Trang

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

10-04-2013 : THỨ TƯ TUẦN II MÙA PHỤC SINH


Ngày 10/04/2013
Thứ Tư Tuần II Mùa Phục Sinh Năm C
Ga 3,16-21


BÀI ĐỌC I: Cv 5, 17-26
"Kìa, những người mà các ông tống ngục, hiện đang đứng giảng dạy dân chúng trong đền thờ".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vị thượng tế và mọi người thuộc phe ông, tức là phái Sađốc, đầy lòng phẫn nộ; họ ra tay bắt các tông đồ tống ngục. Nhưng đến đêm, Thiên Thần Chúa mở cửa ngục, dẫn các ngài đi và nói: "Hãy đi vào đền thờ giảng dạy cho dân chúng biết mọi lời hằng sống này". Nghe lệnh ấy, sáng sớm các ngài vào đền thờ và giảng dạy.
Lúc bấy giờ vị thượng tế và các người thuộc phe ông đến, triệu tập công nghị và tất cả các vị kỳ lão trong dân Israel, rồi sai người vào tù dẫn các tông đồ ra. Khi thủ hạ đến nơi, mở cửa ngục, không thấy các tông đồ, họ liền trở về báo cáo rằng: "Thật chúng tôi thấy cửa ngục đóng rất kỹ lưỡng, lính canh vẫn đứng gác ngoài cửa, nhưng khi chúng tôi mở cửa ra, thì không thấy ai ở bên trong cả".
Khi nghe các lời đó, viên lãnh binh cai đền thờ và các thượng tế rất lúng túng, không biết rõ công việc đã xảy đến cho các tông đồ. Lúc đó có người đến báo tin cho họ rằng: "Kìa, những người mà các ông đã tống ngục, hiện đang đứng giảng dạy dân chúng trong đền thờ". Bấy giờ viên lãnh binh cùng các thủ hạ tới dẫn các tông đồ đi mà không dùng bạo lực, vì sợ bị dân chúng ném đá. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Đáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).
Hoặc đọc: Alleluia.

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Đáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. - Đáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Đáp.
4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai nương tựa ở nơi Người. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 26

Alleluia, alleluia! - Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 3, 16-21
"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Sự Sáng Ðã Ðến Thế Gian
Trong một tờ báo lưu hành nội bộ nói về thời sự mà ai được xem qua có lẽ cũng sẽ nhớ mãi. Ðoạn phim thuật lại tai nạn không lưu tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ vào năm 1982. Một máy bay vừa cất cánh khỏi phi đạo vài trăm thước bỗng nhiên đâm sầm xuống dòng sông Potamac. Sự việc xảy ra quá đột ngột khiến ống kính truyền hình cũng chẳng kịp thu lại diễn tiến này. Chỉ còn lại cho người xem thấy được đoạn cuối của sự việc lúc chiếc máy bay đang chìm dần xuống dòng sông. Một ít người may mắn thoát ra được khỏi máy bay. Giữa đám người đang cố vùng vẫy, ngoi ngóp tìm kiếm sự sống còn này nổi bật hẳn lên khuôn mặt của một người đàn ông với hàng ria mép rậm. Xem cách bơi thì chắc chắn ông không phải là người giỏi về bơi lội, thế mà ông cứ lẩn quẩn mãi ở chỗ xảy ra tai nạn, chẳng chịu bơi vào bờ. Chiếc trực thăng cấp cứu xà tới, và như thế vóc người to lớn của ông trở thành tâm điểm để người ta ném phao cấp cứu. Thế nhưng, mỗi lần chiếc phao tới thì ông lại đẩy sang cho người bên cạnh, sau ba lần nhường phao như vậy, ông bắt đầu đuối nhưng ông vẫn cố gắng và lần sau cùng thì người ông đã từ từ mất hút giữa dòng sông.

Anh chị em thân mến!

Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của đức ái. Hy sinh cho người xa lạ là một điều đáng khâm phục trong yêu thương. Sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác được sống quả là một hình ảnh diễn tả tuyệt vời của tình yêu.
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Gioan đã khẳng định: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nổi đã ban Con Một Ngài. Nếu ai tin vào Con Một Ngài thì không phải hư mất, nhưng được cứu độ". Người Con đã cứu thoát thế gian bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên Thập Giá là bộc lộ tận cùng của tình yêu.
Tuy nhiên, nếu Ngài chết đi mà không sống lại thì vẫn chưa diễn tả trọn vẹn khuôn mặt của Thiên Chúa trong tình yêu. Sự Phục Sinh của Ðức Kitô nói lên quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời tô điểm thêm ý nghĩa cái chết của Ngài.
Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu thế gian không cần phải làm người hoặc chết trên Thập Giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì muốn cho con người có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thức loài người.
"Hy sinh vì người mình yêu". Khi cống hiến cho người cảm nghiệm được tình yêu Ngài, Thiên Chúa không muốn gì hơn là sự đáp trả. Tình yêu nào mà chẳng cần đáp trả, chính do thái độ đáp trả hay chối từ mà con người bị luật phạt hay không, vì Thiên Chúa không sai Con người đến để xử án thế gian nhưng nhờ Ngài mà được cứu rỗi. Ðức Kitô là mặt trời công chính, Ngài đến với hết mọi người, đặc biệt là những người đang bị vây hãm trong bóng tối tội lỗi. Ngài không kết án họ, nhưng luôn giang rộng đôi tay đón mời họ trở về.
Tội lỗi và yếu đuối là thân phận con người, nhưng nếu con người vẫn cứ ẩn mình trong tội lỗi, thích bóng tối hơn sự sáng, thì chắc chắn họ sẽ bị luật phạt. Biệt phái và luật sĩ bị Chúa Giêsu khiển trách nặng nề vì họ cố chấp trong sai lầm, không dám đối diện với ánh sáng, sợ rằng việc làm của mình sẽ bị phơi bày. Chúa Giêsu đã chỉ trích cho họ thấy khiếm khuyết nhưng họ vẫn cứng lòng. Thế nên, về sau, những lời chúc dữ "khốn cho các ngươi" được dành cho họ hoàn toàn.

Lạy Chúa, đối diện với sự thật, với ánh sáng có lẽ ai trong chúng con cũng ngại ngùng muốn lẩn trốn vì sợ các việc làm xấu xa của mình bị phơi bày. Xin cho chúng con nhớ rằng Chúa đến không để luật phạt, nhưng để cho chúng con được sống. Xin cho chúng con mạnh dạn tiến bước tới nguồn ánh sáng của Chúa để tâm hồn chúng con được thanh tẩy nên trong sáng vẹn tuyền. Amen.
(Veritas Asia)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần II PS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người ghét ánh sáng vì các việc làm của họ mờ ám.

Thiên Chúa dựng nên con người có khả năng tìm ra sự thật. Sở dĩ con người không chịu nhìn nhận sự thật là vì họ muốn ở trong sự tăm tối để người ta đừng nhận ra những việc làm mờ ám của họ.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự tối tăm này nơi con người. Trong Bài Đọc I, vì ghen tức, vị Thượng Tế và những người thuộc Nhóm Sadducees cho bỏ tù các tông đồ. Họ ghen tức vì dân chúng trước đây nghe theo họ, giờ chạy theo để nghe lời giảng dạy của các tông đồ. Họ nhân danh bảo vệ Lề Luật để bỏ tù các tông đồ, nhưng thực ra chỉ là để che đậy ý đồ đen tối của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu, sau khi tuyên bố tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, đã cắt nghĩa lý do tại sao con người ngoan cố không chịu ra ánh sáng: họ muốn che dấu những việc làm mờ ám của họ. Nếu họ phải ra ánh sáng, người khác sẽ nhìn thấy những việc mờ ám này; và vì vậy, tông tích họ bị lộ tẩy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vì ghen tức, họ bắt các Tông Đồ và nhốt vào nhà tù công cộng.

1.1/ Xung đột giữa uy quyền của Thiên Chúa và sức mạnh của con người: Thiên Chúa, Đấng dựng nên và đang điều khiển muôn vật, trao trái đất cho con người quản lý; nhưng nhiều người đã sai lầm khi nghĩ: chính con người làm chủ trái đất này. Vì thế, luôn hiện diện một sự xung đột giữa Thiên Chúa và con người trong thế giới: Con người muốn thay Thiên Chúa quyết định mọi sự. Một ví dụ xảy ra trong Bài Đọc hôm nay:
(1) Con người đàn áp và bưng bít sự thật: “Bấy giờ, vị Thượng Tế cùng tất cả những người theo ông - tức là phái Sadducees - ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ và nhốt vào nhà tù công cộng.”
(2) Thiên Chúa giải thóat và truyền cho các tông đồ phải rao giảng sự thật: “Nhưng ban đêm thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói: "Các ông hãy đi, vào đứng trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống."

1.2/ Lựa chọn của con người: theo Thiên Chúa hay theo thế gian?
(1) Các tông đồ chọn để làm theo những gì Thiên Chúa truyền: Các ông khinh thường roi đòn và ngục tù của quyền lực thế gian để rao giảng Tin Mừng như thiên sứ truyền dạy. Tại sao các ông có thể làm được những điều này trong khi bao con người sợ hãi và trốn tránh? Thưa vì các ông đã nhìn thấy rõ uy quyền của Thiên Chúa hơn hẳn mọi quyền lực của con người: Thiên sứ của Đức Chúa đã đưa các ông ra khỏi ngục khi lính vẫn canh và cửa tù vẫn đóng. Hơn nữa, các ông đã nhìn thấy rõ sự thật của Đức Kitô và sự sai trái của Thượng Hội Đồng. Các ông chắc cũng đã tự hỏi: Tại sao lại cứ phải tiếp tục làm nô lệ cho sự sai trái, mà không để cho sự thật giải phóng các ông. Vì thế, khi có cơ hội là các ông loan báo sự thật và vạch trần sự sai trái.
Dân chúng cũng chọn theo sự thật của các tông đồ giảng dạy. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, “chẳng có gì giấu kín mà không được tiết lộ.” Sự thật sẽ có lúc được tiết lộ, con người không thể bưng bít mãi sự thật. Tuy là “dân đen ít học,” nhưng họ vẫn còn có khôn ngoan Thiên Chúa ban để nhận ra sự thật. Họ không ngu dốt đến độ cứ bị đánh lừa để xỏ mũi kéo đi mãi. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai đích thực Thiên Chúa gởi đến để cứu chuộc con người; họ cũng nhận ra sự mờ ám của những người trong Thượng Hội Đồng, họ thủ tiêu Chúa Giêsu chỉ vì ghen tức mà thôi. Một khi dân chúng đã nhận ra sự thực, những kẻ làm điều sai sẽ mất uy quyền cai trị và phải coi chừng kẻo bị dân chúng ném đá.
(2) Các người thuộc Thượng Hội Đồng tiếp tục ở trong bóng tối: Sách CVTĐ viết: “Nhưng khi thuộc hạ đến, họ không thấy các ông trong ngục. Họ trở về báo cáo rằng: "Chúng tôi thấy ngục đóng kỹ lưỡng và những người lính canh đứng ở cửa; nhưng khi mở cửa ra, chúng tôi không thấy ai ở bên trong." Nghe những lời ấy, viên lãnh binh Đền Thờ và các thượng tế phân vân về các ông, không biết chuyện gì xảy ra.” Họ phân vân về những chuyện xảy ra, “ngục vẫn đóng, làm sao các ông có thể thoát ra?” Nếu họ chịu khó để sự thật hướng dẫn, họ sẽ hiểu chính uy quyền của Thiên Chúa đã giải thoát các tông đồ, và họ sẽ không tiếp tục chống lại Ngài nữa.
Nhưng họ vẫn cứng lòng và không thay đổi thái độ đối với các tông đồ: “Viên lãnh binh bèn đi với bọn thuộc hạ và điệu các ông về, nhưng không dùng bạo lực vì sợ bị dân ném đá.” Có một sự khôi hài xảy ra ở đây: Lẽ ra các tông đồ là những người phải sợ họ; nhưng giờ đây họ trở thành những người sợ dân chúng ném đá. Có lẽ họ biết có gì khác thường xảy ra, nhưng vẫn không quan tâm để ý tới, vì đã quá quen thói dùng sức mạnh để đàn áp người vô tội.

2/ Phúc Âm: Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng.

2.1/ Thiên Chúa yêu thương con người: Chúa Giêsu xác tín tình yêu Thiên Chúa dành cho con người khi Ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Mục đích của Thiên Chúa khi sai Người Con đến thế gian, không phải là để lên án thế gian; nhưng là để cứu độ thế gian. Một Thiên Chúa đã yêu thương nhân lọai đến độ hy sinh Người Con Một của mình, điều này chứng tỏ Ngài không nghĩ đến việc lên án, mà chỉ nghĩ đến việc cứu chuộc. Nếu Thiên Chúa không lên án, tại sao vẫn có người phải hư mất? Thực tế, con người lên án chính mình khi quay lưng lại với tình yêu Thiên Chúa và không tin vào Đức Kitô.

2.2/ Xung đột giữa ánh sáng và bóng tối: là sự xung đột thể lý, những gì mà con người thấy được. Chúa Giêsu được ví như ánh sáng đến để xua tan bóng tối đang bao trùm thế gian. Con người có quyền tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận ra ngòai ánh sáng: tin vào Chúa Kitô, hoặc chấp nhận ở trong bóng tối: không tin vào Chúa Kitô. Chính sự lựa chọn này mà con người được cứu độ hay bị lên án.
Đàng sau sự xung đột thể lý là sự xung đột luân lý: giữa sự thiện và sự ác, như Chúa Giêsu nói: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.” Chúa Giêsu muốn nói lý do tại sao con người không chấp nhận ánh sáng không phải vì họ không biết ánh sáng tốt lành và lợi ích, nhưng vì có những điều ác (tội lỗi) họ đã quá quen thuộc và không muốn từ bỏ. Nếu chọn ra ngòai ánh sáng hay tin vào Chúa Kitô, họ phải chấp nhận bỏ những điều này. Sau cùng, đây là sự xung đột tâm linh: giữa Thiên Chúa và thế gian. Thiên Chúa muốn cứu độ con người trong khi ma quỉ và các quyền lực thế gian muốn lôi kéo con người về phía chúng. Để thuộc về Thiên Chúa, con người phải “đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta luôn bị đặt trong tình trạng xung đột giữa ánh sáng và bóng tối, giữa uy quyền Thiên Chúa và sức mạnh của ma quỉ và thế gian, cho đến ngày chúng ta từ giã cuộc đời này.
- Chúng ta luôn bị đặt phải lựa chọn để sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa hay tiêu chuẩn của thế gian. Chúa Giêsu báo trước đau khổ nếu chúng ta chọn sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Họ sẽ ghét anh em vì anh em không thuộc về họ.
- Ngài cũng báo trước cho chúng ta sự toàn thắng của lối sống theo Thiên Chúa: “Trong thế gian, anh em sẽ bị người đời ghét bỏ; nhưng đừng sợ vì Thầy đã thắng thế gian.”

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

10/04/13 THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Ga 3,16-21

TÌNH CHÚA QUÁ CAO CẢ
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)
Suy niệm: Cha mẹ có thể sinh con, nuôi dưỡng con và làm tất cả vì con để con được hạnh phúc. Nhưng có một điều cha mẹ không làm được cho con, đó là ban cho con sự sống muôn đời. Còn “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) và tình yêu của Người là tuyệt đối. Người yêu chúng ta từ muôn thuở cho đến đời đời dù chúng ta tội lỗi, yếu hèn và bất xứng. Người yêu là yêu đến kỳ cùng. Người yêu đến mức cho Con Một của Người sinh ra làm người, chịu chết trên thập giá, đền tội cho chúng ta để chúng ta được sống muôn đời. Đây cũng chính là mức độ cao cả nhất của tình yêu mà Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người yêu.” Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là bằng chứng của tình yêu đó và sự phục sinh của Người là bảo chứng cho tình yêu đó.
Mời Bạn: Những ai cảm nhận được tình yêu cứu chuộc của Chúa thực hiện qua Đức Giêsu, không thể nào không đáp lại bằng cả con người và cuộc sống của mình. Chân phước Anrê Phú Yên đã cảm nhận như thế không chỉ qua lời nói: “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy mạng sống đáp đền mạng sống” mà còn bằng việc tử đạo nữa. Phần bạn, bạn đã cảm nhận tình yêu của Chúa dành cho bạn chưa? Bạn đã đáp lại thế nào?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chú ý làm một việc lành để đáp lại tình yêu Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa quá yêu chúng con, xin cho chúng con cảm nhận mỗi ngày một rõ hơn tình yêu của Chúa, để chúng có thêm động lực yêu Chúa như Chúa  muốn.

AI TIN ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI
Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí, được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu.
Suy nim:

Con người hôm nay vừa bị hấp dẫn bởi cái chết, vừa bị lôi kéo bởi cuộc sống đời này.
Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều tiện nghi thoải mái. Nó mời chúng ta hưởng thụ, mua sắm, tiêu dùng. Luôn luôn xuất hiện những mẫu mã mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Con người vất vả làm việc để có thể mua được món hàng do mình chế tạo. Cuộc sống vừa dễ chịu hơn, vừa mệt mỏi hơn bởi vô số những nhu cầu. Con người hôm nay có hạnh phúc hơn xưa không? Những thức ăn trần thế có đủ làm con người mãn nguyện không? Người Kitô hữu quý chuộng cuộc sống ở trần thế này, nhưng họ hiểu tính chất mau qua và tương đối của nó. Như Đức Giêsu, họ cũng phải đi qua cuộc sống đời này, nếm đủ mọi mùi vị của phận người, chịu đựng mọi khó khăn thách đố, trước khi về với điểm đến chung cục là cuộc sống đời sau. Thiên đàng, Nước Thiên Chúa hay sự sống vĩnh cửu là những từ diễn tả hạnh phúc đang chờ đợi người Kitô hữu sau cái chết. Họ biết mình từ đâu đến và biết mình sẽ đi đâu. Họ biết phân biệt những ga xép với đích đến cuối cùng. Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu khẳng định chẳng ai được vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Thần Khí. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khẳng định: “Ai tin vào Con Người thì có sự sống vĩnh cửu” (c.15). Vào Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với có sự sống vĩnh cửu.  Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc để ai nhìn lên thì được khỏi, Con Người cũng phải được giương cao để ai tin thì được sự sống vĩnh cửu. Sự sống vĩnh cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao. Đức Giêsu được giương cao khi bị treo trên thập giá, được giương cao khi được Cha phục sinh, và được giương cao khi được Cha đưa về trời. Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí, được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu. Kitô hữu là người đang trên đường về quê hương đích thật. Đấng từ trời xuống nay đã lên trời (c. 13), và lôi kéo chúng ta lên với Ngài (Ga 12, 32). Làm thế nào chúng ta thoát khỏi sức kéo xuống của vật chất? Làm thế nào chúng ta sống nhẹ nhàng hơn để kéo thế giới quanh ta bay lên?
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ. Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến con có về người khác...
Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM : Ðược Sống Muôn Ðời

Chúng ta chiêm ngắm hai vị thầy gặp nhau trong đêm thanh vắng để trao đổi điều quan trọng mà không bị phiền phức. Ông Nicôđêmô là vị thầy của người Do Thái, một nhà thông thái muốn biết nhiều hơn nữa về Chúa Giêsu và ông đã nhìn nhận như Người đến từ Thiên Chúa, và nhất là có Thiên Chúa ở cùng, vì những dấu lạ được thực hiện, những dấu lạ chưa có ai làm được như vậy.
Ông Nicôđêmô là vị thầy trên trần gian này, còn Chúa Giêsu là vị Thầy từ trên cao xuống, từ cung lòng Thiên Chúa Cha mà đến: "Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống". Hơn nữa, Chúa Giêsu còn xác nhận cho ông Nicôđêmô rằng: "Thật, tôi bảo thật ông. Chúng tôi nói những điều chúng tôi đã thấy", đó là uy tín của Chúa Giêsu Kitô, vị Thầy đến từ Thiên Chúa Cha. Lời quả quyết của Chúa với ông Nicôđêmô làm cho chúng ta nhớ lại lời quả quyết nơi đầu sách Phúc Âm theo thánh Gioan như sau: "Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1,18).
Ông Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu với khả năng trí khôn của ông, muốn hiểu biết sự thật. Nhưng Chúa Giêsu lại mời gọi ông làm một điều khác. Ðừng ỷ lại vào khả năng trí khôn của mình nữa mà hãy nhờ đến sức mạnh từ trên cao của Chúa Thánh Thần. Ông phải sinh ra lại và sinh ra từ ơn trên và tin vào Thiên Chúa: "Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. Như con rắn của Môisen, Con Người cũng sẽ phải được giương cao để ai tin vào Người thì được sống muôn đời."
Ðược sống muôn đời, đó là điều quan trọng nhất, đó là mục tiêu cuối cùng của con người, đó là một hồng ân cần được con người khiêm tốn đón nhận, chứ không phải là đối tượng để hiểu biết suông mà thôi. Trong cuộc đối thoại, chúng ta thấy Chúa Giêsu không ngừng mời gọi nơi ông Nicôđêmô nâng tâm hồn mình lên, hãy để cho Thánh Thần thanh tẩy để có thể nhìn thấy và bước vào trong Nước Thiên Chúa. Hơn nữa, cũng trong cuộc đối thoại này, chúng ta có thể ghi nhận một mạc khải quan trọng khác nữa, đó là Chúa Thánh Thần chỉ được ban xuống cho con người nhờ qua và sau cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, qua và sau cái chết, sự Phục Sinh của Chúa. Cùng với ông Nicôđêmô, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để cho Ngài dạy chúng ta biết về Thiên Chúa Cha và đồng thời sẵn sàng lãnh nhận Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, xin hãy dạy cho con biết những việc trên trời. Xin hãy nói cho con biết tình thương của Thiên Chúa Cha đối với con người. Xin hãy tái sinh con trong Thánh Thần cho con được trở nên Thánh, để giống Chúa mỗi ngày một hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG TƯ
Được Thánh Thần Làm Cho Can Đảm
Khi các Tông Đồ và các môn đệ của Chúa nhận lãnh Thánh Thần, họ bắt đầu lên tiếng nói công khai về Đức Kitô. Họ loan báo Tin Mừng cho người ta, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem. Trong lời loan báo của họ, họ qui chiếu đến một bố cục các dữ kiện mà ai cũng biết – đó chính là Kerygma, hay sứ điệp Tin Mừng căn bản.
“Anh em đã nộp Người và đã chối bỏ Người trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân” (Cv 3,13-14). Đó là những lời của Phê-rô nói với cư dân Giê-ru-sa-lem.
Sau khi đề cập đến cuộc thương khó của Đức Kitô, Phê-rô bắt đầu mô tả cuộc Phục Sinh: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết – về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (c.15).
Phê-rô là người duy nhất lên tiếng nói. Nhưng ông nói không chỉ nhân danh chính mình mà là nhân danh toàn thể nhóm Tông Đồ. Ông nói với đám đông: “Chúng tôi là những chứng nhân”. Và ông thêm: “Giờ đây, thưa anh em, tôi biết rằng anh em đã hành động vì không hiểu biết – và những người lãnh đạo của anh em cũng vậy” (Cv 3,17).
Sau khi mô tả các biến cố và đưa lời chứng về cuộc Phục Sinh, Phê-rô bắt đầu giải thích một số điều trong Cựu Ước. Ông giải thích Đức Kitô trong tư cách là Đấng Mê-si-a đã hoàn thành những điều nói trong các Sách Luật và các Sách Ngôn Sứ như thế nào. Chính Đức Kitô đã chuẩn bị cho các môn đệ của Người đưa ra một sự giải thích như thế về cái chết và cuộc Phục Sinh của Người. Chúng ta có chứng cứ về điều này trong Tin Mừng Luca. Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ: “Thầy đã nói những lời này với các anh em khi hầy còn ở với anh em: mọi sự đã được viết về Thầy trong luật Mô-sê, trong các ngôn sứ, và trong thánh vịnh đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44).
“Có lời Kinh Thánh chép rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,46-48).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10/4 - Cv 5, 17-26; Ga 3, 16-21.

LỜI SUY NIỆM: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; những kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa.”(Ga 3,18).
Trong Cựu Ước luôn nói đến một vị Thiên Chúa Độc Nhất đối với dân được tuyển chọn, đồng thời loan báo cho dân biết về một Đấng giải thoát dân ra khỏi cảnh nô lệ. Đấng ấy đã đến và đã sống với nhân loại đặc biệt là đối với dân của Ngài. Chính nơi Đức Giêsu, Ngài đã thực hiện trọn vẹn những gì trong Cựu Ước đã đề cập đến. Nhưng vì những sự cố chấp của lòng kiêu ngạo, có những con người đã không tin nhận Danh Con Một của Thiên Chúa. Tin Mừng của Giaon nhắc lại cho con người ngày hôm nay muốn thoát khỏi án phạt chỉ còn một cách duy nhất là Tin vào Danh Đức Giêsu Đấng Cứu Độ duy nhất: Hôm qua hôm nay và mãi đến muôn đời.
Mạnh Phương
10 Tháng Tư
Tấm Gương
Tại một ngôi làng nhỏ ở ven biển Ái Nhĩ Lan, có một cặp vợ chồng ngư phủ nghèo, nghèo đến độ trong nhà không có được một cái gương soi mặt. Trong làng chỉ vỏn vẹn có một cái quán nhỏ cung cấp lương thức và những gì cần thiết cho việc đánh cá. Một ngày nọ, người chủquán ngạc nhiên vô cùng khi bắt gặp người ngư phủ già cầm lấy một vật gì đó trong tay, vừa xoay xung quanh, vừa thổn thức. Rồi từ đó, người chủ quán nhận thấy người đánh cá trở lại quán của mình thường xuyên hơn và cũng lập lại ngần ấy động tác. Ráng theo rình rập để lắng nghe những gì người ngư phủ già than thở, người chủ quán mới thấy ông già đưa cái gương soi mặt và thều thào: "Ba ơi, ba ơi". Thì ra, cả đời người ngư phủ già chưa bao giờ nhìn thấy mặt mình trong gương. nhìn thấy mặt mình trong gương lần đầu tiên, ông ta tưởng đó là cha của mình. Người chủ quán quá cảm động, đã tặng cho ông già tấm gương. lão hăm hở mang đi, và từ đó, cứ mỗi lần rảnh rỗi, lão đưa tấm gương ra, nhìn vào và nói chuyện với cha mình.
Tất cả chúng ta đều sống cho một gương mặt. Và gương mặt duy nhất mà chúng ta không bao giờ thấy đó là gương mặt của chính chúng ta. Chúng ta có thể hiểu biết tất cả, nhìn thấy tất cả trừ gương mặt của chúng ta. Và ngay cả trong một tấm gương, chúng ta chỉ nhìn thấy mình theo một hình ảnh đảo lộn. Chúng ta chỉ có thể biết mình, chúng ta chỉ có thể khám phá được chính mình nhờ những người khác và nhờ chính hình ảnh mà họ có thể cho chúng ta thấy.
Vậy đâu là tấm gương đích thực để chúng ta có thể biết mình hoặc biết mình phải như thế nào?
Chúng ta đừng vội vã cười hai vợ chồng ngư phủ trong câu chuyện trên đây... Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể làm người, có lẽ họ là người có lý, bởi vì họ biết nhìn thấy trong gương một cái gì khác hơn chính mình. Nói như Thánh Phaolô: "Phần chúng ta, chúng ta không che mặt, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, như một tấm gương, vì chúng ta được thấy mình biến đổi nên giống hình ảnh ấy, mỗi lúc một rực rỡ hơn, bởi vì quyền phép Thánh Linh của Chúa".
Mỗi người Kitô phải là tấm gương phản chiếu chính hình ảnh của Ðức Kitô. Cuộc sống của họ phải là một phản ảnh của cuộc sống Ðức Kitô.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 10-4

Chân Phước Giacôbê Oldo

(1364 - 1404)

G
iacôbê, sinh năm 1364, là người gốc Lodi gần Milan. Nhờ buôn bán phát đạt, cả hai vợ chồng Giacôbê đắm mình trong mọi thú vui trần thế. Ngày kia, trong một đám tang của người bạn thân, khi nhìn vào huyệt sâu Giacôbê nhận thức rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ chết. Ông tự hỏi linh hồn mình sẽ đi đâu, và sau đó ông quyết tâm thay đổi đời sống. Giacôbê ăn năn sám hối, đi xưng tội và sau đó gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Trong khi đó, bà mẹ ruột ông Giacôbê lại ngăn cản vợ ông thay đổi đời sống theo gương chồng. Nhưng một ngày kia, bà được thấy chính bà và con bà phải ra trước tòa Thiên Chúa. Thị kiến ấy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi bà thay đổi lối sống cũng như khuyên cô con dâu noi gương chồng. Và cả hai đã gia nhập dòng Ba Phanxicô. Dinh thự của họ trở thành nơi cầu nguyện và nơi luyện tập nhân đức.
Sau khi vợ chết, ông Giacôbê trở thành linh mục và gia tăng việc hãm mình đền tội. Nhiều khi mỗi tuần ông chỉ ăn có một lần, cũng như không ăn thịt và không uống rượu. Sau cùng, vị giám mục phải ra lệnh cho ông phải ăn uống tối thiểu ba lần một tuần.
Dân chúng cảm kích trước lời rao giảng ăn năn sám hối của Cha Giacôbê. Nhiều người từ bỏ lối sống trần tục, và ngay cả gia nhập đời sống tu trì.
Cha Giacôbê có ơn tiên tri, nhiều lần đã tiên đoán đúng các cuộc chiến xảy ra. Ngay cả cái chết của mình, ngài cũng tiên đoán đúng. Và bảy năm sau khi từ trần, người ta tìm thấy xác ngài còn nguyên vẹn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét