Trang

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

THỨ TƯ TUẦN II MÙA PHỤC SINH


Thứ Tư sau Chúa nhật II Phục Sinh
Cv 5,17-26 ; Tv 33 ; Ga 3,16-21.

Bài đọc                                    Cv 5,17-21

17 Bấy giờ, vị thượng tế cùng tất cả những người theo ông -tức là phái Xa-đốc- ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, 18 họ bắt các Tông Đồ, nhốt vào nhà tù công cộng.
19 Nhưng ban đêm thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói : 20 "Các ông hãy đi, vào đứng trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống." 21 Nghe thế, các ông vào Đền Thờ ngay từ lúc rạng đông và bắt đầu giảng dạy.
Vị thượng tế cùng những người kề cận đến và triệu tập Thượng Hội Đồng và toàn thể viện bô lão Ít-ra-en, rồi sai người vào nhà giam điệu các Tông Đồ tới. 22 Nhưng khi thuộc hạ đến, họ không thấy các ông trong ngục. Họ trở về báo cáo 23 rằng : "Chúng tôi thấy ngục đóng kỹ lưỡng và những người lính canh đứng ở cửa ; nhưng khi mở cửa ra, chúng tôi không thấy ai ở bên trong." 24 Nghe những lời ấy, viên lãnh binh Đền Thờ và các thượng tế phân vân về các ông, không biết chuyện gì xảy ra. 25 Bấy giờ có một người đến báo cáo cho họ : "Những người các ông đã tống ngục, kìa họ đang đứng trong Đền Thờ và giảng dạy cho dân !" 26 Viên lãnh binh bèn đi với bọn thuộc hạ và điệu các ông về, nhưng không dùng bạo lực vì sợ bị dân ném đá.




Đáp ca                                     Tv 33,2-3.4-5.6-7.8-9 (Đ. c. 7a)

Đáp :    Kẻ nghèo này kêu xin, và Chúa đã nhận lời.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

2          Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
            câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
3          Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
            xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.                  Đ.

4          Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa,
            ta đồng thanh tán tụng danh Người.
5          Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại,
            giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.                        Đ.

6          Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở,
            không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
7          Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời,
            cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.                                Đ.

8          Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh
            để giải thoát những ai kính sợ Người.
9          Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy :
            hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người !                       Đ.



Tung hô Tin Mừng                 Ga 3,16

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Ga 3,16-21

16     Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)


Suy Niệm :
Bóng tối đồng lõa với tội lỗi. Ði trong bóng tối có nguy cơ dẫn người ta tới hiểm nguy. Sống trong tội lỗi, là sống trong bất hạnh. Ánh sáng đem lại niềm vui. Bước đi trong ánh sáng là bảo đảm tiến thẳng tới cùng đích. Ðức Giêsu được Cha sai đến đem ánh sáng cho thế gian. Ai dám chấp nhận ánh sáng, sống theo ánh sáng thì được cứu độ. Chấp nhận ánh sáng chiếu soi là chấp nhận để Thánh Thần của Ðức Giêsu kết án tối tăm, mờ ám, gian trá, mưu mô trong con người, để được dẫn đưa vào niềm ánh sáng vinh quang của Ðức Giêsu Phục Sinh.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con đừng khép kín lòng mình để sống trong mờ ám tội lỗi, nhưng biết mở lòng ra đón nhận ánh sáng của Chúa. Sống theo ánh sáng, theo sự thật, chúng con sẽ phải hy sinh, từ bỏ mình. Tự nhiên, chúng con sẽ thấy khó chịu, vì bản tính của chúng con dễ dàng đồng lõa với những lôi cuốn của trần gian, tiền tài, danh vọng. Xin cho chúng con được sức mạnh của Chúa, để chúng con biết đem ánh sáng chân lý đến cho gia đình, khu xóm, giáo xứ của chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)


Sự Sáng Ðã Ðến Thế Gian

Trong một tờ báo lưu hành nội bộ nói về thời sự mà ai được xem qua có lẽ cũng sẽ nhớ mãi. Ðoạn phim thuật lại tai nạn không lưu tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ vào năm 1982. Một máy bay vừa cất cánh khỏi phi đạo vài trăm thước bỗng nhiên đâm sầm xuống dòng sông Potamac. Sự việc xảy ra quá đột ngột khiến ống kính truyền hình cũng chẳng kịp thu lại diễn tiến này. Chỉ còn lại cho người xem thấy được đoạn cuối của sự việc lúc chiếc máy bay đang chìm dần xuống dòng sông. Một ít người may mắn thoát ra được khỏi máy bay. Giữa đám người đang cố vùng vẫy, ngoi ngóp tìm kiếm sự sống còn này nổi bật hẳn lên khuôn mặt của một người đàn ông với hàng ria mép rậm. Xem cách bơi thì chắc chắn ông không phải là người giỏi về bơi lội, thế mà ông cứ lẩn quẩn mãi ở chỗ xảy ra tai nạn, chẳng chịu bơi vào bờ. Chiếc trực thăng cấp cứu xà tới, và như thế vóc người to lớn của ông trở thành tâm điểm để người ta ném phao cấp cứu. Thế nhưng, mỗi lần chiếc phao tới thì ông lại đẩy sang cho người bên cạnh, sau ba lần nhường phao như vậy, ông bắt đầu đuối nhưng ông vẫn cố gắng và lần sau cùng thì người ông đã từ từ mất hút giữa dòng sông.
Anh chị em thân mến!
Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của đức ái. Hy sinh cho người xa lạ là một điều đáng khâm phục trong yêu thương. Sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác được sống quả là một hình ảnh diễn tả tuyệt vời của tình yêu.
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Gioan đã khẳng định: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nổi đã ban Con Một Ngài. Nếu ai tin vào Con Một Ngài thì không phải hư mất, nhưng được cứu độ". Người Con đã cứu thoát thế gian bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên Thập Giá là bộc lộ tận cùng của tình yêu.
Tuy nhiên, nếu Ngài chết đi mà không sống lại thì vẫn chưa diễn tả trọn vẹn khuôn mặt của Thiên Chúa trong tình yêu. Sự Phục Sinh của Ðức Kitô nói lên quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời tô điểm thêm ý nghĩa cái chết của Ngài.
Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu thế gian không cần phải làm người hoặc chết trên Thập Giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì muốn cho con người có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thức loài người.
"Hy sinh vì người mình yêu". Khi cống hiến cho người cảm nghiệm được tình yêu Ngài, Thiên Chúa không muốn gì hơn là sự đáp trả. Tình yêu nào mà chẳng cần đáp trả, chính do thái độ đáp trả hay chối từ mà con người bị luật phạt hay không, vì Thiên Chúa không sai Con người đến để xử án thế gian nhưng nhờ Ngài mà được cứu rỗi. Ðức Kitô là mặt trời công chính, Ngài đến với hết mọi người, đặc biệt là những người đang bị vây hãm trong bóng tối tội lỗi. Ngài không kết án họ, nhưng luôn giang rộng đôi tay đón mời họ trở về.
Tội lỗi và yếu đuối là thân phận con người, nhưng nếu con người vẫn cứ ẩn mình trong tội lỗi, thích bóng tối hơn sự sáng, thì chắc chắn họ sẽ bị luật phạt. Biệt phái và luật sĩ bị Chúa Giêsu khiển trách nặng nề vì họ cố chấp trong sai lầm, không dám đối diện với ánh sáng, sợ rằng việc làm của mình sẽ bị phơi bày. Chúa Giêsu đã chỉ trích cho họ thấy khiếm khuyết nhưng họ vẫn cứng lòng. Thế nên, về sau, những lời chúc dữ "khốn cho các ngươi" được dành cho họ hoàn toàn.
Lạy Chúa, đối diện với sự thật, với ánh sáng có lẽ ai trong chúng con cũng ngại ngùng muốn lẩn trốn vì sợ các việc làm xấu xa của mình bị phơi bày. Xin cho chúng con nhớ rằng Chúa đến không để luật phạt, nhưng để cho chúng con được sống. Xin cho chúng con mạnh dạn tiến bước tới nguồn ánh sáng của Chúa để tâm hồn chúng con được thanh tẩy nên trong sáng vẹn tuyền. Amen.

(Veritas Asia)

Kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng (Ga 3, 21)
Suy niệm: 
Tiếp tục bài giáo lý về việc tái sinh: hậu quả của việc chịu sinh lại hay không chịu sinh lại.
Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu sinh lại thì phải hư mất: bị luận phạt.
Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa cũng không hề muốn luận phạt thế gian, không muốn để cho hư mất, mà chỉ muốn cứu thế gian.
Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con: chịu sinh lại bởi đức tin, thì được cứu; kẻ không tin: không chịu sinh lại, thì bị luận phạt.
Sự hư mất (luận phạt) là do chính những người ấy tự chọn cho mình. Cũng giống như một nguồn sáng đã đến trong màn đêm tối tăm, ai muốn sáng thì tới với nguồn sáng đó, kẻ không tới thì phải ở mãi trong bóng tối.
Suy gẫm
Dĩ nhiên được cứu thì tốt hơn là bị hư mất, trong ánh sáng thì hạnh phúc hơn trong tăm tối. Một người đang chìm muốn được cứu sống thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên. Người muốn sáng thì phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy một thực trạng đó là những người “yêu tối tăm hơn sự sáng, đó là những người hành động xấu xa, họ không đến cùng sự sáng vì sợ những việc làm của mình bị khiển trách. Và Chúa Giêsu khuyên ta hãy can đảm yêu sự sáng, mạnh dạn bước ra ánh sáng để hành động của họ được sáng tỏ.
Trong tôi cũng có bóng tối. Đó là những hành động xấu xa. Tự nhiên tôi muốn che giấu, tôi sợ bước ra ánh sáng. Nhưng như thế tôi không bao giờ được cứu, như thế là tôi tự luận phạt mình, tự để mình bị hư mất. Hãy yêu sự sáng, hãy cam đảm bước ra sự sáng để ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại: không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của ánh sáng.
Chú bé cùng với bố đang đi trên một con đường mòn trong đêm dày đặc, trên tay chỉ có cây đèn nhỏ, bóng đêm trước mặt gây cho chú cảm giác sợ hãi mơ hồ. Chú nói với bố: “Bố ơi! chiếc đèn này chỉ chiếu sáng chút xíu trên đường, con sợ quá!” Bố đáp: “Con ạ! Ánh sáng này hơi yếu, nhưng nó cũng đủ soi cho con đi đến cuối đường.”
Đời sống Kitô hữu cũng đang trên hành trình mà có thể cũng gặp nhiều bóng tối, nhưng Chúa luôn ban đủ ánh sáng cho mỗi bước đi, và ta cũng chỉ cần bấy nhiêu. Đôi khi chúng ta cảm thấy đèn không đủ sáng nhưng chắc chắn một điều: ánh sáng đó không bao giờ tắt. Nếu ta lên đường, ánh sáng đó đủ soi cho ta đi đến cuối đường đời. Thiên Chúa bao giờ cũng muốn cứu chúng ta. Ngài ban đủ mọi phương tiện cho ta sử dụng để được cứu. Kẻ hư mất là kẻ thiếu cương quyết rời bỏ bóng tối để bước ra ánh sáng.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin tha thứ và giúp chúng con vượt thắng những bóng tối của ích kỷ, bóng tối của gian tham đang làm chúng con xa Chúa và xa rời anh em. Xin cho chúng con cũng trở thành ánh sáng của nhau. Ánh sáng của con người ngay thẳng, không gian tham, không xảo quyệt. Ánh sáng của bác ái yêu thương, biết đối xử nhân ái với nhau. Thế giới ngày nay rất cần ánh sáng của niềm tin để xoá tan nghị kỵ hiểu lầm, cần ánh sáng của tình yêu để cảm thông nâng đỡ nhau, cần ánh sáng của bao dung để xoá bỏ hận thù, chiến tranh. Xin chiếu dọi ánh sáng trên chúng con để chúng con nhận ra nhau là anh chị em. Xin soi sáng và mở rộng lòng chúng con, để chúng con nhận ra đâu là sự sáng đích thực của Chúa và can đảm theo Ngài.
SUY NIỆM
Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.
Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt,
hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng,  
chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người,
không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.
Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn,
hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.
Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.
May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các kitô hữu.
Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.
Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.
Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).
Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động :
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).
Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ.
Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa,
Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu,
và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.
Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).
Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.
Nơi máng cỏ Belem hay nơi đồi Sọ,
ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.
Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.
Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy
qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.
 Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa,
là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.
Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).
Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.
Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa,
bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.
LỜI NGUYỆN
 Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.
Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.
Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.
Ước gì con có đủ can đảm
để dám nhìn thẳng vào những bóng mờ trong đời con.
Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
18/04/12 THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Ga 3,16-21
NGÀI LÀ ÁNH SÁNG TÌNH YÊU

“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian… để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ .” (Ga 3,17)

Suy niệm: Trên đời có nhiều thứ bóng tối còn tối hơn cả.. đêm ba mươi: bóng tối của nghi ngờ, bóng tối của tuyệt vọng, bóng tối của sự chết... Đức Giêsu là ánh sáng đến trần gian đưa ta khỏi tình trạng đoán mò về chân tướng của Thiên Chúa. Ngài cứu vớt ta khỏi tình trạng bi quan, thất vọng về thân phận tội lỗi. Ngài giải thoát ta khỏi nỗi sợ về bóng tối sự chết vì từ nay sự chết của Ngài là cửa dẫn ta đến sự sống vĩnh cửu: “Sự sống lại của Đức Giêsu là một sự tuôn trào của Ánh Sáng. Cái chết bị chinh phục, cửa mồ bị mở toang. Đấng Phục Sinh chính là Ánh Sáng, Ánh Sáng của trần gian. Với sự sống lại, ngày của Thiên Chúa bước vào những đêm tối của lịch sử. Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa khắp thế gian… Chỉ có Ánh Sáng này, Chúa Giêsu Kitô, là ánh sáng thật” (Đức Bênêđitô XVI).

Mời Bạn: Nhiều lúc bạn thích ẩn mình trong bóng tối vì bạn cảm thấy yên hàn khi sống trong bóng đêm của tội, của những ý nghĩ, dự định đen tối. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn quy chiếu cuộc sống mình vào Đức Kitô, để nhờ ánh sáng phục sinh của Ngài “thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,21).

Sống Lời Chúa: Ngày này qua ngày khác, tôi sẽ cố gắng duy trì và lập lại niềm tin nơi Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc nhân loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật không dễ dàng để dứt ra khỏi tình trạng “tăm tối” của mình. Xin ban cho chúng con tình yêu và nghị lực, để khi nhận ra ánh sáng của đức tin và sự thật, chúng con mạnh dạn tiến bước và trở về với Chúa. Amen.

Con người ghét ánh sáng vì các việc làm của họ mờ ám
Bài đọc: Acts 5:17-26; Jn 3:16-21.
Thiên Chúa dựng nên con người có khả năng tìm ra sự thật. Sở dĩ con người không chịu nhìn nhận sự thật là vì họ muốn ở trong sự tăm tối để người ta đừng nhận ra những việc làm mờ ám của họ.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự tối tăm này nơi con người. Trong Bài Đọc I, vì ghen tức, vị Thượng Tế và những người thuộc Nhóm Sadducees cho bỏ tù các tông đồ. Họ ghen tức vì dân chúng trước đây nghe theo họ, giờ chạy theo để nghe lời giảng dạy của các tông đồ. Họ nhân danh bảo vệ Lề Luật để bỏ tù các tông đồ, nhưng thực ra chỉ là để che đậy ý đồ đen tối của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu, sau khi tuyên bố tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, đã cắt nghĩa lý do tại sao con người ngoan cố không chịu ra ánh sáng: họ muốn che dấu những việc làm mờ ám của họ. Nếu họ phải ra ánh sáng, người khác sẽ nhìn thấy những việc mờ ám này; và vì vậy, tông tích họ bị lộ tẩy.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì ghen tức, họ bắt các Tông Đồ và nhốt vào nhà tù công cộng.
1.1/ Xung đột giữa uy quyền của Thiên Chúa và sức mạnh của con người: Thiên Chúa, Đấng dựng nên và đang điều khiển muôn vật, trao trái đất cho con người quản lý; nhưng nhiều người đã sai lầm khi nghĩ: chính con người làm chủ trái đất này. Vì thế, luôn hiện diện một sự xung đột giữa Thiên Chúa và con người trong thế giới: Con người muốn thay Thiên Chúa quyết định mọi sự. Một ví dụ xảy ra trong Bài Đọc hôm nay:
(1) Con người đàn áp và bưng bít sự thật: “Bấy giờ, vị Thượng Tế cùng tất cả những người theo ông - tức là phái Sadducees - ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ và nhốt vào nhà tù công cộng.”
(2) Thiên Chúa giải thóat và truyền cho các tông đồ phải rao giảng sự thật: “Nhưng ban đêm thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói: "Các ông hãy đi, vào đứng trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống."
1.2/ Lựa chọn của con người: theo Thiên Chúa hay theo thế gian?
(1) Các tông đồ chọn để làm theo những gì Thiên Chúa truyền: Các ông khinh thường roi đòn và ngục tù của quyền lực thế gian để rao giảng Tin Mừng như thiên sứ truyền dạy. Tại sao các ông có thể làm được những điều này trong khi bao con người sợ hãi và trốn tránh? Thưa vì các ông đã nhìn thấy rõ uy quyền của Thiên Chúa hơn hẳn mọi quyền lực của con người: Thiên sứ của Đức Chúa đã đưa các ông ra khỏi ngục khi lính vẫn canh và cửa tù vẫn đóng. Hơn nữa, các ông đã nhìn thấy rõ sự thật của Đức Kitô và sự sai trái của Thượng Hội Đồng. Các ông chắc cũng đã tự hỏi: Tại sao lại cứ phải tiếp tục làm nô lệ cho sự sai trái, mà không để cho sự thật giải phóng các ông. Vì thế, khi có cơ hội là các ông loan báo sự thật và vạch trần sự sai trái.
Dân chúng cũng chọn theo sự thật của các tông đồ giảng dạy. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, “chẳng có gì giấu kín mà không được tiết lộ.” Sự thật sẽ có lúc được tiết lộ, con người không thể bưng bít mãi sự thật. Tuy là “dân đen ít học,” nhưng họ vẫn còn có khôn ngoan Thiên Chúa ban để nhận ra sự thật. Họ không ngu dốt đến độ cứ bị đánh lừa để xỏ mũi kéo đi mãi. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai đích thực Thiên Chúa gởi đến để cứu chuộc con người; họ cũng nhận ra sự mờ ám của những người trong Thượng Hội Đồng, họ thủ tiêu Chúa Giêsu chỉ vì ghen tức mà thôi. Một khi dân chúng đã nhận ra sự thực, những kẻ làm điều sai sẽ mất uy quyền cai trị và phải coi chừng kẻo bị dân chúng ném đá.
(2) Các người thuộc Thượng Hội Đồng tiếp tục ở trong bóng tối: Sách CVTĐ viết: “Nhưng khi thuộc hạ đến, họ không thấy các ông trong ngục. Họ trở về báo cáo rằng: "Chúng tôi thấy ngục đóng kỹ lưỡng và những người lính canh đứng ở cửa; nhưng khi mở cửa ra, chúng tôi không thấy ai ở bên trong." Nghe những lời ấy, viên lãnh binh Đền Thờ và các thượng tế phân vân về các ông, không biết chuyện gì xảy ra.” Họ phân vân về những chuyện xảy ra, “ngục vẫn đóng, làm sao các ông có thể thoát ra?” Nếu họ chịu khó để sự thật hướng dẫn, họ sẽ hiểu chính uy quyền của Thiên Chúa đã giải thoát các tông đồ, và họ sẽ không tiếp tục chống lại Ngài nữa.
Nhưng họ vẫn cứng lòng và không thay đổi thái độ đối với các tông đồ: “Viên lãnh binh bèn đi với bọn thuộc hạ và điệu các ông về, nhưng không dùng bạo lực vì sợ bị dân ném đá.” Có một sự khôi hài xảy ra ở đây: Lẽ ra các tông đồ là những người phải sợ họ; nhưng giờ đây họ trở thành những người sợ dân chúng ném đá. Có lẽ họ biết có gì khác thường xảy ra, nhưng vẫn không quan tâm để ý tới, vì đã quá quen thói dùng sức mạnh để đàn áp người vô tội.
2/ Phúc Âm: Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng.
2.1/ Thiên Chúa yêu thương con người: Chúa Giêsu xác tín tình yêu Thiên Chúa dành cho con người khi Ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Mục đích của Thiên Chúa khi sai Người Con đến thế gian, không phải là để lên án thế gian; nhưng là để cứu độ thế gian. Một Thiên Chúa đã yêu thương nhân lọai đến độ hy sinh Người Con Một của mình, điều này chứng tỏ Ngài không nghĩ đến việc lên án, mà chỉ nghĩ đến việc cứu chuộc. Nếu Thiên Chúa không lên án, tại sao vẫn có người phải hư mất? Thực tế, con người lên án chính mình khi quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa và không tin vào Đức Kitô.
2.2/ Xung đột giữa ánh sáng và bóng tối: là sự xung đột thể lý, những gì mà con người thấy được. Chúa Giêsu được ví như ánh sáng đến để xua tan bóng tối đang bao trùm thế gian. Con người có quyền tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận ra ngòai ánh sáng: tin vào Chúa Kitô, hoặc chấp nhận ở trong bóng tối: không tin vào Chúa Kitô. Chính sự lựa chọn này mà con người được cứu độ hay bị lên án.
Đàng sau sự xung đột thể lý là sự xung đột luân lý: giữa sự thiện và sự ác, như Chúa Giêsu nói: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” Chúa Giêsu muốn nói lý do tại sao con người không chấp nhận ánh sáng không phải vì họ không biết ánh sáng tốt lành và lợi ích, nhưng vì có những điều ác (tội lỗi) họ đã quá quen thuộc và không muốn từ bỏ. Nếu chọn ra ngòai ánh sáng hay tin vào Chúa Kitô, họ phải chấp nhận bỏ những điều này. Sau cùng, đây là sự xung đột tâm linh: giữa Thiên Chúa và thế gian. Thiên Chúa muốn cứu độ con người trong khi ma quỉ và các quyền lực thế gian muốn lôi kéo con người về phía chúng. Để thuộc về Thiên Chúa, con người phải “đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta luôn bị đặt trong tình trạng xung đột giữa ánh sáng và bóng tối, giữa uy quyền Thiên Chúa và sức mạnh của ma quỉ và thế gian, cho đến ngày chúng ta từ giã cuộc đời này.
- Chúng ta luôn bị đặt phải lựa chọn để sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa hay tiêu chuẩn của thế gian. Chúa Giêsu báo trước đau khổ nếu chúng ta chọn sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Họ sẽ ghét anh em vì anh em không thuộc về họ.
- Ngài cũng báo trước cho chúng ta sự toàn thắng của lối sống theo Thiên Chúa: “Trong thế gian, anh em sẽ bị người đời ghét bỏ; nhưng đừng sợ vì Thầy đã thắng thế gian.”
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.


Lời Chúa Trong Gia Đình
Cv 5, 17-26; Ga: 3, 16-21.
LỜI SUY NIỆM: Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. (Ga 3, 17).
          Trong mọi tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng. Con người là tạo vật được Ngài ưu ái một cách đặc biệt, Ngài dựng nên con người mang “Hình ảnh của Ngài.”
Sau khi con người lỗi phạm với Thiên Chúa, Con người lẫn tránh Ngài, nhưng Ngài vẫn một lòng yêu thương, Ngài tìm đủ mọi cách để cứu giúp con người quay lại với Ngài để được sống.
“Thiên Chúa đổ tràn trề phúc lành, vì Ngài không bao gờ làm việc nửa vời” (Đnl 28,1-14)
Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu đến trên trần gian cũng chỉ vì yêu thương con người và muốn cứu tất cả để họ được sống, chứ không phải lên án thế gian. Muốn được như vậy, trong cuộc sống của mỗi người phải tin Ngài là Con Thiên Chúa, từ Thiên Chúa mà đến để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Biết nhìn vào Chúa Giêsu với tất cả tình yêu và tôn kính. Vâng nghe giáo huấn của Ngài, học với Ngài cách sống như Ngài đã sống với Chúa Cha, để rồi sống với tha nhân và phục vụ tha nhân vì yêu mến Ngài.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18 Tháng Tư
Ðôi Tay Cầu Nguyện

Albrecht Durer là một họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của nước Ðức vào thế kỷ thứ 16. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh "Ðôi tay cầu nguyện".
Sự tích của họa phẩm này như sau: Thuở hàn vi, Durer kết nghĩa với một người bạn chí thân. Cả hai đã thề thốt là sẽ giúp nhau trở thành họa sĩ. Ðể thực hiện ước nguyện đó, người bạn của Durer đã chấp nhận làm thuê làm mướn đủ cách để kiếm tiền cho Durer ăn học thành tài. Theo thỏa thuận, sau khi đã thành công, Durer cũng sẽ dùng tiền bạc của mình để giúp cho người bạn ăn học cho đến khi thành đạt.
Thế nhưng khi Durer đã thành tài, danh tiếng của anh bắt đầu lên, thì đôi tay của người bạn cũng đã ra chai cứng vì lam lũ vất vả, khiến anh không thể nào cầm cọ để học vẽ nữa.
Một ngày nọ, tình cờ bắt gặp đôi tay của người bạn đang chắp lại trong tư thế cầu nguyện, Durer nghĩ thầm: "Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng khiếu cho đôi bàn tay này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và lòng biết ơn của ta bằng cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn ca tụng đôi bàn tay thanh cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người bạn".
Thế là kể từ hôm đó, Durer đã để hết tâm trí vào việc thực hiện bức tranh đó. Ðó không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là tất cả tình yêu và lòng biết ơn mà ông muốn nói lên với một người bạn. Bức tranh đã trở thành bất hủ, nhưng càng bất hủ hơn nữa đó là tấm lòng vàng của người bạn và tâm tình tri ân của nhà họa sĩ.
Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà mà mọi người đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà ta bị xếp vào loại người tội lỗi... Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn bà đã tiến đến bên Chúa Giêsu, đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa Giêsu và dùng tóc lau chân Ngài.
Nhiều người xì xào, tỏ vẻ khó chịu. Chúa Giêsu đã lên tiếng biện minh cho người đàn bà và Ngài đã tiên đoán: nơi nào tin Mừng được loan báo thì nơi đó cử chỉ của người đàn bà được nhắc tới.
Qua lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: tất cả mọi nghĩa cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu và làm cho mọi người nhỏ mọn đến đâu, cũng được ghi nhớ muôn đời.
Tiền của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng những việc làm bác ái luôn có giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã nói: trong ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, chỉ có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đời.
Cuộc đời của mỗi người Kitô chúng ta cũng giống như một bức tranh cần được hoàn thành. Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác là một đường nét chúng ta thêm vào cho bức tranh. Khuôn mặt của chúng ta có thể khô cằn, hoặc rướm máu vì những cày xéo của những thử thách, khó khăn, đôi tay của chúng ta có thể khô cứng vì những quảng đại, quên mình. Tuy nhiên, những đường nét bác ái sẽ làm cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử...
(Lẽ Sống)
Ngày 18

Ngài làm cho chúng ta thành một dân tộc chứng nhân

Nếu như chúng ta không thấy, chứng cứ của những người nhìn thấy, đã đến với chúng ta. Họ đã xác nhận và nói với với chúng ta tại sao họ lại tin. Chúng ta đón nhận chứng cứ của họ, và Thánh Thẩn của Đức Kitô phục sinh đã ban cho chúng ta đức tin.

Chứng cứ này đã đi qua nhiều thế kỷ, ngày nay cũng thế niềm tin của chúng ta cắm rễ sâu trong niềm tin của các Tông đồ. Vì thế, Giáo hội là tông truyền, chỉ vì đức tin của các Tông đồ như khuôn mẫu cho niềm tin của chúng ta.

Cũng còn nhiều người khó chịu. Tỉ như họ đặt câu hỏi: " Tại sao cuộc Phục sinh không được những người không dính dáng gì với Người minh chứng?". "Thật vô nghĩa. Làm thế nào để người không tin vào lời nói của anh: "Đức Giêsu đã phục sinh". Những người này cũng nói mộ trống và vì thế, Đức Giêsu đã sống lại. Sự tự do của niềm tin vẫn như thế. Đồng thời kẻ không tin sẽ tìm tòi trong Tân Ước, có lẽ sẽ tìm được câu hỏi: "Nếu thực như thế." Nếu Đức Giêsu như các môn đệ Người nói Người đang sớng, cũng đặt một câu hỏi đức tin như vậy thì sao?"

Hồng Y Louis-Marie Billé
Thứ Tư 18-4

Chân Phước Pedro de San José Betancur

(1626 - 1667)
P
edro sinh trong một gia đình nghèo ở Tenerife thuộc quần đảo Canary. Ngay từ nhỏ, cậu rất muốn trở thành một linh mục, nhưng Thiên Chúa đã có hoạch định khác cho cậu.
Pedro làm nghề chăn cừu cho đến khi 24 tuổi, anh thực hiện cuộc du hành sang Guatemala, hy vọng sẽ tìm được một người bà con đang làm việc cho chính phủ ở đây. Nhưng mới đến Havana, anh đã cạn hết tiền. Sau khi phải làm việc để kiếm thêm tài chánh, mãi một năm sau anh mới đến thủ đô Guatemala. Ðến nơi, anh quá túng thiếu đến độ phải sống nhờ vào nhà phát chẩn của dòng Phanxicô.
Sau đó không lâu, Pedro ghi tên theo học trường Dòng Tên với hy vọng sẽ trở thành một linh mục. Nhưng dù cố gắng đến đâu đi nữa, anh vẫn không thể tinh thông các môn học; do đó anh phải bỏ dở. Năm 1655 anh gia nhập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ba năm sau thầy Pedro mở một chẩn y viện cho người nghèo; một trung tâm cho người vô gia cư và sau đó ít lâu, thầy mở một trường học cho các trẻ em nghèo. Cũng không quên đến người giầu có ở thủ đô Guatemala, thầy đi vào khu phố của họ, vừa rung chuông vừa kêu gọi họ ăn năn sám hối.
Dần dà nhiều người khác đến chia sẻ công việc của Pedro. Không bao lâu, họ thành lập Tu Hội Bêlem mà tu hội này đã được Tòa Thánh chính thức công nhận sau khi Thầy Pedro từ trần.
Thầy thường được coi là người khởi xướng hoạt cảnh Ðêm Giáng Sinh, trong đó Ðức Maria và Thánh Giuse đi từng nhà để tìm chỗ trọ. Truyền thống này lan ra tới Mễ Tây Cơ và các quốc gia Trung Mỹ cho đến ngày nay.
Thầy được phong chân phước năm 1980.

Lời Trích

Ðề cập đến Thầy Pedro và bốn vị khác cùng được phong chân phước với thầy, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Thiên Chúa rộng rãi ban phát cho họ sự nhân hậu và lòng thương xót của Ngài cũng như ban cho họ tràn đầy ơn sủng; Thiên Chúa yêu thương họ với tình yêu của một người cha, nhưng rất đòi hỏi, mà sự hứa hẹn chỉ là những khổ nhọc và đau thương. Thiên Chúa mời gọi họ sống cuộc đời thánh thiện cách anh hùng; Ngài lôi họ ra khỏi quê hương và gửi họ đến các phần đất xa lạ để loan truyền phúc âm, giữa những khó khăn và cực nhọc không thể diễn tả được"(L'Observatore Romano).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét