13/11/2019
Thứ tư tuần 32 thường
niên
BÀI ĐỌC I: Kn 6, 2-12
(Hl 2-11)
“Hỡi các vua chúa, hãy lắng
nghe và học biết sự khôn ngoan”.
Trích sách Khôn
Ngoan.
Hỡi các vua chúa, hãy nghe và hãy hiểu. Hỡi các thủ lãnh trần gian, hãy học
biết. Hỡi các vị lãnh đạo quần chúng, các ngươi kiêu hãnh, vì dân các ngươi
đông đảo, xin lắng nghe: Quyền bính của các ngươi là do Chúa ban, và uy lực của
các ngươi cũng do Đấng Tối Cao. Người sẽ chất vấn mọi hành động và kiểm soát những
tư tưởng các ngươi. Vì nếu các ngươi là những quản lý nước Chúa mà không xét xử
công minh, không giữ luật công bình, không sống theo thánh ý Thiên Chúa, thì
Người sẽ xuất hiện trên các ngươi cách kinh hoàng mau lẹ. Vì đối với những kẻ cầm
quyền, Người sẽ xét xử nghiêm nhặt. Đối với những kẻ thấp hèn, thì Người sẽ
thương xót, còn những người quyền thế, Người sẽ lấy quyền thế mà trừng trị.
Thiên Chúa không lùi bước trước mặt ai, chẳng sợ chức bậc nào, vì kẻ hèn người
sang đều do chính Người tác tạo, và Người săn sóc tất cả đồng đều. Nhưng Người
sẽ xét xử nghiêm nhặt hạng quyền thế. Vậy hỡi các vua chúa, đây là lời ta nói với
các ngươi, để các ngươi học biết sự khôn ngoan và khỏi sa ngã. Vì chưng, những
ai kính cẩn nắm giữ những điều công chính, sẽ nên người công chính, và những ai
học hỏi các điều này, sẽ biết cách trả lời. Vậy các ngươi hãy say mến lời ta,
thì các ngươi sẽ được giáo huấn. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 81, 3-4. 6-7
Đáp: Ôi Thiên Chúa,
xin Chúa đứng lên xét xử địa cầu (c. 8a).
Xướng: 1) Hãy bầu chữa kẻ bị ức và người phận nhỏ; hãy bênh vực quyền lợi
người khốn khó và kẻ cơ hàn. Hãy cứu chữa người bị áp bức và kẻ bần cùng; hãy
giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác. – Đáp.
2) Ta đã nói: các ngươi là những bậc chúa tể, và hết thảy các ngươi là
con Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, cũng như người ta, các ngươi sẽ chết, cũng như một
quân vương nào đó, các ngươi sẽ té nhào.- Đáp.
ALLELUIA: 1 Tx 2, 13
Alleluia, alleluia!
– Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà là như lời
của Thiên Chúa và đích thực là thế. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19
“Không thấy ai trở lại tôn vinh
Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và
Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở
đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy
họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ
đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch,
liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân
Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa
Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín
người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại
này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của
ngươi đã cứu chữa ngươi”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Thể Hiện Của
Tự Do Thực Sự
Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của
lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải
phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ
khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là
lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu
trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không
thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó
là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.
Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi
ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày
Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày
Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu
lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối
với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với
Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người,
nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.
Ðó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ
không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng
đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi
hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9
người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của
người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có
một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật,
Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận
là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại
là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.
Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ
Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật,
nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn
giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không
thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể
có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ
công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán
chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của
mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người
và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng
không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên
Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.
Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do
thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không
còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng
hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ,
có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng
nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần
bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu
người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc
khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta
chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm
tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một
tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ
để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 32 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Wis 6:1-11; Lk 17:11-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học hỏi để
biết nguồn gốc mọi sự
Có một sự khác biệt lớn lao giữa người có học và người thất học: Người có
học biết dùng kiến thức của mình để biết đối xử đúng đắn trong các mối liên hệ
với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật trong vũ trụ. Người thất học,
vì không biết mọi sự đến từ đâu, nên chỉ biết phản ứng theo những gì mình suy
nghĩ. Hậu quả họ phải lãnh nhận là sự phán xét của Thiên Chúa, sự ghét bỏ của
tha nhân, và mọi thất bại trong cuộc đời.
Các Bài Đọc hôm nay dạy con người phải biết học hỏi suy xét về nguyên do
những gì mình có. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan xác quyết về nguồn gốc
của quyền hành: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài ban quyền bính
cho con người để lãnh đạo và cai trị. Ngài cũng sẽ xét xử công minh cho những
người nắm quyền cai trị trong các quốc gia; vì thế, họ phải cai trị dân chúng
theo thánh ý của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành mười người
phong hủi; nhưng chỉ có một người ngoại đạo biết nguyên do của việc được chữa
lành và trở lại cám ơn Thiên Chúa. Chúa hỏi: ” Không phải cả mười người đều được
sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên
Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mọi quyền bính xuất phát từ Thiên
Chúa.
1.1/
Quan niệm của Sách Khôn Ngoan về quyền bính: Một người sẽ nhận ra đây là những quan niệm rất mới
lạ về quyền bính, vì người thế gian cho sở dĩ họ có quyền là vì công sức hay
tài cán của họ; vì thế, họ cai trị dân chúng theo sự khôn ngoan của họ, mà
không bao giờ thắc mắc về kết quả của sự cai trị của họ. Ngược lại quan niệm
này, tác giả Sách Khôn Ngoan dạy:
(1) Quyền bính của con người được ban xuống từ Thiên Chúa: “Vì chính Đức
Chúa đã ban cho chư vị quyền bính và chính Đấng Tối Cao đã ban quyền thống trị.
Cũng chính Người sẽ kiểm tra các việc chư vị làm và dò xét những điều chư vị
toan tính.” Quan niệm này không chỉ áp dụng cho người nắm quyền bính trong Giáo
Hội, mà còn bao trùm cả những người cai trị các quốc gia, cho dù họ có biết hay
không: “Vậy, hãy lắng nghe, hãy cố hiểu, hỡi các bậc quân vương; hãy học cho biết,
hỡi những vị đang nắm quyền trên khắp cõi trần gian. Mở tai ra, hỡi những ai đứng
đầu trong thiên hạ, đang tự hào vì có đông đảo chư dân.”
(2) Kẻ nắm chức vụ cao mấy đi nữa cũng chỉ là bề tôi của Thiên Chúa: “Chư
vị là bề tôi phụng sự vương quyền Người.”
(3) Thiên Chúa sẽ xét xử những kẻ có quyền bính. Ngài sẽ luận phạt những
kẻ không biết xét xử công minh: “Quả vậy, người phận nhỏ được thương tình miễn
thứ, kẻ quyền thế lại bị xét xử thẳng tay. Chúa Tể muôn loài không bao giờ vị nể,
kẻ quyền cao chức trọng, Người cũng chẳng kiêng dè.”
1.2/
Những điều quan trọng mà kẻ có nắm quyền bính phải thực hiện:
(1) Họ phải biết xét xử công minh, tuân giữ lề luật, và tuân hành theo ý
Thiên Chúa. Nếu không, Thiên Chúa sẽ có “một án quyết thật nghiêm minh vẫn dành
sẵn cho những kẻ có chức có quyền.”
(2) Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa; nhưng người có quyền hành sẽ
bị xét xử nặng hơn những người phận nhỏ: “Sang hay hèn đều do Người tạo tác, đều
được Người chăm sóc hệt như nhau, nhưng kẻ quyền cao sẽ bị tra vấn nghiêm nhặt.”
(3) Càng quyền cao chức trọng càng phải học biết khôn ngoan để biết xét xử
cho đúng đắn: “Vậy, hỡi các bậc vua chúa quan quyền, những lời tôi nói đây, xin
gửi tới chư vị để chư vị học biết lẽ khôn ngoan, mà khỏi phải sẩy chân trật bước.”
(4) Người nắm quyền phải biết Lề Luật để sống thánh thiện: “Ai sống thánh
và tuân giữ luật thánh, thì được kể là bậc thánh nhân. Ai học hỏi luật thánh,
thì sẽ tìm được lời bào chữa.”
2/ Phúc Âm: Lòng biết ơn.
Bài Phúc Âm này thường được đọc trong ngày Lễ Tạ Ơn mỗi năm. Mục đích là
để nhắc nhở cho mọi người biết nhận ra ơn và cám ơn Thiên Chúa.
2.1/
Phải biết ơn trước khi cám ơn: Trên đường lên Jerusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền
Samaria và Galilee. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón
gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng
thương chúng tôi!”
– Tình trạng bi thảm của những người phong cùi: Vì người Do-Thái rất chú
trọng đến vấn đề thanh sạch bên ngòai, những người phong cùi không được ở chung
với dân; mà phải sống cách biệt bên ngòai làng của dân ở (Lev 13:46, Num 5:2).
Họ không được phép tiếp xúc trực tiếp với dân và phải la lớn để mọi người được
biết sự có mặt của họ mà tránh đi (Lev 13:45).
– Để chứng tỏ mình đã hết bệnh phong cùi, họ phải được xem xét cẩn thận bởi
các tư tế. Khi nào các tư tế tuyên bố họ đã sạch; bấy giờ họ có thể trở về sinh
họat bình thường với dân trong làng (Lev 14:2-3). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu
bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch.
2.2/
Những người “ở ngòai” dễ nhận ra ơn hơn những người “ở trong”:
– Tâm tình biết ơn của người Samaria: Một người trong bọn, thấy mình được
khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới
chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria. Đức Giêsu nói: “Không phải
cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ
trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”
– Người Do-Thái khinh thường và sống xa cách với người Samaria. Điểm lạ ở
đây là 9 người phong Do-Thái khi bị chính dân mình khai trừ đã mở rộng vòng tay
cho người phong Samaria được sống chung với họ. Khi con người bị đau khổ và bỏ
rơi, có lẽ con người dễ đòan kết và sống chung với nhau hơn.
– Người Samaria, tuy bị người Do-Thái khinh thường, nhưng nhiều lần được
chính Chúa Giêsu khen tặng. Trong câu truyện “Ai là người thân cận của tôi?”
Chúa Giêsu đã đề cao người Samaria Nhân Hậu hơn các thầy tư tế và Lêvi, vì ông
là người biết tỏ lòng thương xót với người bị đánh trọng thương dọc đường: ông
đã vực người trọng thương lên lừa và đưa về quán trọ săn sóc cẩn thận và hứa sẽ
trả mọi phí tổn tương lai cho chủ quán trọ (Lk 10:30-37). Trong cuộc đàm thọai
giữa Đức Kitô và người phụ nữ xứ Samaria, chị đã trở thành nhà truyền giáo đầu
tiên của Chúa Giêsu, nhiệt thành loan báo về Người cho các dân trong làng của
chị (Jn 4:39-41).
– Biết ơn là xứng đáng đón nhận thêm ơn: Rồi Người nói với anh ta: “Đứng
dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Không phải chỉ được thanh sạch
bên ngòai, anh còn được thanh sạch cả bên trong. Chính vì lòng tin mà anh đã xứng
đáng được hưởng ơn cứu độ.
2.3/
Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý do: (1) vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ
nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có; (2) họ
giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là
cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và (3) họ sợ nếu
nhận ra ơn, họ phải trả ơn. Vì thế, họ vô ơn:
(1) với Thiên Chúa: Đấng đã dựng nên và không ngừng ban mọi ơn lành cho họ.
Ngày Lễ Tạ Ơn là dịp để con người nhận ra và tạ ơn Thiên Chúa qua việc tham dự
Thánh Lễ và làm ơn cho những người kém may mắn; nhưng thử hỏi được bao nhiêu
người làm những điều này? Thay vào đó, họ lo tổ chức ăn uống vui chơi cho bản
thân và cho gia đình họ.
(2) với cha mẹ: những người đã cưu mang, nuôi nấng, và dạy dỗ họ trong suốt
một phần tư của cuộc đời. Lẽ ra, khi cha mẹ về già không còn tự săn sóc mình được
nữa, họ phải phụng dưỡng và săn sóc trở lại, thì họ lại cho vào các nhà hưu dưỡng
rồi tự an ủi mình: “chính phủ sẽ săn sóc các ngài tốt hơn ta.”
(3) với tha nhân: những người đi trước nhiều khi đã dành cả cuộc đời để
nghiên cứu, xây dựng, và phát minh ra những tiện nghi mà chúng ta đang được hưởng.
Bổn phận của những người thụ hưởng là tiếp tục để làm cho thế giới mỗi ngày một
tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ ù lỳ thụ hưởng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần khôn ngoan để học hỏi và nhận định: mọi sự có trên đời này
đều đến từ Thiên Chúa. Nếu Chúa đã ban nhiều, Ngài sẽ đòi lại nhiều. Người nắm
quyền thế sẽ chịu xét xử nghiệm nhặt; vì thế, cần biết khôn ngoan để phục vụ và
hướng dẫn những người thuộc quyền mình theo đường lối của Thiên Chúa.
– Chúng ta phải biết nhìn nhận và so sánh để nhận ra ơn. Đã nhận ơn phải
biết nói lời cám ơn. Cám ơn xuông chưa đủ, mà còn phải biết thi ơn cho người đã
làm ơn hay cho người khác để sự tốt lành tiếp tục lan tràn.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
13/11/2019 – THỨ TƯ TUẦN 32 TN
Lc 17,11-19
TIN THÌ SẼ ĐƯỢC
Đức Giê-su vào một làng kia, thì có mười người phong đón gặp
Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng
thương chúng tôi!” (Lc 17,12-13)
Suy niệm: Người bị bệnh phong, thân thể bị lở loét đau đớn lắm;
họ còn đau đớn hơn khi bị cô đơn, bị người chung quanh xa tránh hất hủi vì chứng
bệnh truyền nhiễm, gây ô uế cho người khác. Hơn ai hết, những người phong này
mong muốn được lành bệnh, cho dù niềm mong muốn đó hầu như vô vọng. Nhưng với
niềm tin vào Đức Giê-su là Đấng quyền năng, và giàu lòng thương xót, điều không
thể đối với họ đã trở thành có thể. Với niềm tin mãnh liệt đó họ đón gặp Ngài
và kêu xin: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Quả thật, Đức
Giê-su đã dủ thương và ban cho họ điều họ cầu xin.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô khẳng định: “Mọi người đều phạm tội”
(Rm 3,23). Tội lỗi khiến chúng ta chẳng khác nào bị phong hủi về mặt thiêng
liêng và đương nhiên cũng cần được Chúa chữa lành. Sứ mạng của Đức Giê-su đến
trần gian là để làm điều đó. Ngài thương xót tội nhân và luôn sẵn sàng tha thứ
cho bất cứ ai chạy đến với Ngài. Cơ hội đó Chúa ban cho chúng ta qua bí tích
Hoà Giải. Phần còn lại là của mỗi người chúng ta: Tôi có muốn đến với Ngài và
xin Ngài chữa lành hay không. Mỗi lần đi xưng tội, bạn có thành tâm sám hối và
quyết tâm chừa bỏ tội lỗi không?
Sống Lời Chúa: Bạn kiểm điểm đời sống mỗi ngày và thường xuyên lãnh
nhận bí tích Hoà giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban
cho chúng con bí tích Hòa giải làm phương thế thanh tẩy tâm hồn. Xin cho chúng
con biết quý trọng và siêng năng đến với bí tích tình yêu này.
(5 Phút Lời Chúa)
Sấp mình tạ ơn (13.11.2019 – Thứ
Tư Tuần 32 TN)
Suy niệm:
Giáo dục cho trẻ em về lòng biết ơn là điều quan trọng.
Cha mẹ thường dạy con cám ơn người làm ơn cho mình.
Cám ơn là đi từ món quà đến người trao tặng.
Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời,
nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn.
Bản thân tôi là một quà tặng do nhiều người cho :
cha mẹ, ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc…
Chỉ cần để lòng biết ơn đi lên mãi, lên tới nguồn,
tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa.
Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.
Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn,
mà Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.
Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay thật độc đáo.
Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng.
Họ biết tiếng của Đức Giêsu và biết cả tên của Ngài.
Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.
Tiếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:
“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (c. 13).
Đức Giêsu đã chẳng chữa lành cho họ ngay lập tức,
như từng làm với một người phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).
Dù họ chưa được sạch, Ngài đã bảo họ đi trình diện với các tư tế
để cho thấy là mình đã khỏi rồi.
Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi, và được khỏi bệnh.
Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.
Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.
Đó là một người Samaria, thời đó bị coi như người nước ngoài (c.
18).
Anh được ơn lành bệnh, và hơn nữa anh có lòng biết ơn.
Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở nơi nào cũng được.
Nhưng anh muốn trở lại để gặp người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.
Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở ra một tương quan riêng tư mới mẻ.
Người phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành.
Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.
Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.
Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).
Ngài ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia trở lại cám ơn.
Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.
Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban.
Chúng ta chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được.
Nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.
Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui.
Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.
Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được,
thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được, và
những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn
hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là
chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được
bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho
con,
hay vì Cha muốn ban cho con
một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những
gì
Cha làm cho đời con.
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG MƯỜI MỘT
Bảo Vệ Quyền Của Phụ
Nữ Tại Môi Trường Lao Động
Trong thời đại chúng ta, vấn đề bình đẳng nam nữ đang được giải quyết, ít
nhất về mặt pháp lý, bằng những đạo luật nhìn nhận sự bình đẳng nam nữ tại môi
trường làm việc. Tuy nhiên, như Thông Điệp Pacem in terris ghi nhận, chúng ta
phải đảm bảo cho phụ nữ “quyền có các điều kiện làm việc phù hợp với các yêu cầu
và các bổn phận của họ trong tư cách là vợ và là mẹ”. Chúng ta phải xây dựng một
xã hội trong đó phụ nữ có thời giờ để nuôi dạy con cái mình – là những nhà xây
dựng và những nhà kiến thiết tương lai. Giáo Hội rất ý thức nhu cầu này, như
tôi đã nói tại một hội nghị Thượng Hội Đồng giám mục trước đây: “Gia đình phải
được sống cách xứng đáng ngay cả khi người mẹ không thể cống hiến hoàn toàn cho
gia đình.” Điều này không có nghĩa rằng phải khai trừ phụ nữ ra khỏi thế giới
lao động làm ăn hay ra khỏi những hoạt động công cộng ngoài xã hội.
‘Sự thăng tiến đích thực của phụ nữ đòi hỏi rằng công việc làm phải được
tổ chức sao cho họ không bị bắt buộc phải trả giá cho sự tiến thân bằng việc bỏ
mất ơn gọi chuyên biệt của họ trong gia đình. Bởi vì phụ nữ có một vai trò
không thể thay thế được, đó là vai trò làm mẹ” (LE 19).
Đó là giáo huấn của Giáo Hội. Trong một xã hội mong muốn có sự công bằng
và nhân đạo, thì những nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân vị con người phải
chiếm chỗ nhất trong bậc thang các giá trị. Chúng ta phải bảo vệ những nhu cầu
này và nêu cao tầm quan trọng của nhân vị con người trong các gia đình chúng
ta. Chúng ta không được phép quên phẩm giá của vai trò làm mẹ và tầm quan trọng
của công việc nuôi dạy con cái.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13/11
Kn 6, 2-11 Lc 17,
11-19.
LỜI SUY NIỆM: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”
Lời cầu xin của mười
người phung hủi, mãi mãi là lời cầu xin của mỗi một người trong chúng ta; bởi
Lòng thương xót của Chúa luôn luôn bao phủ toàn thể nhân loại từng giây từng
phút trên mỗi người. Nhưng luôn luôn đòi hỏi mỗi người phải tin và thành tâm
kêu xịn với tâm tình tạ ơn. Đây cũng là lời cầu xin, giúp cho mỗi Kitô hữu được
sống liên lỉ trong cầu nguyện cùng Chúa.
Lạy Chúa Giêsu.
Xin cho mỗi người trong chúng con được ơn: luôn thầm đọc bằng ghi sâu vào tâm
khảm một cách liên lỉ: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con và toàn thế giới”.Để
chúng con được mọi sự lành.
Mạnh Phương
13 Tháng Mười Một
Ánh Mắt Mẹ Tôi
Paul Nagai, một bác sĩ người Nhật, từ sau quả bom nguyên tử ném xuống
Nagasaki, đã trở thành con người bất hủ, vì sự tận tụy và tấm lòng hy sinh vô bờ
bến của ông. Từ vô thần, ông đã trở thành người có niềm tin. Ông đã giải thích
như sau:
“Trong kỳ nghỉ mùa xuân, lúc đó tôi học hết năm thứ hai y khoa, mẹ tôi
trúng phong. Tôi hối hả chạy đến đầu giường của người. Trong cơn hấp hối, người
nhìn tôi và thở ra. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt người mẹ đã sinh ra, đã giáo
dục và đã thương tôi đến cùng, cặp mắt này đã nói với tôi một cách rõ rệt rằng:
cho dù khuất núi, người vẫn ở bên tôi luôn mãi… Tôi không tin gì ở sự hiện hữu
của linh hồn. Bỗng nhiên, trong ánh mắt của mẹ tôi, tôi đã nhìn thấy linh hồn của
người… Từ đó, con người tôi đổi hẳn, tôi tin rằng mẹ tôi, người đã sinh ra tôi,
đã yêu thương tôi, không thể bị tiêu diệt hoàn toàn sau cái chết”.
Chúng ta có một linh hồn bất tử. Ðó là nền tảng của phẩm giá con người. Nếu
sinh ra, sớm nở tối tàn như bông hoa đồng nội và cuối cùng trở về với cái không
vô tận, thì đâu là giá trị của con người?…
Chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta mang trong
mình ánh lửa của Vĩnh Cửu, cho dù thân xác này có hư nát đi, chúng ta vẫn tiếp
tục cuộc sống mai hậu. Ðó là cùng đích của tất cả mọi bôn ba lao nhọc của chúng
ta trên cõi đời này. Bạn sẽ chuẩn bị gì cho mảnh hình hài còn lại ấy?
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét