Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

21-04-2013 : (Phần I) CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH năm C


Ngày 21/04/2013
Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm C
(Phần I)


BÀI ĐỌC I:  Cv 13, 14. 43-52
"Đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do-thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.
Đến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: "Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: "Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất". Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.
Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 5
Đáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).
Hoặc đọc:  Alleluia.
1) Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Đáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Đáp.
3) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Đáp.

BÀI ĐỌC II:  Kh 7, 9. 14b-17
"Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế.
Và một bô lão đã nói với tôi: "Đây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Đấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.  Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:  Ga 10, 14
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 10, 27-30
"Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một".  Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Cánh đồng truyền giáo bát ngát cho đến mút cùng trái đất
Hôm nay Hội Thánh chúng ta trên toàn thế giới cử hành ngày ơn Thiên triệu. Chúng ta thành khẩn cầu xin Thiên Chúa sai thêm thợ đến đồng lúa và vườn nho của Người. Không phải ở nơi nào cũng đã đủ số tông đồ đâu. Rất nhiều nơi thiếu linh mục tu sĩ và thiếu một cách trầm trọng. Và nạn thiếu hụt này có hại cho cả chúng ta chứ không riêng gì người ở nơi ấy, vì toàn thể Giáo Hội chỉ là một thân thể mầu nhiệm và một bộ phận đau yếu phải được mọi bộ phận khác thông cảm và giúp đỡ vì lợi ích chung của toàn thể. Chúng ta phải xin Chúa ban thêm ơn cho giới trẻ ở những nơi đang thiếu linh mục, tu sĩ được nghe biết tiếng gọi của Chúa và của các linh hồn để dấn thân tận hiến đời mình cho sứ mạng cứu thế.
Chúng ta còn cần phải cầu nguyện sốt sắng hơn nữa để các linh mục, tu sĩ nhiệt thành sống đúng với ơn gọi của mình và làm tốt mọi phận sự Chúa trao phó. Có lẽ chúng ta không hiểu được những phấn đấu gay go và khó khăn mà linh mục tu sĩ luôn phải cố gắng trong ơn gọi của mình đâu. Họ cần được trợ lực bằng lời cầu nguyện và giúp đỡ cụ thể để vững vàng và nhiệt tình chu toàn sứ mạng. Những thành công của họ sẽ làm vẻ vang cho Hội Thánh và chúng ta, nên chúng ta phải hợp ý với Chúa Giêsu mà cầu nguyện để họ ra đi và mang lại nhiều hoa quả và những hoa quả tồn tại muôn đời.
Chúng ta có nghĩa vụ soi sáng, hướng dẫn con cái chúng ta ngay từ nhỏ đã biết nghĩ đến ơn gọi Phục vụ. Và cho được làm tốt những công tác trên đây, chúng ta cần nghe lại Lời Chúa hôm nay để hiểu rõ tương quan giữa mục tử và chiên, để giúp mục tử làm tốt ơn gọi của mình và để chiên biết phải cư xử thế nào cho tốt.

1. Tương Quan Giữa Mục Tử Và Chiên
Chúng ta vẫn gọi các người lãnh đạo trong Hội Thánh chúng ta là mục tử hay là chủ chăn. Kiểu nói này đã bắt nguồn sâu xa trong Kinh Thánh. Ngay thời Cựu Ước Chúa đã dùng miệng tiên tri Êzêchien (34), để báo trước, lúc thời sung mãn đến, chính Chúa sẽ đến chăn dắt Israen như mục tử săn sóc chiên, thay thế hết hàng đầu mục lãnh đạo dân từ trước tới nay. Và khi Ðức Giêsu đến, Người tự xưng mình là mục tử và là mục tử tốt. Chẳng ai đáng danh xưng này, vì họ toàn là những kẻ chăn thuê. Mà kẻ chăn thuê khác với mục tử ở điểm căn bản này là đang khi họ sống nhờ chiên thì người mục tử lại sống cho chiên và chết cho chiên nữa. Thế nên nói thật ra, ở trong Hội Thánh chỉ có một mục tử mà thôi. Chính Chúa Kitô chăn dắt Hội Thánh của Người, không phải là nhờ nhưng là nơi các người đã được chọn làm tông đồ, tức là được sai đi để làm các công việc của Người.
Chúng ta cần hiểu rõ điều này, đặc biệt trong ngày ơn Thiên Triệu hôm nay. Chúng ta đừng dừng con mắt lại nơi những con người đang làm phận sự chăn chiên. Chính họ không phải là mục tử. Vị mục tử tốt lành, chân thật của chúng ta là Chúa của họ và cũng là Chúa của chúng ta. Chúng ta phải nhìn lên Ðức Giêsu Kitô để thấy Người là mục tử tốt. Duy mình Người có khả năng chăn nuôi các linh hồn và Hội Thánh. Nói rằng Người săn sóc chiên của Người nhờ các vị tông đồ mà chúng ta thường gọi là đại diện cho Người, cũng không hoàn toàn đúng. Nói như vậy cũng còn là theo quan niệm loài người. Ðức tin bảo chúng ta biết rằng, chính Chúa Giêsu đang trực tiếp chăn chiên nơi các người lãnh đạo ở trong Hội Thánh. Chính Người nói Lời Chúa cho chiên, chính Người dọn bàn tiệc bí tích cho chiên, chính Người hướng dẫn và ban sứ mạng cho chiên sống đời bác ái. Cái nhìn đức tin này dạy chúng ta phải suy nghĩ lại quan hệ giữa mục tử và chiên kẻo chúng ta có thể hiểu lầm về vai trò các linh mục và giám mục, đòi hỏi những sự không nên đòi hỏi, và từ chối những sự lẽ ra phải đón nhận. Và để làm công việc này, bài Tin Mừng hôm nay rất quý hóa.
Chúa Giêsu phán: Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta và Ta biết chúng; chúng theo Ta và Ta ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng bị diệt vong vì không ai giựt chúng khỏi tay Ta được.
Chúng ta hãy đọc các câu văn trên như vậy để thấy rõ các tương quan giữa chiên và mục tử. Trước hết, chiên thì nghe tiếng mục tử và mục tử sẽ biết chiên. Ðiều này chỉ có thể xảy ra được, nếu mục tử đã cất tiếng để chiên có thể nghe thấy. Do đó, quan hệ giữa mục tử và chiên phát xuất từ việc rao giảng Lời Chúa. Người sai tông đồ đi rao giảng để như Người nói: Ai nghe chúng con là nghe Ta. Chính Người đang nói trong Hội Thánh nơi lời giảng của các Tông đồ được sai đi. Và lời Người ban đức tin làm cho người ta trở thành tín hữu và môn đệ "sáng sáng có tai môn đệ để nghe Lời Chúa". Tương quan giữa mục tử và chiên tiên vàn là tương quan giữa người nói và người nghe, không phải nói và nghe lời loài người, nhưng là Lời Thiên Chúa có sức cứu độ linh hồn người ta. Người ta phải nói và nghe thế nào để nhờ đấy mục tử biết chiên.
Từ ngữ "biết" này thật thâm thúy. Trong Cựu Ước nó có thể ám chỉ việc nam nữ và vợ chồng biết nhau. Nó gợi lên ý tưởng mục tử từng biết con chiên để săn sóc mỗi con cho thích hợp, để chiên cảm thấy lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa đã đến với mình và đang hồi sinh mình. Thật ra chính Lời Chúa làm công việc này chứ không phải người rao giảng. Khi Lời Chúa được đón nhận vào lòng tin yêu sâu xa, thì linh hồn được Chúa biết và tiếng của Chúa lưu lại nơi linh hồn sẽ phân rẽ tâm can con người theo sự biết của mình và cải tạo đổi mới linh hồn khiến người ta càng ngày càng biết Chúa và yêu Chúa. Người rao giảng sẽ làm việc cho con chiên theo chiều hướng ấy.
Và nếu chiên theo mục tử, chấp nhận đi vào đường lối của mục tử như Lời Chúa cho thấy và như mầu nhiệm thập giá Ðức Kitô đã vạch, thì mục tử là chính Chúa Kitô sẽ ban cho chiên được sự sống đời đời, mà các bí tích của Hội Thánh đang phân phát một cách dồi dào.
Do đó, sau khi lo rao giảng Lời Chúa, các người có nhiệm vụ chăn chiên, phải trao ban các mầu nhiệm thánh để con chiên được sống đời đời. Và công việc này không dễ đâu, vì không phải tự nhiên con chiên biết lãnh nhận các bí tích như sự sống trường sinh. Phải có một mục vụ sâu xa và kiên trì. Phải có nhiều sự sống thánh thiện trong các cử hành phụng vụ. Giáo dân muốn giúp đỡ các linh mục và làm cho sinh hoạt của Hội Thánh càng ngày càng thêm phong phú, thì còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để cùng các linh mục chuẩn bị, tổ chức cử hành, lãnh nhận các bí tích một cách sống động và sung mãn hơn. Nhờ vậy đoàn chiên mới dồi dào sự sống đời đời.
Và khi mọi người đã làm như thế, nghĩa là đã làm cho Lời Chúa và các bí tích thật sự sinh động trong Hội Thánh, thì Chúa nói: không bao giờ chiên bị diệt vong vì không ai giựt chúng khỏi tay Ta được. Ðã đành Satan như sư tử rình mò cắn xé chiên và chiên luôn như ở giữa sói rừng, đã đành sự sống đời đời là Lời Chúa và các ơn bí tích trong tâm hồn là những kho tàng đựng trong bình sành lọ đất là xác thịt tội lỗi yếu hèn của chúng ta, nhưng sức mạnh nào có thể lôi chiên ra khỏi tay Chúa để tiêu diệt chiên. Chính Người đã so sánh giữa mục tử tốt và kẻ chăn thuê. Người mục tử sẽ thí mạng cho chiên. Ðức Kitô đã chết cho chiên của Người. Người đã cầm giữ được chìa khóa của sự chết và âm phủ vì sự phục sinh của Người đã toàn thắng, kẻ thù cuối cùng của loài người là sự chết, nên kẻ tin Người sẽ được sống, và dù có chết cũng sẽ sống lại. Satan không giựt được kẻ ấy khỏi tay Người đâu.
Và điều này cho phép chúng ta nghĩ đến phận sự thứ ba của những người đang có nhiệm vụ chăn chiên. Họ phải điều khiển dân Chúa sau khi đã rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích. Công việc điều khiển này không nặng về mặt tiêu cực, giữ chiên khỏi bị xâu xé sao? Cai trị trong Hội Thánh chỉ là phục vụ. Và phục vụ trong Hội Thánh là giữ chiên luôn được điều kiện lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích trường sinh. Mọi tổ chức đều quy về những việc này. Và chỉ có như thế người ta mới thấy rõ ở trong Hội Thánh chính Chúa là mục tử; còn các Tông đồ môn đệ của Người chỉ là những đầy tớ phải làm nhiều nhưng phải thú nhận là vô dụng.
Chúng ta không thể bảo đó là ơn gọi dễ dàng được. Thế nên phải có ơn Chúa giới trẻ mới biết lắng nghe và đáp trả tiếng gọi làm tông đồ. Và càng phải có nhiều ơn Chúa giúp đỡ hơn nữa, các tông đồ mới bền chí nhiệt thành chu toàn phận sự. Chúng ta phải cầu nguyện nhiều là vì thế, để có nhiều thanh thiếu niên dâng hiến đời mình cho Chúa và để các người đã dâng hiến luôn xứng đáng với ơn gọi đã nhận được. Ước gì Hội Thánh chúng ta luôn có nhiều tông đồ như Barnaba và Phaolô mà bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay đã thuật chuyện.

2. Nhiệm Vụ Tông Ðồ
Hai ông được Thánh Thần đặc cử đi truyền giáo ở những vùng xa xôi (13,2). Cả Hội Thánh biết việc này, vì hôm đó mọi người đang thờ phượng và ăn chay thì Thánh Thần đã dạy như vậy. Và người ta đã đặt tay trên đầu các ngài và tiễn các ngài đi, để các ngài thật sự là tông đồ, tức là được sai đi. Mà quả thật các ngài đi mãi không ngừng, cho đến khi đạt tới biên giới của thế giới thời bấy giờ là Rôma. Các ngài nhắc nhở cho mọi người được gọi làm tông đồ luôn nhớ Lời Chúa căn dặn trước khi về trời: Các con hãy đi đến tận cùng trái đất và đến với hết mọi tạo vật, rao giảng Tin Mừng cho họ, để làm cho tất cả trở nên môn đệ của Thầy.
Barnaba và Phaolô đã ra đi, hết thành này sang thành khác, hết đảo này đến đảo kia. Tới đâu các ngài cũng lợi dụng ngày Hưu lễ có người Do Thái hội họp, để rao giảng về Chúa Giêsu Kitô. Ở đây, chúng ta thấy người Do Thái không đón nhận Lời khiến các tông đồ phải phủi bụi chân ra đi khỏi xã hội của họ và đi đến với lương dân, thực hiện lời sách Isaia đã viết: Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân.
Không phải các Tông đồ hiểu câu đó về mình đâu. Lời ấy chỉ áp dụng cho Ðức Giêsu như Simêon đã nhìn thấy. Nhưng chính Người đã gọi các tông đồ và sai họ đi. Họ đi đây là vì Người và để làm công việc của Người. Chính Người đến với lương dân nơi con người của các tông đồ.
Tuy nhiên có phải vì vậy mà từ này người Do Thái bị bỏ rơi không? Chắc chắn khi kể lại câu chuyện hôm nay, tác giả Luca muốn đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử truyền giáo. Người vẫn chú ý đến dân ngoại. Và khi mở đầu cuốn sách Tin Mừng của Người bằng những câu chuyện xảy ra ở Galilê, thánh Luca đã có ý cho chúng ta thấy công việc của Chúa khởi sự ở Galilê dân ngoại. Và Người đã chẳng bỏ qua một dịp nào để nhấn mạnh rằng: Ðức Giêsu khi còn tại thế đã nhiều lần tiếp xúc và ban ơn cho dân ngoại. Nhưng hôm nay khi để các tông đồ nói: "Này chúng tôi quay sang dân ngoại", Luca muốn công cuộc truyền giáo cho lương dân từ nay bước sang giai đoạn mới, quyết liệt hơn.
Câu chuyện có vẻ làm cho người ta hiểu rằng vì người Do Thái khước từ Lời Chúa, nên các tông đồ mới quay sang dân ngoại. Việc truyền giáo cho lương dân dường như được xúc tiến vì thái độ phủ nhận của người Do Thái... Thật ra không phải như vậy. Như trên đã nói: ngay từ đầu Ðức Giêsu đã được chào mừng là ánh sáng muôn dân. Các tông đồ không kỳ thị hạng người nào và chính Chúa Thánh Thần đã chấp nhận cả gia đình Cornêliô là dân ngoại đang khi họ nghe lời Phêrô giảng. Nhưng dần dần Thiên Chúa đã dùng hoàn cảnh này hoàn cảnh kia để các tông đồ nhớ lại những lời tiên tri đã viết trước, tức là kế hoạch sâu nhiệm của Thiên Chúa.
Những lời ấy viết rằng: vào lúc cánh chung, tức là vào thời đại Ðấng Cứu Thế, Israen và Giêrusalem sẽ mở đường cứu độ cho muôn nước và có trách nhiệm phổ cập. Những lời ấy đã được Chúa Giêsu tóm tắt lại trong câu Người bảo môn đệ phải trở thành chứng nhân cho Người khởi sự từ Giêrusalem nhưng cho đến mút cùng trái đất.
Nói cách khác, Lời Chúa tự bản chất muốn được đem gieo ở mọi nơi; các tông đồ là những người được sai đi; đoàn chiên Chúa có trách nhiệm đem hết mọi chiên lạc về...
Nhiệm vụ tông đồ là nhiệm vụ truyền giáo. Trong ngày cầu nguyện cho ơn gọi tông đồ, chúng ta phải nhìn ra cánh đồng truyền giáo bát ngát cho đến mút cùng trái đất. Bấy giờ chúng ta mới thấy thiếu các tông đồ đến mức nào và các tông đồ mới hiểu mình chưa làm được một phần nhỏ của ơn gọi. Phải có thêm những Barnaba và Phaolô. Phải tăng thêm nhiều ý thức và ưu tư truyền giáo trong tâm hồn mọi người trong ngày hôm nay. Phải làm cho mọi người thấy bề rộng của vấn đề...
Và cả bề sâu nữa, theo bài sách Khải Huyền trong thánh lễ này.

3. Trách Nhiệm Dân Chúa
Thánh Gioan lại được nhìn thấy một cảnh tượng lạ lùng ở trên trời: một đoàn lũ đông đảo không biết cơ man nào mà kể thuộc đủ mọi sắc dân và ngôn ngữ, mình mặc áo chùng trắng tinh, tay cầm tàu lá vạn tuế, đang lớn tiếng tung hô Thiên Chúa và Chiên Con. Ðó là quang cảnh mai ngày ở trên thiên quốc. Ðó là Hội Thánh toàn thắng mà Hội Thánh lữ thứ trần gian đang sửa soạn và cưu mang.
Do đó sẽ có lợi cho suy niệm của chúng ta hôm nay, nếu nhờ lời tác giả sách Khải Huyền viết, chúng ta tìm hiểu về dân Chúa và Hội Thánh đang ở trần gian. Cộng đoàn dân Chúa và Hội Thánh hiện nay, không bao gồm đủ mọi sắc dân và ngôn ngữ sao? Còn về áo trắng tinh và cành vạn tuế, chúng ta hãy theo lời thánh Gioan mà hiểu. Chính người đã được cắt nghĩa cho biết: đó là dấu hiệu của sự thắng trận và đời sống sạch tội.
Quả vậy, đám dân hạnh phúc kia đã từ cuộc quẫn bách lớn lao mà đến. Kiểu nói này ám chỉ các thử thách của thời kỳ cánh chung và đặc biệt là thử thách giữ vững niềm tin khỏi bị các tiên tri giả mê hoặc. Thế mà thời đại cánh chung đã khởi sự từ ngày Ðức Giêsu ra đời và đặc biệt từ khi Người được tôn vinh trên thánh giá để trở thành người xét xử kẻ sống và kẻ chết. Từ ngày đó, đức tin đều là những người thắng trận thế gian, như lời Gioan viết: chiến thắng của chúng ta chính là đức tin. Và ai tin vào ơn cứu độ của Chúa nhất định không phải hổ ngươi.
Còn áo trắng của các thánh, tác giả nói đó là những cái áo đã được đem giặt trong Máu Chiên Con. Làm sao giặt trong máu lại có thể trắng được, nếu chúng ta không hiểu theo ý nghĩa thiêng liêng? Chính nhờ máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá, đã có Nước Thánh Thần chảy ra ban ơn tha tội trong nước thanh tẩy. Chúng ta hết thảy được sạch tội nhờ Máu Chúa Giêsu đã rửa chúng ta trong bí tích Tử nạn Phục sinh của Người.
Vậy, giữ vững đức tin nhờ nghe Lời Chúa như nắm cành vạn tuế trong tay, và được tâm hồn sạch tội như vận áo chùng trắng tinh nhờ lãnh nhận các ơn bí tích, chúng ta được đoàn tụ trong một Hội Thánh như dưới một mái nhà, một mái Ðền Thờ. Chúng ta không còn đói khát nữa, vì lời sách Khải Huyền viết, Chiên Con sẽ chăn dắt chúng ta, luôn đưa chúng ta đến nguồn mạch sự sống, làm chứng chính Chúa Kitô là mục tử của Hội Thánh như chúng ta đã nói. Và chắc chắn cuối cùng Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt chúng ta khỏi cuộc đời trần gian nhiều đau thương này để đưa Hội Thánh lữ khách trần gian trở nên Hội Thánh hạnh phúc trên trời.
Giờ đây chúng ta đang làm thành Hội Thánh ở dưới đất. Ngay giờ phút này Hội Thánh ấy đang ở giữa chúng ta.
Ở đây có lời Chúa, có bí tích của mọi bí tích là bí tích Thánh Thể, có hàng linh mục dẫn dắt chúng ta, có đủ phương tiện để chúng ta được thêm đức tin, được lòng trong sạch, được no nê lương thực trường sinh, để chúng ta tiến về Thiên quốc.
Chúng ta hãy cảm tạ tung hô Chúa. Chúng ta cầu xin luôn luôn có tông đồ làm việc cho chúng ta, cho các tông đồ ấy thánh, cho chúng ta luôn thích nghe Lời Chúa, lãnh nhận bí tích và tham gia vào đời sống Hội Thánh để mọi dân mọi nước làm thành một đoàn chiên với một Chúa chiên là Ðức Giêsu Kitô chúng ta.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Năm C, Kính Chúa Chiên Lành

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô là Mục Tử Nhân Lành duy nhất.

Thiên Chúa dựng nên con người với địa vị ngang hàng như nhau; nhưng nhiều người tự cho mình hơn người khác vì những đặc quyền họ sở hữu như: giầu có, danh vọng, uy quyền, sức khoẻ, sắc đẹp. Nhiều kẻ làm thuê đã nhân danh Mục Tử để tước đoạt lông chiên, thịt chiên; chứ không quan tâm đến tình trạng của những con chiên mà Thiên Chúa đã trao cho họ.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật vai trò quan trọng của Đức Kitô; Ngài là Mục Tử Nhân Lành được Thiên Chúa sai đến để chăm sóc đoàn chiên của Thiên Chúa: Ngài sẽ mang về những con chiên lạc, băng bó chiên bị thương, vỗ béo chiên gầy còm, dắt chiên đến đồng cỏ phì nhiêu và suối nước trong lành; nhất là Ngài cho chiên được hưởng cuộc sống đời đời. Trong bài đọc I, những người Do-thái ghen tức với Phaolô và Barnabas, vì đã làm cho đoàn chiên của họ bỏ họ và chạy theo hai ông; nên họ đã cấu kết với những phụ nữ quyền quí và những người có thế giá để trục xuất hai ông khỏi thành. Trong bài đọc II, những tín hữu nào đã trung thành đi theo để giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu của Con Chiên, sẽ không bao giờ phải chịu đói khát hay đau khổ nữa, vì Con Chiên là Mục Tử Nhân Lành sẽ luôn chăm sóc và an ủi họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu là Mục Tử Tốt Lành. Ai qua Người mà vào là kẻ chăn chiên thật, và tất cả những con chiên nào đi theo Người sẽ không bao giờ bị đói khát và đau buồn nữa, vì Ngài sẽ chăm sóc, bảo vệ, và cho hưởng cuộc sống đời đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người Do-thái sinh lòng ghen tức và phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông.

1.1/ Dấu hiệu của những người chăn chiên thật: Một số những dấu hiệu giúp các tín hữu nhận ra những người chăn chiên thật:

(1) Luôn tìm cách đưa các chiên về cho Thiên Chúa bằng việc rao giảng sự thật: Tiểu Á ngày xưa (Turkey ngày nay) là địa bàn truyền giáo của Phaolô và Barnabas. Đây là địa bàn quan trọng vì nó nối kết Châu Á và Châu Âu. Phaolô và Barnabas biết con người luôn tìm kiếm sự thật, đó là lý do mà vào hội đường của những người Do-thái mỗi ngày sabbath để rao giảng cho mọi người biết sự thật về Đức Kitô để họ tin vào Ngài. Lần đầu nghe, một số người đã nhận ra sự thật; họ mời hai ông trở lại để rao giảng lần sau. Tuần sau, họ kêu gọi gia đình và bạn bè đến nghe hai ông giảng; trình thuật kể “ngày sabbath sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa.” Qua hai tuần rao giảng, Phaolô và Barnabas làm cho nhiều người Do-thái và Dân Ngoại tại Antiochia miền Pisidia tin vào Đức Kitô.

(2) Chỉ cho dân đường tới Thiên Chúa: Người chăn chiên thật không hướng chiên vào mình; nhưng luôn chỉ đường cho chiên đến với Thiên Chúa. Đối với những người đã tin vào Thiên Chúa, Phaolô và Barnabas “khuyên nhủ họ gắn bó với ơn Thiên Chúa.” Đối với Dân Ngoại, hai ông chỉ cho họ thấy đích điểm của đời người là cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Nhiều dân ngoại đã nhận ra và tin theo những gì hai ông nói và Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

(3) Không chán nản khi bị bách hại: Các tông đồ đã được Chúa Giêsu dạy: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” Và, “Nếu họ bắt bớ anh em ở thành này, hãy trốn sang thành khác.” Khi bị những người Do-thái và nhà cầm quyền phản đối, Phaolô và Barnabas liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Iconium lòng tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.

1.2/ Dấu hiệu của những người chăn chiên giả.

(1) Họ ghen tức khi đương đầu với sự thật: Ngôn sứ Ezekiel diễn tả rất hay về hạng mục tử này như sau: “chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta” (Eze 34:8). Họ ghen tức với Phaolô và Barnabas, vì những người Do-thái của họ và nhiều Dân Ngọai tin theo những gì hai ông rao giảng về Đức Kitô, không phải vì họ sợ đàn chiên của họ bị nhiễm những đạo lý sai lầm; nhưng họ sợ đàn chiên sẽ bỏ họ mà chạy theo Phaolô và Barnabas và họ sẽ mất những lợi nhuận vật chất mà đàn chiên mang lại. Đây cũng chính là lý do mà những người trong Thượng Hội Đồng thủ tiêu Chúa Giêsu.

(2) Tìm cách tiêu diệt sự thật: Trình thuật kể, khi thấy những đám đông như vậy đến nghe hai ông giảng, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Thay vì tranh luận với hai ông để tìm ra sự thật, họ “sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Barnabas, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ.”

2/ Bài đọc II: Con Chiên sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.

2.1/ Các tín hữu phải giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên: Trong đoạn văn này, tác giả Sách Khải Huyền mô tả các tín hữu được về hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa sau cuộc sống gian khổ trên dương thế. Một số biểu tượng chúng ta cần hiểu:

+ Ngai: tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa Cha.
+ Con Chiên: là Đức Kitô. Ngài là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Jn 1:29).
+ Áo trắng: tượng trưng cho sự trong sạch và chiến thắng.
+ Nhành thiên tuế: tượng trưng cho chiến thắng.

Các tín hữu này là những người đã trải qua mọi gian khổ trên dương gian mà vẫn giữ được niềm tin yêu trung thành với Đức Kitô; vì thế, họ xứng đáng được Đức Kitô dẫn tới trước ngai Thiên Chúa, để xin Chúa Cha cho được hưởng hạnh phúc với Ngài muôn đời.

2.2/ Phần thưởng đạt được cho những tín hữu trung thành.

+ Được ở mãi bên Thiên Chúa và Con Chiên: Mục đích của đời người là ơn phúc kiến: được chiêm ngắm Thiên Chúa và thờ phượng Ngài muôn đời. Những người tín hữu đã chiến thắng được hưởng ơn phúc kiến này: “Họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn.”
+ Không phải đói khát: cả phần hồn cũng như phần xác.
+ Không bị đau khổ hành hạ: Người tín hữu sẽ không phải chịu bất cứ một đau khổ phần hồn cũng như phần xác nào nữa.
+ Được Thiên Chúa lau sạch nước mắt: Người tín hữu sẽ không bao giờ bị than khóc vì chia ly hay phải cách biệt những người thân. Họ sẽ sống bên nhau muôn đời.

3/ Phúc Âm: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.

3.1/ Mối liên hệ giữa Mục Tử và đoàn chiên: là mối liên hệ hai chiều.

(1) Mục Tử phải biết chiên của mình: Động từ “biết” trong tiếng Hy-lạp mang một ý nghĩa thâm sâu, chứ không phải chỉ biết các hời hợt bên ngoài. Mục tử biết tình trạng phần hồn cũng như phần xác của từng con chiên thì mới có thể giúp đỡ và săn sóc chúng được. Lời của ngôn sứ Ezekiel tiên báo về sứ vụ của Mục Tử Nhân Lành giúp chúng ta hiểu phần nào về sứ vụ Mục Tử của Đức Kitô: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” Một người chăn chiên mà không biết tình trạng chiên của mình, làm sao ông có thể hướng dẫn và giúp đỡ chiên được?

(2) Chiên phải nghe tiếng của Mục Tử: Chăn chiên trên đất Palestine là công việc rất khó khăn, vì ngoài việc phải lo tìm đồng cỏ xanh tươi và giòng suối trong, người mục tử còn phải bảo vệ chiên khỏi rơi xuống vực thẳm, khỏi tay của chó sói và của những người trộm cướp luôn đe dọa đàn chiên. Mục Tử luôn phải đi trước để nhận diện nguy hiểm trước khi hướng dẫn chiên tiến lên. Để được bảo vệ an toàn, đàn chiên phải tuyệt đối vâng lời làm theo những gì mục tử muốn; nếu không, chiên sẽ dễ dàng rơi xuống vực thẳm hay vào tay trộm cướp.

Trên phương diện phần hồn cũng thế, đàn chiên non dại không biết những nguy hiểm phần hồn đang đe dọa mình; người mục tử phải hướng dẫn chiên bằng lời sự thật của Đức Kitô, nuôi dưỡng bằng các bí tích để giúp chiên luôn vững mạnh, và luôn tỉnh thức để nhận ra những nguy hiểm đang đe dọa đàn chiên của mình và tìm các vượt qua. Đổi lại, đàn chiên phải biết vâng lời và làm theo những gì mục tử hướng dẫn; nếu không, chiên sẽ rơi vào bẫy của kẻ thù cho dù mục tử đã làm hết cách để bảo vệ chiên của mình.

Đức Kitô tuyên bố: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.” Đây là một lời bảo hiểm vững chắc cho tất cả những chiên nào tin tưởng và vâng lời làm theo những chỉ dạy của Đức Kitô, Mục Tử Nhân Lành. Ngài hướng dẫn chiên không chỉ bằng những chăm sóc bên ngoài; nhưng bằng hướng dẫn yêu thương trong tâm hồn để chiên nhận ra những nguy hiểm, đồng thời Ngài cũng ban sức mạnh cần thiết để chiên vượt qua những nguy hiểm đó.

3.2/ Liên hệ giữa Chúa Cha và đòan chiên: Chúa Giêsu tiếp tục tuyên bố: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một."

Đây là một mặc khải quan trọng của Đức Kitô cho con người. Trên phương diện thần học, lời này nói lên thiên tính của Đức Kitô: Ngài là Thiên Chúa và có uy quyền ngang hàng với Chúa Cha. Về phương diện mục vụ, lời tuyên xưng cho chúng ta thấy sự liên hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con trong việc bảo vệ con người. Người tín hữu là tài sản chung của cả Chúa Cha và Chúa Con: Chúa Cha đã ban người tín hữu cho Chúa Con, và Chúa Con đã làm hết cách để bảo vệ các tín hữu như đàn chiên của mình. Nếu địch thù không kéo chiên ra khỏi sự bảo vệ của Đức Kitô, chúng sẽ càng không kéo chiên khỏi sự bảo vệ của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì chỗ nào có Con, cũng có Cha và Thánh Thần.

Chúa Giêsu đã mặc khải sự bảo vệ này trong diễn từ về bí tích Thánh Thể: “Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Jn 6:39-40).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chỉ có Đức Kitô là Mục Tử Nhân Lành duy nhất. Cha mẹ và các cha chỉ là những người chăn chiên cho Thiên Chúa.

- Người chăn chiên thật phải đưa các chiên của mình tới Thiên Chúa; chứ không phải hướng vào mình hay tìm lợi ích cho mình.

- Bổn phận của đoàn chiên là phải lắng nghe để nhận ra và đi theo tiếng của người Mục Tử Nhân Lành; để đừng bao giờ bị rơi vào bẫy của những người chăn chiên giả và trộm cướp.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

21 THÁNG TƯ

Thiên Chúa Của Những Kẻ Sống

“Đây là ngày Chúa đã làm ra” (Tv 118,24). Ngày này luôn luôn xác nhận với chúng ta một sự thật đặc biệt rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.

Đức Kitô đã đến thế gian để bày tỏ cho chúng ta sự thật quan trọng này, một sự thật mở ra cho thấy tình yêu của Chúa Cha. Đức Kitô đã chết trên Thập Giá và đã được mai táng trong ngôi mộ đá để làm chứng cho sự thật đầy khích lệ rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.

Thực vậy, “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt 22,32). Nơi Đức Kitô, sự chết đã bị thách đố. Đức Kitô đã vượt thắng sự chết bằng chính cái chết của Người.

Đây là ngày Chúa đã lập ra. Đây là ngày hiển thắng của Thiên Chúa – hiển thắng trên tội lỗi và sự chết của con người. Con người đành chịu thua số phận của mình ư? Con người đành khuất phục trước sự chết ư?

Hay con người sẵn lòng dự phần trong cuộc hiển thắng này?

Con người đành thua sự chết khi họ chỉ hướng đến những gì thuộc hạ giới. Vì không có mầm bất tử nơi hạ giới này.

Vâng, đáng buồn biết bao, người ta vẫn chứng tỏ mình đành thua sự chết. Người ta không chỉ chấp nhận chết mà còn bức tử kẻ khác nữa. Người ta thường bức tử những kẻ không hiểu biết, những kẻ ngây thơ, thậm chí những đồng loại chưa được sinh ra của mình.

Người ta không chỉ đành thua sự chết. Người ta còn đặt cuộc hiện sinh của mình trong chính cấu trúc của sự chết. Đây há không phải là cách mà chúng ta áp đặt cái chết cho đồng loại chúng ta đó sao: bạo lực, tranh giành quyền lực một cách khát máu, thu tóm của cải một cách ích kỷ, đấu tranh chống lại sự cùng khổ bằng cách nuôi dưỡng lòng đố kỵ và quyết liệt báo thù, đe dọa và lăng nhục, tra tấn và khủng bố? Có điều, dù đành chịu thua sự chết, con người vẫn khiếp sợ nó.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 21-4 Chúa Nhật IV Phục Sinh.
Chúa Chiên Lành (cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ)
Cv 13, 14. 43-52; Kh 7, 9. 14b-17; Ga 10, 27-30


LỜI SUY NIỆM: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng bị diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.” (Ga 10,27-28).

Chúa Giêsu cho biết dân của Ngài một cách công khai và hết sức rõ ràng là gồm những ai nghe tiếng của Ngài, và những con người này Ngài biết rõ về họ một cách tường tận và sâu thẳm, được chính tay Ngài săn sóc nuôi dưỡng và bảo vệ. Thật là hạnh phúc cho chúng ta khi chúng ta được làm dân của Ngài. Niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Ki-Tô đã kết hợp chúng ta vào trong Mầu Nhiệm Thân Thể Chúa Ki-Tô bền chặt hơn và có chung sự liên đới với nhau trong cầu nguyện và tế lễ, hằng tin tưởng và thương yêu nhau vì cùng con một Cha Trên Trời.

Mạnh Phương

Gương Thánh Nhân

Ngày 21-04: Thánh ANSELMÔ
Giám mục, Tiến Sĩ  (1033 - 1109)



Thánh Anselmô chào đời năm 1033 tại Aosta, trong một gia đình quí phái. Mẹ Ngài, một người rất đạo đức lãnh trách nhiệm huấn luyện Ngài theo đàng nhân đức. Từ nhỏ, Ngài đã được theo học những bậc thầy danh tiếng. Bởi thế, Ngài đã mau mắn tiến triển cả về học vấn lẫn đức hạnh. Vào tuổi 15, thánh nhân đã biết chán ghét danh vọng giả trá thế trần và quyết theo đuổi đời sống tu trì, nhưng cha Ngài chống lại ý muốn này, thánh nhân buồn rầu ngã bệnh. Nhiệt tình theo đuổi đời sống tu trì không kéo dài bao lâu, nhất là bà mẹ đạo đức qua đời.
Anselmô rơi vào tình trạng nguội lạnh, nhiệt tình tuổi trẻ bị lôi cuốn vào những hấp dẫn thế trần. Cho đến lúc này, Anselmô vẫn còn thần tượng của cha Ngài, nhưng Thiên Chúa đã tha phép cho tình âu yếm của ông biến thành cay cú, đòi hỏi và cứng cỏi, đến nỗi Anselmô đã phải bỏ nhà trốn đi. Ngài từ giã không phải khỏi nhà cha mẹ mà thôi, nhưng còn bỏ luôn quê hương xứ sở cho tới tận miền Bourgogne. Tại đây, Ngài lấy lại nhiệt tình ban đầu. Ba năm sau, Ngài đến thụ huấn với tu viện trưởng Lanfrane ở Bec.
Một ngày kia, Anselmô xét thấy mình đã khổ cực để nên thông thái nhiều hơn là để nên đạo đức. Ngài đến quì dưới chân thày và nói : - Con có ba đường để theo : hoặc là trở thành tu sĩ phải Bec, hoặc sống ẩn tu, hoặc ở giữa thế gian để phân phát cho người nghèo gia sản của cha con để lại.
Đức Tổng giám mục giáo phận Rouen khuyên Ngài theo đuổi đời sống tu trì. Thế là Anselmôgia nhập tu viện Bec. Lúc ấy Ngài được 27 tuổi, Ngài đã dồn nỗ lực để nghiên cứu thần học và đời sống khiêm tốn vâng phục. Năm 1072, Đức Đan viện phụ Lanfrane được đặt làm tổng giám mục Canterbury. Anselmô được cử lên thay thế làm tu viện trưởng rồi làm Đan viện phu.
Sự đơn sơ và nhân hậu của Ngài đã đánh tan mọi ghen tương nghi kỵ. Hơn nữa sự thánh thiện và trí thông minh của thánh nhân đã khiến cho Ngài trở thành danh tiếng không những đối với các vị vua Chúa và các đức giám mục mà cả với thánh giáo hoàng Grêgôriô nữa. Tu viện Đức Bà ở Bec trở thành nơi trung tâm của phong trào trí thức thế kỷ XI năm 1087. Vua Willian I nước Anh từ trần. William Rufus lên kế vị. Nhà độc tài này không muốn có những chủ chăn mới và sang đoạt được nhiều tài sản của Giáo hội, nên khi Đức tổng giám mục Lanfrane qua đời, tòa giám mục Canterbury bị trống ngôi, năm 1093 khi thánh Anselmô viếng thăm Anh quốc, Rufus trong cơn trọng bệnh đã xin thánh nhân lãnh nhiệm vụ cai quản giáo phận Canterbury. Thánh nhân đã từ chối, nhưng rồi cũng phải lãnh nhận vì sự nài nỉ của các giám mục và nhất là vì sự chỉ định của đức Giáo hoàng Urbanô II.
Nhưng rồi khi nhà vua bình phục, ông hối tiếc vì việc sám hối của mình. Khi bị Đức Anselmô buộc phải chấp nhận quyền của Đức Urbanô, ông đã gây áp lực để truất phế đức tổng giám mục. Đức Giáo hoàng không nhận những giáo dân có thế giá cho biết sẽ không tha thứ cho việc truất phế thánh nhân, nhưng rồi năm 1097, sau nhiều cuộc cãi vã liên tục và vô hiệu, thánh Anselmô tự ý xin đi lưu đày, Rufus ưng thuận.
Thánh Anselmô trở về Roma và được khen ngợi vì sự can đảm của Ngài sau khi tham dự cộng đồng Bari và Roma. Thánh nhân tìm về đời sống tu viện tại dãy núi Apennins. Nơi đây Ngài hoàn thành tác phẩm: tại sao Thiên Chúa làm người. Ngài tuân thủ từng chi tiết của lề luật như một tập sinh. Ngài nói : - Cuối cùng tôi gặp được chốn nghỉ ngơi.
Năm 1100, Rufus qua đời trong một cuộc đi săn. Henri em vua lên kế vị, nhà vua mới triệu vời vị tổng giám mục trở về giáo phận. Năm 1106 Ngài trở về điều khiển Giáo hội tại Anh quốc.
Trải qua biết bao thăng trầm thánh nhân vẫn giữ được tâm hồn bình lặng. Ngài không bỏ qua công cuộc tìm kiếm thần học. Bởi đó, Ngài đã thành chiến sĩ đầu tiên của Giáo hội sau những thế kỷ đen tối. Luận chứng của Ngài nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa nay vẫn còn được biết đến. Thần học của Ngài là một phần linh đạo đặt trên sự cảm thông với những đau khổ của Chúa Kitô.
Với tư cách Tổng giám mục Canterbury Ngài đã chấm dứt việc bôi nhọ các thánh quê mùa của nước Anh quốc và góp phần khơi dậy cảm tình những gì truyền thống nước Anh từ xưa để lại. Đây là việc làm có giá trị lâu bền vì sửa lại được tình cảm phân rẽ và cuộc chinh phục của William gây nên.
Năm 1109, thánh Anselmô qua đời. Một con người đã luôn biết tìm kiếm Chúa. "Tôi không tìm hiểu để tin nhưng tin để mà hiểu biết", cuối cùng Ngài đã tìm về được ánh sáng vĩnh cửu.

daminhvn.net


21 Tháng Tư

Món Quà Sinh Nhật

Một bác nông phu tên là Donningos sinh sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ, trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10 chạy theo căn dặn: "Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho con cha nhé!". Người cha vốn rất vui tính và thương con nở nụ cười tươi, gật gù dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.
Sau một ngày lao động mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua cánh rừng gần đấy gom một mớ củi. Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con. Bác bỏ vội bó củi bên đường, tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gành đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm tổ. Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào, nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim đâm. Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra. Chưa định thần thì một con rắn đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ngê rợn chực tiếp tục tấn công. Ðó là con rắn nổi tiếng được dân địa phương gọi là "uturu des sétao". Nổi tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữa.
Bác nông phu vội rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh. May cho bác, nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên. Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa bàn tay. Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng phụ chiếc tay còn lại xiết chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú chim làm qua sinh nhật cho con.

Bạn có tin câu chuyện có thực này không? Nếu bạn không tin thì làm sao bạn tin được một sự thật khác còn to lớn hơn: Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người, nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Người.


(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét