Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

16-02-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN năm A


16/02/2020
 Chúa Nhật 6 Thường Niên năm A
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật VI Thường Niên A
(Hc 15,15-20; 1Cr 2,6-10; Mt 5,17-37)
ĐỨC GIÊSU KITÔ - ĐẤNG KIỆN TOÀN LỀ LUẬT
Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời
” 
(Mt 5,20)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Hc 15,15-20)
Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ. (Hc 6,36). Lời mời gọi này có thể đã được Ben Sira dạy dỗ các môn sinh của mình tại Giêrusalem vào cuối thế kỷ III và đầu thế kỷ II TCN. Mặc dù đang bị hấp dẫn bởi những giá trị rất quyến rũ của nền văn hóa Hy Lạp, nhưng Ben Sira luôn chỉ dạy các môn sinh con đường của sự sống, dạy cho họ sống luật Tôra, được xem như là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Với Ben Sira, trước mặt mỗi người là cửa sinh tử, là lửa và nước; vì thế con người có tự do và trách nhiệm trong việc làm của mình, bởi nó có thể xây dựng hay phá hủy cuộc sống mình. Với những quyết định ngu xuẩn, lỗi không thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi điều tốt đẹp, nhưng chính là do con người. Và như thế, Ben Sira đã hướng các môn sinh của mình bước đi trên nẻo đường của giới luật Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2 (1Cr 2,6-10)
Tại Côrintô lúc bấy giờ có những kẻ đã tự hào và khoe khoang về sự khôn ngoan của mình, và rao giảng về tin mừng đậm chất duy lý theo kiểu những triết gia lúc bấy giờ. Thánh Phaolô đã nghiêm khắc quở trách sự khôn ngoan theo kiểu thế gian này. Đối với họ, chỉ có những kẻ “điên khùng” mới có thể liều mình đón nhận lời mời gọi trở nên môn đệ của một kẻ chịu xử hình như Đức Giêsu.
Tuy vậy, theo thánh Phaolô, vẫn còn có một kiểu khôn ngoan Kitô giáo không thuộc thế giới này, mà thuộc thượng giới, dành cho những người “trưởng thành” (c. 6), và nhờ Thần Khí, sự khôn ngoan này như chính là mạc khải của mầu nhiệm Thiên Chúa (c. 10).
Dựa trên lời của ngôn sứ Isaia (Is 64,3), thánh Phaolô đã mô tả sự ngạc nhiên của những người may mắn kín múc mầu nhiệm này: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (c. 9).
3. Bài Tin Mừng (Mt 5,17-37)
Hỡi Israel, chúng ta có phúc dường nào, vì được biết những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa! (Br 4,4. Với những lời này, Barúc bày tỏ niềm kiêu hãnh của dân Israel và sự tín thác của họ vào Đức Chúa, Đấng đã chỉ dạy cho Israel “con đường khôn ngoan” (Br 3,27) trong kinh Torah, trong “huấn giới của Thiên Chúa ghi trong Sách Luật” (Br 4,1).
Là một công trình của Thiên Chúa, kinh Torah đối với người Do Thái không thể bị phủ nhận hay chối bỏ. Chính Đức Giêsu cũng khẳng định về điều này khi nói rằng “lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ” (Ga 10,35), bởi Thiên Chúa không thể chối bỏ những gì đã phán hứa với dân Người trong quá khứ. Vì thế, bước đường in dấu trên những trang Cựu ước, đối với Chúa Giêsu, luôn có giá trị bất diệt.
Trong phần đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định sự thật này: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
Như thế, Chúa Giêsu luôn bày tỏ sự tôn trọng đối với giới Luật và các huấn lệnh mà Thiên Chúa ban cho Israel, nhưng cách giải thích của Chúa mang tính nguyên tuyền; tham chiếu của Chúa không phải là ‘duy tự’, nhưng là ích lợi của con người.
Vì yêu thương và bảo vệ con người, Chúa Giêsu không ngần ngại vi phạm luật giữ ngày Sabát, và điều này đã gây sự ngạc nhiên, thậm chí là thái độ giận dữ của giới chức lãnh đạo Do Thái giáo.
Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu gây nên sự bối rối cho họ, không hẳn do việc bỏ qua các giới luật của các thầy rabbi, nhưng chính yếu là do bởi sứ điệp của Chúa, là giới Luật mới, mà Người đã loan báo trên núi Bát Phúc; chính giới Luật mới này đã gây xáo trộn các giá trị nền tảng của thể chế chính trị và tôn giáo của Israel.
Luật xưa bảo: giết người là tội; còn Đức Giêsu bảo: Ai giận, ai mắng, ai chửi anh em mình thì đã mang tội rồi (21-26).
Luật xưa bảo: Ngoại tình là tội; còn Đức Giêsu bảo: Ai nhìn với lòng ước ao là tội rồi (27-30).
Luật xưa bảo: được phép rẫy vợ; còn Đức Giêsu bảo: người rẫy và người cưới đều phạm tội ngoại tình, và như thế là tội chết (31-32).
Luật xưa bảo: hãy giữ lời thề; còn Đức Giêsu bảo: đừng thề chi cả; có nói có, không nói không (33-37).
Vì thế, luật Torah được mạc khải cho ông Môsê trên núi Sinai năm xưa không phải là lời tối hậu của Thiên Chúa; nhưng chính trên ngọn núi Bát Phúc hôm nay, Đức Giêsu, vị Môsê mới, đã vừa khẳng định giá trị của luật xưa, nhưng cũng vừa kiện toàn giới Luật đó và mở ra một chân trời mới phi giới hạn, đó là sự hoàn thiện của Cha trên trời.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
Lý tưởng tôn giáo cao cả nhất của dân Do Thái là tuân giữ và chu toàn luật Chúa, vì qua đó, con người hiện thực hóa thánh ý của Thiên Chúa. Vì thế, chiêm ngắm, chu toàn lề Luật là “gia nghiệp”, là “ánh sáng chỉ đường con đi”, là “khiên mộc chở che”, là “bình an” của con người (Tv 118).
Người Kitô hữu trước hết là môn đệ của Đức Giêsu, chứ không chỉ đơn giản là người chu toàn lề luật. Chính những người Pharisêu cũng là những người chu toàn Lề Luật, nhưng vì theo cách tiểu tiết và duy tự, nên họ lại đánh mất toàn bộ tinh thần của Luật Chúa.
Yêu mến, trước tiên, không phải là ước muốn thực thi những điều mình muốn, nhưng là động lực để chúng ta phục vụ anh chị em mình, theo kế hoạch và thánh ý của Thiên Chúa.
Chính bởi điều này mà Chúa Giêsu đã đề cao những giá trị rất cụ thể và thiết thực như hòa giải, không nóng giận, không chửi mắng, miệt thị anh chị em mình...
Là những người Kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu, tôi phải làm gì để thực thi giới răn và thánh ý của Chúa trong đời sống của tôi ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Con Một yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để mạc khải chân lý và kiện toàn lề luật. Với tâm tình tạ ơn và quyết tâm tuân giữ vẹn toàn điều Chúa truyền dạy, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm dâng lời cầu xin:
1. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, cách riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các Giám mục của chúng ta, luôn trung thành với giáo huấn của Đức Kitô và tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong khi thi hành sứ vụ.
2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang khao khát tìm kiếm chân lý và luôn sống theo lương tâm ngay lành, biết nhìn vào các dấu chỉ thời đại, để nhận biết và tin thờ một Thiên Chúa là nguồn mạch Chân-Thiện-Mỹ và là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
3. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người khi đương đầu với dịch bệnh Covid-19 biết vượt qua tính kỳ thị và óc vụ lợi, luôn ý thức bảo vệ bản thân và người chung quanh; cho các y bác sĩ đang phục vụ ở tuyến đầu có thêm nghị lực và nhiệt tình để phục vụ cộng đồng.
4. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người và mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta luôn biết tôn trọng sự thật và phẩm giá con người, hết lòng tuân giữ các giới răn của Chúa cách chân thành, để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn hầu xứng đáng là công dân Nước Trời.
Chủ tếLạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương chúc lành cho những ước nguyện của chúng con, cùng xin ban Thánh Thần để Người thúc đẩy và hướng dẫn chúng con luôn trung thành chu toàn mọi lề luật Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.


Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 6 TN Năm A
CHỦ ĐỀ :
SỐNG THEO LUẬT CHÚA

“Thầy đến không để hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : “Việc trung thành tuân giữ các giới răn là tuỳ ở ngươi”.
– Đáp ca : “Phúc đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa”.
– Tin Mừng : “Đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để huỷ bỏ mà để kiện toàn”.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Người ta thường nói “Quốc hữu quốc pháp, gia hữu gia quy”, nghĩa là nước có luật nước, nhà có luật nhà. Chúng ta là công dân của Nước Thiên Chúa nên chúng ta cũng phải biết và tuân giữ Luật của Nước Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay sẽ dạy cho chúng ta biết tinh thần của Luật Chúa là gì và sống theo Luật Chúa thì ích lợi như thế nào.
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu biết, yêu mến và thi hành luật Chúa.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ những lần chúng ta lỗi phạm đến các điều răn của Chúa và của Giáo Hội.
– Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ vì chúng ta chỉ lo giữ hình thức của luật mà không chú ý đến tinh thần.
– Đặc biệt chúng ta hãy xin Chúa tha thứ những tội phạm đến điều răn quan trọng nhất là mến Chúa yêu người.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Hc 15,16-21) :
Đức Huấn Ca là một quyển sách do Ben Sira biên soạn. Sách này là một sưu tập những ý tưởng khôn ngoan của các bậc tiền bối trong thiên hạ cách chung và trong dân do thái cách riêng.
Trong đoạn được Phụng vụ trích đọc hôm nay, Ben Sira cho rằng người khôn ngoan là người tuân giữ Luật Chúa. Ông lập luận :
– Thực ra muốn giữ luật Chúa hay không là tuỳ mỗi người, cũng như mỗi người đứng trước hai con đường. Ai muốn đi con đường nào tuỳ ý.
– Nhưng con đường thứ nhất là nước, sự sống, sự lành ; con đường thứ hai là lửa, sự chết và sự dữ. Sống theo Luật Chúa chính là chọn theo con đường thứ nhất.
2. Đáp ca (Tv 118) :
Tác giả Thánh vịnh 118 xác tín rằng Thiên Chúa ban luật cho con người chỉ nhằm lợi ích cho họ, bởi vì Luật Chúa là con đường an toàn và vững chắc dẫn tới sự sống. Vì xác tín như thế, nên tác giả cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin tỏ cho con biết đường lối thánh chỉ Ngài và dạy cho con biết tuân cứ luật pháp của Ngài”.
3. Tin Mừng (Mt 5,17-37) :
Trong các bài Tin Mừng của các Chúa nhựt trước, chúng ta đã thấy Đức Giêsu như một Môsê mới, đứng trên núi Sinai mới (núi Bát Phúc) để ban hành Luật mới của Nước Trời (Tám mối phúc thật).
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu so sánh luật mới của Ngài với luật cũ của Môsê : Luật mới này không huỷ bỏ luật cũ mà kiện toàn nó.
Sau đó, Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể :
a/ Luật cũ cấm giết người – Luật mới dạy phải coi người khác là anh em và cấm “giết” anh em mình (chữ “anh em” được dùng rất nhiều lần trong tiểu đoạn nay). Đã là anh em với nhau thì phải thương yêu nhau, nếu có gì bất hòa thì hòa giải với nhau. Phẫn nộ với nhau, chửi nhau là ngốc là khùng, hay giữ mãi sự bất hòa với nhau tức là không coi nhau là anh em, nói cách khác, tức là “giết” chết người anh em đó rồi, vì người đó không còn là “anh em” của mình nữa mà đã trở thành người ngoài, người dưng.
b/ Luật cũ cấm hành vi ngoại tình – Luật mới ngăn chận ngoại tình từ ước muốn. Vậy phải chận đứng tất cả những gì gây nên ước muốn xấu xa đó, như con mắt, cái tay, cái chân…
c/ Luật cũ quy định thủ tục li dị – Luật mới triệt để cấm li dị.
d/ Luật cũ cấm thề gian – Luật mới dạy sống chân thực. Khi đã sống chân thực rồi thì không cần thề nữa.
Chú ý : Trong tiểu đoạn này, vì muốn nhấn mạnh về những giáo huấn của Luật mới, Chúa Giêsu nhiều lần dùng kiểu nói cường điệu như : chửi anh em là khùng thì bị vạ lửa địa ngục, để lễ vật lại ở bàn thờ, chặt tay móc mắt v.v. Chúng ta đừng hiểu những kiểu diễn tả cường điệu ấy theo sát nghĩa đen.
4. Bài đọc II (1 Cr 2,6-10) (Chủ đề phụ) :
Phaolô nói tiếp về sự khôn ngoan đích thực : đó là khôn ngoan của Tin Mừng.
Và ngài giải thích về hai loại khôn ngoan : khôn ngoan thế gian chỉ dẫn đến hư vong ; còn khôn ngoan của Thiên Chúa, tuy có thể bị thế gian cho là ngu dại (khôn ngoan Thập giá) nhưng đưa đến vinh quang.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Con đường sống
Trong bài đọc I, Ben Sira nói đến 2 con đường : con đường được vạch ra bởi các giới răn là con đường sống, con đường nước, con đường sự lành ; con đường thứ hai thực ra không phải là đường mà là muốn đi đâu thì đi, không có chỉ dẫn, không có định hướng, không có ngăn cản… đó là con đường lửa, con đường sự dữ, con đường sự chết.
Chỉ cần một thí dụ nhỏ cũng đủ để nhất trí với Ben Sira : lái xe trên xa lộ. Muốn an toàn, hay nói cách khác là muốn sống, người lái xe phải tuân thủ rất nhiều luật : đoạn nào phải chạy với tốc độ nào, chỗ nào được quẹo, chỗ nào phải dừng lại, muốn vượt thì phải làm sao v.v. và v.v.
Người lái xe nào nghĩ rằng tất cả những luật ấy là bó buộc, là bóp chết sự tự do của mình, rồi bất chấp tất cả. Kết quả sẽ thế nào ? Người đó chết. Chẳng những thế, có thể làm cho nhiều người khác chết theo.
Đi trên một đoạn đường xa lộ mà đã thế. Huống chi trọn cuộc hành trình của đường đời.
2. Luật là luật !
Nhiều người nói “luật là luật”. Những người này bám sát mặt chữ của các khoản luật và buộc người ta tuân thủ một cách nô lệ từng chữ ấy. Lúc đó, luật trở thành chủ, và con người trở thành nô lệ. Cuộc sống quá nặng nề, không chịu nổi. Luật của pharisêu là như thế đó. Ngày sabát, nếu có người bệnh cũng không được chữa, bởi vì “luật” cấm không được làm việc gì trong ngày đó.
Nếu chú ý đọc hết bài giảng trên núi rất dài của Đức Giêsu (từ đầu chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mátthêu), chúng ta sẽ ngạc nhiên là tuy Ngài nói đến luật cũ và luật mới, nhưng Ngài chỉ giải thích những khoản luật cũ chứ không đưa thêm khoản luật nào “mới” của Ngài cả. Đức Giêsu không thêm luật, nhưng Ngài chỉ cho thấy tinh thần của luật. Vì thế ta có thể nói : luật của Chúa Giêsu không phải là luật, mà là tinh thần. Tinh thần là sự sống của luật. Đã có quá nhiều khoản luật, chỉ thiếu tinh thần và sự sống thôi.
Sau này, trong một cuộc đối thoại với một luật sĩ, Đức Giêsu có nói tới hai khoản “luật” quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Nhưng thực ra hai khoản đó cũng đã có sẵn trong bộ luật cũ Cựu Ước. Khoản luật thì vẫn cũ, cái mới là tinh thần : tinh thần “yêu” và tinh thần “mến”.
Tín hữu chúng ta đang cố gắng tuân giữ rất nhiều luật : Luật Chúa và luật Giáo Hội. Nhưng hãy lưu ý kỹ điều này : nếu chỉ giữ “luật” mà không giữ đúng “tinh thần” của luật thì ta sẽ thành nô lệ, sẽ thành pharisêu.

3. Luật gia đình : Cha con, anh em
Tinh thần bao trùm tất cả mọi khoản luật là tinh thần gia đình : đối xử với Thiên Chúa bằng tình hiếu thảo cha con và đối xử với người khác bằng tình huynh đệ anh em.
Đọc lại Bài giảng trên núi rất dài từ chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mt, ta thấy mỗi lần nói đến Thiên Chúa thì Đức Giêsu đều nhắc ta nhớ Ngài là Cha, và mỗi lần nói đến người khác thì Đức Giêsu cũng nhắc ta nhớ họ là anh em của ta.
– Thí dụ như về luật đối xử với người khác (Mt 5,21-26) : “Ai giận anh em mình… Ai mắng anh em mình… Ai chửi anh em mình… Khi con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con…”
– Thí dụ về những việc đạo đức (Mt 6,1-18) : “Khi bố thí thì đừng có khua chiêng đánh trống… Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh… Khi cầu nguyện… Hãy cầu nguyện với Cha của anh, Đấng thấu suốt những điều kín đáo… Còn khi ăn chay… Cha của anh Đấng thấu suốt những gì kín đáo…”
Thánh Kinh thường gọi Luật là “ách” và “gánh”. Nhưng luật của Chúa Giêsu là luật gia đình. Luật gia đình tuy cũng là “ách” và “gánh” nhưng rất nhẹ nhàng, êm ái : “Aùch Ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng”.
4. “Đừng nổi giận với anh em mình”
Đức Giêsu không bảo “Đừng nổi giận”, mà bảo “Đừng nổi giận với anh em mình“. Nhận xét này có nhiều ý nghĩa.
Xét về mặt tâm lý, giận là một trong “thất tình”, nghĩa là một trong 7 thứ tình cảm tự nhiên mà người lành mạnh nào cũng có. Nếu ta biết yêu ta và tự trọng ta thì khi ai đó đối xử bất công với ta thì tự nhiên ta nổi giận. Khoa tâm bệnh học còn cho biết rằng cứ đè nén cơn giận mãi còn có thể gây hại cho tâm thần và cả sức khoẻ nữa. Tự nó, tình cảm giận không có gì xấu. Chính Đức Giêsu cũng từng nổi giận khi thấy người ta buôn bán trong sân Đền thờ Giêrusalem.
Chỉ xấu khi “nổi giận với anh em mình”, nghĩa là vì giận quá mà không còn coi người anh em mình như anh em nữa, trái lại coi họ là người dưng, thậm chí là kẻ thù. Nói tóm lại là giận đến nỗi mất tình huynh đệ. Trong trường hợp này “giận” đồng nghĩa với “giết” : không phải giết chết một mạng sống mà giết chết một mối tình, vì người trước đây là anh em nay không còn là anh em nữa.
5. Chuyện minh họa
a/ Giận dữ
   Khi R. Weaver còn làm công nhân hầm mỏ, có lần anh vô tình chọc giận một công nhân khác. Anh này gầm lên :
– Chắc tao phải cho mày mấy bạt tai quá !
– Nếu anh thấy cần thì cứ làm đi.
   Người ấy tát Weaver một cái. Anh đưa má kia, tát nữa. Tất cả là 5 lần. Đến lần thứ 6, người kia hậm hực bỏ đi. Weaver còn nói theo : “Chúa tha thứ cho anh. Tôi cũng thế. Xin Chúa cứu anh.”
   Sáng hôm sau khi xuống mỏ, người đầu tiên mà Weaver gặp là người tát mình. Anh mỉm cười lại gần. Người ấy chợt bật khóc : “Ôi anh Richard. anh thực sự tha thứ cho tôi chứ ?”
   Cả hai ôm chầm lấy nhau. Rồi người ấy nhập đạo.
b/ Tha thứ
Dick và Dorothy là hai chú bé luôn bị một chú nọ to con bắt nạt. Hai chú tức mà không làm gì được. Ngày nọ, hai chú đọc đoạn Tin Mừng kể chuyện Phêrô hỏi Chúa : “Khi anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha bao nhiêu lần ? Có phải 7 lần không ?”- “… Không phải 7 lần, mà là 70 lần 7.” Dick làm tính nhẩm : “Vậy là Chúa bảo tha 490 lần.” Hai đứa thinh lặng một lúc, rồi Dorothy nói : “Ta hãy mua một cuốn vở, mỗi khi tha cho hắn, mình ghi vào.” Và Dick reo lên : “Sau lần thứ 490, tụi mình sẽ cho hắn biết tay !”
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Chúa ban lề luật để giúp những ai có niềm tin luôn bước đi trong ánh sáng của Người và được sống muôn đời. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Chúa Giêsu đã đón nhận niềm tin yêu của Thánh Phêrô / và trao cho ngài nhiệm vụ dẫn dắt đoàn chiên của Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho đấng kế vị ngài / cũng được lòng tin yêu như vậy.
2- Một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra biết bao đổ vỡ trong đời sống hôn nhân và gia đình / chính là sự gian dối và thiếu chung thuỷ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang sống trong bậc hôn nhân / được ơn trung thành với nhau đến cùng.
3- Ngày hôm nay / nhiều trẻ em và thanh niên hư hỏng / một phần do cha mẹ quá cưng chiều / một phần do cha mẹ bất hòa dẫn tới li dị / không ai quan tâm dạy dỗ con cái / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ / luôn sống hòa thuận thương yêu nhau / và hết lòng giáo dục đức tin / và nhân bản cho con cái của mình.
4- Sống trung thành / không gian dối / phải là lối sống thường ngày của người kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn sống ngay thẳng và chân thành như Chúa Giêsu đã dạy.
CT : Lạy Chúa là Thiên Chúa trung thành, xin ban ơn trợ giúp để chúng con hiểu rằng nếu muốn đứng vững giữa muôn ngàn thử thách trên đường đời, cũng như muốn khỏi sa vào hố diệt vong, chúng con cần phải giữ trọn lề luật Chúa. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Kinh Tiền tụng : nên dùng Kinh tiền tụng Chúa nhựt thường niên số VII, nêu gương vâng phục của Đức Giêsu.
– Trước kinh Lạy Cha : Luật Chúa Giêsu dạy chúng ta đối xử với Thiên Chúa như con đối với Cha, và đối xử với tha nhân như anh em đối xử với nhau. Trong tình gia đình, tất cả chúng ta cùng dâng lên Cha chúng ta lời kinh sau đây.
VII. GIẢI TÁN
Chúng ta đã cùng nhau tham dự Thánh lễ trong tình nghĩa cha con, anh em. Giờ đây, Thánh lễ đã hết, chúng ta ra về. Hãy tiếp tục sống với Chúa và với nhau bằng tình nghĩa gia đình ấy. Chúc anh chị em luôn bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật VI Thường Niên (A)

“Nền công lý” mới
Lời này đã được nói cho người xưa, nhưng Ta bảo các con…
Mt 5:17-37


1.  Lời Chúa

a)  Lời nguyện mở đầu

“Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”  Lạy Chúa, xin hãy nói với chúng con bây giờ!  Chúng con muốn dọn chỗ cho Lời Chúa, để cho những lời của Tin Mừng thấm nhập vào đời sống chúng con để Chúa trở thành ánh sáng và sức mạnh cho đường chúng con đi, tạo sinh động và biến đổi thái độ của chúng con.  Tất cả chúng con muốn trưởng thành trong cách lắng nghe Lời Chúa để cho tâm hồn chúng con được biến đổi.
Trong lòng chúng con, có niềm ao ước được đọc và hiểu tại sao chúng con mong đợi vào lòng khoan dung và quảng đại của Chúa để chúng con được hướng dẫn trong việc thấu hiểu Lời Chúa.
Xin hãy để cho Lời Chúa đi vào tâm hồn chúng con mà không hề gặp bất cứ một trở ngại nào hoặc sự đề kháng nào.  Để từ đó Lời hằng sống của Chúa sẽ không chảy một cách vô ích trong sa mạc khô cằn của đời sống chúng con.  Xin Chúa hãy ngự vào trái tim trống rỗng của chúng con với quyền năng của Lời Chúa, xin Chúa hãy đến hiện diện giữa những suy nghĩ và cảm xúc của chúng con, xin Chúa hãy đến để sống với chúng con trong ánh sáng sự thật của Chúa.

b)  Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 5:17-37)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri.  Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn.  Vì Ta bảo thật các con:  Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.  Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời.  Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.  Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
“Các con đã nghe dạy người xưa rằng:  Không được giết người.  Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án.  Còn Ta, Ta bảo các con:  Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luận phạt.  Ai bảo anh em mình là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị.  Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.  Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.  Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.  Ta bảo thật cho ngươi biết:  Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!
“Các con đã nghe dạy người xưa rằng:  Chớ ngoại tình.  Còn Ta, Ta bảo các con:  Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi.  Nếu con mắt bên phải của con nên dịp tội cho con. thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.  Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.
“Cũng có lời dạy rằng:  Ai ly dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị.  Còn Ta, Ta bảo cho các con:  Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình.
“Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng:  Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa.  Còn Ta, Ta bảo các con:  Đừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả.  Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được.  Nhưng lời nói của các con phải là:  “Có” thì nói “có”, “không” thì nói “không”.  Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra.”
 
c)  Giây phút thinh lặng

Sự thinh lặng tạo ra một bầu không khí thân mật nội tâm và cùng lúc làm tăng hương vị tinh thần của Lời Chúa.

2.  Suy gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Mt 5:7:  Bối cảnh trong “Bài Giảng Trên Núi”
Chúa Giêsu nói với đám đông, những người đang vội vã đến để nghe lời giảng dạy của Người.  Họ rất đỗi ngạc nhiên vì uy quyền của Người.  Người nói với họ với lời đòi hỏi mạnh mẽ và chỉ ra rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau.  Trong nỗ lực đưa ra ý nghĩa đầy đủ về giáo huấn của luật Do Thái.
Tác giả Phúc Âm, trong việc xác định bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trên núi, đã muốn tạo sự chú ý của độc giả về hình ảnh ông Môisen đưa ra bản Lề Luật trên núi Sinai (Xh 24:9).  Lời giảng dạy này xảy ra khi Chúa Giêsu đang ngồi, một vị thế gợi nhớ lại cung cách của giáo sỹ Do Thái khi diễn giải Kinh Thánh cho các môn đệ mình.  Thật khó mà diễn tả được sự phong phú của các đề tài được lược qua trong một bài giảng thuyết dài, giống như một số các học giả gọi đó là “cách giảng dạy của Đức Giêsu” (xem Mt 7:28).
Bài đọc phụng vụ của chúng ta được dẫn trước bởi một đoạn mở đầu trong đó bài Tám Mối Phúc Thật được trình bày như việc kiện toàn Lề Luật (Mt 5:3-16).  Thông điệp của Chúa Giêsu trong bài giáo huấn này tập trung vào niềm hạnh phúc trong ý nghĩa Kinh Thánh, đặt loài người trong mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa và, do đó, với toàn bộ đời sống:  hạnh phúc gắn liền với thực tế Nước Trời.  Trong phần thứ hai, Chúa Giêsu phát triển chủ đề “nền công lý” của Vương Quốc Nước Trời (câu 5:17 đến 7:12).

Mt 5:17:  Chúa Giêsu kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.
Trong những câu nói đầu tiên Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người là Đấng đến để “kiện toàn Lề Luật”:  “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ Lề Luật hay các Tiên Tri:  Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn” (câu 17).  Chúa Giêsu phán rằng Người là sự toàn thành của Lề Luật.

Hậu quả của những lời như vậy được hiểu bởi người đọc:  chỉ có nhờ Người chúng ta mới có thể bước vào Nước Trời, ngay cả những điều luật nhỏ mọn nhất cũng có ý nghĩa chính nhờ Người.  Giống như nói rằng Đức Giêsu là mực thước để được vào Nước Trời:  Trong Người, bất cứ ai, dù lớn hay nhỏ, đều tùy thuộc vào sự lựa chọn để cho mình được dẫn dắt bởi Đấng đã kiện toàn Lề Luật và các Tiên Tri.  Từ nay Lề Luật, lời giảng dạy của các tiên tri, công lý sự cứu rỗi phải liên kết với Chúa Giêsu.

Người đọc biết rằng trong Cựu Ước những sự thật này được xem như đứng riêng rẽ và khác biệt nhau:  Lề Luật hàm chứa thánh ý Thiên Chúa, công lý thì được thể hiện qua việc tham dự của nhân loại để tuân giữ thánh ý Thiên Chúa trong Lề Luật; các Tiên Tri, những người dẫn giải Lề Luật, là những chứng nhân của việc thực thi sự trung tín của Thiên Chúa trong lịch sử.  Trong con người của Chúa Giêsu ba chân lý này được hội tụ lại:  chúng tìm thấy ý nghĩa và giá trị của mình.  Chúa Giêsu tuyên bố công khai rằng Người đến để kiện toàn Lề Luật và các Tiên Tri.  Điều khẳng định này của Chúa Giêsu mang ý nghĩa gì?  “Lề Luật và các Tiên Tri” là có ý nghĩa gì?  Chúng ta không thể nghĩ đến việc Chúa Giêsu đang thực hiện những lời tiên tri (từ quan điểm về nội dung, hoặc theo nghĩa đen) của Lề Luật và các Tiên Tri, mà đúng hơn là Người thực hiện Lề Luật và các Tiên Tri.  Nhưng theo cách cụ thể, những chữ “hủy bỏ”, “kiện toàn” sự giảng dạy về Lề Luật và lời các Ngôn Sứ có nghĩa gì?  Câu trả lời được đặt ở hai mức độ.

Mức độ thứ nhất liên quan đến những lời giảng dạy của Chúa Giêsu là Người không đến để thay đổi nội dung Lề Luật và lời các Tiên Tri và có tính cách giáo huấn hơn; thực ra, thánh sử Mátthêu xem các Tiên Tri như những chứng nhân của giới răn yêu thương (Hs 6:3; Mt 9:13, 12:7).  Rằng Chúa Giêsu đến để hoàn thành các lời dạy của Lề Luật và của các Tiên Tri có thể có nghĩa là “biểu lộ chúng trong ý nghĩa của nó”, “mang lại sự ứng nghiệm” (U. Luz);  nó khác hẳn với ý nghĩa của “làm mất hiệu lực”, “xóa bỏ”, “không tuân giữ”, “đập vỡ”.

Mức độ thứ hai nói đến các hoạt động của Chúa Giêsu:  Lề Luật tự nó có thay đổi được không?  Trong trường hợp này để kiện toàn Lề Luật có thể có ý nghĩa là Chúa Giêsu, với cách cư xử của Người, bổ sung cho những khuyết điểm và hoàn thiện Lề Luật.  Nói một cách cụ thể hơn:  Chúa Giêsu trong đời sống của Người, với sự vâng phục Đức Chúa Cha, đã “làm viên mãn” những đòi hỏi của Lề Luật và lời các Tiên Tri; hơn hết cả, Người tuân giữ Lề Luật một cách hoàn toàn.  Một cách có ý nghĩa hơn:  thông qua cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã ứng nghiệm Lề Luật.  Đối với chúng ta, có vẻ như trọng tâm được đặt nơi cách cư xử của Chúa Giêsu:  với sự vâng phục và thực hành, Người đã hoàn thành Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.

Mt 5:19:  Chúa Giêsu giảng dạy về thánh ý của Chúa Cha và việc hoàn thành Lề Luật.
Đối với người đọc, việc xử dụng các động từ “thực hành và dạy” không vượt thoát được:  quan niệm về Lề Luật cho “những ai sẽ tuân giữ và dạy về các điều ấy”.  Những khía cạnh như thế chuyên tải đầy đủ hình ảnh của Chúa Giêsu trong tư tưởng của Mátthêu:  Chúa Giêsu, người đã dạy về thánh ý của Thiên Chúa và hoàn thành Lề Luật, là người Con phục tòng theo thánh ý của Chúa Cha (3:13 – 4:11).  Ở đây, mô hình cách cư xử đó tỏ ra cho chúng ta trong trang Tin Mừng này.  Một cách chắc chắn, trọng tâm là việc thực thi Lề Luật qua sự vâng lời, nhưng điều đó không loại trừ một sự hoàn thành bằng các lời giảng dạy của Người.  Chúng ta đừng quên rằng đối với thánh sử Mátthêu điều quan trọng là việc tuân thủ sự thực hành với lời chỉ dạy của Chúa Giêsu:  Người là bậc thầy trong đức vâng lời và sự thực hành.  Tuy nhiên, tập quán suy luận từ sự quan sát các tiên tri giả trong chương 7:20 là ưu tiên:  “Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai”.  Thật thú vị khi nhận thấy Mátthêu chỉ dùng động từ hoàn thành, động từ ứng nghiệm cho Chúa Giêsu:  chỉ có Người mới hoàn thành Lề Luật, chỉ có chính bản thân Người mở lối cho các đặc tính của sự viên mãn. Tại đây bắt rễ lời mời gọi có thẩm quyền của nó, sẽ trở thành một “kiện hàng”, một nhiệm vụ để hoàn thành Lề Luật trong sự viên mãn:  “Ta bảo các con…” (các câu 18-20).

Mt 5:20  Chúa Giêsu thực hiện nền công lý
Một sự thực hiện như thế thật khác với các phương cách bao gồm nó và sống với nó trong Do Thái giáo; trong Chúa Giêsu một đặc thù mới của nền công chính được giới thiệu:  “Ta bảo các con:  nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu” (câu 20).  Các luật sĩ là những nhà thần học và là những người dẫn giải Kinh Thánh chính thức (5:21-48), thay vào đó, các người Biệt Phái là những tín đồ Do Thái giáo tích cực tham gia hoạt động vào thời bấy giờ, họ đã thực hành những việc bố thí một cách quá phô trương (6:1-18).  Sự công chính được thực hiện bởi hai nhóm người này thì không đầy đủ, không thể được dùng như một mẫu mực:  nó ngăn cản việc vào Nước Trời.  Cuối cùng, những người nhận được lời cảnh báo này là các môn đệ; nó cũng được nói với chúng ta.  Chắc chắn là thánh ý Thiên Chúa thì trọng hơn Lề Luật, nhưng Người là Đức Giêsu, Đấng đã nhập thế một phương cách mới đưa sự công chính vào trong thực tế.  Chúa Giêsu đòi hỏi người ta phải “công chính hơn”, việc này đề cập đến điều gì?  Rằng nền công lý của những người Kinh Sư và Biệt Phái thì đã được sắp xếp theo sự công lý của loài người, điều ấy đã được rao giảng bởi Đức Giêsu, thay vào đó, Người đòi hỏi một sự công chính thực tế hơn, rất cao cả hơn so với sự công chính được thực thi theo đạo Do Thái.  Việc “hơn” này bao gồm những gì thì đoạn Kinh Thánh của chúng ta không nói đến chính xác ngay lập tức; thật là cần thiết nên tiếp tục đọc lời giảng dạy của Chúa Giêsu.

Mt 5:20:  Chủ thuyết trọng căn về công lý được rao giảng bởi Chúa Giêsu.
Điều này không phải là để làm nổi bật trong cách quá khích một số các giới răn của Lề Luật; thật ra giới răn yêu thương là trung tâm điểm của những giới răn riêng rẽ này.  Giới răn “chất lượng nhất” hướng dẫn tăng cường cho khía cạnh phẩm chất trước Thiên Chúa:  giới răn yêu thương.  Cộng đoàn tín hữu được mời gọi để phục tòng theo giới răn yêu thương, được xem như là trọng tâm giữa các giới răn khác của Lề Luật.  Không có sự căng thẳng nào giữa những trang hoàng duy nhất và giới răn yêu thương.  Các lời giảng dạy của Chúa Giêsu trở thành sự ràng buộc, cùng đường hướng với các giảng dạy trong Cựu Ước.  Vì đối với Đức Giêsu, không có sự mâu thuẫn giữa những ghi chép của Lề Luật và giới răn yêu thương:   chúng đều được xem như trong một mối quan hệ hài hòa bởi vì trong toàn bộ của chúng được dùng để ban cho chúng ta theo thánh ý của Thiên Chúa (U. Luz).

Mt 5:23-25:  Làm thế nào để liên hệ giữa anh chị em?
Giữa những yêu cầu căn bản trong lời mời gọi đi theo Người, Chúa Giêsu đối diện với lời tranh cãi về mối liên hệ tình huynh đệ.  Nếu định nghĩa mọi mối liên hệ về hành động bên ngoài chỉ là việc chớ giết người thì chưa đủ:  “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người…” (câu 21); do đó thật là cần thiết để vượt thoát khỏi định nghĩa hạn hẹp thông thường, mà cũng là việc căn bản:  không được giết người!  Điều răn thứ năm khuyên chúng ta tôn trọng sự sống (Es 20:13; Đnl 5:17).  Một sự đào sâu hay một chân trời hoàn toàn mới mẻ theo tinh thần của Mười Điều Răn bây giờ xuất hiện.  Điều này không chỉ giới hạn trong việc tra tay giết một mạng người nhưng nó còn muốn nói đến trong những cách khác:  hận thù, tấn công, ngồi lê đôi mách, gièm pha, giận dữ, xúc phạm.  Trong quan điểm hoàn toàn mới của Bài Giảng Trên Núi, mỗi một tư tưởng hành động thiếu vắng sự yêu thương đối với người chung quanh đều liên quan đến sự phạm tội giết người.  Trong thực tế, những sự thịnh nộ, giận dữ, gièm pha được bắt nguồn từ một trái tim thiếu chia sẻ tình yêu thương.  Đối với Chúa Giêsu, không chỉ có hành động giết người mới bị xem là không tuân giữ Lề Luật mà gồm luôn tất cả những hành động cố gắng tiêu diệt hoặc làm cho kẻ khác “trở nên vô dụng”

Chúa Giêsu không nói tới vấn đề ai đúng ai sai nhưng “ai xúc phạm người anh em hoặc phỉ báng họ nơi công cộng thì không có chỗ cho họ trước mặt Thiên Chúa, bởi vì họ đã phạm tội giết người” (Bonheoffer, Di Cảo 120). Từ đây, mức độ nghiêm trọng phủ nhận giá trị của lễ tiến dâng, sự tôn kính, cầu nguyện và cử hành bí tích Thánh Thể.  Những ai đã tách mình ra khỏi mối liên hệ với người anh em thì cũng đã tự tách mình ra khỏi mối liên hệ với Thiên Chúa.  Kế đến, cần phải đi làm hòa với người anh em nếu trước đây họ có điều gì bất bình với bạn:  Họ bất bình với bạn, chứ không phải bạn bất bình với họ.  Sự đổi mới trong việc dùng chữ này, ngay cả những chuyện không dễ gì chia sẻ.  Về người anh em tôi có “điều bất bình với tôi”, tôi phải đến trước người ấy:  “việc đầu tiên, hãy đi làm hòa”, mà không gia tăng khoảng cách.  Nó không chỉ là vấn đề của việc đòi hỏi sự tha thứ:  thật là cấp bách để tái tạo lại những mối quan hệ anh em bởi vì điều tốt đẹp của anh em tôi là điều tốt đẹp của tôi.  Chúa Giêsu nói:  “Đi … trước khi”… Điều phải làm trước hết, trước khi cầu nguyện, trước khi bố thí, trước khi người khác hành động, là sự chuyển động của trái tim tôi, của con người tôi đối với những người khác.  Khi tiến đến với người khác như vậy, nó có mục đích hàn gắn lại sự đổ vỡ; một tiến trình dài đưa đến sự hòa giải.   


b)  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta suy gẫm và thưc hành.

1.  Trong đời sống của bạn, bạn có luôn sẵn sàng với lời yêu cầu của Chúa Giêsu cho một nền công lý tốt đẹp hơn không?  Bạn có biết rằng chúng chưa hoàn toàn ở trong nền công lý viên mãn không?
2.  Trong việc thực hành công lý, bạn đã có làm những việc giống như Chúa làm chưa?  Bạn có biết rằng công lý sống trong mối quan hệ con người đã được ban cho chúng ta không?  Một sự xác nhận bạn có thể tìm thấy trong lời của thánh Phaolô tông đồ:  “sự công chính của tôi có không phải do Lề Luật Môisen mang lại, mà nhờ vào đức tin nơi Đức Kitô, sự công chính đến từ Thiên Chúa dựa trên đức tin (Pl 3:9).
3.  Câu nói của Chúa Giêsu “nhưng Ta bảo các con” có phải chăng cũng là dành cho chúng ta như một mệnh lệnh hoặc như một giới răn không?  Chúng ta có biết rằng một nền công lý càng tuyệt vời thì không có gì khác hơn là lòng luôn sẵn sàng được đối mặt với sự hiện hữu của Đức Kitô, là Đấng công chính duy nhất không?
4.  Nền công lý của chúng ta có được liên kết mật thiết với điều gì đó của sự công bằng của Thiên Chúa, của sự ban tặng và sáng tạo của Người không?  Thiên Chúa ban cho chúng ta sự công bằng; giải thoát chúng ta khỏi tình trạng tê liệt của tội lỗi; một khi được sự tự do, chúng ta cùng truyền đạt việc giải thoát này, thực hành một nền công lý không phán xét, nhưng luôn mở rộng, để chính nó dọn chỗ cho những người khác có thể quay trở lại với cuộc sống đích thực của chính mình.

3.  Cầu Nguyện

a)  Thánh Vịnh 119 (1-5, 17-18, 33-34):

Bài Thánh Vịnh này mời gọi chúng ta tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa với tất cả sức của mình.  Khả năng như vậy không chỉ là một nghĩa vụ bên ngoài nhưng còn là một món quà dành cho những ai đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.  Thực hành nền công lý mới để được vào Nước Trời không thể chỉ đạt được từ một cam kết cá nhân, mà từ một cuộc đối thoại quen thuộc và liên tục với Lời của Chúa.

Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp CHÚA TRỜI
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.
Họ không làm điều ác, nhưng cứ đường lối Chúa mà đi.
Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,
truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.
Ước mong sao con hằng vững bước
theo thánh chỉ Ngài ban.
Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây
để con được sống và tuân giữ lời Ngài.
Xin mở mắt cho con nhìn thấy
luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao.
Lạy CHÚA, xin dạy con đường lối thánh chỉ,
con nguyện đi theo mãi đến cùng.
Xin cho con được trí thông minh
để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.

b)  Lời nguyện kết

Lạy Chúa, Lời Chúa mà chúng con lắng nghe và suy niệm đã hiện ra với chúng con thật mãnh liệt, và đã đem đến khủng hoảng cho thái độ của chúng con:  “Hãy đi làm hòa trước đã!”  Việc phải làm trước nhất, trước khi đến trước bàn thánh, trước khi tiến dâng của lễ lên Chúa với tình yêu, trước khi một người anh em chủ động trước mặt quan tòa, xin Chúa hãy giúp cho trái tim chúng con hoàn thành được tiến trình trấn tĩnh lại được mối bất hòa, chia rẽ, để từ đó có thể tái tạo lại sự hài hòa đã mất.

4.  Chiêm Niệm

Thánh Gioan Kim Khẩu mời gọi chúng ta với lời mạnh mẽ và rắn chắc:  “Khi bạn từ chối tha thứ cho kẻ thù của bạn, bạn đã làm hại mình chứ không phải anh ta.  Những gì bạn đang chuẩn bị là một hình phạt cho bạn trong ngày phán xét” (Các bài giảng 2:6).  Hãy để cho con người bạn được biến đổi bởi tình yêu của Thiên Chúa; để thay đổi đời sống của bạn, bạn phải cải hóa chính mình, để tìm lại được con đường của đời sống.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét