhiều người nhìn anh như kẻ khờ dại. Họ chế nhạo
và tìm đủ cách để dập tắt ngọn nến trên tay anh. Nhưng người kỵ mã thà chết còn
hơn là để cho ngọn nến tắt ngụm trên tay mình. Và cuối cùng, anh đã mang được
ngọn nến cháy sáng về đến nhà thờ chính tòa của quê hương anh. Anh dùng ánh sáng
từ ngọn nến ấy đốt lên tất cả những ngọn nến trên bàn thờ.
Trước anh, nhiều người cũng đã cố gắng làm một lời thề như thế. Nhưng dọc
đường, vì nhiều lý do khác nhau, ngọn nến đã tắt ngụm. Ðược hỏi: Ðâu là bí quyết
giúp anh thành công như thế. Người kỵ mã trả lời như sau: “Tôi đặt tất cả chú
tâm vào ngọn nến. Tôi sẵn sàng bỏ hết tất cả mọi sự để bảo
vệ ngọn nến ấy”.
Cuộc đời của người tín hữu Kitô chúng ta vẫn thường được định nghĩa như một
cuộc hành trình, một cuộc hành trình trong đó mỗi người chúng ta cầm trong tay ngọn nến cháy sáng của Đức Tin. Bao lâu ngọn nến còn cháy sáng, bấy lâu chúng ta
còn tiến bước. Sóng gió, tăm tối trong cuộc hành trình là chuyện không thể
tránh được. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục giữ cho ngọn nến cháy sáng, chúng
ta vẫn có thể tiến bước.
Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con là ánh sáng thế gian”. Ước mơ duy
nhất của người kỵ mã trong câu chuyện trên đây là được dùng ngọn nến đốt lên từ
mồ Chúa để thắp sáng lên ngọn đèn trong nhà thờ. Ðó cũng phải là ước mơ của mỗi
người chúng ta. Ánh sáng được trao ban cho chúng ta là để được truyền
sang cho những ngọn đèn khác. Có biết bao nhiêu ngọn đèn đang chờ đợi một chút
ánh sáng từ ngọn nến của chúng ta để được cháy lên?
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét