Trang

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

THỨ BA TUẦN II MÙA PHỤC SINH


Thứ Ba sau Chúa nhật II Phục Sinh
Cv 4,32-37 ; Tv 92 ; Ga 3,7b-15.

Bài đọc                                    Cv 4,32-37

32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.
33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.
36 Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp. 37 Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.



Đáp ca                                     Tv 92,1ab.1c-2.5 (Đ. c. 1a)

Đáp :    Chúa là Vua hiển trị,
Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

1ab      Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào,
            Người lấy dũng lực làm cân đai.                                              Đ.

1c        Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển.
2          Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa :
            Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời.                                            Đ.

5          Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài thật là bền vững,
            nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện
            triền miên qua mọi thời.                                                           Đ.



Tung hô Tin Mừng                 x. Ga 3,15

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Con Người sẽ phải được giương cao, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Ga 3,7b-15

7  Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."
9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người : "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?" 10 Đức Giê-su đáp : "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy ! 11 Thật, tôi bảo thật ông : chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ?" 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)

Suy Niệm:
Trong Cựu Ước, hình ảnh con rắn đồng được Môisê treo lên là dấu hiệu cứu độ: Ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng với niềm tin vào Thiên Chúa thì được cứu.
Ðể được cứu, loài người cũng phải nhìn lên Ðức Giêsu. Con Thiên Chúa được giương cao trên thập giá, nghĩa là phải tin vào Người. Niềm tin của chúng ta không chỉ là tuyên xưng nơi môi miệng mà bằng chính cuộc sống cụ thể với Chúa và với mọi người.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn tự xưng mình là người Kitô hữu, là người có niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô. Thế nhưng chúng con đã sống và thể hiện niềm tin đó như thế nào, để cho những người chúng con gặp gỡ, nhận ra được sự hiện diện của Chúa trong chúng con? Xin Chúa củng cố đức tin cho chúng con. Xin cho đức tin ấy mỗi ngày một lớn lên và chiếu tỏa ra anh chị em chúng con. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Chúa Giảng Dạy Trong Ðền Thờ

Một tờ báo Công giáo địa phương ở Chicago có đăng trong chương trình "sống đạo" mẩu chuyện như sau: có đôi vợ chồng chung sống với nhau được ba mặt con. Người chồng cũng là người Công giáo, nhưng chủ trương cuộc đời chỉ có ba lần đến nhà thờ: "Rửa tội, lễ cưới và sau khi chết". Ngược lại, người vợ là một tín đồ ngoan đạo, đêm ngày bà cầu nguyện cho chồng. Lời cầu nguyện của bà hầu như vô vọng khi người chồng đổi công việc làm ăn ở tiểu bang Texas, miền Nam Hoa Kỳ.
Suốt ba tháng trời, bà và các con chẳng được tin tức gì của chồng, nếu có chăng nữa thì cũng chỉ là những tin buồn do người quen kể lại. Họ nói rằng chồng của bà kể như hư đốn hoàn toàn. Ông ta đã sa vào cảnh cờ bạc, rượu chè, chẳng còn nhớ đến ai. Mấy tin tức như thế đã làm cho bà thêm lo lắng xao xuyến. Tuy nhiên, không vì thế mà bà quên cầu nguyện.
Bỗng một đêm kia, khi gia đình đã hoàn toàn chìm vào giấc ngủ, bà nhận được một cú điện thoại từ xa gọi về. Bên kia đầu dây là giọng nói thổn thức của người chồng từ Texas gọi về cho bà. Ông ta đã nói với bà như sau: "Em yêu dấu! Ðây là lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã thành tâm quì gối cầu nguyện. Anh đã quì gối không phải trong nhà thờ hoặc một nơi thánh nào đó. Nhưng anh đã quì gối ngay tại chốn ăn chơi. Các bạn anh cười nhạo tưởng anh đã hóa khùng. Có thể đúng. Anh đang khùng, khùng vì Ðức Kitô, vì anh đã trở về với Ngài".
Anh chị em thân mến!
Trong lúc tưởng chừng như sự việc không còn cách gì để cứu vãn, thì lòng tin bền bỉ của người đàn bà được Thiên Chúa đáp lời. Một lời đáp thật bất ngờ dưới con mắt người đời: "Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió nhưng chẳng biết gió từ đâu mà đến và sẽ đi đâu". Những câu hỏi: nơi nào, khi nào, và thế nào đã được con người đặt ra cho Thiên Chúa chắc chắn là những câu hỏi chẳng bao giờ con người được thỏa mãn vì những sự việc dưới đất họ chưa hiểu hết thì làm sao có thể hiểu được những việc trên trời.
Tuy nhiên, dù cho đang lần mò trong tăm tối của hiểu biết như thế, con người vẫn không bị thất vọng, lạc lối, vì luôn luôn Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ một lối đi dẫn tới vĩnh cửu. Ðường lối ấy do chính Con Một Thiên Chúa từ trời cao xuống vạch ra cho tất cả loài người. Hết thảy mọi người đều được kêu mời đến.
Như ngày xưa, Môisen đã treo con rắn đồng trên sa mạc để cho dân được chữa lành thì hôm nay Con Một Thiên Chúa cũng được treo trên cao để mọi người được cứu thoát. Ngài được treo trên cao cho hết mọi người nhìn thấy, Ngài mở lối cho tất cả bước vào nhưng rồi không phải hết thảy đều đạt mục đích.
Một nhân vật thông thái của hội đường Do Thái là Nicôđêmô đang đứng trước ngưỡng cửa dẫn vào lối sống, thế mà ông vẫn chưa tìm được lối vào chỉ vì ông thiếu một điều kiện căn bản: "niềm tin".
Thiếu "niềm tin" mọi hiểu biết đều dẫn đến sai lạc vì mọi vận hành trong vũ trụ này không riêng lẻ độc lập nhưng liên hệ với Ðấng đã tạo thành nó. Niềm tin là chiếc cầu cho phép con người bước từ cõi đất lên cõi trời. Niềm tin là ngọn đèn soi tỏ ý nghĩa của mọi sự vật và mọi biến cố xảy đến. Mọi sự vật và mọi biến cố xảy đến không đơn thuần chỉ là những gì con người có thể cảm biết, còn có những ý nghĩa tàng ẩn đàng sau mà chỉ niềm tin mới vén mở cho con người trọn vẹn ý nghĩa của chúng.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra được những thiếu sót trong vốn hiểu biết mà bấy lâu nay như Nicôđêmô, con vẫn hằng tự mãn bằng lòng. Xin cho con biết rằng chỉ có niềm tin mới ban cho con một sự hiểu biết trọn vẹn ý nghĩa của con. Một cuộc sống không hạn hẹp trong cõi đất nhưng được bắt nguồn từ cõi trời. Amen.

(Veritas Asia)

Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên (Ga 3,7)
Suy niệm: 
Tái sinh là cởi bỏ con người cũ, là trở thành như trẻ thơ, là hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa, là khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, những lý lẽ và phương tiện riêng của mình.
Mục sư Rober Fangum, trong một cuốn sách được xếp vào loại best seller (bán chạy nhất), đã viết: “Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ.” Ông kể ra những bài học vỡ lòng quý giá khi còn ở nhà trẻ như sau:
- Hãy chia sẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.
- Lấy đâu thì trả đó, dọp dẹp những gì mình bày ra, nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.
- Biết ngạc nhiên trước mầu nhiệm của cuộc sống.
Chính Chúa Giêsu cũng dạy: “Nếu các con không nên giống như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời.”
Thực ra biết bao nhiêu lần tôi muốn sinh lại thành con người mới, nhưng lực bất tòng tâm. Đó bởi vì việc sinh lại không chỉ bởi do sức riêng của tôi mà còn phải nhờ ơn Chúa.
“Cảm thấy mình hoàn toàn mới
Được làm mới lại
Như mùa Xuân
Nghị lực tôi bừng tỉnh dậy
Nhuệ khí mới hứa hẹn
Tôi đã ra khỏi mùa Đông
Trở thành trẻ lại
Trở thành nhỏ lại
Để có thể lớn lên (…)
Trở thành không không
Để có thể tái sinh thành người khác.
Nhưng muốn thế, trước tiên phải chết cho con người cũ
với những suy nghĩ cũ và những lề thói cũ
điều này thực khó khi mình đã già
Nhưng rất đáng làm
Phải cởi mở lòng mình như cho thứ men mới:
Đó là Thánh Linh Thiên Chúa, nguồn sống Thần linh…”
Ngày xửa ngày xưa có một con búp bê bằng muối. Một hôm, búp bê muốn học hỏi, khám phá thêm về thế giới bên ngoài, cô ta quyết định làm một chuyến du lịch. Cô đi khắp nơi và học hỏi được nhiều điều hữu ích. Ngày kia, búp bê muối lần mò đến một bờ biển, đứng trước đại dương nhưng không biết đại dương là gì. Tò mò cô ta liền lên tiếng hỏi:
- Ngài là ai vậy?
Đại dương trả lời:
- Tôi không thể nói cho cô biết tôi là ai. Nhưng nếu muốn biết thì cô hãy bước vào trong tôi, lập tức cô sẽ biết.
Tuy hơi sợ nhưng vì tò mò nên búp bê muối từ từ bước vào lòng biển. Càng vào sâu, thân thể búp bê càng từ từ tan biến. Cho đến khi chỉ còn là một hạt muối bé tí, cô mới bắt đầu la lên:
- A! bây giờ tôi mới thực sự biết ngài là ai.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, Chúa đã chết và sống lại, để từ đây khai mở mùa xuân thiên đàng cho nhân loại chúng con. Chúa đã chịu giương cao trên Thập Giá để từ đây chúng con không còn thất vọng trước những khó khăn và thử thách trong cuộc đời. Cái chết và sự Phục sinh của Chúa đã thay đổi lối sống cho nhiều người và qua nhiều thế hệ. Cái chết của Chúa giúp chúng con biết chết đi cho tội lỗi, đam mê lầm lạc và sống lại trong con người mới là con cái Thiên Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết thay đổi đời sống của mình cho phù hợp với phẩm giá làm người và xứng đáng là con cái của Chúa.

SUY NIỆM
Con người hôm nay vừa bị hấp dẫn bởi cái chết,
vừa bị lôi kéo bởi cuộc sống đời này.
Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều tiện nghi thoải mái.
Nó mời chúng ta hưởng thụ, mua sắm, tiêu dùng.
Luôn luôn xuất hiện những mẫu mã mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn.
Con người vất vả làm việc để có thể mua được món hàng do mình chế tạo.
Cuộc sống vừa dễ chịu hơn, vừa mệt mỏi hơn bởi vô số những nhu cầu.
Con người hôm nay có hạnh phúc hơn xưa không ?
Những thức ăn trần thế có đủ làm con người mãn nguyện không ?
Người kitô hữu quý chuộng cuộc sống ở trần thế này,
nhưng họ hiểu tính chất mau qua và tương đối của nó.
Như Đức Giêsu, họ cũng phải đi qua cuộc sống đời này,
nếm đủ mọi mùi vị của phận người, chịu đựng mọi khó khăn thách đố, 
trước khi về với điểm đến chung cục là cuộc sống đời sau.
Thiên đàng, Nước Thiên Chúa hay sự sống vĩnh cửu
là những từ diễn tả hạnh phúc đang chờ đợi người kitô hữu sau cái chết.
Họ biết mình từ đâu đến và biết mình sẽ đi đâu.
Họ biết phân biệt những ga xép với đích đến cuối cùng.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu khẳng định 
chẳng ai được vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Thần Khí.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khẳng định :
“Ai tin vào Con Người thì có sự sống vĩnh cửu” (c.15).
Vào Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với có sự sống vĩnh cửu.
Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc để ai nhìn lên thì được khỏi,

Con Người cũng phải được giương cao để ai tin thì được sự sống vĩnh cửu.
Sự sống vĩnh cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao.
Đức Giêsu được giương cao khi bị treo trên thập giá,
được giương cao khi được Cha phục sinh, 
và được giương cao khi được Cha đưa về trời.
Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời 
nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí, 
được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu.
Kitô hữu là người đang trên đường về quê hương đích thật.
Đấng từ trời xuống nay đã lên trời (c. 13),
và lôi kéo chúng ta lên với Ngài (Ga 12, 32).
Làm thế nào chúng ta thoát khỏi sức kéo xuống của vật chất ?
Làm thế nào chúng ta sống nhẹ nhàng hơn để kéo thế giới quanh ta bay lên ?
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
17/04/12 THỨ BA TUẦN 2 PS
Ga 3,7b-15
THẬP GIÁ SINH ƠN CỨU ĐỘ
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,15)

Suy niệm: Để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại mà Chúa Cha đã trao phó, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết đau thương. Tựa như con rắn đồng bị treo trên cây cột, Đức Giêsu cũng chịu treo trên cây thập giá. Và cũng như con rắn đồng là nguồn sự sống cho người bị rắn cắn, ai nhìn lên Đức Giêsu với lòng tin tưởng sẽ được sống đời đời. Như vậy, nhờ cuộc Khổ nạn-Phục sinh của Ngài, con người được trở nên con cái thân thiết của Thiên Chúa, được sống muôn đời. Mẫu gương của Đức Giêsu chịu treo trên thập giá thúc đẩy “ai muốn theo Chúa, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.” Như vậy, thập giá đã trở thành một điều kiện cần để Chúa ban sự sống thần linh cho những ai muốn theo Ngài, đồng thời thập giá cũng trở thành điều kiện đủ cho những ai muốn theo Ngài.

Mời Bạn: Thập giá chính là những đau khổ, thử thách, khó khăn của cuộc sống và cũng có thể là chướng ngại vật ngăn cản, đe dọa lòng tin yêu của chúng ta đối với Chúa. Bạn đã có thái độ đức tin nào trươc những thập giá cuộc đời?

Chia sẻ: Những lúc gặp đau khổ, bạn có nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá để nhận ra Chúa đang đồng hành với bạn trong mọi cảnh huống cuộc đời không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ phó thác những thập giá của cuộc đời và những lung lay trong niềm tin trong tay Chúa Cha qua việc chiêm ngắm thập giá Đức Giêsu. 

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng quan phòng, Chúa biết rõ những điều gì tốt lành cho chúng con. Xin giúp chúng con vượt mọi thử thách trong niềm cậy trông và tin tưởng hoàn toàn. Amen.

Thánh Thần hoạt động trong mỗi cá nhân và trong cộng đoàn
Bài đọc: Acts 4:32-37; Jn 3:7-15.
Khi con người cùng theo một lý tưởng, một đường hướng, họ dễ hiệp nhất và tương trợ lẫn nhau như: Hội ái hữu các binh chủng không quân, hải quân; các trường trung học Trưng Vương, Gia Long; các làng xã Thức Hóa, Bùi Chu, Phát Diệm… Các Kitô hữu chẳng những có chung một lý tưởng, một đường hướng, mà còn có chung một Thánh Thần. Ngài vừa họat động trong mỗi cá nhân vừa họat động trong cộng đoàn; để hòa hợp tất cả mọi người và thúc đẩy tất cả hoạt động cho lý tưởng mà mọi người đang theo đuổi.
Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa xin Chúa Cha gởi đến cho các môn đệ của Ngài, sau khi Ngài sống lại. Trong Bài Đọc I, nhờ sự hoạt động và hướng dẫn của Thánh Thần, các tông đồ đã can đảm làm chứng cho Đức Kitô, cộng đoàn các tín hữu sơ khởi đã biết dẹp bỏ toan tính cá nhân để bỏ mọi sự làm của chung theo sự hướng dẫn và sự phân phát của các tông đồ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với ông Nicodemus: Chúa Thánh Thần hoạt động giống như gió, không ai có thể biết trước sức mạnh, đường hướng, và các hoạt động của Ngài.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự hiệp nhất trong cộng đòan: mọi người đều đồng một lòng một ý.
1.1/ Sự hiệp nhất biểu lộ qua tất cả đều một lòng một ý: Tục ngữ Việt-nam nhấn mạnh đến sức mạnh của tình đoàn kết: “Hợp quần gây sức mạnh; đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.” Các phần tử của cộng đòan phải đồng một lòng một ý, thì cộng đoàn mới phát triển mạnh được; nếu không các phần tử trong cộng đòan sẽ phân tán mỗi người một ngả, không thể làm những chuyện lớn, và khó đạt đích mà tất cả đang nhắm tới.
Các cộng đòan sơ khai phải có đặc tính này mới có thể vượt qua được những sợ hãi, kỳ thị, và bạo lực; và có sức mạnh để rao giảng Tin Mừng đến các dân tộc. Sách CVTĐ mô tả sự đoàn kết của các cộng đoàn sơ khai như sau: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”
Làm được những điều này không do sức con người, vì tác giả Sách CVTĐ nói rõ: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.”
1.2/ Sự hiệp nhất biểu lộ qua việc đặt “mọi sự làm của chung:” Đây là một mô hình lý tưởng mà biết bao những chủ thuyết: Hồi-giáo, Cộng sản, nền thần học Giải Phóng đang nhắm tới. Tác giả Sách CVTĐ mô tả cách tổng quát và cho một ví dụ cá nhân như sau: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu. Ông Joseph, người được các Tông Đồ đặt tên là Barnaba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lêvi quê quán ở đảo Cyprius. Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.”
Để có thể đạt được kiểu mẫu lý tưởng này, mọi người trong cộng đoàn cần phải:
(1) Theo sự hướng dẫn và hoạt động của Thánh Thần: Mỗi người một cá tính khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần Đấng hoạt động trong mọi sự và trong mọi người.
(2) Theo sự chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo khôn ngoan và tốt lành: Các chủ thuyết khác thất bại vì đã quá tin nơi các nhà lãnh đạo. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng khôn ngoan và “chí công vô tư.” Nếu mọi tài sản của cộng đòan rơi vào tay những nhà lãnh đạo chỉ biết lo cho mình, cộng đoàn sẽ chết đói!
(3) Cần tránh những thái độ quá khích và thái độ “mạnh ai người ấy làm:” Thái độ quá khích và quá lý tưởng sẽ gây bất mãn và chia rẽ trong cộng đoàn, vì không phải ai cũng có khả năng làm như thế. Thái độ “mạnh ai người ấy làm” sẽ đưa cộng đoàn đến chỗ mỗi người đi một ngả.
2/ Phúc Âm: Phải được tái sinh bởi Thánh Thần để hiểu các mầu nhiệm Nước Trời.
2.1/ Phải được tái sinh bởi Thánh Thần:
(1) Không ai có thể tiên đoán các công việc của Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: “Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."
Gió có thể đem sự thoải mái cho con người, tạo năng lực thay điện; nhưng gió có thể tàn phá nặng nề nhà cửa và gây thiệt hại tính mạng cho con người. Không ai có thể đoán chắc gió từ đâu tới và sẽ đi đâu, vì gió có thể chuyển hướng và tăng tốc độ bất cứ lúc nào. Tương tự như thế trong cách hoạt động của Thánh Thần nơi con người: Ngài có thể thay đổi và dẫn một cá nhân hay một cộng đoàn tới một nơi hay một công việc mà họ không bao giờ dám nghĩ tới.
(2) Ông Nicodemus hỏi Người: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?" Đức Giêsu đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được?"
2.2/ Cần Thánh Thần hướng dẫn để hiểu những Mầu Nhiệm Nước Trời: Con người chỉ có thể hiểu và tin những gì nằm trong giới hạn con người. Để có thể tin vào Thiên Chúa và những mầu nhiệm thuộc về Ngài, con người cần được sự trợ giúp của Thiên Chúa qua việc ban Thánh Thần cho con người. Chúa Giêsu liệt kê hai mầu nhiệm điển hình cho Nicodemus:
(1) Mầu nhiệm Nhập Thể: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” Để tin Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người cần có sự soi sáng của Thánh Thần.
(2) Mầu nhiệm Cứu Chuộc qua Cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu: “Như ông Moses đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người! Thánh Thần có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi chịu Bí tích Rửa Tội là chúng ta đã được đóng ấn Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Ngài. Ngài sẽ làm cho chúng ta hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời và hướng dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn.
- Những quà tặng Chúa Thánh Thần ban cho mỗi cá nhân là cho sự phát triển của cộng đoàn; mỗi cá nhân cần sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đóng góp vào việc xây dựng và phát triển cộng đoàn và mở mang Nước Chúa.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.


Lời Chúa Trong Gia Đình
Cv 4, 32-37; Ga: 3, 7b-15
LỜI SUY NIỆM: “Như ông Mô-sê đã dương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (Ga: 14-15).
          Chúa Giêsu liên kết Cựu Ước và Tân Ước qua hình ảnh Ông Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc, để cứu chữa những người bị  rắn cắn, khỏi phải chết, đây là một sự kêu cầu của dân Israen với ông Mô-sê để nhờ ông chuyển cầu cùng Đức Chúa cứu chữa. Đã được Đức Chúa nhậm lời.
          Chúa Giêsu dẫn đưa ông Nicôđêmô từ trong Cựu Ước, bởi Chúa biết ông hiểu rằng không phải con rắn đã ban sự sống. Quyền phép chữa lành không ở trong con rắn. Con rắn chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng, để chỉ    cho người ta biết hướng tư tưởng của mình về Đức Chúa, và khi họ nghĩ đến Ngài thì được chữa lành.
          Thập Giá của Chúa Giêsu chính là cao điểm và tận cùng của tình yêu trao hiến của Thiên Chúa trao ban cho toàn thể nhân loại để tái lập sự sống vinh hiển cho con người. Khi con người hướng tâm trí về Ngài.
Đối với mỗi người trong chúng ta khi chọn thánh giá, là nhận lấy sự sống vinh hiển, nếu chúng ta từ chối thập giá thì đồng nghĩa chối từ sự sống vinh hiển đó.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++

Ngày 17

Một chiến thắng dứt khoát

Vượt qua của Đức Kitô cũng như Vượt qua của ngựời Do Thái trước tiên là một cuộc đi qua. Dân chúng đi ngang qua biển, ngang qua thử thách để thoát cảnh nô lệ và đi vào tự do. Dân đi ngang qua cuộc nổi loạn và cơn cám dỗ để bước vào một sự liên hệ tự do với Thiên Chúa: đó là GIAO ƯỚC. Đức Kitô vượt qua đau khổ và cái chết, để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng chiến thắng mọi cái chết...

Chiến thắng của Đức Kitô trước cái chết mang đặc tính dứt khoát. Nếu không vượt qua cái chết, cái chết sẽ có tiếng nói cuốì cùng. Sự sống chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa là một hồng ân, cái chết không tài nào phá tán được.

Cầu nguyện trong ánh sáng Phục sinh, tức là mang lấy tất cả sự bi đát của hiện sinh con người trước sự hiện diện của Thiên Chúa, với sự bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bị hũy hoại, dù bất cứ điều gì có thể xảy đến. Thân xác chúng ta tiêu tan, hoạt động của chúng ta chắc chắn không để lại vết tích gì lâu trong lịch sử, nhưng liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa sẽ bất hoại, vì không có gì có thể làm suy xiển sự trung tín của Người ... Chúng ta không làm như điều xấu không hiện hữu, nhưng chúng ta đứng vững trước sự hiện diện của Đấng mà tình yêu của Người mạnh hơn sự chết.

Jean-Marie Gueullette, o.p.
(Presses de la Renaissance)
Thứ Ba 17-4

Thánh Benedict Joseph Labré

(1748 - 1783)
T
hánh Benedict Joseph Labré thực sự là một con người lập dị, nhưng rất đặc biệt của Thiên Chúa. Là con cả trong gia đình 15 người con, Benedict Joseph Labré sinh ở Amettes thuộc miền bắc nước Pháp. Cha mẹ của cậu làm chủ một nông trại và có một tiệm buôn nhỏ nên đời sống của họ tương đối thoải mái.
Vào năm 12 tuổi, cậu được gửi đến sống với người chú là một linh mục triều ở Erin. Trong thời gian này, Benedict say mê đọc Kinh Thánh và gương thánh nhân đến nỗi người chú phải nhắc nhở cậu về việc học tiếng Latinh, là điều bắt buộc để trở nên một linh mục. Tuy nhiên, cậu nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa trong sự hoàn toàn từ bỏ thế gian. Do đó, sau khi người chú từ trần vì chăm sóc các nạn nhân bệnh dịch tả, Benedict trở về nhà, và đi tìm dòng tu khắc khổ nhất.
Vì sức khoẻ yếu kém và vì thiếu nền tảng học vấn nên Benedict không được nhận vào đời sống tu trì. Sau đó, vào năm 18 tuổi, một thay đổi quan trọng có ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời. Benedict không muốn học hành và từ bỏ ý định đi tu. Ngài bỏ nhà và sống như một vị khổ tu, đi hành hương hết đền thánh này đến đền thánh khác. Ngài mặc quần áo rách rưới và ngủ ngay ngoài trời, thực phẩm của ngài chỉ là mẩu bánh hoặc ít rau trái nhờ vào lòng bác ái của người qua đường hoặc lượm nhặt được từ những nơi phế thải. Ngài không xin ăn và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm dư dật với người nghèo. Ngài đặc biệt sùng kính Ðức Mẹ và bí tích Thánh Thể.
Bất cứ ai gặp ngài đều không thể quên được một người thật rách rưới nhưng biết tiếng Latinh, thông thạo Kinh Thánh, trông như người ăn xin nhưng không bao giờ xin xỏ. Họ bâng khuâng tự hỏi làm thế nào kẻ lang thang ấy lại có đôi mắt thật nhân từ và một lối sống có phẩm giá. Ðiều họ thắc mắc đã là một sứ điệp. Thiên Chúa biết loài người dễ đắm chìm trong sự ích kỷ và Ngài đã đặt trước mắt họ hình ảnh của một ngôn sứ, một phản ánh thực sự của tự do đích thực, không bị ràng buộc vào vật chất thế gian. Benedict là người soi dẫn của Thiên Chúa để cảnh giác những người lầm lạc, và là tia hy vọng cũng như sự an ủi cho những người vô gia cư chỉ vì sự tham lam của người đời.
Vào ngày 16 tháng Tư 1783, có thể nói vì đời sống quá cực khổ, ngài kiệt sức ngã quỵ trên bậc tam cấp của một nhà thờ ở Rôma. Vào chiều tối hôm ấy, khi tiếng chuông vang vọng báo hiệu giờ kinh Salve Regina, ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong một căn nhà gần đó. Các trẻ em chạy khắp đường phố loan báo, "Ông Thánh chết rồi! Ông Thánh chết rồi!" Tin tức ấy được loan truyền trong khi chuông nhà thờ đang rộn rã liên hồi.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1859.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét