Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

27-04-2013 : THỨ BẢY TUẦN IV MÙA PHỤC SINH


Ngày 27/04/2013
Thứ Bảy Tuần IV Mùa Phục Sinh Năm C


BÀI ĐỌC I: Cv 13, 44-52
"Đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Đến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: "Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: 'Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất' ". Nghe vậy, các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.
Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo, các thân hào trong thành, bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).
Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Đáp.

ALLELUIA: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 14, 7-14
"Ai thấy Thầy là xem thấy Cha".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".
Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho". Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Hứa Chỗ Cho Môn Ðệ
Có một vị vua nọ, thông minh tài giỏi, nhưng cũng chẳng kém phần ngạo ngược. Ngày kia, vua bỗng nảy ra một ý nghĩ táo bạo gần như thách thức. Vua cho mời một nhà lãnh đão tôn giáo đến và ra lệnh trong vòng một tuần lễ ông phải làm thế nào cho vua thấy được Thiên Chúa. Nếu không, ông sẽ bị chém đầu.
Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa. Làm sao có thể thỏa mãn được ước muốn càn dở của vua đây? Không thiếu phép lạ, nhưng phép lạ không phải để đáp lại những ý nghĩ điên rồ và thách thức như thế. Biết được nỗi lo âu của nhà lãnh đạo tôn giáo, một kẻ chăn chiên đến xin ông cho phép anh được chỉ cho nhà vua thấy Thiên Chúa. Nhà lãnh đạo tôn giáo không mấy tin, nhưng chẳng biết thế nào hơn.
Vào một buổi sáng đã hẹn, kẻ chăn chiên dẫn nhà vua đến đồng cỏ nơi anh thường thả đàn súc vật. Họ đi bộ không dùng xe ngựa. Lúc họ tới nơi thì mặt trời đã gần trên đỉnh đầu. Người chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và bảo nhà vua nhìn. Vua nổi giận bảo anh muốn làm mù đôi mắt của vua hay sao mà bắt vua nhìn. Bấy giờ người chăn chiên mới quì xuống trước mặt vua và thưa: "Tâu bệ hạ, chỉ một vật do bàn tay Thiên Chúa tạo ra mà ánh quang của nó rực rỡ đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa được?" Chính lúc ấy nhà vua đã thấy Thiên Chúa không phải bằng đôi mắt nhưng bằng niềm tin.
Anh chị em thân mến!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Philipphê, một trong nhóm mười hai đã nói lên ước muốn: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu đã phản ứng thế nào? Và trả lời làm sao? Ðó là những vấn đề mà chúng ta sẽ đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Chắc hẳn khi lên tiếng xin Thầy chỉ cho xem thấy Thiên Chúa Cha, thánh Philipphê đã lên tưởng tới hình ảnh một Thiên Chúa oai phong, đầy quyền năng như Ngài đã tỏ vinh quang trên núi Sinai. Một Thiên Chúa mà khi tiếp cận, Môisê chỉ được chiêm ngắm phía sau Ngài chứ chẳng được thấy dung nhan Ngài.
Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của vị vua trên hay của bất cứ ai trong chúng ta, một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế mà không ít người sẵn sàng hao tốn tiền bạc, thời giờ để tìm đến nơi xảy ra dấu lạ cho bằng được. Một dịp hành hương có ý nghĩa và quan trọng hơn Tam Nhật Thánh của ngày lễ Phục Sinh.
Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu của Philipphê, Chúa Giêsu đã dùng một lời khẳng định và một câu hỏi khẳng định đặt trước và một câu hỏi nằm sau. Nếu theo đúng phương pháp sư phạm, câu hỏi phải được đặt trước, vì đặt câu hỏi là giúp khai mở dần của việc đối diện để hướng về sự thật sắp được giãi bày. Chẳng phải Chúa Giêsu không biết đến phương pháp này, nhưng Ngài đã trả lời cách khác, vì Ngài muốn nêu lên một chân lý: "Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy với Cha là một". Ðó là một thực tại quá hiển nhiên không còn phải bàn cải.
Câu hỏi tiếp theo có công dụng như một lời nhắc nhở cho Philipphê hãy quay nhìn trở lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ. Những lời Thầy nói, những việc Thầy làm không phải là của Thầy, nhưng đều là của Thiên Chúa Cha ở trong Thầy. Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ chẳng nhận ra Ngài là Thiên Chúa.
Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với tông đồ Philipphê cũng là lời Ngài muốn nhắc nhở chúng ta hôm nay. Ðừng cho các quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là một điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm kiếm dấu lạ, nhưng rồi dấu lạ xảy ra trước mắt mà lại chẳng nhìn thấy. Hằng ngày qua lời truyền phép của linh mục, Chúa Giêsu hiện diện thực sự trên bàn thờ mà đã mấy lúc chúng ta tỏ ra thái độ cung kính tin nhận Ngài. Và rồi trong cuộc sống, biết bao lời cầu khẩn, xin ơn được dâng lên Thiên Chúa, nhưng đã có lần nào chúng ta biết dừng lại để khám phá ra ơn lành của Ngài đã bị mất giữa chuỗi dài những quen thuộc thường xảy ra.
Qua bài Tin Mừng hôm nay ước mong rằng mỗi người trong chúng ta luôn biết giữ thái độ tìm kiếm. Một sự tìm kiếm không ở đâu xa nhưng chính trong cuộc sống quen thuộc tầm thường, hằng ngày, đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách biết ngạc nhiên, biết đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ thấy khuôn mặt của Thiên Chúa cũng như tình yêu của Ngài. Amen.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần IV PS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy dùng cơ hội Thiên Chúa cho để mang ơn cứu độ đến mọi người.

Trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Phaolô và Barnabas, các ông đã gặp rất nhiều trở ngại và chống đối từ phía người Do-thái. Lý do: họ không muốn bị mất ảnh hưởng trên đám đông và không muốn tất cả Dân Ngoại được làm con Thiên Chúa. Lẽ ra họ phải dùng đặc quyền Thiên Chúa ban để mang nhiều người về với Ngài; nhưng họ lại để tính ích kỷ và ghen tị ngăn cản người khác, và ngay cả họ, đến với Ngài.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc làm sao cho Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được hoàn thành. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng lời tiên-tri Isaiah để chứng minh Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn cho người Do-thái, mà cho tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: Họ sẽ làm các việc lớn hơn Ngài làm là mang Ơn Cứu Độ của Ngài cho đến tận cùng trái đất.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Kế Hoạch Cứu Độ là cho tất cả mọi người: Do-thái cũng như Dân Ngoại.

1.1/ Dân Ngoại cũng được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa: Sách Tiên Tri Isaiah, được viết khoảng 750 BC, đã viết về Kế Hoạch Cứu Độ như sau: Thiên Chúa phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất" (Isa 49:6). Người Tôi Trung đây là chính Đức Kitô, Ngài đến để cứu dân tộc Israel trước hết; nhưng không phải chỉ có họ mà thôi, mà còn muôn dân tộc, cho đến khi Ơn Cứu Độ được lan tràn đến tận cùng cõi đất.

Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Thiên Chúa thúc đẩy "gần như cả thành Antioch, Pisidia tụ họp nghe lời Thiên Chúa." Bấy giờ ông Phaolô và ông Barnabas mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía Dân Ngoại." Phaolô cũng dùng lời tiên-tri Isaiah trên để áp dụng vào chính ông và vào các nhà rao giảng Tin Mừng, vì chính họ cũng làm cho lời tiên báo này được thành tựu.

Nghe Phaolô cắt nghĩa Kinh Thánh và Kế Hoạch Cứu Độ, Dân Ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

1.2/ Người Do-thái ghen tức và ngược đãi Phaolô và Barnabas: Thấy những đám đông như vậy nghe Phaolô rao giảng, người Do-thái sinh lòng ghen tức. Họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Điều này đã xảy ra cho Chúa Giêsu vì hai lý do:

(1) Họ không muốn đối phương của họ có ảnh hưởng trên đám đông; vì nếu đám đông theo đối phương, họ sẽ không còn ảnh hưởng trên đám đông.

(2) Họ không muốn ai được phép bằng họ, và họ ghen tị khi thấy người khác bằng mình. Truyền thống Do-thái quan niệm chỉ có họ mới là con Thiên Chúa. Nếu Dân Ngoại cũng là con Thiên Chúa, họ đâu còn chi đặc biệt nữa!

Vì thế, người Do-thái sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Barnabas, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Iconium.

2/ Phúc Âm: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.

2.1/ Chúa Cha và Chúa Giêsu là một: Con người chưa bao giờ thấy Thiên Chúa; nhưng khi con người thấy Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, vì như thánh Phaolô nói: "Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình." Trong mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philip, Chúa Giêsu xác tín điều này.

- Ông Philíp yêu cầu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."

- Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?""

Chúa Giêsu muốn chứng minh cho Philip 2 điều:

(1) Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha: "Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình."

(2) Những việc Chúa Giêsu làm là theo ý của Chúa Cha: "Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm." Không ai có thể làm những việc Chúa Giêsu đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.

2.2/ Các Tông-đồ có thể làm những việc Chúa Giêsu làm và những việc lớn hơn nữa: Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha."

- Những việc Chúa Giêsu làm: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại, đào tạo môn đệ ... Các Tông đồ làm được tất cả những điều này nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh sức riêng của mình; vì các ông biết rõ sức con người không thể làm những chuyện đó. Lời bảo trợ của Chúa Giêsu bảo đảm sức mạnh này: "Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó."

- Những việc lớn hơn đây là làm sao cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được cứu độ. Để thực hiện điều này, Chúa Giêsu cần sự cộng tác của con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải làm mọi cách để làm sao Tin Mừng Cứu Độ được lan truyền khắp nơi theo ý của Đức Kitô mong muốn.

- Chúng ta phải loại bỏ tính ích kỷ và ghen tị trong khi loan báo Tin Mừng, thì Lời Chúa mới có thể lan rộng và sinh hoa kết trái đến tận cùng trái đất được.

- Chúng ta đừng để bất cứ một trở ngại nào ngăn cản chúng ta trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, vì Đức Kitô đã hứa với chúng ta: "Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm."

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 14,7-14

A. Hạt giống...
Bài giáo lý thứ 7 : Chúa Giêsu là mặc khải của Chúa Cha.
Tiếp tục những lời thân tình của Chúa Giêsu trong bầu khí bữa tiệc ly. Philipphê xin : "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu đáp : "Ai Thấy Thầy là xem thấy Cha"

B.... nẩy mầm.
1. Được biết Thiên Chúa và được thấy Ngài, đó là ước muốn rất chính đáng và rất sâu xa của mọi tín hữu. Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng đó : "Ai Thấy Thầy là xem thấy Cha". Nhìn Chúa Giêsu, ta có thể biết Chúa Cha như thế nào : nhân từ, hiền hậu, gần gũi với những người đau khổ, khoan dung với kẻ tội lỗi... Thiên Chúa mà chúng ta thờ là như thế đó.
2. "Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha". Chúa Giêsu nói tới sức mạnh và năng lực kỳ diệu Ngài sẽ ban cho kẻ tin vào Ngài. Các vị Thánh đã tin và đã làm được những phép lạ như Chúa Giêsu. Tôi có tin không ?
3. "Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy. Chính Người làm những việc của mình" (Ga 14,10)
Có một vị ẩn sĩ sống rất khiêm tốn và khó nghèo. Ngày kia, một thiên thần đến nói với Ngài : "Chúa sai tôi đến gặp ngài, ngài có thể xin bất cứ điều gì ngài muốn. Vậy, ngài có muốn được ơn chữa bệnh không ?" Vị ẩn sĩ trả lời : "Không thà để chính Chúa chữa trị thì tốt hơn". Thiên thần lại đề nghị : "Hay ngài có muốn trở thành mẫu gương để người khác nhìn vào mà sống tốt hơn không ?". Ẩn sĩ khiêm tốn nói : "Không, bởi như thế, tôi sẽ trở thành trung tâm của sự chú ý"
Cuối cùng thiên thần nói : "Ít nhất ngài nên xin một điều gì đó, vì Chúa muốn thế"
- "Vâng, tôi xin điều này : xin cho mọi việc thiện được thực hiện qua tôi mà tôi không hề hay biết". Thế là lời ước của ẩn sĩ thành sự thật, Thiên Chúa ban cho cái bóng của ngài có được mọi thứ quyền năng. Nơi nào có bóng ngài đi qua người bệnh được khỏi, niềm vui thay cho sầu khổ và đất đai trở nên phì nhiêu. Nhưng ẩn sĩ không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chỉ chú ý tới cái bóng đến độ quên hẳn ngài.
Xin cho biết sống như Thánh Gioan Tẩy Giả "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi". (Epphata)
4. (những mầm khác)                   
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

27/04/13 THỨ BẢY TUẦN 4 PS
Ga 14,7-14

NHÌN THẤY CHÚA CHA
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14,9-10)
Suy niệm: Người ta có thể tìm Thiên Chúa như tìm một phù thủy để cầu phép thuật, hay một thủ kho để xin xuất mấy khoản cần thiết; thậm chí họ tìm Ngài như tìm một thủ phạm của những khổ đau trùng điệp trên thế giới! Một Thiên Chúa như thế không phải là Thiên Chúa mà Chúa Giê-su nói tới và sống thân tình như người con đối với Cha mình. Chính các tông đồ cảm nhận điều đó và coi là một diễm phúc khi được biết Cha của Đức Giê-su được gọi Ngài là Cha: “Lạy Thầy xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là mãn nguyện cho chúng con rồi.” Đi tìm Thiên Chúa với khát vọng tự nhiên và chính đáng này, người ta sẽ gặp Ngài nơi Đức Giêsu vị Thiên Chúa làm người, sống và chết cho con người, một Thiên Chúa Tình yêu: “Ai thấy Thầy là thấy Cha. Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha.”
Mời Bạn tạ ơn Chúa Giê-su là “đường-sự thật-sự sống” đã cho chúng ta biết, yêu và sống hạnh phúc với Chúa Cha.
Chia sẻ: Cách sống đạo của tôi/chúng tôi hiện nay sẽ làm cho người lương dân nhận biết một Thiên Chúa nào ?
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc gặp gỡ Chúa mỗi ngày qua các buổi đọc kinh cầu nguyện trong gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Cha nhân lành, Cha cho chúng con con đường để đến với Cha là Chúa Giêsu. Xin Cha cho mọi người lòng khát khao được biết Cha; xin lôi kéo họ đến với Con của Cha là Đức Giêsu, để lắng nghe Lời Ngài hầu có thể nhận ra Cha là Thiên Chúa Tình yêu và hạnh phúc cho tâm hồn. 

Làm những việc lớn hơn nữa 
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin, vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài. Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con

Suy nim:
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài :
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
 yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM Ga 14,7–14
Bài Tin Mừng hôm nay là một mặc khải về Chúa Cha mà Đức Giêsu đã cặn kẽ giải thích cho các môn đệ. Ta cần biết, người Do Thái thời Đức Giêsu vẫn quan niệm Thiên Chúa là Đấng vô hình. Thế nên, chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, và cũng chẳng ai dám nghĩ rằng mình sẽ được trông thấy Thiên Chúa. Có lẽ, chính Philipphê, khi yêu cầu được thấy Chúa Cha, cũng không mong mình được đáp ứng thỏa đáng.
Nhưng Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của Philipphê bằng lời khẳng định: ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha. Như vậy, Ngài chính là sự mặc khải về Thiên Chúa, là hình ảnh của Chúa Cha.
Thánh Athanasio đã diễn tả chân lý đó như sau: “Chúa Cha được bày tỏ qua Chúa Con. Và Chúa Con được bày tỏ qua Giáo hội”. Thế nên, Chúa Con là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, Giáo hội là hình ảnh trung thực của Chúa Con. Và, mỗi tín hữu, vì là thành phần của Giáo hội, nên cũng là phải là hình ảnh trung thực của Đức Giêsu.
Thế nhưng lắm khi, chính Kitô hữu đã làm cho bộ mặt Đức Giêsu trở nên khó coi. Một đời sống nguội lạnh, thiếu công bằng, thiếu trong sáng trong làm ăn buôn bán, thiếu khoan dung trong cung cách đối xử… đều là những yếu tố làm cho diện mạo Đức Giêsu trở nên kém hấp dẫn đối với anh chị em lương dân.
Mong sao, tôi luôn nhớ mình là con cái Thiên Chúa.
Mong sao, tôi biết mình có bổn phận phản ánh hình ảnh trung thực của Đức Giêsu.
Mong sao, qua đời sống lành thánh của tôi, khuôn mặt của Đức Giêsu trở nên rạng ngời hấp dẫn.
Lm. AN NAM

Bài đọc thêm

CHĂN CHIÊN

(Trích Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Tin mừng theo thánh Gioan)


1. Nghề chăn chiên
Đây là một nghề thịnh hành ở Palestina từ thời Cựu Ước cho tới thời Tân Ước. Người ta nuôi chiên vì nó đem lại nhiều nguồn lợi vật chất như sữa, bơ, thịt, lông...
Nhưng người chăn chiên phải vất vả nhiều: phải tiên liệu những nơi có cỏ, nước và bóng mát; bảo vệ chiên khỏi bị thú dữ và trộm cướp tấn công; chăm sóc kỹ từng con; tìm kiếm những con lạc v.v. Dần dà có 1 tình cảm phát sinh giữa người chăn và các con chiên: người chăn biết rõ từng con chiên với những đặc tính của nó, các con chiên cũng biết ai là người chăn mình. Để dễ hướng dẫn đoàn chiên, mục tử cũng đặt tên cho một số con chiên “tổ trưởng”. Ông chỉ cần gọi tên những con này, khi chúng đi theo thì các chiên khác cũng theo. Ngược lại chiên cũng biết ai là chủ thật của nó, nên khi gặp người lạ thì chúng bỏ chạy, dù người ấy có lên tiếng gọi nhưng chiên biết không phải là tiếng chủ nên cũng bỏ chạy.
Ban đêm người ta cho chiên vào chuồng. Chuồng thực ra chỉ là một khoảng đất có hàng rào bao quanh và một cái cửa ra vào. Để khỏi tốn kém làm nhiều chuồng, những chủ chiên chung nhau làm một chuồng lớn. Chiều xuống, các mục tử lùa đàn chiên của mình vào chuồng rồi đóng cửa lại. Có người canh gác bên ngoài đề phòng trộm cướp hoặc thú dữ. Đến sáng từng mục tử mở cửa vào, gọi tên các con chiên tổ trưởng, chúng đi ra và các chiên khác cùng đàn đi theo. Sau khi đếm đủ số, mục tử đi đầu dẫn đoàn chiên của mình ra đồng cỏ.
Thỉnh thoảng có trộm cướp. Bọn này không dám đi qua cửa vì sợ đụng mặt với những người canh gác. Chúng nhảy rào vào. Nhưng các chiên biết chúng là người lạ nên sợ và chạy tán loạn.
Vì đây là một nghề thịnh hành ở Palestina nên Thánh Kinh đã dùng nhiều hình ảnh từ nghề này (thí dụ Ed 34 Tv 23 Mt 18 và 25 Mc 14 Lc 12 v.v.) Những hình ảnh đó là: mục tử tốt, mục tử xấu, đoàn chiên, con chiên và con dê...

2. Vai trò mục tử
Mục tử là một hình ảnh quen thuộc đối với dân Israel cả trong thời kỳ họ còn sống nghề du mục lẫn trong thời kỳ họ đã định cư: thời du mục thì họ chuyên chăn nuôi; đến thời định cư hẳn trong xừ Palestina thì tuy họ đã chuyển sang nghề nông nhưng vẫn còn giữ nghề chăn nuôi.
Trong chăn nuôi, vai trò và nhiệm vụ của mục tử rất quan trọng và khó khăn:
a/ Không phải chỉ nuôi vài ba con chiên mà cả đàn lên tới mấy trăm hoặc mấy ngàn con;
b/ Muốn nuôi sống một mớ chiên đông như thế, không phải chỉ cần đi cắt một mớ cỏ đem về là đủ, mà phải tìm những đồng cỏ lớn, phải tính sẵn trong đầu xem khi đoàn chiên ăn hết đồng cỏ này thì phải dẫn chúng tới đồng cỏ khác ngay; phải chọn những chỗ vừa có cỏ xanh vừa có bóng mát vừa có nước uống (x. St 13,1-9: đầy tớ của Loth và của Abraham dành nhau những đồng cỏ và giếng nước);
c/ Ngoài ra còn phải bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm thường xuyên đe dọa như trộm cướp và thú dữ. Có khi phải chiến đấu đến bị thương hoặc bị chết.
Trong bối cảnh trên, hình ảnh mục tử rất đẹp: thân thiết, tận tụy, can trường, chu đáo v.v. Bởi đó Thánh Kinh thường dùng hình ảnh này để mô tả những nhân vật quan trọng như Môisê (Xh 3,1-2 15,22-27...), các nhà lãnh đạo dân như vua, tư tế, thẩm phán, ngôn sứ (Gr 10,21 12,10 Ed 34 Is 36,11 Dcr 11,15-17...). Đặc biệt nhất chính Thiên Chúa tự mô tả mình là mục tử (Tv 23  80), dân Israel được coi là đoàn chiên của Ngài (Tv 80,2), cuộc Xuất hành là việc Thiên Chúa dẫn dắt đoàn chiên Israel ấy qua những nơi khó khăn để tới chốn an lành (Tv 78,52  77  Is 63,11-14). Và sau cùng Đấng Messia cũng được mô tả là mục tử (Ed 34  Dcr 13,7-9...).
Mô tả Thiên Chúa và Đấng Messia bằng hình ảnh mục tử thì rất đẹp, nhưng mô tả dân Thiên Chúa như đoàn chiên thì không được đẹp lắm vì hình ảnh đoàn chiên gợi lên ý tưởng một đám đông trong đó những cá nhân không có cá tính mà chỉ như một con số bị mất hút trong đa số. Bởi thế trong đoạn Tin Mừng này Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh đoàn chiên nhưng Ngài làm nổi bật tính cá nhân riêng biệt của từng con chiên: “Ta biết các chiên của ta và các chiên của Ta biết Ta” (c 14).

SUY NIỆM : Cầu nguyện nhân danh Chúa.

Thường tình chúng ta không tiếc lời ca ngợi kẻ xa lạ vì đã làm được những việc đáng kể, nói ra nhiều câu chí lý, có một hành động đáng phục. Trong khi đó chúng ta lại rất hà tiện lời khen đối với người sống gần bên cạnh, trong chính tập thể chúng ta, dù người đó không những đã làm, đã nói, đã sống, mà còn hơn cả những người được ca ngợi, nhưng lại sống xa chúng ta. Ðây có thể phần nào là hoàn cảnh sống của các môn đệ, nhất là của Philipphê. Họ đã sống gần Chúa Giêsu, Thầy của mình, bao nhiêu năm qua, nhưng dường như họ vẫn chưa hiểu Chúa và mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chính vì thế, mà trong câu nói của Chúa Giêsu cho các môn đệ có mang chút ít sự chua xót và trách móc: "Thầy đã ở với các con lâu rồi mà các con không biết Thầy sao? Hỡi Philipphê, ai xem thấy Thầy thì cũng xem thấy Cha. Hãy tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Ít nhất, các con hãy tin điều đó vì thấy các việc Thầy đã làm".
Thật thế, không thiếu những dấu chỉ cho chúng ta biết mối quan hệ thâm sâu và đặc biệt giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Ðặc biệt trong đoạn Phúc Âm vừa đọc trên, chúng ta có thể ghi nhận một dấu chỉ đặc biệt, đó là Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần mà Ngài sẽ ban xuống, sẽ ban cho các môn đệ làm những việc cả thể hơn nữa. Họ sẽ hành động nhân danh Chúa, sẽ khai sinh một cộng đoàn mới, một Giáo Hội của Chúa. Nhưng chắc chắn các môn đệ sẽ gặp khó khăn và phương thế để vượt qua những khó khăn là cầu nguyện, cầu nguyện nhân danh Chúa. Hai lần trong cùng một đoạn văn vừa đọc, Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy cầu nguyện, cầu nguyện hết lòng tin tưởng, cầu nguyện nhân danh Chúa. Chúng ta có xác tín về những gì Chúa Giêsu giãi bày cho chúng ta hay không?
Lạy Chúa, trong ánh sáng phục sinh của Chúa, chúng con được mạc khải cho biết thực thể đúng thực của Chúa, là Ðấng sống hiệp nhất với Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời không bỏ quên chúng con. Chúa muốn chúng con hướng về Chúa. Xin đừng để chúng con đi tìm một vì Thiên Chúa khác, mà quên chính Chúa, là Ðấng luôn luôn hiện giữa chúng con mọi nơi mọi lúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

27 THÁNG TƯ

Mục Tử Tốt Lành Hy Sinh Mạng Sống Vì Đàn Chiên

“Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,11). Hình ảnh người Mục Tử Tốt Lành được nối kết với Mùa Vượt Qua. Trong ánh sáng của Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, Giáo Hội đọc lại một lần nữa về Đức Giêsu trong tư cách là người Mục Tử Tốt Lành – truyền thống này đã có trong Giáo Hội qua bao thế kỷ.
“Người mục tử tốt lành thí mạng mình vì đàn chiên” (c.11). Đấy là ý tưởng nòng cốt của dụ ngôn về Người Mục Tử Tốt Lành. Ý tưởng ấy giờ đây đã được hiện thực hoàn toàn qua hiến tế của Đức Kitô trên Thập Giá. Người đã trao hiến mạng sống Người như hy lễ thay cho con người. Đó là lý do tại sao Người là Mục Tử Tốt Lành.
Những hình ảnh nguyên sơ nhất trong các hang toại đạo cho chúng ta thấy các Kitôhữu sơ khai trân trọng sự thật về Người Mục Tử Tốt Lành biết bao. Sự thật này bắt nguồn từ Cựu Ước. Chẳng hạn, ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 100: “Đức Chúa là Thượng Đế; Ngài đã dựng nên ta, ta thuộc về Ngài; ta là dân của Ngài, là đàn chiên do Ngài dẫn dắt” (c.3).
Đối với dân Chúa trong Cựu Ước, hình ảnh người mục tử biết và săn sóc các con chiên của mình là một hình ảnh rất quen thuộc ngay từ đầu lịch sử của họ. Và tất cả những gì xảy ra giữa người mục tử và đàn chiên đã trở thành một hình ảnh, một ẩn dụ về mối quan hệ giữa It-ra-en và Thiên Chúa.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 27-4
Cv 13, 44-52; Ga 14, 7-14.


LỜI SUY NIỆM: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các Lời Thầy đã nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm việc của mình” (Ga 14,10).

Chúng ta đã tin vào Chúa Giêsu. Chúng ta cần phải tuân giữ những lời của Chúa đã dạy, suy niệm lời của Ngài đang nói với chúng ta những gì, và chúng ta soi vào đó xem mình đã làm được những gì, và những gì chưa làm được. Càng suy gẫm lời Chúa, Chúa càng mạc khải thêm cho chúng ta thấy được nhiều điều, hiểu thêm những điều mới lạ. Với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ càng ngày càng bám sâu vào Lời Chúa để đem ra thực hành trong đời sống. Lời Chúa không còn là một sự trói buộc, nhưng là nguồn vui để sống, sống cho mình cho tha nhân và sống vì yêu mến Chúa.

Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

Ngày 27/4 - Thánh Zita ở Lucca
(1218 -- 1278)


Thánh Zita còn được gọi là Sitha hay Citha. Ngài sinh trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức ở Lucca, nước Ý. Từ 12 tuổi cho đến chết, ngài làm đầy tớ cho gia đình Fatinelli ở Lucca. Vì không có địa vị trong xã hội nên ngài không có tên họ.
Ngay từ khi còn nhỏ, Zita đã lưu tâm đến những người nghèo và bơ vơ. Lòng thương người ấy ngày càng nổi tiếng, và họ tìm đến ngài. Ðiều ấy không phù hợp với hoàn cảnh của một đầy tớ cũng như khiến gia chủ phải khó chịu. Và Thiên Chúa đã can thiệp. Một ngày kia, Zita bỏ dở công việc nấu nướng để chăm sóc người nghèo và các đầy tớ khác đã lên mách với gia chủ. Khi xuống bếp điều tra, họ nhìn thấy các thiên thần đang làm công việc bếp núc thay cho Zita. Một lần khác, Zita đã phân phát cả một kho chứa đậu cho những người trong phố khi nạn đói hoành hành. Khả nghi, gia chủ xuống xem xét và lạ lùng thay họ thấy kho vẫn đầy những hạt đậu.
Ngày tháng dần trôi, ngài trở nên nổi tiếng trong việc giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và kẻ tù đầy. Ngay sau khi chết, nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của ngài, người ta đã sùng kính ngài như một vị thánh; và danh xưng đó được chính thức trao ban cho ngài năm 1696. Thánh Zita là quan thầy của các người giúp việc trong nhà.

Lời Bàn

Chúng ta thường nói, "Bạn không thể đem theo của cải với mình khi chết." Nhưng người ta vẫn e ngại khi làm việc từ thiện vì họ sợ tài sản của họ sẽ tiêu tan, dù đó là thời giờ, tiền bạc hay sức lực. Thánh Zita được vinh danh là vì lòng bác ái của ngài. Ngài đã có thể so đo với những người giầu có và bào chữa cho sự ích kỷ của mình. Nhưng ngài đã sống lời Ðức Kitô trong câu truyện về người goá phụ nghèo (xem Luca 21:1-4).

Lời Trích

"Vì vậy chúng ta hãy bác ái và khiêm tốn; chúng ta hãy bố thí vì của bố thí sẽ tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong linh hồn chúng ta (xem Tobia 4:11; 12:9). Vì người ta sẽ mất tất cả những gì họ để lại trần gian mà chỉ đem theo được các phần thưởng của hành động bác ái và bố thí mà họ đã cho đi, vì đó mà họ sẽ được Chúa thưởng công và được đền đáp xứng đáng" (Thư Thánh Phanxicô Gửi Người Tín Hữu).

(nguoitinhuu.com)
27 Tháng Tư

Kẻ Không Biết Sám Hối

Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình. Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.
Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình định đến cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn. Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ vàtại đây, anh đã rút súng sát hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người thanh niên đang ăn dở... Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn năn sám hối...
Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải... Anh đã được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.

Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt răng thế răng, hoặc tôi cho anh để tôi cho lại... Kẻ có tội luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác của người đó đã gây ra... Thiên Chúa dường như chỉ có một công lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô, nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúa.
Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người. Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân. Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng... Chúng ta nhìn đến thân phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét