Trang

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

17-08-2012 : THỨ SÁU TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN


Thứ Sáu sau Chúa Nhật 19 Quanh Năm
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 16, 1-15. 60. 63
"Ngươi tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi, thế mà ngươi đã mãi dâm truỵ lạc".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, hãy cho Giêrusalem biết tội ác ghê tởm của nó. Hãy nói: Chúa là Thiên Chúa phán cùng Giêrusalem rằng: Nguồn gốc và sinh quán của ngươi là xứ Canaan. Cha ngươi là người Amorê: mẹ ngươi là người Xêthêa. Khi ngươi sinh ra, ngày ngươi chào đời, người ta không cắt rốn, không rửa ngươi trong nước cho sạch sẽ, không xát muối và bọc khăn cho ngươi. Không ai đem lòng thương xót nhìn ngươi để làm cho ngươi một công việc nào như thế. Ngày ngươi sinh ra, vì ghê tởm ngươi, người ta đã bỏ ngươi ngoài đồng.
Ta đi qua gần ngươi và thấy ngươi dẫy dụa trong máu. Ta đã nói cùng ngươi rằng: 'Hãy sống trong máu và lớn lên như cỏ ngoài đồng'. Ngươi đã nảy nở, lớn lên và đến tuổi dậy thì. Ngực ngươi nở nang, tóc ngươi rậm dài, nhưng ngươi vẫn khoả thân. Bấy giờ Ta đi qua gần ngươi và thấy ngươi. Lúc đó ngươi đã đến tuổi yêu đương. Ta lấy vạt áo trải trên mình ngươi mà che sự khoả thân của ngươi. Ta thề và kết ước với ngươi - lời Chúa phán - và ngươi đã thuộc về Ta. Ta đã tắm ngươi trong nước, rửa máu trên mình ngươi và xức dầu cho ngươi. Ta đã mặc cho ngươi áo màu sặc sỡ và xỏ giày da tốt cho ngươi, thắt lưng ngươi bằng dây gai mịn và choàng cho ngươi áo tơ lụa. Ta đã lấy đồ quý mà trang điểm cho ngươi. Ta đã đeo xuyến vào tay ngươi, đeo kiềng vào cổ ngươi. Ta đã xỏ khoen vào mũi ngươi, đeo hoa tai vào tai ngươi và đặt triều thiên rực rỡ trên đầu ngươi. Ngươi đã được trang điểm bằng vàng bạc, mặc áo bằng vải mịn, tơ lụa và hàng thêu. Ngươi ăn bột miến lọc, mật ong và dầu ôliu. Càng ngày ngươi càng xinh đẹp và tiến lên ngôi nữ hoàng. Ngươi đã lừng danh giữa các dân tộc nhờ sắc đẹp của ngươi vì ngươi thật là tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi. Chúa là Thiên Chúa phán, nhưng ngươi đã cậy sắc đẹp và lợi dụng danh tiếng của ngươi, để mãi dâm trụy lạc. Ngươi hiến thân cho bất cứ ai qua đường. Nhưng phần Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã lập với ngươi khi ngươi còn xuân xanh. Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Như thế, để ngươi phải nhớ lại mà xấu hổ, và vì xấu hổ, ngươi sẽ không còn mở miệng ra nữa, khi Ta tha thứ hết mọi việc ngươi đã làm. Chúa là Thiên Chúa phán".
Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Ed 16, 59-63
"Ngươi tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi, thế mà ngươi đã mãi dâm truỵ lạc".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Chúa là Thiên Chúa đã phán thế này: "Ta sẽ đối xử với ngươi như ngươi đã đối xử với Ta, ngươi đã khinh rẻ lời thề mà huỷ bỏ giao ước. Nhưng phần Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã lập với ngươi khi ngươi còn xuân xanh. Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Và ngươi sẽ ghi nhớ các đường lối của ngươi mà cảm thấy nhục khi Ta lấy các chị các em gái ngươi mà ban cho ngươi làm con, mặc dầu chúng không có chân trong giao ước của ngươi. Ta sẽ giữ vững giao ước của Ta với ngươi, và ngươi sẽ biết rằng Ta là Chúa, và như thế, để ngươi phải nhớ lại mà xấu hổ, và vì xấu hổ, ngươi sẽ không còn mở miệng ra nữa, khi Ta tha thứ hết mọi việc ngươi đã làm. Chúa là Thiên Chúa phán".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Ðáp: Chúa đã bỏ cơn giận của Chúa và đã an ủi tôi (c. 1c).
Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. - Ðáp.
2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người; hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa; hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. - Ðáp.
3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu; hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi. - Ðáp.

* * *

Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

Mt 19:3-12

Phúc Âm: Mt 19, 3-12
"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: "Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?" Người đáp: "Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly". Họ hỏi lại: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" Người đáp: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".
Các môn đệ thưa Người rằng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Người đáp: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu khẳng định luật nguyên thủy của hôn nhân là một vợ một chồng: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly". Thế mà con người ngày nay đang đi ngược với luật Chúa. Biết bao cảnh gia đình tan rã, vợ chồng phân ly không ngừng diễn ra trên thế giới. Ðiều đó cho thấy con người đang đánh mất dần ân sủng và hiệu quả của bí tích Hôn Phối.
Ðức Giêsu cũng còn nhấn mạnh đến việc tự nguyện sống độc thân trọn vẹn để phục vụ Nước Trời. Ðó chính là ơn gọi sống đời dâng hiến, một ơn gọi cao quí Thiên Chúa ban riêng cho những người Chúa chọn.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chúc phúc cho chúng con, dù sống bậc hôn nhân, hay tu trì tận hiến. trong ơn gọi mỗi người xin cho chúng con biết ý thức rằng: Yêu thương là con đường của Chúa. ước gì mọi gia đình chúng con sống hòa hợp để làm phát sinh những người con ích lợi cho xã hội. cho Nước Trời. Xin cho các bậc tu trì biết hoàn toàn hiến thân vì hạnh phúc muôn người, để danh Chúa được vinh sáng. Amen.



(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Suy Niệm:
Vấn Ðề Ly Dị
Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14, 1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi. Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.
Chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. "Ai có thể hiểu được thì hiểu", ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp nào cũng bị hạ thấp.
Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Xin Chúa canh tân tình yêu chúng ta, cho tình yêu chúng ta hòa nhập vào tình yêu thần thiêng của Chúa, để chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta theo đúng chương trình của Chúa.

(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần 19 TN2

Bài đọc: Eze 16:1-15, 60, 63 (hay Eze 16:59-63); Mt 19:3-12

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tình yêu và ly dị.

Nhiều đôi tân hôn trong ngày cưới đã yêu nhau và hạnh phúc đến độ mọi người nhìn vào đã phải thốt lên họ thật “xứng đôi vừa lứa.” Vài năm sau gặp lại hỏi anh chồng: “Vẫn hạnh phúc chứ?” Anh buồn bã quay đi và trả lời: “Ly dị rồi!” Làm sao hai người đã yêu nhau đến thế và đã thề trước nhan thánh Chúa là sẽ yêu thương nhau trọn đời lại có thể “đường ai nấy đi” trong vòng mới chỉ hai hay ba năm? Thực ra, ly dị là vấn đề của mọi thời đại và mọi nơi. Trong xã hội chúng ta đang sống, ly dị trở thành phổ thông đến độ cứ hai cặp kết hôn thì một cặp ly dị. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Có được phép ly dị vì bất kỳ lý do nào không? Nếu được, trong hoàn cảnh nào được phép ly dị?

Các bài đọc hôm nay tập trung trong hai chủ đề tình yêu và ly dị. Trong bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel dùng hình ảnh một cô gái để nói lên tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Israel. Ngài yêu họ khi họ chưa là một quốc gia, khi họ vẫn còn bị đối xử tàn nhẫn như nô lệ bên Ai-cập. Ngài đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ và đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc. Ngài đuổi dân bản xứ đi và cho họ vào sở hữu một vùng đất chảy sữa và mật... Nhưng khi họ đã trở thành một dân tộc, họ đã bội nghĩa quên thề để chạy theo thờ phượng các thần của ngoại bang. Ngài có thể bỏ mặc họ cho quân thù giày xéo, nhưng Ngài chọn con đường yêu thương họ đến cùng. Trong Phúc Âm, một số người Pharisees đến thách thức và hỏi Chúa Giêsu: “Người ta có được ly dị vợ mình vì bất kỳ lý do gì không?” Chúa Giêsu cho họ nguyên lý của Thiên Chúa từ thuở ban đầu: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”



KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Israel: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

1.1/ Thiên Chúa yêu Israel dù họ chẳng có gì đáng yêu: Để hiểu tội lỗi của Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa nặng đến chừng nào, Thiên Chúa đã trở về nguồn gốc quá khứ để cho họ thấy Ngài đã yêu họ như nào. Ngài dùng hình ảnh một trẻ gái mới sinh để mô tả nguồn gốc của Israel, họ không phải là một quốc gia từ đầu, chẳng có đất đai hay của cải để sinh sống, chẳng ai thèm quan tâm đến nhu cầu của họ, làm nô lệ và bị đối xử tàn nhẫn bên Ai-Cập. Chúa đã nghe tiếng khóc than của họ nên Ngài đã dùng Moses đưa họ vượt Biển Đỏ vào Đất Hứa.

Khi đã vượt Biển Đỏ vào sa mạc, Chúa đã đồng hành để dạy dỗ và thanh tẩy họ, nhưng lúc ấy họ vẫn chưa có một tấc đất để ở (không mảnh vải che thân). Vì yêu thương nên Chúa đã thề nguyền và lập giao ước với họ (giao ước Sinai), Ngài trở thành Vua của họ, và họ trở thành dân riêng của Ngài. Thiên Chúa đã cho họ đánh thắng quân thù để chiếm Vùng Đất Hứa đầy sữa và mật mà Ngài đã hứa ban. Họ phát triển mạnh mẽ và trở thành một dân tộc nổi tiếng trên địa cầu vì Chúa ở với họ. Nhưng một khi đã trở nên mạnh mẽ và nổi tiếng, họ đã khinh dể lời thề mà huỷ bỏ giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, họ đã quay lưng phản bội Ngài để chạy theo các thần ngọai bang và thờ phượng chúng.

1.2/ Thiên Chúa vẫn trung thành yêu thương: Mặc dù bị Israel phản bội, Thiên Chúa vẫn trung thành với giao ước mà Ngài đã thiết lập với họ từ thời họ còn thanh xuân. Ngài sẽ phải đánh phạt họ để thanh tẩy trước khi ký kết với họ một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu. Tất cả quá khứ của Israel đã được các tiên tri phơi bày trước mắt họ để họ phải xấu hổ vì đã bội ước quên thề, và trong lúc phải tủi nhục, họ sẽ không dám mở miệng nói gì được nữa, khi Chúa tha thứ cho họ tất cả những việc họ đã làm.

2/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị.

2.1/ Tại sao không được ly dị? Khi những người Biệt-phái và Luật-sĩ đến hỏi Chúa Giêsu có được phép ly dị vì bất cứ lý do nào không? Thay vì trả lời có hoặc không, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc từ thuở ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng con người: “Ngài đã làm ra con người có nam có nữ, và Ngài đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Gen 2:23-24). Thiên Chúa thiết lập nguyên tắc chứ không thiết lập luật, và dựa trên nguyên tắc này thì hôn nhân bất khả phân ly.

2.2/ Tại sao Moses cho phép ly dị? Khi họ thưa với Người: "Thế sao ông Moses lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?" Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá (schlerokardía = khó dạy), nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu.” Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu kêu gọi họ trở lại thuở ban đầu khi mọi sự Chúa dựng nên đều tốt lành, ly dị chỉ xảy ra sau khi con người đã sa ngã và Moses đã cho phép. Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây đó là luật của con người làm ra vì sự cứng lòng của con người, chứ không phải luật của Thiên Chúa ban cho. Nếu con người muốn trở lại thuở ban đầu tốt lành thì không bao giờ được ly dị.

Có sự khác biệt giữa các Phúc Âm Nhất Lãm trong câu kế tiếp: Marcô và Luca không liệt kê ra bất cứ trường hợp nào được phép ly dị, nhưng Matthew liệt kê một trường hợp có thể được ly dị khi Chúa nói: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp gian dâm (pornéia), ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 18:9). Các nhà chú giải tranh luận về nghĩa của pornéia vì nó có quá nhiều nghĩa. Theo Friberg lexicon, “pornéia” có nghĩa gian dâm, rộng hơn “moikéia”= ngọai tình. Pornéia có thể bao gồm bất cứ lọai gian dâm nào như giao hợp giữa hai người chưa kết hôn, đĩ điếm, hay các loại giao hợp bất bình thường.

2.3/ Tại sao có những người không kết hôn? Các môn đệ thưa Người: Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn. Nhưng Người nói với các ông: Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Rồi Chúa liệt kê 3 hạng người không kết hôn: (1) Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng: Đây gồm những người thiếu các yếu tố sinh lý cần thiết để có thể giao hợp. (2) Có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn: Đây gồm những họan quan làm việc trong triều đình để tránh việc họ có thể giao hợp với các cung phi của nhà vua. (3) Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời: Đây gồm các linh mục, tu sĩ nam, nữ, giáo dân, những người tự ý không kết hôn để họ có thể dành tất cả cuộc đời cho việc mở mang Nước Chúa.



ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Ly dị không thể chấp nhận vì 2 lý do chính: (1) Đó là nguyên tắc căn bản từ ban đầu: Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không thể phân ly, và (2) Thiên Chúa đã làm gương cho con người về sự trung thành: Ngài đã tha thứ hết mọi tội cho con người dẫu con người đã phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã chết cho con người khi con người vẫn còn là tội nhân.

- Hậu quả của ly dị: tan nát gia đình, để lại vết thương lòng cho mọi người trong gia đình, và con cái là thành phần phải chịu thiệt hại nhiều nhất.

- Đau khổ trong đời sống gia đình không thể nào tránh được, nhưng có thể vượt qua với ơn thánh của Chúa ban qua các bí-tích, nhất là bí-tích Hòa Giải và Thánh Thể. Hai vợ chồng cần năng lãnh nhận hai bí-tích này thì mới mong có thể trung thành với nhau suốt cuộc đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

****************

17/08/12 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Mt 19,3-12

ĐỘC THÂN VÌ NƯỚC TRỜI

“Và có những người hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời.” (Mt 19,12)

Suy niệm: “Động lực duy nhất và đích thực cho việc độc thân là để trung tín trong việc hoàn toàn bắt chước Đức Giêsu Kitô... Việc độc thân thuộc lãnh vực tình yêu, mà tình yêu thì không thể giải thích hay lý luận” (Hồng y G. Daneels). Tại sao những cô gái chàng trai tuổi xuân phơi phới, với một tương lai đầy hứa hẹn, lại giã từ tất cả, tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống độc thân tu sĩ hay linh mục? Đúng là ta không thể tìm ra lý do để giải thích, chỉ cảm nhận rằng họ đang yêu, yêu Đấng vô hình, yêu Đấng đã chết và sống lại cho họ. Để diễn tả tình yêu ấy một cách cụ thể và triệt để, họ sẵn lòng khước từ hạnh phúc nam nữ, để sống độc thân vì Nước Trời như Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu, sống và chết như Ngài.

Mời Bạn: Lý tưởng đời tận hiến cao đẹp quá vì đi đến ngọn nguồn sự sống con người là noi gương Đức Kitô, sống tình con thảo với Chúa Cha và hết lòng phục vụ tha nhân! Bạn hãy cầu nguyện cho nhiều người quảng đại dấn thân trong đời sống cao đẹp này. Có khi chính bạn cũng được Chúa mời gọi dấn bước trên con đường cao cả này đấy! Ước gì bạn đừng từ chối.

Chia sẻ: Gia đình, cộng đoàn, đoàn thể... của tôi đã quan tâm đến việc gieo mầm cho ơn gọi tu trì chưa?

Sống Lời Chúa: Tìm một phương cách giúp mình tích cực góp phần vào việc phát triển ơn gọi linh mục và tu sĩ trong gia đình, đoàn thể hay xứ đạo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nêu gương cho chúng con dành cả cuộc sống để loan báo và xây dựng Nước Trời. Xin cho chúng con noi gương Chúa, hiếu thảo với Chúa Cha và sống liên đới, yêu thương, phục vụ lẫn nhau. Amen.




Một xương một thịt

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau. Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp. Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.

Suy nim:
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các Kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long trở thành một giấc mơ.
Trong xã hội Do Thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Người vợ là một thứ tài sản của người chồng,
nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi chỉ vì một lý do cỏn con.
Trước câu hỏi: “Chồng có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?”
Đức Giêsu đã kiên quyết nói không (c. 6).
Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.
Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần hay không ưng.
Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo thời đó.
Điều này khiến chính các môn đệ bị sốc (c. 10).
Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ khi họ muốn.
Người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Môsê (c. 7).
Còn Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác,
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4. 8)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8).
Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê,  thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.
Cầu nguyn:
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".
Thủy chung trong hôn nhân
Cách đây vài năm, không những hai miền nam bắc Triều Tiên mà có lẽ cả thế giới cùng khóc trước cảnh tượng hai trăm người già của từ hai miền của đất nước bị chia cắt từ năm mươi năm nay gặp lại nhau, ôm chầm lấy nhau, chan hòa trong tiếng khóc và niềm vui đoàn tụ. Theo thống kê, có khoảng ít nhất bảy triệu gia đình Nam Hàn có liên hệ máu mủ với Bắc Hàn. Trừ một số nhỏ đã được đoàn tụ tại những nước thứ ba, phần lớn các gia đình Triều Tiên đều bị ly tán kể từ cuộc chiến tranh nam bắc hồi năm 1953. Gia đình đổ vỡ và ly tán vẫn là một trong những nỗi đau lớn nhất trong cuộc sống con người.
Không riêng gì chiến tranh, nạn ly dị mà chúng ta đang chứng kiến trong hầu hết các xã hội đương đại đã và đang là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vết thương khó hàn gắn nhất trong lòng người. Gia đình đứng vững, xã hội mới ổn định. Nhưng gia đình chỉ có thể đứng vững khi được xây dựng trên ý muốn của Ðấng Tạo Hóa về định chế hôn nhân mà thôi. Ðây là đạo lý mà Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta cùng nhau ôn lại qua đoạn Tin Mừng hôm nay.
Câu hỏi mà những người biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu gợi lại cuộc tranh luận giữa các trường phái Do Thái về luật cho phép ly dị được Môsê qui định trong sách giới luật. Luật Môsê cho phép người đàn ông bỏ vợ, nếu tìm thấy nơi vợ một thứ tì ố kín đáo nào đó. Các trường phái có khuynh hướng phóng khoáng giải thích rằng nếu một người chồng gặp một người đàn bà khác đẹp hơn và nhận thấy vợ mình xấu xí đến độ nhờm tởm, người đàn ông ấy được phép bỏ vợ. Những người có chủ trương nhiệm nhặt thì cho rằng một tì ố đáng khinh tởm nơi người vợ chỉ có thể là hành động ngoại tình mà thôi.
Như vậy, đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu, các biệt phái chỉ có ý gài bẫy Ngài, họ muốn Ngài phải đứng hẳn về một trong hai lập trường trên đây. Nhưng Chúa Giêsu đã tránh được cái bẫy do các biệt phái cài ra khi tuyên bố rằng Ngài hoàn toàn chống lại việc ly dị, dù bất cứ lý do nào. Trích dẫn sách Khởi Nguyên, Chúa Giêsu chứng minh rằng ngay từ đầu, Thiên Chúa muốn rằng vợ chồng phải nên một với nhau như một thể xác. Ðây là ý muốn minh thị của Chúa. Không có quyền bính nào trên trần gian này có thể đảo lộn ý muốn ấy của Ðấng Tạo Hóa. Qua khẳng định này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng hôn phối không chỉ là một giao ước giữa người nam và người nữ, mà còn là một thể hiện của chính ý muốn của Ðấng Tạo Hóa. Duy chỉ có ý muốn của hai người phối ngẫu chưa đủ để làm nên hôn phối, mà còn phải có ý muốn của chính Thiên Chúa. Nên vợ nên chồng không phải là nên một với nhau, mà còn là nên một với Thiên Chúa, hay đúng hơn, chỉ trong Thiên Chúa, hai người phối ngẫu mới thực sự nên một với nhau. Do đó, phá vỡ hôn ước, ly dị không chỉ là xé bỏ giao ước giữa hai con người, mà chính là chối bỏ chính Thiên Chúa.
Tựu trung, ly dị hay ngoại tình là phản bội chính Thiên Chúa; Khi Thiên Chúa bị loại ra khỏi tâm hồn thì dĩ nhiên con người cũng sẽ dễ dàng phản bội và loại trừ người khác. Và ngược lại, mỗi lần chúng ta phản bội hay loại trừ tha nhân, chúng ta cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Con người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa một cách thâm sâu đến độ xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Thiên Chúa; và chối bỏ Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với chối bỏ con người. Suy gẫm về sự thủy chung trong đời sống hôn nhân, chúng ta cũng nghĩ đến tình yêu trong mọi quan hệ giữa người với người. Về điểm này, lời của thánh Gioan nên được chúng ta tâm niệm và đem ra thực hành: Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Người ngoại tình.

Những người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, cò được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ,” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”(Mt. 19, 3-4. 6)
“Những người biệt phái bày điên rồ” Ôbelix nói thế. Từ khi họ thử gài bẫy Đức Giêsu, họ biết họ thất bại vì Đức Giêsu luôn trưng Thánh Kinh để trả lời họ.
Hạng đực rựa.(Le mâle)
Đoạn này cho ta thấy xã hội đực rựa thời đó. Chỉ có đàn bà là kẻ phạm tội ngoại tình, bị dãy bỏ. Đàn ông không có tội gì! giờ đây Đức Giêsu nhắc nhở họ phải tôn trọng người nữ, bình đẳng trước pháp luật và đàn ông cũng phải có trách nhiệm “ Kẻ dẫy vợ cũng phạm tội như kẻ cưới người đàn bà bị dẫy bỏ.”
Người ta thấy các tông đồ phản ứng: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ thì hơn.”
Ngày nay cũng không khác gì thời Đức Giêsu người ta không nói đến dẫy vợ nữa, nhưng nói đến ly dị, không bàn tán đến kết hôn nữa, nhưng nói đến tự do sống chung.
Người nam.
Giáo huấn của Đức Giêsu chính là luật tự nhiên. Sự kết hợp giữa hai người để xây dựng tốt hơn: hoàn toàn tôn trọng nhau. Đàn ông hay đàn bà không phải là máy móc để hành lạc hay con rối kỳ cục để thỏa mãn. Thời các tông đồ phản ánh ít nhiều thế. Chúa đã nhắc nhở họ nhớ đến phẩm giá là người. Thời đại chúng ta hầu như theo cái thứ luân lý buông thả. Chúa nhắc nhở chúng ta nhớ đến luật thương yêu tôn trọng lẫn nhau.
Chúa còn đi xa hơn về đời sống độc thân tự nguyện, phải kính trọng người khác và bản thân mình! Chúa không nghĩ phải khấn bậc tu trì. Nhưng, thời người đã có những người đáp lại tiếng gọi trở nên chứng nhân của đời sống vĩnh cửu, trường tồn.
J.M


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 8
17 THÁNG TÁM
Sử Dụng Năng Lực Một Cách Đúng Đắn
Chúng ta sẽ thường xuyên tham chiếu đến những suy tư của Công Đồng Vatican II về tình trạng của con người trong thế giới hôm nay. Con người có một địa vị độc đáo trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Một đàng, con người được Thiên Chúa ủy trao nhiệm vụ làm chủ thế giới tạo vật. Đàng khác, trong tư cách là một thụ tạo, con người qui phục Thiên Chúa là Cha và là Đấng sáng tạo nên mình.
Ngày nay, hơn bất cứ thời nào khác, con người ý thức về tầm quan trọng của sứ mạng mình trong tư cách là người quản lý thiên nhiên. Con người phải chế ngự thiên nhiên và sử dụng thiên nhiên một cách khôn ngoan và một cách có trách nhiệm.
Tuy nhiên, có một trở lực nghiêm trọng đối với việc phát triển thế giới. Đó là tội lỗi và hậu quả xáo trộn đầy tai hại của tội lỗi. Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II nêu rõ tình trạng bi đát này: “Được Thiên Chúa thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên, ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa” (MC 13).
Hậu quả tất nhiên của sự lạm dụng tự do này là “sự tiến bộ – tuy là một lợi ích lớn lao của con người – nhưng cũng đem theo một cám dỗ mãnh liệt. Thực vậy, khi bậc thang giá trị bị đảo lộn, khi ác và thiện lẫn lộn, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ xét quyền lợi của mình chứ không để ý đến quyền lợi kẻ khác. Do đó, thế giới chưa phải là nơi có tình huynh đệ thật, và sự gia tăng quyền lực của con người lại đe dọa hủy diệt chính nhân loại” (MV 37).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 17-8
Ed 16, 1-15.60.63; Mt 19, 3-12.

          LỜI SUY NIỆM: Người Do-thái đặt vấn đề ly dị với Chúa Giêsu và được Ngài cho biết “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,4-6)
          Vấn đề ly dị không chỉ xãy ra đối với người Do-Thái thời của Chúa Giêsu, mà mãi đến hôm nay đang xãy ra trên khắp hành tinh này. Không những ở ngoài xã hội trần thế, mà cả trong Giáo Hội cũng đang được đề cập đến. Nhưng nhờ vào những giáo huấn dứt khoát của Chúa Giêsu đã giúp cho Giáo Hội đi đúng hướng của Thiên Chúa, để bảo vệ hôn nhân gia đình. Là Ki-tô hữu chúng ta cũng phải dứt khoát lập trường với Chúa với Giáo hội về vấn đề ly dị là Không chấp nhận một luật lệ nào cho phép ly dị với bất cứ lý do gì. Để bảo vệ gia đình; bởi gia đình là mọi nền tảng của xã hội và của Giáo Hội.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
17 Tháng Tám
Tiếng Thì Thầm Của Sa Mạc
Một nhà thám hiểm nọ lạc mất giữa sa mạc. Ði từ dụm cát này đến cồn cát nọ, nhìn hết hướng này sang hướng kia, nơi đâu ông cũng thấy toàn là cát với cát. Lê gót trong tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông vấp ngã và nằm vùi bên gốc cây. Ông không còn đủ sức để đứng lên, ông không còn đủ sức để chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận thức đó là tiếng róc rách chảy của một dòng suối từ xa vọng lại.
Như sống lại từ cõi chết, ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối. Rồi dùng nguồn năng lực còn sót lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi tìm được dòng suối...
Cuộc sống có quá nhiều bận rộn và ồn ào khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Có những ồn ào của những bận tâm thái quá cho danh vọng, cho tiền của, cho tương lai. Có những ồn ào của tham lam giành giật không đếm xỉa đến người khác. Có những ồn ào của sôi sục cừu hận, báo thù...
Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng phút giây của cuộc sống. Có thinh lặng, chúng ta mới nhận ra được tiếng Ngài qua những khóc than của không biết bao nhiêu người bất hạnh xung quanh. Có thinh lặng, chúng ta mới nghe được lời an ủi, đỡ nâng của Ngài giữa gánh nặng chồng chất của cuộc sống...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++


Ngày 17


Đừng tự bằng lòng với việc thích làm từ thiện, hãy sống nhân lành. Lòng nhân lành là sự nảy nở của lòng bác ái. Cần phải thao thức lòng nhân lành vì tình yêu và vì muốn bắt chước Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa nhân lành, nhân lành tự bản chất.. Thiên Chúa là tình yêu (lGa 4,8). Ngài nhân lành đối với người công chính cũng như kẻ gian ác, chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta như thế.
 
Lòng nhân lành của Đức Giêsu ư! Giống như người Pharisêu đã nhận xét. Họ gọi Ngài: Thưa Thầy nhân lành. Ngài đã tỏ ra nhân lành cho đến tận cùng, và anh chị em có biết là Ngài đã rời bỏ dương thế này với một cử chỉ chúc lành: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,24).
 
Lòng nhân lành! đó là cách thế dễ nhất để nên giống Thiên Chúa nhân lành! Chúng ta không thể nên giống Ngài bằng trí thông minh, khoa học và quyền năng được; nhưng chúng ta có thể nên giống Ngài bằng lòng nhân lành, bác ái, kiên nhẫn, cảm thông. Nhưng cũng không phải dễ dàng lắm đâu, bởi vì, muốn sống bác ái, nhất thiết cần phải quên mình đi; hãy nói không với chính mình, và thưa vâng với Đức Giêsu, để Ngài sống trọn vẹn trong chúng ta.
Hồng y Jules-Géraud Saliège
Ngày 17 tháng 8
Thánh Giacinto (Hyacinth)

THÁNH GIACINTÔ,
VỊ TÔNG ĐỒ NHIỆT THÀNH CỦA NƯỚC BA LAN
Thánh nhân sinh vào cuối thế kỷ XII, tại thị trấn Kamien, thuộc miền Silêsia. Ngay từ buổi niên thiếu, mỗi khi nhìn thấy các anh em dòng thuyết giáo, Giacintô lại thầm ước ngày kia được theo gót các thầy trên bước đường truyền giáo. Vì thế, mệnh lệnh Chúa ban bố cho các tông đồ xưa: “Các con hãy đi giảng giáo cho muôn dân, và rửa tội cho họ…”. Mệnh lệnh đó tuy đã trải qua 12 thế kỷ, nhưng lúc nào cũng vẫn còn vang dội mới mẻ trong tâm hồn Giacintô. Ngày mong ước ấy không bao lâu đã tới và trong năm 1228, Giacintô bắt đầu vào dòng thuyết giáo ở Cracovia. Từ ngày vào dòng không khác gì cá gặp nước, thánh nhân vui mừng khôn tả, ngài tạ ơn Chúa và cố gắng trau dồi kiến thức đạo đời. Đặc biệt, ngài đã biết lợi dụng mọi hoàn cảnh xã hội, mọi biến cố thời đại để đưa ra một bài học, một lẽ sống cho mọi người. Với những thành công rực rỡ, qua những lần thuyết giáo, và những đức tính cao đẹp, ngài được cất nhắc lên chức Kinh sĩ, và sau được bề trên phái sang dạy học tại Rôma. Tuy bề bộn với chức giảng sư đại học, ngài vẫn cố gắng hướng mọi công việc vào một trọng tâm duy nhất, là trình bày giáo thuyết Công giáo chống lại những người Phổ theo dị giáo. Sẵn có đức nhiệt thành truyền giáo và tài hùng biện, thánh nhân thu hoạch được rất nhiều kết quả qua những giờ giảng thuyết và những cuộc tranh luận. Nhờ ngài, giáo thuyết Công giáo ngày một sáng tỏ qua các miền Balkans, Phổ, Litva… Ngài đi tới đâu là như toả ra ở đó một bầu khí vui mừng và cởi mở. Vì thế, hoạt động truyền giáo của ngài không phải chỉ đóng khung trong giáo đường, nhưng còn phổ biến và đi sát với đời sống, với cách tiếp nhân xử thế của ngài. Đời sống của ngài là đời sống triển nở và vui mừng vì truyền giáo đúng như Thánh Kinh nói: “Người công chính tươi tốt như cây dừa, lớn lên như cây hương nam núi Libanô trồng nơi nhà Chúa, để ban ngày ca tụng lòng nhân từ Chúa và ban đêm ngợi khen lòng trung tín Người”. Nhiệt thành truyền giáo, thánh nhân không nề quản những gian lao vất vả, những va chạm với người đời, miễn là ánh sáng Chúa Kittô được chiếu sáng trong tâm hồn người ta. Ngài coi những gian lao vất vả như là những lập công để đền tội. Ngài quan niệm đúng như lời sách Gương Chúa Giêsu dạy: “Một ngày kia sẽ tiêu tan hết những vất vả, những khổ cực, những cái qua đi với thời gian không đáng kể và không bền đỗ”.
Hơn nữa, nhãn giới truyền giáo của ngài không chỉ giới hạn trong một số tín hữu, nhưng còn lan tràn vào những người lương dân. Ngài luôn luôn băn khoăn khi nghĩ đến biết bao con chiên còn lạc đàn bơ vơ. Tâm hồn truyền giáo của ngài đối với lương dân không khác nào tâm hồn của người chủ chiên trong Phúc âm. Vì thế ngài thường để thời giờ đi gặp gỡ, nói chuyện và thông cảm với anh em lương dân. Qua những cuộc gặp gỡ nói chuyện thông cảm, thánh nhân đã chinh phục được rất nhiều người trở lại đạo Chúa. Những thành công rực rỡ trong địa hạt truyền giáo, đã khiến Giáo hội Ba Lan liệt ngài vào hạng những tông đồ truyền giáo hữu danh của xứ sở.
Tuy ngày ngày bôn ba hối hả với hoạt động truyền giáo, nhưng không vì thế thánh nhân sao nhãng đời sống nội tâm. Theo ngài, hoạt động bên ngoài chỉ là kết quả của đời sống nội tâm bắt nguồn từ đời sống Chúa Kitô. Thâm hiểu câu: “Không ai có thể trao tặng cái mình không có” (Nemo dat quod non habet), nên thánh nhân cố gắng tu thân luyện đức để ích lợi cho mình và làm của nuôi dưỡng kẻ khác, đúng như lý tưởng của dòng thuyết giáo, là trao ban cho người khác những sự mà mình đã suy niệm (Contemplari et contemplata aliis tradere).
Thiên Chúa đã ban cho ngài quyền làm phép lạ. Trong những phép lạ ngài làm, người ta còn ghi lại bốn phép lạ thời danh, nhất là phép lạ cải tử hoàn sinh cho một thiếu niên chết đuối và chữa bệnh thập tử nhất sinh cho một viên sĩ quan.
Với tài đức siêu vời và hoạt động truyền giáo mạnh mẽ, ngài đã được giáo sĩ Ba Lan biệt tặng ngài danh hiệu “Vị Tông đồ truyền giáo của quốc gia”. Năm 1257, trong một cơn bệnh mà ngài coi như Chúa muốn cho ngài được lãnh triều thiên sáng ngời trên thiên đàng, Chúa đã cất ngài về chầu Chúa. Sau đó, mộ ngài thành thánh địa nơi kính viếng của muôn khách hành hương. Khắp nước Ba Lan, ai ai cũng đều tôn kính thánh nhân. Năm 1591, sau những thành công rực rỡ trong cuộc thuyết giáo và những hoạt động bác ái của thánh nhân, Giáo hội đã tôn phong thánh Giacintô lên bậc hiển thánh, và đã dùng nhiều lời hay ý đẹp để ca tụng đức tính siêu vời và hoạt động đầy kết quả của ngài: “Miệng người công chính giảng sự khôn ngoan và lưỡi người nói lời chính trực… Phúc cho người liêm khiết, người không theo đuổi vàng bạc, không mơ ước tiền tài, người đã bị thần tài ám ảnh mà vẫn tinh tuyền”.
Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIII tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
Lạy Chúa, hôm nay Giáo hội dâng lễ kính thánh Giacintô, chúng con những người đang còn sống trong lo âu và đe dọa, xin thánh nhân bầu cử cho chúng con được lòng trong sạch, không vương vấn của cải trần tục và giúp chúng con hăng hái truyền bá đạo Chúa.

Thứ Sáu 17-8
Chân Phước Joan Delanoue.

Chân Phước Joan Delanoue*

(1666-1736)
J
oan Delanoue sinh năm 1666 và là con út trong gia đình mười hai người con. Gia đình ngài có một cơ sở thương mại nhỏ. Khi người mẹ goá bụa từ trần, bà đã để lại cơ sở cho Joan trông coi. Ngài không phải là một cô gái có tâm địa xấu xa, nhưng Joan chỉ nghĩ đến cách làm tiền. Và cũng chỉ vì thích làm tiền, ngài đã phạm nhiều lỗi lầm. Trước đây, ngài là một người ngoan đạo nhưng bây giờ tâm hồn ngài không có chút bác ái. Mẹ ngài thường rộng lượng với người ăn xin. Nhưng Joan, thường chỉ mua thực phẩm khi đến giờ ăn. Vì như vậy, ngài mới có thể nói với những người đến ăn xin rằng: "Tôi không có gì để cho cả."
Với lối sống đó, Joan không có hạnh phúc. Sau cùng, khi ngài hai mươi bảy tuổi, một linh mục thánh thiện đã giúp ngài khởi đầu cuộc sống đức tin một cách chân thành và hăng say. Dần dà, ngài thấy rằng cơ sở thương mại của ngài là để cho đi, chứ không phải để tích trữ. Joan bắt đầu chăm sóc các gia đình nghèo cũng như các trẻ mồ côi. Sau cùng, ngài phải đóng cửa tiệm để có thời giờ chăm sóc họ. Dân chúng gọi căn nhà đầy trẻ mồ côi của ngài là, "Nhà Ðấng Quan Phòng." Sau này, ngài thuyết phục các phụ nữ khác đến giúp đỡ. Cuối cùng, họ trở thành các Nư õ Tu của Thánh Anna của Ðấng Quan Phòng ở Saumur, nước Pháp.
Sơ Joan sống một cuộc đời rất hy sinh. Ngài thi hành nhiều việc đền tội nặng nhọc. Thánh Grignon de Montfort đến gặp sơ Joan. Lúc đầu thánh nhân nghĩ rằng sự kiêu ngạo đã khiến sơ Joan quá khó khăn với chính mình. Nhưng sau đó, thánh nhân nhận ra rằng tâm hồn sơ Joan thực sự ngập tràn tình yêu Thiên Chúa. Thánh nhân nói: "Hãy tiếp tục con đường mà con đã khởi sự. Thần Khí Chúa luôn ở với con. Hãy nghe theo tiếng Người và đừng sợ."
Sơ Joan từ trần ngày 17 tháng Tám 1736 lúc bảy mươi tuổi. Dân chúng ở Saumur nói rằng, "Bà chủ tiệm buôn nhỏ bé đó đã giúp đỡ người nghèo ở Saumur còn nhiều hơn tất cả các hội viên thành phố gọp lại. Thật là một phụ nữ phi thường! Thật là một người thánh thiện!"
Vào năm 1947, Sơ Joan được Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chân phước, cùng năm với Thánh Grignon de Montfort khi thánh nhân được tuyên phong hiển thánh.

*Đã được ĐGH. Gioan Phao-lô II phong thánh ngày 31-10-1982.(blogger)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét