17/06/2017
Thứ Bảy tuần X thường
niên
Bài Ðọc I: (Năm I) 2Cor
5, 14-21
"Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng
ta".
Bài trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một
người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Ðức Kitô đã chết cho
mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho mình.
Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu
có một thời chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ
chúng tôi không biết Người như vậy nữa.
Ai ở trong Ðức Kitô là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi: này mọi
sự đã được đổi mới.
Và mọi sự đều do Thiên Chúa là Ðấng giải hòa chúng ta với Người nhờ Ðức
Kitô, và đã trao chức vụ giải hòa cho chúng tôi.
Chính Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hòa thế gian với Người, không
còn qui trách tội lỗi cho họ nữa và đã đặt lời giải hòa trên môi miệng chúng tôi.
Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng
tôi mà khuyên bảo vậy.
Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.
Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để
trong Ðức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 102, 1-2,
3-4, 9-10, 11-12
Ðáp: Chúa là Ðấng thương xót
và nhân ái. (8a)
Xướng 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy
chúc tụng thánh danh Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người.
Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá bao giờ quên mọi ân huệ của Người.
- Ðáp.
2) Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền.
Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi,
và ân sủng. - Ðáp.
3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn.
Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều
oan trái chúng tôi. - Ðáp.
4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, Lòng nhân hậu Người
còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi,
Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình
an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 5, 33-37
"Thầy bảo các con: đừng thề chi cả".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe
dạy người xưa rằng: "Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với
Chúa". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề,
vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng
lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì
con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con
phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà
ra".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ai là người nói thật
Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời
thề với Đức Chúa, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ
trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (Mt. 5, 33-34)
Mọi người đều dối trá
Mỗi ngày ta đều có được những kinh nghiệm sống tuy nhỏ bé nhưng rất có ý
nghĩa. Chẳng hạn mấy đứa con chúng ta cãi lộn nhau. Đứa này bảo đứa kia đã gây
sự trước. Đứa kia cũng nói lại như vậy. Đứa nào đúng? Một tin lớn đăng tải trên
trang đầu của tờ báo. Hôm sau lại nói ngược lại. Tin nào đúng? Chính quyền tỉnh
cho công bố những bảng thống kê. Mười ngày sau chính quyền liên bang lại đưa ra
bảng thống kê của mình. Phải tin ai đây?
Trong xã hội ta hôm nay, những thông tin quả là phong phú, những phương
pháp truy cứu lại rất khoa học, những bản điều tra thật tường tận, vậy mà chúng
ta vẫn luôn phải tự hỏi rằng: “Ai đúng?”Ta thường xuyên liên hệ với những người
mà ta tin là liêm chính và ngay thẳng. Ta tin cậy họ, thậm chí có thể yêu mến họ.
Nhưng biết bao lần ta phải tự hỏi: “Không biết lần này ông ta có nói đúng sự thật
cho mình không?”. Ta có cảm tưởng như chung quanh ta mọi người đều dối trá cả
Cho đến giờ, ta đã chỉ nói đến những người nói
dối ta. Thiết tưởng cũng nên nhìn vào mình một chút. Ai trong ta, xưa rày chỉ
nói sự thật? Chúng ta chắc cũng không lạ gì với những cách nói nửa vời, những
câu trả lời lấp lửng, những kiểu thêm thắt, bịa điều đặt chuyện, nói quanh co
điều ta nghĩ và biết, chung quy gọi là dối trá, lươn lẹo.
Hãy vun trồng sự thật
Chúa Giêsu yêu cầu ta vun trồng sự thật. Nói
“có” khi phải nói “có”, nói “không” khi phải nói “không”. Nói “có” hay “không”
dều phải rõ ràng dứt khoát. Đạt được như vậy, không phải là chuyện đơn giản. Ta
thường phải khó chịu, đôi khi phải nhượng bộ nữa. Để biết nói sự thật, tâm hồn
ta phải thật trong sáng, ngay thẳng và trong một vài trường hợp, phải có nhiều
can đảm. Thế nhưng ta phải tập cho quen biết nói sự thật, và phải tập ngay từ
bây giờ, bằng không sẽ chẳng bao giờ biết nói sự thật cả.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 5:14-21; Mt 5:33-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương
thành thật
Chúng
ta đang sống trong một kỷ nguyên mà con người đang bị khủng hoảng trầm trọng
trong các mối liên hệ: con người không ngừng vi phạm những điều họ đã hứa với
Thiên Chúa và với tha nhân. Nhìn vào những nhà lãnh đạo của các quốc gia, trước
khi đắc cử, họ hứa hẹn với dân chúng rất nhiều; nhưng sau khi nhậm chức, chẳng
thực hành được bao nhiêu. Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh cũng thế, sự khủng
hoảng kinh tế toàn cầu đang xảy ra là vì quá nhiều chủ tịch các công ty đã gian
lận tiền của chính phủ và của dân chúng để làm của riêng mình. Trong đời sống
gia đình cũng chẳng khá hơn: bao nhiêu cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà chẳng cần
làm hôn thú hay lễ cưới; dẫu có thề hứa trước Thiên Chúa cũng chẳng giữ lời
(hơn 50% đã chia tay). Trong đời sống linh mục và tu trì cũng thế, bao nhiêu
người đã giũ áo ra đi và không trung thành với những gì mình đã thề hứa! Lời thề
hứa hôm nay còn có giá trị hay không? Thiên Chúa còn có thể tin những gì con
người thề hứa?
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải mến Chúa yêu người cách
thành thật. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải thấu hiểu và ở
lại trong tình thương Thiên Chúa, trước khi họ có thể loan truyền tình thương
này và chinh phục con người về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy
các môn đệ không cần phải thề thốt; nhưng phải luôn biết tập luyện để nói, sống,
và làm chứng cho sự thật. Một cách đơn giản: hễ "có" thì phải nói
"có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều
gì là do ác quỷ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là
thọ tạo mới.
1.1/
Tình yêu Thiên Chúa phải biến đổi con người: Khi yêu nhau, con người yêu tất cả những gì thuộc về
người yêu của mình; ngay cả những gì trước đây mình ghét hay không quan tâm tới,
giờ cũng trở thành đáng yêu. Ca dao Việt-nam tuy có khuếch đại, nhưng nói lên
được điểm này trong bài tả những thói xấu của người phụ nữ: "Đi chợ thì
hay ăn quà; chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm ... Đêm ngủ thì gáy ó o; chồng
thương chồng bảo gáy cho vui nhà."
Một cách tương tự, khi con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và
của Đức Kitô, con người sẽ nhìn tất cả theo lăng kính tình yêu này.
(1) Đối
với Thiên Chúa: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: "Đức Kitô đã chết thay
cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống
cho Đấng đã chết và sống lại vì mình." Trong cuộc đời, ơn cứu tử là ơn
không bao giờ quên được; phương chi là ơn cứu tử từ một người phải chết thay để
con người được sống và sống đời đời. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rõ điều này,
khi Ngài thốt lên: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô
sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên
Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gal 2:20).
(2) Đối
với tha nhân: Nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính loài người, một người sẽ không
thấy nhu cầu cần phải hy sinh và yêu thương họ; nhưng nếu nhìn tha nhân dưới
lăng kính của tình yêu Thiên Chúa, người đó sẽ dễ dàng yêu thương và hy sinh
cho tha nhân; vì tất cả đều là anh/chị/em với nhau và đã được cứu chuộc bằng
Máu Cực Thánh của Đức Kitô. Khi một người phải hư đi, Thiên Chúa sẽ buồn; và vì
cùng cảm nhận nỗi buồn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh để cứu linh
hồn đó về cho Thiên Chúa. Chính vì quan điểm này, mà thánh Phaolô đã thốt lên:
"Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người.
Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ
đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức
Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi."
1.2/
Sứ vụ hoà giải: Khi
đã được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, người môn đệ được sai đi để làm chứng
cho tình yêu này. Trước tiên, họ phải dùng Tin Mừng để nói cho mọi người biết về
tình yêu Thiên Chúa. Thứ đến, họ phải biết cách diễn tả tình yêu này bằng chính
cuộc sống chứng nhân của mình bằng cách yêu thương và giúp đỡ tha nhân. Tiến
trình hòa giải luôn có hai chiều:
(1)
Con người hòa giải với Thiên Chúa: Nhờ Đức Kitô mà con người được hoà giải với
Thiên Chúa, và chính Đức Kitô đã trao cho môn đệ của Ngài sứ vụ hoà giải, như
thánh Phaolô nói: ''Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được
hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng
tôi công bố lời hoà giải.'' Bổn phận của các môn đệ là phải rao giảng và sống
làm sao để con người nhận ra: tình thương Thiên Chúa dành cho họ và tội lỗi họ
đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Hai điều này sẽ giúp con người tìm vào tòa cáo giải
để giao hòa với Thiên Chúa.
(2)
Con người hòa giải với tha nhân: Tôi con người phạm không chỉ xúc phạm đến
Thiên Chúa, mà còn xúc phạm đến tha nhân. Vì thế, con người cần giao hòa và tha
thứ với tha nhân sau khi đã được giao hòa và tha thứ với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Hễ "có" thì phải nói
"có;" "không" thì phải nói "không."
2.1/
Đừng thề thốt chi cả: Đây là những lời dạy lý tưởng trong chương 5 của Tin Mừng Matthew để trở
thành môn đệ của Chúa: Lề Luật chỉ là những điều kiện tối thiểu để ngăn cản con
người đừng phạm tội; nhưng trở thành môn đệ của Đức Kitô đòi con người phải tiến
xa hơn là việc đơn giản giữ các luật lệ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu
dạy dỗ các môn đệ về việc phải luôn trung tín trong lời nói và việc làm: Để hiểu
những lời này, chúng ta cần phân biệt ít nhất 3 lý do tại sao con người dùng
tên Chúa để thề:
(1) Có
những người quen kêu tên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh, cách vô cớ như "Giêsu
Maria Giuse." Họ kêu mà chẳng nghĩ gì đến các ngài cả. Đây là tội phạm đến
điều răn thứ hai, vì Danh Chúa là danh cực trọng. Người Do-thái không dám gọi
đích danh Thiên Chúa, mà chỉ dám lướt qua (Yahweh) hay gọi một chữ khác.
(2) Có
những người quen lấy danh Chúa mà thề, mặc dù chẳng có gì quan trọng hay chẳng
ai bắt phải thề thốt chi cả.
(3) Có
những người thề nhưng lại tránh dùng đích danh Chúa, vì họ biết Lề Luật buộc họ
phải thi hành khi lấy danh Chúa thề; nên khi họ thề, họ chỉ trời, chỉ đất, chỉ
Đền Thờ, chỉ lên đầu như Chúa Giêsu liệt kê hôm nay, để khỏi phải giữ lời thề.
Họ quên đi Chúa ở khắp mọi nơi và thấu hiểu mọi ý nghĩ trong lòng họ; chẳng thể
nào họ có thể chỉ bất cứ gì để thề mà không phải giữ, vì mọi sự trong trời đất
này đều thuộc về Thiên Chúa.
2.2/
Sống theo sự thật: Chúa
tiếp tục dạy các môn đệ: "Nhưng hễ "có" thì phải nói
"có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều
gì là do ác quỷ." Người môn đệ của Đức Kitô phải luôn biết nói, sống và
làm chứng cho sự thật. Nếu một người luôn trung tín, những gì người ấy nói ra đủ
cho người khác tin tưởng mà không cần phải thề thốt chi cả; nhưng nếu một người
bất trung, bao nhiêu lời thề hứa của họ cũng chẳng có giá trị chi cả. Chúa
Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ biết tập luyện để có nhân đức trung thành,
hơn là những lời hứa hẹn ngoài miệng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình
yêu Thiên Chúa là điều chúng ta cần có trước tiên, trước khi có thể yêu thương
chân thành những người khác; nếu không có tình yêu này, chúng ta sẽ dễ dàng phản
bội nhau.
-
Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải tập luyện làm sao để luôn
biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Nếu chúng ta luôn làm như thế, thề thốt
là điều dư thừa.
Lm.Anthony ĐINH MINH TRIÊN, OP.
Mt 5,33-37
SỐNG THẬT
“ ‘Có’ thì phải nói
‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’.” (Mt 5,37)
Suy niệm: Sách
chữ Nho có câu: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (con người từ
thuở ban đầu, tính vốn tốt). Thế mà, ngày nay, khi cuộc sống con người được
nâng cao hơn bao giờ hết, “tính bổn thiện” đó dường như đang bị chết nghẹt bởi
vì sự lừa đảo gian dối có mặt trong mọi lãnh vực, mọi tương quan. Bán buôn thì
lo hàng giả, hàng nhái, tràn ngập thị trường. Mối tương quan giữa người với
người bị đe doạ bởi dối trá, bội tín, bất trung. Ngay một em nhỏ cũng biết nói
dối để chối tội, gian dối trong học tập để được điểm cao. Người sống trung thực
dường như bị coi là người ngu dại, không biết lẽ sống ở đời. Lời Chúa dạy “có
nói có, không nói không” đặt ra cho Ki-tô hữu một thách đố: Liệu tôi có dám
lội ngược giòng không? Liệu tôi có dám sống trung thực như Chúa dạy trong xã
hội nhiều gian dối hôm nay không?
Mời Bạn: Sở
dĩ người ta gian dối là để được một mối
lợi, để tránh một cái hại. Thế nhưng “được lời lãi cả thế gian mà đánh
mất chính mình” (Lc 9,25), thử hỏi đàng nào hại hơn, đàng nào lợi hơn?
Chấp nhận chịu thiệt để sống theo sự thật, đó là chọn lựa của những người làm
chứng nhân cho Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô cho thấy cái lợi của sự lựa chọn này: “Một
chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối
vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
Sống Lời Chúa: Hôm
nay tôi quyết tâm sống thật với mình, với người anh em, và với Chúa, dù tôi có
phải trả giá bằng một sự thua thiệt nào đó.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa Giê-su, Chúa đã nêu gương cho chúng con khi “chẳng ai thấy Chúa mở miệng
nói lời gian dối”. Xin Chúa giúp chúng con theo lời Chúa, luôn sống như con cái
sự sáng.
(5 phút Lời Chúa)
Có thì nói có (17.6.2017 – Thứ bảy Tuần 10 Thuờng niên)
Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả, Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật, tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy.
Suy niệm:
Việc thề vẫn có trong các
nền văn hóa nhân loại.
Người ta thề để người
khác tin lời của mình hơn,
vì nếu không giữ lời thề
sẽ bị các thần minh nguyền rủa.
Người Do thái từ xa xưa
cũng đã có thói quen thề.
Thề là nại đến Thiên Chúa
để làm chứng cho điều mình nói.
Hêrôđê Antipas đã thề hứa
với cô bé con bà Hêrôđia (Mt 14, 7).
Lời thề của một người
lãnh đạo như ông đã khiến ông bị kẹt.
Phêrô đã chối Thầy kèm
theo những lời thề thốt (Mt 26, 72. 74),
vì ông sợ người ta không
tin lời ông nói.
Đức Giêsu biết chuyện
Luật Môsê cấm bội thề,
và phải giữ trọn điều đã
hứa với Đức Chúa (c. 33).
Nhưng quan điểm của Ngài
trong Bài Giảng trên núi là không thề gì cả.
Không cần thề để xin Đức
Chúa làm chứng cho lời ta nói,
vì mọi lời ta nói, Ngài
đều biết và làm chứng.
Vì những sơ xuất trong
việc giữ lời thề
có thể làm Thánh Danh Đức
Chúa bị xúc phạm, nên khi thề,
người Do thái thường thay
Danh Chúa bằng một vật gì đó (Mt 23, 16-22).
Tương tự như ở Việt Nam,
họ dùng trời hay đất để thề.
Họ cũng thề nhân danh Đền
thờ Giêrusalem hay chính đầu của mình
Đối với Đức Giêsu, điều
đó cũng chẳng làm nhẹ tội chút nào,
vì trời, đất, Đền Thờ,
hay đầu của chúng ta cũng đều thuộc về Chúa.
Trời quan trọng vì là
ngai của Thiên Chúa.
Đất quan trọng vì là bệ
dưới chân Người.
Đền thờ quan trọng vì là
thành của Đức Vua cao cả.
Đầu cũng chẳng thuộc
quyền con người,
vì màu trắng hay đen của
sợi tóc nằm ngoài tầm chi phối của họ (cc. 34-36).
Khi kêu gọi chúng ta đừng
thề chi cả,
Đức Giêsu muốn lời nói
của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật,
tự nó chắc chắn, đáng
được mọi người tin cậy.
Thánh Giacôbê đã nhắc lại
giáo huấn của Đức Giêsu khi viết:
“Hễ có thì phải nói có,
không thì phải nói không,
như thế anh em sẽ không
bị xét xử” (Gc 5, 12).
Mọi thêm thắt đều do ác
thần (c. 37).
Giáo hội sơ khai đã giữ
lệnh truyền này một cách nghiêm túc.
Nhưng từ đầu thời Trung
cổ, Giáo hội đã dùng các hình thức tuyên thệ.
Giáo sư trong các chủng
viện vào đầu năm học, phải tuyên thệ
trung thành giảng dạy
giáo lý chính thống của Giáo hội.
Các lời khấn của tu sĩ
cũng là những lời thề hứa sống như Giêsu.
Dù sao chúng ta cũng là
những con người mong manh, hay thay đổi.
Thề, hứa, khấn, tuyên thệ
trọn đời, đều là những việc vượt sức con người.
Trung tín với điều mình
đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu.
Chỉ xin sự trung tín của
Thiên Chúa nâng đỡ sự trung tín của chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt
trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn
vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác
việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ
người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục
trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên
khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo
ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
17 THÁNG SÁU
Sự Quan Phòng Của
Thiên Chúa
Chúng ta được mời gọi
ký thác trọn vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa Quan Phòng. Như lời tác giả
thánh vịnh: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Thế
nhưng, lúc này lúc khác, chúng ta xem ra không dám ký thác chính mình cho Thiên
Chúa là Chúa Tể và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi các
vấn đề. Chúng ta quên bẵng Đấng Tạo Thành. Cũng có thể chúng ta đang thực sự đắm
chìm trong đau khổ và ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, Cha của chúng ta.
Kỳ thực, sự quan phòng
yêu thương của Thiên Chúa vốn rất gần gũi chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ. Có
rất nhiều ví dụ trong Thánh Kinh. Chẳng hạn, Gióp không ngần ngại kêu van với
Chúa – dù đang ở giữa nỗi khổ đau. Gióp thể hiện niềm tin tưởng lạ lùng vào
Thiên Chúa. Niềm tin tưởng này không hề vu vơ. Lời Chúa xác nhận rằng sự quan
phòng của Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Ngài, đổ tràn trên Dân của Ngài
trong những giờ phút quẫn bách nhất của họ, bởi vì họ là con cái của Ngài.
Trong đớn đau chất ngất cả thân xác lẫn tâm hồn, Gióp thốt lên: “Ai sẽ cho tôi
biết phải tới đâu để tìm Ngài, và làm sao đến được nơi Ngài ngự? Tôi sẽ tỏ bày
vụ việc trước nhan Ngài, miệng tôi chất chứa lời biện bạch” (G 23,3-4). Chúng
ta hôm nay cũng thế, hãy đến trước Cha với tất cả những nhu cầu của chúng ta!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
17 Tháng Sáu
Ðời Vẫn Có Ý Nghĩa
Một tác giả người Thụy Ðiển đã tưởng tượng ra một cuộc
tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư sinh sống tại một khu rừng nọ. Ðề
tài của cuộc tranh luận là: Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống?...
Kẻ kên tiếng phát biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn
là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú khẳng định rằng:
"Ðời là một cuộc ca hát không ngừng". Một chú chuột chũi phản pháo tức
khắc.
Theo chú: "Ðời là một cuộc tranh đấu không ngừng để
chống lại bóng tối". Con bướm có đôi cánh sặc sỡ thốt lên: "Ðời là
vui chơi và hạnh phúc". Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy cánh hoa
không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: "Ðời là một cuộc lao động
vất vả". Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động.
Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến: "Ðời là tự do". Ðó
là ý kiến của động vật.
Các thảo mộc cũng không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây
thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán thành ý kiến của con phượng hoàng:
"Ðời là tự do". Một cánh hoa dại giữa rừng thì lại hùa theo con ong
và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất vả. Cánh hoa hồng thì lại
đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh phúc và vui tươi.
Thế giới vô tri cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen
ngao ngán thốt lên: "Ðời chỉ là đắng cay và nước mắt". Một dòng sông
hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: "Ðời là một dòng nước chảy không ngừng".
Lời phát biểu cuối cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của
cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế,
tiếng chuông ấy ngân lên những lời như sau: "Tất cả những lời phát biểu của
quí vị đều đúng cả. Ðời là hòa bình, đời là ca hát, đời là vui tươi, đời là
tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay, nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng
người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần".
Tôi bởi đâu mà đến?
Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc
nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.
Cám ơn Chúa vì đã cho
chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi
trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng
Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền
nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai
Nhập Thể.
Chúng ta chỉ có thể
tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Ðức
Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính
khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý
nghĩa, một hướng đi.
Cuộc sống có ngọt bùi,
đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi... Tất cả đều
mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt
trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự
sống.
Nếu chúng ta đón nhận
cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát,
đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa
Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống
đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những
việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét