Gợi ý mục vụ trong Năm
Thánh Lòng Thương Xót
Sống Năm
Thánh Lòng Thương Xót
với việc
Tân Phúc-Âm-hóa Đời sống xã hội
Đề tài
2. Lời giải đáp của Tin Mừng Lòng Thương Xót
cho
chất vấn về người di dân và tị nạn
“Hãy có
lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36)
Đức Thánh Cha Phanxicô,
trong sứ điệp Ngày Thế giới về Di dân và Tị nạn 17.01.2016 năm nay với chủ đề
“Người Di dân và Tị nạn chất vấn chúng ta: lời giải đáp của Tin Mừng về Lòng
Thương Xót”, cảnh giác mọi người rằng ‘dửng dưng và im lặng trước thảm cảnh
người di dân và tị nạn là mở đường cho sự đồng lõa, khi chúng ta như khán giả
chứng kiến cái chết vì ngộp thở, vì kiệt sức, bạo lực và đắm tàu”.
1. Thực trạng di dân và
người tị nạn chất vấn
“Này đây, Ta đứng ngoài cửa
mà gõ” (Kh 3,20)
Tình trạng tị nạn ngày nay
làm gia tăng sự chú ý của thế giới, đặc biệt những đoàn người đang tìm tránh
thoát các cuộc chiến tranh ở Syria, Bắc Phi, thảm cảnh đắm tàu, bạo lực, kiệt
lực, … Cộng thêm vào hiện tượng di dân vì lí do kinh tế xảy ra ở khắp các đất
nước vì hoàn cảnh ngày càng cách biệt giữa cuộc sống nông thôn và đô thị.
Riêng tại Việt Nam, biểu đồ Các tỉnh thành có tỉ lệ người di cư năm 2009 sau đây cho ta thấy hiện
trạng di dân tại các tỉnh thành về con số:[1]
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói đến ”làn sóng di dân liên tục gia tăng ở mọi miền trên thế giới.. Càng ngày càng có những nạn nhân của bạo lực và nghèo đói rời bỏ nguyên quán, chịu sự hành hạ của những kẻ buôn người trong hành trình tiến về giấc mơ một tương lai tốt đẹp hơn”. “Hơn lúc nào hết, ngày nay Tin Mừng về lòng thương xót lay động lương tâm, ngăn chúng ta đừng vô cảm trước những đau khổ của người khác, và chỉ dẫn cách đáp ứng bám rễ sâu từ trong các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, và được diễn tả qua các hoạt động từ bi bác ái về tinh thần cũng như thể lý”.[2]
2. Một lịch sử cứu độ qua
di dân
Lịch sử của dân Chúa Cựu
ước được đặc trưng là một di dân: gia đình tổ phụ Giacóp di cư sang Ai cập
tránh nạn đói, câu chuyện cuộc hôn nhân của Bà Rút với ông Bôat trong bối cảnh
tha hương hội nhập giữa dân ngoại với dân Do Thái được Luật Chúa bảo vệ. Trong
Tân ước, Dung mạo của Lòng Thương Xót của Chúa tỏ lộ qua: Chúa Giêsu chữa lành
10 người phong trong đó có một người ngoại kiều (Lc 17,18), câu chuyện dụ ngôn
người Samaritanô nhân hậu (Lc 30,30-37), “Ta là khách lạ mà các ngươi đã viếng
thăm” (Lc 3,32). Và chính Thánh Gia trốn sang Ai Cập là biểu tượng và là nguồn
cảm hứng của mối quan tâm chăm sóc đặc biệt cho người lao động di dân và gia
đình họ.
Đức Thánh Cha nhắc nhở cho
các tín hữu rằng ”những người di dân là anh chị em chúng ta đang tìm kiếm một
cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát được nghèo đói, bóc lột và bất công trong việc
phân phối tài nguyên thế giới”. Ngài cũng khẳng định rằng ”sự hiện diện của
những người di dân và tị nạn đang chất vấn nghiêm trọng các xã hội đón tiếp họ
... Làm thế nào để sự hội nhập người di dân và tị nạn ấy làm cho nhau được
phong phú, mở ra những con đường tích cực cho cộng đoàn, và vượt thắng những
nguy cơ phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc, quốc gia chủ nghĩa cực đoan và nạn
bài ngoại”.[3]
Lời Chúa trong sách Khải
huyền thúc đẩy các cộng đoàn (gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận, …) không
ngại đe dọa sự yên ổn mà mở rộng cửa cho Chúa Giêsu, phản chiếu nơi dung mạo
của anh chị em đó: “Này đây, Ta đứng ngoài cửa mà gõ” (Kh 3,20).
3. Xây dựng một nền văn hóa
gặp gỡ với anh chị em di dân
Sẵn sàng trao ban đồng thời
sẵn sàng đón nhận là đặc trưng của nền văn hóa gặp gỡ mà Đức Thánh Cha Phanxicô
khuyến dụ gần đây. Những cuộc di dân lớn trong thời đại chúng ta do chiến tranh
(tị nạn), do lao động hay du học, việc làm, du lịch, … những cuộc di dân sinh
ra một hiện tượng mới, là sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa và từ đó có truyền
giáo. Những người không công giáo đến các quốc gia các vùng miền có truyền
thống Kitô giáo, tạo ra những cơ hội cho tiếp cận và trao đổi văn hóa, mời gọi
Giáo hội đón tiếp, đối thoại, tham dự, nói tắt là tình huynh đệ.[4] Tất cả trào
lưu ấy, ngay cả di dân của những Kitô hữu ra ngoài cộng đoàn Hội Thánh của họ,
tạo ra những cuộc gặp gỡ nhiều hơn, đa dạng hơn, thường xuyên và toàn cầu, các
nền văn hóa và tôn giáo khác nhau hôm nay, tạo một xã hội nhân loại đa nguyên
mọi cấp độ (chủng tộc, văn hóa, tôn giáo).
Lòng thương xót chỉ thực sự
là hành động của tình thương – bác ái khi đồng thời chúng ta xác tín sâu xa
rằng chúng ta cũng nhận được lòng thương xót từ những kẻ chịu nhận nó từ chúng
ta. Khía cạnh hai chiều hỗ tương là không thể thiếu trong thực thi lòng thương
xót, nhất là trong nền văn hóa gặp gỡ.
Câu hỏi chia sẻ và thảo
luận
1. Trong Tông chiếu “Dung Mạo Lòng Thương
Xót” (Số 20) nhấn mạnh tới lời Chúa Giêsu trích dẫn tiên tri “Ta muốn lòng
thương xót, chứ không muốn hy lễ” (Hs 6,6) có thể áp dụng theo
những chiều kích nào trong cuộc sống của anh chị ?
2. Cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, … nơi anh
chị em di dân ra đi có chuẩn bị gì cho anh chị em để trở thành người loan báo
Tin Mừng về lòng thương xót?
3. Làm thế nào để sự hội nhập người di dân
làm phong phú cho nhau, mở ra những con đường tích cực cho cộng đoàn, và vượt
thắng những nguy cơ phân biệt đối xử? (Sứ điệp Quốc tế Di dân 2016).
4. Anh chị em di dân cảm nghiệm thế nào về
Lòng Thương Xót của Chúa trong cuộc sống của mình, và làm gì để đem Lòng Thương
Xót của Chúa cho tha nhân?
–––––––––––––––––––––––––––––
[1] Trích Di
Cư và Đô Thị Hóa ở Việt Nam: Thực Trạng, Xu Hướng và Những Khác Biệt,
trang 40.
[2] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp
Ngày Thế giới về Di dân và Tị nạn 17.01.2016, “Người Di dân và Tị nạn chất vấn
chúng ta: lời giải đáp của Tin mừng về Lòng Thương Xót”.
[3] Ibid.
[4] Cf. ĐGH Gioan Phaolô
II, Tđ. Redemptoris Missio 37.
Văn Phòng HĐGMVN -
UBLBTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét