Trang

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Giáo Hội, nhiệt kế hay nhiệt ổn


Giáo Hội, nhiệt kế hay nhiệt ổn

Giáo Hội là nhiệt kế hay nhiệt ổn? Nói cách khác, chúng ta chỉ được kêu gọi để phản ảnh nhiệt độ (nhiệt kế), hay chúng ta được kêu gọi để tác động trên nhiệt độ (thermostat)? Nhiều người ngày nay hết sức mơ hồ về vai trò của Giáo Hội trong thế giới hiện đại và nghĩ rằng ta chỉ cần phản ảnh phong hóa thời nay, hơn là đóng vai trò tiên tri trong việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. 

Vâng, quả có nhiều người vẫn chỉ muốn Giáo Hội “đi với thời cuộc… Cập nhật hóa giáo huấn… trở nên hiện đại hơn trong suy nghĩ, trong giáo huấn và trong cơ cấu của mình”. Giáo Hội phải “lắng nghe người trẻ nhiều hơn và nói ngôn ngữ của họ cũng như chia sẻ viễn kiến của họ”. 

Với những người “ngược ngạo” hơn, thì Giáo Hội “cần loại bỏ các đường lối trung cổ đi, ngưng đừng chống đối, đừng phán đoán, đừng bất khoan dung, đừng cuồng tín, đừng kỳ thị phái tính, đừng kỳ thị người đồng tính, đừng căm thù v.v…” (và hàng loạt những tố cáo thông thường vốn chỉ phản ảnh các vấn đề bản thân của người tố cáo chứ không phải của Giáo Hội). 

Thời cơ mật viện gần đây, truyền thông tha hồ phỏng vấn những người Công Giáo ít nhiều bất mãn. Những người này mặc tình trình bày đủ thứ ước mong, hay đòi hỏi Giáo Hội phải thay đổi ra sao để còn có chỗ đứng trong xã hội hiện đại và được chính họ gắn bó. Dĩ nhiên, phần lớn những đòi hỏi này liên quan tới tính dục và quyền lực: Giáo Hội phải thừa nhận ngừa thai và cổ vũ nó, sinh hoạt và kết hợp đồng tính phải được chấp nhận, ly dị và tái hôn phải được công nhận, phải truyền chức cho phụ nữ và những người đồng tính, phải để các linh mục kết hôn, phải ủng hộ phá thai và an tử v.v…. Nếu Giáo Hội chịu làm những việc như thế, thì các giáo xứ của ta sẽ tràn ngập “tín hữu” và Giáo Hội sẽ thuận hảo với thế giới ngày nay. 

Họ đâu có ngờ rằng người Thệ Phản Cấp Tiến (chính dòng) đã làm những việc đó cả mấy thập niên qua, chấp nhận bất cứ những gì người ta và các cuộc thăm dó đòi hỏi, ấy thế nhưng con số của họ vẫn xuống thấp, hơn cả tỷ lệ của bất cứ giáo xứ Công Giáo nào. Họ cũng không ngờ rằng các hệ phái duy nhất đang gia tăng số tín hữu chính là Người Thệ Phản Tin Lành; họ bảo thủ hơn về Thánh Kinh và thẳng thừng bác bỏ các đòi hỏi trên. 

Nhưng nói cho cùng, bảng liêt kê các đòi hỏi trên chỉ cho thấy một hiểu lầm căn bản về bản chất và mục đích của Giáo Hội. Giáo Hội không hiện hữu để chỉ phát biểu hay biểu lộ các quan điểm bình dân hay văn hóa đương thời. Giáo Hội Công Giáo không hề và không thể rút tỉa linh hứng từ những quan điểm ấy, mà rút tỉa từ Lời Thiên Chúa như đã được trung thành chuyển tải qua hơn 20 thế kỷ qua. 

Giáo Hội không hiện hữu để chỉ phản ảnh hay nhắc lại như con vẹt các quan điểm của giáo dân, hay mót lượm các cuộc thăm dò và các nhóm quyền lợi. Giáo Hội hiện hữu để phản ảnh quan điểm của vị sáng lập và đứng đầu mình là Chúa Giêsu Kitô. Và Đấng Giêsu được nhắc ở đây không phải là Đấng Giêsu ngụy tạo do những người thời nay chuyên dùng các phương pháp luận đầy hoài nghi và lắt léo dựng lên để tái giải thích Thánh Kinh một cách triệt để khiến nó không còn “có ý nói” điều chính nó nói rõ ràng nữa. Mà đúng hơn, chúng ta gắn bó với Đấng Giêsu thực sự, Đấng Giêsu của Thánh Kinh. 

Nền văn hóa hiện nay thường đòi Giáo Hội, các giáo sĩ, các giáo lý viên và các nhà lãnh đạo khác nên hạn chế bất cứ loại giáo huấn hay giảng giải nào qui kết các hành vi vô luân là tội lỗi. Nhiều người, ngay trong hàng giáo sĩ, nhấn mạnh tới não trạng “đừng gây thiệt hại” và bất cứ lời nói nào có thể xúc phạm một ai đó, dù rất xa xôi, cũng cần được tránh né và cực lực lên án. Ngay những câu trực tiếp trích dẫn từ Thánh Kinh hay Sách Giáo Lý Công Giáo cũng bị trâng tráo tố cáo là lời lẽ xúc phạm, gây hận thù. Đối với những người chỉ muốn Giáo Hội là chiếc nhiệt kế, thì đây là một vi phạm tệ hại. 

Và do đó, thái độ “ổn nhiệt” truyền thống của Giáo Hội, tức thái độ lên tiếng rõ ràng về tội lỗi cũng như thúc đẩy con người tìm kiếm ơn thánh và lòng từ nhân của Chúa phần lớn bị chỉ trích là “thiếu yêu thương” thậm chí “gây hận thù”. 

Vì chủ trương rằng “Thiên Chúa là tình yêu”, và Chúa Giêsu yêu thương mọi người, nên mọi sự đều tốt cả và bất cứ chỉ trích nào cũng là “thiếu yêu thương” và “không giống Chúa Kitô”. 

Các câu Thánh Kinh dưới đây muốn chứng tỏ rằng lời khuyên mục vụ hết sức nhất quán trong Thánh Kinh đã củng cố phương thức truyền thống của Giáo Hội. Những câu này, tuy chưa đầy đủ, nhưng rõ ràng cho thấy Chúa Thánh Thần mong muốn Giáo Hội, hàng giáo sĩ cũng như các bậc cha mẹ và các nhà lãnh đạo khác trong Giáo Hội giải quyết các vấn đề luân lý của thời đại một cách rõ ràng, không mơ hồ. Những câu này cho thấy mục tiêu của Giáo Hội không phải là ghép mình vào, và, như một nhiệt kế, chỉ biết phản ảnh các giá trị và ước muốn của thời đại. Đúng hơn, như một chiếc ổn nhiệt, Giáo Hội phải loan báo và tìm cách ảnh hưởng trên thế gian bằng cách nói lên sự khôn ngoan cổ xưa và đã được thử nghiệm mà chính Thiên Chúa đã chuyển giao qua Truyền Thống Thánh Kinh và Thánh Truyền. Hiểu như thế, đây quả là hành vi yêu thương, vì nó là thực hành mục vụ tốt đẹp được chính Chúa Thánh Thần dạy dỗ. 

I. Một số lời cảnh báo trong Cựu Ước cho các tư tế và tiên tri

Malaki 2: 7-8: “Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm điều Luật dạy nơi miệng nó; quả thế, nó là thần sứ của Ðức Chúa các đạo binh. Nhưng các ngươi, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã huỷ hoại giao ước với Lê-vi, Ðức Chúa các đạo binh phán”.

Nói cách khác, tư tế có nhiệm vụ hàng đầu phải duy trì và chuyển tải sự khôn ngoan xưa hơn là chỉ xào xáo những lối bóng gió và quan điểm thời đại. Họ phải là sứ giả của Chúa, chứ không phải của những chính nghĩa hay căm thù hiện đại. Không làm được thế, họ khiến nhiều người sai phạm.

Isaia 56: 10-11: “Những người canh gác Ít-ra-en đui mù hết, chẳng hiểu biết gì;cả bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi… Chúng là thứ mục tử chẳng biết phân biệt gì. Cả bọn - chẳng trừ ai - mạnh ai theo đường nấy”

Nói cách khác, tư tế, tiên tri, cha mẹ và các lãnh tụ của Giáo Hội không được là những con chó câm. Chó là phải biết sủa để ngăn ngừa và xua đuổi những kẻ đột nhập gây rối. Quá nhiều linh mục và nhà lãnh đạo Giáo Hội im lặng, trở thành chó câm, không biết xủa. Nhưng họ nên xủa! Những người có não trạng “đừng gây thiệt hại” đã không theo huấn thị làm chó trông nhà. Họ làm ngơ cho lầm lạc và sự ác. 

Êdêkien 3: 17-19: "Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Chắc chắn ngươi sẽ phải chết’, và nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác đó biết, không nói để cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, cho nó được sống, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác, mà nó không từ bỏ hành vi gian ác và lối sống xấu xa của nó, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình”.

Cả ở đây nữa, mục tử, người chăn dắt, nhà lãnh đạo có nhiệm vụ cảnh cáo kẻ tội lỗi, chứ không phải vui vẻ khẳng nhận họ, đùa dỡn và tránh mọi xúc phạm. 

II. Chúa Giêsu đòi buộc Giáo Hội lên tiếng chống tội lỗi và sự ác, không được dung túng sự ác và lầm lạc ở trong mình. Ngoài ra, Giáo Hội phải sẵn sàng chịu đau khổ vì việc loan truyền sự thật. 

Matthêu 18:17 : “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”.

Như thế, Giáo Hội phải kỷ luật một số người, và trong những vấn đề trầm trọng hơn, phải áp dụng biện pháp trừng phạt, thậm chí phạt tuyệt thông. Và điều này không phải là không giống Chúa Kitô, vì chính Người đã dạy như thế

Matthêu 5: 13-16 : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. 

Mà muối và ánh sáng ảnh hưởng tới thế gian bao quanh chúng, chứ không đơn giản phản ảnh nó. 

Gioan 15:18-23: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy. Giả như Thầy không đến và không nói với họ, họ đã chẳng có tội. Nhưng bây giờ, họ không thể chữa tội được. Ai ghét Thầy, thì cũng ghét Cha Thầy" . 

Nếu nhiệm vụ của ta chỉ là ghép mình vào, không xúc phạm tới ai, không gây tổn hại cho ai và không nói điều gì gây tranh cãi, nếu nhiệm vụ của ta chỉ là phản ảnh nền văn hóa và suy nghĩ của thế gian, phải tân tiến và hợp thời, thì ai còn ghét ta nữa? Câu trích này cho thấy thế gian ghét ta không nhất thiết là dấu chỉ ta đã làm sai điều gì, mà chỉ vì ta đã đồng hành tốt với Chúa Giêsu và các vị tử đạo. Một Giáo Hội của nhiệt kế không thể nào thể hiện được câu trích này. 

Khải Huyền 2:6 (với Êphêsô): “Nhưng ngươi được điều này: ngươi ghét các việc của bè Ni-cô-la, như chính Ta cũng ghét” Chà, phải Chúa Giêsu nói chữ “ghét” ở đây không? Há Người không nhận được chỉ thị cho hay ta không nên ghét thực hành của bất cứ ai, ngược lại phải khẳng nhận mọi người, và không phải chỉ mọi người mà còn phải mọi việc họ làm nữa, vì người ta tự đồng hóa với chính điều họ làm? Chúa Giêsu há đã không nhận được chỉ thị đừng “phê phán” đó sao?

Khải Huyền 2:14-16: (với Pergamum): “Nhưng Ta có ít điều trách ngươi: ở đó ngươi có những kẻ nắm giữ đạo lý của Bi-lơ-am. Ông này đã dạy Ba-lác gây cớ vấp ngã cho con cái Ít-ra-en, khiến chúng ăn đồ cúng và làm chuyện gian dâm. Cả ngươi nữa, ngươi cũng có những kẻ nắm giữ đạo lý bè Ni-cô-la. Vậy hãy hối cải; bằng không, Ta đến với ngươi ngay tức khắc và sẽ dùng lưỡi gươm từ miệng Ta mà giao chiến với chúng”. 

Khoan chút đã, có phải Chúa Giêsu bảo Giáo Hội rằng khẳng nhận tội lỗi là điều sai? Vậy mà tôi tưởng không những ta phải chấp nhận người tội lỗi mà cả các thực hành của họ nữa! Một lần nữa, hình như Chúa Giêsu đã không nhận được chỉ thị của phe duy hiện đại. Xem ra Người rất giận khi Giáo Hội khoan thứ cho sự ác!

Khải Huyền 2:20-23 (với Thyatira): “Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi dung túng I-de-ven, người đàn bà xưng mình là nữ ngôn sứ; nó mê hoặc các tôi tớ của Ta, dạy chúng làm chuyện gian dâm và ăn đồ cúng. Ta đã cho nó có thời giờ hối cải, nhưng nó không muốn hối cải mà từ bỏ thói gian dâm. Này đây, Ta bắt nó phải liệt giường, và làm cho những kẻ ngoại tình với nó phải lâm cảnh gian truân khốn khổ, nếu chúng không hối cải mà từ bỏ những việc chúng làm. Ta sẽ giết chết con cái của nó. Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ, và Ta sẽ tuỳ theo việc các ngươi làm mà thưởng phạt mỗi người”. 

Ủa, phải Chúa Giêsu quở trách Giáo Hội vì đã “dung túng” điều gì chăng? Há Người không biết rằng ta buộc phải dung túng mọi sự và ta sẽ bị coi là thù hận nếu không dung túng như thế. Hình như Người không thể cải thiện được rồi! 

III. Lời khuyên mục vụ cho các giám mục, mục tử, thầy dạy và các lãnh đạo khác của Giáo Hội: 

1 Thessalonica 2:2-8 : “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em; còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban: bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a. Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa”. 

Hãy để ý: Thánh Phaolô làm gì ở trong tù? Ngài có xúc phạm đến ai không? Ngài có nói điều gì gây tranh cãi hay hận thù không? Nên lưu ý điểm chính của ngài: mục đích của ta là làm vui lòng Chúa, chứ không làm vui lòng người ta. Phải chăng vị giảng thuyết nào cũng lên tòa giảng với động cơ này và sự can đảm này? 

2 Timôtê 4: 1-5: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh”. 

Nhưng chuyện gì sẽ xẩy ra nếu có ai bị xúc phạm? Lạy Thánh Phaolô, há ngài không lưu tâm sao? Há ngài không được chỉ thị chỉ nên rao giảng Tin Mừng khi nó hợp lòng người hay sao? Lúc “không thuận tiện” là lúc nào? Ai nói chuyện túc cầu vào mùa hạ? Xin hợp thời chút đi! Và làm thế nào ngài cả gan gợi ý rằng người ta không “dung túng” sự thật đâu! Chỉ có Kitô hữu mới là người bất khoan dung. Người hiện đại đầy cởi mở không thể bất khoan dung được, chỉ có người Công Giáo tin Thánh Kinh và một số Kitô hữu là bất khoan dung thôi. Xin ngài nói cho đúng ạ. Há người ta (trừ các Kitô hữu truyền thống) và thời hiện đại không là duy nhất đúng mà thôi hay sao, và do đó, cần phải thích ứng sứ điệp của ta với họ?

Titô 1:10-11, 16 : “Thật vậy, có nhiều kẻ bất phục tùng, nói năng rỗng tuếch, lường gạt, mà đa số là những kẻ được cắt bì. Cần phải khoá miệng họ lại. Hạng người đó làm đảo lộn nhiều gia đình từ trên xuống dưới; vì lợi lộc thấp hèn, họ dạy những điều không được phép… Họ tuyên bố là biết Thiên Chúa, nhưng trong hành động họ lại chối Người. Họ là đồ ghê tởm, không vâng lời, và không có khả năng làm việc gì tốt”. 

Trời đất, giọng nói đầy kết án! Chắc hẳn một ai đó sẽ gửi cho Thánh Phaolô (và Chúa Thánh Thần, Đấng viết những lời trên) một lời nhắn để cho ngài rõ ngài rất có thể xúc phạm một ai đó! Giọng nói này cũng chẳng thể tương ứng với cái nhìn “tử tế tốt lành hơn” về Giáo Hội. Thời đại ta, kiểu nói này ít thông dụng lắm và chỉ nên sử dụng một cách sáng suốt.

2 Timôtê 2:24 – 26: “Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó?”. 

2 Cor 4:2-6: “Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa. Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Ki-tô, là hình ảnh Thiên Chúa. Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giê-su. Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô”.

Trời, phải ngài muốn nói rằng nếu thế giới hiện đại không “nắm” được sứ điệp, không hiểu nó, thì vấn đề là họ chứ không phải sứ điệp? Một lần nữa, Thánh Phaolô đã không nắm được thông báo rằng vấn đề luôn luôn là Giáo Hội chứ không bao giờ là thế giới cả. Cũng nên biết: Thánh Phaolô cho rằng mình lên tiếng vì Chúa Kitô. Ở đây nữa, thế giới cũng nhún vai và dành lại đặc ân ấy cho riêng mình, chống lại Thánh Phaolô. Cũng lưu ý điều này nữa: Thánh Phaolô trình bày lời Chúa một cách minh bạch, trong khi quá nhiều giáo sĩ trong những năm qua thích nói cách trừu tượng và chung chung, và nói về bất cứ điều gì ngoại trừ việc nói rõ ràng về các vấn đề luân lý của thời đại. 

2 Cor 5:11, 13, 20: “Vì biết kính sợ Chúa, chúng tôi cố gắng thuyết phục người ta… Chúng tôi có điên, thì cũng là vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn, thì cũng là vì anh em… và Người giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa”.

Chỉ cần Thánh Phaolô lặp lại thế giới cũng như nghị trình tin tức buổi tối như con vẹt mà thôi, thì hẳn ngài không bị coi là “điên”. Nhưng vì ngài cứ một mực nói tới “ăn năn”, và “phán quyết” rằng ta cần đến hòa giải, nên ngài “điên” một cách tiền kết! 

1 Cor 4:9-10 : “Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người! Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi”.

Ồ, nếu Thánh Phaolô và Giáo Hội chịu rón rén, thì mọi sự đâu đã vào đó cả rồi. Nếu… ngài bằng lòng làm nhiệt kế thay vì làm chiếc ổn nhiệt gây phiền phức và lộn xộn, thì ngài đã được tôn vinh rồi. Một lần nữa, hình như Giáo Hội sơ khai và lời khuyên dạy của Thánh Kinh không phù hợp với điểm nhấn của thời hiện đại đòi phải lấy lòng người đời. 

Công Vụ 20: 26-28: “Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can.Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa. Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình".

Xin nhớ rằng ở đây Giáo Hội có trách nhiệm công bố trọn vẹn sứ điệp, chứ không phải chỉ những gì hợp lòng người hay yên ổn. 

IV. Phải tiếp tục cuộc nói chuyện và kiên tâm khuyên nhủ: 

2 Timôtê 2:24 – 26: “Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó”.

Do đó, ta không nên tìm kiếm biện bác, cũng không đi tìm hận thù. Ta hy vọng mọi sự sẽ theo đường hướng của ta, nhưng ta luôn cố gắng tiếp tục cuộc nói chuyện, hy vọng rằng ít nhất mình cũng đã gieo được hạt giống. 

Galát 6:1 : “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ”. 

Do đó, lời lẽ có tác dụng là lời lẽ hiền hòa, thiên hướng tác động là thiên hướng khiêm nhu. Minh bạch và bác ái. 

Thiển nghĩ các câu trích trên đã đủ cho thời buổi này. Nhưng ta nên nhớ kỹ: trường phái chủ trương “đừng gây tổn hại”, “đừng bao giờ xúc phạm”, “khiển trách là hận thù” không bao giờ có chỗ đứng trong các sách gối đầu giường của mục vụ. Giáo Hội thực sự có nhiệm vụ phải nói với tội lỗi của thời ta, phải mời gọi người ta ăn năn và đem ơn và lòng thương xót của Chúa đến cho người tội lỗi, những người này phải nhận mình như thế. Nhưng phải làm việc ấy cách kiên nhẫn và đầy tình bác ái. Nhưng việc ấy là việc phải làm. Nó là tôn giáo cổ xưa, nhưng còn hơn thế, nó là sự thật. 

Theo Đức Ông Charles Pope, Tổng Giáo Phận Washington D.C. (http://blog.adw.org/2013/04/is-the-church-a-thermometer-or-a-thermostat-a-biblical-reply-to-those-who-prefer-a-trendy-and-compliant-church) 

Vũ Văn An 4/29/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét