Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

09-11-2019 : THỨ BẢY - TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN - CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ - LỄ KÍNH


09/11/2019
Thứ Bảy tuần 31 thường niên
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ.
Lễ kính


* Thánh đường Latêranô là vương cung thánh đường của Đức Giáo Hoàng. Thánh đường này được hoàng đế Contantinô xây dựng năm 320. Vì thế, đây là thánh đường đầu tiên và danh dự, được mệnh danh “là đầu và là mẹ của mọi thánh đường”.
Ngày lễ này nhắc ta nhớ rằng thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, là nguyên nhân và nền tảng hữu hình cho sự hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC I: Ed 47, 1-2. 8-9. 12
“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Người ấy lại nói với tôi: “Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến. Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9
A+B=Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao (c. 5).
A=Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả. – Đáp.
B=Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp. – Đáp.
A=Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ. – Đáp.
A+B=Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao (c. 5).

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 3, 9b-11. 16-17
“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.  
Anh em thân mến, anh em là toà nhà của Thiên Chúa. Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên. Nhưng mỗi người hãy xem coi mình xây lên thế nào? Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Đức Kitô.
Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: 2 Sb 7, 16
-Chúa phán: “Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 2, 13-22
“Người có ý nói đền thờ là thân thể Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Ngưòi Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Đền thờ mới
Theo tập tục của người Do Thái, thì những khách hành hương trở về đền thờ vào những dịp lễ lớn, thường phải dâng lễ vật và nộp thuế. Lễ vật có thể là chiên bò, cũng có thể là bồ câu tuỳ theo khả năng tài chánh của mình. Lễ vật có thể từ xa đem tới, nhưng để cho tiện, người ta đã tổ chức việc buôn bán các giống vật này ngay tại khuôn viên đền thờ. Mặt khác, người ta không thể dùng loại tiền của nhà nước đang lưu hành để mua các lễ vật hay để nộp thuế vì sợ ô uế, cho nên phải đổi ra những đồng tiền của đền thờ. Do đó việc buôn bán và đổi tiền ở đây đã trở thành một thứ dịch vụ phục vụ cho việc tế lễ.
Trước cảnh tượng ồn ào và huyên náo ấy Chúa Giêsu đã hành động và hành động của Ngài đã làm cho người Do Thái hết sức kinh ngạc. Thực vậy, Ngài đã đánh đuổi những người buôn bán bò chiên, bồ câu và những người ngồi đổi tiền. Không phải chỉ bằng những lời quát mắng mà bằng cả roi vọt. Ngài săn đuổi cả người lẫn vật ra khỏi đền thờ, lật đổ bàn ghế của những kẻ đổi tiền. Và Ngài đã xác định cho thấy ý nghĩa của việc Ngài đã làm: Hãy mang khỏi nơi đây những vật này. Đừng biến nhà Cha thành một cái chợ. Đồng thời Ngài cũng còn muốn nói lên rằng: Kiểu tế lễ của người Do Thái đã lỗi thời, đã mất hết ý nghĩa, và đã biến dạng thành một việc buôn bán để trục lợi. Như vậy thì đền thờ chỉ còn là một cái chợ không hơn không kém. Tình tạng này không thể được tiếp tục.
Người Do Thái có lẽ đã hiểu được dụng ý sâu xa của Chúa Giêsu, cho nên họ đã đòi Chúa Giêsu phải cung cấp cho họ một dấu chứng tỏ Ngài có quyền làm như vậy. Và Chúa Giêsu đã đưa ra một dấu chứng hoàn toàn mới lạ, mà người Do Thái không bao giờ ngờ tới, Ngài đã xác quyết: Đền thờ chính là thân xác của Ngài. Câu trả lời của Ngài chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của sự chết và sống lại.
Thực vậy, được chứng kiến việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, các tông đồ mới có thể xác quyết được rằng: Khi nói đến một đền thờ bị phá huỷ và được xây dựng lại ba ngày sau đó, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến chính thân xác của Ngài. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy việc tế lễ theo kiểu cũ đã qua và với sự hiện diện của Ngài, thì đã bắt đầu một giai đoạn mới trong việc tôn thờ Thiên Chúa. Đền thờ là nơi con người thờ phượng Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Một sự hiện diện tạo hạnh phúc và cứu độ. Trong niềm tin của các tông đồ, chính Đức Kitô sống lại đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của đền thờ. Ngài chính là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người. Đồng thời cũng là trung tâm thờ phượng trong tinh thần và chân lý. Bởi đó, mỗi người chúng ta cũng cần phải kiểm điểm lại quan niệm về đạo cũng như cách thức sống đạo của chúng ta. Để xem chúng ta đã thực sự đi đúng con đường mà Chúa muốn chúng ta bước đi hay chưa. Con đường dẫn chúng ta tới ơn cứu độ và tới niềm hạnh phúc Nước Trời.



Lời Chúa Mỗi Ngày
Cung Hiến Đền Thờ John-Laterano (Lễ Kính)
Bài đọcEze 47:1-2, 8-9, 12; I Cor 3:9b-11, 16-17; Jn 2:13-22.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đền thờ cá nhân, gia đình, và Giáo Hội phải luôn được thanh tẩy.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính ngày xây dựng thánh-đường St. John Lateran, một trong bốn Đại Vương Cung Thánh Đường của Rôma, và là chỗ ở chính thức của Giáo Hoàng, Giám Mục Rôma, hơn 1000 năm, từ khoảng 350 AD cho đến thời kỳ lưu đày bên Avignon (~ 1350). Giống như Đền Thờ Jerusalem, Vương Cung Thánh Đường Lateran cũng bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần vì tội lỗi và khuyết điểm của con người; nhưng vẫn còn đứng vững cho đến ngày nay.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải luôn thanh tẩy mọi đền thờ khỏi mọi nhơ bẩn của tội lỗi vì là nơi Thiên Chúa ngự. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Ezekiel thấy một thị kiến về tương lai của Đền Thờ Jerusalem. Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra nhiều đến nỗi làm thành một con sông chảy ra sông Jordan, rồi đổ ra Biển Chết. Nước chảy đến đâu, chữa lành con người tới đó và mang lại sự sống cho con người. Thị kiến này muốn nói về sự bành trướng của Giáo Hội từ Jerusalem lan tràn ra khắp nơi trên thế giới để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người, qua nước Rửa Tội có sức thanh tẩy tội lỗi và mang lại sự sống cho con người.
Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô phải luôn xem xét đền thờ cá nhân là tâm hồn mọi người cho Thiên Chúa ngự. Sau khi ngài đã đặt nền móng chắc chắn cho họ trên nền tảng là Đức Kitô, họ phải xét xem cách thức họ xây nhà có xứng đáng với nền tảng là Đức Kitô hay không. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ Jerusalem, Nhà Cha của Ngài; vì họ đã làm cho Đền Thờ trở nên ô uế bằng buôn bán và trao đổi tiền bạc. Khi được chất vấn lấy quyền gì để làm như thế, Ngài cho họ biết nếu họ phá “đền thờ này” đi, Ngài sẽ xây dựng lại trong ba ngày. Các môn đệ hiểu Ngài ám chỉ “đền thờ này” chính là thân thể của Ngài, sau khi nhìn thấy Chúa sống lại sau ba ngày từ cõi chết.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.
1.1/ Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra: Đền Thờ trong thị kiến của tiên-tri Ezekiel là Đền Thờ Jerusalem. Tiên tri thấy “có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ.” Theo địa hình của thành Jerusalem, phía Đông Nam của Đền Thờ là thung lũng Kedron, thường khô cạn nên một người có thể từ Đền Thờ băng qua thung lũng để trèo lên Núi Olive, như Chúa Giêsu và các môn đệ có lẽ đã làm sau khi hoàn tất Bữa Tiệc Ly để leo lên Núi Olive cầu nguyện. Thị kiến hôm nay rất lạ vì khó có thể có nhiều nước đến nỗi làm đầy thung lũng sâu Kedron, cho có đủ nước để tạo lên một giòng sông để chảy ra phía Đông và nhập vào sông Jordan để chảy vào Biển Chết. Nhiều người cho thị kiến này là biểu tượng của việc phát triển Giáo Hội ra khỏi Jerusalem và lan tràn đến các Dân Ngoại.
1.2/ Hiệu quả của nước là chữa lành và ban sự sống: Điều lạ thứ hai là nước của Biển Chết mặn đến nỗi không một sinh vật nào có thể sống sót nổi vì có quá nhiều muối. Trong khi thị kiến hôm nay tiên-tri Ezekiel mô tả: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng Arabah, rồi đổ ra Biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc.” Nếu hiểu cách biểu tượng là nước Rửa Tội hay ơn thánh của Chúa Thánh Thần, Nước này quả thực có sức mạnh để rửa sạch, chữa lành, và thánh hóa những người tin vào Đức Kitô.
2/ Bài đọc II: Không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.
Theo Phaolô, khi một người chịu phép Rửa Tội, người đó đã đổ nền cuộc đời mình trên nền tảng là Đức Kitô; vì thế người đó phải xây dựng căn nhà là cuộc đời mình sao cho xứng đáng với nền tảng là Đức Kitô, để biến thành ngôi đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Mọi tín hữu phải thường xuyên xem xét ngôi nhà của mình xây dựng để bảo đảm phẩm chất của đền thờ Thiên Chúa; nếu không, ngôi nhà sẽ không đứng vững nổi trước những phong ba bão táp của cuộc đời.
Trong Thư Ephêsô, thánh Phaolô ví tất cả các tín hữu là thành phần sống động của Đền Thờ Thiên Chúa, được xây dựng trên nền tảng là các tông-đồ và ngôn-sứ, với Đức Kitô là Tảng Đá góc tường. Giáo Hội, bao gồm tất cả các tín hữu, cũng phải thường xuyên xem xét để bảo vệ sự thánh thiện cho Đền Thờ của Thiên Chúa ngự.
3/ Phúc Âm: Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.
3.1/ Phản ứng của Chúa Giêsu khi thấy Nhà Cha của Ngài bị ô uế: Trình thuật thanh tẩy Đền Thờ Jerusalem được tường thuật cả bốn thánh-ký, nhưng trình thuật của Gioan được mang lên đầu giai đoạn rao giảng của Đức Kitô; trong khi trình thuật của Phúc Âm Nhất Lãm mang xuống cuối, và là một trong những lý do làm người Do-thái tức giận và tố cáo Chúa Giêsu với Thượng Hội Đồng. Tại sao có sự khác biệt này? Lý do chính có lẽ Gioan muốn trình bày quan điểm thần học của mình về Đức Kitô: Ngài ý thức rõ ràng vai trò của mình là Con Thiên Chúa, khi Ngài tự nhận Đền Thờ là Nhà Cha của Ngài khi nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Hơn nữa, Ngài cũng muốn dạy cho dân chúng biết cách thờ phượng Thiên Chúa cách trong sạch và theo sự thật; không lệ thuộc vào tiền bạc cách bất chính.
3.2/ Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do-thái: Chứng kiến hành động của Chúa Giêsu, người Do-thái tức tối hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”
Chúa Giêsu muốn ám chỉ “Đền Thờ này” là chính thân thể của Ngài; nhưng người Do-thái nghĩ Ngài nói về Đền Thờ Jerusalem, nên họ tranh luận với Chúa Giêsu: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”
Họ nghĩ Chúa Giêsu nói khuếch đại; các môn đệ của Chúa Giêsu chỉ hiểu điều Chúa Giêsu nói “khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thân thể chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã được xây dựng trên nền tảng là chính Đức Kitô. Chúng ta phải thường xuyên xem xét để bảo đảm chất lượng và xứng đáng là đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị; nếu không, nó sẽ biến thành chỗ ở của quỉ thần.
– Gia đình, cộng đoàn giáo xứ, và toàn thể Giáo Hội cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa. Bổn phận của mỗi tín hữu là phải chăm sóc và thanh tẩy những gì có thể trong khả năng của chúng ta để Thiên Chúa ngự trị, và chúng ta được lãnh nhận muôn ơn phúc của các Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


09/11/2019 – THỨ BẢY TUẦN 31 TN
Cung Hiến Thánh Đường La-tê-ra-nô
Ga 2,13-22


THÁNH HIẾN ĐỀN THỜ
Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” (Ga 2,16)

Suy niệm: Đền thờ là nơi thờ phượng, tôn kính Thiên Chúa. Thế nhưng giờ đây đã bị tục hoá, bị xúc phạm vì cảnh tượng đảo điên, nhếch nhác của việc mua bán chiên bò, bồ câu, đổi tiền, v.v… Chúa Giê-su đã phản ứng hết sức mạnh mẽ để bảo vệ sự thiêng thánh, tinh tuyền của Đền Thờ, là “Nhà của Cha Ngài,” là nơi cầu nguyện, chứ không phải là “chỗ buôn bán” hay là “sào huyệt của bọn cướp” (Mc 11,17). Làm như thế, Ngài khẳng định Đền Thờ vật chất này là dấu chỉ một Đền Thờ đích thực “sẽ bị phá huỷ đi và nội trong ba ngày sẽ xây dựng lại”, đó là chính Thân Thể Ngài, tuyệt đối tinh tuyền thánh thiêng, là nơi Thiên Chúa hằng hiện diện.
Mời Bạn: Tâm hồn chúng ta nhờ bí tích Rửa tội cũng trở nên ngôi đền thờ thiêng liêng, nơi Chúa ngự trị. Chúng ta đừng để vì bận tâm đến những ngôi đền thờ vật chất to lớn lộng lẫy huy hoàng mà quên tô điểm cho ngôi đền thờ tâm hồn được tẩy sạch mọi tội lỗi và tính hư nết xấu để luôn tinh tuyền thánh thiện và thấm đầy lòng yêu mến chân thành. Chúa đâu cần những lễ vật bồ câu, chiên bò béo tốt nhưng Ngài muốn chúng ta hiến dâng lên Ngài tấm lòng chân thành, mến yêu và phó thác để Ngài thánh hoá nên ngôi đền thờ thiêng liêng nơi Ngài ngự trị.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên dọn sạch đền thờ tâm hồn bạn qua Bí tích Hòa giải để luôn xứng đáng là Đền thờ thanh sạch của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đền thờ tâm hồn con luôn tinh tuyền xứng đáng là nơi thánh để Chúa ngự trị. Amen.
(5phút Lời Chúa)


Tôi sẽ xây dựng lại (9.11.2019 – Thứ Bảy - Cung hiến Thánh đường Latêranô)

Suy niệm:


Hôm nay chúng ta mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô.
Ðây là vương cung thánh đường cổ kính nhất của Hội Thánh,
là nhà thờ chính toà của Ðức Thánh Cha, giám mục Rôma,
là Mẹ của mọi nhà thờ trên thế giới.
Cung hiến thánh đường là dâng cho Chúa một ngôi nhà
để dành riêng cho việc phụng tự.
Khi được cung hiến để trở thành nhà của Thiên Chúa,
thánh đường cũng trở nên nhà của các tín hữu.
Nơi Thiên Chúa hiện diện và thi ân
cũng là nơi con người họp nhau để tôn thờ, cảm tạ.
Dù nguy nga hay nhỏ bé, cổ kính hay hiện đại,
mọi nhà thờ đều là nơi Thiên Chúa hẹn gặp con người.
“Hãy phá hủy Ðền thờ này đi,
nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.”
Ðức Giêsu không có ý nói đến đền thờ Giêrusalem.
Ngài muốn nói đến chính thân thể Ngài,
thân thể bị phá hủy và được xây dựng lại,
thân thể bị giết chết và được phục sinh.
Ðức Giêsu phục sinh trở nên Ðền Thờ của Giao Ước mới.
Ai ai cũng được mời gọi bước vào Ðền Thờ này.
Chỉ nơi đây, con người mới gặp được Thiên Chúa.


Hội Thánh cũng được ví như một Ðền Thờ thiêng liêng,
mỗi tín hữu là một viên đá sống động (x. 1Pr 2, 4-8),
và Ðức Kitô là viên đá góc, là nền (x. 1Cr 3, 11).
Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định
“Ðền thờ của Thiên Chúa chính là anh em” (1Cr 3,17).
Hơn thế nữa, ngài còn nói:
“Thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần” (1Cr 6,19)
Như thế cả Hội Thánh và từng Kitô hữu đều là Ðền Thờ.
Ðền Thờ chủ yếu lại không phải là những toà nhà
có thể bị thời gian bào mòn, bị chiến tranh phá hủy.
Ðền thờ là những con người sống động.
Ðền thờ quan trọng nhất là con người Ðức Giêsu phục sinh,
một con người đầy tràn sức sống của Thánh Thần.
Mọi Ðền thờ đều phải qui về Ðền thờ đó.
Không gắn bó với Ðấng phục sinh và Thánh Thần của Ngài,
chẳng Ðền thờ nào là Ðền thờ thực sự.


Khi thấy nhà Cha trở thành nơi buôn bán,
Ðức Giêsu đã nổi giận, vì nhiệt tâm đối với Cha.
Chúng ta thường thiếu một chút giận dữ hồn nhiên như vậy,
vì chúng ta yêu quá ít và sợ quá nhiều.
Chúng ta dửng dưng với những gì liên hệ đến Thiên Chúa.
Có nhiều nhà thờ, đền thờ cần tu bổ.
Nhà thờ đầu tiên là con người tôi.
Xin Ðức Giêsu cứ thanh tẩy chúng ta bằng Thánh Thần,
cứ tiếp tục lật đổ và trục xuất những gì ô uế.
Ước gì chúng ta cung hiến lại bản thân mình cho Chúa
để Hội Thánh thật sự là Ðền thờ,
nhờ đó cả thế giới cũng trở thành Ðền thờ của Chúa.


Cầu nguyện:


Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.


Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.


Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.


Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen. 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG MƯỜI MỘT
Chúng Ta Đang Ở Một Khúc Quanh Quyết Định
Mọi thế hệ đều có thể đem lại những thuận tiện hoặc gây ra các khó khăn cho thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, không có thế hệ nào mang trên vai mình trách nhiệm lớn lao đối với tương lai như thế hệ chúng ta. Chưa bao giờ con người có được những khả năng to lớn như chúng ta có hôm nay để ấn định tương lai mình: hoặc rất tốt hoặc vô cùng tồi tệ. Chúng ta nhận ra mình đang ở trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng.
Những giá trị quan trọng nhất của chúng ta đang bị đe dọa. Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường, giữa hai hướng: hoặc tiến bộ đột phá hết sức ngoạn mục, hoặc suy thoái cách bất khả kháng đến có thể gọi là đại họa. Chưa bao giờ con người nắm trong tay mình nhiều quyền lực đến thế, và đồng thời chưa bao giờ con người yếu nhược đến vậy. Sẽ gần như là một hiểm họa khi cả hai phương diện nói trên cùng phát triển với nhau. Xem ra thật là một nghịch lý: Chính quyền lực lại là nguyên nhân làm cho chúng ta yếu nhược!
Chúng ta càng tiến gần đỉnh cao của tiến bộ kỹ thuật, thì thì chúng ta càng chứng kiến những tai họa ập xuống trên chính những gốc rễ của sự sống mình. Với những bước tiến nhảy vọt về kỹ thuật, càng có nhiều mối đe dọa kèm theo: đe dọa từ khắp nơi, từ mặt đất, từ biển, từ trên bầu trời – bầu trời mà xưa nay vẫn luôn diễn tả cái đẹp, diễn tả những khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho tương lai của mình được che chở trong lòng xót thương của Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09-11
Cung Hiến Thánh Đường Latêranô
Ed 47, 1-2.8-9.12; Ga 2, 13-22.

Lời suy niệm: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
Lễ Vượt Qua, đây là một lễ rất quan trọng đối với người Do-thái, mỗi người ở gần hay ở phương xa, đều có lễ vật tùy khả năng của họ để dâng tiến. Những người lãnh đạo Đền Thờ đã sắm sẵn để đáp ứng nhu cầu của khách hành hương; thay vì phục, họ đã biến thành buôn bán, đi đến chỗ bóc lột lẫn nhau. Thay vì Đền Thờ để thờ phượng lại biến thành chợ buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nỗi cơn thịnh nộ, vì Người yêu mến Đền Thờ; mà Người gọi là Nhà Cha của Người.
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng con sau khi chịu phép Rửa, tâm hồn chúng con đều được trở nên: là Đền Thờ Chúa ngự. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết giữ gìn tâm hồn chúng con luôn trong sạch, không để tội lỗi làm cho nó trở thành hang ổ của trộm cướp.
Mạnh Phương


09 Tháng Mười Một
Dấu Chỉ Của Hòa Bình
Một trong những biểu tượng sống động nhất trên thế giới là khát vọng hòa bình của con người, có lẽ là bảo tàng viện và đài kỷ niệm những nạn nhân đầu tiên của bom hạt nhân tại thành phố Hiroshima bên Nhật Bản…
Bước vào tháng 8, kỷ niệm bom nguyên tử được dội xuống Hiroshima, hàng trăm ngàn người Nhật Bản đã tập trung trước đài kỷ niệm tại thành phố này để tưởng niệm những người đã chết. Từ 4 giờ sáng, chuông các chùa chiền và giáo đường trên toàn quốc đổ hồi để nhắc nhở người Nhật về biến cố đau thương này.
Hiroshima tưởng niệm những người quá cố, nhưng nó không là biểu trưng của hận thù, trái lại, trong những giây phút mặc niệm trước những nạn nhân của bom hạt nhân, tất cả mọi người Nhật đều được mời gọi để tha thứ và xây dựng hòa bình.
Ông Akihiro Takahashi, một nạn nhân còn sống sót của biến cố, nay đã được bầu làm giám đốc của bảo tàng viện hòa bình Hiroshima và đồng thời điều khiển tổ chức văn hóa phụng sự hòa bình của thành phố, đã nói lên tâm tình của ông như sau:
“Tôi đã không bao giờ quên ngày đó… Qua bao nhiêu năm, tôi đã thù ghét chế độ quân phiệt của Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi là đứa bé khỏe mạnh, ngày nay tôi đã trở thành một người bệnh hoạn… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi đã gặp gỡ với rất nhiều người có tín ngưỡng, nhất là các bạn trẻ. Họ đã mời gọi tôi tha thứ… Qua những cuộc gặp gỡ này, tôi đã lướt thắng được hận thù. Tôi cũng đã nói chuyện với viên trung úy phi công ném bom và tôi đã có thể nói với ông rằng tôi không kết án ông nữa”.
Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết ấy có lẽ chỉ có giá trị đối với sự thù hận. Người chết không còn hận thù nhau nữa. Dù có căm thù sâu sắc đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa địa, những người chết sẽ không bao giờ thấy một cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế giới không còn chiến tranh, không còn vũ khí, không còn hận thù nhau nữa… có lẽ đó là thế giới của nghĩa trang. Nơi đó chính là nơi an nghỉ khỏi mọi thù hận.
Cái chết, dù độc ác đến đâu, cũng trở thành đấu chỉ của hòa bình… Ðó là điều mà chúng ta có thể xác quyết khi nhìn ngắm cái chết của Ðức Kitô trên thập giá. Ngài chết để lôi kéo mọi người đến với Ngài. Và để thực hiện điều đó, trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, Ngài đã tha thứ ngay cho những kẻ đang hành hạ Ngài.
Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người quá cố đó có thể là những người thân của chúng ta, họ cũng có thể là những người chúng ta chưa hề quen biết, nhưng nhất là những người đã từng là kẻ thù của chúng ta… Tâm tình của người Kitô chúng ta trước hết phải là tâm tình tha thứ của Chúa Giêsu… Cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và hòa bình. Cái chết của những người Nhật Bản tại Hiroshima đã trở thành một lời kêu gọi xây dựng hòa bình và tha thứ… Cái chết của những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng niệm trong suốt tháng 11 này cũng phải là một âm vang của chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá: Xin Cha tha cho chúng.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét