Trang

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

12-11-2019 : THỨ BA - TUẦN XXXII THWỜNG NIÊN - THÁNH GIÔSAPHÁT, GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO - Lễ Nhớ


12/11/2019
 Thứ ba tuần 32 thường niên
 Thánh Giôsaphát, giám mục, tử đạo.
 Lễ nhớ.


* Thánh nhân sinh khoảng năm 1580 tại U-cơ-rai-na, trong một gia đình theo chính thống giáo. Nhưng người lại sớm gắn bó với giáo hội U-cơ-rai-na hiệp nhất với Rôma.
Năm 1617, người làm tổng giám mục Pô-lốc và dấn thân phục vụ dân tộc mình không so đo tính toán, nhất là cố gắng lo cho việc hiệp nhất Hội Thánh. Thành công trong hoạt động tông đồ của người đã khiến cho các kẻ thù của Hội Thánh công giáo căm ghét người. Người bị giết ở Vi-tép trong lúc đang viếng thăm các tín hữu, năm 1623.

BÀI ĐỌC I: Kn 2, 23 – 3, 9
“Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, nhưng thật ra các ngài sống trong bình an”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra, các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết.
Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao, vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời.
Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19
Đáp: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc (c. 2a).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Đáp.
2) Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần gian. – Đáp.
3) Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứ họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữu những tâm hồn đau thương dập nát. – Đáp.

ALLELUIA: Cl 3, 16a và 17c
Alleluia, alleluia! – Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Đức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 17, 7-10
“Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống’? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.
“Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm’ “. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Tinh Thần Phục Vụ Ðích Thực
Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".
"Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Thứ Ba Tuần 32 TN1.
Bài đọcWis 2:23-3:9; Lk 17:7-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những quan niệm sai lầm cần phải tránh.
Tin như nào sẽ sống như thế: tin sai sẽ sống sai và sẽ lãnh nhận hậu quả xấu; tin đúng sẽ sống đúng và lãnh nhận hậu quả tốt lành. Vì thế, điều quan trọng là phải học hỏi để biết đâu là sự thật, trước khi có thể sống theo sự thật.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc sửa sai các quan niệm sai lầm của con người, và điều cần thiết phải hiểu cho đúng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan mặc khải ý định muôn đời của Thiên Chúa cho con người là muốn cho họ được sống trường sinh bất tử bên Ngài; nhưng vì sự ghen tị của quỷ dữ, tội lỗi đã xâm nhập thế gian và làm cho con người phải chết. Tuy chưa có một sự hiểu biết rõ ràng về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa như được mặc khải bởi Đức Kitô sau này, tác giả vẫn tin người công chính sẽ không phải chết mãi, họ sẽ được chung hưởng hạnh phúc và cùng thống trị với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai quan niệm của dân chúng về việc Thiên Chúa phải biết ơn con người, khi họ ca tụng Ngài hay làm những việc tốt lành. Chúa Giêsu dạy: cho dù con người có chu toàn mọi sự tốt đẹp, họ cũng chỉ chu toàn bổn phận của người đầy tớ. Đây là điều quan trọng mà mọi người cần hiểu để đừng than trách Thiên Chúa khi chịu đau khổ hay xin những gì mà không được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa muốn cho con người được trường sinh bất tử.
1.1/ Hai quan niệm khác nhau về đau khổ và cái chết của con người: Đau khổ và cái chết là hai mầu nhiệm trong cuộc đời mà mọi người cần phải hiểu biết. Trong trình thuật hôm nay, tác giả Sách Khôn Ngoan trình bày ý định của Thiên Chúa và hai phản ứng của con người.
(1) Ý định của Thiên Chúa: Tác giả Sách Khôn Ngoan xác tín rõ ràng về ý định của Thiên Chúa cho con người: “Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.” Sở dĩ có chết chóc là vì sự ganh tị của quỉ dữ, chúng cám dỗ con người phạm tội, và hậu quả của tội là sự chết: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.”
(2) Hiểu biết của con người: Trên đây là ý định của Thiên Chúa, nhưng có những người hiểu ý định này, vì họ chịu bỏ giờ tìm hiểu, suy luận, và cầu nguyện; nhưng cũng có những người vô tâm không chịu học hỏi, nên không biết ý định của Thiên Chúa, mà chỉ theo tầm nhìn thiển cận của mình. Tác giả Sách Khôn Ngoan so sánh sự hiểu biết khác nhau của hai loại người này:
– Người thế gian quan niệm chết là hết: khi một người bị chết là như bị tiêu diệt, chẳng có sự sống lại và cũng chẳng có hạnh phúc đời sau. Đau khổ đối với họ là một sự trừng phạt, cần phải tìm mọi cách để tránh đau khổ. Vì quan niệm về cuộc đời như thế, nên họ lo tìm mọi cách để hưởng thụ đời này mà không cần xét việc họ làm có phù hợp với luân lý và đường lối của Thiên Chúa hay không.
– Người công chính quan niệm chết không hết, nhưng bắt đầu cuộc sống hạnh phúc, bình an, và trường sinh bất tử với Thiên Chúa như lời tác giả nói: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa.” Họ quan niệm đau khổ chỉ tạm thời, và là khí cụ cần thiết Thiên Chúa dùng để thanh luyện con người: như lửa dùng để thử vàng để biết vàng nào là vàng thật, đau khổ cũng thử thách để tìm ra người nào là người tin yêu Chúa thật. Khi Thiên Chúa tìm ra những người tin yêu thật, Ngài sẽ “đón nhận họ như của lễ toàn thiêu.”
1.2/ Phần thưởng dành cho những ai trung thành: Tin thế nào sẽ sống thế ấy, và sẽ lãnh nhận hậu quả tương xứng với niềm tin. Đối với những người công chính, “khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời. Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.” Dĩ nhiên, những con người không hiểu biết đúng và ngoan cố sống theo những gì họ suy nghĩ, họ sẽ phải lãnh nhận hậu quả tương xứng với việc làm của họ. Họ sẽ không được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa và bị tiêu diệt muôn đời.
2/ Phúc Âm: Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.
2.1/ Bổn phận và việc thiện nguyện: Để hiểu ý nghĩa đọan văn ngắn này, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1) Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến đâu. Chúa Giêsu cho dân một câu truyện thực tế: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi!” chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Dĩ nhiên là chủ sẽ làm theo thái độ thứ hai. Ông làm mà không hối hận vì đó là đầy tớ của ông; hơn nữa, ông cũng chẳng nghĩ đến việc ơn nghĩa, vì đó là những việc của đầy tớ phải làm.
(2) Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, mà tình nguyện phục vụ người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ giúp mình.
2.2/ Thiên Chúa có cần phải biết ơn con người không? Cũng vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời cho Ngài như: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hòan tất bổn phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Luca: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lk 12:37). Đó hoàn toàn vì Ngài rộng lượng và quá thương yêu con người mà thôi. Đây là điều tối quan trọng mà con người cần xác tín, để rồi đừng bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình, phải ban ơn khi mình cầu xin, hay ngã lòng không thờ phượng Thiên Chúa nữa khi phải chịu đau khổ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần dành thời gian học hỏi để hiểu biết đường lối của Thiên Chúa cho con người, thì mới biết sống thế nào để đạt được mục đích mà Ngài đã vạch ra cho chúng ta. Nếu không biết sự thật của Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể đạt tới đích điểm này?
– Đau khổ là khí cụ Thiên Chúa dùng để thanh luyện con người. Chúng ta hãy biết dùng đau khổ để luyện tập nhân đức, và chứng minh niềm tin yêu của chúng ta vào Ngài.
– Cho dẫu chúng ta hoàn tất tốt đẹp và trả lại tương xứng cho Thiên Chúa, chúng ta cũng không có quyền đòi Thiên Chúa phải biết ơn; vì chúng ta mới chỉ làm tròn bổn phận đã được giao phó mà thôi.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


12/11/2019 – THỨ BA TUẦN 32 TN
Th. Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Lc 17,7-10


LÀ TÔI TỚ CỦA CHÚA
“Đối với anh em cũng vậy; khi đã làm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy cho mình, thì phải nói: Chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đó thôi.” (Lc 17,10)

Suy niệm: Ta thường quan niệm một Thiên Chúa sòng phẳng, một Thiên Chúa tiền trao cháo múc: Khi ta sốt sắng đọc kinh, đi lễ, tham gia hội đoàn, làm việc phục vụ, cư xử tốt với người khác… dường như Chúa mang ơn ta, và phải trả công cho ta sòng phẳng ngay ở đời này, nhiều lúc phải ngay lập tức. Đức Giê-su nhắc cho ta nhớ đến thân phận thụ tạo của mình: ta không có quyền gì đòi hỏi Chúa, cũng chẳng có tư cách gì để bắt Chúa phải mắc nợ ta. Hình ảnh người đầy tớ đi cầy ruộng hay chăn chiên về không có quyền kể công hay bắt chủ phải mang ơn, phải phục vụ mình nhắc ta nhớ đến thân phận thụ tạo ấy. Mỗi người chúng ta chỉ là nô bộc của Chúa, không hơn không kém. Nếu Chúa đổ tràn trề hồng ân trên ta là do lòng yêu thương của Ngài, chứ không do chút công trạng cỏn con nào của ta cả.
Mời Bạn: Nhớ rằng bạn là nô bộc của Chúa và phải sống đúng thân phận đó. Nếu có được chút địa vị, tư cách nào, bạn đừng tự hào tự phụ, mà hãy nhớ mình là tôi tớ vô dụng, sở dĩ hữu dụng là nhờ hồng ân Chúa.
Sống Lời Chúa: Trước khi đi ngủ, quỳ gối tạ ơn Chúa đã nâng bạn từ hàng tôi tớ vô dụng lên hàng bạn hữu, và hứa sẽ sống đúng địa vị ưu đãi ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường quên thân phận thụ tạo, thân phận tôi tớ của mình. Chúa là chủ đời chúng con, còn chúng con chỉ là nô bộc trong tay Chúa. Xin cho chúng con ý thức thân phận ấy, để luôn sống khiêm tốn như người tôi trung của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Đầy tớ vô dụng (12.11.2019 – Thứ Ba Tuần 32 TN)

Suy niệm:

Vào thời xưa, những tù binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng.
Khi nhân phẩm của từng con người chưa được nhận ra
thì chuyện mua bán nô lệ là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21).
Dân Ítraen cũng có kinh nghiệm về việc bị bắt làm nô lệ ở Ai-cập,
và kinh nghiệm được Thiên Chúa giải phóng để trả lại tự do.
Những kinh nghiệm này khiến cho chế độ nô lệ ở Ítraen bớt tàn nhẫn.
Người chủ không có quyền bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27).
Có những nô lệ còn được trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ.
Nếu nô lệ là người Do thái thì sau sáu năm phục vụ,
năm thứ bảy anh phải được trả tự do (Xh 21, 2).
Hơn nữa, sách Lêvi còn nói đến việc chuyển đổi biên chế
để một nô lệ Do thái trở thành người làm công trong nhà (25, 39-55).

Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ.
Ông có một đầy tớ, hay đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos).
Có một sự khác biệt lớn giữa nô lệ và người làm công.
Anh nô lệ được mua về, và anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.
Khác với người làm công, anh nô lệ không được đòi hỏi gì.
Người nô lệ phải làm mọi việc chủ bảo làm
mà không được đòi lương hay bất cứ ân huệ nào khác.

Đức Giêsu mời các môn đệ đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ.
Có thể ông chỉ có một anh nô lệ thôi,
nên anh vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước.
Khi anh từ ngoài đồng về, sau cả ngày làm việc,
sau khi đã vất vả đi cày hay đi chăn chiên (c. 7),
liệu ông chủ có mời anh ngồi vào bàn, ăn cơm tối với mình không?
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Anh sẽ phải tiếp tục phục vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối.
Khi bữa tối được dọn xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi,
thì anh nô lệ phải đứng hầu bàn,
thắt lưng gọn gàng trong tư thế của người đang làm việc (c. 8).
Chỉ khi ông chủ ăn uống xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống.
“Ông chủ có biết ơn anh nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?”
Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.
Ông chủ chẳng phải trả công cho anh nô lệ.
Và anh cũng không chờ bất cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ.
Anh hồn nhiên làm điều anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.

Dụ ngôn này của Đức Giêsu gây sốc cho chúng ta ngày nay,
những người vất vả lo việc Chúa, những người ít khi được nghỉ.
Chúng ta cũng thuộc về Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29).
Chúng ta làm điều phải làm (c. 10),
nhưng không như người làm công chờ lương,
cũng không đòi tiếng khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ.
Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9, 62),
chăn chiên (Cv 20, 28), hay hầu bàn (Lc 22, 27).
Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng,
không một chút kiêu hãnh, đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả.
Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm,
siêu thoát khỏi cái tôi muốn phình to bằng công đức,
đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.

Dù sao ta không được phép nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn.
Đức Giêsu đã mang lấy thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7).
Ngài đã sống như người hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27).
Và Ngài sẽ cư xử như một người hầu bàn ăn cho ta
khi Ngài đến mà thấy ta vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).

Cầu nguyện:

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG MƯỜI MỘT
Xin Hãy Quan Tâm Đến Thế Hệ Trẻ
Chúng ta đang càng ngày càng phải khẩn trương hơn trong việc cổ võ một khát vọng mãnh liệt và thâm sâu muốn bảo vệ con người và bảo vệ sự sống con người, nhất là giữa những người trẻ. Chúng ta phải giáo dục và giúp các bạn trẻ trở thành những con người trưởng thành để các bạn ấy có thể biểu dương tính thánh thiện của sự sống con người trong thế giới chúng ta. Vâng, chúng ta phải làm thấm nhập trong họ một niềm tôn trọng sâu xa đối với các giá trị Kitô giáo đích thực dựa trên những xác tín mạnh mẽ của bản thân họ.
Bổn phận của chúng ta là giúp các bạn trẻ và không ngăn trở họ trên con đường tiến tới trưởng thành hoàn toàn trong Đức Kitô. Các bạn trẻ có quyền hưởng một nền giáo dục thích đáng để họ có thể lèo lái thế giới này trong tương lai. Tôi tha thiết mời gọi các bậc phụ huynh, các nhà giáo, nhà văn, ký giả, các nhà khoa học, các nghệ sĩ, và mọi người … vâng, tôi mời gọi tất cả những ai tin vào phẩm giá con người hãy đóng góp phần mình cho thế hệ trẻ hôm nay.
Thế hệ của ngàn năm thứ ba phải tránh những nỗi kinh hoàng đã làm cho thế kỷ XX của chúng ta nhuộm đỏ máu. Còn có vô số bước phát triển mà xã hội con người có thể thực hiện để phục vụ cho chính con người. Khi chúng ta tiến bước đến tương lai, chúng ta có trong tay những khả năng chưa từng có để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và nhân đạo hơn theo tinh thần của Tin Mừng.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 12/11
Thánh Jôsaphát, giám mục, tử đạo
Kn 2, 23-3,9; Lc 17, 7=10.

LỜI SUY NIỆM: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”
          Thiên Chúa là tình yêu, Ngài rất yêu thương từng con người một trong toàn thể nhân loại, Ngài muốn cứu độ  tất cả nân loại; nên Ngài đã sai Con Một đến với chúng ta, để đáp lại tình yêu này, mỗi một người phải có bổn phận đáp lại bằng tình yêu qua mọi công việc với bổn phận và trách nhiệm của mình một cách nhiệt thàh; chứ không thể xem những công việc mình làm là công trạng; để đòi hỏi hay yêu sách với Chúa.
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn chu toàn bổn phận của mình với chính tình yêu và thiện chí của chúng con, để đáp tình yêu mà Chúa đã yêu thương chúng con. Chứ không phải là công trạng để kể công với Chúa hay là tô điểm cho bản thân.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 12-11
Thánh GIOSAPHAT
Giám mục, Tử đạo (1580 – 1625)

Thánh Giosaphat sinh năm 1580 (vài tác giả nói là 1584), ở Vladimir, thủ đô của Volynia miền Ukraine, rồi sau là một tỉnh của Balan dầu cha mẹ Ngài thuộc dòng quí phái, nhưng họ đã nhập thương trường với vài thành công và cha Ngài đã trở thành nghị viên thành phố. Giosaphat (tên rửa tội là Gioan) trước hết đã học nghề với một thương gia ở Vilna miền Lithuania và làm việc với ông tới năm 1604 khi Ngài trở thành một tu sĩ nhà dòng Basiliô ở Vilna.
Các Kitô hữu Ruthenia và Ukraina phần lớn theo nghi thức Byzantine bị phân rẽ sâu xa kể từ khi một số đông các giám mục của họ năm 1596 tuyên bố ở Brest- Litovsk hiệp nhất với Giáo hội Roma. Thượng phụ giáo chủ ở Constantinople đã cố gắng ngăn cản sự chia cắt này khỏi giáo hội chính thống và đã đặt một vị nhiếp chính cho Ruthenia vì mục đích này. Điều này chẳng quen thuộc với các bậc vị vọng địa phương vì họ coi đó như một đe dọa cho sự tự chủ của họ, nhưng lại được vương quốc Balan và chính quyền trung ương ủng hộ hoàn toàn.
Dầu vậy suốt cuộc đời, thánh Giosaphat luôn trung thành với Thánh nhân, viễn quan thiêng liêng và phụng vụ của Ngài theo nghi thức Byzantine. Ngài đã học thuộc lòng toàn sách các phép bằng tiếng Slave như một đứa trẻ, nắm giữ nghiêm nhặt việc ăn chay theo lịch Byzantine còn nhặt nhiệm hơn lịch chay tịnh của Roma nhiều, và kinh nguyện Ngài cũng dùng nhiều nhất là “Kinh nguyện Chúa Giêsu”, lòng sùng kính được nhiều nhà khổ hạnh và thần trí Kitô giáo Đông phương ưa thích. Nhưng lý lẽ của nhưng người theo Chính thống hay giáo hoàng, và những thúc đẩy đưa tới đối nghịch chính trị đều vô nghĩa đối với thánh Giosaphat, Ngài không thể tin được rằng những việc sùng mộ và phong tục của dân tộc Ngài và dĩ nhiên của toàn thế giới lại không hòa được với sự trung thành đối với Giáo hội hiệp nhất dưới thánh nhan.
Ngài sớm nổi tiếng với những khắc khổ nhiệm nhặt và với kiến thức của Ngài. Ngài được tấn phong linh mục năm 1609 và sớm nổi tiếng như là vị hứơng dẫn thiêng liêng. Ngài cũng viết nhiều sách tranh luận về thời này (về phép tửa của thánh Vladimir, về sự gải mạo của các sách tiếng Slave).
Năm 1617, Ngài được thánh hiến làm giám mục Vitebsk với quyền kế vị Đức Tổng giám mục Pskov. Ngài đã làm tổng giám mục Pskov năm 1618. Được dân chúng kính trọng, Ngài lại cương quyết với những người ly khai, không chấp nhận cả những nhượng bộ chính quyền trung ương Balan định làm. Năm 1623 khi đang viếng Vitebsk, Ngài bị một đám đông theo tinh thần quốc gia quá khích tấn công chặt đầu và bắn chết. Xác Ngài được đưa về Pskov và trên đường về này đã được nhiều người tôn kính gồm cả những người thủ địch của Ngài nữa.
Cuộc tử đạo của Ngài đã bảo đảm sự hồi sinh của Giáo hội công giáo Slave. Họ khác về phong tục, kỷ luật, phụng vụ và ngôn ngữ với người Balan theo công giáo Roma, trong khi đó họ vẫn độc lập với Maxcơva và người Nga vì sự liên kết của họ với Roma. Bởi đó họ trở thành một trung tâm quan trọng của phong trào quốc gia Ruthania.
Đức giáo hoàng Urbanô VIII năm 1628 đã khởi đầu cuộc án phong thánh cho Giosaphat khi mở mộ ra và thấy xác Ngài còn nguyên vẹn. Ngài được phong chân phước năm 1643 và được phong thánh năm 1867.
(daminhvn.net)


12 Tháng Mười Một
Tình Yêu Mạnh Hơn Thời Gian
Một hôm, vua Ai Cập đang đứng chiêm ngưỡng những bia tháp mà ông đã cho dựng lên tại thành phố Eliopolis. Bỗng nhiên có một cụ già râu tóc bạc phơ không biết từ đâu đến, đã cười ngạo nghễ và thách thức với nhà vua như sau: Hãy bỏ tất cả và cút đi…
Nhà vua giận tím gan, thế nhưng ông ta đã tự chủ và trả lời: “Hỡi người già, ngươi là ai mà dám ra lệnh cho ta một cách hỗn láo như thế… Không lẽ ngươi có nhiều quyền thế hơn ta?”.
Lão ông tự giới thiệu: “Ðúng thế, bởi vì ta là Thời Gian…”.
Nghe đến tên Thời Gian, vua Ai Cập tái mặt và té khỏi ngai vàng… Cùng với ông, cả đế quốc Ai Cập cũng sụp đổ.
Lão già Thời Gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên thế giới. Lão đi đến đâu, thì các đế quốc rơi rụng như sung: Hôm nay tại Babylone, ngày mai tại Athène, ngày mốt tại Ninive, tại Carthage…
Nhưng ngày kia, người ta bỗng thấy xuất hiện tại đồi Vatican một cụ già khác. Cụ tuyên bố nghênh chiến với lão già Thời Gian. Lão già Thời Gian tưởng mình có thể phá vỡ tất cả mọi công trình của con người trên trần gian này. Cũng một giọng điệu vô cùng hách dịch, lão ta cũng đến trước cửa Vatican và dõng dạc tuyên bố: “Ta là Thời Gian đây”. Tiếng gầm thét đó đã làm rung chuyển trái đất, thế nhưng đã không làm cho bô lão trên ngọn đồi Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình tĩnh đáp lại: “Còn ta, ta chính là Vĩnh Cửu!… Xuyên qua các thế hệ, ta phải đại diện cho lòng chung thủy của Thiên Chúa đối với loài người…”.
Thời gian là liều thuốc chữa được mọi khổ đau… Thời gian giúp chúng ta quên được dĩ vãng u buồn… Ðó là những câu nói mà chúng ta thường dùng để tự an ủi mình hoặc người khác khi đứng trước thất bại, hay bất cứ một nỗi bất hạnh nào…
Mà quả thật, thời gian không những giúp chúng ta chữa lành được nhiều vết thương trong cuộc sống, thời gian còn là một kẻ phá hoại tàn nhẫn. Cái chết xảy ra hằng ngày xung quanh chúng ta là một chiến thắng của thời gian. Sự sụp đổ của không biết bao nhiêu đế quốc trên cõi trần này cũng là một chiến thắng của thời gian…
Chỉ có một sức mạnh thời gian phải nhượng bộ: đó là sức mạnh của Tình Yêu. Chúng ta thường nói: Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Ðúng hơn, chúng ta phải nói: Tình Yêu mạnh hơn Thời Gian, bởi lẽ thời gian không bao giờ có thể xóa mờ được tình yêu.
Bất cứ một nghĩa cử yêu thương nào mà con người làm cho tha nhân, đều trở thành bất diệt. Những nghĩa cử yêu thương trở thành bất diệt là bởi vì nó tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa. Người sống cho kẻ khác là người sống cho Chúa. Và ai sống cho Chúa tức là sống mãi trong Tình Yêu.
Chúng ta đang cầu nguyện cho các đẳng linh hồn trong tháng 11 này. Chúng ta cầu nguyện vì chúng ta tin rằng thời gian đã không đưa họ đi vào quên lãng. Trong tình yêu của Chúa mà chúng ta đang san sẻ cho những người xung quanh, những người quá cố cũng sẽ được sống mãi. Còn lời kinh nào hữu hiệu hơn cho những người quá cố cho bằng những nghĩa cử yêu thương của chúng ta…
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét