20/02/2020
Thứ Năm tuần 6 thường
niên
Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 2, 1-9
"Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo đó
sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển,
Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người
đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó
đi vào, áo xống dơ bẩn; nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói:
"Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này". Còn với người nghèo khó thì anh
em lại nói rằng: "Còn anh, anh đứng đó", hoặc: "Anh hãy ngồi dưới
bệ chân tôi". Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở
nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?
Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo
trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được thừa hưởng nước
Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao? Thế mà anh em khinh chê người
nghèo khó. Không phải những người giàu có dùng quyền hành áp bức anh em, và lôi
anh em ra toà án đó sao? Không phải chính họ thoá mạ thánh danh tốt đẹp đã được
kêu cầu trên anh em sao?
Ðã hẳn, nếu anh em giữ trọn vương đạo như Thánh Kinh dạy, là "Ngươi
hãy yêu mến tha nhân như chính mình", thì anh em làm phải. Nhưng nếu anh
em thiên vị, là anh em phạm tội, bị lề luật lên án như những kẻ lỗi luật.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c.
7a).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi
khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng
vui. - Ðáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người.
Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. -
Ðáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt.
Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai
nạn. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự
sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 8, 27-33
"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ
nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê
thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy
là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là
Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi:
"Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy
là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với
ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều,
sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba
ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người
lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách
Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ
biết việc loài người".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ngài là Ðức Kitô
Ðoạn Tin Mừng hôm nay thường được mệnh danh là cuộc tuyên tín tại địa hạt
Cêrarê thuộc quyền Philip.
Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẻ so với
các Rabbi Do thái. Dân chúng đã bắt đầu bàn tán về con người và sứ mệnh của
Ngài: người thì bảo là Gioan Tẩy giả đã sống lại, kẻ thì cho là Êlia hay một
Tiên tri nào đó. Riêng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ thinh lặng về con người và sứ
mệnh của Ngài: cứ sau mỗi phép lạ, Ngài thường bảo kẻ được thi ân giữ kín tông
tích của Ngài.
Nhưng đã đến lúc Chúa Giêsu muốn phá vỡ sự thinh lặng ấy, Ngài đặt câu hỏi
một cách rõ ràng với các môn đệ. Câu trả lời của các ông vừa là phản ánh dư luận
của đám đông, vừa là trắc nghiệm về chính lòng tin của họ. Lời đáp của Phêrô quả
là một lời tuyên xưng: "Ngài là Ðức Kitô", nghĩa là Ðấng Thiên Chúa
sai đến để giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với
giấc mơ của ông, thì Ðức Kitô mà các ông mong đợi là Ðấng sẽ dùng quyền năng của
mình để đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh.
Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô
đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Ðức Kitô Cứu Thế, nhưng không chấp nhận con đường
Thập giá của Ngài, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan
đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là hãy khước từ con đường Thập giá; vì thế,
khi Phêrô vừa can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Chúa
Giêsu đã gọi Phêrô là Satan.
Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi Ngài từ
trong cõi chết sống lại. Ðấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang
danh hiệu Kitô, tuyên xưng Chúa Kitô, cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường
của Ngài, Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của mình; tất
cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập gía mỗi
ngày mà theo Ta". Cuộc sống hàng ngày, nhất là trong những hoàn cảnh hiện
tại, hơn bao giờ hết là một lời mời gọi tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài. Chúa
Giêsu không bảo chúng ta đi tìm Thập giá, nếu không, đạo Kitô chỉ là một thứ
tôn giáo bệnh hoạn, trong đó con người tự đày ảy mình; nhưng Ngài bảo chúng ta
vác lấy thập giá mình. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá, Thiên
Chúa không bao giờ đặt một thập giá nặng hơn đôi vai chúng ta.
Có rất nhiều cách để chúng ta khước từ thập giá: chúng ta từ khước thập
giá bằng cách không tiếp nhận cuộc sống như một ân ban; chúng ta khước từ thập
giá khi chúng ta chỉ nhìn một cách bi quan về các biến cố và con người; khi
chúng ta bán đứng lương tâm vì một chút lợi lộc vật chất; khi chúng ta đóng kín
niềm tin trong các buổi phụng vụ, trong bốn bức tường nhà thờ, mà quên rằng sống
đạo là sống niềm tin Kitô trong từng giây phút của cuộc sống.
Chúng ta hãy lặp lại lời thánh Phaolô: "Tôi chỉ biết có một Chúa
Kitô và là Chúa Kitô chịu đóng đinh Thập giá". Ước gì niềm tin của chúng
ta luôn được soi sáng bằng mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, và được
thể hiện bằng một thái độ chấp nhận thập giá trong từng giây phút cuộc đời.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần VI TN2
Bài đọc: Jam 2:1-9; Mk
8:27-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh
Giá là dấu hiệu tình yêu của Thiên Chúa.
Con người hay quên, nên phải có các biểu tượng để nhắc nhở con người. Mỗi
khi nhìn biểu tượng, con người hồi tưởng lại những gì đã xảy ra. Mục đích của
việc hồi tưởng là giúp cho con người biết ăn ở làm sao để không phải lãnh nhận
hậu quả xấu, hay sống xứng đáng với tình yêu của người đã hy sinh cho họ. Ví dụ,
di ảnh người quá cố, các đài kỷ niệm của các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc …
Trong các Bài Đọc hôm nay, Thiên Chúa dùng các biểu tượng cụ thể để nhắc
nhở con người. tác giả Thư Giacôbê chú trọng đặc biệt đến cách cư xử của các
tín hữu với tha nhân: Nếu đã tin vào Đức Kitô, họ không thể đối xử thiên vị với
người giàu và khinh thường người nghèo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước cho
các môn đệ con đường Thánh Giá mà Ngài sắp phải trải qua. Mỗi lần nhìn Thánh
Giá, con người nhớ lại tội lỗi là nguyên nhân cái chết của con Thiên Chúa, và
tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người nghèo là những chứng nhân
của Nước Trời.
1.1/ Phải triệt hạ tính đối xử thiên vị: Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu:
"Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa
vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư."
(1) Đối xử thiên vị: là đối xử với hai người cách khác nhau tùy theo lối
nhìn hay cách suy nghĩ mà mình có về người đó; ví dụ, tính thích chơi với người
giàu sang hơn là người nghèo khó, thích làm bạn với người có địa vị hơn là thường
dân, thích giao tiếp với người mỹ trắng hơn người mỹ đen. Đây là cách cư xử của
những người không biết Thiên Chúa; nhưng đối với các tín hữu, những người đã thấm
nhuần đạo lý của Đức Kitô, họ không được đối xử thiên vị, mà phải đối xử theo
cách thức Đức Kitô truyền dạy: Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em trên
trời, Ngài cho mặt trời mọc lên chiếu soi và cho mưa rơi trên người công chính
cũng như kẻ tội lỗi. Hay như thánh Phaolô quả quyết: "Thật vậy, nhờ đức
tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất
cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không
còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà;
nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô" (Gal 3:26-28).
(2) Đừng đánh giá tha nhân và đối xử với họ theo dáng vẻ bên ngoài;
nhưng phải biết tôn trọng phẩm giá con người và đối xử với họ theo công bằng và
yêu thương. Thánh Phaolô dẫn chứng một ví dụ cụ thể khi hai người vào hội đường:
một ăn mặc giàu có và một ăn mặc nghèo khó. Các tín hữu không được đối xử với
hai người cách khác nhau; nhưng phải đối xử các đồng đều, vì cả hai đều thuộc về
gia đình của Đức Kitô.
1.2/ Con người trong Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Tất cả của cải vật
chất là do Thiên Chúa ban cho mọi người hưởng dùng; chứ không do con người tạo
dựng nên. Điều quan trọng là phải biết dùng của cải, chứ đừng làm nô lệ cho
chúng; nhất là đừng đặt chúng lên trên phẩm giá của con người.
(1) Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó: Thực tế cho thấy người
nghèo khó là người dễ tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa hơn là vào sức lực
của mình. Ngược lại, người giàu có là người cậy vào của cải mình có và dễ bỏ
quên Thiên Chúa và những lời dạy dỗ của Ngài. Đó là lý do người nghèo được chúc
phúc; vì thế, khinh dể người nghèo là coi thường những lời Chúa dạy dỗ. Thánh
Giacôbê nhắc nhở các tín hữu: "Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo
khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương
quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? Thế mà anh em, anh em lại
khinh dể người nghèo!"
(2) Người giàu là những người hay đối xử bất công với người nghèo: Thánh
Giacôbê liệt kê ba điều xấu của những người giàu: Thứ nhất, tính đối xử bất
công với người nghèo khó, khi họ dùng tiền của để chèn ép người nghèo. Thứ hai,
dùng tiền của để hối lộ quan tòa đứng về phe của họ. Sau cùng, họ là những người
khinh thị các Kitô hữu, vì dại dột tin theo một người nghèo khổ chết trần trụi
trên thánh giá, và khinh thường phú quí của thế gian.
2/ Phúc Âm: Thánh Giá là giao ước tình yêu
giữa Thiên Chúa và con người.
2.1/ Căn tính của Chúa Giêsu: Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đã gần kề,
Ngài biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và cho các môn đệ. Đã đến lúc Ngài
cần biết niềm tin của con người vào Ngài, nhất là của các môn đệ, sau khi đã mặc
khải, dạy dỗ, và biểu tỏ uy quyền. Trình thuật hôm nay xảy ra trên đường tới
các làng xã vùng Caesarea Philipphê, Banias hiện giờ. Đây là một vùng rất đẹp
và linh thiêng, nằm dưới rặng núi Hermon, và giáp giới nhiều sông từ Syria chảy
xuống, nên có rất nhiều nước. Nó là đầu nguồn của Biển Hồ và sông Jordan, nguồn
cung cấp nước duy nhất cho Palestine. Nơi đây tập trung đền thờ của nhiều thần:
Thần Pan của Hy-Lạp, Hoàng-đế Caesar của Roma, thần của Syria, và thần Baal của
Do-thái. Chúa Giêsu muốn dùng nơi này để giúp các môn đệ nhận ra sự khác biệt
giữa Ngài và các thần của các tôn giáo khác.
Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp:
"Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elijah, kẻ khác lại
cho là một ngôn sứ nào đó." Vua Herode cũng cho Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả
mà ông đã chém đầu nay sống lại. Truyền-thống Do-thái tin Elijah sẽ trở lại trước
ngày Đấng Thiên Sai tới; nhưng tất cả những câu trả lời này không nói đúng căn
tính của Đức Kitô. Chúa Giêsu lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?" Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô." Đây là câu trả lời
mà Chúa Giêsu mong mỏi vì đó là căn tính của Ngài, Đấng Thiên Sai, Người được
sai tới từ Thiên Chúa Cha.
2.2/ Cách cứu độ của Đấng Messiah: Phêrô tuy nói đúng căn tính của Chúa
Giêsu, nhưng không thể chấp nhận điều Chúa Giêsu mặc khải về cách cứu độ của
Ngài, đó là qua con đường Thập Giá. Ông cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu đi con
đường khác, và Chúa Giêsu đã khiển trách ông nặng nề: "Satan! lui lại đàng
sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của
loài người."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi khi nhìn Thập Giá, chúng ta nhớ lại cái chết tủi nhục của Chúa
Giêsu, và tội lỗi chúng ta là nguyên nhân cái chết của Ngài. Vì yêu thương nhân
loại, Chúa Cha đã ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài, sẵn sàng chết thay để
chúng ta được hưởng Ơn Cứu Độ.
- Chúng ta phải tôn trọng phẩm giá con người vì họ là con Thiên Chúa,
anh chị em của chúng ta, và đã được cứu chuộc bằng Máu Thánh của Đức Kitô.
Chúng ta đừng bao giờ đặt của cải và lợi nhuận vật chất lên trên phẩm giá con
người.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
20/02/2020
20 THỨ NĂM TUẦN 6 TN
Th. Phan-xi-cô và Gia-xin-ta
Mc 8,27-33
Th. Phan-xi-cô và Gia-xin-ta
Mc 8,27-33
THẦY LÀ ĐẤNG KI-TÔ
Chúa Giê-su lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là
ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc 8,29)
Suy niệm: Sau khi
nghe biết đám đông nghĩ về mình thế nào, Chúa Giê-su đã đặt câu hỏi cho các
tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” để nhấn mạnh sự
khác biệt thiết yếu phải có trong việc “biết” Đức Ki-tô. Đám đông xem Ngài là một
tiên tri lớn như tiên tri Ê-li-a hay Gioan Tẩy Giả trong dân tộc của họ; nhưng
điều đó chưa đủ để nói rằng mình biết Chúa Giê-su. Còn thánh Phê-rô tuyên
xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô.” “Đấng Ki-tô” là Đấng được xức dầu.
Trong Cựu Ước, các ngôn sứ, tư tế và các vua được xức dầu. Như vậy, lời tuyên
xưng của thánh Phê-rô tin nhận Chúa Giê-su là Vị ngôn sứ mặc khải cho nhân loại
lời và ý muốn của Thiên Chúa, là Tư Tế hiến tế chính bản thân để chuộc tội cho
nhân loại và là Vua làm chủ mọi loài. Trong mọi thời đại, Giáo Hội mạnh mẽ và
vượt qua được những giai đoạn bách hại nhờ Giáo Hội trung thành tuyên xưng Chúa
Giê-su là Đấng Ki-tô. Nếu mất niềm tin vào Chúa Giê-su, Giáo Hội không chỉ sập
bẫy của Sa-tan, mà còn phá vỡ nền tảng đức tin.
Mời Bạn: Nền tảng và
sự vững vàng của Giáo Hội không dựa trên các cơ sở vật chất hay thế lực trần thế
nào, nhưng dựa vào Chúa Giê-su Ki-tô. Bản thân, gia đình và giáo xứ của bạn
đang dồn hết mọi nỗ lực củng cố đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô hay chú trọng những
điều nào khác? Nhiều cộng đoàn gia đình sống lời Chúa đang nhắc nhở cho chúng
ta chú trọng sống đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Hằng ngày đọc
và suy niệm Lời Chúa trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa
Giê-su Ki-tô, cuộc đời con thuộc về Chúa.
( 5 phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Tư tưởng
của loài người
Suy niệm :
Không rõ tại sao Thầy
Giêsu lại chọn lúc đi đường với các môn đệ
lên vùng cao phía bắc
xứ Paléttin, gần chân núi Khécmôn,
để thăm dò xem dân
chúng nghĩ Thầy là ai.
Quan trọng hơn, Thầy
muốn biết các môn đệ nghĩ gì về Thầy :
“Còn anh em, anh em bảo
Thầy là ai ?”
Thầy Giêsu đã sống bên
các môn đệ từ mấy năm qua.
Họ đã được gọi, được
chọn, được theo,
đã được thấy, được
nghe, được chạm đến.
Bao nhiêu là kinh nghiệm
gần gũi!
Nhưng Thầy Giêsu chẳng
nói rõ cho họ biết mình là ai.
bây giờ Thầy lại đặt
câu hỏi cho họ.
Ông Phêrô đại diện cho
anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”
Đấng Kitô là Đấng
Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến.
Vì thế người ta thường
coi Ngài là Đấng giải phóng hùng mạnh.
Nhiều người Do Thái
mong Đấng Kitô đến
để đánh đuổi quân Rôma
và đem lại thái bình cho đất nước.
Câu trả lời của Phêrô
cơ bản là đúng.
Thầy đúng là Mêsia,
nhưng lại không phải là Mêsia như Phêrô nghĩ.
Bởi lẽ Thầy là một
Mêsia phải chịu nhục nhã và thất bại,
chịu mang thân phận
đau khổ của Người Tôi Trung (Is 52-53).
Để vào ánh sáng, Thầy
phải vượt qua bóng tối của hố thẳm.
Dù sao câu trả lời của
Phêrô đã mở ra một giai đoạn mới.
Từ nay Thầy sẽ chia sẻ
nhiều hơn cho các ông về định mệnh tương lai.
Thầy sẽ nói rõ chứ
không nói bóng gió bằng dụ ngôn nữa (c. 32).
Thầy Giêsu biết rõ đau
khổ và cái chết đang đe dọa mình
đến từ phía các nhà
lãnh đạo Do thái giáo.
Nhưng Thầy cũng tin rằng
Cha ở với Thầy và sẽ không bao giờ bỏ Thầy.
Lần đầu tiên Thầy chia
sẻ cho môn đệ chuyện riêng tư,
niềm đau và hy vọng,
cái chết sắp đến và niềm tin vào sự sống lại,
dù chắc Thầy đã không
nói nguyên văn như ta thấy ở câu 31.
Phêrô không thể chấp
nhận được định mệnh mà Thầy mới gợi lên (c. 32).
Ông không hiểu được
chuyện Đấng Kitô mà phải chịu khổ đau, nhục nhã.
Ông không biết rằng chữ
phải ấy đến từ Thiên Chúa,
và thất bại cũng như
cái chết có chỗ trong chương trình của Ngài.
Phêrô thương Thầy, và
tình thương lại trở thành một cám dỗ lớn.
Ông muốn Thầy đổi ý,
ông muốn đi trước dẫn đường cho Thầy.
Thầy Giêsu đòi ông trở
lại đằng sau, đi sau Thầy như môn đệ (c.33).
Chúng ta cũng sợ như
Phêrô, sợ cùng với Thầy Giêsu đi con đường hẹp.
Chúng ta cũng dễ nghĩ
theo kiểu người phàm,
chứ không nghĩ theo kiểu
Thiên Chúa (c. 33).
Xin được uốn lối nghĩ
khôn ngoan của mình
theo sự điên dại của
Thiên Chúa (1 Cr 1, 25).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là
điều khó.
Thuộc về Chúa thật là
một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa
tất cả
để chẳng có gì trong
con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những
gì con cậy dựa
để con thực sự tựa
nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con
khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh
thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh
phục con
cho đến khi con thuộc
trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi
mình,
ra khỏi những bận tâm
và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi
hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát
và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm
được rằng
trước khi con tập sống
cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho
con
và thuộc về con từ
lâu. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao
Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG HAI
Những Bã Phù Vân
Sứ điệp đầu tiên của
mùa Chay – trong ngày Thứ Tư Lễ Tro – là một sứ điệp rất sâu sắc và quyết liệt:
“Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro!”
Vậy, làm thế nào chúng
ta có thể thực sự tìm thấy sự viên mãn? Làm thế nào người ta có thể hoàn thành
chính mình trong cõi đời này khi mà mầm hủy diệt con người đã có sẵn đấy và thế
giới được đặt dưới qui luật của sự chết? Con người kiếm tìm sự sống trong thế
giới xung quanh mình, nhưng điểm đến của con người lại là thực tại sự chết!
Vâng, trong cuộc đời tạm
bợ này, chúng ta có thể có một số niềm thỏa mãn ‘phù du’ nào đó. Những niềm thỏa
mãn ấy không thể kéo dài. “Nguơi sẽ trở về tro bụi” – Thiên Chúa nói với con
người như thế.
Chúng ta phải biết lắng
đọng tâm hồn và nhìn vào trong thâm sâu hữu thể của mình. Và chúng ta sẽ nhận
ra những mầm mống bất tử của chính mình. Chúng ta cũng sẽ nhận ra tính bèo bọt
vô ích của những nỗ lực nơi mình nhằm tìm kiếm các thỏa mãn phù vân.
Và chính khi nhận thức
được như vậy, chúng ta có thể bắt đầu hiểu ra tại sao Thiên Chúa mời gọi mình:
“Hãy trở về với Ta!” Vâng, Ngài mời gọi chúng ta trở về với Ngài bằng cả tấm
lòng.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
20 Tháng Hai
Giáo Ðường
Văn hào Aleksandr
Solzenicyn đã ca tụng những ngôi giáo đường bằng những vần thơ như sau:
"Thư thái trên
sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao, hãy ẩn mình trong những dòng sông
sâu, những ngôi giáo đường đẹp như những công chúa vận xiêm y rực rỡ.
Nhìn xuống những
mái nhà gỗ tranh là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố chợ đến thôn quê,
từ đỉnh tháp hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi
nhau.
Từ thuở nào con người
vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm,
trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc
sống thấp hèn của họ.
Cha ông của chúng
tôi đã để lại phần cao quý nhất cảu các ngài. Mãi mãi, tâm tình của các ngài vẫn
còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này".
Ở bất cứ nơi nào trên
thế giới, giáo đường vẫn luôn là biểu trưng của sự sống. Còn gì buồn thảm cho bằng
một ngôi giáo đường biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.
Giáo đường là nhà của
con người: gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, gặp gỡ giữa con người với Thiên
Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, giáo đường chính là nơi gặp gỡ giữa người với
người: gặp gỡ ở trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau
trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải, gặp gỡ
nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để trở lại cuộc sống với
hăng say và nhiệt thành hơn.
Chúng ta không thể đến
nhà thờ mỗi ngày mà vẫn khước từ gặp gỡ với tha nhân. Chúng ta không thể đến
nhà thờ mỗi ngày mà lại không muốn gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng
ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống. Bao lâu ngôi giáo đường còn
đó, bấy lâu người Kitô vẫn được mời gọi để nối kết đức tin với cuộc sống hằng
ngày.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét