Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

18-06-2017 : (phần II) MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ năm A - LỄ TRỌNG

18/06/2017
Chúa Nhật 11 thường niên năm A
Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
(Ðnl 8,2-3. 14b-16a; 1Cr 10, 16-17; Ga 6, 51-58)

SỰ SỐNG TỪ THIÊN CHÚA

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Đoạn sách Đệ Nhị Luật cho thấy quãng thời gian dài bốn mươi năm đi trong sa mạc là một chặng đường chông gai, gian khổ và đầy thử thách đối với dân Chúa, nhưng cũng chính ở đó, họ học nhận biết Thiên Chúa là Đấng chăn dắt và ban cho họ sự sống đích thực.

Thiên Chúa không chỉ giải thoát dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ ở đất Ai Cập rồi bỏ rơi họ trong sa mạc, mà còn dẫn đưa họ vào đất hứa màu mỡ và tốt tươi (x. Đnl 8, 7-10). Để chuẩn bị dân bước vào đất hứa, Thiên Chúa đã dùng cảnh thiếu thốn, khắc nghiệt của sa mạc để thanh luyện dân Ngài, giúp họ nhận ra bàn tay uy quyền và yêu thương của Thiên Chúa.

Thiên Chúa muốn dân hiểu rằng việc trung thành tuân giữ các mệnh lệnh của Thiên Chúa là chìa khoá cho sự thành đạt của họ. Chặng đường sa mạc giúp dân Chúa hiểu rằng mọi thách đố đều chẳng là gì, mọi khó khăn đều được giải quyết, nếu họ biết đi theo con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho họ, khi họ biết tuân giữ những thánh chỉ của Ngài. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của sa mạc, dân Chúa dần nhận ra Chúa thật sự là nguồn sống đích thực của họ.

Quả vậy, khi dân Chúa thiếu bánh ăn thì Thiên Chúa cung cấp cho họ manna là thứ lương thực mà họ chưa từng bao giờ biết tới. Hay khi dân thiếu nước uống thì Thiên Chúa ban nước cho họ từ tảng đá. Tuy vậy, dù thức ăn và nước uống là những nhu cầu thiết yếu cho đời sống của dân, nhưng Thiên Chúa muốn họ hiểu rằng sự sống đích thực của họ không phải chỉ ở lương thực vật chất mà là những lời phát xuất từ miệng Thiên Chúa, là những mệnh lệnh của Ngài.

2. Bài đọc 2

Thánh Phaolô lấy bối cảnh việc họp nhau bẻ bánh trong cộng đoàn Côrintô, đồng thời cho thấy những bất xứng khi người ta chia rẽ nhau và làm mất ý nghĩa đích thực của việc bẻ bánh.

Trước hết, khi tham dự việc cử hành bữa tiệc của Chúa gồm việc nâng chén chúc tụng và bẻ bánh thánh, thì người ta không chỉ chia sẻ một bữa ăn đơn thuần gồm bánh và rượu, nhưng là được thông phần vào Máu Chúa Kitô và Thân Thể Người. Vì thế, việc cử hành bữa tiệc của Chúa không phải là dịp để người ta ăn uống, đến nỗi có người say mà có kẻ lại đói (x. 1Cr 11, 21), nhưng là việc cử hành nghiêm túc và long trọng, qua đó người ta được thông phần vào Mình và Máu Chúa Kitô.

Sau nữa, vì cùng ăn một bánh, cùng được thông phần với cùng một Thân Thể Đức Kitô, nên tất cả mọi người đều được hiệp nhất thành một thân thể trong Chúa Kitô. Vì thế, dù là người giàu hay kẻ nghèo, Do Thái hay Hy Lạp, tất cả mọi người đều được liên kết nên một nhờ cùng hiệp thông với Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Người ta không thể cùng tham dự vào bữa tiệc Mình và Máu Chúa trong khi còn có sự phân biệt hay chia rẽ. Mình Máu Chúa thật sự là bí tích của sự hiệp thông.

3. Bài Tin Mừng

Đoạn diễn từ về bánh hằng sống phác hoạ điểm thần học cơ bản về Thánh Thể như là mầu nhiệm hiệp thông: Thiên Chúa ban sự sống nơi Đức Giêsu để những ai đó nhận Người như lương thực thì được thông phần sự sống thần linh của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu giới thiệu cho người Do Thái một thứ lương thực khác biệt và độc đáo hơn cả manna mà cha ông họ đã ăn xưa kia. Dù là lương thực Chúa ban nhưng manna vẫn chỉ có thể nuôi sống dân Chúa cách tạm thời trong sa mạc. Lương thực là Mình và Máu của Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác biệt về bản chất và hiệu năng khi mang lại cho người ăn sự sống đích thực.

Sự sống thần linh phát xuất từ Thiên Chúa được ban cho Đức Giêsu nhờ sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, đến nỗi có thể nói Đức Giêsu sống là nhờ được thông phần sự sống của Thiên Chúa, nhất là khi Thiên Chúa phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết. Cũng vậy, những ai đón nhận Mình và Máu Đức Giêsu như lương thực thần linh, thì ở lại trong Người và nhờ đó mà được thông phần sự sống thần linh của Người.

Quả vậy, lương thực từ trời của Thiên Chúa đã hoá thân nơi Đức Giêsu nhập thể, một con người bằng xương bằng thịt để khi Ngài chết trên thập giá thì thân xác và máu của Ngài được trao ban cách sống động, trở nên lương thực đem lại sự sống đích thực cho những ai tin. Sự sống thần linh đó được ban ngay từ trong đời này và nhất là được ban cách trọn vẹn trong ngày phục sinh.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Đoạn sách Đệ Nhị Luật cho thấy quãng thời gian dài bốn mươi năm đi trong sa mạc là một chặng đường chông gai, gian khổ và đầy thử thách đối với dân Chúa, nhưng cũng chính ở đó, họ học nhận biết Thiên Chúa là Đấng chăn dắt và ban cho họ sự sống đích thực nếu họ biết giữ huấn lệnh của Chúa và đi trong đường lối của Ngài. Giữa sa mạc cuộc đời, tôi có chọn Chúa là lẽ sống đích thực của đời mình?

2/ Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Côrintô rằng mỗi khi họp nhau bẻ bánh và nâng chén chúc tụng là họ được thông phần vào Mình và Máu Chúa Kitô, và do đó, họ được liên kết mật thiết với nhau trong một thân thể duy nhất là Chúa Kitô. Vì thế, khi cùng thông phần vào Mình và Máu Chúa Kitô, thì đồng thời người ta cũng phải hiệp nhất với nhau. Tôi có ý thức mình được liên kết cách sống động với anh chị em tín hữu khi cùng chia sẻ cùng một Thân Thể Chúa Kitô để làm nên Hội Thánh là thân mình Người?

3/ Tác giả Tin Mừng thứ tư khẳng định rằng thịt và máu Chúa Giêsu thật là của ăn, của uống để những ai đón nhận thì được sự sống ở đời này và đời sau, nghĩa là được hiệp thông với sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu vẫn tiếp tục là bánh ban sự sống thần linh cho con người, sự sống mà thế gian này không thể trao ban. Chỉ nơi Chúa Giêsu, người ta mới tìm được sự thoả mãn sâu thẳm đích thật. Mình Máu Thánh Chúa Giêsu có là nguồn sống đáp ứng khát khao thẳm sâu nhất của đời tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, là dấu chứng tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Qua đó, Chúa Giêsu tiếp tục ở lại với Hội Thánh và dưỡng nuôi chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Với tâm tình kính tin và yêu mến, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1. Bí tích Thánh Thể là nguyên lý hiệp nhất trong Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần dân Chúa được thêm lòng yêu mến và siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, để qua việc kết hiệp với Chúa Giêsu, mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa và luôn hiệp nhất với nhau.

2. Bí tích Thánh Thể là nguồn sống thần linh cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới trong khi chăm lo đời sống vật chất cho dân chúng cũng biết quan tâm đến nhu cầu tâm linh của con người, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện thuân lợi cho các hoạt động tôn giáo.

3. Bí tích Thánh Thể là chốn tựa nương trong cuộc đời lữ hành. Chúng ta cùng cầu xin cho những người già yếu bệnh tật, các nạn nhân của chiến tranh bạo lực, và những ai đang trải qua khó khăn thử thách, luôn đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa Giêsu Thánh Thể và tìm được nơi Người nguồn nâng đỡ ủi an.

4. Bí tích Thánh Thể là bài học yêu thương quên mình cho mọi kitô hữu. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn theo sát gương hy sinh tự hiến của Chúa Giêsu, biết dấn thân phục vụ mọi người, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân hầu đem lại sự sống và hạnh phúc cho người khác.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, Chúa đã yêu thương và còn yêu thương chúng con mãi mãi, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con khi siêng năng kết hiệp với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, cũng biết sẵn sàng hiến thân phục vụ Chúa trong mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.


THIÊN CHÚA LÀ LƯƠNG THỰC


"Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống" (Ga 6,51)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : Nhắc tới Manna trong sa mạc.
- Đáp ca : Chúa cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo.
- Bài đọc II : Chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh.
- Tin Mừng : Thịt Ta thật là của ăn.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Thánh lễ là Bàn tiệc. Rước lễ là ăn uống chính Mình và Máu Thánh Chúa, thứ lương thực tuyệt hảo nuôi sống và bổ dưỡng linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn chúng ta yếu, Mình Máu Thánh Chúa sẽ bổ sức cho mạnh ; nếu ta đang chán nản, Chúa sẽ ban lại cho ta niềm hy vọng ; nếu chúng ta cảm thấy người khác khó thương, Ngài sẽ ban thêm cho ta lòng mến.
Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ này, nhất là sốt sắng rước Chúa vào lòng để cho Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta lo tìm lương thực phần xác hơn là lương thực phần hồn.
- Chúng ta cùng tham dự một bàn tiệc Chúa, cùng ăn một thứ lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng chúng ta không đoàn kết yêu thương nhau.
- Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời, nhưng chúng ta còn quá lo lắng trước những khó khăn trần thế.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Đnl 8,2-3,14-16
Cuối cuộc hành trình trong sa mạc và trước khi bước vào Đất hứa, Môsê khuyên bảo dân đừng bao giờ quên những ơn lành Chúa đã ban cho họ, đặc biệt Ngài đã nuôi sống họ bằng Manna từ trời rơi xuống và nước từ tảng đá vọt ra.
2. Đáp ca : Tv 147
Thánh vịnh này kêu gọi tín hữu ca tụng Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Ngài ban xuống cho họ.
3. Bài đọc II : 1 Cr 10,16-17
Thánh Phaolô nhắc tín hữu Côrintô ý thức rằng vì họ cùng ăn một bánh và cùng uống một chén nên họ không được chia rẽ, trái lại phải đoàn kết yêu thương nhau.
4. Tin Mừng : Ga 6,51-58
Đây là bài diễn từ của Đức Giêsu sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Dân chúng đã được ăn no nê thừa thãi thư bánh vật chất mà Ngài vừa làm phép lạ cho có nhiều. Bây giờ Ngài hướng họ đến một thứ lương thực cao quý hơn, đó chính là Mình và Máu Ngài : "Tôi là bánh trường sinh… Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi, để cho thế gian được sống…Ai ăn thịt và uống máu tôi thì sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết".
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Tại sao Thánh Thể là của ăn ?
Mỗi khi một nơi nào đó xảy ra nạn đói thì hầu như cả thế giới xúc động gởi thực phẩm đến tới tấp để cứu đói. Nhưng có mấy ai quan tâm đến những cái đói tinh thần : đói yêu thương, đói công bình, đói chân lý, đói tha thứ, đói cảm thông… ? Mà loại đói sau này không ai cứu nỗi, ngoại trừ một mình Đức Giêsu.
Tuy nhiên không phải hễ cứ rước lễ là chúng ta sẽ no. Muốn cho Đức Giêsu thực sự trở thành của ăn bổ dưỡng thì chúng ta cần phải kết hợp với Ngài, cũng như cành nho có kết hợp với cây nho thì mới nhận được nhựa sống truyền sang.
2. Người đói mới cần ăn
Theo quy định của Giáo Hội, người đang mang tội trọng trong mình thì không được rước lễ. Đúng vậy, vì rước lễ như thế là xúc phạm Mình Thánh Chúa.
Nhưng từ ý thức tôn trọng Mình Thánh Chúa trên đây, nhiều người đã vô tình xa cách thứ lương thực tuyệt vời Chúa ban : họ không dám rước lễ khi thấy mình yếu đuối về đức tin, chao đảo trong đức cậy và nguội lạnh về đức mến. Nghĩ vậy là sai, chẳng khác gì nghĩ rằng khi nào tôi đói thì tôi không được ăn.
Ngày xưa trong sa mạc, mặc dù dân do thái luôn làm Chúa buồn lòng, nhưng Ngài vẫn ban cho họ Manna mỗi ngày ; Trong Thánh lễ đầu tiên ở nhà Tiệc ly, Đức Giêsu đã cho tất cả các tông đồ rước Mình và Máu Ngài, mặc dù trước đó họ còn tranh cãi với nhau, và sau đó họ đã bỏ Chúa mà trốn chạy.
Đúng là chúng ta bất xứng, và sẽ mãi mãi còn bất xứng với Mình Máu Thánh Chúa. Nhưng ý thức bất xứng ấy không được làm chúng ta xa cách thứ lương thực tuyệt vời cứu chữa cho ta bớt bất xứng.
Lạy Chúa, con chẳng đáng rước Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.
3. Thánh Thể là bí tích thông hiệp
Ngày xưa ở giáo đoàn Côrintô có một thói quen tốt, đó là mỗi khi cử hành bữa tiệc Thánh Thể, tức Thánh lễ (Cena), người ta cũng tổ chức một bữa ăn huynh đệ (Agape) : mọi người mang thức ăn đến góp chung để mọi người cùng ăn. Nhưng thói quen tốt này đã biến thành một tệ nạn là những người giàu đem nhiều thức ăn và toàn thức ăn ngon. Họ vội vã cùng nhau ăn trước, không chia sẻ cho những người nghèo. Bởi thế bữa ăn Agape này đã mất đi ý nghĩa yêu thương huynh đệ, trái lại là dịp gây chia rẽ đố kỵ nhau.
Thánh Phaolô rất buồn về tình trạng đó, nên trong đoạn thư này Ngài nhắc tín hữu mình nhớ đến ý nghĩa chung của bữa ăn : bữa ăn là dấu chỉ thông hiệp yêu thương. Tín hữu cùng tham dự một bữa ăn thì lẽ nào lại chia rẽ nhau ? Huống chi trong bữa tiệc Thánh Thể, họ cùng ăn một thức ăn chung là Mình Máu Thánh Đức Giêsu ! Vì thế mỗi khi tham dự Thánh Lễ, họ phải lưu ý đến việc thông hiệp : chẳng những thông hiệp với Đức Giêsu mà còn thông hiệp với nhau.
Hình như những ý nghĩa căn bản này không được chúng ta lưu ý lắm : mỗi khi dự lễ và rước lễ, nhiều người chỉ coi đó là một việc đạo đức mình phải làm. Họ không chú ý kết hiệp với Đức Giêsu bao nhiêu ; và càng không lưu ý thông hiệp với nhau bao nhiêu.
4. Bánh và những thứ đói
Đức Giêsu là một thứ Bánh có thể thoả mãn mọi cơn đói của loài người :
- Với những người theo Ngài trong sa mạc đã ba ngày và đang đói, Ngài đã cho họ bánh tự nhiên thỏa mãn cơn đói thể xác của họ.
- Với người cùi bị mọi người ghê tởm lánh xa, Ngài đã cho anh bánh chữa lành cơn bệnh.
- Với người phụ nữ nhiều chồng bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã cho chị thứ bánh nhân ái làm thỏa mãn cơn đói muốn được chấp nhận.
- Với những người tội lỗi, Ngài ban bánh thứ tha.
- Với những người bị xã hội ruồng bỏ, Ngài cùng ăn với họ và ban cho họ bánh cảm thông để thỏa mãn cơn đói muôn được người ta nhìn nhận phẩm giá của mình.
- Với người mẹ Naim đang đi chôn đứa con độc nhất của mình, và với Matta, Maria đang khóc vì Ladarô vừa mới chết, Ngài ban bánh sự sống cho người thân của họ sống lại.
- Với người thu thuế Giakêu bấy lâu nay đã quen ăn cắp phần bánh của người nghèo, Ngài đến nhà và ăn cùng bàn với ông, ban cho ông bánh một đời sống mới tốt đẹp hơn.
- Với tên trộm bên phải thập giá Ngài, Ngài ban cho hắn bánh hòa giải và một chỗ trên bàn tiệc thiên quốc.
Tuy nhiên, cũng có những người không rộng tay đón nhận bánh của Ngài :
- Đó là người thanh niên giàu có đã buồn bã bỏ đi khi Ngài khuyên anh từ bỏ tài sản.
- Đó là những người biệt phái và luật sĩ nhiều lần cố tình không muốn hiểu Tin Mừng của Ngài.
- Đó là dân thành Giêrusalem đã khiến Ngài phải khóc vì họ không đón nhận bình an Ngài mang tới.
- Và đó là Philatô đã mỉa mai khi Ngài xứng mình là chứng nhân của Sự Thật.
5. Ý nghĩa tấm bánh
Tấm bánh mà hằng ngày ta dâng lên trên bàn thờ và sau đó rước vào lòng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa :
- Đó là thành quả của biết bao công lao : của đất, của ánh mặt trời, của những giọt mưa, của lao động và trí óc con người.
- Trước khi đến tay chúng ta, nó cũng đã qua tay người thợ gặt, người thợ xay và người thợ làm bánh.
- Và được nhiên chúng ta không thể quên vai trò của Thiên Chúa tạo dựng và quan phòng.
- Là một tấm bánh, nhưng nó là kết hợp của rất nhiều hạt bột từ rất nhiều hạt lúa rải rác trên các cánh đồng.
Bởi thế, khi chủ tế dâng bánh lên, ngài đã đọc : "Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và lao công của con người".
Còn Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay thì coi tấm bánh ấy là biểu tượng của sự hợp nhất các tín hữu : "Chúng ta tuy nhiều người, nhưng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh"
6. Chuyện minh họa
a/ Đói tình thương
Nước Êthiôpia phải chịu một nạn đói khủng khiếp trong những năm 1984 đến 1986. Đức Hồng Y Hume của giáo phận Wesminster kể về một câu chuyện xảy ra lúc ngài đến thăm xứ này giữa thời gian đó. Người ta đã dùng một chiếc trực thăng chở ngài đến một ngọn đồi nơi dân chúng đang tập trung chờ cứu trợ.
Khi ngài vừa bước xuống chiếc trực thăng thì một cậu bé khoảng 10 tuổi chạy đến níu lấy cánh tay của Ngài. Em chẳng mặc gì ngoài một chiếc khố. Em cũng chẳng biết ngoại ngữ nên chỉ làm cử điệu tay chân : tay trái em chỉ vào miệng, và tay phải em cầm lấy tay ngài đặt lên má em.
Đức Hồng Y hiểu : chỉ vào miệng nghĩa là em đói thức ăn, và đặt lên má nghĩa là em đói tình thương.
Người ta không chỉ đói thức ăn, mà còn đói nhiều thứ khác.
b/ Không thể hiểu được
Một người đến gặp linh mục và muốn khôi hài một chút về niềm tin của mình, nên anh hỏi : "Làm thế nào mà bánh và rượu trở nên thịt và máu Chúa Giêsu được ?"
- Chẳng khó gì. Chính anh cũng biến đổi thức ăn thành thịt và máu. Tại sao Chúa Giêsu lại không làm được điều tương tự như vậy ?
Chưa chịu thua, anh hỏi : "Bằng cách nào mà Chúa Giêsu ngự trọn vẹn trong tấm bánh nhỏ như vậy ?"
- Cũng tương tự, quang cảnh bao la ở trước con mắt nhỏ bé của bạn.
Nhưng anh vẫn cố chấp : "Làm sao Chúa Giêsu có thể hiện diện ở tất cả các nhà thờ cùng một lúc ?"
Linh mục cầm chiếc gương, đập bể nát, rồi cho anh nhìn vào và nói : "Chỉ có một mình anh nhưng bây giờ anh có thể nhìn thấy mặt mình được phản chiếu trong mỗi mảnh gương vỡ này cùng một lúc".
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Lời Chúa cũng như Mình Máu Thánh Chúa Kitô là hai nguồn lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống đức tin của người kitô hữu. Với tâm tình mến yêu bí tích kỳ diệu này, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.
1. Hội Thánh không ngừng khuyên các kitô hữu tham dự thánh lễ một cách ý thức / linh động / tích cực và có hiệu quả / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / hiểu được tầm quan trọng của thánh lễ trong đời sống đức tin / và tham dự thánh lễ đúng như Hội Thánh dạy.
2. Trên thế giới ngày nay / việc phan phối tài nguyên thiên nhiên / cũng như của cải vật chất không đồng đều / vì thế có những vùng quá giàu / trong khi đó có những vùng lại quá nghèo / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nước giàu / biết quảng đại giúp đỡ các nước nghèo / mà một phần dân chúng phải sống dưới mức tối thiểu.
3. Nghèo đói / lạc hậu / dốt nát / cũng là những thứ giặc mà mọi người cần phải hợp sức tận diệt / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / biết tích cực cộng tác với những người thành tâm thiện chí / để diệt trừ những thứ giặc đáng sợ này.
4. "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết rộng rãi chia sẻ cơm áo cho những anh chị em nghèo đói / để mọi người đều có lương thực hằng ngày.
CT : Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng thánh lễ là trung tâm đời sống thờ phượng của Hội Thánh và của từng người chúng con, vì trong thánh lễ Hội Thánh dùng Lời Chúa để giáo dục đức tin của chúng con, và dùng Mình Máu Thánh Chúa để bồi dưỡng đời sống đức tin ấy. Xin cho chúng con siêng năng tham dự thánh lễ với ý thức đầy đủ, và rước lễ một cách xứng đáng. Chúa hằng sống…
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Chút nữa đây khi đọc câu "Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày", chúng ta hãy nhớ rằng lương thực ấy không phải chỉ là cơm nước vật chất, mà còn là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy tha thiết xin Cha trên trời ban cho chúng ta cả hai thứ lương thực ấy.
- Trước lúc rước lễ : Rước lễ chính là kết hợp với Mình Máu Thánh Đức Giêsu, là được hưởng dùng lương thực tuyệt hảo. Xin cho việc rước Mình Máu Chúa thánh hóa chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Chúa. "Đây Chiên Thiên Chúa…"
VII. GIẢI TÁN
Chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Đức Giêsu. Khi ra về, chúng ta hãy quan tâm chia sẻ và giúp đỡ anh chị em chúng ta để họ cũng được thoát khỏi những cơn đói cả vật chất lẫn tinh thần.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô (A)
Chúa Nhật, 18 Tháng 6, 2017
Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống

“Ai ăn Bánh này thì sẽ sống đời đời”

Ga 6:51-58




1.  Lời nguyện mở đầu


Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.



 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:


Vào ngày Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta suy niệm về phần cuối của bài giảng dài về Bánh Hằng Sống.  Trong bài giảng này, Tin Mừng của Gioan giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa về việc bánh hóa ra nhiều và về Bí Tích Thánh Thể.  Trong bài đọc, chúng ta sẽ cố gắng chú ý tới những lời của Chúa Giêsu giúp cho người ta hiểu được dấu chỉ của Bánh Hằng Sống.



b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:


Ga 6:51:  Lời khẳng định đầu tiên tóm tắt tất cả mọi việc

Ga 6:52:  Phản ứng trái ngược của người Do Thái

Ga 6:53-54:  Câu trả lời của Chúa Giêsu khẳng định những gì Người đã nói trước đó

Ga 6:55-58:  Chúa Giêsu đưa ra một kết luận cho sự sống



c)  Phúc Âm: 


51 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do Thái rằng:  “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.  Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.” 52  Vậy người Do Thái tranh luận với nhau rằng:  “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”  53 Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ:  “Thật, Ta bảo thật các ngươi:  Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi.  54 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.  55 Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống.  56 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.  57 Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta.  58 Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết.  Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.” 



3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:



Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.



4.  Một vài câu hỏi gợi ý:



Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.



a)  Phần nào trong đoạn Tin Mừng đánh động tôi nhất?  Tại sao?

b)  Trong đoạn Tin Mừng, chữ sự sống được dùng mấy lần và nói cho chúng ta điều gì về sự sống?          

c)  Chúa Giêsu nói:  “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống”.  Điều này có nghĩa gì?  Hãy tìm câu trả lời trong đoạn Tin Mừng.

d)  Đoạn Tin Mừng nói cho chúng ta điều gì về con người của Chúa Giêsu:  chức vụ, địa vị, v.v. ?

e)  Làm cách nào đoạn Tin Mừng này giúp chúng ta hiểu tường tận hơn ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể?




5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài giảng về Bánh Hằng Sống.



a)  Bối cảnh đoạn Tin Mừng của chúng ta trong bài giảng về Bánh Hằng Sống:

Bài giảng về Bánh Hằng Sống (Ga 6:22-71) là một chuỗi của bảy cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và những kẻ ở lại vời Người sau khi bánh đã được hóa ra nhiều.  Chúa Giêsu đã cố gắng mở mắt dân chúng, làm cho họ hiểu được rằng nếu chỉ gắng sức để có được một miếng bánh vật chất thì chưa đủ.  Sự bương chải hằng ngày cho của ăn vật chất sẽ không chạm đến cội rễ nếu nó không được đi kèm với sự mầu nhiệm.  Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh!  (Đnl 8:3)  Bảy cuộc đối thoại ngắn gọn là một giáo lý rất tuyệt đẹp giải thích cho người ta ý nghĩa sâu sắc của việc bánh hóa ra nhiều và của Phép Thánh Thể.  Trong suốt cuộc đối thoại đã xuất hiện những nhu cầu cấp bách mà việc sống nhờ vào đức tin nơi Đức Giêsu cho đời sống chúng ta.  Dân chúng phản ứng.  Họ vẫn còn ngạc nhiên bởi những lời của Chúa Giêsu.  Nhưng Chúa Giêsu không nhân nhượng, Người không thay đổi các điều kiện của mình.  Và vì lý do này, nhiều người đã bỏ Chúa mà đi.  Ngay cả ngày nay điều này vẫn còn xảy ra:  Khi Tin Mừng bắt đầu đòi hỏi một sự quyết tâm, thì nhiều người bỏ rơi nó.  Khi bài giảng của Chúa Giêsu càng tiến xa hơn một chút, thì càng ít người ở lại xung quanh Chúa.  Cuối cùng, chỉ có mười hai người ở lại và Chúa Giêsu vẫn không thể tin tưởng nơi họ!       

Dưới đây là thứ tự của bảy cuộc đối thoại tạo nên bài giảng dài về Bánh Hằng Sống:

Ga 6:22-27:

-  Cuộc đối thoại thứ nhất:  Mọi người tìm kiếm Chúa Giêsu vì họ muốn có thêm bánh

Ga 6:28-33:

-  Cuộc đối thoại thứ hai:  Chúa Giêsu đòi hỏi người ta ra công làm việc để có bánh đích thực

Ga 6:34-40:

-  Cuộc đối thoại thứ ba:  Bánh đích thực là thực hiện những việc theo ý của Thiên Chúa

Ga 6:41-51:

-  Cuộc đối thoại thứ tư:  Phàm những ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha thì chấp nhận Chúa Giêsu

Ga 6:52-58:

-  Cuộc đối thoại thứ năm:  Thịt và Máu Chúa:  biểu hiện của sự sống và của tặng phẩm tối cao

Ga 6:59-66:

-  Cuộc đối thoại thứ sáu:  Nếu không có ánh sáng của Thần Khí Chúa thì những lời này không thể nào được hiểu

Ga 6:67-71:

-  Cuộc đối thoại thứ bảy:  Lời tuyên xưng lòng tin của ông Phêrô



b)  Lời bình giải về bảy cuộc đối thoại đã tạo nên bài giảng về Bánh Hằng Sống:

Năm 2005 là Năm Thánh Thể.  Đây là lý do tại sao, thay vì chỉ cho ý kiến về tám câu trong đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này (Ga 6:51-58), chúng tôi thiết nghĩ đưa ra một chìa khóa chung để hiểu được bảy cuộc đối thoại ngắn đã làm thành toàn bộ bài giảng.  Một cái nhìn tổng quát toàn bộ sẽ giúp hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của tám câu của bài Tin Mừng phụng vụ trong ngày Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô này.



Cuộc đối thoại thứ nhất – Ga 6:22-27:  Mọi người tìm kiếm Chúa Giêsu vì họ muốn có thêm bánh

22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. 23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tibêria đến, gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. 24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Cáp-pha-naum tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói:  “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” 26 Đức Giêsu đáp:  “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.  27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”


Đám đông dân chúng thấy phép lạ, nhưng họ không hiểu rằng đó là câu hỏi được đặt ra cho dấu chỉ của một điều gì to tát hơn và sâu sắc hơn.  Họ chỉ dừng lại trên khía cạnh bề ngoài của thực tế, trong việc phân phối thực phẩm.  Họ tìm kiếm bánh hằng sống, nhưng chỉ lo cho phần thân xác.  Theo đám đông dân chúng, Chúa Giêsu đã làm một việc mà ông Môisen cũng đã làm trong quá khứ:  nuôi tất cả mọi người.  Và dân chúng đã muốn quá khứ được lặp lại.  Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi người ta phải tiến thêm một bước.  Không ra công làm việc cho lương thực mau hư nát, nhưng hãy ra công làm việc cho lương thực trường tồn cho sự sống trường sinh.    



Cuộc đối thoại thứ hai – Ga 6:28-33:  Chúa Giêsu đòi hỏi người ta ra công làm việc để có bánh đích thực

28 Họ liền hỏi Người:  “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”  29 Đức Giêsu trả lời:  “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”  30 Họ lại hỏi:  “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?  Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép:  Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”  32 Đức Giêsu đáp:  “Thật, Ta bảo thật các ông, không phải ông Môisen đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính Cha Ta cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực; 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.”

Dân chúng hỏi Chúa:  Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những công việc của Thiên Chúa?  Và Chúa Giêsu trả lời:  Hãy tin vào Đấng mà Người đã sai đến!  Đó là, tin vào Đức Giêsu.  Và người ta phản ứng:  Hãy cho chúng tôi một dấu lạ để hiểu rằng ông đích thực là Đấng được sai đến bởi Thiên Chúa.  Cha ông chúng tôi đã ăn manna ông Môisen đã ban cho họ!  Theo ý dân chúng, ông Môisen là, và tiếp tục là, một nhà lãnh đạo tuyệt vời, người đáng tin tưởng.  Nếu Chúa Giêsu muốn người ta tin vào Người, Người phải cho họ một dấu lạ lớn hơn dấu lạ ban bởi ông Môisen.  Chúa Giêsu trả lời rằng bánh cho bởi ông Môisen không phải là bánh đích thực, bởi vì nó không bảo đảm sự sống cho bất cứ ai.  Tất cả đều đã chết trong sa mạc.  Bánh đích thực của Thiên Chúa là bánh sẽ vượt thắng cái chết và ban cho sự sống!  Chúa Giêsu cố gắng giúp dân chúng để giải thoát họ khỏi vết xe của quá khứ.  Đối với Chúa Giêsu, trung thành với quá khứ không có nghĩa là tự giam hãm mình trong những điều của quá khứ và từ chối hoặc chối bỏ sự đổi mới.  Trung thành với quá khứ có nghĩa là chấp nhận những gì mới là hoa trái của hạt giống được trồng trong quá khứ. 



Cuộc đối thoại thứ ba – Ga 6:34-40:  Bánh đích thực là thực hiện những việc theo ý của Thiên Chúa.

34 Họ liền nói:  “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” 35 Đức Giêsu bảo họ:  “Chính Ta là bánh trường sinh.  Ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ! 36 Nhưng Ta đã bảo các ông:  Các ông đã thấy Ta mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho Ta đều sẽ đến với Ta, và ai đến với Ta, Ta sẽ không loại ra ngoài; 38 vì Ta tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta.  39 Mà ý của Đấng đã sai Ta là tất cả những kẻ Người đã ban cho Ta, Ta sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.  40 Thật vậy, ý của Cha Ta là tất cả những ai thấy Con Người và tin vào Con Người, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Người ta hỏi:  Lạy Thầy, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy!  Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu đang nói về một thứ bánh đặc biệt.  Sau đó, Chúa Giêsu trả lời một cách rõ ràng:  “Ta là bánh hằng sống!” Ăn bánh bởi trời cũng giống như tín thác vào Chúa Giêsu và chấp nhận con đường Người đã chỉ cho chúng ta, đó là:  “Lương thực của Ta là thi hành ý muốn của Cha Ta là Đấng ở trên trời!” (Ga 4:34).  Đây là của ăn đích thực nuôi dưỡng mọi người, của ăn luôn luôn ban cho chúng một đời sống mới.  Đó là hạt giống bảo đảm cho sự sống lại!



Cuộc đối thoại thứ tư – Ga 6:41-51:  Phàm những ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha thì chấp nhận Chúa Giêsu

41 Người Do Thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giêsu đã nói:  “Ta là bánh từ trời xuống.” 42 Họ nói:  “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?  Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói:  “Ta từ trời xuống?”  43 Đức Giêsu bảo họ:  “Các ông đừng có xầm xì với nhau! 44 Chẳng ai đến với Ta được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Ta, không lôi kéo người ấy, và Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.  45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ:  Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ.  Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Ta.  46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.  47 Thật, Ta bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Ta là bánh trường sinh.  49 Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết.  50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.  51 Ta là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời.  Và bánh ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.”

Bài giảng càng trở nên khắt khe hơn.  Bây giờ là những người Do Thái, đó là, những người lãnh đạo của đám đông, họ xầm xì:  “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse, mà cha mẹ ông ta chúng ta đều biết cả đó sao?  Sao bây giờ ông ta lại nói: Ta từ trời xuống?”  Họ tự cho mình có khả năng hiểu biết và nhận thức được mọi việc đến từ Thiên Chúa.  Nhưng họ đã lầm.  Nếu họ thực sự mở tâm trí cho những việc của Thiên Chúa, họ sẽ  cảm thấy sự thúc đẩy của Thiên Chúa trong họ khiến họ bị thu hút về phía Chúa Giêsu và có thể nhận thức rằng Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa  (Ga 6:45).  Trong việc cử hành lễ Vượt Qua, người Do Thái tưởng nhớ lại bánh trong sa mạc.  Chúa Giêsu giúp họ tiến tới thêm một bước.  Những người cử hành lễ Vượt Qua chỉ nhớ đến bánh mà cha ông họ ăn trong sa mạc, thì sẽ chết giống như tất cả họ đã chết!  Ý nghĩa thật sự của lễ Vượt Qua không phải là gợi nhớ lại bánh manna trong quá khứ từ trời xuống, nhưng là chấp nhận Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng từ Trời xuống và đi theo con đường mà Người đã đi qua.  Nó không có nghĩa là ăn thịt con chiên của lễ vượt qua, nhưng là thịt của Chúa Giêsu, Đấng bởi trời mà xuống để ban sự sống cho thế gian!  



Cuộc đối thoại thứ năm – Ga 6:52-58:  Thịt và Máu Chúa:  biểu hiện của sự sống và của tặng phẩm tối cao

52 Khi ấy người Do Thái tranh luận với nhau rằng:  “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” 53 Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ:  “Thật, Ta bảo thật các ngươi:  Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. 54 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết.  55 Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. 56 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. 57 Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta.  58 Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết.  Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.

Người Do Thái phản ứng:  “Làm thế nào ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”  Họ không hiểu những lời này của Chúa Giêsu, bởi vì sự tôn trọng sâu sắc đối với sự sống giới răn có từ thời Cựu Ước cấm không được ăn máu, vì máu là dấu hiệu của sự sống (Đnl 12:16-23; At 15:29).  Ngoài ra, sắp đến ngày lễ Vượt Qua và trong một vài ngày mọi người sẽ ăn thịt và máu của Con Chiên lễ Vượt Qua trong lễ cử hành đêm Vượt Qua.  Họ đã hiểu lời của Chúa Giêsu theo nghĩa đen, đây là lý do tại sao họ không hiểu.  Ăn thịt của Chúa Giêsu có nghĩa là chấp nhận Chúa Giêsu là Con Chiên lễ Vượt Qua mới, máu của Người sẽ giải thoát họ khỏi ách nô lệ.  Uống máu của Chúa Giêsu có nghĩa là đồng hóa giống như đường lối của Người về sự sống đã được biểu hiện qua cuộc đời của Chúa Giêsu.  Điều ban cho sự sống không phải là để kỷ niệm bánh manna của quá khứ, nhưng mà là để ăn bánh mới này là Chúa Giêsu, thịt và máu của Người.  Tham dự trong bữa Tiệc Thánh Thể, chúng ta cùng đồng hóa theo đời sống của Người, món quà chính thân xác Người, sự cống hiến của Người.



Cuộc đối thoại thứ sáu – Ga 6:59-66:  Nếu không có ánh sáng của Thần Khí Chúa thì những lời này không thể nào được hiểu

59 Đó là những điều Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường ở Cáp-phar-naum. 60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói:  “Lời này chướng tai quá!  Ai mà nghe nổi?” 61 Nhưng Chúa Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông:  “Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?  62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?  63 Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.  Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống.  64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.”  Quả thật, ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.  65 Người nói tiếp:  “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”  66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Đến đây kết thúc bài giảng của Chúa Giêsu trong hội đường ở Cáp-phar-naum.  Nhiều môn đệ của Người đã nghĩ:  Chúa Giêsu phóng đại thái quá!  Người đang dẹp bỏ việc cử hành lễ Vượt Qua!  Người đang chiếm lấy vị trí tâm điểm của tôn giáo chúng ta!  Vì lý do này, nhiều người đã bỏ cộng đoàn và không còn đi theo Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu phản ứng bằng cách nói:  “Thần Khí mới ban cho sự sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.  Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống.”  Chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen những lời của Chúa.  Chỉ có sự trợ giúp của ánh sáng của Chúa Thánh Thần thì mới có thể hiểu thấu được đầy đủ ý nghĩa của tất cả mọi việc mà Chúa Giêsu đã nói (Ga 14:25-26; 16:12-13).



Cuộc đối thoại thứ bảy – Ga 6:67-71:  Lời tuyên xưng lòng tin của ông Phêrô

67 Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai:  “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”  68 Ông Simon Phêrô liền đáp:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”  70 Chúa Giêsu đáp:  “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao?  Thế mà một người trong anh em lại là quỷ!”  71 Người muốn nói về Giuđa, con ông Simon Iscariốt; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người.

Cuối cùng chỉ còn Nhóm Mười Hai ở lại.  Chúa Giêsu nói với các ông:  “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”  Đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng không phải là con số những kẻ ở chung quanh Người.  Chúa không thay đổi lời giảng dạy khi mà lời ấy không làm vui lòng những kẻ khác.

Chúa ưa chuộng được ở lại một mình, hơn là được vây quanh bởi những kẻ không chấp nhận công việc của Chúa Cha.  Câu trả lời của ông Phêrô thật là tuyệt vời:  “Lạy Thầy, bỏ Ngài thì chúng con sẽ đi theo ai?  Chính Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời!”  Ngay cả khi không có sự thấu hiểu hoàn toàn mọi việc, ông Phêrô chấp nhận Chúa Giêsu và tin tưởng nơi Người.  Mặc dù với những tất cả khả năng giới hạn của ông, Phêrô không giống như Nicôđêmô, người muốn thấy tất cả mọi sự rõ ràng, để xác định cho ý nghĩ riêng của mình.  Ngay cả trong số Nhóm Mười Hai, có những người đã không chấp nhận đề nghị của Chúa Giêsu.   



c)  Để tìm hiểu sâu hơn nữa:  Phép Thánh Thể và cuộc Xuất Hành Mới


Trong việc mô tả việc bánh hóa ra nhiều, Tin Mừng theo Gioan cho thấy có nét tương ứng với cuộc Xuất Hành Khỏi Đất Ai Cập xưa:  Chúa Giêsu đi trên mặt nước và giảng về Bánh Hằng Sống.  Sự tương ứng này cho thấy rằng qua Bí Tích Thánh Thể, một cuộc Xuất Hành mới diễn ra.  Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta sống trong trạng thái của cuộc Xuất Hành vĩnh viễn: 



i)  Việc bánh hóa nhiều (Ga 6:1-15):

Đứng trước mặt Chúa Giêsu là một đám đông đang đói và sự thách thức bảo đảm có lương thực cho tất cả mọi người.  Ngay cả ông Môisen cũng đã phải đối mặt với thách thức này trong thời gian di chuyển dân chúng trong sa mạc (Xh 16:1-35; Ds 11:18-23).  Sau khi ăn xong, người ta no thỏa và hài lòng nhận thấy trong Chúa Giêsu có một Môisen mới, “vị Ngôn sứ, Đấng đã phải đến thế gian” (Ga 6:14), theo đúng như những gì đã được công bố trong Luật Giao Ước (Đnl 18:15-22).



ii)  Chúa Giêsu đi trên mặt nước (Ga 6:16-21):

Trong cuộc Xuất Hành, dân chúng phải di chuyển đây đó để có được sự tự do và phải đối mặt với và vượt qua biển cả (Xh 14:22).  Cũng giống như ông Môisen, Chúa Giêsu phải thống trị và chiến thắng biển cả, ngăn chặn thuyền của các môn đệ khỏi bị nuốt chửng bởi các con sóng, và tìm cách đưa họ sang đến bờ bên kia một cách an toàn.



iii)  Bài giảng về bánh hằng sống (Ga 6:22-58):

Bài giảng gợi lại Chương 16 của sách Xuất Hành trong đó tả lại câu chuyện bánh manna.  Khi Chúa Giêsu nói về “một lương thực không bị hư nát” (Ga 6:27), Người nhắc lại bánh manna bị hư nát và thối rữa (Xh 16:20).  Người Do Thái “xầm xì” hoặc phàn nàn về Chúa Giêsu (Ga 6:41), người Do Thái xưa kia cũng làm như thế trong sa mạc, những kẻ nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc hành trình dài của họ (Xh 16:2; 17:3;  Ds 11:1).  Người Do Thái đã nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong con người của Đức Giêsu thành Nagiarét (Ga 6:42).  Chúa Giêsu là bánh manna đích thực Đấng ban cho chúng ta sự sống đời đời.   

                                                                                                                                       

6.  Thánh Vịnh 85 (84)                                                                                                


Công Lý và Hòa Bình đã giao duyên


Lạy CHÚA, Ngài đã tỏ lòng thương thánh địa,
tù nhân nhà Giacóp, Ngài dẫn đưa về.
Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm, cũng phủ lấp đi.
Ngài dẹp trận lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ.

Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con,
xin dẫn chúng con về, đừng hận chúng con nữa!
Phải chăng Ngài giận mãi không thôi,
đời lại đời cứ nuôi cơn thịnh nộ?
Nào chẳng phải chính Ngài
sẽ lại làm cho chúng con được sống
để dân riêng được hoan hỷ trong Ngài?
Lạy CHÚA, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,
và ban ơn cứu độ cho chúng con.

Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều CHÚA phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.
Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,
để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.
Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.
Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.

Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.
Công lý đi tiền phong trước mặt Người,
mở lối cho Người đặt bước chân.



7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét