Trang

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

THỨ NĂM TUẤN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Cv 3,11-26 ; Tv 8 ; Lc 24,35-48.

Bài đọc                                    Cv 3,11-26

11 Khi ấy, vì anh què cứ níu lấy ông Phê-rô và ông Gio-an, nên toàn dân rất kinh ngạc, chạy ùa tới các ông tại hành lang gọi là hành lang Sa-lô-môn. 12 Thấy vậy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân : "Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi ? 13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. 14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng. 16 Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp ; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.
17 "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. 18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. 19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. 20 Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Ki-tô Người đã dành cho anh em, là Đức Giê-su. 21 Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa. 22 Thật vậy, ông Mô-sê đã nói : Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. 23 Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân. 24 Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Sa-mu-en đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống.
25 "Phần anh em, anh em là con cháu của các ngôn sứ và của giao ước mà Thiên Chúa đã lập với cha ông anh em, khi Người phán với ông Áp-ra-ham : Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. 26 Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình."



Đáp ca                                     Tv 8,2a và 5.6-7.8-9 (Đ. c. 2a)

Đáp :    Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
            lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

2          Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
            lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !
            Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
5          thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
            phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?                              Đ.

6          Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
            ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
7          cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
            đặt muôn loài muôn sự dưới chân :                                         Đ.

8          Nào chiên bò đủ loại,
nào thú vật ngoài đồng,
9          nào chim trời cá biển,
mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.                                                Đ.



Tung hô Tin Mừng                 Tv 117,24

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Lc 24,35-48

35 Bấy giờ, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : "Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : "Ở đây anh em có gì ăn không ?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)
Suy Niệm:
Khi các tông đồ đang tụ họp. Ðức Giêsu đã đến giữa họ và chúc Bình An cho họ. Bình An của Chúa chỉ ở lại nơi những cộng đoàn sống hòa hợp, đồng tâm nhất trí với nhau.
Gia đình hòa thuận, khu xóm an vui, giáo xứ êm ấm... là những cộng đoàn được Ðức Giêsu vui thích hiện diện và chúc lành cho họ.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu xin Chúa đến với gia đình chúng con, xứ sở chúng con. Sự hiệp nhất của chúng con trong mọi công việc, nhất là trong các giờ kinh gia đình là điều làm Chúa vui lòng. Chúng con xin Chúa hiện diện giữa chúng con, hướng dẫn và đem bình an hạnh phúc cho chúng con. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Thầy Ðây Ðừng Sợ

Vào một ngày nọ, từ mảnh vườn nhỏ nằm phía sau nhà, bỗng có một tiếng khóc của cậu con trai duy nhất mới 5 tuổi khiến cho cha mẹ cậu lo lắng. Họ vội vàng bỏ dở công việc chạy ra ẵm lấy cậu bé. Tiếng khóc của cậu nức nở đầy tức tối và tiếc nuối. Vừa khóc, cậu vừa chỉ vào con rùa nằm bật ngửa bất động: con rùa thân yêu của cậu bé đã chết, làm cho cậu bé khóc một hồi rồi mới dỗ dành được. Họ hứa sẽ cử hành đám tang con rùa thật trọng thể. Cha cậu sẽ lấy chiếc hộp sắt đẹp nhất mà bấy lâu nay gia đình đựng bánh kẹo để làm hòm đựng con rùa. Sau khi chôn cất xong, mẹ cậu sẽ làm một bữa tiệc để mời bạn bè của cậu và những người đã dự đám tang con rùa.
Tiếng khóc đã biến mất, thay vào đó là một nụ cười. Ðể trấn an cậu, người cha lại hứa hẹn thêm: "Ba sẽ dẫn con ra phố và mua cho con chùm bong bóng và những quả bóng tròn to tướng, mặc sức con vui đùa với chúng bạn. Ðang khi cậu mỉm cười sung sướng với giấc mơ của mình, thì trước sự ngạc nhiên của mọi người, chú rùa đã lật sấp trở lại rồi từ từ bò đi. Thấy chú rùa như vậy, cậu bé vội hét lên: "Ba ơi, chúng ta giết quách con rùa đi cho rồi".
Anh chị em thân mến!
Thái độ đau buồn hoặc vui mừng của cậu bé trước cái chết của chú rùa thân yêu cũng giúp cho chúng ta hiểu được tâm trạng của các tông đồ sau cái chết của Thầy mình là Ðức Kitô. Tâm trạng ấy được thánh Luca tường thuật thật rõ nét trong bài Tin Mừng hôm nay.
Sau khi Chúa Giêsu đã chết và xác Ngài được chôn cất trong mồ, các môn đệ rơi vào tình cảnh đau buồn, tuyệt vọng. Họ ngồi lại với nhau vì sợ người Do Thái; họ ngồi lại với nhau để than khóc u sầu hơn là đợi chờ hy vọng. Có hai môn đệ không chịu nổi cảnh này đã bỏ về quê. Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với hai ông và hai ông vội vã trở về Giêrusalem báo Tin Mừng. Nhóm còn lại vẫn chưa tin việc Chúa Kitô Phục Sinh. Rồi Chúa Giêsu lại hiện ra giữa họ, nhưng họ vẫn nghi ngờ là ma, không nghĩ là Thầy mình. Vì thế, Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy thân xác thật sự của Ngài. Họ vẫn chưa tin, Ngài lại phải xin một miếng cá nướng và ăn uống bình thường với họ và họ được trấn an.
Tuy nhiên, chỉ khi được Kinh Thánh soi sáng về ý nghĩa biến cố Tử Nạn và Phục Sinh, chỉ khi được Chúa Giêsu soi lòng mở trí cho thì các môn đệ mới vững tâm và vui mừng thật sự. Và chính lúc này Ngài trao cho họ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.
Kitô giáo là tôn giáo của niềm vui: vui vì được Chúa từ trời cao xuống viếng thăm, vui vì được ban tặng ơn cứu rỗi, vui vì từ thân phận nô lệ tội lỗi được nâng lên hàng con cái và vui vì cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đang đón chờ. Một tôn giáo của niềm vui nhưng đã bị coi là tôn giáo của khổ chế, hy sinh, và thập giá vì cuộc sống của các thành viên chưa phản ánh đủ căn bản của niềm tin, như các môn đồ được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thực tế, cuộc sống trước mắt đã khiến cho các Kitô hữu u buồn và bi quan mà quên đi sự cao quí của hy sinh Thập Giá. Ðau khổ dẫn đến vinh quang. Cái chết trên Thập Giá sẽ mang lại sự phục sinh khải hoàn. Ðành rằng, con người bị hạn hẹp trong không gian và thời gian, không thể biến viễn ảnh thành hiện tại.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà viễn ảnh trở thành ảo ảnh phản ánh Phục Sinh vinh quang của Kitô hữu là nối dài của điểm khởi đầu biến cố Phục Sinh của Ðức Kitô. Ðây là một biến cố đã được Ðức Kitô báo trước và đã xảy ra và mãi mãi là chất men làm sống dậy những cuộc sống khác.
Lạy Chúa, trên hành trình đức tin, nhiều lúc con đã ngại ngùng sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi con bước tới. Con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Xin Chúa cho con hiểu rằng, bên trên các gai nhọn là đóa hồng rực rỡ. Bên trên lớp mây mù ảm đạm là vầng thái dương huy hoàng. Có được một xác tín như vậy, chắc chắn cuộc sống của con sẽ là chuỗi ngày vui mừng, hy vọng và tràn trề cậy trông vào Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.

(Veritas Asia)

Suy Niệm:
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. 
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. 
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, 
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. 
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, 
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma. 
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách 
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng. 
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài 
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. 
Ngài còn ăn một miếng cá nướng 
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma. 
Khi các môn đệ yếu đức tin, 
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma. 
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố, 
họ mới thấy Ngài có thực. 
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa, 
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ, 
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược, 
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau. 
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến. 
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng. 
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ. 
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại. 
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời. 
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng. 
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi 
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống. 
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết. 
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động. 
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người. 
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ. 
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu. 
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt, 
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết. 
Họ phải là nguồn sống dồi dào, 
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui. 
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học. 
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc. 
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền. 
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa, 
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình, 
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh, 
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin. 
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ 
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
Cầu Nguyện:
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Chính anh em là chứng nhân về những điều này (Lc 24,48)
Suy niệm: 
“Bình an cho chúng con. Này Thầy đây, đừng sợ”: trong khoảng thời gian vắng Chúa, các môn đệ rất hoang mang và sợ hãi. Nay Chúa đã trở lại và đang ở với họ, họ tìm lại được bình an. Xin Chúa luôn ở với con, để ban cho con được bình an giữa bao xáo trộn của cuộc đời.
Thật vậy, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu làm cho một số môn đệ, người thì bỏ cuộc ra về (Lc 24,13t), số khác thì sợ hãi ngồi ru rú trong ngôi nhà cửa đóng then cài kín mít, lo âu cho số phận của mình. Giữa lúc ấy thì Chúa hiện đến nói: “Bình an cho chúng con” (c.38).
Còn lời nào an ủi cần thiết hơn nữa không? Ai ai cũng thấy cần sự bình an có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc. Các môn đệ đang cần thiết như thế và Chúa đã ban cho như vậy. Ngày nào nơi hang Belem cũng vang lên lời cầu chúc ấy của thiên thần “Bình an dưới thế...” (Lc 2,14). Trong bát phúc nước Trời, “kẻ bình an”được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5,9) và Chúa hứa ban bình an riêng của Ngài không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Sách Công Vụ Tông Đồ gọi Phúc âm là “Tin Mừng bình an” (10,36). Vâng, có Chúa là có bình an, có ngay lập tức như các Tông đồ trong phòng kín vậy.
Nếu chúng ta không có Chúa thì Chúa không ở trong chúng ta. Chúng ta không được sự bình an của Ngài, chúng ta không được vào số những người Chúa chúc phúc mà cứ mãi lo âu bất ổn. Chúng ta không có bình an của Chúa mà lại cứ đi chúc bình an cho người khác thì thật khó hiểu. Không ai cho cái mình không có. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta nghe câu chúc “Anh em hãy chúc bình an cho nhau”. Ước gì lời đó phải được thực hiện trong cuộc sống cho hôm nay.
Trước kia các môn đệ đã từng sống trong lo sợ. Họ có hai cái sợ: sợ rằng số phận của mình sẽ chẳng hơn gì Thầy mình. Cái sợ nữa là họ phải đối diện với cõi thần thiêng mà họ tưởng đâu là ma quái hiện về (Mt 24,26). Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây...” (c.39). Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn vang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi... Cho nên để chắc chắn, Chúa bảo họ cứ sờ vào đó đi để khỏi còn phải nghi ngờ về ma quái hay thần linh nào khác. Nhưng để họ biết chắc chắn mình đang đối diện với thân xác thực của Đấng cứu thế vừa phục sinh. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem, ma đâu có xương thịt như Thầy có đây”: Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống và hiện diện bên cạnh tôi. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi là một. Tôi phải sống với niềm tin xác tín ấy.

Các Tông đồ thấy được gì ? Họ thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa. Xét về số lượng thì cũng vẫn là một với thân xác đã chết đã an táng. Vì thế sau khi sống lại vẫn còn các vết thương trên tay chân và trên thân mình (Ga 20,27). Chính Chúa đã cho các Tông đồ coi và sờ tay cảm nghiệm (c.39). Thánh Gioan vẫn gọi Đấng chịu thương khó là con chiên vinh hiển (Kh 56). Giáo huấn Giáo hội dạy thân xác Chúa sống lại thật .Tuy nhiên trạng thái của thân xác ấy sau khi phục sinh không giống hệt như trước nữa. Thực ra thân xác Chúa có khác nhau ở mỗi giai đoạn:
1. Khi còn mang thân xác loài người, thì nhân tính của Chúa còn là thể chất, nên không thể ở khắp mọi nơi cùng một lúc.
2. Nhưng khi thân xác Chúa phục sinh thì nhân tính vinh hiển của Chúa không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ khi đóng kín (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy, vì thế gọi là xác thánh.
3. Thân xác Chúa Kitô phục sinh được hưởng những phẩm tính đặc biệt mà khoa học đã căn cứ vào nền tảng Kinh Thánh vẫn thường gán cho như là: bất tử (1C 15,53). Bất diệt, linh thiêng (1C 15,44). Bất khả thực (Kh 7,16). Huyền diệu (Mt 28,1. Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô sau khi phục sinh từ cõi chết sống lạị đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.
“Các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”: không những tôi phải sống với niềm tin xác tín rằng tôi đang sống với Chúa Phục sinh đang hiện diện bên cạnh, mà còn phải làm sao cho cách sống đó khiến người ta nhìn vào và cũng tin như thế.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con thoát khỏi sự sợ hãi, biết can đảm vượt qua mọi thử thách để được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay quan phòng của Chúa. Xin tha thứ vì những lần chúng con còn ngại ngùng, sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi chúng con bước đi. Vì con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Con đường ấy đòi phải hy vinh, phải vác thập giá, phải chịu nhiều thua thiệt, có khi mất cả mạng sống. Xin cho chúng con hiểu rằng, bên trên gai nhọn là đoá hồng rực rỡ. Bên trên những thử thách gian nan là triều thiên chiến thắng vinh quang mà Chúa đã dành sẵn cho những ai trung tín theo Ngài. Xin Chúa cũng ban bình an cho chúng con như xưa Chúa đã ban cho các Tông đồ trong những lần Chúa hiện ra với các ngài sau khi Chúa sống lại.


12/04/12 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48
BÌNH AN CHO ANH EM

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo : ‘Bình an cho anh em!’... Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” (Lc 24, 36.47-48)

Suy niệm: Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời : “Bình an cho anh em!” Các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng. Vì thế, lúc này là lúc các ông rất cần có bình an. Bình an là khát vọng thâm sâu của mọi người, mọi nơi mọi lúc. Không có bình an, không có hạnh phuc! Trong Thánh Lễ, lúc sắp rước Thánh Thể, chủ tế cầu xin cho cộng đoàn được bình an của Chúa và mọi người chúcbình an cho nhau. Có điều, bình an của Chúa không giống với bình an của thế gian. Đó là chính sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, sự bình an luôn kèm theo sứ mạng rao giảng cho muôn dân sám hối, làm chứng cho họ về Đức Ki-tô Phục Sinh. Sự bình an của Chúa kèm theo sứ mạng này không chước miễn, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc... như bao cuộc đời của các môn đệ Chúa suốt hai ngàn năm nay.

Mời Bạn: Tôi tìm kiếm bình an của Chúa hay bằng lòng với sự bình an của thế gian? Để cảm nếm được bình an của Chúa, chúng ta không được phép dừng lại với sự bình an của thế gian.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy có một cử chỉ ‘đi ra khỏi sự ổn định’ của mình, chẳng hạn dành thời giờ, tiền bạc chia sẻ cho ai đó cần – như một hành vi rao giảng Tin Mừng cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ở lại với con và ban cho con bình an của Chúa. Amen.


Làm thế nào để biết và tin chắc Chúa đã sống lại?
Bài đọc: Acts 3:11-26; Lk 24:35-48.
Mỗi năm, vào dịp các Kitô hữu chuẩn bị kỷ niệm cuộc Thương Khó, cái chết, và sự sống lại của Chúa Giêsu, các tuần báo Mỹ như Times và Newsweek luôn đặt những câu hỏi giật gân chung quanh việc sống lại của Chúa như: Chúa Giêsu có thực sự sống lại không? Không một nhân chứng nào thấy tận mắt lúc Chúa sống lại và ra khỏi mộ! Ngành khảo cổ không tìm thấy vết tích gì cả về ngôi mộ của Chúa. Tại sao lại có hai nơi đều nhận là “mộ Chúa” bên Jerusalem? Mục đích của họ là để con người đặt lại niềm tin vào sự sống lại đời sau, đúng như thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta vô ích.”
Nhưng đi tìm những dữ kiện quanh ngôi mộ trống là cách thấp nhất để chứng minh sự kiện Chúa sống lại. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những bằng chứng cao hơn. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô minh chứng sự kiện Chúa sống lại bằng việc làm cụ thể: Ngài dùng quyền năng của Chúa Kitô phục sinh để chữa lành một người què từ lúc mới sinh, và minh chứng sự kiện phục sinh đã được các ngôn sứ đề cập đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trực tiếp hiện ra với các tông đồ, và Ngài đã ăn uống trước mặt các ông để chứng minh Ngài là người thật, chứ không phải là ma hay ảo ảnh mà các ông đang sợ hãi. Ngài cũng dùng lời Kinh Thánh để chứng minh Ngài phải chịu đau khổ và được sống lại.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phêrô và Gioan chứng minh Chúa đã sống lại thật.
1.1/ Phêrô làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng việc chữa lành: Phêrô muốn chứng tỏ với dân 2 điều:
(1) Quyền chữa lành không đến từ con người: Ông Phêrô lên tiếng nói với dân: "Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?”
(2) Quyền chữa lành đến từ Đức Kitô:
- Đức Kitô, Người mà anh em giết đi, đã sống lại: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.”
- Đức Kitô ban cho Phêrô uy quyền chữa lành: “Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.”
1.2/ Phêrô làm chứng cho Chúa bằng việc giải thích Kinh Thánh.
(1) Chúa Giêsu phải chịu khổ hình: Việc các thủ lãnh Do-thái giết Chúa Giêsu không phải là chuyện ngẫu nhiên xảy ra; nhưng đã được sắp đặt trước bởi Thiên Chúa, và được loan báo trước bởi hầu hết các ngôn sứ của Người (Isaiah, Jeremiah, Hoseah). Ông Phêrô trấn an dân: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Kitô Người đã dành cho anh em, là Đức Giêsu.”
(2) Chúa Giêsu làm trọn lời loan báo của các ngôn sứ: Những gì xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài sống trên trần gian, đã được loan báo trước bởi các ngôn sứ; mỗi ngôn sứ loan báo một khía cạnh của cuộc đời Ngài. Tổng hợp tất cả lời loan báo của các ngôn sứ cho chúng ta sự hiểu biết về cuộc đời của Ngài. Ông Phêrô liệt kê 3 ngôn sứ trong trình thuật hôm nay:
- Lời chứng của Moses: “Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân” (Deut 18:15-20).
- Lời chứng của Samuel và các ngôn sứ khác: Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Samuel đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống (Lk 1:70).
- Lời chứng mà Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham: “Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Gen 22:18, 26:4). Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.
2/ Phúc Âm: Chúa hiện ra với các tông đồ.
2.1/ Chúa chứng minh cho các tông đồ biết Ngài là người thật: Khi một người nhìn thấy hồn người chết hiện về, cảm tưởng của họ chắc cũng như các tông đồ: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.” Để chứng minh Ngài là người thật, Chúa Giêsu làm hai việc:
(1) Cho các ông sờ vào thân thể Ngài: Người nói với các ông: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
(2) Ăn uống trước mắt các ông: Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
2.2/ Chúa chứng minh cho các tông đồ những lời Kinh Thánh đã nói về Ngài.
(1) Toàn bộ Kinh Thánh cần thiết để hiểu Đức Kitô: Chúa Giêsu nhắc lại những lời dạy dỗ của Ngài cho các ông khi Ngài còn ở với các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Các ông không thể hiểu những lời này mà không có Đức Kitô; đồng thời các ông cũng không thể hiểu cuộc đời Chúa Kitô mà không được soi sáng bởi những lời này.
(2) Tiên-tri Hosea đã nói về sự sống lại của Ngài: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Hos 6:2).
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ để các báo chí lung lạc niềm tin vào Chúa sống lại của chúng ta.
- Có nhiều bằng chứng về sự kiện Chúa sống lại: những lần Ngài hiện ra với các môn đệ, những phép lạ các môn đệ nhân danh Ngài là làm, cuộc sống chứng nhân và thay đổi hoàn toàn của các môn đệ, Kinh Thánh, và những cuộc trở lại của nhiều người. Chúng ta không chỉ có 2 nhân chứng như Luật đòi, nhưng ức triệu nhân chứng cho sự sống lại của Chúa Giêsu.
- Lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm qua là bằng chứng hùng hồn Chúa Giêsu vẫn đang họat động và ở lại trong Giáo Hội giữa bao chống đối, bắt bớ, và tù đày.
Anthony Đinh Minh Tiên, Op.

Lời Chúa Trong Gia Đình
THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH; Cv 3, 11-26; Lc: 24, 35-48.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: ‘Bình an cho anh em’ Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: ‘Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?” (Lc 24,36-38).
          Chúa Giêsu chúc bình an cho chúng ta với quyền năng của Ngài. Chúa biết mỗi con người khi sống trên trần gian này, đều bị hệ lụy do tội nguyên tổ, và từ tội nguyên tổ con người càng ngày càng lún sâu vào sự ác từ đổ lỗi cho nhau, rồi ganh tỵ mà giết chết nhau và cuối cùng là chia rẻ nhau và coi nhau là đối phương cần phải canh chừng và đề phòng. Nên bình an của Ngài rất cần thiết cho chúng ta, vì thân phận mỏng dòn và yếu đuối khi phải sống và đối diện và đối đầu biết bao nguy khốn cho thân xác và linh hồn của chúng ta.
          Chúa Giêsu đang trách móc chúng ta sao hoảng hốt và lòng ngờ vực, cũng là muốn nhắc nhở chúng ta phải vững tin vào sự hiện hữu của Ngài. Mọi sự sẽ đổ vỡ cũng chính vì sự hoảng hốt và ngờ vực. Điều này Nguyên Tổ của loài người đã mắc bẩy của con rắn (Satan) là: nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, dẫn đến không nghe lời Ngài căn dặn, mà lại nghe lời ngon ngọt của ma-quỷ bày ra để rồi phải chết.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
12 Tháng Tư
Ra Ði Là Chết Trong Lòng Một Ít

Phật giáo Trung Hoa rất nhớ ơn và hãnh diện vì có thiền sư là Ðường Tam Tạng. Ông là người đã có công vượt núi trèo non để đi Tây Trúc thỉnh Kinh đem về phổ biến cho dân gian.
Truyện Tây Du Ký đã ghi lại cuộc ra đi đầy gian nan của thầy Tam Tạng. Nhưng những gian nan thử thách xảy đến cho thiền sư họ Ðường không phải chỉ là gai góc hiểm trở của đoạn đường dài, mà chính là những tật xấu mà ba người môn đệ thân tín nhất của thầy là hiện thân. Tôn ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, ba cái tên này chính là ba nết xấu mà thiền sư họ Ðường cũng như bao người khác phải vượt qua để đạt chính quả. Ba nết xấu đó là: lòng kiêu căng, lòng ham vật dục và tính lười biếng.
Ra đi là chết trong lòng một ít... Thiền sư họ Ðường có lẽ đã phải chiến đấu và hao mòn vì những tham sân si trong lòng thầy.
Tin Mừng cũng nhắc đến một cuộc ra đi: đó là cuộc ra đi của Chúa Giêsu. Ngài rời bỏ quê hương để đi Galilêa. Galilêa chỉ cách Nagiarét vài chục cây số... Nhưng với Chúa Giêsu cuộc trẩy đi này bao hàm một cuộc lột xác và từ bỏ trọn vẹn. Ngài từ bỏ tất cả để vào sa mạc.
Ra đi có nghĩa là ra khỏi chính mình và không quay nhìn lại phía sau. Ra đi tức là chấp nhận chết đi trong lòng một ít.
Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, mặc dù chưa một lần ra khỏi bốn bức tường của tu viện, đã được Giáo Hội chọn làm quan thầy các xứ truyền giáo.
Một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng khao khát được mang Tin Mừng của Chúa đến một nơi xa lạ... Ước mơ ấy có thể làm cho chúng ta quên đi thựck tại của không biết bao nhiêu người thiếu thốn lương thực cho thể xác cũng như tinh thần.
Ra đi loan báo Tin Mừng, trước tiên chính là ra lhỏi con người của chúng ta. Ra khỏi con người của thiển cận, ích kỷ của chúng ta để mặc lấy một cái nhìn nhậy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 12
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Thầy đây! Đừng sợ!

Nếu chỉ cho rằng các ngày lễ Phục sinh là trọng tâm của năm phụng vụ, điều này chưa đủ; các lễ này - nơi mọi sự đều hướng về - vừa là tâm điểm vừa là nguồn mạch tuôn trào ra tất cả.

Tất cả phượng tự Kitô giáo chỉ là sự cử hành kéo dài lễ Phục sinh. Mặt trời, không ngừng lên cao trên mặt đất, kéo theo sau một luống cày Bí tích Thánh Thể, không bao giờ ngưng nghỉ, và mỗi thánh lễ được cử hành là lễ Phục sinh được kéo dài.

Mỗi ngày trong năm Phụng vụ và, trong mọi ngày, mọi giây phút trong cuộc đời Giáo hội không bao giờ ngưng nghỉ, vẫn tiếp tục và canh tân lễ Phục sinh mà Chúa khao khát ăn với các môn đệ của Người, trong khi chờ đợi để cùng ăn với họ trong vương quốc và sẽ kéo dài trong vĩnh cửu.

Lễ Phục sinh hằng năm, không bao giờ ngưng nghỉ để kỷ niệm, nâng đỡ chúng ta trong tình cảm của các Kitô hữu tiên khởi, hướng về quá khứ và kêu lên: "Chúa đã sống lại thật' (Lc 24,34) và hướng về tương lai: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Xin hãy đến mau!" (Kh 22,20).

Louis Bouyer
Thứ Năm 12-4

Chân Phước William Ward

(c. 1641)
W
illiam Ward sinh ở Anh Quốc vào khoảng năm 1560 với tên họ là Webster trong một gia đình theo Tin Lành. Khi thực hiện cuộc hành trình sang Tây Ban Nha với một người bạn Công Giáo, lúc ấy ngài đã là một thầy giáo trẻ. Ở đây, ngài trở lại đạo Công Giáo, và khi trở về nước, ngài hoán cải chính mẹ mình. Vì công khai tuyên xưng đức tin, ngài bị giam cầm nhiều lần.
Vào năm 40 tuổi, ngài sang Douai, nước Pháp để học làm linh mục. Sau khi được thụ phong và lấy tên là Cha William Ward, ngài được đưa sang Tô Cách Lan. Khi vừa đến đây, ngay lập tức ngài bị cầm tù trong ba năm.
Trong 30 năm kế tiếp, ngài sống ở ngoại ô Luân Ðôn, bí mật phục vụ người Công Giáo và nổi tiếng là một linh mục thánh thiện với sự quan tâm đặc biệt đến người nghèo. Vì lý do đó, ngài thường bị cầm tù hoặc bị trục xuất khỏi nước. Sau cùng, ngài bị phản bội bởi một tay chuyên săn bắt linh mục và bị giam trong Ngục Newgate.
Bị kết án tử hình bằng cách treo cổ và phanh thây, ngài từ trần ngày 26 tháng Bảy 1641 sau khi thốt ra những lời: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con!"
Cha William được phong chân phước năm 1929 cùng với 162 vị tử đạo Anh Quốc khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét