25/11/2019
Thứ Hai tuần 34
thường niên
BÀI ĐỌC I: Đn 1, 1-6. 8-20
“Không ai bằng Đaniel, Anania,
Misael và Azaria”.
Khởi đầu sách Tiên tri
Đaniel.
Năm thứ
ba triều đại vua Gioakim nước Giuđa, Nabukô-đônôsor, vua Babylon, tiến đến vây
hãm Giêrusalem. Chúa trao vua Gioakim nước Giuđa và một phần đồ vật dùng trong
đền thờ Chúa vào tay ông: Ông mang các đồ vật ấy về chùa thần minh của ông
trong đất Sennaar và trong kho báu thần minh của ông.
Vua
truyền cho quan thái giám Asphênez dẫn về hoàng cung các con cái Israel, các
người thuộc hoàng tộc và gia đình quyền quý, các thiếu niên không tàn tật, tuấn
tú, đầy khôn ngoan, thông minh, sáng trí, xứng đáng sống trong hoàng cung, để dạy
văn chương và ngôn ngữ người Calđêa cho các cậu. Vua quy định mỗi ngày cho các
cậu ăn đồ của vua ăn, và uống rượu vua uống, để sau ba năm nuôi dưỡng như vậy,
các cậu có thể hầu cận trước mặt vua. Trong số các cậu thuộc dòng dõi Giuđa, có
Đaniel, Anania, Misael, và Azaria.
Đaniel
dốc lòng không để cho đồ vua ăn và rượu vua uống làm cậu ra ô uế, và xin quan
thái giám đừng làm cho cậu ra ô uế. Thiên Chúa đã ban cho Đaniel được ân huệ và
lòng thương trước mặt vị tổng thái giám. Vị này bảo Đaniel rằng: “Tôi sợ đức
vua, Người đã quy định thức ăn và của uống cho các cậu rồi. Nếu Người xem thấy
nét mặt các cậu xanh xao hơn đồng bạn, thế là các cậu nạp đầu tôi cho đức vua rồi”.
Đaniel nói với Malasar, kẻ được vị tổng thái giám chỉ định coi sóc Đaniel,
Anania, Misael và Azaria: “Tôi xin ông thử cho chúng tôi, là các tôi tớ ông, ăn
rau và uống nước lã, rồi ông ngắm xem nét mặt chúng tôi và nét mặt những đứa
dùng lương thực của đức vua; ông thấy sao, thì hãy đối xử với các tôi tớ ông
như vậy”. Nghe nói thế, ông để thử chúng trong mười ngày. Sau mười ngày, nét mặt
bốn cậu trở nên xinh tươi béo tốt hơn mọi thiếu niên dùng lương thực của nhà
vua. Malasar cất đồ ăn và rượu uống của các cậu, rồi cho các cậu ăn rau.
Thiên
Chúa ban cho các cậu này được thông minh, hiểu biết mọi sách vở và khôn ngoan;
phần Đaniel lại thông hiểu các thị kiến và chiêm bao. Đến hết thời gian vua chỉ
định, vị tổng thái giám dẫn các cậu đến trước mặt vua Nabukôđônôsor. Khi nói
chuyện với các cậu, vua thấy mọi người không ai bằng Đaniel, Anania, Misael và
Azaria. Các cậu đứng trước mặt vua. Vua hỏi các cậu về sự khôn ngoan và thông
minh, thì thấy các cậu giỏi hơn gấp mười lần các thuật sĩ, đồng bóng trong cả
nước của vua. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Đn 3, 52. 53. 54. 55. 56
A+B:Chúa đáng ca ngợi và tôn
vinh muôn đời (c. 52b).
A)Lạy
Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn
vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi,
tôn vinh và tán tụng muôn đời.
B)Chúa
đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
A)Chúc
tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
B)Chúc
tụng Chúa, Đấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi
và tôn vinh muôn đời.
A)Chúc
tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
A+B:Chúa
đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).
ALLELUIA: Lc 21, 36 – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng
đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 21, 1-4
“Người thấy một bà goá nghèo
khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy,
Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền.
Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng:
“Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi
người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng
thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Cho Ði Tất Cả
Vào
thời xưa cũng như thời này, có những giai tầng bị loại ra bên lề. Họ có thể là
những người mắc bệnh không có thuốc chữa, họ có thể là những người nghèo không
một xu dính túi. Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, có các bà
góa; nhất là trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại Israel, phụ nữ khi kết
hôn phải cắt đứt giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và từ lúc chồng chết cũng
là lúc mọi tiếp tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Bà góa
nghèo trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa
cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy
trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền
nhỏ có giá trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống;
vì thế bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi
này có thể nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu chúng ta phải nghèo về vật chất
để được thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất
cả, kể cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn được Chúa khen ngợi chăng?
Ðã hẳn
trong Tin Mừng, người nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của
Chúa Giêsu người giầu có khó vào được Nước Trời. Thật ra, người nghèo được gọi
là có phúc, không phải vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự
nghèo khổ, vì sự nghèo túng tự nó không làm cho ai nên thánh, có chăng chỉ những
người nghèo biết chấp nhận thân phận của mình để chờ đợi từ người khác và cậy
trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nói khác đi, cái nghèo vật chất không
phải tự nó biến sự túng thiếu thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo
khó, chính ý thức sự lệ thuộc của mình vào người khác, nhất là đặt trọn niềm
tín thác vào Thiên Chúa, mới làm cho những người nghèo trở nên giầu tình người
và đậm đà tình Chúa.
Bà góa
nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã
dâng cúng trọn vẹn cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng tiền đó là do lòng hảo
tâm của người khác và bà muốn biểu lộ sự tín thác của mình vào sự quan phòng của
Thiên Chúa qua việc cho đi tất cả. Vấn đề đáng suy nghĩ là liệu hành động của
bà góa nghèo này có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu không phải là tạo thêm sự
nghi kỵ trong xã hội? Sống trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, còn có một
mô thức của xã hội nơi bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được đem ra thực hành,
để không ai còn bị tiền tài, danh vọng, quyền lực chi phối, nhưng mọi người đều
thực hành tình liên đới, yêu thương, chia sẻ. Với lời khen ngợi hành động của
bà góa nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn trật tự xã hội, vì Ngài không
những kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng còn muốn đẩy mạnh tiến trình
đổi mới xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những gì mình có để xây dựng và
phục vụ xã hội.
Ðể sống
trọn Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh thần nghèo khó để ý thức
sự lệ thuộc của tôi vào người khác và vào Thiên Chúa không? Tôi đã và đang làm
gì để góp phần xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản
ánh tình yêu Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh
tiến trên con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 34 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Dan 1:1-6, 8-20; Lk
21:1-4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Luôn tin tưởng nơi sự quan phòng
của Thiên Chúa.
Nhiều người nghĩ phải có tiền của
để ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà cao, đi xe sang trọng mới hạnh phúc; nhưng thực tế
chứng minh có những thứ này không đem lại hạnh phúc thực sự cho con người, và
nhiều khi còn đe dọa sức khỏe và mạng sống con người nữa. Ngược lại, có những
người nghèo, tuy sống một cuộc đời đơn giản, nhưng vẫn khỏe mạnh và luôn bình
an hạnh phúc, vì họ luôn tin tưởng nơi tình yêu Thiên Chúa và sự quan phòng của
Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những
mẫu gương hoàn toàn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và biết sống một
cuộc đời đơn giản. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Daniel tường trình câu truyện của
4 đứa trẻ Do-thái biết kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ Lề Luật. Chúng sẵn sàng từ
bỏ mọi đặc quyền nhà vua ban được ăn uống ngon lành để trung thành với Lề Luật
và sống một cuộc đời đơn giản. Với sự phù hộ của Thiên Chúa, Nhà Vua và viên
Thái Giám nhìn nhận chúng mạnh khỏe và khôn ngoan hơn những trẻ ăn những thứ
cao lương mỹ vị và uống rượu. Trong Phúc Âm, đang khi quan sát dân chúng bỏ tiền
vào hộp tiền trong Đền Thờ, Chúa Giêsu nhận ra ngay một bà góa nghèo khổ, đơn
giản, đến bỏ vào hai đồng tiền kẽm. Chúa tuyên bố với các môn đệ bà góa đó đã bỏ
vào thùng tiền nhiều hơn ai hết, vì Bà đã hy sinh đồng tiền cần cho sự sinh sống
của Bà.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trong số các trẻ ấy không có đứa nào được như Daniel, Hananiah,
Misael và Azariah.
1.1/ Vua Babylon biết dân tộc
Do-thái rất thông minh: Hầu như mọi người phải nhìn nhận
dân tộc Do-thái là một dân tộc rất thông minh và can đảm. Nhiều người cho sở dĩ
họ được như thế vì họ là dân riêng của Thiên Chúa. Vua xứ Babylon là
Nebuchadnezzar biết rõ điều này, nên sau khi ông đã chiến thắng khải hoàn và bắt
dân Do-thái phải lưu đày qua Babylon; ông nghĩ chuyện phải huấn luyện các trẻ
Do-thái khôn ngoan để dùng trong hoàng gia của ông.
(1) Suy nghĩ của Nhà Vua: Khi chọn
các trẻ trong hoàng gia và quí tộc của Do-thái để huấn luyện, vua Babylon nghĩ
phải cho chúng ăn những cao lương mỹ vị và uống rượu, chúng mới trở thành những
người khôn ngoan và mạnh khỏe. Vì thế, Nhà Vua truyền cho quan đứng đầu các
thái giám là Ashpenaz dành cho chúng khẩu phần hằng ngày trong thức ăn rượu uống
của nhà vua. Chúng phải được nuôi dạy ba năm, và sau thời hạn đó, phải ra mắt
nhà vua.
(2) Lòng can đảm của Daniel:
Trong số các trẻ ấy có Daniel, Hananiah, Misael và Azariah là những người
Judah. Phần Daniel, vì quyết tâm không để mình bị ô uế do thức ăn rượu uống của
nhà vua, chàng đã xin quan cho mình khỏi bị ô uế. Chúa đã khiến cho Daniel được
cảm tình của quan đứng đầu các thái giám. Nhưng quan này nói với Daniel rằng:
"Ta sợ Đức Vua; Ngài đã chỉ định đồ ăn thức uống cho các ngươi. Vua mà thấy
mặt mũi các ngươi gầy ốm hơn các bạn cùng tuổi thì chính các ngươi sẽ khiến ta
mang tội trước mặt vua." Daniel thuyết phục: "Xin quan cứ thử các tôi
tớ của quan đây trong mười ngày: cứ cho chúng tôi ăn rau uống nước, rồi quan
nhìn sắc mặt chúng tôi và sắc mặt những đứa dùng thức ăn của nhà vua. Lúc đó
quan thấy thế nào thì cứ xử với các tôi tớ của quan như vậy."
1.2/ Kết quả của việc ăn uống đơn
giản: Quan chấp nhận lời các cậu ấy xin và thử trong mười ngày. Hết mười
ngày, quan thấy các cậu sắc mặt hồng hào, da thịt đầy đặn hơn tất cả những đứa
đã dùng thức ăn của nhà vua. Thế là quan giám thị cất phần thức ăn rượu uống của
các cậu đi và cứ cho ăn rau. Điều này chứng minh sức khỏe không lệ thuộc nơi việc
ăn cao lương mỹ vị và uống rượu. Bốn cậu bé này đều được Chúa ban ơn hiểu rộng
biết nhiều về tất cả chữ nghĩa và lẽ khôn ngoan. Riêng Daniel còn được hiểu biết
mọi thị kiến và điềm báo mộng. Khi đến thời hạn phải đưa bọn trẻ ra như vua đã
truyền, quan đứng đầu các thái giám đem chúng ra trước mặt vua Nebuchadnezzar.
Nhà vua nói chuyện với chúng, và trong số các trẻ ấy không có đứa nào được như
Daniel, Hananiah, Misael và Azariah. Thế là bốn cậu này được đứng chầu vua, và
khi vua hỏi các cậu về bất cứ điều gì cần đến sự khôn ngoan và tài trí, thì đều
thấy các cậu trổi vượt gấp mười lần hơn tất cả các thầy phù thủy và pháp sư
trong toàn vương quốc.
2/ Phúc Âm: Bà bỏ vào tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.
2.1/ Tiêu chuẩn xác định cho nhiều
hay ít: không dựa trên số lượng cho mà dựa trên số lượng người cho có.
Chẳng hạn: một người cho 5000 đồng, nhưng tài sản anh có là 1,000,000 đồng, tỉ
lệ anh cho đi là 1/200, một số lượng rất nhỏ so với tài sản của anh. Trong khi
đó, một người nghèo bỏ vào chỉ 2 hào, nhưng tài sản anh có là 4 hào, tỉ lệ anh
cho đi là ½; anh đã cho phân nửa tài sản anh có.
Chúa Giêsu có lẽ đang ngồi ở
“Sân của phụ nữ” trong Đền Thờ. Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người
giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá
túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: "Thầy bảo thật
anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người
kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì
rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống
mình.”
Trước mắt con người, hầu hết sẽ
đánh giá trị sai. Họ sẽ quí trọng tiền cho của người giầu và khinh thường sự
đóng góp của người đàn bà góa; họ sẽ nghĩ hai đồng kẽm này làm được gì, lại còn
phải nhớ số lẻ trong việc làm sổ sách nên quăng đi cho xong chuyện! Nhưng với cặp
mắt thấu suốt mọi sự của Chúa Giêsu, Ngài phân biệt rõ cho các môn đệ: Đừng
đánh giá theo giá trị bên ngòai, nhưng phải đánh giá theo khả năng bên trong.
2.2/ Niềm tin vào sự quan phòng và
tình yêu của Thiên Chúa: Sự rộng lượng cho đi đòi Bà phải
có một đức tin vững chắc nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu không có niềm
tin này, Bà sẽ giữ tiền lại số tiền đó để có thể sinh sống trong tương lai như
biết bao con người đang làm. Bà tin tình yêu của Thiên Chúa sẽ không để Bà phải
chết đói. Ngài thương yêu Bà còn hơn những thú vật ngoài đồng hay chim trời, cá
biển.
Tiền bạc là cái cho đi thấp nhất;
ngòai tiền bạc ra, người môn đệ của Đức Kitô còn phải cho đi nhiều thứ khác khó
khăn hơn nhiều như: ý muốn, tình yêu, thời gian, tài năng, sức khỏe. Chúa đòi hỏi
người môn đệ: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu
con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình
mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10:37-39).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hạnh phúc cuộc đời không lệ
thuộc vào tiền của hay phải ăn ngon mặc đẹp; nhưng lệ thuộc vào niềm tin nơi
tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.
- Giàu có và sung túc làm chúng
ta tự tin nơi sức con người của mình, và từ chối tin tưởng nơi tình yêu và sự
quan phòng của Thiên Chúa; không những thế, chúng còn đe dọa hạnh phúc và bình
an của cá nhân và gia đình.
- Mục đích của chúng ta khi sống
cuộc đời này là để làm chứng niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa.
Khi có cơ hội, chúng ta phải chứng tỏ niềm tin yêu này cho dù phải hy sinh ngay
cả đến tính mạng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
25/11/19 – THỨ HAI TUẦN 34 TN
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lc 9,23-26
THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
Đức Giê-su nói với mọi
người rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng
ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất
mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,23-24)
Suy niệm: Một người tầm sư học đạo
hoặc theo đuổi bất cứ ngành nghề nào, đều nhắm đến đầu ra là sẽ đạt được những
gì. Chúa Giê-su thấu hiểu điều ấy, nên thẳng thắn tuyên bố rằng ai chọn theo
Ngài thì “sẽ cứu được mạng sống mình,” nhưng cái giá phải trả là “mất mạng sống
vì Ngài.” Sở dĩ Chúa Giê-su đòi hỏi gắt gao như vậy, bởi vì theo Ngài, ta không
chỉ để học biết điều hay điều tốt, mà sâu xa hơn, còn để được biến đổi tận căn,
trở nên con người mới theo hình ảnh Ngài. Điều đó đồng nghĩa với việc con người
cũ nơi ta phải chết đi, tựa như hạt lúa mì, muốn phát triển thành cây, sinh nhiều
bông hạt, phải chấp nhận bị mục nát.
Mời Bạn: Có người thất vọng sau khi
chọn theo Chúa Ki-tô, bởi nguyện ước của họ đôi khi không được đáp thỏa. Còn bạn,
bạn đang mong muốn nơi Ngài điều gì, và liệu rằng, đó có phải điều Ngài từng hứa
với bạn chăng?
Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su đòi ta phải
vác thập giá theo Ngài và phải chấp nhận ‘chết đi’ mỗi ngày. Vì thế, cuối mỗi
ngày sống, ta nên xét lại xem: mình có thực sự sẵn sàng để trở thành môn đệ
Chúa Giê-su chưa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chấp nhận theo Chúa là chấp nhận mất để
được. Xin cho chúng con can đảm và khôn ngoan quyết tâm chọn Chúa, dám đánh đổi
sự sống trần thế vì đức tin, hầu có thể đạt được phần phúc như tổ tiên chúng
con là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Bỏ vào tất cả
Suy
niệm:
Thánh
Luca là văn sĩ tuyệt vời viết về sự hiền dịu của Đức Kitô.
Nhưng
thánh nhân cũng là người nhấn mạnh đến sự đòi hỏi.
Thầy
Giêsu đòi ai muốn theo Ngài phải từ bỏ tất cả (Lc 14, 33).
Các
môn đệ đầu tiên như Simon, Gioan, Giacôbê, Lêvi,
đều là
những người đã bỏ tất cả để theo Thầy (Lc 5, 11. 28).
Bà góa
nghèo trong bài Tin Mừng hôm nay (c.4)
cũng
là người đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để sinh sống.
Tất cả
và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi con người.
Yêu
Ngài bằng tất cả trái tim và tất cả sức lực của mình,
đó là
mệnh lệnh của Thiên Chúa dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Lc 10, 27).
Có người
tự hỏi nếu bà góa nghèo dâng cho Đền thờ
tất cả
số tiền nhỏ nhoi còn lại thì ngày mai bà sống bằng gì.
Bà có
phải là người bị đầu độc và bóc lột bởi các kinh sư không,
vì đã
có những kinh sư nuốt chửng nhà của các bà góa (Lc 20, 47)?
Đức
Giêsu có coi bà góa này như một tấm gương cho ta không?
Khi ngồi
nhìn người ta dâng cúng tiền cho Đền thờ,
Đức
Giêsu thấy người giàu bỏ tiền, có khi là những món tiền lớn.
Nhưng
Ngài cũng thấy một bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng.
Một
món tiền rất nhỏ, bằng đơn vị tiền tệ nhỏ nhất.
Ngài
nói cho các môn đệ nghe về cách đánh giá của Ngài,
cũng
là cách đánh giá của Thiên Chúa.
Bà góa
nghèo này đã bỏ nhiều hơn những người giàu.
Vì các
môn đệ có thể bị ngỡ ngàng, nên Ngài giải thích cho họ.
Người
giàu bỏ vào từ sự dư thừa của họ.
Còn bà
góa bỏ vào từ sự túng thiếu của bà (c. 4).
Trao
đi một điều đụng chạm đến cuộc sống của mình
thì
khó hơn gấp bội,
vì
mình phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức.
Bà góa
ở Xarépta chắc chắn đã gặp khó khăn
khi
ngôn sứ Êlia xin bà làm cho ông một cái bánh nhỏ trước đã,
rồi
sau đó mới làm cho bà và con bà (1 V 17,13).
Bà đã
dám vâng lời dù đang túng thiếu,
dù nhà
chỉ còn một nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò.
Cái chết
đang đến với mẹ con bà, vậy mà bà đã dám chia sẻ.
Chia sẻ
của hai bà góa trên đây đều nằm trong những tình huống
tưởng
như không thể chia sẻ được, vì chẳng có gì để chia sẻ.
Chia sẻ
cho Chúa hay cho tha nhân lúc ấy, thật là quý biết bao,
vì nó
đòi ta ném mình vào sự mất an toàn,
và đồng
thời ném mình vào vòng tay quan phòng của Thiên Chúa.
Mọi
tính toán kiểu con người biến mất,
để nhường
chỗ cho lòng quảng đại vô bờ.
Chắc
chắn Thiên Chúa chẳng để cho bà góa nghèo phải chết đói.
Hũ bột
không cạn và bình dầu không vơi
vẫn là
quà tặng Chúa ban cho bất cứ ai dám trao đi tất cả đời mình,
vì
trao đi mà sau đó mình không thấy thiếu thì không thật là trao đi.
Cầu
nguyện:
Lạy
Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy
con biết sống quảng đại,
biết
phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết
cho đi mà không tính toán,
biết
chiến đấu không ngại thương tích,
biết
làm việc không tìm an nghỉ,
biết
hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài
việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm.
Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG MƯỜI MỘT
Mái Ấm Đích Thực Của Chúng Ta
“Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào
lòng các ngươi” (Ed 36,27). Khi hai con người, một nam một nữ, tiến tới trước
bàn thờ trong tư cách là thừa tác viên của nhau để cử hành Bí Tích Hôn Phối,
Giáo Hội khẩn cầu cùng Đấng Tạo Hóa. Giáo Hội xin Thánh Thần xuống trên hai con
người sắp trở thành vợ và chồng và sắp bắt đầu một gia đình mới này. Họ sắp sửa
cùng chung sống dưới một mái nhà và cùng nhau xây dựng cuộc sống chung gia
đình.
Mái ấm là nơi mà vợ chồng chung
sống, là dấu hiệu bên ngoài của cuộc sống họ. Nhưng đó cũng là một mầu nhiệm
thâm sâu mà họ cùng nhau chia sẻ trong lòng. Con người ta không chỉ sống trong
một mái ấm, họ còn xây dựng một mái ấm. Và họ xây dựng mái ấm bằng cách sống
trong lòng nhau: chồng trong vợ, vợ trong chồng, con cái trong cha mẹ và cha mẹ
trong con cái. Và mái nhà của Cha chúng ta trên trời là chỗ trú ngụ đích thực của
trái tim con người. Như vậy, chúng ta nhìn thấy nơi mái nhà một phản ảnh mầu
nhiệm mà Đức Kitô nói đến trong Căn Gác Thượng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời
Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và cư ngụ trong người ấy”
(Ga 14,23).
Phụng vụ khơi gợi cho chúng ta
hình ảnh tuyệt vời của cộng đồng hôn nhân và đời sống gia đình vốn đã được mô tả
trong Thánh Kinh. Chúng ta gặp thấy hình ảnh đó trong Thư Eâphêsô khi Thánh
Phao-lô nói về sự kết hợp giữa vợ chồng trong hôn nhân Kitô giáo: “Đây là một mầu
nhiệm lớn lao, tôi đang nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32).
Tình yêu của vợ và chồng có mẫu
thức của nó nơi tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội và phản ảnh tình yêu ấy
cho thế giới. Trên Thập Giá, Đức Giêsu đã diễn tả đầy đủ nhất về tình yêu này.
Người hy sinh chính sự sống của Người vì tình yêu đối với Hiền Thê của người là
Giáo Hội. Chúa Thánh Thần, Đấng mà mỗi người chúng ta lãnh nhận trong Bí Tích
Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức, giúp cho những người vợ và chồng có thể yêu nhau
với cùng tình yêu hiến thân đó. Thánh Phao-lô dạy những người làm chồng: “Người
làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến
mình vì Hội Thánh, … thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Tình yêu của
Đức Kitô là một tình yêu bất diệt, một tình yêu không ngừng trao ban sự sống và
đơm bông kết trái. Cũng vậy, các đôi vợ chồng Kitôhữu được gắn kết với nhau
trong một sự kết hợp có sức sáng tạo và dưỡng nuôi sự sống mới.
– suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25/11
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
(Bổn mạng Hội Thánh tại Việt
Nam
Đn 12, 1-3; Dt 10, 11-14.18;
Mc 13, 24-32.
LỜI SUY NIỆM: “Lúc đó, Người sẽ
sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn
phương về, từ đầu mặt đất cho đế cuối chân trời.”
Trong thế giới ngày nay con người muốn: “Toàn cầu hóa mô hình kỷ trị”. Họ chỉ
còn tin vào khoa học, những gì mà con người nhìn thấy và sờ mó được, làm mất niềm
tin tôn giáo ở nhiều người; không còn tin có sự sống của đời sau. Chúa Giêsu
đang cảnh tĩnh mỗi người chúng ta: Sẽ có ngày quang lâm của Người, ngày đó sẽ
có sự sống lại để hưởng hạnh phúc hay phải bị án phạt đời đời.
Lạy Chúa Giêsu. Hôm nay chúng
con mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Giáo Hội cho chúng con thấy, thấy được
niềm vui mà các ngài đã hưởng được như trong sách Đanien nói tới: “Thời đó dân
ngươi thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của
Thiên Chúa.” (Đn 12,1b) và “nhờ Chúa các ngài trở nên hoàn hảo” (Dt 10,14). Xin
cho mỗi người chúng con khi mừng kính các ngài thì cũng cố gắng sống mỗi ngày
được tốt hơn để ngày sau chúng con cũng được hưởng hạnh phúc như các ngài.
Mạnh Phương
25 Tháng Mười Một
Không Qúa Muộn Ðể Nên Thánh
Người Nhựt Bản có kể một câu
chuyện như sau:
Zenkai là một thanh niên con
của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp
trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình.
Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp
với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một
con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất
khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ,
Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết
định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm
trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc
nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua
vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban
đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30
năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn
thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát
hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết
Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội
ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh
niên và van xin:
“Tôi xin sẵn sàng chịu chết.
Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự
đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi”.
Người thanh niên ở lại để chờ
cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm
gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn
nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng
làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù
đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục
và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành
trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ
dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến
phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người
thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
“Làm sao tôi có thể chém đầu
được thầy của tôi?”
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa
được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:” Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường
tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ”. Nét đẹp
quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm
và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên
đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy
trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn
trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong
lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với
Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực,
tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được
hận thù trong lòng người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét