Trang

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

16-06-2017: THỨ SÁU - TUẦN X THƯỜNG NIÊN

16/06/2017
Thứ Sáu tuần 10 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 4, 7-15
"Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Ðức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành, để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chứ không phải phát xuất tự chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Ðức Giêsu, chúng tôi luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Ðức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng tôi. Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em. Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin, như đã chép rằng: "Tôi đã tin, nên tôi đã nói", và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Ðức Giêsu, và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 10-11. 15-16. 17-18
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: "Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!" Trong lúc kinh hoàng tôi đã thốt ra: "Hết mọi người đều giả dối". - Ðáp.
2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. - Ðáp.
3) Con sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Ðáp.

Alleluia: Ga 1, 14 và 22b
Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 27-32
"Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
"Có lời dạy rằng: "Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị". Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chớ Có Ngoại Tình, Ðừng Ly Dị
Hôn nhân không phải là một sự phối hợp tạm thời để có thể dễ dàng phân ly vì sự thay đổi hoặc vì đam mê của con người. Chúa Giêsu lên án những phóng đãng luân lý, như sự bất trung, ngoại tình, ly dị do pháp luật cho phép.
Chống lại sự bất trung, Chúa Giêsu lên án cách nhìn ngắm không trong sạch của những ước muốn xác thịt, liều mình đi đến chỗ phạm tội trong tâm hồn. Cử chỉ này bị coi là đã thành tội, vì tội phát sinh bởi ý muốn thầm kín của tâm hồn. Với những lời gắt gao, Chúa nhắc lại việc cần phải dấn thân một cách nghiêm chỉnh và cương quyết chống lại những lạc hướng do ích kỷ, để cứu vãn và tăng cường tình yêu hôn nhân bằng mọi giá.
Chống lại việc ly dị, Chúa Giêsu đã sửa lại luật Môsê cho phép ly dị trong một số trường hợp. Ðối với Ngài, lý do là sự lựa chọn của một tình yêu dâng hiến, với tình yêu này, người nam và người nữ dấn thân sống chung với nhau suốt đời. Ngài kêu gọi lương tâm của con người, và không luật nào được thay thế và vi phạm lương tâm này. Tội tà dâm phải được loại trừ tận gốc rễ, và trong tư tưởng thầm kín. Cái nhìn trong sạch : "Phúc cho ai có tâm hồn trọng sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa"; muốn thế, cần phải hy sinh những gì gây cớ vấp phạm.
Trong luật cũ có vẻ bao dung đối với nam giới và nghiêm khắc đối với nữ giới, thì Chúa Giêsu đặt cả hai trên cùng một cấp bậc: Ngài lên án rõ ràng và như nhau về việc ly dị đối với cả hai giới, và tuyên bố việc phối hợp với người khác sau khi ly dị là ngoại tình.
Theo giáo huấn của Chúa, việc phối hợp giữa người nam và người nữ là một biểu lộ của tình yêu, và tình yêu này đến từ Thiên Chúa, chứ không do tình dục ích kỷ. Tình yêu là một sự trao ban cho nhau, là cuộc gặp gỡ của tự do.
Xin Chúa cho chúng ta biết tiến lên theo Thánh Thần thúc đẩy, để chúng ta không chiều theo những ước muốn và hành động của xác thịt; trái lại biết sống trong tự do của Chúa, nhờ đó lề luật của Chúa sẽ trở nên nguồn an vui và sức mạnh của chúng ta.
Veritas Asia




Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc2 Cor 4:7-15; Mt 5:27-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mục đích của thân xác con người
Thiên Chúa dựng nên tất cả mọi sự là cho một mục đích. Khi con người biết xử dụng tạo vật Chúa dựng nên theo như mục đích Ngài muốn, nó sẽ sinh lợi ích cho con người; nếu con người xử dụng nó trái với mục đích Thiên Chúa muốn, nó sẽ trở thành điều tai hại cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong mục đích của thân xác con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhận ra mục đích của thân xác là để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và mưu cầu ơn cứu độ cho chính bản thân và cho mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kết án những ai lạm dụng những chi thể của thân xác để phạm tội ngoại tình trong tư tưởng. Ngài cũng lên án những ai không trung thành giữ giao ước hôn nhân họ đã hứa với Thiên Chúa và với người phối ngẫu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu.
1.1/ Thiên Chúa ban cho con người một thân xác có thể chịu đau khổ để diễn tả tình yêu:
(1) Mục đích của thân xác con người: Có ít nhất ba quan niệm khác nhau về mục đích của thân xác con người:
+ Quan niệm của trường phái Epicurean: thân xác con người được dùng để thỏa mãn các dục vọng.
+ Quan niệm bi quan của Hy-lạp về thân xác: thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn; để giải phóng linh hồn, con người phải tìm mọi cách để thoát khỏi thân xác.
+ Quan niệm của Kitô Giáo về thân xác: thân xác là khí cụ Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ cho mọi người. Như Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngài dùng thân xác của mình để diễn tả tình yêu Thiên Chúa và tiêu diệt sự chết cho con người; Thiên Chúa cũng ban cho mỗi người một thân xác và muốn mọi người dùng nó để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và mưu cầu ơn cứu độ cho chính họ và cho mọi người.
(2) Tất cả các chi thể trong thân xác đều có thể được dùng để làm vinh quang Thiên Chúa: Với trí óc, con người có thể học hỏi những thánh ý cao siêu của Thiên Chúa; với miệng lưỡi con người có thể ca tụng Thiên Chúa và nói những gì Ngài muốn cho tha nhân; với trái tim con người có thể tỏ tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân; với đôi tay con người có thể săn sóc và giúp đỡ tha nhân; với đôi chân, con người có thể đi rao giảng Tin Mừng đến tận cùng cõi đất.
(3) Sự mỏng giòn của thân xác và sức mạnh của Thiên Chúa: Già cả, đau yếu, bệnh tật ...  làm cho con người nhận ra sự mong manh của thân xác; nhưng cũng giúp con người nhận ra sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong con người, như Phaolô nhận xét: "Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.''
Thánh Phaolô, khi nhìn lại cuộc đời mình, nhất là những kinh nghiệm có được trong 3 cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, đã phải thốt lên: "Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt." Nếu nhìn lại cuộc đời mỗi người, chúng ta đều có thể nhận ra những kinh nghiệm như Phaolô: Đau khổ của con người đến từ mọi phía: thiên tai, chiến tranh, nghèo đói, mọi thứ bệnh tật, công việc làm ăn, tranh chấp trong gia đình và ngoài xã hội; nhưng tại sao chúng ta vẫn sống và có thể vượt qua mọi đau khổ này? Thưa là vì chúng ta có sức mạnh và hy vọng nơi Thiên Chúa. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ cho sống lại và cho chung hưởng vinh quang bất diệt với Ngài.
1.2/ Chịu đựng gian khổ để chinh phục mọi người về cho Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, khi chịu Phép Rửa Tội là chúng ta cùng chịu dìm mình trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô; để rồi sẽ cùng được sống lại và chung phần vinh quang với Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô diễn tả điều này như sau: ''Chúng tôi luôn mang nơi thân mình Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi."
Giống như Chúa Giêsu chịu gian khổ trong Cuộc Thương Khó là để chết thay cho con người và đem lại sự sống cho họ, các môn đệ cũng phải chịu đựng gian khổ để rao giảng Tin Mừng và chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhận ra ý nghĩa cao cả của đau khổ khi ngài viết: ''Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em...  Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người." Sở dĩ các môn đệ có thể can đảm chịu gian khổ ngay cả cái chết, vì họ tin vững mạnh sẽ được Thiên Chúa cho sống lại: ''Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em.''
2/ Phúc Âm: Thân xác con người trong ơn gọi gia đình
2.1/ Ngoại tình trong tư tưởng: Hai yếu tố chính cấu thành Bí-tích Hôn Phối: (1) để hai người yêu thương nhau; và (2) để sinh sản con cái cho Thiên Chúa. Tình dục không bao giờ là mục đích chính của hôn nhân, nhưng chỉ là hậu quả của tình yêu giữa hai người. Hiểu thần học về hôn nhân như thế, khi con người lấy nhau, mục đích chính là vì yêu thương: vì yêu mến Thiên Chúa, họ tỏ tình yêu thương cho nhau và cho con cái. Họ dùng thân thể mình để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho nhau. Vì thế, họ phải trung thành yêu thương nhau suốt đời, như Luật dạy: Chớ ngoại tình.
Không những thế, họ còn phải cẩn thận tránh xa những dịp làm thương tổn đến tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người phối ngẫu của mình. Thiên Chúa quá biết từ ước muốn sẽ dẫn tới hành động, nên Ngài muốn con người phải biết kiểm soát luôn cả ước muốn của mình. Vì thế, Chúa dạy: "Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.''
Các bộ phận trong thân xác đều có chức năng quan trọng để mở mang Nước Chúa như đã nói ở trên; nhưng nếu các bộ phận chẳng những đã không làm vinh quang cho Nước Chúa, mà còn làm thiệt hại cho phần linh hồn, thì phải làm như Chúa Giêsu dạy: "Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục."
2.2/ Vợ chồng phải trung thành với nhau suốt đời: Hiểu ý nghĩa của hôn nhân và mục đích của thân xác như thế, khi con người lãnh nhận Bí-tích Hôn Phối là họ hứa sẽ trung thành với nhau suốt đời; và sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không thể phân ly. Moses cho phép ly dị là vì sự cứng lòng của con người. Giáo Hội cho phép ly dị trong những trường hợp đặc biệt cũng là cho sự yếu đuối của con người mà thôi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người một thân xác, không phải là để hưởng thụ; nhưng để mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình và cho tha nhân.
- Chúng ta phải biết dùng các chi thể của thân xác chúng ta cho việc rao giảng Tin Mừng và mở mang Nước Chúa. Nếu chúng ta không biết cách dùng, chúng sẽ trở nên bằng chứng để buộc tội chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


16/06/17    TH SÁU TUN 10 TN
Mt 5,27-32

TRÁNH TỘI TỪ TRONG Ý MUỐN

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mt 5,28)

Suy niệm: Nhiều người trẻ ngày nay chuộng lối ăn mặc theo “mô-đen” “thiếu vải,” “xuyên thấu” cho rằng cần phải phô bày cho người khác thấy cơ thể của mình. Trong khi đó, tại những nơi thắng cảnh là đền chùa, những vị trụ trì lấy làm phản cảm trước cảnh du khách ăn mặc hở hang đến vãn cảnh, nên đã có dịch vụ cho khách tham quan mượn y phục kín đáo phù hợp với nơi tôn nghiêm. Hiển nhiên, lối ăn mặc phô bày cơ thể như thế dễ dàng khơi gợi ước muốn nhục dục, và do đó đi ngược với lời mời gọi nên thánh. Chúa Giê-su cho biết phải nên thánh từ trong tư tưởng và ước muốn của mình, bởi vì: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”

Mời Bạn: Những sách báo, phim ảnh hoặc trang mạng internet ngày nay, kể cả những địa chỉ được coi là đứng đắn cũng đầy dẫy những hình ảnh, thông tin, quảng cáo, minh nhiên hoặc ngấm ngầm, có tính cách khiêu dâm, kích thích những dục vọng thấp hèn nơi chúng ta. Một lần nữa bạn cần phản ứng chống lại những cám dỗ đó, để vượt lên trên những ước muốn dung tục, để sống cách thánh thiêng cho Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mình vì bạn.

Sống Lời Chúa: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa đã cho con nhận biết tình thương của Chúa và mời gọi con sống cho những điều cao quý hơn. Xin cho con biết kết hiệp với Chúa để nhờ sức mạnh của ơn thánh chúng con có thể vượt thắng những cám dỗ trong đời sống thường ngày. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

Ngoi tình trong lòng (16.6.2017 – Th sáu Tun 10 Thung niên)
Chúng ta hiu mình cn phi chu nhng hy sinh đau đn mi có th gi mình thanh khiết đ xng đáng vi Nước Tri.


Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay hẳn gây sốc cho những ai nghe Đức Giêsu,
và nhất là cho chúng ta ở thế kỷ này nữa.
Đòi hỏi của Đức Giêsu mang tính tận căn, vượt quá Luật Môsê.
Không phải chỉ là tránh ngoại tình trong hành động,
mà còn phải tránh cả ngoại tình trong tư tưởng, trong trái tim,
khi nhìn người phụ nữ bằng cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt.
Phụ nữ ở đây hẳn là người đã có chồng, đầu tóc được che khăn.
Thèm muốn ở đây không phải chỉ là một rung động tự nhiên trước vẻ đẹp,
nhưng muốn nói đến một dục vọng xác thịt được nuôi dưỡng kéo dài,
nhắm đến một tương quan bất chính với người phụ nữ ấy.
Thèm muốn này có tính chiếm đoạt.
Điều này đã được nói đến ở giới răn thứ mười:
chớ thèm muốn vợ người khác (Xh 20, 17).
Đàn ông hôm nay thấy khó tránh cái nhìn thèm muốn, chiếm đoạt.
vì phụ nữ hôm nay biết cách lôi kéo cái nhìn của họ.
Nhiều phụ nữ coi “gợi cảm” và “gợi tình” là điều cần nhắm tới.
Các quán bán cà phê đều cần những cô “có ngoại hình”.
Trong các tạp chí và trên mạng thiếu gì những hình ảnh tươi mát, dâm ô.
Chúng ta đã quen với một nền văn hóa tiếp thị bằng hình ảnh như thế.
Từ nhìn đến thèm muốn cháy bỏng, rồi dẫn đến sa ngã thực sự.
Nạn mãi dâm, ngoại tình, đổ vỡ trong gia đình vẫn là chuyện nhức nhối.
Từ đó phát sinh bao bệnh tật và tệ nạn trong xã hội.
Đức Giêsu muốn ngăn chặn cái xấu từ trong gốc rễ.
Bà Evà đã nhìn, đã thèm muốn, rồi cuối cùng đã hái trái cấm.
Từ mắt đến tim và đến tay: đó vẫn là con đường bình thường của cám dỗ.
Đức Giêsu đã dùng lối ngoa ngữ để nói lên đòi hỏi tận căn của Ngài.
Nếu mắt hay tay làm dịp cho chúng ta phạm tội về xác thịt,
thì thà mất mắt phải hay tay phải mà vào Nước Trời
còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục.
Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen để rồi chặt tay hay móc mắt,
vì làm thế cũng chẳng khiến ta hết dục vọng.
Nhưng chúng ta hiểu mình cần phải chịu những hy sinh đau đớn
mới có thể giữ mình thanh khiết để xứng đáng với Nước Trời.
Làm sao để cái nhìn của tôi được trong sáng ngay giữa một thế giới ô uế?
Làm sao để tôi không coi người khác phái chỉ là đối tượng của dục vọng xác thịt?
Làm sao tôi có thể quay đi và nhắm mắt để được tự do?
Cầu nguyn:
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG SÁU
Có Thể Tin Tưởng Dù Ngay Giữa Khổ Đau
“Vì sao Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta?” Câu hỏi ấy đã được đặt ra trong sách giáo lý Kitô giáo hay trong giáo huấn về đời sống Kitôhữu. Trong ánh sáng đức tin kiên vững của Giáo Hội, chúng ta (cả người trưởng thành lẫn thanh thiếu niên) cần phải tâm niệm những lời này: “Thiên Chúa đã tạo nên ta để ta hiểu biết và yêu mến Ngài trong cuộc sống này và để sống với Ngài mãi mãi trong cuộc sống đời sau”.
Đó là một chân lý lớn lao và chắc chắn về Thiên Chúa. Ngài là Cha Trên Trời của chúng ta và là Đấng hướng dẫn cuộc sống chúng ta bằng sự tiếp xúc êm ái và đầy yêu thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài mãi mãi.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 16-6
2Cr 4, 7-15; Mt 5, 27-32.

Lời suy niệm: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”
Hạnh phúc gia đình làm cho xã hội được sống an bình thịnh vượng. Để hạnh phúc gia đình được tồn tại, mọi người cha, người mẹ trong gia đình phải biết sống chung thủy, yêu thương và tôn trọng nhân phẩm nhân vị của nhau. Biết xin lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi. Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay, giúp cho người nam và người nữ biết, để đề phòng và cần tránh xa, để bảo vệ hạnh phúc gia đình; chớ đừng xem thường và lý luận theo bản năng của con người, để rồi phải đi đến tội ngày càng lớn hơn làm sụp đổ tất cả.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả các gia đình trong nhân loại nhận ra giá trị đích thực đời sống hôn nhân một vợ một chồng chung thủy trọn đời. Để gia đình được sống hạnh phúc, xã hội an vui.
Mạnh Phương


16 Tháng Sáu
Hãy Ðến Với Ta
Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước... Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu...
Người ta kể lại rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn...
Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.
Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Ðức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.
"Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho".
Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế... Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: "Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy".
Trút lên Ngài tất cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người. Kết hiệp với Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người đang đau khổ...
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét