Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Kỳ thị Kitô hữu sẽ lớn mạnh, nếu không bị cưỡng lại


Kỳ thị Kitô hữu sẽ lớn mạnh, nếu không bị cưỡng lại

Sinh ra trong một gia đình Anh Giáo, năm 1993, Ann Noreen Widdecombe trở lại Công Giáo. Một trong những lý do của việc trở lại này là Hiệp Thông Anh Giáo truyền chức cho phụ nữ. Nhưng đó chỉ là cọng rơm cuối cùng, nói chung bà thất vọng vì Anh Giáo sẵn sàng thỏa hiệp mọi điều, trong khi Công Giáo không quan tâm nếu có điều gì đó không vừa lòng người. Lúc đó, bà đang là Bộ Trưởng trong chính phủ John Major. Sau khi đảng bảo thủ thất cử vào năm 1997, bà là Bộ Trưởng Y Tế rồi Bộ Trưởng Nội Vụ trong bóng tối dưới thời William Hague.

Song song với sự nghiệp chính trị, Widdecombe còn hoạt động trong ngành truyền thông, tham dự chương trình Celebrity Fit Club của ITV, The Widdecombe Project của BBC Two, điều khiển Ann Widdecombe to the Rescue Show, chủ trì Have I Got News for You News Quiz… Ngoài ra, Widdecombe còn là một diễn viên trong vở Snow White and the Seven Dwarfs năm 2011 tại The Orchard Theatre, Dartford và đóng vai Quận Chúa de Crackentorp trong vở La Fille Du Regiment của Gaetano Donizetti nằm 2012. Bà cũng là một tiểu thuyết gia hiện đang cộng tác với tờ Daily Express. 

Bà rời khỏi chính trường năm 2010, hiện được biết đến như là một nhân vật truyền thông. Ngày 23 tháng 4 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 20 năm trở lại Công Giáo, bà đã nhận lời đến nói chuyện tại một biến cố do Aid to the Church in Need, một cơ quan bác ái chuyên giúp đỡ các Kitô hữu đang bị bách hại, đứng ra tổ chức. Cơ quan này năm 2011 đã cử bà làm Phái Viên Đặc Biệt tại Anh để tranh đấu cho tự do tôn giáo. 

Trong bài nói chuyện trên, Widdecombe cho rằng Kitô hữu cần tạo áp lực đối với chính phủ Anh để họ ngưng các vụ bách hại Kitô hữu ở ngoại quốc, và ngăn ngừa họ khỏi phát triển việc bách hại đó tại quê nhà. Bà cảnh cáo rằng “cuộc bách hại Kitô hữu với qui mô nhỏ tại Anh” sẽ nhanh chóng trở thành tệ hại hơn nếu dân chúng không bắt đầu “đánh trả”. 

Bà nói: “Quả dễ thấy những vụ cực đoan ở ngoại quốc khiến ta cám ơn Chúa vì mình không bị như thế tại đây, để rồi quên khuấy rằng ở đây ta cũng có sự kiện ấy, sự kiện càng ngày người ta càng bất khoan dung đối với các Kitô hữu và muốn đẩy họ qua bên lề”. 

Bà kêu gọi chính phủ Anh phải đặt điều kiện cho ngoại viện để gây áp lực với các chính phủ hiện đang bách hại Kitô hữu. Theo bà, phần lớn các nước bách hại Kitô hữu đang nhận ngoại viện của chính phủ Anh. Nhưng chính phủ đã không lưu ý gì tới khía cạnh đó, ngược lại, chỉ đã lưu ý tới người đồng tính. Bà bảo: “Chỉ mấy tháng trước đây, chính phủ tuyên bố rõ ràng rằng khi xét duyệt ngân sách ngoại viện, họ sẽ tính xem nước tiếp nhận có hồ sơ bách hại hay khoan dung người đồng tính. Như vậy, nếu chính phủ biết làm điều đó cho những người thuộc nhóm này thì họ cũng có thể làm thế cho các Kitô hữu. Khi cấp ngoại viện cho một nước nào đó, chính phủ nên cho họ hay: ‘chúng tôi sẽ rút hoặc giảm viện trợ nếu quí vị bách hại Kitô hữu’”

Không phải những kẻ quá khích

Nhấn mạnh tới việc cần phải đương đầu với việc bách hại của nhà nước, Widdecombe cho hay: “Chúng ta không nói tới các nhóm quá khích, những nhóm bất chấp luật lệ của xứ sở mà vi phạm những hành vi bạo lực chống lại các Kitô hữu hay tài sản của họ, chúng ta nói tới những xứ trong đó nhà nước cho phép các lực lượng hay các cơ quan chấp pháp của họ, như cảnh sát chẳng hạn, được quyền thực hành và cổ vũ việc bách hại một nhóm đặc thù nào đó”.

Bà nói: “Càng nhiều kiến nghị gửi tới các chính khách, ta càng tạo nhiều áp lực đối với chính phủ để họ không những đặt điều kiện cho chương trình ngoại viện của họ, mà còn nêu vấn đề ấy trên phương diện ngoại giao nữa…”. Cách hay nhất để gửi kiến nghị là viết thư riêng về một nước đặc thù nào đó cho các dân biểu tại đơn vị cử tri của mình. 

Trong nước

Quay về nước Anh, Widdecombe cho hay: nguyên nhân chính gây bách hại Kitô hữu hiện là luật lệ tự gọi là bình đẳng hóa và lối giải thích quá thiên vị về nó cũng như quan điểm cho rằng: “bác bỏ việc xúc phạm các tín ngưỡng khác đòi phải có việc hy sinh tín ngưỡng của riêng ta”. 

Dù cho rằng việc bách hại Kitô hữu là điều mới có tại Anh trong khi việc bách hại ấy tại ngoại quốc đã có từ lâu và hết sức tồi tệ, Widdecombe vẫn nhấn mạnh rằng: “Nếu những bắt đầu nhỏ này không bị cưỡng lại, chúng sẽ lớn mạnh thành một điều lớn hơn rất nhiều”.

Bà trưng dẫn 2 trường hợp kỳ thị Kitô hữu đã xẩy ra tại nơi làm việc ở Anh. Trường hợp thứ nhất liên quan tới một nhân viên bị hạ chức vì đã chỉ trích hôn nhân đồng tính cách riêng tư. Trường hợp thứ hai liên quan tới một nhân viên bị kỷ luật vì đã đeo cây thánh giá nhỏ lúc làm việc. 

Về trường hợp thứ hai, Widdecombe cho hay: “không lạ lùng sao được khi người kế bên họ có thể đội khăn trùm đầu (hijab) và một người xa hơn đội khăn xếp (turban) – và nếu những người này được phép đội khăn trùm đầu hay khăn xếp, thì các Kitô hữu cũng phải được phép đeo thánh giá chứ”. 

Bà cho rằng: “Nếu tất cả chúng ta bác bỏ việc dấu cây thánh giá, bác bỏ việc hạn chế nói những điều như ‘Xin Chúa chúc lành cho bạn’ và ‘bạn có muốn tôi cầu nguyện cho bạn không?’… Và nếu tất cả chúng ta bác bỏ, nhất định không chịu để mình bị đe dọa hay bắt nạt vì việc này, chúng ta sẽ đóng góp rất lớn vào việc sống còn và phát triển của Kitô giáo tại xứ sở này, chúng ta sẽ không trở thành một thiểu số nhỏ nhoi, thực hành đạo trong bóng tối”. 

Vũ Văn An 4/24/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét