Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH - KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT


Chúa Nht II Phc Sinh - Năm B
Cv 4,32-35 ; Tv 117; 1 Ga 5,1-6 ; Ga 20,19-31.

Bài đọc 1                                 Cv 4,32-35

32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.
33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.



Đáp ca                                     Tv 117,2-4.16ab và 17-18. 22-24 (Đ. c. 1)

Đáp :    Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

2          Ít-ra-en hãy nói lên rằng :
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
3          Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng :
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
4          Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng :
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.                            Đ.

16ab    Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.
17        Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
            để loan báo những công việc Chúa làm.
18        Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi,
            nhưng không nỡ để tôi phải chết.                                            Đ.

22        Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
            lại trở nên đá tảng góc tường.
23        Đó chính là công trình của Chúa,
            công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
24        Đây là ngày Chúa đã làm ra,
            nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.                                                 Đ.
           


Bài đọc 2                                 1 Ga 5,1-6

1          Anh em thân mến, phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
            kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
            Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
            thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
2          Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
            mình yêu thương con cái Thiên Chúa :
            đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
            và thi hành các điều răn của Người.
3          Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
            là tuân giữ các điều răn của Người.
            Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
4          vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
            Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
            đó là lòng tin của chúng ta.
5          Ai là kẻ thắng được thế gian,
            nếu không phải là người tin rằng
            Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ?
6          Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ;
            không phải chỉ trong nước mà thôi,
            nhưng trong nước và trong máu.
            Chính Thần Khí là chứng nhân,
            và Thần Khí là sự thật.



Tung hô Tin Mừng                 x. Ga 20,29

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”. Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Ga 20,19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !" 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."  22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp : "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em." 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." 28 Ông Tô-ma thưa Người : "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !" 29 Đức Giê-su bảo : "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !"
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)

Suy Niệm:
Giữa cơn lo sợ bàng hoàng còn chưa nguôi; các cửa phòng còn đóng kín để tránh ánh mắt soi mói của người Do thái. Ðức Giêsu Phục Sinh bất ngờ hiện đến, mang theo bình an và Thần Khí của Ngài để làm cho các Tông Ðồ được vững mạnh trong niềm tin. Từ cõi chết, Ðức Giêsu đã bước vào cõi trường sinh; từ tình trạng xem như thất bại, Ðức Giêsu đã chiến thắng vẻ vang. Cùng với Ðức Giêsu, từ nay người môn đệ của Ngài luôn sống trong hân hoan, bình an vì Thầy của họ đã thắng thế gian và đưa họ vào nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, ước gì lời chúc bình an của Chúa sẽ là nguồn trợ lực cho suốt cuộc đời chúng con. Chúng con chỉ có bình an thực sự khi tin tưởng phó thác vào Chúa. Nhờ đức tin, nhờ Lời Chúa soi dẫn, chúng con xác tín rằng Chúa luôn ở bên chúng con và nâng đỡ chúng con trong từng biến cố. Xin Chúa đến ngự giữa chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Hội Thánh Của Chúa Sống Lại
Suy Niệm:
Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm B
Cv 4,32-37; 1Yn 5,1-6; Yn 20,19-31
Sau khi sống lại, Chúa Yêsu, Chúa Yêsu không còn hiện diện hữu hình ở trần gian nữa. Người còn hiện ra nhiều lần cho môn đệ xem thấy mà tin. Nhưng đó chỉ là những lúc họa hiếm và mau qua. Từ nay cách thức hiện diện thường xuyên của Người với chúng ta là Thánh Thể và Hội Thánh. Ðó là hai bí tích hiểu theo nghĩa rộng để Người ở với chúng ta hằng ngày. Hội Thánh được gọi là Thân Thể của Chúa Kitô và Thánh Thể chính là thịt máu Người. Thế nên sau lễ Phục sinh, Phụng vụ kéo mắt chúng ta nhìn vào Hội Thánh, nơi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa để hiểu biết, yêu mến, bắt chước Người nhiều hơn. Và cũng trong Hội Thánh, chúng ta được tiếp xúc với Thánh Thể để nhận lấy sức sống Chúa muốn ban cho chúng ta. Như vậy, suy nghĩ về Hội Thánh phải là thao thức của chúng ta trong mùa Phục sinh này. Và người ta có thể suy nghĩ từ ngoài đi vào hoặc từ trong đi ra. Hôm nay chúng ta hãy theo thứ tự các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh lễ để tìm hiểu Hội Thánh từ ngoài vào trong, từ hiện tượng khả giác vào tới mầu nhiệm thâm sâu. Và chúng ta sẽ thấy giáo xứ và giáo phận chúng ta còn thiếu sót nhiều quá để xứng đáng là Hội Thánh của Chúa Kitô Phục sinh.

1. Một Hội Thánh Sống Xã Hội
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay họa lại cho chúng ta một hình ảnh về Hội Thánh thời các tông đồ ở Yêrusalem. Ðây chỉ là một trong mấy bức họa hiếm hoi về Hội Thánh ấy. Còn 2, 3 bức họa nữa cũng ở trong sách Công vụ Tông đồ này. Và nếu được phép căn cứ vào câu đầu tiên của sách này mô tả đời sống của Hội Thánh ở thời bấy giờ: chuyên cần với giáo huấn của các tông đồ, sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện (2,42) thì bức họa của đoạn sách Công vụ hôm nay là bức họa thứ hai, nói về sự hiệp thông của cộng đoàn dân Chúa.
Quả vậy, chính câu đầu tiên đã nói lên chủ đề: " Ðoàn lũ những kẻ tin chỉ có một tấm lòng, một linh hồn". Ðể mô tả sự hiệp thông thắm thiết giữa mọi người giữa mọi người nên một ấy, đoạn sách hôm nay nói rằng: "Không một người nào nói là mình có của gì riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung".
Nhiều người đã vịn vào câu văn này để khẳng định Hội Thánh thời bấy giờ thi hành điều mà bây giờ thi hành điều mà bây giờ người ta gọi là "cộng sản", và Hội Thánh đã cộng sản trước cộng sản. Thiết tưởng không nên có những lời nói như vậy vì những lời nói thế chẳng đẹp lòng ai cả và chỉ tỏ ra đọc sách Công vụ rất hời hợt.
Hôm nay chúng ta cứ thử về nhà đọc lại đoạn sách này. Thánh Luca không cho chúng ta nhiều yếu tố để quả quyết gì về tổ chức xã hội của cộng đoàn dân Chúa thời bấy giờ. Người chỉ cho chúng ta một cái nhìn đạo đức về thái độ của các tín hữu đối với nhau. Nếu được phép tưởng tượng thì chúng ta có thể nghĩ rằng: thời ấy tín hữu của Chúa sống như mọi người về mặt xã hội kinh tế. Họ không hề có ý tưởng làm thành "một quốc gia ở trong một quốc gia", nghĩa là tổ chức với nhau một hệ thống sản xuất hay kinh tế riêng biệt. Họ chỉ khác đồng bào chung quanh ở chỗ là tin Chúa. Và vì chưa biết Chúa đủ, nên họ chuyên cần đến nghe lời của các Tông đồ trong các buổi họp chung. Ở đó họ được dẫn giải thêm về đạo lý, được cầu nguyện chung, được bẻ bánh chung, khiến họ được mật thiết kết hợp với Chúa và cùng Người làm nên một thân thể. Rồi chính khi ấy họ đã nhận ra mình là chi thể của nhau, là anh em con một Cha, một Chúa. Thế là một đức tin, một Thánh Thể để kết họ nên một với nhau trong tình mến. Họ thấy không được phép để cho ai trong anh em thiếu thốn nữa, nếu đang khi ấy họ có nhiều của cải hơn. Thế là như Barnaba, họ đem bán của riêng, đem huê lợi đến cho các tông đồ để chia sẻ cho anh em tùy theo nhu cầu.
Tất cả như vậy đã xảy ra từ một động lực bên trong. Việc hiệp thông với Chúa đã dẫn sang ý thức phải hiệp thông với nhau; và không thể hiệp thông chân thật với anh em khi có của mà để anh em túng thiếu. Ðó hoàn toàn là đạo đức chứ không phải cộng sản gì! Nhưng là đạo đức chân thật, biết và dám thi hành những đòi hỏi của niềm tin và lòng mến. Kẻ không đạo đức được như vậy cũng không thể có những hành động như thế.
Sách Công vụ ngay sau đoạn văn hôm nay đã kể chuyện vợ chồng Ananya và Saphyra. Hai người cùng bàn nhau đem bán một thửa đất riêng, rồi đem một phần tiền đến nói với thánh Phêrô: đó là tất cả số tiền bán được. Họ tưởng lừa được Phêrô. Nhưng họ quên Thánh Thần bấy giờ ở với Phêrô một cách rất đặc biệt. Phêrô bảo hai người: cớ sao đồng tình và đồng lõa ăn gian nói dối? Ai bắt phải bán đất đi? Và ai buộc phải đem lại tất cả số tiền?
Rồi câu chuyện thế nào, mọi người đã rõ. Ở đây chúng ta chỉ cần lưu ý: mấy lời của Phêrô làm cho chúng ta hiểu việc các tín hữu buổi đầu "không nói là mình có của gì riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung". Ý nghĩa như thế nào? Ðó là một sự tự nguyện, phát xuất từ tinh thần hiệp thông xây trên một niềm tin chung; chứ không phải là một tổ chức xã hội có tính cách hành chánh.
Sự tự nguyện này vẫn còn tồn tại trong Hội Thánh ở nơi các cộng đoàn tu sĩ... Nó còn là đòi hỏi của Tin Mừng mà nhiều khi chúng ta không dám nghĩ tới. Vẫn biết hoàn cảnh đã thay đổi; xã hội đã biến chuyển; con cái Chúa không bao giờ "làm thành một Nước ở trong một Nước" để có nếp sống xã hội riêng; nhưng đang khi sống tốt thể chế xã hội của Nước mình, họ luôn phải nhớ đòi hỏi của Tin Mừng buộc họ phải sống hiệp thông với anh em. Và như vậy họ không được để anh em túng thiếu khi họ đang có của. Ðó là ý nghĩa cụ thể của đạo Bác ái. Và đó cũng là một trong những lý do của việc dâng tiền trong thánh lễ. Cử chỉ này không thể nào không gợi lên nếp sống hiệp thông chia sẻ mà bài sách Công vụ hôm nay nói về Hội Thánh thời các Tông đồ.
Thiết tưởng, lương tâm chúng ta còn bị chất vấn nhiều về vấn đề này. Nhưng nếu chúng ta muốn có thiện chí làm tốt hơn thì chúng ta phải đào sâu đức tin hơn, vì như đã nói, nếp sống hiệp thông kia đã phát xuất từ niềm tin mới mẻ. Bài thư Yoan có nhiều yếu tố quý báu giúp chúng ta làm công việc này.

2. Một Hội Thánh Sống Ðức Tin
Chúng ta có thể nghĩ đoạn thư này rời rạc và thiếu chặt chẽ. Nhưng nếu nắm được ý của thánh Yoan, chúng ta sẽ thấy đây là những tư tưởng rất quan trọng. Người muốn nói với những kẻ có đức tin để xác định niềm tin của họ phải như thế nào và có những hệ luận nào trong đời sống cụ thể.
Sánh với bài sách Công vụ trên đây, chúng ta có thể nói thánh Yoan đã đi từ trong ra đến ngoài đang khi thánh Luca đi từ ngoài vào trong. Tác giả sách Công vụ mô tả nếp sống xã hội của cộng đoàn dân Chúa; còn tác giả bài thư tìm hiểu động lực của nếp sống này.
Ðó là niềm tin mới, chưa gặp thấy nơi một xã hội loài người nào. Người tín hữu khác mọi người ở chỗ tin Yêsu là Ðức Kitô. Muốn thấy tính cách mới mẻ của niềm tin này, chúng ta phải trở về thời các tông đồ, hay phải nhìn sang lương dân. Ngoài các tín hữu ra, ai có thể có một ý tưởng như thế? Tin Yêsu là Ðức Kitô có nghĩa là tin Thiên Chúa đã thi hành kế hoạch cứu nhân độ thế của Người nơi con người và đời sống của Yêsu người thành Nadarét. Là tin Thiên Chúa yêu thương loài người đến độ đang khi chúng ta còn là tội nhân thù nghịch đã ban Con Một Người làm hy lễ đền tội chúng ta. Mà không phải chỉ đền và tha tội, nhưng còn nhờ cuộc Tử nạn Phục sinh của Ðức Kitô, cho chúng ta được tái sinh bởi Thiên Chúa để làm con cái Người. Một niềm tin như vậy đã ám tàng công nhận Ðức Yêsu là Con Thiên Chúa, vì nếu không, Yêsu sẽ chỉ là một sứ giả, một dụng cụ đặc biệt của Thiên Chúa, khiến niềm tin của chúng ta sẽ chẳng mới mẻ gì, vì đã thiếu gì người tự xưng là tiên tri của thượng đế sai đến với loài người.
Ðức tin của chúng ta thì khác. Nó mới sánh với mọi suy nghĩ và tin tưởng của loài người, vì nó khẳng định Yêsu là Con Thiên Chúa đã đến cứu loài người khiến ai tin thì được sinh lại bởi Thiên Chúa và được làm con cái Chúa. Ðó là nội dung đức tin mới.
Nó chân thật vì có nền tảng vững vàng. Ai chối bỏ được việc Ðức Yêsu Kitô đã đến? Không những Người đã đến nhờ Nước và Máu, mà có Thánh Thần làm chứng. Không những Người đã đến nhờ nước sống Yorđan khi chịu Yoan rửa, mà còn nhờ đến máu chảy ra trên Thập giá. Nhất là khi ở trên cây gỗ này, Người đã để Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn để từ nay Hội Thánh có Nước Rửa tội và có Máu Thánh Thể ban ơn tha thứ tội lỗi và sự sống thần linh mới cho loài người. Nhưng tất cả cuộc đời của Ðức Kitô từ khi nhận nước rửa ở sông Yorđan đến khi chảy máu ra trên Thập giá, cũng như tất cả các bí tích Thánh tẩy và Thánh Thể trong Hội Thánh làm cho người ta được ơn tha thứ và có sự sống mới, tất cả những điều ấy có giá trị chân thật đáng tin là vì cuối cùng có Chúa Thánh Thần đã đến làm chứng cho sự nghiệp của Ðức Kitô và sức sống của Hội Thánh. Ðức tin của chúng ta đi từ cơ sở các việc đã xảy ra trong cuộc đời của Ðức Kitô và của Hội Thánh mà đã được Thánh Thần làm chứng, nên là đức tin chân thật và vững vàng, khiến chúng ta thật là những người có phúc.
Thánh Yoan, trong đoạn thư này, nói đến cái phúc của người tín hữu là họ đã thắng được thế gian. Họ là những người tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Ðức Yêsu Kitô thì họ được sinh làm con cái Thiên Chúa. Và như vậy họ không thuộc về thế gian nữa. Họ đã được giải thoát ra khỏi ách thống trị của thế gian tức là của sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa và con người. Họ được nên giống như Ðức Yêsu Kitô giờ đây đã sống lại, không còn gì có thể cầm giữ được nữa, kể cả tử thần là kẻ thù cuối cùng của con người. Nói cách khác, tín hữu nhờ đức tin bây giờ tuy còn sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian và lệ thuộc thế gian nữa. Họ đã chiến thắng thế gian nhờ đức tin. Họ đã thuộc về Chúa và trở nên con cái Chúa.
Như vậy họ phải sống sự sống của Người, phải giữ lệnh truyền của Người, vì lệnh truyền của Người chỉ là đòi hỏi của sự sống của Người. Yoan đã định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu: Tình yêu là sự sống của Thiên Chúa; thì chính Yoan cũng nói lệnh truyền của Người là chúng ta hãy yêu mến nhau. Ðó là điều mà trong đoạn thư hôm nay Yoan đã viết: phàm ai yêu mến đấng sinh thành, tức là Thiên Chúa, tất phải yêu mến kẻ bởi Chúa mà sinh ra, tức là các con cái Thiên Chúa. Và lệnh truyền đó không nặng nề, vì như Augustinô nói: "Khi người ta yêu thì hoặc không thấy gì nặng nề, hoặc có thấy thì cũng yêu sự nặng nề ấy khiến nó không còn nặng nề nữa". Do đó nền tảng và động lực của nếp sống hiệp thông trong Hội Thánh là niềm tin và lòng mến, mà bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết đã phát xuất từ đâu.

3. Một Hội Thánh Của Chúa Sống Lại
Chúng ta biết bài Tin Mừng này đến nỗi chỉ cần nghe nhắc tới tên Tôma là chúng ta có thể thuật lại rành rẽ. Nhưng có lẽ chúng ta đã đồng hóa nội dung của nó với lòng cứng tin của Tôma, làm như thế, bài Tin Mừng hôm nay chỉ muốn nói xấu vị Tông đồ này. Không thể như vậy, vì nếu như vậy thì đoạn văn này không còn phải là Tin Mừng nữa.
Yoan đã ghi lại câu chuyện Chúa hiện ra cho các tông đồ và Tôma là để chúng ta tin và bởi tin thì chúng ta được sống, tức là được hạnh phúc. Người muốn nói đến nguồn gốc đức tin của chúng ta. Người đi sâu và đi vào trong hơn bài Thánh Thư và bài sách Công vụ.
Chẳng riêng gì Tôma, mọi môn đồ khi ấy đều chưa tin. Vì thế họ mới đóng cửa nhà, vì sợ người Dothái. Nhưng Ðức Yêsu bổng dưng đã đến đứng giữa họ, bất chấp cửa đóng then cài. Người phải ban bình an trấn tỉnh họ. Rồi Người cho họ thấy các thương tích của Người. Họ liền mừng rỡ vì thấy ngay là Thầy mình đã sống lại. Chính sự sống lại của Người khiến họ được vui mừng. Chính mầu nhiệm Phục sinh là Tin Mừng. Và Tin Mừng này, chính Ðức Yêsu đã mang đến khi hiện ra và cho họ thấy các thương tích của Người. Người thật là đấng khơi nguồn và viên thành đức tin của Hội Thánh.
Tôma là một trong các tông đồ và sẽ là một trong các cột trụ để Hội Thánh vươn lên. Ông có quyền đòi hỏi được như các bạn đồng nghiệp, và chúng ta cũng buộc Tôma phải được như vậy để đức tin của chúng ta có cơ sở vững vàng. Do đó thật là vì chúng ta mà Yoan thuật lại câu chuyện về Tôma để minh chứng rõ ràng đức tin của chúng ta bắt nguồn từ việc các Tông đồ được thấy Chúa hiện ra với thương tích của Người, hầu mọi người biết Ðấng chịu nạn đã sống lại thật. Ðó là Tin Mừng cho mọi người; vì như vậy là bằng chứng "thế gian", tức là sức mạnh thù nghịch Thiên Chúa và con người đã bị đánh bại, để từ nay ai tin vào Ðức Kitô Phục sinh sẽ chiến thắng thế gian, sẽ được ơn tha tội và có sự sống mới. Và những người như vậy sẽ tạo nên một nét mới mẻ trong đời sống xã hội con người.
Sách Công vụ hôm nay đề cao nét sống mới mẻ này khi mô tả việc hiệp thông ở trong Hội Thánh. Thư Yoan tìm hiểu động lực của hiện tượng đó nơi đức tin, và bài Tin Mừng cho thấy Ðấng khơi nguồn đức tin ấy là Ðức Yêsu sống lại đã hiện ra với các môn đồ.
Chúng ta giờ đây nhờ đức tin các tông đồ truyền cho sắp được tiếp xúc với Ðức Kitô sống lại, trong mầu nhiệm bàn thờ. Chúng ta hãy có lòng tin và lòng mến của Tôma để kêu lên: "Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi". Lòng tin và mến ấy chỉ chân thật nếu chúng ta nêu gương các tín hữu tiên khởi mà sống hiệp thông với nhau trong việc cầu nguyện, bẻ bánh, nhưng cũng phải có trong đời sống xã hội nữa. Chỉ khi đó chúng ta mới làm cho giáo xứ và giáo phận chúng ta được nên giống Hội Thánh của các Tông đồ, tức là Hội Thánh của chính Ðức Yêsu Kitô đã sống lại.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Vui mừng vì thấy Chúa

Suy Niệm
“Chúng tôi đã được thấy Chúa”
Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ.
Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, chết và chôn cất,
nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi.
Ðộng từ “thấy” được nhắc đến 6 lần trong bài Tin Mừng này.
Thấy Thầy vẫn như xưa, với những dấu đinh và vết đâm.
Nhưng Thầy cũng khác xưa, nên không dễ nhận ra ngay.
Maria Macđala cứ tưởng Thầy là người làm vườn.
Ðể thấy được Chúa phục sinh, cần có đức tin.
Ai tin mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.
“Phúc cho ai không thấy mà tin”
Chúng ta vẫn tin bao điều mình không thấy.
Các bạn trẻ vẫn tin vào tình yêu, tình bạn.
Các đôi vợ chồng vẫn tin vào sự chung thủy của nhau,
dù chẳng ai thấy rõ hết lòng dạ con người.
Tin không phải là một hành vi mù quáng, phi lý.
Tin chẳng hề làm hạ giá con người.
Trái lại, chỉ con người mới biết tin và dám tin.
Nhờ tin, tôi không còn bị giam trong thế giới chật hẹp
của cân đo đong đếm, của vật chất khả giác,
nhưng được đưa vào một thế giới phong phú hơn nhiều:
thế giới của những ngôi vị tự do, của chính Thiên Chúa.
Tin là chấp nhận bấp bênh, là có thể bị lừa.
Nhưng nếu không tin thì không thể sống được.
Vấn đề là tôi phải biết tôi đã tin vào ai.
Khủng hoảng lớn nhất là khủng hoảng niềm tin:
niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào con người.
Cả hai niềm tin nâng đỡ nhau và cho tôi hạnh phúc.
Ông Tôma không tin vào lời chứng của các bạn,
nên ông chậm tin vào việc Chúa phục sinh.
Khi Chúa giúp ông lấy lại niềm tin vào Chúa,
ông sẽ gắn bó hơn nhiều với cả tập thể.
Chúng ta là những kẻ không thấy mà tin.
Không thấy bằng mắt thường,
nhưng vẫn thấy bằng con mắt đức tin.
Tin là một cách thấy nghiêm túc.
Người tin là người thấy bằng trái tim.
Họ thấy được Ðấng Vô Hình rõ hơn cả cái hữu hình.
Kitô hữu là người tin Chúa, nên cũng là người thấy Chúa.
Thấy Thiên Chúa hiện diện như người Cha nhân từ.
Thấy Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người trên trái đất,
sống chết chỉ vì say mê Cha và say mê con người
và đã sống lại để cho cuộc đời một ý nghĩa mới.
Thấy mọi người là con cái Cha và là anh em của nhau.
Dù những điều chúng ta tin thật là mầu nhiệm,
nhưng đó không phải là chuyện mơ hồ, viễn vông.
Thế giới hôm nay chỉ tin vào những người đã thấy.
Ước gì chúng ta dám mạnh dạn tin Chúa hơn,
để có thể thấy Chúa tỏ tường hơn
và giúp người khác thấy điều mình đã thấy.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy tin
15/04/2012
Cv 4: 32-35; I Ga 5: 1-6; Ga 20: 19-31
Lm. Jude Siciliano, OP.
Học viện Đaminh chuyển ngữ

Kính thưa quí vị,
Quí vị có thực sự chê trách Tôma không? Làm sao ông có thể chấp nhận những gì mà các môn đệ khác đang nói với ông, “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa”? Ông Tôma có thể kinh nghiệm được gì khác trong cuộc đời mình qua lời các môn đệ đang xác quyết? Những điều mà các môn đệ đang nói với ông chẳng có chút ý nghĩa gì cả. Ở đây không phải là vấn đề họ thân thiết thế nào với ông trong suốt khoảng thời gian cùng đồng hành với nhau.
Khi một người mà chúng ta yêu thương và tin tưởng lại nói một điều gì đó khiến người khác nghi ngờ, thì chúng ta vẫn tin người thân của mình vì mối quan hệ mật thiết với chúng ta. Nhưng có những điều không thể tin được – ngay cả khi những người thân thiết nhất với chúng ta vẫn khăng khăng như thế. “Sự phục sinh từ cõi chết” được liệt vào đầu danh sách những điều “không thể tin được”. Chẳng có ai hy vọng Đức Giêsu sống lại – trước Người không có ai làm được như vậy nên chẳng có cơ sở gì đáng tin là Người thực hiện được điều đó – mặc dù lời tuyên bố rất khẳng khái được phát ra từ miệng các môn đệ rằng, “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa.”
Nhưng nếu Đức Giêsu thực sự trỗi dậy, thì đó chỉ là trận bóng hoàn toàn mới mà thôi. Chẳng có gì giống như trước cả. Các môn đệ của Người có lẽ đã nhìn về cuộc đời của họ và cuộc sống nói chung theo một cách hoàn toàn mới lạ. Có lẽ họ lập lại những gì mà họ nghe được từ Đức Giêsu nói trước đây, những điều đó thoạt đầu các môn đệ cảm thấy khó nghe và vô lý, thì nay họ nghe lại với đôi tai mới và cách hiểu mới. Chẳng hạn như: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất… Kẻ rốt hết sẽ lên hàng đầu, người trước hết sẽ… Nếu hạt lúa không gieo vào lòng đất và chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt… Đi bán tất cả những gì anh có và đem chia cho những người nghèo rồi đến đây theo tôi…”
Với lối nhìn của thế gian những lời dạy như thế quả là ngây ngô và không thể nào thực hiện được. Nhưng nếu các môn đệ của Đức Giêsu nói đúng và họ đã “nhìn thấy Chúa thật,” thì mọi người và mọi vật phải được nhìn thấy qua lăng kính của sự phục sinh. Cuộc đời mà Đức Giêsu đã sống và mời gọi các môn đệ đi theo thì bây giờ có thể thực hiện được – nếu Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, đúng như lời các môn đệ loan báo cho ông Tôma.
Trình thuật về sự hiện ra sau phục sinh của Gioan (và Luca) có chi tiết hơn của Máccô và Mátthêu. Thánh Gioan viết cho những thế hệ muộn hơn, như chúng ta, là những người không chứng kiến. Thánh Gioan viết cho những người muốn nói rằng, “Tôi ao ước được có mặt ở đó thì dễ tin hơn nhiều.” Ông Tôma là một người phát ngôn giỏi cho những lưu truyền của chúng ta, ông đã đưa nói thay cho những ngờ vực của chúng ta. Vì Tôma nói ra những lời lẽ hết sức nghi ngờ, “Nếu tôi không thấy dấu đinh…,” nên lời tuyên bố về niềm tin của ông đã thuyết phục chúng ta hơn. Những anh chị em chính thống của chúng ta đã tạo cho mình một cảm nghiệm rất riêng và thậm chí rất cảm động đối với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Chúng ta không theo truyền thống đó. Nhưng trong những tuần này, các câu chuyện phục sinh của chúng ta vẫn dẫn dắt mọi người đến trải nghiệm rất riêng về Chúa Kitô với cách thức khác nhau. Vài người gặp Chúa Kitô như một người họ nghĩ là xa lạ - Maria Mađalêna trong khu vườn, hai môn đệ trên đường về Emmaus. Số khác được sức dầu bởi Thánh Thần của Người và họ gặp Đức Kitô khi cầu nguyện với nhau. Phêrô và Gioan có kinh nghiệm về quyền năng của Đức Kitô ở với họ khi chữa lành người hành khất tàn tật khi họ vào Đền thờ (Cv 3, 1-10).
Ông Tôma, người đa nghi, cuối cùng đến đối diện với Đức Kitô và thực hiện một hành động lớn lao trong niềm tin, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Ông Tôma đã đi từ hoài nghi đến xác tín. Nhờ thuyết hoài nghi của Tôma mà chúng ta biết được rằng Đức Kitô không chỉ đơn thuần là hồn ma đi thăm lại chốn quen. Nhưng những vết thương của Người là thực, lỗ đinh nơi người có thể đụng chạm được. Qua đó, Đức Giêsu mời gọi ông Tôma và cả chúng ta hãy vượt lên trên việc tìm kiếm chứng có thể đụng chạm được để “Tin”, dù không nhìn thấy.
Trong những cách thức khác, mỗi người chúng ta đến để có kinh nghiệm về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Trong khi hầu hết chúng ta được rửa tội khi còn bé và niềm tin của chúng ta ngay từ đầu được xây dựng trên những lời tuyên xưng của người khác, chúng ta có thể tự chất vấn với chính mình rằng “Chúng ta đã nhìn thấy và đụng chạm Chúa phục sinh theo cách riêng của mình như thế nào?”
Đối với một số người, chúng ta gặp Đức Kitô qua Bí tích Hòa giải, ở đó chúng ta nghe những lời tha thứ và bảo đảm nhận được cùng một sự chữa lành mà các môn đệ đã trải nghiệm khi Chúa Giêsu xuất hiện ở giữa họ và nói, “Bình an cho anh em”. Chúng ta cũng cảm nghiệm sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể qua việc bẻ bánh, như hai môn đệ trên đường Emmaus đã trải qua. Những ai được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh đều nói rằng họ đã cảm nhận, nhìn thấy và đụng chạm đến Chúa Kitô phục sinh nơi những người dạy giáo lý và đỡ đầu cho họ, những người đồng hành với họ trong hành trình đức tin.
Có lẽ chúng ta đã gặp Chúa Kitô nơi một người đang hấp hối dù họ đón nhận niềm khi sự chết gần kề. Hoặc là chúng ta đã đi qua một giai đoạn mất mát và thất bại nào đó, và rồi nhận ra thấp thoáng hình ảnh của một sự sống mới đang mở ra trước mắt chúng ta. Tình yêu của người khác dành cho chúng ta nhiều khi là những cảm nhận cụ thể khiến chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết dường nào – nói cách khác, trong nhiều trường hợp, chúng ta đã nhìn thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa.
Ngày nay tôi mong muốn sống trong Giáo hội lý tưởng như là bức tranh mà thánh Luca đã vẽ về Giáo hội thời sơ khai trong bài đọc Công vụ Tông đồ hôm nay. Ngài mô tả các Kitô hữu đều “một lòng một ý.” Ngài nói rằng họ là một Giáo hội nơi đó không có ai túng thiếu và mọi người đều chia sẻ của cải mình có, giống như một gia đình hoàn hảo. Nghe như là gia đình Ozzie và Harriet kỳ cựu trước đây được trình chiếu trên truyền hình. Không còn hận thù cá nhân, chẳng khác biệt tôn giáo hoặc tranh chấp, cũng không có phân biệt giáo dân hay giáo sĩ, không còn bất lương, cũng không tranh cãi về phụng vụ hay chủ nghĩa cá nhân,… Thánh Luca như đang mô tả về các thụ tạo từ một hành tinh khác vậy! Chứ không phải tả về Giáo hội mà chúng ta đang sống.
Quí vị đã hiểu là thánh Luca muốn đang lý tưởng hóa cộng đồng Kitô giáo tiên khởi vì trong chương kế tiếp (5,l-11) có hai thành viên của Giáo hội, Ananiô và Sapphira, họ nói dối và lừa gạt, đang sắp đặt những chương trình giả trá từ việc bán của cải trước mặt các Tông đồ. Họ đã chết vì việc làm sai trái này. Vì thế, qua cách kể chuyện của mình, thánh Luca muốn giới thiệu đôi nét về thực trạng trong Giáo hội sơ khai. Và chúng ta trả lời rằng, “Bây giờ thực trạng đó còn hơn thế nữa!”
Cũng vậy, thánh Luca dường như đang trình bày với chúng ta một lý tưởng. Không cộng đoàn giáo xứ hay tôn giáo nào, mà cũng chẳng chẳng phải vấn đề những thành viên cảm thấy mình tốt ra sao, về các việc làm phụng vụ và những việc đạo đức của họ, lại là nội dung mà thánh Luca nói về Giáo hội. Ngài ra như mô tả về những gì mà chúng ta sẽ thấy, chẳng hạn cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu sống động nhờ Thần Khí của Người. Khi lắng nghe mô tả của ngài về cộng đoàn Kitô hữu ấy, chúng ta chỉ có thể nói với chính mình rằng “Chúng ta có nhiều chỗ cần cải thiện”.
Có những giai đoạn chúng ta rất tự hào về giáo xứ của mính. Chúng ta dường như đã phản chiếu rất tốt hình ảnh về Đức Giêsu. Nhưng lại có những thời gian, chúng ta biết rằng mình còn một con đường dài để đi. Ý thức về những thiếu xót của mình, chúng ta chuẩn bị cho ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa chúng ta lại cầu nguyện cho Giáo hội, “Xin Chúa Thánh Thần ngự đến, giúp chúng con dễ dàng nhận ra một cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu Kitô. Giúp chúng con tha thứ cho nhau, quan tâm đến những nhu cầu của nhau và đồng tâm nhất trí vui mừng cử hành các phụng vụ ngợi ca và chúc tụng”.





ĐỨC TIN
Năm B – 15-04-2012
Tin Mừng: Ga 20, 19-31

Ông bà ta có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”, hay “Thấy mới tin”. Thật vậy, những gì có thể kiểm chứng bằng giác quan thì chúng ta sẽ tin và tin cách dễ dàng. Nhưng những gì không thể kiểm chứng bằng giác quan thì chúng ta không tin; hoặc giả như có tin, thì cũng chỉ tin là tin “vừa phải”, hay bán tín bán nghi.
Vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thánh Tôma không những không tin vào lời các tông đồ khác, mà còn đòi được kiểm chứng Đức Giêsu phục sinh: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
Như chúng ta biết, trong năm giác quan, thị giác và xúc giác là hai giác quan quan trọng nhất để giúp ta nhận biết một người hay một sự vật. Do đó, nếu Đức Giêsu đã thực sự sống lại, thì thánh Tôma đòi hỏi phải thấy  sờ để chắc chắn đó là chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá.
Vậy, đòi hỏi của thánh Tôma là một đòi hỏi chính đáng, một đòi hỏi trong đức tin và chân lý. Vì thế, tám ngày sau, Đức Giêsu hiện đến và nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”.Rồi Người vừa trách khéo vừa mời gọi và khích lệ ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Trước sự hiện diện của Đức Giêsu phục sinh, thánh Tôma vỡ òa niềm vui, và trong đức tin được kiện toàn, ngài reo lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Vì thế, Đức Giêsu âu yếm nhìn Tôma và nói: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.
Như thế, Đức Giêsu đã cho Tôma biết rằng phép lạ, tuy là cần thiết, nhưng không phải là tất cả, không phải là tuyệt đối; và nhiều khi, đó chỉ là phần thưởng cho những người đã tin. Một đức tin kiện cường, đúng nghĩa thì không cần đến phép lạ: “Phúc cho những người không thấy mà tin!”.
Vậy, qua thánh Tôma, Đức Giêsu nói với chúng ta là tất cả những người tin, rằng: đức tin không dựa trên những kinh nghiệm cụ thể về Đức Giêsu phục sinh hiện ra, hay việc thấy phép lạ, nhưng dựa trên lời chứng của các tông đồ là những người đã thấy. Và vì vậy, qua lời chứng của các tông đồ, “phúc cho những người không thấy mà tin!”.
Nhìn lại cuộc đời, chúng ta không khỏi giật mình khi thấy đức tin chúng ta còn yếu kém và thực dụng quá. Vậy nhờ lời chuyển cầu của thánh Tôma, chúng ta hãy xin Chúa Kitô Phục Sinh kiện toàn lòng tin cho chúng ta, để giữa trăm chiều thử thách của cuộc đời, chúng ta được kiên vững, được giữ mãi niềm tin sắt son; nhờ đó, chúng ta được trở nên những người đáng hưởng phần phúc Chúa Kitô phục sinh trao tặng; hầu qua đó, chúng ta được trở nên những chứng nhân trung thành của Chúa Kitô phục sinh giữa lòng thế giới hôm nay.
Gợi ý chia sẻ
1. Anh chị cảm nghiệm thế nào về sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh trong cuộc đời mình?
2. Là đoàn viên Đa Minh, anh chị áp dụng bài Tin Mừng hôm nay vào cuộc sống cụ thể của mình như thế nào?
Học viện Đa Minh
(CSTMHĐGDĐM tháng 4.2012
Phúc thay những người không thấy mà tin! (Ga 20,29)
Suy niệm: 
“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
Với Tôma, ông chỉ còn chờ thập giá mà thôi. Khi Chúa Giêsu đề nghị đến Bêtania lúc được tin Ladarô bị bệnh, Tôma phản ứng : "Chúng ta hãy tới đó để cùng chết với Ngài". Tôma không thiếu can đảm, nhưng ông có tính bi quan. Không ai nghi ngờ việc Tôma rất yêu Chúa Giêsu. Ông yêu Ngài đủ để sẵn sàng cùng đi với Ngài lên Giêrusalem, sẵn sàng để chết trong khi các môn đệ khác phân vân, sợ hãi. Điều mà Tôma chờ đợi đã xảy ra, và khi việc xảy ra như ông chờ đợi thì lòng ông vẫn đau đớn vô cùng. Ông đau đớn đến độ không muốn nhìn mặt ai nữa, ông ở riêng với niềm đau của mình.
Tôma phải đối diện với nỗi đau buồn của ông trong cô đơn. Vì thế, khi Chúa Giêsu trở lại với các môn đệ thì ông không có mặt. Với ông, tin báo Chúa Giêsu đã sống lại là một tin dường như quá tốt lành đến độ không thể có thật, vì thế ông đã không chịu tin. Với tâm trạng phân vân do bản tính bi quan, ông tuyên bố chẳng bao giờ ông tin Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết cho đến khi thấy tận mắt, đặt ngón tay ông trên dấu đinh trên tay Chúa và đặt bàn tay ông vào chỗ mũi giáo đã đâm nơi hông Ngài (Kinh Thánh không chép gì về các vết thương nơi bàn chân Chúa Giêsu , vì trong hình phạt đóng đinh vào thập giá, đôi chân không bị đóng đinh, chỉ cột hờ vào đó mà thôi).
Thêm một tuần lễ trôi qua, lần này thì Tôma có mặt với các môn đệ khác. Chúa Giêsu biết rõ tấm lòng của Tôma. Ngài lặp lại lời ông và mời ông tự làm cuộc trắc nghiệm mà ông từng đòi hỏi. Bấy giờ, lòng Tôma tuôn tràn ra tình yêu thương và lòng tôn thờ, ông chỉ có thể thốt lên: "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi". Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma ơi, ngươi cần thấy tận mắt rồi mới chịu tin, nhưng sẽ có lúc người ta chỉ thấy bằng đôi mắt của đức tin và tin nhận". Tôma muốn thấy rồi mới tin nhưng Chúa Giêsu lại muốn ông hãy tin rồi ông sẽ được thấy. Trong câu truyện này tâm tánh của Tôma đã bộc lộ rõ ràng trước mắt chúng ta:
Tôma đã phạm một lỗi lầm. Ông đã rút lui khỏi các buổi họp mặt hiệp thông của các môn đệ. Ông tìm sự cô đơn hơn là họp nhau lại. Và vì không có mặt với các bạn nên ông mất cơ hội gặp Chúa Giêsu lúc Ngài đến lần thứ nhất. Chúng ta sẽ mất mát nhiều nếu tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với các Kitô hữu khác để tìm cách sống cô đơn. Nhiều điều có thể xảy đến khi chúng ta cùng nhóm họp hiệp thông với nhau trong Giáo Hội Chúa nhưng sẽ không xảy ra nếu chúng ta sống cô đơn. Khi gặp cảnh đau buồn, chúng ta thường có khuynh hướng muốn đóng cửa lại nhốt mình riêng một nơi, không muốn gặp ai cả. Nhưng chính những lúc như thế, mặc dầu đau buồn, chúng ta nên tìm thông hiệp với các môn đệ khác, vì trong sự thông hiệp đó chúng ta có cơ may gặp Chúa mặt đối mặt nhiều hơn cả.
Nhưng Tôma có hai đức tính lớn. Ông nhất định không chịu nói là mình tin khi ông không tin, không bao giờ nói là mình hiểu trong khi ông không hiểu. Ông có thái độ thành thật bất khả khoan nhượng. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ của mình xuống bằng cách làm như mình không hề nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người không chịu thông qua bài tín điều khi chưa hiểu nó dạy gì. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng. Một người đòi hỏi cho chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến, không thật sự tin tưởng. Chính sự hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến chỗ tin chắc.
Đức tính kia của Tôma là khi đã biết chắc chắn, ông sẽ đi cho đến cùng. Ông nói: "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi". Với Tôma không có vị trí lưng chừng. Ông không làm bộ hoài nghi chỉ nhằm chơi trò xiếc tinh thần, ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn tuân phục. Khi một người chiến đấu với những nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin tưởng, xác quyết Giêsu là Chúa, người ấy đã đạt được sự chắc chắn mà những người dễ chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt được.
Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi, vâng lời như Tôma vẫn tốt hơn cái gật đầu dễ dàng đồng ý nhận làm việc gì đó mà không cân nhắc, để rồi sau đó rút lại điều mình đã hứa.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống đến cùng công cuộc Vượt Qua của Chúa: Vượt qua đau khổ sự chết để được vào vinh quang sống lại. Xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm Vượt Qua mỗi ngày: Vượt qua những ích kỷ, nhỏ nhen và những đam mê đang kéo ghì chúng con xuống bùn đen tội lỗi, vượt qua những nỗi sợ hãi khổ đau và nhục nhã. Vượt qua những nỗi khắc khoải đa nghi và những thành kiến về người khác.
Lạy Chúa, Chính sự phục sinh của Chúa sẽ động viên chúng con vui mừng và can đảm vượt qua những mất mát thua thiệt gặp phải trong cuộc sống. Ước gì chúng con biết noi gương Chúa, luôn gieo rắc sự bình an và hy vọng khắp nơi, gieo rắc niềm an ủi cho những người bệnh hoạn tật nguyền, gieo tình thương và cơm bánh cho những người cô đơn đói khát. Nhờ đó, thế giới này sẽ sớm vượt qua để trở nên một Trời Mới Đất Mới, đầy tình thương, bình an và hạnh phúc như lòng Chúa mong muốn.

15/04/12 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – B
Kính Lòng Chúa Thương Xót
Ga
20,19-31
VÌ TIN NÊN THẤY

Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,28-29)

Suy niệm: Ta hay nói: cứng lòng tin như Tôma. Thật là oan cho ông Tôma! Bởi vì các tông đồ khác cũng chẳng hơn gì: Các ông cũng được xem tay và cạnh sườn Chúa (x. Ga 20,20) mà có ông còn sợ tưởng mình thấy ma (x. Lc 24,37). Trái lại, phải cám ơn Tôma, vì nhờ ông mà ta hiểu rằng tin vào Đức Kitô phục sinh không phải là điều dễ dàng chút nào. Ít ra cũng có người tỉnh táo như ông: đòi mắt phải thấy, tay phải đụng chạm vào các lỗ đinh của Đức Giêsu thì mới chịu tin. Nhờ đó, ta thấy niềm tin vào sự kiện Chúa phục sinh là có cơ sở, đáng tin cậy bởi vì chính cá nhân ông đã kiểm chứng. Thế mà niềm tin của ta lại dựa vào những chứng nhân như ông.

Mời Bạn củng cố niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, niềm tin quan trọng nhất của cuộc đời người Kitô hữu. Tôma đòi thấy mới tin, còn bạn, vì tin nên thấy: vì tin Đức Giêsu phục sinh nên thấy Người đang sống giữa nhân loại, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, đang hiện thân nơi những người anh em, chị em chung quanh.

Sống Lời Chúa: 1. Ý thức Chúa Kitô phục sinh đang sống với tôi, đang yêu mến nhìn tôi và giúp tôi sống Tin mừng Phục sinh trong đời thường của mình. 2. Mỗi ngày làm một nghĩa cử bác ái như một hành động loan báo Tin Mừng Phục sinh cho một người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nói với chúng con: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con tin, dù không thấy Chúa, và vì tin, nên nhìn thấy Chúa đang hiện diện, đang thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.

Chủ Nhật II Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts 4:32-35; I Jn 5:1-6; Jn 20:19-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hậu quả của niềm tin vào Chúa sống lại.

            Tin thế nào sống thế ấy: Nếu không tin vào sự sống lại, con người sẽ chỉ biết sống theo những giá trị đời này; nhưng nếu tin vào sự sống lại của Đức Kitô, con người sẽ sống theo những giá trị mà Ngài răn dạy. Niềm tin vào sự sống lại không những giúp con người vượt qua những đau khổ của cuộc sống, mà còn biết giúp con người biết tuân giữ những gì Chúa dạy.
            Các Bài Đọc hôm nay cho thấy sự quan trọng của niềm tin vào sự sống lại của Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, niềm tin vào Chúa phục sinh giúp các tín hữu đầu tiên biết yêu thương nhau; họ bỏ mọi sự làm của chung, để không ai phải thiếu thốn gì cả. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Gioan I, xác nhận: Ai yêu mến Thiên Chúa, cũng yêu mến Đức Kitô, Con Thiên Chúa; và nếu ai yêu mến Thiên Chúa, cũng thắng thế gian, vì thế gian từ chối không nhận biết Ngài. Trong Phúc Âm, tác giả tường thuật hai lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ: Lần đầu không có sự hiện diện của Thomas, Chúa ban bình an và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Lần thứ hai, Chúa hiện đến với các tông đồ và có sự hiện diện của Thomas. Ngài thách thức ông hãy xỏ ngón tay ông vào các lỗ đinh đóng của Ngài, để ông tin Chúa vẫn sống.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sức mạnh của niềm tin vào Chúa sống lại
            1.1/ Các tín hữu bỏ mọi sự làm của chung: Chủ nghĩa cộng sản mơ ước có được một mô hình lý tưởng này; nhưng họ đã thất vọng ê chề, vì con người có thói quen vơ vét. Họ dám lấy ngay cả của chung để làm của riêng. Mấy chục năm qua, người cộng sản chẳng những đã không thực hiện được mơ ước “thiên đàng trần gian;” mà còn làm cho những bất công xã hội ra nặng nề hơn.
            Trình thuật của Sách TĐCV đề cập tới mô hình lý tưởng của cộng đòan các tín hữu đầu tiên: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” Để làm được điều này, các tín hữu phải có niềm tin vững mạnh nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và nhất là niềm tin vào Đức Kitô sống lại. Nếu Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự, tại sao phải lo lắng đến ngày mai? Nếu Đức Kitô đã chinh phục sự chết, còn uy quyền nào lớn hơn uy quyền của Thiên Chúa? Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
            1.2/ Mọi người đều có đủ dùng: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” Lý do chính giúp các tín hữu đầu tiên có thể làm được chuyện này là niềm tin vào sự sống lại. Truyền thống Do-thái tin hạnh phúc có được là chỉ ở đời này. Gần thời của Chúa, niềm tin vào đời sau bắt đầu được đề cập đến, nhưng chưa rõ ràng lắm (Sách Daniel và Macabbees). Khi Chúa Giêsu đến, Ngài làm sáng tỏ quan niệm này bằng dạy dỗ (Jn 6:39-40) và chứng minh bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài. Nếu các tín hữu tin có sự sống lại, họ sẽ không quyến luyến quá nhiều vào của cải vật chất nữa, nhưng biết sống làm sao để đạt hạnh phúc đời sau.
            Trong xã hội con người, bất công xã hội thường xảy ra: Người giầu có, có quá nhiều, đến chỗ dư thừa; người nghèo khó, thiếu quá nhiều, đến nỗi hóa bần cùng. Cả hai hạng người đều có lý do để biện minh cho mình. Người giầu đưa lý do: tôi làm ăn lương thiện, không ăn cắp của ai, và xứng đáng được hưởng những gì do tay tôi làm ra. Người nghèo trả lời: “Ở đời muôn sự của chung.” Tất cả là của Thiên Chúa ban cho con người, và mọi người đều là con cái Thiên Chúa. Con người không phải là chủ nhân, nhưng chỉ là quản lý của những của cải. Chúng tôi nghèo, không phải vì chúng tôi lười biếng, nhưng vì không có cơ hội để làm ăn. Hãy cho chúng tôi cơ hội, chưa chắc chúng tôi đã túng nghèo như vậy. Thực ra, để giải quyết bất công xã hội và cho mọi người có cơ hội đồng đều, Thiên Chúa đã thiết lập năm Jubilee, xảy ra mỗi 50 năm (x/c Lev 25). Trong năm này, mọi ruộng đất tài sản phải được trả về cho chủ nhân cũ, vì quá túng nghèo mà phải bán đi. Mục đích của năm này là để mọi người đều có cơ hội làm lại cuộc đời.

2/ Bài đọc II: Yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.
            2.1/ Ai yêu mến Thiên Chúa, cũng yêu mến Đức Kitô: Có một sự hợp lý tòan vẹn trong đạo lý của Đức Kitô: Ai yêu Thiên Chúa, người đó cũng phải yêu những kẻ được Đấng ấy sinh ra, các con Thiên Chúa; cách riêng: Đức Giêsu Kitô. Vì thế, khi người nào nói mình yêu Thiên Chúa, người ấy cũng phải yêu Đức Kitô và tha nhân. Chúa Giêsu đã từng tranh luận với người Do-thái về điểm này khi Ngài nói: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Jn 8:42).
            Yêu Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng phải biểu tỏ bằng việc làm. Thánh Gioan khuyên nhủ các tín hữu: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu.”
            2.2/ Ai tin vào Đức Kitô là thắng thế gian: Để hiểu điều này, chúng ta cần phải phân biệt các ý nghĩa khác nhau khi Gioan nói về thế gian (ko,smoj): (1) thế gian là trái đất, nơi con người sinh sống; (2) tất cả con người, nhất là những người chống lại Thiên Chúa; (3) cách sống hay tiêu chuẩn giá trị của thế gian, nhất là những tiêu chuẩn đối nghịch với Thiên Chúa; và (4) đồ trang sức (1 Pe 3.3). Theo văn mạch, tác giả có lẽ ám chỉ theo nghĩa (3) của thế gian ở đây: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.” Những người chống Thiên Chúa là những người không tin Đức Kitô được Thiên Chúa sai đến, hay những người chỉ tin vào thiên tính, hay vào nhân tính của Người. Hơn nữa, Gioan còn nhấn mạnh: “Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.”

3/ Phúc Âm: Phúc thay những người không thấy mà tin.
            3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, lúc không có Thomas.
            (1) Bình an của Chúa Giêsu: Sự lo lắng và sợ sệt làm con người bất an, như trình thuật kể tâm trạng của các tông đồ vào những ngày sau khi Chúa chết: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái.” Đang khi các ông hoảng hốt lo sợ như thế, Đức Giêsu biết rõ các ông cần điều gì nhất. Ngài đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.”
            Bình an các ông có được là nhờ tin Đức Kitô sống lại. Các ông tưởng sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Ngài nữa, và còn đang bị khủng hoảng bởi những việc mới xảy ra; nhưng giờ đây các ông vui mừng vì được thấy Ngài bằng xương bằng thịt. Hơn nữa, Ngài còn chứng minh cho các ông biết tất cả những gì Ngài đã nói với các ông là sự thật, tất cả những gì Ngài tiên báo về Cuộc Khổ Nạn của Ngài đều hiện thực. Sự hiện diện của Đức Kitô mang lại cho các ông sự bình an đích thực trong tâm hồn, vì Ngài bảo đảm cho các ông uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ qua Đức Kitô.     
            (2) Lệnh được sai đi: Khi Đức Kitô chọn các tông đồ, Ngài muốn các ông tiếp tục thi hành sứ vụ Ngài đã khởi sự; nên Người lại nói với các ông: “"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."” Sự bình an các tông đồ có được, không phải chỉ do sự hiện diện của Đức Kitô, nhưng còn do sự hiện diện và quyền năng của Thánh Thần, mà Đức Kitô đã thổi hơi vào các tông đồ. Với sự bình an và quyền năng của Thánh Thần, Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trước đây, sự lo lắng và sợ hãi làm cho các ông không dám sống và làm chứng cho sự thật; nhưng giờ đây, sau khi đã cảm nhận được sự bình an qua niềm tin vào Chúa sống lại và sức mạnh của Thánh Thần; các tông đồ mở tung cửa đi vào thế giới và làm chứng cho Đức Kitô. Các ông biết nếu Đức Kitô đã chinh phục kẻ thù ghê gớm nhất là sự chết, còn gì phải sợ nữa.
            3.2/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, có cả Thomas.
            (1) Sự cứng lòng của Thomas: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Thomas, cũng gọi là Didymus, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Thomas đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."        Chúng ta đừng vội trách Thomas, vì các tông đồ khác cũng từng cứng lòng như ông khi họ chưa nhìn thấy Chúa. Tuy nhiên, cách thức “khi nhìn thấy mới tin” chỉ là một trong nhiều cách thức con người dùng để tin một điều là sự thật.
            (2) Phản ứng của Thomas khi nhìn thấy Chúa: "Tám ngày sau, các môn đệ của Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."
                Ông Thomas thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. " Lời thưa của Thomas không đơn thuần chỉ là niềm tin vào Chúa sống lại; nhưng là lời tuyên xưng Đức Kitô là Thầy và là Thiên Chúa của ông. Tin khi đã thấy là cách thức thấp nhất con người dùng khi muốn tin điều gì là thật; nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến những cách thức cao hơn, khi Ngài nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” Con người có thể tin Thiên Chúa qua các việc Ngài làm trong vũ trụ, hay qua Kinh Thánh, hay qua lời chứng của các chứng nhân. Lề Luật Do-thái chỉ đòi lời của 2 chứng nhân có thế giá. Chúng ta đã có hàng triệu chứng nhân đã làm chứng cho sự phục sinh của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
            - Tin thế nào, sống như vậy. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô, hãy sống những gì Ngài dạy; đừng sống như những người chỉ tin vào cuộc sống đời này.
            - Niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô phải giúp chúng ta vượt qua những lo lắng, buồn phiền, và sợ sệt của cuộc sống. Nếu một Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài, còn gì quí giá hơn có thể ban mà Ngài từ chối không ban cho chúng ta. Nếu một Thiên Chúa uy quyền đến độ chinh phục được kẻ thù ghê gớm nhất của con người là sự chết, chúng ta còn phải sợ hãi gì nữa?
            - Hãy đặt niềm tin hoàn toàn nơi Thiên Chúa, chúng ta mới có được sự bình an đích thực của Ngài. Sự bình an này sẽ giúp chúng ta biết sống và làm chứng cho Đức Kitô phục sinh.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, CUỐI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH;   Cv 4, 32-35; 1Ga 5, 1-6; Ga: 20, 19-31.
LỜI SUY NIỆM: “Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người (Ga 20,31)
          Khi chúng ta cầm đến Sách Phúc Âm, chúng ta phải có tâm tình tôn kính yêu mến và tin là: chúng ta đang đàm đạo với Chúa Giêsu dưới sự khai sáng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá ra khuôn mặt Tình Yêu.
          Chính nhờ những lúc gần gũi và đàm đạo này giúp cho chúng ta gắn bó trong tình yêu với Ngài và giúp cho cuộc sống của bản thân mình càng ngày càng thăng tiến trong thờ phượng, trong cầu nguyện, trong tạ ơn và trong mọi công việc phục vụ tha nhân.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
15 Tháng Tư
Hoàng Tử Tí Hon

Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Hoàng tử tí hon', văn hào Pháp Saint Exupery cókể lại chuyện như sau: Máy bay trục trặc, ông đã phải đáp xuống giữa sa mạc Sahara. Sáng hôm sau, khi thức dậy, ông thấy có một cậu bé luẩn quẩn bên cạnh mình. Cậu bé cứ nài nỉ ông vẽ cho cậu một con cừu.
Viên phi công đành phải chiều theo ý của cậu bé. Nhưng con cừu đầu tiên ông vẽ được lại là một con cừu già nua. Không vừa ý, ông lại tiếp tục vẽ. Nhưng kết quả chỉ là một con cừu bệnh hoạn. Không biết cách nào làm vừa lòng cậu bé, ông mới vẽ một cái họp với nhiều lỗ xung quanh và nói với cậu: "Con cừu đang ở trong cái hộp này bé ạ".
Viên phi công ngạc nhiên vô cùng, bởi vì ông vừa giait thích thìcậu đã reo lên: "Ðây chính là điều mà cháu đang chờ đợi... Xem kìa, con cừu đang ngủ". Nhờ một cái hộp như thế, cậu bé tha hồ tưởng tượng theo ý thích của nó. Nó còn tin rằng cái hộp này quả thực là hữu ích vì con cừu mà nó chưa bao giờ thấy vẫn có nơi trú ngụ.
Trong cuộc sống của chúng ta, có lẽ cũng có nhiều điều tương tự xảya như thế. ngay trong Giáo Hội của chúng ta, cũng xảy ra nhiều điều như thế.
Có lẽ lắm khi chúng ta cũng xin Chúa Giêsu hãy vẽ cho chúng ta một Giáo Hội, và Ngài đã chiều theo ý của chúng ta. Ngài đã vẽ cho chúng ta một Giáo Hội. Ngài đã để lại cho chúng ta nhiều yếu tố về Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội ấy chẳng khác nào một bức tranh mà các màu sắc được phân tán rải rác khắp nơi... Nơi đây, ngài bảo rằng Giáo Hội của Ngài là Ánh Sáng muôn dân. Nơi khác nữa, ngài lại loan báo rằng Giáo Hội đó như một cây vĩ đại có thể dùng làm chỗ cho chim trời đến đậu.
Dĩ nhiên ai trong chúng ta ai cũng biết rằng Giáo Hội không phải là Ðức Giáo Hoàng, Giáo Hội không phải là tòa thánh Vatican. Giáo Hội lại càng không phải là một vị giám mục hay các linh mục... Giáo Hội của Ðức Kitô là một thực tại gồm những con người, nhưng lại vượt lên trên những con người.
Bổn phận của mỗi người Kitô chính là vẽ lại khuôn mặt của Giáo Hội. Giáo Hội đó có thực sự là Giáo Hội của Ðức Kitô hay không, Giáo Hội đó có thực sự là Giáo Hội của người nghèo hay không là tùy thuộc ở những nét điểm tô mà chúng ta dành cho Giáo Hội.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++

Lòng Chúa Thương Xót của Chúa Kitô Phục Sinh
Chúa Nhật II Phục Sinh 

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Trang Vietcatholic.net, ngày 10.4 vừa qua, có đăng mẫu tin nhan đề: “Trên đài truyền hình quốc gia, Hugo Chavéz khóc lóc xin Chúa tha tội”. Đây là một chuyện lạ. Chuyện lạ, vì theo bản tin, tổng thống Hugo Chavéz đeo một chuỗi tràng hạt như một người Công Giáo mộ đạo, và đứng trên bục giảng vừa khóc, vừa nói trước mặt các linh mục đồng tế trong Thánh lễ và anh chị em giáo dân những lời như sau: "Lạy Chúa xin cho con cuộc sống, thậm chí là một cuộc sống bị thiêu đốt, hoặc đau đớn đi nữa cũng không quan trọng [miễn còn sống là được]". "Lạy Chúa Kitô, cứ trao cho con mão gai của Ngài... đưa nó cho con, con sẽ mang lên dù chảy máu... xin cho con thánh giá của Chúa, một trăm thánh giá đi nữa con cũng chịu vác, nhưng xin cho con cuộc sống bởi vì còn có nhiều thứ con chưa làm xong... đừng bắt con đi bây giờ."

Căn bệnh ung thư giai đoạn 3 mà ông đang mang phải chăng cũng chính là “lòng thương xót” mà Đức Kitô muốn gởi trao cho ông để ông biết trân quý hồng ân sự sống, điều mà trước đây ông đã từng coi rẻ (ông là vị tổng thống độc tài, từng cổ vũ cho việc phá thai). Căn bệnh ung thư cũng là cơ hội để ông tìm về với lòng thương xót Chúa để được thứ tha, để được chữa lành. Vì cũng trong quá khứ, ông đã từng là người “nhiệt thành” công khai lên án Giáo Hội, cũng như đả kích và lăng mạ hàng Giám mục Vênêzuela. 

Lời thú tội và van xin sự tha thứ trên đây của tổng thống Hugo Chavéz có thể nói là một chứng từ làm sáng lên sứ điệp của lòng thương xót của Chúa trong Chúa Nhật II Phục Sinh hôm nay. Đọc lại trình thuật Tin Mừng của thánh Gioan, ta thấy lòng thương xót của Đức Kitô Phục Sinh được thể hiện qua 3 nét chấm phá sau đây. 

- Thứ nhất, là thể hiện qua việc hiện ra nhiều lần nhằm củng cố niềm tin và trao ban bình an cho các môn đệ.

Thấu hiểu tâm trạng thất vọng não nề của các môn sinh sau biến cố đau thương chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, và cũng thấu hiểu nỗi lòng của họ, nỗi lòng hoang mang, rối bời như mớ canh hẹ sau cái tin “xác của Thầy bị tay trộm nào đó cuỗm mất”, Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra với họ nhiều lần để trấn an, để khích lệ và để củng cố niềm tin, niềm hy vọng cho họ. Củng cố bằng việc trao ban bình an cho họ, thứ mà họ đang cần hơn bao giờ hết. Rồi Ngài cho họ xem tay chân và cạnh sườn của Ngài, đồng thời ăn uống trước mặt họ, để chứng tỏ Ngài đang hiện diện bằng xương bằng thịt chứ không phải là bóng ma. Ngài còn mở trí mở lòng cho họ hiểu Kinh Thánh và hiểu toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa. 

Rõ ràng ở đây ta bắt gặp một Đức Kitô Phục Sinh rất ân cần, rất trìu mến đối với các môn sinh của mình, tựa như gà mẹ qui tụ ấp ủ đàn con. Được gặp lại Đức Kitô Phục Sinh và được Ngài khích lệ động viên, con tim của các ngài đã “vui trở lại”, niềm tin của các ngài đã vững vàng hơn lên và nhất là các ngài đã cảm thấy được bình an thực sự, bình an của ơn cứu độ vĩnh hằng. Đây là những yếu tố chuẩn bị cho một cuộc lên đường trong nay mai đây thôi. Lên đường để cao rao, để loan truyền Tin Mừng Phục Sinh cho mọi nước mọi dân.

- Thứ hai là thể hiện qua việc nhẹ nhàng, tế nhị với Tôma.

Nhiều người khi đọc trình thuật Phục Sinh thường có thái độ trách móc Tôma: nào là cứng lòng, nào là chậm tin, nào là đa nghi đa ngờ… Thực sự, đối với Đức Kitô Phục Sinh, Tôma là người đáng thương hơn là đáng trách, đáng xót hơn là đáng mắng. Quả vậy, Đức Giêsu biết rất rõ tâm trạng của Tôma, một Tông Đồ vốn có rất nhiều tham vọng. Chính vì có nhiều tham vọng nên khi thấy Thầy mình chết một cách “vô duyên”, “vô tích sự”, Tôma đã hoá tuyệt vọng. Không còn mặt mũi nào để lên mặt với bà con lối xóm nữa vì đã lỡ “to tiếng”, lỡ “ngẩng đầu quá cao” đối với họ, nên ông chỉ còn việc đi lang thang trong vô định, lòng dạ rối tung. Tin đồn mất xác Thầy dường như cũng chẳng làm ông quan tâm. Vì đối với ông, Thầy chết là đặt dấu chấm hết - một dấu chấm hết to tướng. Chấm hết cho mọi ước mơ hoài bão. Bởi đó chiều ngày thứ nhất trong tuần khi các môn đệ khác họp nhau “tìm hướng đi mới”, Tôma đã vắng mặt. Hay nói đúng hơn là Tôma không muốn có mặt, vì gặp mặt nhau chỉ làm cho con tim thêm tan nát. Cả khi các Tông đồ khác háo hức báo tin cho ông là họ đã nhìn thấy Chúa Phục Sinh, ông còn thách thức ra mặt: “Đừng mong tôi tin khi tôi chưa xỏ được ngón tay vào lỗ đinh của Thầy; đừng đợi tôi mừng khi tôi chưa thọc được bàn tay vào cạnh sườn Thầy”. Chúa Giêsu thấu hiểu tất cả nỗi lòng của ông. Ngài không trách móc ông, cũng không “mắng vốn” ông. Ngài âm thầm chờ đợi “tám ngày sau” và nhẹ nhàng đáp ứng đòi hỏi của ông muốn được kiểm chứng tận mắt tận tay. Đây cũng là một nét chấm phá nữa làm sáng lên lòng xót thương vô ngần của Đức Kitô Phục Sinh. 

Đứng trước thái độ nhân hậu từ tâm của Đức Kitô Phục Sinh, thánh Tôma đã cảm xúc đến tận cõi sâu thẳm của lòng mình. Cùng với phản ứng ấy là một hành vi đức tin của sự suy phục, suy phục Đức Giêsu là Thiên Chúa của mình: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28). Để rồi từ đây thánh nhân dành trọn quảng đời còn lại để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh và lòng thương xót vô biên của Ngài. 

- Thứ ba là thể hiện qua việc ban bố mối phúc cho những ai “không thấy mà tin”.

“Phúc cho những ai không thấy mà tin” là lời thể hiện lòng thương xót của Đức Kitô Phục Sinh. Bởi chưng con số những người được tận mắt thấy Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra thực sự là rất ít. Chỉ có nhóm Mười Một, nhóm Bảy Mươi Hai, nhóm các bà gồm Maria Macđala, Salômê,…và một số người khác. Còn con số các tín hữu không được thấy Chúa Phục Sinh là bao la không đếm xuể, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Tuy nhiên, chẳng phải họ là người không có phúc đâu. Trái lại họ còn có phúc hơn cả các Tông Đồ nữa là khác, ít ra là ở khía cạnh này. Chẳng phải Chúa Giêsu đã khẳng định với Tôma và qua Tôma với tất cả mọi người mọi thời: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” là gì? Tôma vì được thấy Chúa Phục Sinh hiện ra tỏ tường với mình nên ông mới tin. Còn chúng ta là những người chưa thấy Chúa Giêsu Phục Sinh hiện hình, dù chỉ là một lần; nhưng ta vẫn vững tin vào Ngài. Tin Ngài đã Phục Sinh và đang sống giữa chúng ta. Và vì tin như thế nên chúng ta là những người có phúc có phận hơn cả Tôma. Tạ ơn lòng thương xót Chúa vì mối phúc lớn lao này mà Ngài đã ân ban cho chúng ta là con cháu, là hậu duệ của của các Tông Đồ. 

Hôm nay, trên đường lữ thứ dương trần, người Kitô hữu chúng ta có lẽ đang cần lòng thương xót của Đức Kitô Phục Sinh hơn bao giờ hết, vì cuộc sống hôm nay đầy dẫy những bệnh tật, khổ đau, tai ương hoạn nạn, chiến tranh khủng bố, kinh tế đình đốn, nợ nần túng thiếu, con cái khó răn khó dạy, v.v… Đức Kitô phục sinh vẫn đang sống và đang hoạt động trong thế giới này. Ngài vẫn tiếp tục lặp lại sứ điệp: “Bình an cho anh em”. Bình an mà Ngài muốn ban tặng đó là bình an của Nước Trời, bình an ơn cứu độ. Ngài vẫn tiếp tục cất cao lời dễ thương: Phúc cho ông, phúc cho bà, phúc cho anh, phúc cho chị, phúc cho em đã không thấy mà tin…

Hãy đến với Ngài để được Ngài thi thố lòng nhân hậu xót thương; hãy đến với Ngài để được Ngài ủi an nâng đỡ; hãy đến với Ngài để được Ngài tặng ban ơn bình an cứu rỗi tràn trào. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long4/13/2012
Ngày 15
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XóT CHÚA 



Đừng sợ nữa, hãy nhận bình an!

Không có gì ngăn cản được Đức Kitô phục sinh đi tìm các môn đệ. Và sự hiện diện của Người đã thay đổi tất cả. Không còn gì sợ hãi nữa, đây là sự bình an; sự đóng kín được giải tỏa bằng con đường rộng mở và đẩy tin tưởng, bắt nguồn trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con và đem đến ân sủng của Thánh Thần. Nhưng một trong các môn đệ đã không được hưởng cuộc gặp gỡ đầy ánh sáng này. Ông có bị bỏ rơi trong sự cứng lòng tin của mình không? Như thế là không hiểu vị Mục Tử nhân lành. Người lại tỏ hiện một lần nữa, để chăm sóc đàn chiên của mình. Với sự tế nhị và tôn trọng, Đức Giêsu đã đối xử với Thomas! Người thấy được nhu cầu, người môn đệ này cần giúp đỡ để nhận ra Người là Đấng phục sinh. Không kết án, không trách móc, Đức Giêsu còn đề nghị các cử chỉ để chấp nhận niềm tin. Tâm hồn của Thomas bị đánh động thật sự đến độ không cần phải đụng chạm đến thân thể Đấng Phục sinh để nhận ra những dấu chứng của Đấng bị đóng đinh. Ông đã thốt lên lời tuyên xưng cô đọng nhất niềm tin của Tân Ước: "Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!" (Ga 20,28).

Đức Kitô đến gặp gỡ chúng ta để dẫn chúng ta vào trong Giáo hội, trong cộng đoàn các kẻ tin.

Christelle Javary
Chúa Nhật 15-4

Chân Phước Caesar de Bus 

(1544-1607) 
N
hư nhiều người trong chúng ta, Caesar de Bus cũng phải vất vả lắm mới tìm thấy ơn gọi đích thực của mình. Sau khi tốt nghiệp ở trường dòng Tên, ngài gặp khó khăn khi phải quyết định giữa sự nghiệp của một quân nhân và một văn gia. Ngài có sáng tác một vài kịch bản nhưng sau cùng an phận trong quân đội và toà án.
Cũng có lúc cuộc đời thật êm xuôi cho một người lính thủy tài giỏi. Ngài tin đó là một chọn lựa đúng. Cho đến khi ngài chứng kiến thực tế của một cuộc chiến, kể cả cuộc thảm sát của người Tin Lành Pháp vào ngày Thánh Batôlômêo năm 1572.
Ngài lâm bệnh nặng và bỗng dưng nhìn lại những tiên quyết trong đời, kể cả đời sống tâm linh. Khi bình phục Caesar quyết tâm trở thành một linh mục. Sau khi được chịu chức vào năm 1582, ngài đảm nhận công việc mục vụ đặc biệt là dạy giáo lý cho người dân sống trong tình trạng bị quên lãng ở nông thôn, hoặc các nơi hẻo lánh. Nỗ lực của ngài quả thật cần thiết và được đón nhận cách nồng hậu.
Cùng với người bà con, Cha Caesar thiết lập một chương trình giáo lý cho gia đình. Mục đích là để chống với sự lạc giáo của người dân, và mục tiêu này được sự chấp thuận của đức giám mục địa phương. Từ những nỗ lực này phát sinh một tu hội mới: các Cha của Giáo Thuyết Kitô Giáo.
Một trong những công trình của Cha Caesar là Huấn Thị Các Gia Ðình về Giáo Lý Công Giáo, được ấn hành vào 60 năm sau khi ngài từ trần.
Ngài được phong chân phước năm 1975.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Ý CẦU NGUYỆN THÁNG TƯ : 

Ơn thiên triệu: 
Cầu cho nhiều người trẻ 
nghe được tiếng gọi của Đức Kitô và đi theo Người trong đời sống linh mục và tu sĩ nam nữ.

Đức Kitô, Hy Vọng cho Người Phi Châu: 
Cầu xin cho sự phục sinh của Chúa Kitô 
là một dấu chỉ hy vọng vững chắc 
cho mọi người ở lục địa Phi Châu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét