ĐTC gặp các Giám mục Thái Lan và
Liên hội đồng Giám mục Á châu
Sáng thứ sáu 22/11/2019, sau khi gặp các linh mục, tu sĩ, chủng
sinh và giáo lý viên, từ giáo xứ Thánh Phêrô ĐTC đến nhà thờ Chân phước
Nicolas. Tại đây, ĐTC có buổi nói chuyện với các Giám mục Thái Lan và Liên hội
đồng Giám mục Á châu.
Ngọc Yến - Vatican News
HĐGM Thái Lan được thành lập năm 1965, gồm các giám mục của
2 Tổng giáo phận và 9 Giáo phận. Chủ tịch là Đức cha Louis Chamniern
Santisukniram, Tổng Giám mục Thare-Nonseng. Hội đồng Giám mục Thái Lan là thành
viên của Liên hội đồng Giám mục Á châu.
Liên hội đồng Giám mục Á châu gồm các Hội đồng Giám mục Nam
Á, Đông Nam, Đông và Trung Á, 19 thành viên, có trụ sở tại Hồng Kông và được
thành lập vào năm 1970. Mục đích "để thúc đẩy tình liên đới và đồng trách
nhiệm của các thành viên" trong việc phục vụ Giáo hội và xã hội của các quốc
gia khu vực.
Mở đầu bài nói chuyện, ĐTC nhắc đến mẫu gương hy sinh dâng
hiến cả cuộc đời của Chân phước Nicolás Bunkerd Kitbamrung, cho công cuộc rao
giảng Tin Mừng, dạy giáo lý, đào tạo các môn đệ của Chúa tại Thái Lan, cũng như
một phần Việt Nam và dọc biên giới với Lào, và được phúc tử đạo. ĐTC mời gọi
các Giám mục đặt cuộc gặp gỡ này dưới cái nhìn của Chân phước, để mẫu gương của
Chân phước gia tăng lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho các Giáo hội châu Á.
Liên quan tới việc năm 2020 Liên hội đồng Giám mục Á châu sẽ
kỷ niệm 50 năm thành lập. ĐTC nhắc nhở rằng đây là một cơ hội tốt để trở về
thăm những "nơi thánh thiêng", nơi gìn giữ cội rễ truyền giáo và để
Chúa Thánh Thần thúc đẩy theo bước chân của tình yêu đầu tiên.
Hiện trạng xã hội Á châu, vai trò của các vị mục tử
Đi vào thực tế xã hội Á châu, ĐTC nhận định rằng đây là một
lục địa đa văn hóa và đa tôn giáo, điều này là tốt đẹp và phong phú. Nhưng bên
cạnh đó tiến bộ công nghệ làm cho cuộc sống được mở ra, nhưng cũng làm cho chủ
nghĩa tiêu dùng ngày càng tăng, dẫn đến bất bình đẳng về kinh tế và xã hội tồn
tại giữa người giàu và người nghèo. Đứng trước hiện trạng này, các vị mục tử
cùng đấu tranh với dân tộc mình. Điều cần thiết là nhớ đến các vị truyền giáo đầu
tiên để "học từ các ngài cách các ngài đối diện với những khó khăn của thời
đại của các ngài" (Evagelii gaudium, 263), giúp chúng ta tháo bỏ mọi thứ
đã "bám chặt vào chúng ta", làm cho hành trình trở nên nặng nề.
Vai trò của Chúa Thánh Thần
Một điều quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng đối với
ĐTC đó là tin tưởng, biết rằng chính Chúa Thánh Thần là Đấng đầu tiên đi trước
và kêu gọi. Chúa Thánh Thần đến trước nhà truyền giáo và ở lại với họ. Chúa
Thánh Thần nâng đỡ và thúc đẩy các Tông đồ và nhiều nhà truyền giáo không bỏ
qua bất kỳ vùng đất, con người, văn hóa hay hoàn cảnh nào. Các vị đã không tìm
kiếm vùng đất mà sẽ đảm bảo thành công; ngược lại, "sự bảo đảm" của
các ngài đó là tin chắc rằng không có ai và không có văn hóa nào không có khả
năng đón nhận hạt giống của sự sống, hạnh phúc và đặc biệt là tình bạn mà Chúa
muốn ban cho họ.
Một phần của dân tộc mình
Tiếp đến, ĐTC nhắc nhở các Giám mục hãy nhớ rằng chúng ta
cũng là một phần của dân tộc này; chúng ta được chọn như những người phục vụ,
không phải là ông chủ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đồng hành những người
mà chúng ta phục vụ với sự kiên nhẫn và dịu dàng, lắng nghe, tôn trọng phẩm giá
của họ, luôn khuyến khích và đánh giá các sáng kiến tông đồ của họ. Chúng ta đừng
đánh mất sự thật rằng, nhiều vùng đất của anh em đã được giáo dân truyền giáo.
Tương quan với các linh mục
Trong tương quan với linh mục, ĐTC nhấn mạnh cách đặc biệt:
“Tôi mời gọi anh em luôn luôn mở cửa cho các linh mục của anh em. Chúng ta đừng
quên rằng người thân cận gần gũi nhất của giám mục là linh mục. Hãy gần gũi, lắng
nghe, nâng đỡ các linh mục trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt khi anh em thấy các
linh mục nản lòng hoặc thờ ơ, đó là điều tồi tệ nhất trong những cám dỗ của ma
quỷ. Và anh em làm điều đó không phải với tư cách là thẩm phán, mà là những người
cha, không phải là những người quản lý sử dụng các linh mục, mà như những người
anh cả. Tạo ra một bầu không khí tin tưởng, thúc đẩy cuộc đối thoại chân thành
và cởi mở, tìm kiếm và xin ân sủng để có sự kiên nhẫn như Chúa có với mỗi chúng
ta, điều đó thực sự tuyệt vời!”
Kết thúc bài huấn dụ ĐTC động viên: Mặc dù trong tương lai
không thiếu những vấn đề chúng ta phải đối diện, nhưng tin tưởng chính Chúa là
người đến với sức mạnh Phục sinh biến mọi tai ương, mọi vết thương thành nguồn
sống. Chúng ta nhìn về tương lai và xác tín rằng chúng ta không đi một mình,
Chúa đang chờ đợi và mời chúng ta nhận ra Ngài, trước hết trong việc bẻ bánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét