21/11/2019
Thứ năm tuần 33 thường niên
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ.
Lễ nhớ
* Vượt lên trên những
câu chuyện cổ kính thuật lại việc Đức Trinh Nữ Maria dâng mình vào Đền Thờ, Hội
Thánh Đông Phương và Tây Phương ngày nay đều kính nhớ biến cố Đức Trinh Nữ Vô
Nhiễm Nguyên Tội dâng mình cho Chúa từ lúc còn ấu thơ. Mọi Kitô hữu có thể nhận
thấy nơi Đức Maria “đầy ân sủng” gương mẫu cho đời sống hiến dâng.
ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG
ĐỀN THỜ - Lễ Nhớ
BÀI ĐỌC : Dr 2,14-17
14 Hỡi
con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi,- sấm
ngôn của Đức Chúa.15 Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức
Chúa :Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa
ngươi." Bấy giờ, (các) người sẽ nhận biết rằng Đức Chúa các đạo
binh đã phái tôi đến với (các) người.
16 Đức Chúa sẽ lấy Giu-đa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh
và Người sẽ lại tuyển chọn Giê-ru-sa-lem. 17 Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa , bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.
16 Đức Chúa sẽ lấy Giu-đa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh
và Người sẽ lại tuyển chọn Giê-ru-sa-lem. 17 Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa , bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.
ĐÁP CA : Lc 1
Đ. Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật
chí thánh chí tôn (c 49).
46 "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,47 thần
trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,Người đoái thương nhìn tới; từ
nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49 Đấng Toàn Năng
đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai
kính sợ Người. 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ
khiêm nhường. 53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người
giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55 như
đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ
Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời."
TUNG HÔ TIN MỪNG : Lc 1, 28
Hall-Hall
: Kính chào Đức Maria, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi
người phụ nữ. Hall.
TIN MỪNG : Mt 12, 46-50
46 Khi Đức Giêsu còn đang nói với đám
đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có
mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi ?
Ai là anh em tôi ?” 49 Rồi Người
giơ tay chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi,
Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
SUY NIỆM : Đức Mẹ Dâng
Mình
Tại hầu hết các nhà
thờ ở Liên Xô mà tôi đã viếng thăm đều có những bức họa lớn hoặc nhỏ, rất đẹp về
cảnh Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ. Ở góc cao nhất của bức họa là cửa đền thờ
Giêrusalem diễn tả cửa Trời. Thầy thượng tế mặc phẩm phục đứng đó nhìn xuống một
cô bé 3 tuổi, đang lanh lẹn và đẹp đẽ leo hết 36 bậc thang đi vào Đền Thánh,
trước sự ngưỡng mộ của hàng ngàn trinh nữ cầm đèn cháy sáng đứng hai bên. Cô bé
ba tuổi đó chính là Maria, lanh lẹn tiến vào nhà Chúa, không thèm ngoái cổ lại
nhìn thế gian, từ giã họ hàng…
Các nhà thờ chính thống
cũng như Công giáo ở Đông Phương đều đề cao việc Đức Mẹ dâng mình và mừng lễ
này hết sức long trọng và hân hoan, không biết từ những ngày xa xôi nào. Chỉ biết
đến thế kỷ VI, đòan đại biểu của Giáo Hội La Mã qua thăm Đông Phương thấy vẻ đẹp
của các bức họa và các cuộc lễ này đẹp đẽ phấn khởi như vậy, mới trở về quảng
bá việc mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình cho đến ngày nay.
Như vậy, lễ này phát
xuất từ Đông Phương, miền truyền giáo của thánh Gioan tông đồ và có thể là nơi
xuất phát lòng tôn sùng Đức Mẹ sâu sắc hơn cả. Dĩ nhiên, câu truyện Đức Mẹ dâng
mình vào đền thờ không được viết trong Thánh Kinh. Phải đọc nó trong các sách
bình dân không có phép của giáo quyền. Nghĩa là không có gì chắc chắn Đức Maria
đã dâng mình vào đền thờ khi lên ba. Nhưng cuộc đời của Đức Mẹ là cả một lễ
dâng mình kéo dài mà đỉnh cao như chúng ta sẽ nói là ở đồi Sọ, gần thập giá Đức
Giêsu.
Maria sinh ra được
giáo dục trong lòng đạo đức của Dân được tuyển chọn. Lớn lên, một trong những
câu truyện đầu tiên cô được nghe và phải thuộc lòng, chính là câu truyện về cuộc
đời của Abraham tổ phụ dân Chúa. Và Thánh Kinh kể Abraham là con người có đức
tin, tin một mình Đức Chúa, tin hoàn toàn vào Lời Hứa và sự dẫn dắt của Người.
Vì Đức Chúa, để gắn bó với Người, ông bỏ quê hương, bỏ gia tộc, bỏ mọi sự, đi
theo Chúa. Không phải ông không mơ ước điều nọ điều kia. Ông đi theo Chúa vì
Chúa hứa cho ông một giang sơn, một dòng dõi, một đời sống hạnh phúc bất tận. Dần
dần ông thấy mình được những điều đó. Đặc biệt đến tuổi 100, ông đã được Chúa
ban đứa con nối dòng là Isaac. Chúng ta cứ thử nghĩ xem Isaac đối với ông quí
như thế nào. Đó là sự sống của ông, sự sống sẽ được nối dài trong bao ngàn thế
hệ… Thế mà Chúa lại đòi ông đi sát tế Isaac. Lòng đau như cắt, ông xin vâng, dẫn
Isaac lên tế đàn…
Câu truyện đó làm sao
không làm cho Maria say mê sung sướng. Là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tiêu biểu
của dòng giống được tuyển chọn, Maria phải yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu tổ
phụ của dân và do đó phải thích và thuộc những gì Kinh Thánh viết về Abraham.
Hơn nữa, là một tác phẩm kỳ công của Thiên Chúa, câu truyện Abraham tin Chúa,
yêu Chúa đến nỗi sẵn lòng hy sinh tất cả để tỏ lòng tin, cậy, mến, phải thu hút
tình yêu của Maria. Maria muốn bắt chước tổ phụ của dòng dõi mình. Maria dâng
trọn đời mình cho Chúa.
Chúng ta khẳng định được
như vậy vì tất cả các nét mà các sách Tin Mừng vẽ lại cho chúng ta thấy tâm hồn
của Maria. Chúng ta biết câu truyện Truyền tin. Maria dâng mình phó thác cho
Thiên Chúa quyết liệt thế nào trong hai tiếng Xin Vâng khiêm nhường. Cũng vì chỉ
muốn đi theo Chúa, phục vụ Chúa, mà nghe tin Chúa làm việc lạ nơi bà chị họ
Êlisabét, Maria đã tất tưởi lên đường, hạnh phúc nhảy các đồi cao, đến nhìn
công việc của Chúa. Và tại đây, như bài Tin Mừng cho thấy, tâm hồn của Maria đã
dạt dào cởi mở trong bài kinh Magnificat. Cứ đọc bài ca ấy đi, ai không thấy
ngay một tâm hồn đẹp đẽ nhưng dâng hiến hoàn toàn cho công việc của Thiên Chúa.
Lòng dâng hiến trọn vẹn sẽ đưa Maria không một phút nào không mật thiết kết hiệp
với Đức Giêsu, đặc biệt trên con đường thập giá. Và khi Phêrô và các môn đệ to
mồm nhất, bỏ Chúa đau đớn và trơ trọi trên thập giá, Mẹ Maria dũng cảm có mặt ở
đó, để các vết thương trên thân thể Con trở thành những nhát gươm đâm nát trái
tim Mẹ. Con dâng mình đau đớn thế nào cho Chúa Cha, Mẹ cũng dâng khổ đau dữ dằn
như thế, để cùng Con đổ Máu đền tội cho trần gian và ban Nước ân sủng Thánh Thần
cho mọi tín hữu. Đức tin cho chúng ta biết lễ dâng của Chúa và của Đức Mẹ tại đồi
Sọ có giá trị như thế nào. Thánh Phaolô nói rõ trong bài thư hôm nay. Chúng ta
vẫn tin như vậy. Tôi không cần nói thêm.
Tôi chỉ muốn nói điều
này: Ơn Cứu độ, Sự sống của Hội Thánh phát xuất từ lễ dâng trên núi Sọ. Đó là lễ
dâng của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ. Lễ dâng đó trọn vẹn vì đã chảy cho đến giọt
máu cuối cùng… Nhưng đã khởi sự và đi con đường thập giá hy sinh lâu rồi. Cũng
như thư Hi- bá viết: Khi vào thế gian, Đức Kitô đã nói với Đức Chúa Cha: Này
Con xin đến để làm theo ý Cha; thì khi cho chúng ta gặp Đức Mẹ lần đầu tiên,
sách Tin Mừng cũng kể: Người nói hai chữ “Xin Vâng” để suốt đời sống theo ý
Chúa.
Cha của chúng ta là Đức
Giêsu, Mẹ của chúng ta là Đức Maria. Cả hai đã suốt đời Xin Vâng ý Cha Trên Trời
nên mới có dòng dõi là nghĩa tử. Đó là Adong và Evà mới của nhân loại mới được
cứu độ, thay cho Adong và Evà cũ đã đưa loài người vào con đường tội lỗi lầm
than vì bất tuân, vì không dâng hiến nhưng muốn sống cho mình.
Cha mẹ của chúng ta
như vậy, chúng ta sẽ thế nào? Anh em Linh mục thân mến, chúng ta hãy nhìn vào Đức
Mẹ trong lễ dâng mình hôm nay, để dâng lại ý chí của chúng ta trong ngày chịu
chức, là vâng phục Giám mục để thực sự là tông đồ, tức là được sai đi như Chúa
Con được Chúa Cha sai xuống trần gian thi hành chương trình cứu độ thương xót của
Người.
Anh chị em nam nữ tu
sĩ, hôm nay hãy cùng chúng tôi dâng mình lại theo gương mẫu Đức Maria, dâng trọn
vẹn để sống mật thiết với Chúa Giêsu và công cuộc Cứu thế của Người.
Anh chị em giáo dân
hãy hợp lòng với tất cả các bậc tu trì chúng tôi để cùng dâng linh hồn và thân
xác, đời sống và gia đình cho Chúa, cho Đức Mẹ để xứng đáng là tín hữu, tức là
có đức tin trung tín.
Và như vậy, tất cả
chúng ta, sau khi dâng mình hiệp với của lễ dâng trên bàn thờ, để gắn bó với
tâm tình hiến dâng của Chúa và Đức Mẹ, và sau khi mang tinh thần hiến dâng trọn
vẹn ở nơi mình, chúng ta trước khi ra về sẽ dâng Giáo phận, các Giáo xứ, các Cộng
đoàn, các gia đình và hết thảy mọi người cho Chúa trong đà dâng mình trọn vẹn,
tuyệt diệu của Đức Maria Mẹ chúng ta trong thánh lễ hôm nay.
Chúng ta cùng nhau đứng
lên bắt đầu thái độ hiến dâng trong các lời nguyện cầu sau đây cho mọi thành phần
dân Chúa và xã hội.
(ĐGM.
Bart. Nguyễn Sơn Lâm)
Thứ Năm Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: 1 Mcb 2,
15-29
“Chúng tôi tuân theo lề luật
cha ông chúng tôi”.
Trích sách Macabê
quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy,
vua Antiôcô sai người đến cưỡng bách các người trốn ẩn tại thành Môđin cúng tế
dâng hương và chối bỏ lề luật Thiên Chúa. Có nhiều người trong dân Israel tuân
lệnh đến với họ, nhưng ông Mathathia và các con ông cương quyết không chịu
theo. Các người vua Antiôcô sai đến, lên tiếng nói với Mathathia rằng: “Ông là
thủ lãnh có tiếng tăm và có uy tín trong thành này và có nhiều con cái và anh
em. Vậy ông hãy tiến lên trước tiên và thi hành lệnh nhà vua, như hết thảy mọi
dân tộc, như các người chi tộc Giuđa và những người còn ở lại Giêru-salem đã
thi hành rồi, ông và các con ông sẽ là bạn hữu của nhà vua, sẽ được nhà vua ban
cho vàng bạc và ân huệ khác”. Matha-thia trả lời và nói lớn tiếng rằng: “Cho dầu
mọi dân tộc đều tuân lệnh vua Antiôcô, mọi người đều chối bỏ lề luật của cha
ông mà vâng lệnh nhà vua, phần tôi và con cái cùng anh em tôi, chúng tôi vẫn
tuân theo lề luật cha ông chúng tôi. Xin Thiên Chúa thương đừng để chúng tôi chối
bỏ lề luật và giới răn Chúa. Chúng tôi sẽ không nghe theo lệnh vua Antiôcô,
cũng chẳng cúng tế mà lỗi phạm lệnh truyền của lề luật chúng tôi, kẻo chúng tôi
đi theo con đường khác”.
Ông vừa dứt lời thì có
một người Do-thái tiến ra cúng thần trước mặt mọi người, trên bàn thờ ở thành
Môđin, theo chiếu chỉ của nhà vua. Thấy vậy, Mathathia đau lòng xót dạ, ông nổi
giận vì yêu mến lề luật, ông xông tới giết ngay người ấy trên bàn thờ. Ông cũng
giết luôn người vua Antiôcô sai đến để cưỡng bách người ta cúng tế; ông lật đổ
cả bàn thờ. Lòng nhiệt thành của ông đối với lề luật cũng giống như lòng nhiệt
thành của Phinê đã đối xử với Zimri con ông Salomi.
Đoạn Mathathia kêu lớn
tiếng khắp trong thành phố rằng: “Ai nhiệt thành với lề luật, tuân giữ lời Giao
ước, hãy ra khỏi thành theo tôi!” Ông và con cái ông trốn lên núi, bỏ lại trong
thành mọi tài sản họ có. Bấy giờ một số người còn nhiệt tâm với sự công chính
và lề luật, cũng trốn vào hoang địa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 49, 1-2.
5-6. 14-15
A+B:Ai đi đường
ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
A)Chúa là Thiên Chúa
đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Từ
Sion đầy mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng.
B)Hãy tập họp cho Ta
các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ. Và trời cao sẽ loan truyền
sự công chính của Người, và chính Thiên Chúa Người là thẩm phán.
A)Hãy hiến dâng Thiên
Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Đấng Tối Cao. Ngươi hãy kêu
cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi sẽ kính trọng Ta.
A+B:Ai đi đường ngay
thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
ALLELUIA: x. Cv 16, 14b – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để
chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 19, 41-44
“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp
mang hoà bình lại cho ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến
gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ
chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây,
sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây
ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con
cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi
đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Khóc thương
thành Giêrusalem
Ðoạn Phúc Âm được Giáo
Hội đề nghị cho chúng ta suy niệm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu khóc thương
thành Giêrusalem vì đã không biết nhìn nhận giờ Thiên Chúa đến viếng thăm. Nhìn
chung trong toàn bộ văn mạch thì biến cố được nhắc đến trong Phúc Âm đi liền
sau biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Và đây không phải là lần vào thành
thông thường như bao lần khác, mà là lần vào thành long trọng, lần cuối cùng, để
rồi sau đó Chúa thực hiện công cuộc cứu rỗi, mục đích cuối cùng của nhập thể, của
cuộc đời của Chúa.
Chúa vào thành
Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua mang lại ơn cứu rỗi, sự hòa giải giữa con
người với Thiên Chúa. Ðây là giờ Thiên Chúa đến viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu
rỗi, sự bình an. Tuy nhiên, những người lãnh đạo dân Israel tại Giêrusalem như
chúng ta thấy trong cuộc thương khó của Chúa, không những họ từ chối mà còn thành
công trong việc xách động toàn dân chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh
đóng đinh Chúa vào thập giá và tha cho Baraba. Như thế, dù có sự nồng nhiệt
hoan hô Chúa trong ngày vào thành Giêrusalem trên lưng lừa, nhưng sự nồng nhiệt
này chỉ thoáng qua và Chúa Giêsu nhìn thấy sự khước từ ơn cứu rỗi mà Ngài mang
đến hơn là sự chấp nhận.
Ðiều xảy ra cho thành
Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng
ta đền có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn
lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. "Ước chi hôm nay, ngươi hiểu biết sứ điệp
mang hòa bình lại cho ngươi". Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người,
sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn, không bao giờ muốn
lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó để chống lại
Ngài.
Trong quan niệm Kinh
Thánh, giây phút Thiên Chúa đến thăm là giây phút Thiên Chúa đến thực hiện lòng
nhân từ, trao ban sự bình an cho tâm hồn. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca đã nhấn
mạnh ý nghĩa này trong hai bài ca quan trọng vào khởi đầu sách Phúc Âm, đó là
bài ca về ông Dacaria và của Mẹ Maria. Ý thức giờ Thiên Chúa đến viếng thăm
đang xảy ra không những cho chính bản thân mình, mà còn cho cả toàn dân tộc,
cho cả toàn nhân loại, Mẹ Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của cuộc viếng
thăm của Thiên Chúa với những lời như sau: "Lòng thương xót Chúa lan tràn
từ đời này tới đời kia, đối với những ai kính sợ Chúa. Chúa đã cứu Israel, tôi
tớ Chúa và nhớ lại lòng thương xót của Người".
Chỉ có lý do duy nhất
cho cuộc viếng thăm của Chúa, đó là để thực hiện lòng nhân từ của Ngài cho người
được viếng thăm mà thôi. Nếu không nhận biết giờ viếng thăm của Chúa, con người
chỉ gặp phải những thiệt thòi cho chính mình, như đã xảy ra cho thành Giêrusalem
ngày xưa. Chúng ta không nên nhìn biến cố Chúa khóc thương và loan báo ngày sụp
đổ của thành Giêrusalem trong viễn tượng của sự trả thù. Thiên Chúa nhân từ
không bao giờ hành động để trả thù sự chống đối khước từ của con người. Những
thiệt thòi mà kẻ từ chối Chúa gặp phải là hậu quả tai hại của tội lỗi, của những
hành động xấu xa do con người thực hiện vì chối bỏ Thiên Chúa mà thôi. Tuy
nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự dữ, nhưng Ngài luôn luôn làm
những gì có thể để cảnh tỉnh, để lưu ý con người đừng đi vào con đường nguy hiểm,
gây thiệt hại cho chính mình.
Ước chi hôm nay chúng
ta lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh và đừng cứng lòng từ chối giây phút ân sủng
nơi Thiên Chúa an bài cho mỗi người chúng ta được gặp lại.
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa
vì đã luôn luôn đối xử nhân từ đại lượng với chúng con, mặc dù chúng con nhiều
lần làm ngơ, không muốn nhìn thấy những việc Chúa làm cho chúng con, không muốn
lắng nghe những gì Chúa chỉ dạy để được sống an vui, hạnh phúc. Xin thương giúp
chúng con trở về sống trong tình thương Chúa luôn mãi.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 33 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: I
Mac 2:15-29; Lk 19:41-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vững mạnh sẽ không bị
lung lay bởi cám dỗ của thế gian.
Rất nhiều người trong
thế giới hôm nay chủ trương tương đối hóa sự thật. Đối với họ, không có sự thật
nào tuyệt đối, ngay cả niềm tin vào Thiên Chúa. Vì thế, khi nào hoàn cảnh thuận
tiện cho việc giữ đạo thì giữ; khi nào hoàn cảnh không thuận tiện, chắc Chúa
cũng thông cảm! Một thái độ tin tưởng như thế sẽ từ từ đưa đến chỗ bỏ đạo ngay
khi cơn bách hại tới. Ngược lại cũng có những người không bao giờ tương đối hóa
niềm tin và sự thật. Họ chỉ thờ một Chúa và sẵn sàng sống chết cho sự thật.
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta những mẫu người sẵn lòng hy sinh chết cho sự thật, dẫu phải đương
đầu với biết bao gian nan khốn khó. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Maccabees tiếp
tục trình bày một mẫu gương anh hùng trong việc giữ đạo là ông Mattathias và bảy
người con của ông. Vì lòng nhiệt thành bảo vệ niềm tin, ông đã không nao núng
trước cám dỗ ban quyền hành chức tước của viên quan chức; ông giết người phản bội
Thiên Chúa ngay trước bàn thờ, và tập họp nhóm người sống chết cho Thiên Chúa
đưa vào sống trong sa mạc để sinh sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết rõ những
khốn khổ sẽ xảy ra cho dân thành Jerusalem, vì họ không nhận ra Ngài đến đem
bình an thật sự cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với
Giao Ước.
1.1/ Thái độ của ông
Mattathias trước cám dỗ của thế gian: Tác giả
tường thuật: “Các viên chức của vua Antiochus, những người có nhiệm vụ cưỡng bức
người Do-thái chối đạo, đã tới thành Modein để tế thần. Nhiều người Israel đã đến
theo chúng. Nhưng ông Mattathias và các con thì họp lại thành nhóm riêng.” Ông
Mattathias và các con phải đương đầu với những áp lực sau:
(1) Phần đông con cái
Israel đã bỏ đạo và tế thần: Người không có niềm tin vững chắc sẽ dễ dàng bị hốt
hoảng khi thấy phần đông dân chúng bỏ đạo. Họ sẽ nghi ngờ những gì mình tin
không biết có thật hay không. Điều này đã không xảy ra cho người có một niềm
tin vững vàng như ông tuyên xưng: “Cho dù tất cả các dân tộc trong vương quốc của
vua có nghe lời vua và ai cũng chối bỏ việc thờ phượng của cha ông mình và tuân
theo lệnh vua, thì tôi, các con tôi và anh em tôi, chúng tôi vẫn trung thành với
Giao Ước của cha ông chúng tôi. Không đời nào chúng tôi bỏ Lề Luật và các tập tục!
Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi để
xiêu bên phải, vẹo bên trái.”
(2) Cám dỗ về uy quyền,
chức tước, và bổng lộc: Đây là cám dỗ dễ làm cho những người ham mê những lôi
cuốn của thế gian rơi vào. Các viên chức của vua lên tiếng nói với ông
Mattathias: “Ông là thủ lãnh, là người có danh giá, là bậc vị vọng trong thành
này, lại được con cái và anh em ủng hộ. Vậy xin mời ông tiến lên làm người đầu
tiên thi hành chỉ dụ của đức vua, giống như tất cả các dân tộc, các người Judah
và những người còn ở lại Jerusalem đã làm. Rồi ông và các con sẽ được kể vào số
bạn hữu đức vua, sẽ được danh giá, được nhiều vàng bạc và bổng lộc.” Nhưng được
lợi cả thế gian mà phải mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?
(3) Có thể phải hy
sinh mạng sống: Cám dỗ này được coi là nguy hiểm nhất vì nó đe dọa bản năng
sinh tồn của con người. Một người chỉ có thể vượt qua cám dỗ này, nếu anh tin lời
của Chúa Giêsu hay bà mẹ của các con nhà Maccabees là Thiên Chúa sẽ trả lại mạng
sống cho con người cùng với vinh quang đời đời, cộng với tình yêu anh dành cho
Thiên Chúa và Đức Kitô.
1.2/ Phản ứng nhiệt thành
của ông Mattathias: Ông vừa dứt lời thì có một
người Do-thái công khai tiến ra tế thần trên bàn thờ ở Modein theo như chỉ dụ của
vua. Trước cảnh tượng đó, ông Mattathias bừng lửa nhiệt thành, ruột gan ông sôi
sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng: ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại
bàn thờ. Ông cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người
Do-thái tế thần. Rồi ông phá đổ bàn thờ. Rồi ông Mattathias rảo khắp thành và
hô lớn tiếng: “Ai nhiệt thành với Lề Luật và tuân giữ Giao Ước, hãy theo tôi!”
Sau đó, ông và các con trốn lên núi, bỏ lại trong thành tất cả tài sản. Bấy giờ,
nhiều người Do-thái muốn sống công minh chính trực đã xuống hoang địa và lập cư
tại đó.
Chúng ta đừng vội kết
án hành động của ông, vì chính Chúa Giêsu cũng lấy roi đánh đuổi những người
buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Ngài không thể cầm lòng khi thấy con người làm nhơ bẩn
Nhà Cha của Ngài. Hơn nữa, Luật cho phép con người phải tự vệ khi người khác muốn
giết mình. Ông Mattathias và các con sẽ bị vua Antiochus giết nếu không chịu tế
thần như vua muốn.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.
2.1/ Chúa Giêsu khóc: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như
một con người. Tin Mừng đã tường thuật 2 lần Chúa khóc:
(1) Vì thương Thành
Jerusalem như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương Khó, chặng thứ
8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành Jerusalem vì họ
khóc thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc
thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk 23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục
đích tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành không biết. Điều có lẽ Chúa muốn
nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc thương cho chính họ và cho con cháu
của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó
mà Ngài đang chịu.
(2) Vì tiếc thương
Lazarô (Jn 11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa;
nhưng suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc
ông đừng trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng
được chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa
Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary
và mọi người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25).
Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm vui.
2.2/ Hai lý do tại sao
Chúa khóc:
(1) Vì dân Thành
Jerusalem không nhận ra Chúa: Lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện đường
gọi là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu đã
nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã khóc
vì thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng đem
bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho
ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.”
Nguyên ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết
lập,” và danh từ salem, có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là Đấng từ
Trời xuống thiết lập bình an và chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã không nhận
ra Ngài.
(2) Vì Thành sẽ bị phá
hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao
vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa
ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết
thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm năm 70
AD, khi quân đội Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và Thành.
Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của hoang tàn đổ nát
vẫn còn cho các du khách viếng Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy có lập
trường rõ rệt trong cuộc sống: Phải kính mến và thờ phượng Thiên Chúa trên hết
mọi sự; không làm tôi hai chủ cho dẫu phải hy sinh tất cả để trung thành với
Ngài.
– Con người khóc vì tiếc
và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do tiếc hay thương có thể
sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại sao Ngài khóc là sự thật.
Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc hay thương tiếc.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
21/11/2019 – THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Đức Ma-ri-a dâng mình trong Đền thờ
Lc 12,46-50
LÀ NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy
là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Lc 12,50)
Suy niệm: Không ai dám tự nhận mình
là người thân của Chúa Giê-su, “làm anh chị em, làm mẹ” của Ngài. Ta có được
vinh dự ấy là do chính Ngài nói với ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng, để
là người thân của Chúa Giê-su, ta phải đáp ứng điều kiện này là “thi hành ý muốn
của Cha trên trời” như chính Ngài đã làm. Khi vuông tròn chu toàn ý muốn Chúa
Cha như lương thực nuôi sống mình, Ngài cho thấy mình là người Con Một yêu dấu
Cha, đẹp lòng Cha trong mọi sự. Vì thế, ai làm theo ý muốn của Cha, người ấy trở
thành người thân của Ngài. Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su hai lần: Mẹ sinh ra
Ngài, nhưng đồng thời cũng là Mẹ Ngài vì đã lắng nghe và thi hành Lời Chúa.
Truyền thống vẫn cho rằng, Mẹ đã được đưa vào đền thờ từ lúc ba tuổi để dâng
cho Thiên Chúa như thói quen của những gia đình đạo đức. Chắc một điều, cả cuộc
đời Mẹ đã thuộc trọn về Chúa. Mẹ luôn là người lắng nghe, ghi nhớ và thi hành
thánh ý Chúa, là mẫu gương cho những ai muốn thuộc về đại gia đình của Thiên
Chúa.
Mời Bạn: Trở nên người thân thích với
Chúa không phải vì lý do ruột thịt mà sâu xa hơn, phải thuộc về Ngài với cả tâm
hồn của mình. Đời sống một ki-tô hữu, do đó, phải là một cuộc sống thân tình với
Chúa, bằng việc luôn kết hiệp với Ngài. Phương thế để đạt được điều đó là lắng
nghe và thực thi Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian mỗi
ngày để suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho con thành người nhà của Chúa
bằng cách giúp con biết đem Lời Chúa ra thực thi mỗi ngày. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Ai là mẹ tôi? (21.11.2019 – Thứ
Năm - Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ)
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến
gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến,
không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải
đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra
gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp
con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang
nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong
đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ
các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong
này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ
hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có
một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành
Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn
của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi
với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia
đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu
và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là
anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội
Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là
Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm
vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của
mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim
nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời
nhất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội
Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG MƯỜI MỘT
Trả Lại Cho Gia
Đình Vai Trò Đúng Đắn Của Nó Trong Xã Hội
Trong tác phẩm Hành
Trình Mục Vụ của ngài, Đức Hồng Y Baffi đã dành một số trang rất hay để nói về
những hiểm họa và những niềm hy vọng của gia đình. Ngài nhấn mạnh rằng gia đình
hôm nay rất ốm yếu trong xã hội chúng ta, và đôi khi thậm chí gia đình bị khinh
thường. Đó là lý do tại sao sự chữa trị cho gia đình phải liên can tới việc
Phúc Âm hóa nền văn hóa của chúng ta. Nếu nền văn hóa của chúng ta được chuyển
hóa xuyên qua cuộc gặp gỡ với Tin Mừng, gia đình sẽ tìm lại được các gốc rễ của
nó. Gia đình sẽ được canh tân hoàn toàn và bắt đầu sống căn tính của nó trong
tư cách là một hiệp thông và cộng đoàn của các ngã vị trong niềm kính trọng
hoàn toàn đối với tất cả các thành viên của nó: vợ chồng, con cái, trẻ già …
Như vậy, thay vì đóng
kín chính mình và thoái thác trách nhiệm của mình đối với xã hội, gia đình
Kitôhữu được canh tân sẽ trở thành tác nhân chủ yếu xây dựng xã hội tương lai.
Điều này là tất nhiên vì gia đình là nền móng căn bản của xã hội. Vâng, gia
đình Kitôhữu phải đảm nhận trách nhiệm phục vụ cộng đồng lớn hơn, nhất là phục
vụ người nghèo và những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Gia đình Kitôhữu phải chiếu
tỏa ánh sáng Tin Mừng cho thế giới.
Gia đình Kitôhữu cũng
có chỗ đứng riêng của mình trong sứ vụ của Giáo Hội. Nó được mời gọi để tham dự,
trong tư cách là một gia đình, vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội. Gia đình thực
thi sứ mạng này bằng việc sống trung thành với căn tính của mình và bằng việc
xây dựng mình trở thành một cộng đoàn tin và loan báo Tin Mừng. Gia đình Kitôhữu
được mời gọi sống cầu nguyện và phục vụ mọi người theo giới luật yêu thương. Bằng
cách này, gia đình trở thành một nguồn sống và một nguồn ơn gọi – bởi vì trong
tư cách là Giáo Hội tại gia, gia đình tham dự vào sứ mạng ba chiều kích của
Giáo Hội Chúa Kitô: đó là sứ mạng tư tế, vương đế và ngôn sứ của Dân Thiên
Chúa.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21/11
Đức Mẹ dâng mình
trong Đền Thờ
Dcr 2, 14-17; Mt
12, 46-50.
LỜI SUY NIỆM: “Người đang còn
nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói
chuyện với Người.”
Chúa Giêsu xác nhận sứ vụ của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức
dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi
đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng
mắt, trả lại tự do cho người bị áp bứt, công bố một năm hồng ân của Chúa.” và
Người đã nhiệt thành với sứ vụ, đã vượt hẳn sự hiểu biết của loài người; làm
cho Đức Mẹ và những người thân trong gia đình cũng không thể hiểu nỗi, để rồi
phải phân vân lo lắng cho Người. Điều này trong Tin Mừng của Gioan cho biết:
“Thật thế, anh em Người không tin vào Người.” (Ga 7,5); cũng như trong
Tin Mừng Máccô: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng
Người đã mất trí.” (Mc 3,21).
Lạy Chúa Giêsu. Với lòng thương xót cua Chúa, tất cả chúng con đã được Chúa xem
là người thuộc gia đình của Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con nhận thức điều
này mà sống cho xứng đáng và làm sáng Danh Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-11
Lễ Đức Mẹ dâng mình
vào đền thánh
Nói về lễ Đức Mẹ dâng
mình vào đền thánh, đức giáo hoàng Phaolô VI viết: “Những lễ dựa trên lời truyền
khẩu, nhưng có giá trị gương mẫu cao và đươc Giáo hội Đông phương đặc biệt mừng
kính từ xa xưa, đó là lễ Đức Maria dâng mình và đền thánh”
Việc Đức Mẹ dâng mình
và đền thánh dựa trên sự kiện này, là luật cũ đã nhận các trinh nữ tự hiến mình
cho Thiên Chúa tại đền thành. Hơn nữa Đức Trinh nữ còn được đặc ân Vô nhiễm
Nguyên tội ngay từ buổi đầu thai. Sư trinh trong này có thể dẫn tới hiệu quả là
trí khôn Đức Maria đã phát triển sớm hơn bình thường, vì không bị ảnh hưởng bởi
tội nguyên tổ. Bởi đó, người ta cho rằng, Mẹ đã dâng mình cho Chúa rất sớm,
ngay khi trí khôn ngài có khả năng hiểu biết.
Cuốn ngụy thư “Phúc âm
về cuộc sinh hạ của Đức Maria” còn cho rằng ngài đã thực hiện cuộc dâng hiến
này khi mới ba tuổi. Giottô trong một bức họa đã diễn tả Đức Maria trong những
bước chân mạnh mẽ tiến vào đền thánh.
Trong niềm tin này,
người Hy lạp, Armênia và Latinh, đều mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thánh
vào ngày 21 tháng 11 hàng năm. Simon Métaphrate cho rằng lễ mừng đã được thiết
lập vào năm 730 ở Constantinople. Năm 1143, hoàng đế Emmanuelđã xếp vào số các
lễ được Giáo hội khắp nơi biết đến.
Vị đại sứ của vua
Chypre bên đức giáo hoàng Grêgoriô XI (ở Avignon) đã thuyết phục, để giáo triều
với đức Sixtô IV chấp nhận lễ này từ năm 1372. Kể từ đó, ở nhiều vương quốc và
nhiều nhà thờ đã mừng long trọng theo sách nguyện Rôma. Đức giáo hoàng Pio V
bãi bỏ và được đức Sixtô V tái lập.
Nhiều nhà dòng đã chọn
lễ này làm ngày khấn dòng hay lặp lại lời khấn cho các tu sĩ. Cùng với Đức
Maria, chúng ta cũng dâng mình cho Chúa một cách mau mắn và quảng đại.
(daminhvn.net)
21 Tháng Mười Một
Vâng ý Cha Dưới Ðất Cũng Như Trên Trời
William Barlay, một
học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh “Lạy Cha”
như sau: Giữa những câu “chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”
và câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” thay vì dấu phết hay dấu chấm
phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa
dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả
sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.
Ðề nghị trên nhằm mục
đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách
hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.
Bởi lẽ đây là một
trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng
là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.
“Ai vâng theo ý Cha Ta
ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta”.
Tuyên bố câu này, Chúa
Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức
Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua
câu trả lời: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần
truyền” và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin
vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.
Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng
mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ
để bập bẹ thưa: “Xin vâng!”.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét