Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

TIẾNG XIN VÂNG CỦA THÁNH GIUSE


TIẾNG XIN VÂNG CỦA THÁNH GIUSE


Thời gian cứ tuần hoàn luân chuyển theo quy luật của đất trời. Xuân-hạ-thu- đông cứ nối tiếp trôi không lỗi nhịp. Cái ấm áp của mùa xuân qua đi nhường chỗ cho một mùa hè rực lửa sắp về. Tháng 3 với cái nắng chói chang và gay gắt làm cho con người khó chịu hơn, máy điều hòa được vặn đến maximum và người ta ngại ra đường để tránh cái nắng rát da rát thịt. Tuy nhiên đối với Giáo Hội, tháng 3 là một tháng rất đặc biệt dành để tôn kính Thánh Cả Giuse- Đấng "có thần thế trước mặt Đức Chúa Trời". Đặc biệt Thánh Giuse còn là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam. Lòng kính mến và trông cậy Thánh Giuse đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Rất nhiều vị thánh đã sùng kính Thánh Giuse cách đặc biệt như: Thánh Augustinô, Thánh Gioan Kim Khẩu, Thánh Hiêrônimô, Thánh Bênađô, Thánh Têrêsa…Ngoài ra, các Đức Giáo Hoàng xưa nay cũng năng thúc giục các giáo hữu cậy trông kính mến Thánh Giuse. Năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô thứ IX ra sắc chỉ phong Thánh Giuse làm quan thầy Hội Thánh. Ngày 15.8.1889, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ra Thông điệp kính ông Thánh Giuse làm quan thầy cầu bầu cho Hội Thánh…

Lần giở những trang Kinh Thánh, chúng ta không hề gặp thấy một lời nào của Thánh Giuse. Trước mỗi biến cố xảy ra, ta đều thấy Thánh Giuse im lặng. Thế nhưng, cái im lặng này không phải là kiểu im lặng của chống đối, bất mãn hay bất lực, nhưng là cái im lặng của sự tự do vâng phục.

Chúng ta thấy,trong Giáo Hội có rất nhiều tước hiệu dành để ca tụng Thánh Giuse, chỉ riêng trong kinh cầu thôi thì đã có tới 24 tước hiệu rồi. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được trình bày một khía cạnh khác trong cuộc đời Thánh Giuse, đó là "tiếng xin vâng của Thánh Giuse trong các biến cố". Có lẽ khi đọc tới đây, nhiều người sẽ thắc mắc: làm gì có lời xin vâng nào của Thánh Giuse? Xin thưa rằng: dù Thánh Giuse không trực tiếp nói xin vâng như Đức Mẹ, nhưng lời xin vâng của Thánh Giuse được cụ thể hoá qua các hành động mà chúng ta sẽ bàn sau đây.

1. Tiếng xin vâng thứ nhất: ĐÓN MARIA VỀ NHÀ.

Sau khi Đức Maria nhận lời làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa đã hạ sinh trong cung lòng của Mẹ. Và khi biết tin Isave có thai, Mẹ đã mau mắn lên đường để viếng thăm và giúp đỡ chị mình trong 3 tháng.

Trong thời gian này, Giuse ở nhà để lo lắng chuẩn bị cho ngày thành hôn cùng những dự định, toan tính cho tương lai sắp tới. Dù sao, phần chuẩn bị cho hình thức bên ngoài vẫn là cần thiết để có một lễ thành hôn trọn vẹn.

Nhưng ngờ đâu, giữa lúc trời quang mây tạnh thì phong ba bão táp lại ập đến, mây đen kéo về che kín cả bầu trời. Niềm vui chưa kịp tới thì đau khổ đã chực chờ. Tâm hồn Giuse hoang mang cực độ khi bà con lối xóm xì xầm vào tai Giuse rằng: Maria có thai. Làm sao tin được đó là sự thật vì Maria vốn là con nhà nết na, đức hạnh? Dù cố biện minh cho Maria, nhưng Giuse không khỏi nghi ngờ khi mà sau 3 tháng trở về Maria có dấu hiệu mang thai. Làm sao đây, khi mà Maria cũng không thể tự biện hộ cho mình rằng: bào thai này là do quyền phép của Thiên Chúa chứ không phải người phàm. Giuse có thể tin được không? Maria đành chọn cách im lặng.

Về phần Giuse, chiếu theo luật có thể sử dụng một trong hai biện pháp: hoặc truy tố Maria trước pháp luật hoặc tìm hai nhân chứng để viết tờ ly dị ( vì theo luật Do Thái, đính hôn là được kể như vợ chồng). Thế nhưng, vì là người công chính thánh thiện nên ông không thể làm như vậy. Ông cũng không thể đối xử như thế với Maria, người ông yêu thương và là một cô gái đạo đức. Vì thế, giải pháp cuối cùng mà Giuse có thể thực hiện đó là: âm thầm ra đi, xem như một sự giải thoát cho cả hai.

Kinh thánh nói rằng: "Trong lúc định tâm như thế, thì Thiên Thần hiện đến với ông trong giấc mơ" và nói rõ về ý định của Thiên Chúa chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Thiên thần đã trấn an Giuse: " Chớ ngại nhận Maria làm bạn, vì Con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ gọi tên người là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội" ( Mt 1,20-21). Lời Thiên Thần khai mở đã trút được gánh đang đè nặng tâm hồn Giuse bấy lâu. Cuộc giao tranh khủng khiếp đã kết thúc và phần thắng đã thuộc về mình. Giuse đã vui mừng đáp tiếng "xin vâng" để đón Maria về ( Mt 1,24) và thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Thiên Chúa đã trao: nuôi dưỡng và chăm sóc Con Thiên Chúa.

Vậy đó, giả như Thánh Giuse không tin lời sứ thần như ông Dacaria, giả như Thánh Giuse chỉ xem đó là một giấc mộng như bao giấc mộng bình thường để rồi âm thầm ra đi thì Con Thiên Chúa không có một gia đình trọn vẹn, kế hoạch cứu độ cũng không viên mãn.

Như thế, nhờ tiếng "xin vâng" âm thầm của Thánh Giuse mà chúng ta được hưởng nhờ ơn cứu độ.

2. Tiếng xin vâng thứ hai: TRỐN SANG AI CẬP.

Biến cố Con Thiên Chúa giáng trần là niềm vui cho toàn thể nhân loại. Uy quyền của Đấng Tối Cao được chiếu giãi trên muôn dân không phân biệt ngoại bang hay dân biệt tuyển. Thế nhưng, trong khi dân ngoại, những nhà chiêm tinh Phương Đông đã thấy được dấu lạ về Đấng Cứu Thế và đến để thờ lạy Người, thì có kẻ lại vì lòng tham quyền lực, muốn bảo vệ chỗ ngồi, đã tìm cách triệt hạ Đấng mà ông ta  nghĩ sẽ chiếm ngôi của mình. Trong cơn sợ hãi và cuồng loạn vì bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, Hêrôđê đã ra tay tàn sát tất cả các con trẻ từ 2 tuổi trở xuống với hy vọng rằng vị Vua mới sinh cũng không thoát khỏi âm mưu độc ác của mình.

Thế nhưng làm sao kế hoạch của Thiên Chúa lại thất bại chỉ vì một kẻ tham quyền, hám lợi? Ngài đã cho sứ thần đến báo tin cho Giuse: " Hãy dậy đi, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập và cứ ở lại đó cho đến lúc tôi báo lại, vì Hêrôđê đang tìm giết Hài Nhi đấy". ( Mt 2,13)

Lời báo tin đó làm lòng Giuse tan nát, thương cho thân con trẻ phải vất vả gian nan, khi sinh chẳng có mái nhà che chắn, không nệm ấm chăn êm, giờ phải chạy trốn nơi đất khách quê người. Thế nhưng, vì sự an toàn của Con Thiên Chúa, một lần nữa Thánh Giuse mau mắn" xin vâng" để lên đường. Kinh Thánh nói rõ: " Giuse liền trỗi dậy và ngay trong đêm ấy, đem Hài Nhi và Mẹ Người cùng sang Ai Cập". (Mt 2,14). Tiếng "xin vâng" rất rõ ràng, cụ thể ở hành động mau mắn, không chần chừ để ra đi "ngay trong đêm" mặc cho đường đi hiểm trở, gió rít từng cơn trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Giuse hối thúc con lừa đi nhanh hơn để tránh xa vùng đất đầy nguy hiểm và chết chóc.

Vậy đó, nếu không có tiếng “xin vâng” ấy, Con Thiên Chúa đã không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của đế vương Hêrôđê, và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bị "phá sản" hoàn toàn.

3. Tiếng xin vâng thứ 3: TRỞ VỀ NAZARET.

Trong vòng hai,ba năm sống nơi đất khách quê người, Giuse và Maria cứ mong ngóng ngày đựơc Thiên Thần báo tin trở lại quê nhà. Tâm hồn kẻ tha hương nào mà chẳng thế, cứ đao đáo nhớ về quê cha đất tổ, nơi "chôn nhau cắt rốn" với biết bao kỷ niệm dấu yêu. Hơn nữa, mang tâm trạng lẩn trốn thì làm sao có thể bình an, thanh thản được? Chắc rằng, Giuse và Maria không phải nghĩ đến bản thân mình nhưng thương cho con trẻ phải chịu cảnh lưu lạc, lòng cha mẹ nào mà chẳng đau, chẳng xót? Hai ông bà mong cho lời tiên tri mau được thực hiện: "Ta sẽ gọi con ta ra khỏi Ai Cập" ( Mt 2,15); (Hs 11,1)

Rồi sự chờ đợi cũng đến, Thiên Thần lại báo tin: "Hỡi Giuse, bây giờ hãy trỗi dậy và đi về Israel với Hài nhi và Mẹ Người, vì những kẻ âm mưu hại Người đã chết" ( Mt 2,20). Lại một lời baó tin vào đêm khuya. Giấc ngủ bị đánh thức, sứ mạng bảo vệ gia đình phải thực hiện không được chậm trễ. Giuse một lần nữa đáp lời “xin vâng”, vội vã lên đường. Màn đêm bao trùm vạn vật, con người đang chìm sâu trong giấc ngủ. Ai biết đâu có một gia đình đang âm thầm rời khỏi căn nhà yêu dấu để ra đi, tạm biệt những tháng ngày lưu lạc mà trở về quê hương. Lúc đầu, Giuse định trở về Bêlem, nhưng vì biết tin Akêlao lên thay thế Hêrôđê và cũng là một tay bạo chúa, nên Thiên Thần đã báo tin là phải về định cư ở Nazaret xứ Galilêa miền Bắc Do Thái. Giuse thoát khỏi hoang mang và làm theo ý Thiên Chúa, nhắm hướng Nazaret mà đi.

Vậy đó, chưa bao giờ Thánh Giuse chần chừ trước mệnh lệnh của Chúa. Chính nhờ sự “xin vâng” mau mắn của Ngài mà công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được hoàn tất.

4. LỜI KẾT.

Từ khi đáp tiếng “xin vâng” lần thứ nhất thì cuộc đời của Thánh Giuse không còn sống cho bản thân nữa, mà gắn liền với sứ mạng bảo vệ Đấng Cứu Thế. Rồi còn biết bao tiếng “xin vâng” âm thầm khác trong cuộc sống bình dị ở làng quê Nazaret. Chưa bao giờ chúng ta nghe một lời nói nào của Thánh Giuse, nhưng chính những tiếng “xin vâng” mau mắn trong cuộc đời của Ngài lại có giá trị gấp nhiều lần. Có thể thấy, dường như Thánh Giuse chỉ là cái “bóng mờ” bên cạnh cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Khi hoàn tất nhiệm vụ được giao, Ngài âm thầm lùi về phía sau, lặng lẽ làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Ngài cũng lặng lẽ rời xa Đức Mẹ và Chúa Giêsu khi kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Ngài đã hoàn tất trên trần gian. Cuộc sống của Ngài không ồn ào mà dung dị, an nhiên như nghề thợ mộc nghèo khó . Thế nhưng, Ngài lại có thần thế “đến nỗi người ta có thể nói rằng: trên trời Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse dạy chúng ta biết mau mắn vâng theo ý  Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời mình.

Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho chúng con. Amen

Sr.Ter. Trúc Băng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét