Trang

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

THỨ SÁU TUẦN II MÙA PHỤC SINH


Thứ Sáu sau Chúa nhật II Phục Sinh
Cv 5,34-42 ; Tv 26 ; Ga 6,1-15.

Bài đọc                                    Cv 5,34-42

34 Bấy giờ có một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đứng lên giữa Thượng Hội Đồng ; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông truyền đưa các đương sự ra ngoài một lát. 35 Rồi ông nói với Thượng Hội Đồng : "Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này. 36 Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người ; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. 37 Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình ; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. 38 Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị : hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ ; 39 còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được ; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông.
40 Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. 41 Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.
42 Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Ki-tô Giê-su.



Đáp ca                                     Tv 26,1.4.13-14 (Đ. c. 4ab)

Đáp :    Một điều tôi kiếm tôi xin,
            là luôn được ở trong đền Chúa tôi.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

1          Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
            tôi còn sợ người nào ?
            Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
            tôi khiếp gì ai nữa ?                                                                             Đ.

4          Một điều tôi kiếm tôi xin,
            là luôn được ở trong đền Chúa tôi
            mọi ngày trong suốt cuộc đời,
            để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang,
            ngắm xem thánh điện huy hoàng.                                                        Đ.

13        Tôi vững vàng tin tưởng
            sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
14        Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào !
            Hãy cậy trông vào Chúa.                                                                     Đ.



Tung hô Tin Mừng                 Mt 4,4b
           
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn phải nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Ga 6,1-15

1 Bấy giờ, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?" 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : 9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !" 10 Đức Giê-su nói : "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !" 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
(bản văn theo UB.Kinh Thánh / HĐGMVN)


Suy Niệm:
Ðược chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, người Do thái cho rằng Ðức Giêsu là vị ngôn sứ của thời cuối cùng. Vị ngôn sứ được sai đến để giải phóng dân tộc và phục hồi sức mạnh nước Israel. Họ muốn tôn Ðức Giêsu làm vua với mục đích để Ngài bảo đảm đời sống cho họ bằng những phép lạ tương tự. Nhưng Ðức Giêsu lánh đi, Ngài muốn cho thấy Ngài được Thiên Chúa sai đến thế gian  không phải để làm chính trị nhưng để cứu vớt con người, dẫn đưa họ về Thiên Chúa. Phép lạ cho thấy Ðức Giêsu thương con người. Ngài cứu chữa phần hồn, dưỡng nuôi phần xác.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hóa bánh để nuôi dân Do thái. Ngày nay, Chúa cũng ban chính Thịt Máu Chúa để nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin cho chúng con ý thức được đó là một ân huệ lớn lao mà Chúa dành cho chúng ta. Xin giúp mỗi người trong gia đình chúng con, giáo xứ chúng con biết siêng năng nước Chúa để được lãnh nhận sức sống của Chúa. Ðó mới là hạnh phúc đích thực mà Chúa đem lại cho chúng con. Chúng con không đòi phép lạ nào khác mới tôn phục Chúa, vì hằng ngày chúng con vẫn được chiêm ngắm một phép lạ cao cả là Bí tích Thánh Thể. Chúa vẫn hiện diện và nuôi sống chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

(Mt 13,54-57)
Nazareth Cứng Lòng

Anh chị em thân mến!
Nhắc đến hai chữ "lao động" hẳn ai trong chúng ta cũng có cảm giác ê chề, nếu không nói là sợ hãi. Từ buổi ban đầu lịch sử, lao động đã trở thành bản án phủ chụp lấy đời sống con người. Con người phải làm lụng vất vả mới có miếng ăn, và hôm nay, chúng ta vẫn đối diện với thực tế của cuộc sống, phải chạy gạo từng bữa, phải kiếm đủ tiền chi tiêu hằng ngày. Bên cạnh đó là những hình ảnh méo mó của lao động: lao động cải tạo, lao động công ích, lao động chiến trường. Tất cả dồn ép lại biến lao động thành một sức ép khổng lồ muốn đè bẹp nghiền nát con người.
Lịch sử loài người ở mọi thời đại đều có thành phần lao động và luôn luôn giới lao động là đối tượng cho các đàn áp, bất công, khinh khi. Dân lao động dù cho có vùng vẫy cũng khó mà thoát được cảnh "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa".
Vậy mà khi nhập thể làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đứng vào hàng ngũ của người lao động. Thế nên, những kẻ đồng hương cũng chẳng ngại ngùng khoác cho Ngài chiếc áo thành kiến sẵn có như tường thuật của thánh Matthêu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Vào năm 1984, nữ văn sĩ Sarlope Chalte cho xuất bản cuốn sách có nhan đề xin tạm dịch là "Niềm Say Mê Tối Hậu". Cuốn sách đưa ra một vài suy tư về lao động dựa trên thái độ đối với công việc của những nhân vật danh tiếng. Nếu có dịp đọc cuốn sách ấy, và khi hạ sách xuống chắc chắn người đọc sẽ có cùng nhận xét như tác giả.
Những danh nhân lịch sử đều đã cật lực làm việc không ngừng, và mục đích họ theo đuổi khi làm việc chẳng phải là tiền bạc nhưng là muốn biến giấc mơ thành hiện thực, muốn biến cuộc sống hiện tại được nên hoàn hảo với họ. Công việc không còn là một gánh nặng nhưng là một sự say mê. Một sự say mê mãnh liệt đầy sức sống có thể biến đổi cuộc sống của chính họ và của thế giới.
Tác phẩm của Sarlope Chalte là một nhắc nhở cho chúng ta về ý nghĩa và giá trị nguyên thủy của lao động. Qua công việc sáng tạo, Thiên Chúa đã bộc lộ tình yêu của Ngài cho các tạo vật. Và qua lao động, Ngài chuyển giao quyền sáng tạo cho con người. Khi con người góp phần xây dựng thế giới, Thiên Chúa cũng muốn con người bắt chước Ngài là dùng công việc để bộc lộ tình yêu thương.
Thế nhưng, tội lỗi đã đến phá đổ tất cả. Lao động trở nên gánh nặng, công việc biến thành đầu mối cho mọi hận thù, chia rẽ. Vì thế, con người chỉ còn biết đến mình mà không cần biết đến ai nữa. Cain đã ra tay giết Aben, người em ruột của mình, vì Aben đã dâng lên Thiên Chúa những kết quả tốt đẹp hơn ông.
Càng thu góp nhiều về cho bản thân, con người càng nghèo tình yêu thương. Xuất thân từ một gia đình lao động, chắc chắn Chúa Giêsu không cần học hỏi về lao động: "Cha Ta làm việc không ngừng; Ta cũng làm việc liên lỉ". Ngài xuất thân từ giới lao động để trở nên mẫu gương cho mọi người ở mọi thời đại.
Con người có thể cho đi, có thể ban phát dù trong tay không có gì. Ðó là cho đi tình thương, cho đi chính mình. Bằng cách này hay cách khác, mọi kết quả lao động của con người đều liên quan đến kẻ khác. Ðành rằng con người làm việc để kiếm cho mình miếng cơm manh áo, nhưng con người vẫn có thể gửi vào công việc chút tình thương, chút quan tâm đến người khác.
Nhờ đến người khác khi bắt tay vào công việc: đây sẽ là một động lực thúc đẩy lòng nhiệt thành của con người với công việc. Ðồng thời nó mặc cho con người một ý nghĩa thực sự. Tuy sống âm thầm trong xóm nghèo ở Nazareth, nhưng thánh Giuse đã gửi đến cho toàn thể nhân loại nguồn ơn cứu rỗi.
Lạy thánh Giuse, xin giúp con khám phá ra ý nghĩa của mỗi công việc con đang làm. Bản thân con sẽ thêm giá trị và thế giới sẽ tốt đẹp hơn, nếu kết quả của công việc con đang làm là tiếng nói của tình yêu thương.

(Veritas Asia)

Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó (Ga 6,11)
Suy niệm: 
Bí tích Thánh thể là mầu nhiệm cao siêu khó hiểu. Chính vì vậy mà được chuẩn bị kỹ càng từ thời Cựu ước sang tới thời Tân ước. Ngay từ thời Cựu ước đã có những hình bóng của phép Thánh thể. Chẳng hạn bánh và rượu của Thượng tế Melchisedech mang tế trời (St 14,18), bánh lễ đầu mùa (Lv 23,17), bánh nuôi sống Elia đủ sức đi 40 ngày về Oreb (3V 19,5-8), bánh nhuyễn (Similia) mà những người phong được chữa lành phải tiến dâng làm của lễ tạ ơn (Lv 14,10). Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã chuẩn bị phép Thánh thể bằng hai lần phép lạ bánh hoá ra nhiều.
Bài Phúc âm hôm nay là phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất. Phép lạ này xảy ra tại một miền núi mà chính Chúa và các môn đệ muốn lui về đó an nghỉ tĩnh dưỡng, nơi ấy hoang vắng không ai ở. Dân chúng đoán biết được nơi Chúa tới nên họ kéo nhau đến đó đông đảo. Thấy vậy Chúa động lòng thương. Và đó là lý do Chúa ban phép lạ. Chúa hỏi thử Philip “Mua đâu ra bánh cho ngần này người ăn được” (c.5). Philip thành thật trả lời “Hai trăm đồng bạc bánh cũng không đủ cho mỗi người một tí” (c.7). Hai trăm đồng Do thái bằng hai trăm ngày công nhật của người thợ cũng không thấm vào đâu, vì những năm ngàn người ăn (c.10). Bấy giờ Anrê mới trình lên Chúa một giải pháp có một em bé mang 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá (c.9). Nhưng ông cũng vẫn có một cái nhìn trần thế là với bấy nhiêu làm gì đủ. Năm chiếc bánh và 2 con cá là phần ăn của một người một ngày ở biển. Như vậy thì hiểu người ta đi theo Chúa háo hức vội vã không chuẩn bị gì hết. Các môn đệ cứ loay hoay với tư tưởng làm sao cho họ ăn. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo họ chia ra từng tốp nhỏ 50, 100 và ngồi trên cỏ (Mc 6,40). Sau khi xong xuôi mọi việc, Chúa Giêsu trịnh trọng cầm bánh, tạ ơn và làm phép lạ. Như một người cha Ngài chia bánh cho các con.
Hệ quả của phép lạ:
Đây là phép lạ lớn lao nhất được nhiều người chứng kiến. Tất cả đều được ăn no như ý thích. Số người ăn, tính người lớn, đàn ông là năm ngàn người. Khi ăn no rồi các môn đệ còn thu lại được mười hai thúng đầy. Họ quá phấn khởi muốn tôn vinh Chúa lên làm vua trần thế... Nhưng Chúa không đồng tình và Ngài lên núi một mình cầu nguyện (c.15).
Phép lạ này có mục đích chuẩn bị lòng tin vào phép Thánh thể sau này. Ở đây qua phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi phần xác, Chúa dạy chúng ta có thứ bánh nuôi các linh hồn tức là bánh hằng sống. Chính Chúa đã quả quyết tầm mức quan trọng duy nhất của phép Thánh Thể “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51).
Bí tích Thánh Thể là biểu trưng cho tình yêu hoàn hảo tuyệt vời nhất (Mt 28,20)
Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Chúng ta đến với bí tích Thánh Thể là đến với chính nguồn tình yêu.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nhận được niềm vui của sự trao ban. Với Chúa, xin cho chúng con biết dâng trọn tấm lòng vâng phục, phó thác tri ân. Với tha nhân, xin cho chúng con luôn biết sống quảng đại, hy sinh, cảm thông, và tha thứ để chúng con luôn biết hạnh phúc khi được trao ban, biết ơn khi được đón nhận.
SUY NIỆM
Có người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh,
chỉ để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời  sau,
mà hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.
Kitô giáo hẳn không phải là thế.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian
không phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy,
mà còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc.
Ơn cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn, 
và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi.
Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan,
bởi lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống.
Chương này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt. 
Đám đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ.
Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu :
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”
Các câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng.
Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).
Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).
Nhưng Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó.
Ngài đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn.
Nhỏ mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này.
Không có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra.
Khi mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ,
Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ.
Chắc các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân.
Chính khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều.
Chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra.
Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt.
Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.
Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi.
Hơn năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.
Gần một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy.
Đức Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ 
như một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ
giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới :
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những La-da-rô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
20/04/12 THỨ SÁU TUẦN 2 PS
Ga 6,1-15
PHÉP LẠ KHI BIẾT SẺ CHIA

“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” (Ga 6,9-10) 

Suy niệm: Khi nạn hạn hán hoành hành khắp xứ Palestin, ngôn sứ Êlia xin một bà góa ở thành Xarépta ít nước uống, bà sẵn sàng cho. Thế nhưng, khi ông xin thức ăn, bà ngần ngại vì chỉ còn rất ít bột, chỉ đủ ăn lần cuối rồi chết. Ngôn sứ quả quyết nếu bà làm một cái bánh cho ông trước, rồi làm cho bà và con bà sau, thì hũ bột và dầu trong nhà sẽ không bao giờ cạn. Bà làm đúng như vậy, và phép lạ đã xảy ra vì bà biết sẻ chia phần lương thực cuối cùng của mình (1V 17,1-15). Hôm nay nhờ lòng quảng đại sẻ chia năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé, Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi sống không phải một vài người, nhưng cả đám đông được ăn no nê.

Mời Bạn: Phép lạ vẫn đang diễn ra hằng ngày, nhưng để phép lạ có thể xảy ra, Chúa cần chúng ta đóng góp vào đó tấm lòng quảng đại, sẵn sàng sẻ chia một miếng bánh nhỏ dù mình đang túng đói, hay một lời nói thứ tha dù cơn giận đang bùng lên. Bạn hãy sẻ chia một chút vật chất cho một người nghèo túng hơn bạn, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Hãy chia sẻ một chút tha thứ, thì gia đình, cộng đoàn sẽ được hiệp nhất yêu thương bền lâu. Hãy sẻ chia tấm bánh cuộc đời bạn để muôn người được ấm no và đầy tình người.

Sống Lời Chúa: “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một tấm lòng quảng đại để biết cho đi mà không mong đợi đền đáp, hầu cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trong cuộc sống mình. Amen.


Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa,
quý vị không thể nào phá huỷ được
Bài đọc: Acts 5:34-42; Jn 6:1-15.

Thời gian là một trong những yếu tố quan trọng để xác định điều gì là thật. Một vài ví dụ sẽ chứng tỏ điều này: cần thời gian để biết chiếc đồng hồ đeo tay làm ở Thụy-sĩ hay ở Trung-hoa;
cần thời gian để biết đâu là tình yêu chân thật và tình yêu qua đường; cần thời gian để biết đạo nào là đạo thật. Thông thường, khi muốn dẹp loạn, người ta chỉ cần giết người cầm đầu, như Chúa Giêsu cũng đã nhận định: “Họ sẽ đánh chủ chăn và đàn chiên sẽ tan tác.” Nhưng đã hơn 2,000 năm qua, mặc dù người ta đã giết Đức Kitô; nhưng đàn chiên của Kitô giáo đã không tan tác, mà còn phát triển thêm dân số mỗi ngày. Sự hiện hữu của Kitô Giáo cho đến ngày nay là một bằng chứng hùng hồn nữa cho sự phục sinh của Đức Kitô: Ngài vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội.
Các Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: khi Ngài muốn, Ngài sẽ hoàn thành; không một khó khăn hay quyền lực nào có thể ngăn cản ý định của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, kinh-sư Gamaliel đề nghị Thượng Hội Đồng hãy cẩn thận trong việc bắt bớ các môn đệ của Thiên Chúa. Theo kinh nghiệm của ông, hãy cứ để cho thời gian gạn lọc: nếu đó không phải là việc của Thiên Chúa, sớm muộn gì rồi điều đó cũng tan; nhưng nếu việc đó do ý định của Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu muốn nuôi dân, Ngài tìm cách cho dân có của ăn, mặc dù các tông đồ đưa ra những khó khăn. Khi Ngài không muốn dân chúng tôn làm vua, Ngài đi lên núi một mình.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy để cho thời gian gạn lọc sự sai trái.
1.1/ Thái độ khôn ngoan của ông Gamaliel: Ông là một người Pharisee được toàn dân kính trọng và là Thầy của thánh Phaolô trước khi trở lại (Acts 22:3). Ông truyền đưa các Tông-đồ ra ngoài một lát, và ông trình bày ý kiến với Thượng Hội Đồng: "Thưa quý vị là người Israel, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này: Thời gian trước đây, có Theudas nổi lên, xưng mình là một nhân vật quan trọng và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Judah người Galilee nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông vì đây là một ý kiến khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm và lịch sử.
1.2/ Các Tông-đồ tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu: Tuy đã tán thành ý kiến của ông Gamaliel, Thượng Hội Đồng vẫn dùng sức mạnh để dọa nạt các Tông-đồ. Họ cho gọi các ông lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra.
Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô.
2/ Phúc Âm: “Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”
2.1/ Chúa Giêsu muốn nuôi ăn dân chúng: Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?"
(1) Các môn đệ muốn Chúa thay đổi ý định: Có lẽ các ông quan niệm Chúa Giêsu cũng giống như một Rabbi, chỉ có bổn phận lo dạy dỗ và cắt nghĩa Lề Luật cho dân chúng, chứ không có bổn phận phải cho dân chúng ăn.
- Ông Philíp nại lý do không có tiền: "Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."
- Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, nại lý do không đủ thực phẩm: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!"
(2) Chúa Giêsu biết những gì Ngài sắp làm: Tuy gặp sự can ngăn của các Tông-đồ và nỗi khó khăn phải tìm lương thực trong nơi hoang dã, Chúa Giêsu vẫn bảo các ông: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”
Khi họ đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
Đây là hình ảnh của Bí-tích Thánh Thể trong Tin Mừng Gioan, tuy Gioan không tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Gioan dùng công thức truyền phép và diễn từ về sự quan trọng của Bí-tích này trong Chương 6. Chúa Giêsu muốn lập Bí-tích Thánh Thể để ở lại và cho dân chúng ăn Ngài mỗi ngày. Giống như thái độ của các Tông-đồ, con người ở mọi thời tiếp tục cho đây là điều không thể, hay chỉ là biểu tượng …, và nghi ngờ sự hiện diện đích thực của Chúa trong Bí-tích. Họ quên đi rằng: chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa; một khi Ngài muốn, Ngài sẽ có cách để thực hiện.
2.1/ Dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm, họ nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" Lý do họ muốn tôn Ngài làm vua là để Ngài lo cho họ có bánh ăn; nhưng Chúa Giêsu muốn họ phải làm mới có bánh ăn. Khi Ngài cho họ ăn, Ngài không chỉ nuôi dưỡng phần xác; nhưng còn tăng nghị lực cho phần hồn của họ, để họ có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Khi Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, Người lánh mặt và đi lên núi một mình. Ngài không muốn làm vua họ như một ông vua thế gian vì họ đã có rồi; Ngài chỉ muốn làm vua trong tâm hồn của họ và trên Nước Trời.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi làm việc tông đồ mà gặp khó khăn, chúng ta cần tin tưởng: “Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, không ai có thể phá huỷ được.” Nói cách khác: nếu là việc Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành; nếu không phải là việc Thiên Chúa muốn, hãy để chúng tiêu tan, đừng quá bận tâm lo lắng. Không ai có thể chống lại ý Thiên Chúa muốn.
- Chúng ta cần để cho thời gian gạn lọc sự giả tạo và sai trá trong cuộc đời. Đừng vội chạy theo những giáo lý mới hay những trào lưu mới, mà gạt bỏ những giá trị nền tảng của đạo và những truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, của quê hương, hay của gia đình.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.


Lời Chúa Trong Gia Đình
Cv 5, 34-42; Ga: 6, 1-15.
LỜI SUY NIỆM: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: Hẳn ông nay là một ngôn sứ. Đấng phải đến thế gian. Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.”      (Ga 6,14-15).
          Dân Do Thái đang mong chờ Đấng mà Mô-sê đã hứa. Qua phép lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu, họ nghĩ ngay đến lời hứa đó. Họ đã nhiệt tình ủng hộ Chúa vì Ngài có đủ mọi quyền phép: trừ quỷ, chữa lành mọi bệnh tật và cả việc ban lương thực nữa.
          Thái độ đám đông theo Chúa lúc đó vì Ngài đã ban cho họ điều họ muốn, và họ ao ước sử dụng Ngài theo mục đích riêng của họ. Thái độ ấy ngày nay vẫn còn. Chúng ta chỉ muốn tặng vật của Chúa mà không muốn thập giá. Chúng ta muốn sử dụng Chúa cho nhu cầu của mình, khi cần đến; Trong khi đó, chúng ta có chịu dấn thân, tự dâng hiến chính mình để Ngài sử dụng vào chương trình cứu độ của Ngài hay không? Thiên Chúa là Đấng Hiên Hữu. Đầy yêu thương, luôn chờ đợi và tạo mọi điều kiện cho hối nhân, với ân sủng của Ngài. Nhưng trong cuộc sống của mỗi người, sự hiện diện của Chúa còn tùy thuộc vào lòng tin và sự khao khát của mỗi người vào Chúa hay là muốn loại Ngài ra ngoài đời sống của mình.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
20 Tháng Tư
Hãy Thắp Lên Một Que Diêm

Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại vận động trường Los Angeles bên Hoa Kỳ. Ðang diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: "Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này".
Ðèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: "Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: Ðã thấy!". Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên những tiếng kêu: "Ðã thấy!".
Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: "Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy".
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: "Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!". Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông John Keller kết luận: "Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, cóthể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta".
Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, đàn áp và bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.
Ngoài ra, hòa bình không chỉ được xây dựng trong những văn phòng của các nhà lãnh đạo. Hòa bình không chỉ được xây dựng qua những cuộc họp, qua những buổi thảo luận, mặc cả của các nhà chính trị. Mọi người chúng ta phải trở thành những người thợ xây dựng hòa bình. Bởi lẽ nguồn gốc của hòa bình xuất phát từ phẩm chất của các mối liên lạc giữa người với người.
Người biết yêu mến là người thợ xây dựng hòa bình. Kẻ biết giúp đỡ là kẻ xây đắp hòa bình. Những ai biết tha thứ, những ai biết phục vụ tha nhân, những ai biết luôn khước từ hận thù, bạo lực là những người thợ xây dựng hòa bình. Những ai biết chia sớt của cải mình cho người túng thiếu hơn, những ai có lòng nhân từ, có lòng khoan dung và thông cảm đều là những kẻ giúp cho hòa bình nảy nở giữa loài người.
Tóm lại, cách thức tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm cho thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm đối với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và sự dữ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 20
Kỷ niệm ngày qua đời của cha Schorderet (1893)
Đấng Sáng Lập Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản (OSP)

Không phải Thiên Chúa đã dựng nên thế giới này sao, Đấng làm cho mặt trời chiếu sáng, làm cho các vì sao rực rỡ trên bầu trời, Đấng làm lung lay ngọn cỏ, đào sâu biển cả và giúp cho loài chim hót líu lo? Người không phải là chủ muôn loài sao? Người lại ẩn mình trong tấrn bánh thật bé nhỏ!
Kinh sĩ Joseph Schroderet

Alleluia giữa cuộc sống

Alleluia! thử thách của con người luôn có một ý nghĩa. Nó không nhắm vào việc tàn phá cuộc sống; nhưng có thể phục vụ cho ai ưng thuận và làm cho thiện hảo hơn. Sự phục sinh là một sứ điệp niềm vui. Alléluia! ước gì lời ca này vang lên trong những tâm hồn tan nát, trên những tâm hồn thất vọng, trên biết bao lý thuyết buồn thảm của khổ đau, trên cả nhân loại.

Phục sinh! thật vậy, Người đã phục sinh
Hỡi bà, hãy lập lại tin mừng này
Từ khi mặt trời soi chiếu trên nhân loại,
Trái đất chưa bao giờ được nghe một điều tốt lành như thế.

Alleluia! Phục sinh là một bài thánh thi dành cho sự tin tưởng; phục sinh là điều bảo đảm cho sự sống sẽ không bao giờ chết nữa. Alleluia! Kitô giáo là một bài thánh thi cho sự sống. Là tôn giáo của kẻ sống. Alleluia! Đức Kitô đã sống lại. Người trở thành Thần Khí sống động. Ân sủng hoạt động trong tâm hồn. Men tinh thần không ngừng hoạt động, Thế giới tiến bước đến sự hiệp nhất của toàn thể con cái Thiên Chúa. Đức Kitô phục sinh sẽ không bao giờ chết nữa.

Hồng y Jules-Géraud Saliège
Thứ Sáu 20-4

Thánh Conrad ở Parzham

(1818 - 1894)

T
hánh Conrad không phải là vị sáng lập dòng hay ngay cả là một linh mục, nhưng tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa và sự sùng kính Ðức Maria đã biến ngài trở nên một anh hùng của Ðức Giêsu Kitô. Thánh Conrad trổi vượt về đức bác ái, được biểu lộ trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, trong sự sùng kính Thánh Thể và sự tín thác vào Ðức Mẹ như trẻ thơ.
Sinh trưởng ở Parzham, ngay từ nhỏ Conrad đã được cha mẹ dạy bảo giáo lý thật kỹ lưỡng. Dù phải làm việc đồng áng vất vả, Conrad vẫn dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Do đó người ta không ngạc nhiên khi thấy người trẻ này đã gia nhập dòng Capuchin sau khi các ngài đến đây truyền giáo.
Conrad gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ. Ngài khấn trọn năm 1852 và được bài sai đến tu viện ở Altoetting với công việc giữ cửa trong 41 năm. Vì tu viện là trung tâm hành hương nên việc giữ cửa rất bận rộn, mỗi ngày có đến cả ngàn người thăm hỏi, và dù già hay trẻ, lịch thiệp hay thiếu lễ độ, Thầy Conrad đều ân cần và hoà nhã đón tiếp họ. Qua cách đối xử nhân từ ấy, thầy đã đưa nhiều người về với Thiên Chúa. Thầy ngủ ít, siêng năng làm việc và luôn luôn kết hợp với Ðức Kitô. Thầy rất quý trọng Thánh Thể, và sung sướng khi được giúp lễ. Bất cứ lúc nào có chút thời giờ rảnh rỗi, thầy đều dùng để cầu nguyện trước Thánh Thể.
Ngoài việc tôn thờ Thánh Thể và Chúa Giêsu Ðóng Ðinh, Thầy Conrad còn đặc biệt sùng kính Ðức Maria. Ngài là Nữ Vương và là Trạng Sư của thầy trong những khi thử thách. Thầy luôn luôn cổ võ lòng sùng kính Ðức Maria qua việc phân phát chuỗi Mai Khôi.
Vào ngày 18 tháng Tư 1894, thầy bị liệt. Ba ngày sau, khi các trẻ em mà thầy đã dạy chúng lần hạt, đang đọc kinh ngoài cửa sổ thì thầy trút hơi thở cuối cùng.
Với các nhân đức anh hùng và phép lạ của Thầy Conrad, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên phong chân phước vào năm 1930, và bốn năm sau, cũng chính Ðức Piô XI đã tuyên phong hiển thánh.

Lời Trích

"Thiên Chúa muốn tôi từ bỏ tất cả những gì ưa thích và gần gũi với tôi. Tôi cảm tạ Thiên Chúa đã gọi tôi vào đời sống tu trì, là nơi tôi tìm thấy sự bình an và niềm vui mà không thể nào tìm thấy trong thế gian. Những gì tôi muốn thực hiện trong cuộc đời, chính yếu là: sống bác ái và chịu đau khổ, luôn suy tưởng, tôn thờ và ngưỡng mộ tình yêu khôn tả của Thiên Chúa đã dành cho các tạo vật thấp hèn nhất của Ngài" (Thư của Thánh Conrad).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét