Trang

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 12)

Giáo Hi Công Giáo Dưới Cái Nhìn ca Mt Ký Gi Hoa Kỳ (bài 12)
Vũ Văn An6/19/2017



Còn các tổ chức Công Giáo thì sao?

Trong phạm vi sinh hoạt này, các liên hệ với hàng giáo phẩm quả đủ mầu sắc. Có những tổ chức do chính các giám mục tạo ra và do đó hưởng được một tư thế bán chính thức, như phong trào giáo dân to lớn là Công Giáo Tiến Hành ở Ý, và có những nhóm tự coi mình là đồng minh đáng tin của các giám mục, như Hội Hiệp Sĩ Columbus ở Hoa Kỳ. Được thành lập năm 1882, Hội Hiệp Sĩ Columbus là hội thân hữu Công Giáo lớn nhất trên thế giới và nó điều hành một chương trình bảo hiểm nhân thọ khổng lồ với hơn 80 tỷ dollars tiền bảo hiểm và được chống đỡ bởi một số vốn lên tới 15.5 tỷ dollars. Nói chung, Hội Hiệp Sĩ này sử dụng tài sản này để yểm trợ các nghị trình xã hội và chính trị của các giám mục Hoa Kỳ; họ là nguồn tài trợ chính cho Ủy Ban Đặc Nhiệm về Tự Do Tôn Giáo của các giám mục, lập ra để tranh đấu các vấn đề có liên hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội, như chỉ thị y tế của Obama đòi các chủ nhân phải cung cấp bảo hiểm cho việc ngừa thai và triệt sản của công nhân.

Ở phía đàng kia, là các nhóm hoàn toàn chống lại các giám mục và Tòa Thánh như nhóm Catholics for Choice (Người Công Giáo phò Chọn Lựa [phá thai]) ở Hoa Kỳ. Nhóm này cổ vũ quyền phá thai và đồng minh với các phong trào phò phá thai thế tục. Mấy thập niên trước đây, các giám mục Hoa Kỳ đã tham khảo các luật sư xem liệu các ngài có thể buộc nhóm này ngưng không tự gọi họ là Công Giáo nữa hay không, nhưng các ngài được cố vấn rằng về dân luật, hạn từ Công Giáo hiện đã thuộc lĩnh vực công cộng nên không thể bị nhãn hiệu hóa (trademarked). Thành thử, gần như ai cũng có thể thành lập một tổ chức Công Giáo, và hàng giáo phẩm không làm gì được để ngăn cản họ.

Phần lớn các tổ chức Công Giáo đứng ở giữa thế trung thành tuyệt đối và chống đối tuyệt đối. Họ tự coi họ là Công Giáo đích danh và cố gắng tạo được các mối liên hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo chính thức của Giáo Hội, nhưng họ cũng duy trì một mức độ xa cách nào đó và đôi khi đưa ra các thách thức nhẹ nhàng. Nói cho ngay, đại đa số các tổ chức Công Giáo không nghĩ nhiều tới nền chính trị nội bộ của Giáo Hội, vì họ thường quá tập chú vào một sứ mệnh rộng lớn hơn trong thế gian. Thí dụ, những năm gần đây đã có sự lớn mạnh hết sức đáng kể con số các nhà truyền giáo giáo dân; họ tản mác khắp chân trời góc biển thế giới, giảng dạy, chữa bệnh, và làm chứng nhân cho Tin Mừng, y hệt các thế hệ linh mục, tu sĩ và nữ tu trước đây từng làm. Mạng Lưới Thiện Nguyện Viên Công Giáo đặt trụ sở ở Hoa Kỳ ước lượng rằng hiện có khoảng 10,000 nhà truyền giáo giáo dân phục vụ ở Hoa Kỳ và 108 nước khác, và đó chỉ là những người họ biết. Có lúc, 2 thống đốc Hoa Kỳ, Tim Kaine của Virginia và Bill Ritter của Colorado, từng là cựu hội viên của các nhóm thiện nguyện này: Kaine phục vụ như một thiện nguyện viên Dòng Tên tại Honduras, Ritter là nhà truyền giáo của Dòng Oblate tại Zambia.

“Các phong trào mới” là những phong trào nào?

“Các phong trào mới” xuất hiện trong thế kỷ 20 chủ yếu như một cách để đào tạo và động viên người giáo dân, giúp họ tự coi mình như những người ở tuyến đầu thi hành sứ mệnh của Giáo Hội. Cho đến nay, Vatican đã ban tư cách giáo luật cho hơn 120 phong trào giáo dân mới loại này, gần như tất cả đều được thành lập trong khoảng 100 năm vừa qua. Các điển hình nổi tiếng nhất là các phong trào: Hiệp Thông và Giải Phóng (Communion and Liberation), L’Arche, Cộng Đồng Sant’Egidio, Focolare, Neo-Catechumenate, và Cộng Đồng Emmanuel. Trong thời gian này, các phong trào mới đã triển khai rất, rất nhiều dự án, sứ vụ, và định chế, và cả tranh cãi nữa. Một số người kết án họ đại diện cho một thứ Giáo Hội “song hành”, trong yếu tính, đã tự tách mình ra khỏi sinh hoạt mục vụ thường xuyên của các giáo xứ và giáo phận. Tuy nhiên, công lớn của họ là đã khuyến khích hàng ngũ giáo dân biết nhận ra mình như những nhà truyền giáo ngay trong bậc sống của mình, biến đổi thế giới thế tục từ trong ra ngoài.

Lên tài liệu về con số các phong trào này thì dễ hơn là xác định chính xác việc có bao nhiêu người Công Giáo thuộc về họ hay chịu ảnh hưởng của họ. Một số phong trào không có “hội viên” theo nghĩa cổ điển; trong khi nhiều phong trào khác chỉ có một số hội viên nòng cốt chính thức nhưng lại có cả một mạng lưới rộng lớn các ủng hộ viên và hợp tác viên. Phần lớn các ước lượng cho rằng tổng số các người Công Giáo có liên hệ tới một phong trào Công Giáo tương đối khá ít, nhưng tính hiển thị và được lòng giáo quyền của họ cho thấy các phong trào này quả đóng một vai trò rất lớn trong việc lên âm sắc cho hàng ngũ giáo dân.

Đâu là một điển hình của các phong trào trên?

Phát động từ năm 1968 bởi nhà giáo sử Andrea Riccardi, lúc đó đang còn là một học sinh trung học ở Rôma, phong trào Sant’Egidio (tiếng Anh gọi là Thánh Giles) lấy tên của một đan viện Cát Minh ngày xưa thuộc quận Transtevere của Kinh Thành Muôn Thuở, nơi các hội viên nguyên thủy tụ tập để thờ phượng. Được Vatican II và sinh lực học sinh khuynh tả của thời ấy gợi hứng, các hội viên này bắt đầu sống và làm việc giữa người nghèo của vùng ngoại ô kinh thành. Họ lập “các trường bình dân” cho trẻ em kém thế.

Vì công trình của họ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, ngày nay Sant’Egidio được biết dưới danh hiệu “Liên Hiệp Quốc tại Transtevere”. Quả vậy, một thành công đột phá đã đạt được vào ngày 4 tháng 10 năm 1992, khi Sant’Egidio môi giới được một hòa ước ở Mozambique, kết thúc cuộc nội chiến từng gây ra tử vong cho hơn một triệu người. Cộng đồng này hãnh diện nói rằng thỏa hiệp Mozambique là “thỏa hiệp liên chính phủ đầu tiên do một bộ phận phi chính phủ thương thảo”.

Sant’Egidio cũng tích cực trong các vấn đề nhân quyền, nhất là trong chiến dịch của họ nhằm hủy bỏ án tử hình khắp thế giới. Năm 2001, Cộng Đồng đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một kiến nghị với 2.7 triệu chữ ký yểm trợ việc hủy bỏ án tử hình. Cộng Đồng cũng được tiếng thơm về chiều sâu phụng vụ và linh đạo của mình. Các buổi hát kinh chiều tại Nhà Thờ Santa Maria ở Transtevere lôi kéo rất nhiều người, thường gồm du khách và người địa phương đủ mầu sắc, trong đó, có nhiều thanh thiếu niên.

Châu Phi là điểm nhấn mạnh đặc biệt. Tháng Ba năm 2002, Sant’Egidio phát động dự án DREAM ở Mozambique để chống HIV/AIDS. Nhờ sự phối hợp cả các thiện nguyện viên lẫn các khoản tặng dữ, và dựa vào các món thuốc chưa có thương hiệu (generic) rẻ tiền, vào khoảng 95 phần trăm trong số hơn 4,000 bệnh nhân AIDS do dự án này chăm sóc vẫn còn sống tới ngày nay một cách khỏe mạnh. Khoảng 97 phần trăm trẻ em do các bà mẹ nhiễm HIV thuộc dự án DREAM đã không mắc bệnh. Có lẽ gây ấn tượng nhất phải kể việc DREAM có 95 phần trăm bệnh nhân tuân theo chế độ chữa trị của dự án. Đây là tỷ lệ cũng tốt bằng hoặc tốt hơn ở Châu Âu và Hoa Kỳ và đánh đổ thiên kiến cho rằng bắt người Châu Phi phải chữa trị phức tạp là điều vô ích vì họ không thể và không muốn tuân theo các chỉ dẫn.

Năm 1986, khi Đức Gioan Phaolô II mời các nhà lãnh đạo các tôn giáo thế giới tới Assisi để cầu nguyện cho hòa bình, Sant’Egidio đã hoan hô sáng kiến này bất chấp các lời phê bình của một số giới cho rằng việc này liều mình rơi vào chủ nghĩa duy tương đối. Kể từ đó, năm nào họ cũng bảo trợ một cuộc hội họp liên tôn để duy trì sống động “tinh thần Assisi”. Các hội viên của Sant’Egidio đã và đang là các nhà lãnh đạo trong cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, đôi khi điều hành một loại đại kết “cửa hậu” song song với các cuộc đối thoại và mối liên hệ chính thức của Giáo Hội.

Người Công Giáo có phải tham gia một tổ chức hay một phong trào Công Giáo để được là thành phần của “Giáo Hội bên ngoài Giáo Hội” không?

Tuyệt đối không. Thí dụ, có những điều ta có thể gọi là “các nhà truyền giảng tin mừng du kích chiến” nghĩa là các cá nhân Công Giáo không hề có tư cách chính thức hay được phép của bất cứ ai, nhưng vẫn cắm cờ đức tin ở một ngõ ngách nào đó trên thế giới. Muốn có một điển hình của hình thức tranh đấu tự phát này, ta hãy xem cách đáp ứng Công Giáo ở Hoa Kỳ đối với trường hợp Terry Schiavo. Bán hôn mê và tùy thuộc ống nuôi (feeding tube) cả 15 năm trường, Schiavo chết năm 2005 sau khi rút ống cung cấp thực phẩm và nước uống. Chồng cô vốn cho rằng cô nên được phép chết một cách hợp nhân phẩm, trong khi gia đình của cô nhất mực làm áp lực để giữ cho cô tiếp tục sống. Cha mẹ cô lý luận rằng con gái họ là một người Công Giáo Rôma sùng đạo nên chắc chắn sẽ không muốn vi phạm giáo huấn của Giáo Hội về việc chăm sóc lúc cuối đời.

Số phận của Schiavo trở thành đầu đề cho một cuộc tranh luận công cộng rộng rãi, trong đó, các giám mục Công Giáo đóng một vai trò phần lớn người ta coi là đệ nhị đẳng. Tháng 10 năm 2002, Đức Cha Robert Lynch của Petersburg, Florida, nơi Schiavo cư ngụ, viết rằng Giáo Hội “tự kiềm chế, không đưa ra phán quyết nào đối với các hành động của bất cứ ai trong giờ phút bi thảm này”. Hai năm sau, anh của Schiavo, Bobby Schindler, viết một lá thư ngỏ gửi Đức Cha Lynch. Schindler khẩn cầu Thiên Chúa “tha cho chúng con một người kế vị các tông đồ khác biểu lộ cùng một việc bất hành động và im lặng đầy tai tiếng mà Đức Cha đã sử dụng để tiếp tục đồng lõa trong vụ sát hại em gái con bằng an tử”.

Điều làm cho chiến dịch “Cứu Terry” thành một thập tự chinh Công Giáo cuồng nhiệt không phải là các tuyên bố chính thức của giám mục, mà đúng hơn là mạng lưới hạ tầng nhanh chóng của các nhà tranh đấu và các nhóm phò sự sống, được tổ chức và vận động trên liên mạng, giúp các người Công Giáo quan tâm gặp gỡ nhau, góp sức với nhau, và phổ biến lời nói kịp thời. Trang mạng về Terri liệt kê 233 "blogs" tham gia cuộc tranh đấu để cứu Schiavo, mà đại đa số cho thấy rõ đặc điểm Công Giáo trong âm sắc và tính khí (nhiều "blogs" mang các tên như ExtremeCatholic, Catholic Fire, Pro Ecclesia, Rerum Novarum, và Totus Tuus).

Một số giám mục tỏ ra lo lắng trước việc nổi dậy này, coi một số lập trường phát biểu nhân danh Giáo Hội và giáo huấn Công Giáo là cực kỳ khó nghe hay cực đoan. Nhưng các ngài cũng muốn đứng về phía tranh đấu.

Điều gì tạo nên tinh thần đấu tranh của giáo dân? 

Trong nhiều thế kỷ, vai trò giáo dân chỉ như một thứ phụ chú trong nền thần học chính thức của Công Giáo; nền thần học này quen nhìn giai cấp ưu tú có chuyên môn, các giám mục, các linh mục, các đan sĩ, v.v… là các tác nhân dẫn đầu trong màn kịch Công Giáo. Tinh thần duy giáo sĩ này thẩm thấu cả vào ý thức bình dân, đến nỗi, đôi khi, khó mà thuyết phục để người ta tin rằng Giáo Hội Công Giáo không duy nhất được định nghĩa bởi đẳng cấp giáo sĩ mà thôi.

Tuy nhiên, ngày nay, hàng ngũ giáo dân như những người chủ đạo đã xuất hiện trong Đạo Công Giáo với số lượng lớn lao hơn và với sinh lực mới mẻ hơn. Trong sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội và trong các chương trình nới rộng vòng tay mục vụ, người giáo dân đang chiếm giữ các chức vụ thừa tác và hành chánh mà trước đây chỉ hàng giáo sĩ mới chiếm giữ được. Có lẽ điều còn quan trọng hơn nữa là người giáo dân hiện đang tự đảm nhiệm việc phúc âm hóa nền văn hóa và hành động dựa trên giáo huấn xã hội Công Giáo, mà không thách thức thẩm quyền của Giáo Hội nhưng cũng không cần phải chờ giáo quyền ra lệnh. Càng ngày càng có nhiều giáo dân tiến tới chỗ quan niệm rằng sức mạnh của người giáo dân không hẳn hệ ở việc thủ diễn một vai trò nào đó trong Thánh Lễ hay nắm giữ một chức vụ gì đó trong Giáo Hội cho bằng là biến cải thế giới dưới ánh sáng Tin Mừng.

Xét về nhiều phương diện, thế kỷ 21 quả đang thành hình như là thế kỷ của người giáo dân. Nếu mô thức cổ truyền về vai trò của giáo dân là “góp tiền, cầu nguyện và vâng lời” (pay, pray, and obey), thì viễn kiến mới có thể được phát biểu như sau: “cầu nguyện và nắm lấy cơ may” (pray and seize the day).

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét