Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Đần độn, người không tin thách thức Kitô hữu


Đần độn, người không tin thách thức Kitô hữu


Các Thánh Vịnh 114 và 53 cùng mở đầu với câu: “Kẻ đần độn tự nhủ ở trong lòng: làm gì có Thiên Chúa”. Bất kể câu này muốn nói với ta điều gì về việc không tin trong xã hội Do Thái cổ thời, ngày nay, không phải chỉ có kẻ đần độn mới nói thế. Vả lại, họ cũng chẳng chịu chỉ tự nhủ ở trong lòng mà thôi đâu. Riêng tại Mỹ và Âu Châu, nơi vốn được coi như trái tim lịch sử của “Thế Giới Kitô Giáo”, hiện có cả một đoàn lũ mỗi ngày một đông thêm những người thông minh, có giáo dục, có suy nghĩ lên tiếng bác bỏ Kitô Giáo và vị Thiên Chúa mà tôn giáo này tuyên xưng. Nhiều người trong số này cho rằng niềm tin Kitô Giáo đơn thuần chỉ là bất khả tín, không phải chỉ sai lầm, mà là sai lầm một cách thô thiển, tức cười. Nhiều người trong số họ là những khuôn mặt công sáng giá: khoa học gia, triết gia, nhà báo, tiểu thuyết gia, chính trị gia, “bloggers” và tấu hề duyên dáng. Nhưng phần đông họ là những con người rất bình thường. Họ là đồng nghiệp, bạn bè, thân nhân của ta, và thậm chí còn là chính ta nữa. Điều chủ yếu không nên quên là những người không đần độn ấy rất có thể đã được đóng ấn rửa tội, nhất là tại Hoa Kỳ; trong số này, người Công Giáo chắc chắn đã được dạy giáo lý, đã chịu phép thêm sức và đã được rước lễ lần đầu thành “chứng nhân đích thực của Chúa Kitô”, như Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội từng mô tả họ. 

Những sự kiện khó nghe trên, cùng với con số gia tăng những người “không xếp hàng” với các tôn giáo (không nhất thiết là người vô thần), đang đặt ra cho Giáo Hội thật nhiều vấn đề hóc búa. Và mặc dù đã có những nhận định sáng suốt của Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay rằng: “ta có thể kể chủ nghĩa vô thần là một trong các nan đề trầm trọng nhất của thời ta và đáng được ta lưu tâm nhiều hơn nữa”, đây là các vấn đề chưa được ta thực sự bắt đầu khuôn định, chứ đừng nói tới việc giải đáp. Không cần nói cũng thấy việc giải đáp này là một trong những trách vụ khẩn cấp nhất đang đặt ra cho diễn trình “tân phúc âm hóa những người từng đã được nghe công bố về Chúa Kitô rồi” như lời Chân Phúc GH Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp “Redemptoris Missio” của ngài. 

Dĩ nhiên, có cả ngàn vạn lý do (triết học, tâm lý học, xã hội, văn hóa, luân lý) khiến người ta hoài nghi hay trở nên hoài nghi đối với các chân lý của Kitô Giáo. Ở đây, chúng tôi chỉ tập chú vào một lý do duy nhất. Một cách nghịch thường, đây là đặc điểm nền tảng trong sứ điệp Kitô Giáo, nhưng là một đặc điểm mà người vô thần nắm được một cách trực giác hơn chính chúng ta. Xét trong căn bản, những người không đần độn kia đã hiểu được một điều chủ yếu mà chính chúng ta đang cố quên đi.

Những chủ trương quái dị

Ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề: Thiên Chúa của Kitô Giáo là một loại hữu thể hết sức kỳ lạ, nếu người ta có thể gọi Người là một loại hữu thể. Và những người tin nhận vị Thiên Chúa này đã ủng hộ, hay cho rằng mình đã ủng hộ, khá nhiều chủ trương lố bịch. 

Quả quyết một Thiên Chúa toàn năng, toàn trí và toàn ái, tạo dựng và duy trì “mọi vật hữu hình và vô hình” là một chuyện. Xét ngay trong nó, đây là một chủ trương khá nổi bật và cấp tiến, mà vào lúc mới ra đời, nó vốn là một chủ trương có tính cách mạng trong lịch sử con người và là một chủ trương được Kitô Giáo tiếp thu từ sữa bú của Do Thái Giáo. Ấy thế nhưng cho rằng vị Thiên Chúa này, tệ hơn nữa, một trong Ba Ngôi Vị của cùng một Thiên Chúa này, đã mang lấy xác phàm, trở thành một ai đó vừa thực sự là Thiên Chúa vừa thực sự là con người, lại là một chuyện khác hẳn. 

Thí dụ, hãy xem hai biểu tượng dễ nhận ra ngay tức khắc của Kitô Giáo là hài nhi Giêsu và tượng chịu nạn. Biểu tượng đầu muốn công bố rằng vị Thiên Chúa làm người này đã dành rất nhiều thời gian để làm những việc như đau bụng và cứt trâu da đầu, khóc nhè trong đêm chẳng biết vì lý do gì và không ngừng đái dầm khiến cha mẹ mất ngủ liên miên. Như thế, nước mắt, cáu kỉnh, và mọc răng cũng là công việc của vị Thiên Chúa duy nhất chân thực này, y hệt “trời, đất, biển khơi và mọi vật trong đó” (Cv 4:24). Biểu tượng sau quả quyết rằng vị Thiên Chúa làm người này bị tra tấn và sát hại, chịu một hình thái đau đớn và một cái chết không xứng hợp với một vị vua, nhưng một hình thức xử tử hết sức nhục nhã được Đế Quốc Rôma dành cho nô lệ, tướng cướp và kẻ thù của nhà nước. 

Có thể nói được rằng phần lớn tín hữu không nhận rõ cái đặc tính quái dị trong các biểu tượng nền tảng vốn được coi như đương nhiên của Kitô Giáo. Há không phải là điều lạ lẫm khi đeo quanh ngực một cái xác nhỏ xíu bị đóng đinh vào thập giá đó sao? Bất chấp là thật hay không, những chủ trương này chắc chắn là những chủ trương hoang dại và quái dị nhất trong lịch sử con người. Nhưng nếu đúng sự thật, thì chắc chắn chúng phải là những sự kiện sâu sắc nhất và đảo ngược thế giới nhất liên quan đến cuộc đời và vũ trụ. Ây thế mà, trong suốt 2000 năm qua, những chủ trương này đã trở thành quen thuộc đến nỗi chẳng ai trong đại đa số những người tuyên xưng chúng thèm bình luận, chứ đừng nói tới việc ngạc nhiên hay ngưỡng mộ. 

Sự điên rồ đối với Dân Ngoại

Tuy nhiên, điều đó không đúng đối với những người đầu tiên được nghe tin mừng này của Chúa Giêsu Kitô. Như chính Thánh Phaolô đã ghi lại “Chúng tôi rao truyền Chúa Kitô và là người bị đóng đinh, một vấp ngã đối với người Do Thái và một sự điên rồ đối với dân ngoại” (1 Cor 1:23). Dĩ nhiên, đối với người Do Thái, chủ trương cho rằng Đấng Mêxia, bất chấp là Thiên Chúa hay không, đã đến và đã bị đóng đinh là một chuyện gây gương mù gương xấu (scandalon, gương mù, tiếng Hy Lạp có nghĩa vấp ngã) một cách đầy phạm thượng. Và ta phải nói ngay rằng quả chẳng điên rồ chút nào khi nghĩ như thế: vì có ai lại đi mong chờ một đấng Mêxia bị đóng đinh rồi trỗi dậy bao giờ? Chính vì vậy mà ông Phêrô “quỉ quái” (Satanic) đã trách cứ Chúa Giêsu ở Mt 16 và các môn đệ trên đường Emmau đã chán chường nói đến người mà “họ từng hy vọng… sẽ là đấng sẽ cứu cuộc Israel” ở Lc 24. 

Trong khi ấy, đối với dân ngoại, toàn bộ cuộc tuyên xưng là một sự điên rồ tỏ tường. Ngay cái ý niệm cho rằng vua dân Do Thái, đúng ra, vua toàn thế giới, xuất thân không những từ cái vùng lạc hậu Giuđêa của Đế Quốc mà còn từ cái miền lạc hậu Galilê của cái vùng lạc hậu Giuđêa ấy, rồi xuất hiện trên lưng lừa thu hút những đám dân tạp nham gồm nông dân và ngư phủ, rồi bị bắt và bị đóng đinh như một thường phạm trước khi trỗi dậy một cách lạ lùng từ cõi chết mấy ngày sau đó, được chào đón như là cứu chúa của vũ trụ, thì quả là những truyện mê xảng của “đàn bà, nô lệ và con nít” như kiểu nói của triết gia ngoại giáo Celsus. 

Nhưng đối với những ai từng được nuôi dưỡng trong trình thuật này và biết vị Thiên Chúa làm người thực sự này, dù biết một cách không hoàn toàn hay ít khi phát biểu hay suy niệm về nó, ít khi họ cảm thấy thực sự bị thách thức bởi toàn bộ sứ điệp Kitô Giáo trong cái chiều kích bề ngoài xem ra gây gương mù gương xấu này. Dù tin tất cả sứ điệp đó hay không, người ta cũng thấy dễ khi phải gật đầu nửa vời như thể đây là những sự kiện hiển nhiên đến phát chán mà ai cũng đã nghe rồi. Điều cũng cần nói là các nhà giảng thuyết và hộ giáo Kitô Giáo thường lại hay củng cố quan niệm này. 

Trình bày “Chúa Kitô và người bị đóng đinh” như một điều bình thường, không gây tranh cãi gì cả, một điều mà người có đầu óc lành mạnh, không trì độn đương nhiên sẽ đồng ý một cách không thắc mắc là liều mình điều kiện hóa không những người khác mà còn chính ta nữa, khiến họ không còn xem sét điều đó một cách thực sự nghiêm chỉnh nữa. Bởi vì thay đổi lối sống của mình chỉ vì một điều bình thường hay một điều thường thức, thì chỉ những người bất bình thường mới làm mà thôi. Nhưng chính sự thay đổi ấy, sự quay gót (metanoia) ấy, hay sự ăn năn thống hối ấy, là điều Chúa Giêsu cho là cần thiết để ta “tin vào tin mừng” (Mk 1:15).

Về Thiên Chúa Chịu Đóng Đinh, Jürgen Moltmann nhận xét rằng ý nghĩa đích thực của Thứ Sáu Tuần Thánh “thường được người vô thần và người ngoài Kitô Giáo nhìn nhận nhiều hơn là người Kitô Giáo ngoan đạo, bởi nó làm họ ngỡ ngàng và như bị xúc phạm. Họ thấy nỗi khiếp đảm trần đời và sự vô thần của Thập Giá vì họ không tin các giải thích tôn giáo thường gán ý nghĩa cho tính vô nghĩa của cái chết này”. Dưới cái nhìn ấy, ta hãy xem hai nhận định sau đây trích dẫn từ hai nhà “tân vô thần” mà chúng tôi cho là phản ảnh được quan điểm rộng rãi hơn của những người không đần độn. 

Trong The God Delusion, Richard Dawkins viết rằng “Tôi từng mô tả việc xá tội (atonement)… là lẩn quẩn, là ác thống dâm (sado-machochistic) và kinh tởm. Ta cũng nên bác bỏ nó như một thứ điên loạn chói tai, vì sự thân quen áp đảo của nó từng làm cho tính khách quan của ta ra cùn nhụt”. Còn trong Letter to a Christian Nation, Sam Harris viết như sau: “Kitô Giáo đã tiến tới chỗ chủ trương rằng ta phải yêu và được yêu bởi một vị Thiên Chúa từng chấp nhận việc thế tội, việc tra tấn và việc sát hại một con người, mà tình cờ thay lại là chính Con của Người, để đền bù vì tác phong xấu xa và tội ác tưởng tượng của người khác”. 

Xét theo mô tả chân thực của thần học về thập giá, thì những phát biểu trên có phần chưa đầy đủ. Tuy nhiên, xét như những suy tư ấn tượng học về việc đóng đinh, nghĩa là như một sự lăng mạ quái dị, một thứ gián đoạn, đối với các vận hành bình thường của thế giới, một thứ điên dại của Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô nói, thì chúng quả đề cập tới một điều gì đó rất chủ yếu mà các Kitô hữu đã quá quen thuộc đến nhàm chán. Dù việc ngạc nhiên và việc bất khả tín không hẳn là đồng nghĩa, nhưng người không tin vẫn có thể nghe thấy những căng thẳng hiện đang bị những người với lỗ tai đã trở nên “nặng không còn nghe nổi” (Mt 13:15) làm ngơ.

Tái ngộ Tin Mừng 

Dawkins chính xác khi cho rằng vấn đề nằm ở sự “thân quen áp đảo”, không hẳn vì nó xâm hại khách quan tính của ta, mà đúng hơn vì nó hạn chế khả năng có thể ngỡ ngàng và ngạc nhiên, và do đó, có thể phấn khích và được thách thức của ta. Tin Kitô Giáo chân thực là một chuyện. Nhưng cảm thấy bỡ ngỡ trước việc không những nó chân thực, nhưng nếu nó chỉ có thể chân thực mà thôi, ta vẫn dựa vào nó để xây dựng cuộc đời ta, lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, các cố gắng phúc âm hóa và giảng dạy giáo lý của ta xem ra chỉ tập chú vào việc thuyết phục người ta tin điều trước. Có lẽ đó là một lý do khiến quá nhiều người Công Giáo, dù đã được nuôi dưỡng và giáo dục trong đức tin xưa nay, đã dễ dàng lạc dần xa đức tin ấy, mà đôi khi chẳng nhận ra. 

Nhưng đối với con số càng ngày càng đông những người được dưỡng dục bên ngoài Kitô Giáo, hay đã trôi dạt khá xa khỏi tôn giáo này, thì các khả thể gặp gỡ Tin Mừng trong mọi vẻ sáng chói của nó đối với tâm trí họ sẽ hứa hẹn hơn nhiều. Như Giáo Hội tiên khởi đã chứng tỏ một cách sâu rộng, một bối cảnh trong đó tin mừng có thể được tiếp nhận như là một sự rồ dại gây gương mù cũng chính là bối cảnh trong đó nó được chào đón một cách đầy ngạc nhiên như là “tất cả những gì tốt lành, đúng đắn và chân thật” (Eph 5:9). Nhìn dưới ánh sáng này, việc người ta thích Thánh Kinh lạnh hay nóng, ngược với hâm hấp, dù kỳ lạ, vẫn có nghĩa nhiều hơn (Rv 3:15-16).

Dĩ nhiên, khi nhấn mạnh tới bản chất triệt để, nghịch thường của sứ điệp Kitô Giáo, ta luôn gặp nguy cơ rơi vào sự tối tăm của chủ nghĩa duy tín (fideistic). Điều này cũng cần phải nghiêm chỉnh xa lánh: Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô đều đã cảnh giác việc không cần thiết phải tạo ra irrisio infidelium, hay “sự châm chọc của người không tin”. Chúng tôi muốn nói không phải Kitô Giáo điên dại thực sự hoặc lầm lạc hay tức cười. Nhưng đúng hơn, chúng tôi muốn nói rằng giống mọi điều chân thực một cách sâu sắc khác, Kitô Giáo nên làm người ta bỡ ngỡ ngay ở lần nghe đầu tiên và sơ sài. Hãy so sánh với các điều kỳ diệu của vũ trụ được khoa vật lý hiện đại phát hiện, đó là: mọi sự trong vũ trụ có lần đã được gói gọn trong một không gian cực kỳ nhỏ mọn; tuyệt đại đa số các vật ở thể rắn thực sự chỉ là những khoảng không trống rỗng; có cả hàng trăm tỉ ngân hà trong vũ trụ, mỗi dải với hàng trăm tỉ thái dương hệ… Các nhà văn khoa học nổi tiếng đã rất thành thạo giải thích cho ta cách nào và tại sao những sự vật kia có thật và các lý do vững chắc để ta tin những điều ấy. Nhưng họ cũng vẫn tỏ ra ngưỡng phục trước cái vẻ bề ngoài đầy quái dị của những khám phá ấy, vì biết rất rõ đó là điều khiến độc giả của họ phấn khích và say mê. 

Dĩ nhiên, các giáo phụ không xa lạ gì đối với các chiến thuật ấy, cho nên các nhà tân phúc hóa tương lai cũng cần phải cố gắng khắc ghi lấy nó. Nhà biện giáo thế kỷ thứ hai là Thánh Melito thành Sardis mô tả Chúa Kitô “nện chân trên đất, mà vẫn phủ đầy bầu trời… đứng trước Philatô mà đồng thời vẫn ngự trị với Cha của Người; bị đóng đinh trên thập tự giá, nhưng vẫn là chúa tể muôn vật”. Còn Thánh Augustinô thì viết như sau trong một bài giảng Lễ Giáng Sinh thời danh: “Đấng tạo ra con người nay trở thành con người, đến nỗi vua các vì sao phải bú vú mẹ; suối nguồn trở thành khát nước… sức mạnh trở thành yếu ớt; lành mạnh, trở thành thương tích; sự sống, trở thành chết chóc”. 

“Một vấp ngã đối với người Do Thái và một điên dại đối với người dân ngoại”, rất có thể như thế, nhưng dù cho là như thế, vẫn còn hơn cái thứ bình thường đối với người bên ngoài và chán ngán đối với người đã rửa tội. 

Trích dịch bài “Foolishness!” của Stephen Bullivant, giảng sư thần học và đạo đức học tại Đại Học St Mary, Luân Đôn, Anh Quốc. America 11 tháng 2, 2013.
Vũ Văn An 4/19/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét