Phỏng vấn sơ Maria De Giorgi,
truyền giáo tại Nhật Bản về vài trò của phụ nữ Công giáo trong đối thoại liên
tôn
Phụ nữ Nhật |
Trong gần 35 năm qua, tại Nhật Bản, sơ Maria De Giorgi thuộc
Dòng Truyền giáo Xaverian, đại diện cho tiếng nói của phụ nữ về đối thoại liên
tôn. Ngày 12/11/2019, Báo Quan sát viên Rôma có cuộc phỏng vấn sơ Maria De
Giorgi về những vấn đề liên quan đến Giáo hội tại đây.
Ngọc Yến - Vatican News
Sơ Maria từng là giáo sư của Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở
Rôma, đây cũng là nơi sơ đã nhận bằng tiến sĩ thần học với luận văn về mối
tương quan giữa Phật giáo Tịnh độ và Kitô giáo. Từ năm 1987, sơ hoạt động tại
Trung tâm Đối thoại Shinmeizan ở Giáo phận Fukuoka, với vai trò là nhà tư vấn về
tương quan với các tôn giáo khác.
Chúng ta hãy bắt đầu với điều sơ biết rõ nhất. Công việc
của sơ tại Đất nước Mặt trời mọc như thế nào?
Từ năm 1959, chúng tôi dấn thân vào giáo dục, dạy giáo lý và
mục vụ giáo xứ. Vào năm 1987, chúng tôi hoạt động thêm trong lĩnh vực đối thoại
liên tôn; và gần đây hơn, chúng tôi chăm sóc mục vụ người nhập cư và tù nhân.
Nhật Bản là một quốc gia giàu và công nghệ phát triển cao. Từ cái nhìn tôn
giáo, mặc dù có sự hiện diện của các truyền thống tôn giáo cổ xưa - Thần đạo và
Phật giáo - và của vô số cái gọi là "tôn giáo mới", đất nước hiện đang
trải qua hiện tượng đáng lo ngại là “sự bất mãn và xa rời tôn giáo” do tục hóa
lan tràn. Kitô giáo, được Thánh Phanxicô Xavier rao giảng năm 1549, đã trải qua
sự bắt bớ và tử đạo trong suốt nhiều thế kỷ. Ngày nay, Giáo hội địa phương gồm
mười sáu giáo phận và Công giáo Nhật Bản chiếm 0,4 phần trăm dân số. Trong những
thập kỷ gần đây, số người Công giáo không phải người Nhật đã gia tăng, đặc biệt
từ Philippines, Việt Nam, Mỹ Latinh và các quốc gia khác, điều này mở ra một
biên giới mục vụ và truyền giáo mới.
Ngay cả ở Thái Lan, tại thời điểm chuyến tông du của ĐTC,
tỷ lệ Kitô hữu rất thấp, chỉ 0,6% trong tổng số dân. Tại Nhật, các nữ tu
Xaverian có vai trò gì trong xã hội và Giáo hội?
Chúng tôi cộng tác với Giáo hội địa phương để làm sống động
công cuộc rao giảng Tin Mừng. Cụ thể, các nữ tu Xaverian được yêu cầu trở thành
những người "đầu tiên rao giảng" cho những người chưa biết Chúa Kitô
và Tin Mừng của Ngài, trên hết cho những người thiệt thòi. Chúng tôi đồng hành
với các dự tòng, đặc biệt thăm viếng những ngôi làng hẻo lánh ở phía bắc của đất
nước.
Sơ nghĩ gì về vai trò của phụ nữ ở châu Á và Công giáo
nói riêng trong bối cảnh này?
Trong ba mươi năm truyền giáo tại Nhật Bản, tôi đã có cơ hội
đến thăm các quốc gia châu Á khác: Trung Quốc, Đài Loan, Philippines,
Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ. Thực tế này làm cho tôi thận trọng trong việc đánh
giá. Thật vậy, chúng ta rất dễ rơi vào những định kiến không tương ứng với thực
tế. Sự phức tạp của châu Á thể hiện trong lãnh vực dân tộc, lịch sử, văn hóa và
tôn giáo, đòi hỏi một cách tiếp cận theo ngữ cảnh và việc nhìn nhận căn tính cá
nhân. Điều kiện của phụ nữ và các vấn đề liên quan đến họ cũng phải được nắm bắt
và hiểu bắt đầu từ bối cảnh lịch sử, văn hóa và tôn giáo cụ thể mà nó được đưa
vào. Một bài phát biểu "nói chung" sẽ không dẫn đến công lý cho chính
người phụ nữ.
Tuy nhiên, như liên quan đến Nhật Bản, tôi có thể nói rằng
người phụ nữ, theo truyền thống, luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong gia
đình. "Quyền lực người mẹ" làm cho bà trở thành điểm tựa của các giá
trị và sự gắn kết xã hội và mang lại sự đóng góp vô cùng quan trọng cho đời sống
văn hóa và lịch sử dân tộc của đất nước. Chúng tôi có thể nói rằng, hiện tại, ở
Nhật Bản, phụ nữ được giải phóng hoàn toàn. Tuy nhiên, thật không may,
"kinh tế hóa" tràn lan trong đời sống xã hội buộc người phụ nữ phải
làm việc bên ngoài gia đình, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về căn tính phụ nữ
truyền thống và do đó, của gia đình.
Ngày càng có nhiều phụ nữ hoãn tuổi kết hôn hoặc từ bỏ nó;
cũng giống như tự do sống chung và ly dị đang gia tăng, tạo ra một "cuộc
khủng hoảng" có hậu quả tiêu cực không chỉ đối với gia đình mà còn đối với
xã hội. Tôi dám nói rằng, ngày nay, phụ nữ Nhật Bản đang tìm kiếm, ít nhiều một
cách vô thức, cho một căn tính mới, biết cách hài hòa di sản phong phú của quá
khứ với những nhu cầu khác của hiện tại.
Đối với "vai trò của phụ nữ Kitô giáo", đây là điều
quan trọng. Họ không chỉ có số lượng nhiều hơn nam giới, mà còn tham gia nhiều
vào các hoạt động mục vụ khác nhau. Trong mỗi giáo xứ, hiệp hội phụ nữ luôn là
một điểm tham chiếu quan trọng. Một đóng góp quan trọng khác cho đời sống Giáo
hội, ngay cả khi những người phụ nữ này sống ẩn kín và thinh lặng, đó là những
người sống đời chiêm niệm. Có hơn hai mươi đan viện chiêm niệm trên tổng dân số
người Công giáo khoảng 440.000 tín hữu.
Đến với lãnh vực lao động cụ thể ở Nhật Bản, cuộc sống
hàng ngày diễn ra như thế nào ở trung tâm Shinmeizan?
Đây là một trung tâm đối thoại về tinh thần và liên tôn nằm
trên ngọn đồi của thị trấn Nagomi, thuộc quận Kumamoto, trên đảo Kyushu. Trung
tâm được nhà truyền giáo Xaverian, cha Franco Sottocornola thành lập vào năm
1987, cùng với sự cộng tác của Hòa thượng Tairyu Furukawa, người đứng đầu ngôi
chùa Phật giáo Seimeizan Schweitzer.
Trung tâm muốn trở thành nơi gặp gỡ và đối thoại, mở ra cho
những người đang tìm kiếm nội tâm, ước muốn cầu nguyện trong thực hành thiền,
thinh lặng và lắng nghe Lời Chúa. Những năm gần đây, "những người hành
hương tinh thần" đã đến Shinmeizan, họ không chỉ đến từ nhiều vùng khác
nhau của Nhật Bản mà từ hơn bốn mươi quốc gia thuộc các châu lục.
Trung tâm có những đợt "tĩnh tâm" hàng tháng dành
cho tất cả mọi người; nhiều người có cơ hội tìm hiểu về Kitô giáo và tiến tới
lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Là một trung tâm của đối thoại liên tôn, chúng tôi
tìm cách thúc đẩy đối thoại theo nhiều chiều kích khác nhau: về "mức độ cuộc
sống", "công việc", "trao đổi thần học" và "trải
nghiệm tôn giáo".
Có rất nhiều sáng kiến được thực hiện trong những năm gần
đây, nhờ vào một mạng lưới liên lạc và cộng tác dày đặc với các ngôi chùa và tổ
chức của Phật giáo truyền thống, Thần đạo và một số phong trào tôn giáo. Trong
số này, gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình được tổ chức hai năm một lần tại
Shinmeizan, vào Chúa nhật gần đây nhất ngày 4 tháng 10, lễ Thánh Phanxicô
Assisi. Đối với các đối tác đối thoại của chúng tôi, đó là một khoảnh khắc đặc
biệt được chờ đợi.
Shinmeizan cũng tổ chức các cuộc hội thảo, các khóa học và
đào tạo đối thoại. Trung tâm cộng tác với Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên
tôn, trên hết qua cha Sottocornola, một nhà tư vấn; với tiểu ban về Đối thoại
Liên tôn của HĐGM Nhật Bản, chính tôi và các nhà truyền giáo là những người cố
vấn; với Viện nghiên cứu liên ngành về các tôn giáo và văn hóa của Gregoriana;
với Phong trào Đối thoại Liên tu sĩ; với "Nhóm trao đổi liên tôn" của
Fukuoka; và điều phối các hoạt động của "Nhóm đối thoại của khu vực
Kumamoto" thành lập năm 1992.
Các thành viên của Shinmeizan cũng tham gia vào "cuộc đối
thoại trao đổi thần học", đóng góp với các bài báo, hội nghị, khóa học và
đặc biệt là tương tác cá nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét