Các Giám mục Nam Sudan kêu gọi
các chính trị gia: “Hãy nhớ lời kêu gọi quỳ gối của ĐTC cho hòa bình”
ĐTC hôn chân các vị lãnh đạo Nam Sudan (ANSA) |
Hôm 01/11, vào cuối thánh lễ Các Thánh, các Giám mục Sudan
và Nam Sudan đã đọc một thông điệp gửi cho tất cảc các giáo xứ ở Nam Sudan,
trong đó có đoạn nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo chính trị ở Nam
Sudan, chính phủ và phe đối lập, những người hầu hết là Kitô hữu, nhớ lại lời
kêu gọi và cử chỉ đặc biệt của Đức Thánh Cha nhằm mang lại hòa bình cho người
dân ở Nam Sudan”.
Ngọc Yến - Vatican
Vào ngày 11 tháng 4, tại Nhà trọ Thánh Matta ở Vatican, khi
các nhà lãnh đạo chính trị của Nam Sudan kết thúc những ngày tĩnh tâm; ĐTC đã đến
chào thăm họ. Và một cách tự phát ngài quỳ xuống và hôn chân từng vị. Đây là một
cử chỉ độc nhất của một vị giáo hoàng: quỳ xuống hôn chân những người đã từng
gây đau thương cho biết bao nhiêu người, trong đó có cả những người của Giáo hội.
Một cử chỉ mạnh mẽ như dấu chỉ hạ mình phục vụ và hoà giải.
Có mặt tại Nhà Thánh Matta của Vatican là ông Salva Kiir
Mayardit, Tổng thống Cộng hòa, cũng như năm vị Phó Tổng thống được bổ nhiệm,
bao gồm Riek Machar Teny Dhurgon, người từng là nhà lãnh đạo phe đối lập chính,
và những người khác. Theo “Thỏa thuận Hồi sinh của Hồi giáo về Giải quyết Xung
đột ở Nam Sudan”, các nhà lãnh đạo này sẽ nhậm chức vào ngày 12 tháng 5, đồng
thời chia sẻ quyền lực và chấm dứt cuộc xung đột vũ trang giữa các đảng phái và
giữa các cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế việc thành lập chính phủ mới cho một quốc
gia thống nhất đã bị hoãn lại nhiều lần. Hạn chót được đưa ra là ngày 12 tháng
11, nhưng tổng thống Salva Kiir đã ám chỉ việc thành lập một quyền hành pháp
không có sự hiện diện của Riek Machar. Các giám mục rất lo ngại nội chiến trở lại,
ở một đất nước đang bế tắc do hậu quả thảm kịch của cuộc xung đột nổ ra vào
tháng 12 năm 2013, thêm vào đó là thiệt hại do lũ lụt ảnh hưởng đến các khu vực
rộng lớn ở Nam Sudan.
Trong thông điệp, các Giám mục khẳng định: “Chúng tôi đã thấy
những vết thương và sự khốn khổ của người dân trong các trại, dành cho những
người di tản nội bộ ở hai nước và trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng.
Chúng tôi cảm nhận và chia sẻ các điều kiện kinh tế không thể chịu đựng được của
người dân chúng tôi ở Sudan và Nam Sudan”.
Trong tài liệu gửi đến Hãng tin Fides, các Giám mục khẳng định
gốc rễ của cuộc xung đột chính là lòng ham muốn quyền lực và sự giàu có. Và để
đạt được mục đích này họ tìm cách chia rẽ các bộ lạc, gây chiến tranh. (Fides
5/11/2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét