Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

13-04-2013 : THỨ BẢY TUẦN II MÙA PHỤC SINH


Ngày 13/04/2013
Thứ Bảy Tuần II Mùa Phục Sinh Năm C


BÀI ĐỌC I: Cv 6, 1-7
"Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười Hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: "Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa". Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.
Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19

Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).
Hoặc đọc: Alleluia.

1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Đáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Đáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 19, 28

Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 6, 16-21
"Họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: "Chính Thầy đây, đừng sợ". Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Chúa Ði Trên Biển
Biến cố Chúa đi trên biển cũng được mô tả trong Phúc Âm Nhất Lãm (Mt 14 và Mc 6), nhưng tường thuật của Gioan xem ra nhấn mạnh những chi tiết khác, ngài muốn làm nổi bật một ý nghĩa khác. Thánh sử Gioan không nói đến việc Chúa đến để trợ giúp cho các Tông Ðồ đang lúc gặp khó khăn, cũng không nói gì về việc làm cho sóng gió im lặng. Thay vì nhắc chi tiết làm sóng gió im lặng, ngài nhắc đến việc chiếc thuyền đến bờ bình an. Nhưng khi nhắc đến chi tiết này, tác giả xem ra cũng không chú ý nhiều đến nó, mà chỉ chú ý đến chi tiết qui về Chúa Giêsu nhiều hơn.
Tác giả muốn cho chúng ta nhìn thấy một Chúa Giêsu Kitô đầy quyền năng, không tùy thuộc vào những giới hạn thiên nhiên áp đặt. Chúa Giêsu đi trên mặt nước không bị chìm, không bị nguy hiểm bởi sóng to gió lớn trên mặt biển. Lúc đó, quyền năng Chúa Giêsu được diễn tả bằng lời xác nhận của Ngài: "Thầy đây đừng sợ". Trong Phúc Âm Gioan thì nói: "Ta đây". Ðó là cách nói diễn tả thực thể Thiên Chúa, nhắc đến Giavê Thiên Chúa mạc khải chính mình cho Môisê như là Ðấng "Ta là: Ego sum qui sum". Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các Tông Ðồ để mạc khải cho các ông nhận ra Ngài là thực thể Thiên Chúa, là Ðấng "Ta là". Như thế, sau phép lạ Chúa làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hoá nhiều để nuôi sống 5,000 người, thì biến cố đi trên mặt biển giữa sóng gió được mạc khải rõ hơn về thực thể Thiên Chúa quyền năng "Ta là".
Ðáp lại, thái độ của dân chúng nhìn thấy Chúa chỉ như một tiên tri, một con người phi thường và muốn tôn Chúa lên làm vua. Họ hiểu sai thực thể Chúa là ai. Trong biến cố Chúa đi trên mặt nước chứng tỏ cho các môn đệ nhìn thấy thực thể đúng thật của Ngài, Ngài là Thiên Chúa, là Ðấng "Ta là".
Như thế, qua lời nói trấn an các tông đồ "Thầy đây đừng sợ", mạc khải này chuẩn bị thêm cho việc Chúa Giêsu giảng dạy về Bánh Hằng Sống nơi hội đường Caphanaum, Bánh ấy chính là Ngài. Hơn nữa, trong hội đường khi rao giảng về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu được tường thuật năm lần khi dùng đến lời quả quyết "Ta là" để diễn tả thực thể Ngài là Thiên Chúa: "Ta là Bánh Hằng Sống". Như thế phần nào chúng ta thấy lý do tại sao Phúc Âm Gioan nhắc đến dấu lạ này sau phép lạ bánh và cá hoá nhiều và liền trước bài giảng về Bánh Hằng Sống.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi hiện diện giữa loài người, Như thế, có thể kết luận rằng nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa để có thể tin nhận mạc khải của Chúa về Bí Tích Thánh Thể, về Bánh Hằng Sống. Hai việc này luôn đi đôi với nhau: tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thì sẽ tin nhận bí tích Thánh Thể. Ngược lại, nếu không tin Chúa Gêsu Kitô là Thiên Chúa thì cũng không thể tin vào Thánh Thể, và nếu không tin vào Thánh Thể thì cũng không tin vững mạnh vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy những dấu lạ Chúa vẫn thực hiện hôm nay và tin nhận Chúa là Thiên Chúa, từ đó tin nhận những gì Chúa mạc khải cho chúng con để cứu rỗi chúng con. Xin cho chúng con được luôn tín thác vào Chúa, nhất là khi gặp những nghịch cảnh thử thách. Chúa hiện diện trong Thánh Thể để đến với chúng con và trấn an chúng con "Thầy đây đừng sợ", xin cho chúng con biết đến với Chúa trong Thánh Thể để nghe Chúa nói "Thầy đây đừng sợ". Amen.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao để giải quyết các khó khăn trong cuộc đời?

Khó khăn và xung đột ý kiến xảy ra ở mọi nơi và mọi thời; nói cách khác, hễ có sống chung, là có đụng nhau. Làm thế nào để giải quyết khi phải đương đầu với những khó khăn hay xung đột? Người khó khăn nóng tính sẽ la hét, chửi rủa, làm cho ra lẽ; rồi sau đó muốn ra sao thì ra. Người thâm trầm ít nói sẽ lặng lẽ rút lui, và chép miệng thở dài: thôi thì đường ai nấy đi cho đẹp cả đôi bên. Nhưng cả hai cách giải quyết đều không đẹp ý Chúa và giúp ích cho tha nhân;vả lại, có đi đâu chăng nữa, con người vẫn phải đương đầu với vấn đề “chung đụng.”

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta giải quyết vấn đề cách đẹp lòng Chúa và giúp ích cho tha nhân. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật các khó khăn của cộng đồng các tín hữu sơ khai, họ cũng phải đương đầu với thiên vị và ghen tị giữa các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp và các tín hữu Do-thái bản xứ. Thay vì trốn tránh vấn đề, hay tìm cách ly khai, các Tông-đồ chọn thêm bảy Phó-tế để giúp các ngài lo cho các bà góa Do-thái theo văn hóa Hy-lạp. Mọi người đều vui vẻ với giải quyết khôn ngoan này. Trong Phúc Âm, khi phải đương đầu với phong ba bão tố, các Tông-đồ hỏang sợ, và càng sợ hãi hơn khi thấy một bóng người lướt trên nước tới thuyền của họ, vì các ông tưởng là ma; nhưng Chúa Giêsu lên tiếng trấn an các ông: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Biết khôn ngoan giải quyết vấn đề.

1.1/ Vấn đề thiên vị và ghen tị xảy ra trong cộng đòan: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.”
(1) Nhận định vấn đề: Thói quen của con người là bảo vệ những người thân quen mình trước, rồi mới đến những người xa hơn. Vấn nạn trên xảy ra giữa những người Do-thái, nhưng theo những văn hóa khác nhau: các bà góa người bản xứ được cung cấp lương thực đầy đủ hơn những bà góa theo văn hóa Hy-lạp. Nếu không biết cách giải quyết vấn đề, tình trạng thiên vị và ghen tị sẽ ngày càng trầm trọng hơn, sẽ đưa đến việc tách rời giữa hai nhóm, sẽ gây thiệt hại cho sự đòan kết, và sẽ làm gương mù cho các tín hữu khác.
(2) Cách giải quyết: “Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.”
Một người không thể làm hết, và cũng không tốt để làm hết, vì sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp bằng nhiều người cộng tác. Hơn nữa, việc mở mang Nước Chúa là bổn phận của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ là bổn phận của giới lãnh đạo mà thôi. Các Tông-đồ biết sắp xếp các thứ tự ưu tiên: việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận hàng đầu không thể xao lãng. Để có người lo cho các nhu cầu của cộng đoàn, cần tuyển thêm các Phó-tế có những đức độ cần thiết. Các Tông-đồ để cho các tín hữu tham gia vào việc tìm kiếm các ứng viên; sau đó các ngài sẽ chuẩn y bằng việc đặt tay, và hướng dẫn họ trong việc phục vụ cộng đoàn.

1.2/ Phẩm trật Hội Thánh dần dần được hình thành: “Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stephanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philíp, Prochorus, Nicanor, Timon, Parmenas và ông Nicolaus, một người ngoại quê Antioch đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.” Đây là 7 Phó-tế đầu tiên của Hội Thánh. Phó-tế Stephanô là thánh tử đạo đầu tiên làm chứng cho Chúa Giêsu trong trình thuật mà chúng ta sẽ được nghe ít ngày nữa.
Số các tín hữu càng đông, phẩm trật của Hội Thánh càng phải được nới rộng để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn và của các tín hữu. Dưới sự hướng dẫn của các Tông-đồ và hoạt động của Chúa Thánh Thần, “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Jerusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.”

2/ Phúc Âm: Đừng sợ hãi khi phải đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống.

Khó khăn trong cuộc sống không thể thiếu trong tiến trình thăng tiến và làm cho con người trưởng thành. Những khó khăn có thể do Thiên Chúa gởi đến để thử thách đức tin hay do tha nhân gây ra qua cuộc sống chung đụng. Trình thuật trong Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến trường hợp thứ nhất.

2.1/ Biển động làm các ông hỏang sợ: Trình thuật này xảy ra sau khi phép lạ Bánh hóa nhiều và dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua của họ. Chúa Giêsu truyền cho các Tông-đồ qua bờ bên kia trước, còn Ngài lên núi cầu nguyện. Đứng trên núi của vùng Tiberias, Chúa Giêsu có thể quan sát rõ ràng thuyền của các ông trong Biển Hồ. Nhiều tác giả của các bài thánh ca đã so sánh Giáo Hội và cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả trong hành trình tiến về quê trời; ví dụ: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Chúa Giêsu có thể đã nhìn thấy trước những khó khăn mà các Tông-đồ phải đương đầu với khi các ông phải hướng dẫn con thuyền Giáo Hội sau này; nên Ngài chuẩn bị cho các ông bằng biến cố biển động hôm nay.
Từ Tiberias, nơi các Tông đồ khởi hành khởi hành, đến Capernaum, nơi các ông muốn tới không xa lắm; nhưng đêm ấy biển động vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Điều này làm các ông hoảng sợ, vì từ trước tới giờ, các ông chưa từng được chứng kiến một con người đi trên nước. Chỉ có ma quỉ với làm được việc ấy. Vì thế, nỗi lo sợ các ông tăng gấp đôi.

2.2/ Chúa Giêsu trấn an các ông: "Thầy đây! Đừng sợ!" Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến. Nhiều lần trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói những lời tương tự với các môn đệ: Khi hiện ra với các Tông-đồ sau khi sống lại, Chúa nói với các ông: “Đừng sợ!” (Mt 28:10). Những lời từ giã cuối cùng của Ngài với các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27).
Hay khi chọn Phêrô để xây dựng Giáo Hội, Ngài đã nói với ông “Phêrô! Con là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời và quyền lực của hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt 16:18). Một khi sống trong sự bảo vệ của Ngài, con người không có gì phải sợ hãi nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi phải đương đầu với khó khăn và xung đột, cả hai thái độ tức giận chửi rủa và từ chối rút lui đều phải tránh. Chúng ta cần phối hợp cả hai: sự trợ giúp tinh thần của Chúa và sự tế nhị trong cách đối xử, để giải quyết vấn đề cách khôn ngoan và bác ái.
- Tất cả các tín hữu đều có bổn phận góp phần trong việc mở mang Nước Chúa. Những nhà lãnh đạo cần biết khôn ngoan hướng dẫn để mọi thành phần của Dân Chúa đều có cơ hội đóng góp tùy khả năng và hoàn cảnh của họ.
- Khi những khó khăn xảy đến, đừng sợ! Hãy bình tĩnh, cầu nguyện, và tìm cách đối phó.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Ga 6,16-21
 A. Hạt giống...
Một chuyện nhỏ được cho xen vào đơn vị Hóa bánh ra nhiều : Chúa Giêsu đi trên mặt nước.
- Câu chuyện xảy ra khi bóng chiều đã phủ xuống. Trong Thánh Kinh, đêm tối là thời gian thuận tiện để Thiên Chúa mặc khải. Vậy chuyện này muốn mặc khải cho các môn đệ biết thêm về mầu nhiệm Chúa Giêsu.
- Chúa Giêsu đi trên mặt nước ; và khi các môn đệ gặp Ngài, Ngài nói "Chính Ta đây, đừng sợ" : trong Thánh Kinh, chỉ có Thiên Chúa và những người được Thiên Chúa ban quyền đặc biệt mới có thể đi trên mặt nước (như Êlia, Êlisê, phần Môsê thì cho nước biển tách đôi). Kiểu nói "Chính Ta đây" cũng là lời Thiên Chúa mặc khải cho Môsê trong bụi gai.
Như thế, chuyện này mặc khải rằng Chúa Giêsu là Êlia mới, Êlisê mới và Môsê mới. Ngài có uy quyền của Thiên Chúa, Ngài thống trị các sức mạnh thiên nhiên.
 B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu để các môn đệ hành trình một mình trên biển lúc trời tối. Khi đó cuồng phong lại nổi lên và biển động mạnh. Các môn đệ hoảng sợ. Chính lúc đó Ngài đến với họ và nói "Chính Thầy đây, đừng sợ". Nghĩa là Ngài dạy họ một lúc hai điều : con người rất yếu ớt mỏng dòn, con người cần có Chúa che chở.
2. Câu chuyện này tiếp liền phép lạ hóa bánh ra nhiều muốn day cho các môn đệ biết rằng Chúa Giêsu chẳng những có thể ban lương thực cho dân chúng ăn, mà còn ban sức mạnh tinh thần và sự che chở an toàn cho các môn đệ.
3. Trong Thánh Kinh, câu "Đừng sợ" được nói 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày trong suốt một năm.
4. Nhà truyền giáo Moody kể : Ở làng tôi, bên New England, có một truyền thuyết rằng hễ ai giật được bao nhiêu tiếng chuông thì sống bấy nhiêu tuổi. Khi tôi giật được 70 hay 80 tiếng chuông, tôi sung sướng nghĩ rằng mình sẽ sống đến tuổi đó. Nhưng mấy năm sau tôi vẫn mơ hồ sợ chết. Sự chết và phán xét ám ảnh tôi rất lâu, mãi cho tới khi tôi biết phó thác đời mình trong tay Chúa Giêsu-Kitô,  như một người con của Chúa (Góp nhặt).
5. "Đức Giê-su bảo các môn đệ : "Chính Thầy đây đừng sợ !"
Mọi người vẫn đi qua, như không có gì xảy ra. Vài người đứng lại, đứng lại để xem một người bị giựt kinh phong nằm ngay trên đường, trông thật tội nghiệp !
Có người nói : "Vắt chanh vào miệng anh ta" ; nhưng mọi người vẫn đứng im, không ai động tĩnh gì.
Tôi cũng thấy ngại, ngại ánh mắt dòm ngó của bao người xung quanh. Tôi có cảm giác sờ sợ như thể sắp làm việc gì sai quấy vậy. Tại sao thế ? Tôi chợt nhớ lời Chúa nói : "Chính Thầy đây đừng sợ !" và tôi đã mạnh dạn bước ra, vắt chanh vào miệng anh.
Tôi cảm thấy thật vui, khi nhận ra tác động của lời Chúa trên tôi, giúp tôi mở lòng ra với người anh em bên tôi.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và tuân giữ lời Chúa. (Epphata)
6. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI/Gp.Cần Thơ

13/04/13 THỨ BẢY TUẦN 2 PS
Th. Máctinô I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 6,16-21

ĐIỀU THÚ VỊ BẤT NGỜ
Các ông hoảng sợ, nhưng Đức Giê-su bảo các ông :”Thầy đây mà, đừng sợ!” Các ông muốn rước Ngài lên thuyền, nhưng ngay lúc đó, thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến. (Ga 5,20-21)
Suy niệm: Biển Hồ Galilê là hồ nước ngọt dài 23 km, rộng 13 km. Cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu có nhiều sự kiện gắn với biển hồ này. Sau phép lạ hóa bánh người ta tìm tôn Chúa lên làm vua, Chúa truyền lệnh các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia, phần Ngài thì lên núi cầu nguyện. Ra khơi trong điều kiện không thuận lợi: đêm tối, biển động, sóng to, gió mạnh, mà lại không có thầy cùng đi. Thuyền đi được một nửa chặng đường, chừng 5 hay 6 km, thì Chúa dành cho họ một bất ngờ thú vị. Ngài đi trên mặt nước đến với họ và ngay lúc đó “thuyền đã tơi bờ, nơi các ông định đến.”
Mời Bạn: Cuộc sống là biển đời đầy phong ba bão táp, lắm khi bạn tưởng như Chúa vắng mặt. Bạn cứ vững tin vì biết rằng Ngài sẽ dành cho bạn điều thú vị bất ngờ: Những vực thẳm chết chóc của tội lỗi đã được Đấng Phục Sinh lấp đầy bằng sự hiện diện cứu độ. Mọi giông tố, sóng gió, tất cả đều tan biến. Sách Khải Huyền nói cuối cùng thì biển sẽ không còn nữa... Và chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy mình đã đến chỗ mình muốn đến. Ngay giữa những thử thách tại trần gian này, chúng ta đã được nếm hưởng trước niềm hạnh phúc Thiên Đàng, nhờ có Chúa hiện diện.
Chia sẻ: Kể lại một kinh nghiệm nhận được bình an ngay giữa thử thách khi nhận ra Chúa đang hiện diện với mình.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi thử thách làm tôi lo lắng sợ hãi, tôi nhớ lại lời Chúa nói: “Thầy đây mà, đừng sợ.
Cầu nguyện: Lạy Đấng Phục Sinh, xin đến ở lại với con trong giây phút này.
www.5phutloichua.net

CHÍNH THẦY ĐÂY
Thật ra Chúa chẳng bỏ chúng ta, dù có lúc Ngài để chúng ta một mình. Phải tập quen dần với những cách xuất hiện mới mẻ của Chúa để nhận ra Ngài vẫn có mặt trong thế giới hôm nay

Suy nim:
Vào thời Đức Giêsu, người ta chờ Thiên Chúa sai đến một vị vua. Vị Vua này chính là một Đấng Mêsia hùng mạnh, toàn thắng, Đấng sẽ giải phóng dân khỏi ách nô lệ của người Rôma. Sau khi Đức Giêsu cho dân chúng được ăn no nê một cách kỳ diệu, họ nghĩ ngay Ngài chính là người họ mong đợi từ lâu. Họ toan bắt Ngài để tôn làm vua, làm người đứng lên lãnh đạo phong trào cách mạng (Ga 6, 15). Nhưng Đức Giêsu đã chối từ sự mong mỏi của dân chúng. Ngài trốn lên núi một mình.
Đức Giêsu biết mình không phải là một Mêsia đầy quyền lực, để giải phóng dân Israel khỏi ách của người Rôma. Nhưng Ngài sẽ là một Mêsia như người Tôi Trung đau khổ,
chịu chết ô nhục và sống lại để giải phóng nhân loại khỏi ách tội lỗi. Dân chúng hẳn đã bị hụt hẫng khi thấy Đức Giêsu trốn đi. Các môn đệ chắc đã tiếc ngẩn tiếc ngơ, vì Thầy bỏ qua cơ hội ngàn năm một thuở để tỏ mình cho dân Israel, và chính họ cũng mất đi một cơ hội để tiến thân.
Tin Mừng của thánh Gioan không nói cho ta biết tại sao sau đó các môn đệ lại chèo thuyền qua Caphácnaum, ở bờ bên kia (c. 16).Nhưng theo Tin Mừng Marcô, Đức Giêsu đã bắt buộc họ (Mc 6, 45). Ngài rõ ràng không muốn họ dính dáng vào chuyện chính trị này. Bị Thầy bắt qua lại bờ bên kia khi chiều đã sụp tối, trong khi dân chúng và Thầy còn ở bờ bên này, điều ấy chẳng dễ chịu chút nào cho các môn đệ. Họ muốn ở lại hưởng chút dư vị của thành công vang dội vừa rồi. Dù sao các môn đệ đã biết vâng phục. Chuyến đi qua biển hồ cũng không suôn sẻ gì. Họ phải chiến đấu với trận cuồng phong bất ngờ gây biển động. Con thuyền bé nhỏ lênh đênh giữa sóng gió gào thét. Cả nhóm gặp nguy hiểm mà không có Thầy trong thuyền. Họ đã cố chèo được chừng năm, sáu cây số. Có thể họ tự hỏi: tại sao Thầy lại vội sai mình ra khơi giữa đêm đen? Cuối cùng Thầy Giêsu cũng đến với họ như họ mong ước. Nhưng Thầy không đến trên một chiếc thuyền như họ nghĩ.
Thầy đi trên mặt biển mà đến gần thuyền các ông (c. 19). Cách đến của Thầy thật khác thường khiến họ hoảng sợ. Có thể họ chưa nhận ra khuôn mặt của Thầy vì trời tối. “Thầy đây mà, đừng sợ!”, Đức Giêsu vội vã trấn an. Giáo Hội hôm nay cũng có kinh nghiệm như nhóm môn đệ ngày xưa, vất vả một mình chống chọi với sóng gió, khi không có Thầy ở bên. Nhưng khi Chúa đến, chúng ta lại hoảng sợ, không nhận ra Ngài. Thật ra Chúa chẳng bỏ chúng ta, dù có lúc Ngài để chúng ta một mình. Phải tập quen dần với những cách xuất hiện mới mẻ của Chúa để nhận ra Ngài vẫn có mặt trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG TƯ
Sự Sống Của Thiên Chúa Được Đổ Tràn Vào Thế Giới
Mùa Phục Sinh, chúng ta đi vào trong một cảm nghiệm tâm linh sâu sắc có sức làm cho chúng ta nếm cảm đức tin của mình vào Đức Kitô Phục Sinh, “Chiên Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7). Người đã chịu hiến tế vì chúng ta, song sự chết đã không chế ngự được Người. Sứ mạng của Người đã không chấm dứt khi Người bị treo trên Thập Giá, sứ mạng ấy đã không chấm dứt khi Người kêu lên: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Thật vậy, đó chính là lúc mà sự hoàn thành chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Chính Đức Kitô đã thánh hiến kỷ nguyên này qua cuộc Phục Sinh của Người từ cõi chết. Người đã hoàn thành trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đức Kitô đã được phục sinh – như lời Người đã hứa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa, bởi vì Người là sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.
Đức Giêsu nói về chính mình: “Ta là … sự sống” (Ga 14,6). Và, vào một dịp khác, Người tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Như vậy, nơi Người, nguồn cội của chính sự sống đã đi vào thế giới chúng ta.
Xuyên qua hiến tế của Đức Giêsu, sự sống thần linh đã được đổ chan hòa trên mọi dân tộc, và – một cách nào đó – trên toàn khắp vũ trụ. Một sức sống hoạt và tươi trẻ nào đó đã nạp vào toàn thể tạo vật kể từ khoảnh khắc chiến thắng của Người trên Thập Giá. Chính chúng ta bây giờ không còn là nô lệ của “nỗi sợ chết nữa” (Dt 2,15). Đức Kitô đã giải phóng chúng ta vĩnh viễn!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 13-4
Thánh Martinô I Giáo Hoàng, tử đạo.
Cv 6, 1-7; Ga 6, 16-21.


LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây đừng sợ!” (Ga 6, 19b-20)
Trong cuộc sống của người Ki-Tô hữu chúng ta, khi có những bảo táp phong ba, tâm hồn của chúng ta đều có sự chao đảo, nhưng phải luôn biết rằng lúc nào chúng ta cũng có tình yêu thương của Chúa ở cùng; bất cứ hoàn cảnh nào đến với chúng ta, dù là khó khăn và nguy hiểm đến đâu, đều có đủ ơn của Chúa ban cho một cách dư đầy, để mà chiến đấu. Chúa Giêsu luôn nói với chúng ta trong mọi lúc và mọi nơi :”Thầy đây đừng sợ”. Ước gì chúng ta luôn trông cậy vào tình yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể sẵn sàng chiến đấu để chiến thắng.
Mạnh Phương
Gương các Thánh
Ngày 13-04: Thánh MARTINO I , Giáo Hoàng Tử Đạo (+656)

Thánh Martinô I sinh tại Tôđi, miền Umbria.
Đức Giáo hoàng đặt Ngài làm đại diện ở Constantinophe. Tại đây, Ngài đã nhiệt thành chống lại Nhất ý thuyết. Lạc giáo này dạy rằng: nơi Chúa Giêsu chỉ có một ý chí, ý chí thần linh. Như vậy là họ chối bỏ ý chí riêng của nhân tính Ngài.
Năm 649, khi Đức Thêdôre qua đời, thánh Martinô được cử lên ngôi kế vị thánh Phêrô. Ngay tháng 10 năm này, Ngài đã triệu tập công đồng Lêtêranô để kết án lạc thuyết. Làm như vậy Ngài đã liều chuốc lấy phản ứng độc hại của Contance II, một hoàng đế trẻ theo lạc giáo, và muốn bắt Giáo hội phải chấp nhận sắc lệnh "Type" về giáo lý của ông. Ngày 17 tháng 6 năm 653, quan thái thú đại diện hoàng đế là Calliopas ở Ravennna Italia đã bắt Đức giáo hoàng trong nhà thờ chính tòa. Ngài bị tố cáo đồng lõa trong cuộc phản loạn của quan thái thú tiền nhiệm là Olymius.
Sau đó Ngài bi đưa về Constantinople bằng tàu. Sẵn đau khổ vì bệnh đau khớp xương, cuộc hành trìnnh còn khổ cực thêm vì bị mất thực phẩm tối thiểu, bị cấm không được tắm rửa. Ngày 17 tháng 9, Ngài tới Constantinople và bị gian trong một nhà tù cho tới ngày 20 tháng 12. Tại một tòa án giả tạo với sư hiện diện của hoàng đế, Ngài bị truất ngôi và bị kết án tử hình.
Bi bỏ rơi trong ngục thất, thánh Martinô vô cùng cực khổ vì lạnh. Một phụ nữ lén cho Ngài một chiếc giường và một chiếc nệm. Khi ấy, Thượng phụ giáo chủ Constantinople hấp hối, ông ta sợ bị đoán phạt trước tòa Chúa nên xin Hoàng đế đừng xử tử tù nhân. Nhưng thánh Martinô lại bị lưu đày tới Cherson ở Crimea.
Tại đây, Ngài qua đời vì thiếu thốn, có lẽ vào ngày 03 tháng 4 năm 656.

13 Tháng Tư
Emmaus

Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đồng Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào cộng đồng Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đồng là : "Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...". Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đồng của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đồng Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đồng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.
Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!
Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?
Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Lẽ Sống)

Thứ Bẩy 6-4

Chân Phước Crescentia Hoess

(1682 - 1744)

C
rescentia sinh trong một thành phố nhỏ gần Augsburg, là con gái của một người thợ dệt nghèo nàn. Khi còn nhỏ, thời giờ để chơi đùa cô đã dùng để cầu nguyện, giúp đỡ những người nghèo hơn mình, và cô hiểu biết về giáo lý nhiều đến độ được phép Rước Lễ lần đầu vào lúc bảy tuổi, sớm hơn những người cùng tuổi. Mọi người trong phố gọi cô là "thiên thần nhỏ."
Khi lớn lên, cô khao khát được gia nhập dòng Phanxicô. Nhưng tu viện thì nghèo và, Crescentia không có của hồi môn, nên các bề trên đã từ chối không nhận. Sau đó, trường hợp của cô được ông thị trưởng thành phố là một người Tin Lành can thiệp, vì nhà dòng có nặng ơn nghĩa với ông. Cả nhà dòng cảm thấy như bị ép buộc phải chấp nhận cô, bởi đó đời sống trong tu viện của cô thật khốn khổ. Cô bị coi là một gánh nặng và không được làm gì khác hơn là các công việc của người đầy tớ. Ngay cả tính tình vui vẻ của cô cũng bị cho là bợ đỡ hoặc đạo đức giả.
Bốn năm sau, tình trạng của Sơ Crescentia khá hơn khi bà bề trên mới nhận ra các nhân đức của sơ. Và Sơ Crescentia được bổ nhiệm là giám đốc đệ tử. Sơ được mọi người yêu mến và quý trọng đến nỗi, sau khi mẹ bề trên từ trần, Sơ Crescentia được mọi người tín nhiệm trong chức vụ ấy.
Dưới sự dẫn dắt của Sơ Crescentia, tình trạng kinh tế nhà dòng khấm khá hơn, và tinh thần đạo đức của Sơ Crescentia ngày càng lan rộng. Không bao lâu, Sơ Crescentia được các hoàng thân công chúa cũng như giám mục và hồng y đến xin ý kiến. Tuy nhiên, là một người con đích thực của Thánh Phanxicô, Sơ Crescentia vẫn hết mực khiêm tốn.
Tinh thần Sơ Crescentia thì vững mạnh nhưng thể xác của ngài thường đau yếu luôn. Sơ thường xuyên bị đau đầu và đau răng. Sau đó sơ không thể đi lại được, chân tay từ từ tê liệt, co quắp lại. Mặc dù đau đớn, sơ vẫn tràn đầy bình an và niềm vui khi sơ từ trần vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1744.
Sơ được phong chân phước năm 1900.
www.nguoitinhuu.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét