Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

SỰ THẤT BẠI CỦA CHỦ NGHĨA CẤP TIẾN CÔNG GIÁO


Sự thất bại của chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo
Vũ Văn An8/21/2012

Chưa ai tìm cách tổng hợp các ý niệm “cấp tiến” và “bảo thủ”. Nhưng người Công Giáo bảo thủ thường tự coi mình vâng phục thẩm quyền của Giáo Hội, chấp nhận các giáo huấn chính thức, và có một nền luân lý bản thân nghiêm nhặt, nhất là trong các vấn đề tính dục. Còn người Công Giáo cấp tiến thường chủ trương một quan niệm rộng mở hơn về Giáo Hội, một cái hiểu họ cho là có tính giải phóng hơn về bản chất của việc làm người Công Giáo.

Tự hào cho mình tốt hơn

Trên thực tế, chủ trương của người bảo thủ có tính khiêm nhượng hơn chủ trương tự do, vì người bảo thủ ít khi tự cho mình đóng vai những ngọn đuốc tâm linh. Người Công Giáo bảo thủ sẵn sàng nhìn nhận mình là người xấu, cần được cứu rỗi. Trái lại, người Công Giáo cấp tiến thường tự hào rằng mình đã tìm được con đường tốt hơn để làm người Kitô hữu.


Một cưụ chủ bút của tờ National Catholic Reporter (NCR) thực tế đã định nghĩa người Công Giáo cấp tiến như những người “ôm lấy hết dân Chúa… yêu thương… chào đón… cởi mở… khoan dung… Thành tựu vĩ đại nhất của ta trong tư cách Công Giáo là cảm thức cộng đồng và thuộc về, bất kể ta mang theo hành lý và các dị biệt nào… Vấn đề ở đây là dành chỗ cho mọi người trong căn lều vĩ đại…”.

Nhưng dường như Nữ Tu Rita Larivee thực ra không đọc tờ báo mà có thời chính bà đã trông coi, bởi nó chứng tỏ rằng người Công Giáo cấp tiến thật xa vời cái lý tưởng chào đón, cởi mở và khoan dung.

Thực vậy, một bài xã luận của tờ NCR từng nhắc tới “những người cánh hữu” chuyên viết “những lá thư ngoắt ngoéo, hậm hực và phần đông không được đăng tải gửi chủ bút”. Thực ra, các điều ấy, ngoại trừ việc “không được đăng tải” chính là các đặc điểm trong mục thư bạn đọc của tờ báo, trong đó hàng tuần đều có những kết án nặng nề nhất đối với điều họ coi là phản bội mới nhất chống lại Tin Mừng, với cùng những cái tên kết án được lặp đi lặp lại. Đại loại, các kết án đó như sau:

“… nhiều thế kỷ qua, Thánh Thể đã bị đánh cắp khỏi tay ta và nay đã đến lúc ta dành nó lại. Làm gì có những chuyện như phong chức”.
“… các chủ chăn vốn từng bỏ rơi con chiên và đã trở thành một phần của bày chó sói…”.
“… Giáo Hội mưu toan khoác lên vai người giáo dân một cái nhìn hết sức đen tối về hôn nhân bằng cách trích dẫn những điều điên khùng vô nghĩa về Adong và Evà…”.
“… xáo trộn tâm thần nặng nề… Dối trá, bác khước, ngạo mạn, vị kỷ, và nhát đảm, tất cả đều là những đặc điểm của nền văn hóa trong đó các linh mục Công Giáo đang sống…”.
“[Giáo Hội là] một nền văn hóa giả hình và bất trung thực đã từng hiện diện với chúng ta từ Thời Trung Cổ… nấp mình hàng bao thế kỷ qua dưới mặt nạ linh đạo và tôn giáo…”.
“… một thứ khí nóng phát sinh từ một phẩm trật nam giới bất lực… toàn chuyện nhảm nhí”.
“thủ đoạn bất lương [của vị giám mục] đã vượt quá ngạo mạn và cần bị bác bỏ”.
“Tầm nã tôn giáo và săn lùng phù thủy hiện đang hoạt động mạnh… Tôi rất mừng được làm một người Công Giáo già giặn không thèm đếm xỉa tới những tuyên bố vô nghĩa ấy”.
“Dưới nước sơn công lý là cả một hầm cầu đầy lừa đảo và bắt nạt”.
“Các vị giáo hoàng từ Gioan XXIII đến nay đơn thuần chỉ là những người không thỏa đáng. Phần lớn các giám mục nặng về trình diễn. Họ.. ăn vận như để diễn hành và cười hô hố trên đường tới Ngân Hàng Vatican”.
“Điều gì không ổn với vị [giám mục] này? … các hành động của ngài rõ ràng phớt lờ các lời dạy của Tin Mừng. Hình như [ngài] cổ vũ thứ não trạng vốn có từ thời Tầm Nã tôn giáo tại Tây Ban Nha và thời săn lùng phù thủy của Thượng Nghị Sĩ McCarthy… Tôi thực sự không tin tưởng ngài chút nào cả và tin rằng ngài chỉ có khả năng phá hoại Giáo Hội một cách lớn lao”.

Một người cộng tác với NCR, là Jamie Manson, gọi việc bác bỏ phong chức cho phụ nữ là một “bạo hành tâm linh sâu xa” và tố cáo Giáo Hội luôn dạy người ta rằng “thân thể phụ nữ làm nhơ Thánh Thể”. Còn Rick Heffern, một chủ bút khác của NCR, thì cho rằng “Chính sách của Vatican quả là bệnh hoạn khi cứ nằng nặc cho rằng cần phải duy trì chức linh mục cho nam giới mà thôi”.

Một người tham gia blog có khuynh hướng cấp tiến về phụng vụ là Pray Tell gọi Phong Trào Phụng Vụ Mới, vốn bảo thủ hơn, là phong trào sổ ruột (ỉa chẩy, bowel movement). Một người khác cũng tham gia Pray Tell, khi so sánh các vị giám mục với những tên tuyên truyền Cộng Sản, đã viết rằng “những ông này không ngần ngại nói láo thẳng thừng” còn người phối hợp Pray Tell là Anthony Ruff, thuộc Dòng Bênêđíctô, thì cho rằng việc canh tân phụng vụ hiện nay mang nhiều dấu ấn “lừa đảo và láu cá”.

Sau khi Đức Gioan Phaolô II bị bắn tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, người ta nghe Cyrill Barrett, một linh mục Dòng Tên người Ái Nhĩ Lan, “gào” lên như sau tại một quán ăn ở Luân Đôn: “Cái anh chàng Thổ Nhĩ Kỳ chết tiệt này có điều quá bậy là đã không chịu bắn thẳng”. Câu nói này, sau khi ông chết, đã được nhiều bằng hữu trưng dẫn để chứng tỏ ông thù ghét “sự hẹp hòi về trí thức”.

Trong một môi trường như thế, mà tờ NCR vẫn cho rằng một vị giám mục theo khuynh hướng cấp tiến “bị tấn công vào chính bản thân và bị người ta giận giữ tố cáo” trong khi một vị khác phải chịu đựng “chiến dịch bôi lọ của kẻ thù ở bên trong cũng như ở bên ngoài Giáo Hội”.

Biệt phái hay không biệt phái

Các người Công Giáo bảo thủ thường bị tố cáo là biệt phái. Nhưng trên thực tế, chủ nghĩa biệt phái là chủ nghĩa được phản ảnh rõ nhất qua các thái độ của những kẻ chuyên tố cáo người khác là biệt phái. Thậm chí tổ chức có tên là Voice of the Faithful (Tiếng Nói Giáo Dân) có lúc đã đứng ra cổ vũ “Đài Quan Sát Biệt Phái” (Pharisee Watch), mời gọi người ta nêu đích danh các người Công Giáo “biệt phái tân thời”.

Một thầy giáo hưu trí lên tiếng cảnh cáo kiểu nói “và ở cùng tinh thần cha” (and with your spirit) vì kiểu nói này “khuyến khích các người Công Giáo tầm thường nghĩ rằng tôn giáo của họ, trong căn bản, chỉ là để cứu các linh hồn” và “một lần nữa sẽ dẫn người Công Giáo tầm thường ra sai lạc”. Người viết này không coi mình là “người Công Giáo tầm thường” và ngây thơ. Trong sự giác ngộ của mình, ông hiểu biết sâu rộng hơn những “người Công Giáo tầm thường” như Inhaxiô thành Loyola và Têrêxa thành Avila, những người ngây thơ cho rằng tôn giáo của họ chỉ là để cứu các linh hồn.

Một độc giả khác của NCR kể lại rằng “Gần đây tôi hỏi một người bạn tại sao cô ấy là Kitô hữu. Không suy nghĩ, cô ấy trả lời ngay: ‘Để tôi được lên thiên đàng’”. Người này, do đó, đã nhìn sâu vào cõi lòng bạn mình và nhận ra rằng cô ta “không hề có suy nghĩ và làm nô lệ cho sợ hãi” rồi tự hào tuyên bố rằng, trái lại, “tôi là hội viên của Pax Christi”.

Nữ Tu Celine Goessl lên án hàng giáo phẩm như những thây ma sơn phết, trái ngược với “Dân Chúa là những người nhìn rõ sự thật thực sự, như chúng tôi (các nữ tu) chẳng hạn đang sống cuộc sống của mình một cách trung trinh theo Chúa Giêsu của Tin Mừng”.
Shawn Copeland


Lên tiếng với Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu (Leadership Conference of Women Religious [LCWR], đang bị Tòa Thánh điều tra) gồm các vị đứng đầu hầu hết các dòng nữ ‘chính dòng”, Nữ Tu Shawn Copeland đã tương phản cử tọa của bà với những người “giữ luật nhưng hâm hấp; không suy nghĩ, nhưng lại ta đây; hống hách nhưng lại sợ sệt”; bà hào hiệp mời gọi những người này bước chân theo “lời mời gọi nên thánh của chúng ta”.

Nghị trình chia rẽ

Các nhà cấp tiến than phiền về “những tên cực đoan” và việc thiếu lịch sự cả trong sinh hoạt chính trị lẫn tôn giáo và những người bảo thủ là những người duy nhất bị gán cho các tội lỗi ấy. Linh mục thần học gia Richard McBrien nhất định cho rằng ông không hề thấy một người cấp tiến nào có nghị trình chia rẽ cả.
Ít có người Công Giáo bảo thủ nào bênh vực phong cách hàng giáo phẩm dùng để gỉai quyết cuộc khủng hoảng tình dục của giáo sĩ. Thực vậy, do tầm quan trọng họ vốn đặt lên nền luân lý tính dục, người bảo thủ thực sự là người ngỡ ngàng hơn cả người cấp tiến. Ấy thế mà vụ gương mù này mau chóng biến thành một vấn đề phe phái. Tiếng Nói Giáo Dân, được lập ra với mục đích đòi có hành động chính thức, đã mau chóng biến thành một nhóm vận động hành lang theo khuynh hướng cấp tiến.

Độc giả của NCR liên tiếp tỏ bày sự giận dữ của họ khi cho rằng Đức HY Bernard Law, nguyên TGM Boston, đã không bị trừng phạt đủ vì đã làm ngơ việc lạm dụng tình dục. Nhưng những người tự do lên tiếng rất ít về Đức HY Roger Mahony của Los Angeles, người từng công khai che đậy nhiều vụ tai tiếng, và khi các vị giám mục được phe cấp tiến coi như những anh hùng như TGM Rembert Weakland của Milwaukee, HY Godfrey Daneels của Bỉ bị phát hiện cũng đồng lõa không kém, thì các người cấp tiến lại không hề lên tiếng chỉ trích.

Margaret O’Brien Steinfels, nguyên chủ bút của tập san Công Giáo Commonweal nhìn nhận rằng dù TGM Weakland không hành động chi chống lại các linh mục phạm tội và sử dụng ngân quĩ của giáo phận để bịt miệng người yêu đồng tính tống tiền, ngài vẫn là vị giám mục gần như lý tưởng của bà. McBrien và nữ tu duy nữ Joan Chittister đều lên tiếng ca ngợi sự khôn ngoan của việc ấn hành cuốn hồi ký của TGM Weakland, và một độc giả của NCR đã coi ngài như là một trong các “giám mục đầy đức tin”. NCR chớ hề nhắc để các độc giả mình nhớ rằng một trong các giáo sĩ vi phạm tình dục tồi tệ hơn cả là Paul Shanley đã được ca tụng trên các trang báo của họ ít nhất ba lần ngay cả sau khi đã bị tố giác.

Trong cố gắng không ngừng muốn làm trầy da tróc vẩy các vị giám mục, các người cấp tiến quên khuấy một nhóm cá nhân khác cũng có trách nhiệm không kém, đó là bề trên các dòng tu. Không ai chịu điều tra xem tác phong xấu của giáo sĩ đã được các vị cấp tiến như Timothy Radcliffe, cựu bề trên cả Dòng Đaminh hay các vị bề trên theo cấp tiến của Dòng Tên xử lý ra sao, mặc dù phong cách giải quyết của các dòng tu này không hề khác với phong cách của các giám mục.

“Tín điều” của phe cấp tiến vốn cho rằng một hàng giáo phẩm nữ sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng tình dục của giáo sĩ hay hơn nhiều, nhưng thực tế không hẳn như thế. LCWR từng cộc lốc từ chối gặp những người cho rằng mình bị các nữ tu lạm dụng, thậm chí không chịu ghi vấn đề vào nghị trình của mình nữa.

Tự hào là người Công Giáo có suy nghĩ

Người cấp tiến thường tự nhận mình là “người Công Giáo có suy nghĩ”, một phạm trù xem ra muốn loại bỏ những người như các cố thần học gia Hans Urs von Balthasar, Jean Danielou, Henri DeLubac, và Avery Dulles, cũng như hai vị giáo hoàng gần đây nhất. Theo NCR, các thần học gia chính thống chỉ là những người “nhai lại đường ranh phe phái” chứ không hề là các tư tưởng gia. Ngược lại các nhà thần học vĩ đại của tờ báo bao gồm cả người huênh hoang “hậu Kitô Giáo” như Mary Daly.
Elizabeth Anscombe.


Có những giáo sư Công Giáo chính thống tại các đại học danh tiếng, nhưng sự hiện diện của họ thẩy đều bị làm ngơ, vì theo định nghĩa, “suy nghĩ” phải có nghĩa là bất đồng. Elizabeth Anscombe có lẽ là nữ triết gia quan trọng nhất của thế kỷ 20, nhưng người cấp tiến không thể thừa nhận bà, vì bà hoàn toàn bênh vực giáo huấn Công Giáo về ngừa thai và nhiều vấn đề khác.

Một phần trong sự phỉnh lừa của người cấp tiến là chiêu bài cho rằng những người bất đồng chỉ bất đồng sau khi đã nghiên cứu lâu dài và cẩn thận. Nhưng như các trang của NCR đã chứng tỏ, bất đồng đôi khi chỉ là những khẩu hiệu châm chọc. Rất ít người cấp tiến chịu khó đọc hết thông điệp Humanae Vitae, huống hồ là có thể đưa ra một phê phán thận trọng.

Trên thực tế, đối với “những người Công Giáo có suy nghĩ” của phe cấp tiến, cảm xúc thường là qui luật và họ quen dùng một thứ tống tiền bằng cảm xúc để bênh vực quan điểm của mình, để biện minh các đòi hỏi của mình dựa trên cơ sở họ chịu nhiều đau khổ.

Ruff từng nói rằng “Nghĩ đến giáo huấn của Chúa khi nào… tôi cũng khóc”. Các lá thư gửi về NCR thường bắt đầu với câu “trái tim tôi tan nát…”, “tôi khóc một cách sầu thảm…” McBrien cho biết các nhân viên giáo xứ “bị thương tổn một cách khủng khiếp” còn người đàn bà kia thì “chạy bổ ra khỏi nhà thờ khi đang có bài giảng lễ, đầm đìa nước mắt”, lỗi của linh mục giảng lễ là đã phục hồi các lối sùng kính truyền thống, thúc giục giáo dân đi xưng tội, và phủ các tượng ảnh bằng vải tím dịp Chúa chịu nạn…

Tự nhận đọc được các dấu chỉ thời đại

Công đồng khuyên ta “đọc các dấu chỉ của thời đại”, một nhiệm vụ chắc chắn thuộc loại khó khăn nhất, nhưng những người cấp tiến luôn cho là mình có khả năng làm được điều đó. NCR nói về một nhóm tự nhận là Giáo Hội Tương Lai như sau: “Họ nhìn rất xa con đường trước mặt” và “có đủ kiên nhẫn và thiện chí kéo chúng ta đi chung với họ”.

NCR tóm tắt lịch sử Giáo Hội gần đây như sau: “một bí mật công khai là các lực lượng mạnh mẽ trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội vốn cực lực chống lại các cải cách do Công Đồng Vatican II khởi xướng và vốn âm thầm nhưng cương quyết mưu toan, trong 40 năm qua, nhằm đi ngược lại những gì đã đạt được. Sự đi giật lùi này đã được che đậy bằng một ngôn từ theo kiểu Orwell, nghĩa là hết lời ca tụng Công Đồng dù ý định là đi ngược lại nó”.

Điều ngụy biện trong lối tường trình trên nằm ở các chữ “khởi xướng” cũng như “ý định” của Công Đồng. Không người nào dám chứng minh rằng sự suy sụp của đời sống tu dòng, cuộc cách mạng tình dục, và việc “phong chức” cho nữ giới là các ý định của Công Đồng. Công Đồng minh nhiên kết án ngừa thai, phá thai, và ly dị, và ngăn cấm bất cứ ai đưa ra các cải cách bất hợp pháp về phụng vụ. Ấy thế nhưng các người cấp tiến vẫn liên tiếp cho rằng “Đức Gioan XXIII đang trở mình trong mồ” như thể mục đích triệu tập Công Đồng của ngài là để thừa nhận việc ngừa thai, phá thai, ly dị, đồng tính luyến ái, và nữ linh mục.

Nữ tu duy nữ Theresa Kane thẳng thừng tuyên bố rằng việc phong chức cho nữ giới là “viễn kiến của Công Đồng”, và nữ tu kiêm thần học gia Sandra Schneiders cho rằng Vatican II kêu gọi các nữ tu bước theo con đường dẫn họ tới “thời hậu hiện đại hoàn cầu hóa”, một hạn từ chưa nghe thấy bao giờ trong thời Công Đồng và xem ra có khả năng muốn được hiểu ra sao tùy thích.

Phong trào cấp tiến gồm quá nhiều những người lớn tuổi vốn có cái nhìn tiếc nuối đối với thập niên 1960, đến độ khi một độc giả của NCR nói tới “giáo hội xưa”, bà có ý nói tới thời kỳ từ khoảng năm 1960 tới lúc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên ngôi vào năm 1978, và một người khác từng hỏi một cách hoài nghi rằng “Từ lúc nào có người đã công bố rằng các giáo huấn của Giáo Hội là vô ngộ?”

Một độc giả khác còn đi xa hơn nữa bằng cách cho rằng Đức Bênêđíctô XVI là giáo hoàng “bất hợp pháp” vì ngài và Đức Gioan Phaolô II có một “thiên kiến say mê” đi ngược lại Công Đồng bất khả ngộ. Một độc giả khác dõng dạc tuyên bố rằng hai vị giáo hoàng gần đây nhất phạm tội lạc giáo và phải bị tuyệt thông vì mưu toan “tháo gỡ Công Đồng”

Nhưng thực ra, chính người cấp tiến mới sử dụng “ngôn từ theo kiểu Orwell”. Khoa “giải thích gián đoạn” của họ (thuật ngữ của Đức Bênêđíctô XVI) tùy thuộc việc khám phá ra các ý nghĩa dấu ẩn của các hạn từ và kiểu nói đặc thù trong các văn kiện của Công Đồng và coi các Nghị Phụ của Công Đồng một là như những “máng chuyển” các sứ điệp mà các ngài không hiểu hai là cố tình che dấu ý định của mình bằng một mật mã nào đó.

Thomas Roberts, một chủ bút của NCR, cho rằng “coi thường tác động của Công Đồng, chia người Công Giáo thành các nhóm ‘chú giải’ đã trở thành một chiến thuật ưa dùng”; đây là một lối nói để cho rằng Đức Bênêđíctô XVI và Đức Gioan Phaolô II một là không hiểu Công Đồng (còn Roberts thì hiểu rõ) hai là cố tình mưu toan làm sai lạc ý nghĩa của Công Đồng. Những ai không chấp nhận lối chú giải cấp tiến đều một là bất lương hai là bị hàng giáo phẩm bất lương lừa dối.

Vào thời Công Đồng, người cấp tiến giải thích các dấu chỉ như buộc người Công Giáo phải trở thành một lực lượng của “công bằng xã hội”, một tham vọng, dù chưa nói hết được quan tâm nền tảng của Công Đồng đối với việc canh tân thiêng liêng, ít ra cũng không đi ngược với mục tiêu của Công Đồng.

Nhưng dự án ấy phần lớn đã không thành công, vì “công bằng xã hội” dễ rơi vào chính trị tả khuynh và vì chính người cấp tiến muốn phá hoại thẩm quyền của Giáo Hội một cách có hệ thống. Nếu phần đông người Công Giáo ngày nay không nghe các giám mục nói tới ngừa thai, thì họ cũng thấy không có lý do gì để nghe các ngài nói tới án tử hình hay vấn đề di trú. Những người cấp tiến hoan nghênh các người Công Giáo nào biết thừa nhận phá thai như dấu chỉ một “đức tin trưởng thành, có suy nghĩ” nhưng lại coi cũng những người Công Giáo này là ích kỷ và thiên lệch về luân lý trong các vấn đề khác.

Lồng cách mạng tình dục vào công bằng xã hội

Sai lầm chết người của phe cấp tiến là lồng cuộc cách mạng tình dục vào vấn đề “công bằng xã hội”, và đo lường “tiến bộ” của Giáo Hội chủ yếu căn cứ vào mức độ chấp nhận cuộc cách mạng ấy. Trên trang báo NCR, một mệnh phụ 71 tuổi than phiền rằng “những người đồng tính, lưỡng tính và đổi tính” đang bị Giáo Hội kỳ thị, một than phiền nghe đến nhàm tai.

Việc Giáo Hội từ khước không thừa nhận cuộc cách mạng tình dục đã bị coi là bằng chứng để tố cáo hàng giáo phẩm là “bị ám ảnh bởi giới tính”, nhưng thực ra chính người cấp tiến cho thấy họ bị chứng ám ảnh này. Không một linh mục cấp tiến nào không nói quá 5 phút mà lại không kêu gọi chấm dứt việc linh mục độc thân, còn các giáo dân cấp tiến thì vừa chỉ trích việc ngăn cấm ngừa thai vừa thực hành việc ngừa thai ấy.

Một hội nghị quốc tế các nhà thần học luân lý khuyến cáo rằng các ý tưởng không phải của Tây Phương nên được trọn vẹn đưa vào chính dòng thần học. Nhưng khi các người Anh Giáo Phi Châu đe dọa rời khỏi Hiệp Thông Anh Giáo hoàn cầu vì hiệp thông này thừa nhận đồng tính luyến ái, thì hành động này hoặc bị làm ngơ hoặc bị coi là hẹp hòi. Cuộc cách mạng tình dục phải được bảo vệ bằng mọi giá. Đối với những người cấp tiến vốn nằng nặc cho rằng hầu như mọi học thuyết Kitô Giáo đều bị nền văn hóa điều kiện hóa, thì cuộc cách mạng tình dục này tuyệt đối không thể bị đặt thành nghi vấn.

Chống lại cuộc lạm dụng tình dục của giáo sĩ, phe cấp tiến đòi phải có việc “tính sổ”, nhưng chỉ áp dụng việc này vào các trường hợp lạm dụng đã vấp phải mà thôi. Họ ít nói đến việc ngăn ngừa, vì việc ngăn ngừa buộc phải đương đầu với sự kiện này: các linh mục đồng tính là những người chịu trách nhiệm đối với đa số các vụ lạm dụng, dù người cấp tiến vẫn cứ vô lý cho rằng các người lạm dụng phần lớn là dị tính đi thích mấy chàng đực rựa. Khi một giới chức Vatican cho hay chỉ có khoảng 10% các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục thực sự liên hệ tới ấu dâm, thì một linh mục và một nữ tu viết trên tờ NCR tố cáo rằng câu tuyên bố dựa vào sự kiện ấy hoàn toàn là một tránh né có tính bệnh lý.

Linh mục kiêm thần học gia cấp tiến Charles Curran cho rằng vụ tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục “khiến nhiều người nhìn nhận nhu cầu phải thay đổi trong Giáo Hội”. Nhưng lạm dụng tình dục vốn là một vi phạm thô bạo tới giáo huấn luân lý của Giáo Hội, nên thật khó thấy làm thế nào việc cả đời cổ vũ một nền luân lý tính dục dễ dãi hơn của Curran có thể khiến cho những vi phạm kia bớt xẩy ra được.

Cuộc cách mạng tình dục vốn được các người Công Giáo cấp tiến ủng hộ, chủ yếu vì họ coi tôn giáo đương nhiên là trở ngại cho việc khai sáng, thành ra họ cần được sự dạy bảo của thế tục. Đức tin không ngừng chịu lệ thuộc các phê phán từ bên ngoài và chỉ được coi là chính đáng khi được các phán đoán đó thông qua.
Ken Briggs, một cựu chủ bút về tôn giáo của tờ New York Times, cho độc giả NCR hay: về vấn đề đồng tính luyến ái, “Những người Anh Giáo Mỹ, được coi như các nhà quí tộc của sinh hoạt tôn giáo Mỹ,… đặt tiêu chuẩn cho mọi giáo hội khác, kể cả Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội, về mặt chính thức, thật xa vời đối với cuộc canh tân về phương diện này”. Nên nhớ, ở đây cũng như ở chỗ khác, “canh tân” có nghĩa hoàn toàn trái ngược với truyền thống Giáo Hội.

Tờ NCR than phiền rằng không một sáng lập viên nào của phong trào môi sinh là người Công Giáo. Nhưng điều này hầu như đúng từ trong định nghĩa, vì chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo chỉ đơn thuần bước theo bất cứ những gì chủ nghĩa duy tục làm cho nổi tiếng. Điều đáng lưu ý là tờ NCR lại cho việc nói rằng không có người cấp tiến thế tục nào trong phong trào phò sự sống là điều vừa không ăn nhập gì vừa có tính thiển cận.

Liên quan tới chủ nghĩa duy môi sinh, tờ NCR đi xa đến chỗ buộc tội chính chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo bằng cách chấp nhận lời chỉ trích của phe duy môi sinh cho rằng việc nhấn mạnh tới “công bằng xã hội” đã khiến người Công Giáo quá tập chú vào con người hơn là vào thiên nhiên. Tờ báo còn cho rằng hiện tượng cho là mặt trời quay tại Fatima là điều các nữ tu hiện đại không thể chấp nhận được vì đó là việc “sử dụng sai lầm quá nhiều năng lượng mặt trời chỉ để phục vụ việc phúc âm hóa”, hạn từ “chỉ để” đã vô tình bôi xấu nhiệm vụ căn bản của người Kitô hữu đối với việc phúc âm hóa.

Bài Công Giáo hay không bài Công Giáo

Xét đến cùng, chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo thực sự trở thành chủ nghĩa bài Công Giáo, đến độ Ed Doerr, người đứng đầu tổ chức bài Công Giáo Americans United, thỉnh thoảng vẫn viết ca tụng tờ NCR đã vạch trần những cái xấu xa của Công Giáo.
Hans Kung

Linh mục kiêm thần học gia cấp tiến được nhiều người biết đến là Hans Küng xem ra không tỉnh táo bao nhiêu khi cảnh cáo những người Anh Giáo muốn gia nhập Đạo Công Giáo phải coi chừng “chính sách ngoại giao quỉ quyệt của Vatican”, “đừng vướng vào chiếc lưới giăng của Vatican”, coi chừng “cơn khát quyền lực của Rôma” và cả “các ngục tối của Rôma” nữa.

Tập san Công Giáo cấp tiến ở Anh, The Tablet, từng cho đăng tải một thư ngỏ của một nhà thần học Công Giáo Hung Gia Lợi khẩn khoản yêu cầu người Anh Giáo đừng gia nhập “Giáo Hội đang khủng hoảng của chúng tôi” và chỉ trích Đức Bênêđíctô XVI không chịu chấp nhận nữ linh mục và đồng tính luyến ái mà theo ông nhiệm vụ lịch sử của Hiệp Thông Anh Giáo cần phải phát huy.

Những người Công Giáo cấp tiến đã nội bộ hóa chủ nghĩa kỳ thị Công Giáo của những người họ đang đi tìm sự ủng hộ, như tiểu thuyết gia Mary Gordon chẳng hạn, người từng nói với NCR “Nói rằng tôi là một nhà văn Công Giáo quả đã tự động giảm IQ của tôi xuống 90 điểm. Nhưng tôi hiểu tại sao có người lại nghĩ như thế”. Bà “tự giữ một khoảng cách thật xa với hàng giáo phẩm” và cho mọi người biết rõ mình ủng hộ Planned Parenthood (phá thai).

Tờ NCR có bài ở trang nhất nói về một giáo xứ ở Oregon không muốn làm chứng đầy đủ cho niềm tin Công Giáo của mình trong một môi trường nặng mùi duy tục. Thay vào đó, các giáo dân chỉ muốn cho mọi người thấy họ cũng “xanh” như bất cứ ai khác, và người lôi cuốn chính trong buổi liên hoan của giáo xứ chính là chính khách chuyên tranh đấu cho phá thai, Robert Kennedy Con.

Cái hiểu lệch lạc về lịch sử Giáo Hội

Vì cái hiểu lệch lạc của họ về Giáo Hội, nên lịch sử Giáo Hội đối với hầu hết những người cấp tiến đã trở thành cuốn sách đóng và điều tốt nhất họ có thể làm là lục lọi các giai đoạn có thể tương hợp với ý thức hệ hiện đại. Chittiser từng bác bỏ trọn thời kỳ từ Công Đồng Trent tới Vatican II, coi nó như một thời kỳ trong đó “Giáo Hội miệt mài trong việc ngưng đọng thời gian và hãm đà canh tân trong suốt 400 năm”.
John Henry Newman


John Henry Newman được ca ngợi là người nâng cao thẩm quyền lương tâm, trong khi lời ông cảnh cáo đối với chủ nghĩa cấp tiến, coi nó như đe dọa trầm trọng nhất đối với Kitô Giáo, thì bị làm ngơ. Một độc giả của NCR phản đối vụ phong chân phước cho ông chỉ vì nhiều người Anh Giáo “hiện vẫn còn ghét việc ông trở lại Công Giáo”. Lời phản đối này hình như muốn ngụ ý rằng Newman đã không hành động theo tiếng lương tâm của mình.

Chính Chúa Giêsu cuối cùng cũng trở thành xa lạ với người cấp tiến, ngoại trừ mức độ Người được coi như một người duy nữ nhút nhát, hay như một nhà trị liệu tự thành tựu hoặc một nhà cách mạng chính trị. Kitô học cổ điển là một hàng rào cản sự hiểu biết của họ.

Gần 50 năm sau Công Đồng, những người cấp tiến cay đắng vẫn còn than phiền rằng Giáo Hội không chịu theo con đường mà họ tin chắc Công Đồng đã đưa ra. McBrien than thở rằng các linh mục tốt lành đang “bị đối xử như những kẻ phản bội” còn Giáo Hội thì đang “hủ bại” vì “khi một giám mục lành mạnh về phương diện mục vụ qua đời… người thừa kế của ngài thường là một tiểu quản trị viên cứng ngắc, ưa kiểm duyệt”. Theo McBrien, các linh mục mới chịu chức chỉ cử hành thánh lễ bằng tiếng La Tinh, “mắng nhiếc” tội lỗi giáo dân, sa thải nhân viên, và trên tòa giảng chỉ nói tới phá thai.

Những than phiền như thế phần đông chỉ cho thấy cái mặc cảm tự tôn của các linh mục giống như McBrien, một mặc cảm mà cái Giáo Hội vô ơn kia không chịu thừa nhận. Một linh mục Úc là Eric Hodgens còn vênh vang tự hào rằng “chúng tôi hết sức thành công trong việc huấn luyện một hàng ngũ giáo dân sinh động một cách mới mẻ”. Ông coi hai vị giáo hoàng mới đây là kém cỏi về trí thức không giống thế hệ ông, “lúc hàng linh mục duy trì được một tỉ lệ cao nhất gồm nhiều nhà lãnh đạo thông minh, có giáo dục và có khả năng”.

Nguyên bỉnh bút của tờ NCR là Tim Unsworth có lần mô tả một cách kính phục một nhóm cựu linh mục ở Chicago từng gặp nhau thường xuyên để ăn trưa và thường lắc đầu khi nghe một số linh mục được thăng chức mà theo họ ai cũng thấp kém hơn họ cả.

Cựu linh mục Eugene Kennedy, trong nhiều thập niên qua, chuyên cười nhạo Giáo Hội, coi Giáo Hội như “một máy đánh đu trục trặc”, “đường đi chính giữa của đoàn xiệc văn hóa giáo sĩ”. Các bản dịch mới của Thánh Lễ là một gian dối, giống “thuốc men có trình tòa đánh cướp từ phía sau các toa tầu thế kỷ 19”. Có lần Kennedy phân tích tâm lý các giám mục từ xa, coi họ bất ổn đối với nam tính của mình và do đó thích ra tay trừng trị các linh mục cấp tiến vì chỉ có họ mới có nam tính thực sự. Có điều ông nói thế trước khi các vị giám mục bị tố cáo là lơ là không chịu trừng phạt các linh mục lạm dụng tình dục!

James Gilgannon, một linh mục cao niên ở Kansas City, khi trở lại giáo phận gốc sau nhiều thập niên sống tại Bolivia, đã cho công bố “một thư ngỏ” gửi vị giám mục ít tuổi hơn của mình để chỉ trích đường lối hành động “đầy ý thức hệ hẹp hòi” của ngài khiến giấc mộng của thế hệ ông tan vỡ, nhất là vì đã thẳng thừng bác bỏ phá thai.

Denise Simeone, một người tự nhận “có năng khiếu điều hợp nhóm, đặt kế hoạch lâu dài, và lo phát triển truyền giáo”, đã viết một thư ngỏ gửi các linh mục thuộc lớp tuổi nọ mà bà vẫn thương hại vì họ chịu nhiều ức hiếp và bị thương tổn nhiều về tinh thần do liên hệ với hàng giáo phẩm. Còn Pat Marren, một cựu linh mục và nay là một nhân viên của NCR, thì phê phán rằng “Các linh mục của Vatican II” chịu “nhiều đau khổ và thất vọng vì một Giáo Hội định chế mà họ vốn phục vụ hết sức trung thành”.

Nhưng người Công Giáo bảo thủ biết rõ: bạo chúa đáng sợ nhất thường là những người gần mình hơn cả. Trong nhiều năm qua, các linh mục, tu sĩ và giáo dân bảo thủ đã phải chịu nhiều đắng cay dưới thẩm quyền độc đoán của các giám mục và bề trên tự coi mình không cần phải vâng phục thẩm quyền cao hơn. “Các linh mục của Vatican II” đã tự tung tự tác trong nhiều thập niên qua, chỉ đến nay họ mới bị yêu cầu phải tính sổ, điều mà họ thường từ chối.

Cho người tốt ra rìa

Trong nhiều thập niên qua, người Công Giáo bảo thủ từng bị cho ra rìa bởi các nhóm như Hội Thần Học Công Giáo Mỹ (CTSA), là những nhóm bất cần phải giả bộ hiếu khách đối với “mọi quan điểm”. Nhiều người bị mất danh hiệu, mất cả việc làm, thậm chí còn không được tuyển dụng, còn nếu được tuyển dụng thì bị trừng phạt vì đã dám bênh vực giáo huấn của Giáo Hội, không phải chỉ trong lãnh vực học thuật mà cả trong bất cứ cơ sở chính thức nào của Giáo Hội nữa.

Michael Rose đã thu lượm nhiều tài liệu trong cuốn Goodbye Good Men (Giã Biệt Những Người Tốt), cho thấy: trong nhiều năm qua, các người trẻ chính thống đã không được nhận vào chủng viện, mặc dù các giáo phận đang thiếu linh mục một cách trầm trọng. Mưu mẹo loại họ ra thường là hỏi họ cho biết quan điểm về việc phong chức cho phụ nữ, và nếu trả lời theo giáo huấn chính thức, họ sẽ bị loại ngay lập tức vì đã “không nhậy cảm với phụ nữ”. Gần năm thập niên qua, các thành viên bảo thủ của các dòng tu liên tiếp bị gạt qua bên lề một cách tàn bạo.

Các nhân viên văn phòng làm việc trong Giáo Hội được đặt nửa chừng giữa hàng giáo phẩm và hàng giáo dân, và sau Công Đồng, họ bắt đầu đòi thẩm quyền đối với cả hai hàng ngũ ấy. Mặc dù liên tục khuyên các giám mục phải khiêm nhường học hỏi giáo dân, nhưng các nhân viên văn phòng này thường bác bỏ hay làm ngơ lời phê phán đối với công việc họ làm, vì họ vốn là những nhà chuyên nghiệp mà! Người giáo dân bảo thủ hiểu rất nhanh rằng tra vấn về việc giáo dục con cái họ hay các thực hành phụng vụ đáng hoài nghi chẳng có ích lợi gì vì ngay các vị giám mục bảo thủ cũng tự động ủng hộ “các nhà chuyên môn”.

Chống lại thẩm quyền giám mục

Sau nhiều thập niên, cuối cùng, người Công Giáo bảo thủ cũng được một số giám mục lắng nghe một cách thiện cảm, nhưng người Công Giáo cấp tiến thì hầu như tự động phản ứng chống lại thẩm quyền của hàng giáo phẩm: vấn đề nào do hàng giáo phẩm nêu ra đều ngay lập tức bị coi là “can thiệp” vào sinh hoạt của Giáo Hội.

Dolores Leckey, trong nhiều năm qua, đã sử dụng chức vụ của mình trong tư cách giám đốc điều hành Văn Phòng Gia Đình, Giáo Dân, Phụ Nữ, và Giới Trẻ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để cổ vũ chủ nghĩa duy nữ, nay công khai bác bỏ rằng ngay cái gọi là thẩm quyền giám mục hợp pháp cũng chưa bao giờ có, các giám mục hành động chẳng qua vì “sợ sệt” và “bất an”, chứ không phải vì xác tín tôn giáo của họ.

Những biểu hiện của Đạo Công Giáo truyền thống bị người cấp tiến phản ứng một cách kịch liệt. Linh mục thần học gia Richard McBrien kết án việc phục hồi lòng tôn sùng Thánh Thể là “bước thụt lùi”, còn đối với Rick Marren, một bỉnh bút của tờ NCR, lòng tôn sùng Thánh Thể và Đức Mẹ là một “phản bội” đối với Vatican II. Nhà phụng vụ học Dòng Bênêđíctô là Anscar Chupungco cho rằng “Giáo Hội đang trải nghiệm cái lạnh giá buốt của mùa đông…”.

Nhưng nào có ai bị buộc phải tham dự việc tôn sùng Thánh Thể? McBrien cảm thấy tức giận chỉ vì một số người đã quyết định làm điều đó. Một người đàn bà nói với NCR rằng theo bà, nhận tín hữu của Anh Giáo gia nhập Công Giáo là điều “đáng lo ngại” vì họ “quì khi chịu lễ, linh mục của họ hướng lên bàn thờ… ta đang đi thụt lùi đối với mô hình của Vatican II, là mô hình trọng tinh thần luật, để chạy theo nghĩa đen của luật”.

Một cựu bỉnh bút của NCR tỏ ý sợ rằng các tân tòng từ Anh Giáo qua đều là những “kẻ cuồng tín bài đồng tính”. Còn linh mục Dòng Tên Thomas Reese, người từng trở thành nhà bình luận có thiện cảm đối với giới truyền thông duy tục về các vấn đề Công Giáo, thì sợ rằng các tân tòng này sẽ “làm hỏng hơn nữa chiều hướng canh tân”.

Những cuộc tấn công gay gắt chống lại bản dịch mới của Thánh Lễ ít chú ý tới phẩm chất của ngôn ngữ cho bằng uy quyền của giới chuyên viên phụng vụ, là giới gần như lần đầu tiên trong suốt 45 năm qua đã bị đức giáo hoàng và các giám mục tra vấn. Các chuyên viên phụng vụ tức giận vì họ không được ủy thác việc thực hiện các bản dịch mới này.

Tu sĩ Dòng Bênêđíctô Anthony Ruff than phiền trước “mẫu mực áp đặt từ trên xuống dưới của giáo quyền trung ương, một thẩm quyền tự cho mình không cần tính sổ với giáo hội phổ quát”. Nhưng thực ra chính giới chuyên viên phụng vụ mới hành xử kiểu đó gần 50 năm nay. Chupungco cũng từng cho rằng “ta không được tự do trình bày bất cứ quan điểm” nào đi ra ngoài những điều các chuyên viên phụng vụ “phán” cả 4 thập niên trước đây.

Tại phiên họp năm 2010 của Hội Thần Học Hoa Kỳ, 2 thần học gia giáo dân là Catherine Clifford và Richard Gaillardetz cho rằng trong quá khứ, truyền thống “vốn giam mình vào việc chuyển giao các giá trị đầy chất ý thức hệ và tính tư lợi nặng nề”. Nhưng hiện nay, chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo đã trở thành một ý thức hệ, và không nơi nào việc hợp lý hóa tư lợi rõ ràng hơn là trong giới chuyên nghiệp có tổ chức.

Clifford và Gaillardetz khiếu nại rằng các thần học gia hiện phải lao đao dưới con mắt ngờ vực của các giám mục, và quả quyết rằng các thần học gia chỉ “tỏ bày lòng trung thành với huấn quyền bao lâu huấn quyền tỏ ra phục vụ lời Chúa cách thích đáng”. Nhưng điều gì tạo nên lời Chúa thì phải để cho các thần học gia có tiếng nói sau cùng.

Kết án Vatican ngu dốt

Sự tự cao tự đại của người cấp tiến là họ cho rằng các viên chức của Vatican thẩy đều ngu dốt và không hiểu tí gì về các nền thần học bị họ phê phán. Lời kết án này còn ngụ ý cả chính Đức Bênêđíctô XVI lúc ngài còn đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, dù ngài được coi là một trong các thần học gia lớn của thời đại.
Một số thần học gia còn tự nhận là “huấn quyền thứ hai” có thế giá giảng dạy ngang hàng, thậm chí còn hơn cả thế giá của huấn quyền nữa. Điều tự nhận này quên khuấy sự kiện này: trong suốt lịch sử Giáo Hội, huấn quyền, thường hội họp thành công đồng, luôn là định chế có tiếng nói sau cùng về học thuyết.

Clifford và Gaillardetz định nghĩa vai trò thần học gia là: duy trì “tính ưu tiên của đức tin sống trong Giáo Hội trước các công thức tín lý”. Họ muốn ngụ ý rằng hai thứ ấy không tương hợp với nhau. Nhưng khi loại bỏ cả thẩm quyền của phẩm trật lẫn “ý kiến của bình dân”, hai thần học gia này tự động coi các nhà chuyên nghiệp như những người duy nhất có đủ tư cách xác định điều gì là “đức tin sống” điều gì không. McBrien từng chối bỏ đức tin sống nơi lòng sùng kính Thánh Thể.

Nhưng cũng như bất cứ lúc nào, cách mạng luôn nuốt trửng các đứa con của nó. Nữ Tu Margaret Brennan, một lãnh tụ của phong trào cải cách cuộc sống tu trì sau Công Đồng, đang tự hỏi liệu ta có cần tới các nhà tự xưng là chuyên viên hay không. Vì “tất cả chúng ta há không phải là thần học gia cách nào đó hay sao?”
Một số nữ tu coi cuộc điều tra của Vatican đối với cuộc sống tu trì là một hành động “bạo lực” và cuộc phản kháng của họ có mục đích “phá đổ cái chu trình bạo lực ấy”. Nữ tu Theresa Kane, người từng công khai nhục mạ Đức Gioan Phaolô II trong cuộc tông du Hoa Kỳ lần thứ nhất của ngài, vừa tuyên bố rằng “hàng giáo phẩm nam giới đang bất lực, không có khả năng bình đẳng, chịu trách nhiệm chung trong tư cách người trưởng thành”.

Những người chống đối cuộc điều tra các cộng đồng tu trì đưa ra một chủ trương độc nhất vô nhị trong lịch sử Giáo Hội cho rằng các nữ tu không có nhiệm vụ phải trả lời ai ngoài chính họ. Gaillardetz là người cung cấp cho Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu (LCWR) các hướng dẫn về thần học.

Nữ tu chủ trương duy nữ Joan Chittister tương phản các nữ tu “những người nhất quán tiếp tục phục vụ người nghèo, hành động cho công lý, và cố gắng tạo hòa bình giữa các dân tộc thuộc mọi đức tin và văn hóa” với “giáo hội hoàn vũ đang loay hoay đương đầu với các hậu quả của gương mù tình dục ở khắp nơi, với nạn biển thủ ở khắp nơi…” Nhưng không ai có thể xác định được phạm vi rộng lớn của bê bối tình dục và biển thủ nơi các nữ tu, bởi họ tuyên bố rằng họ không phải tính sổ với ai cả.

Thiếu hẳn tinh thần tự phê
Sean O'Malley


Đức HY Sean O’Malley của Boston, một tu sĩ Capuchin, cho hay: mặc dù hay nói tới “cởi mở”, nhiều cộng đoàn tu sĩ thiếu hẳn tinh thần tự phê, khi cứ nằng nặc tuân giữ các kinh nghiệm thất bại của họ. Thoạt đầu, các nhà lãnh đạo của phong trào cải cách tiên đoán rằng các thay đổi sẽ lôi cuốn được nhiều người gia nhập. Khi điều ngược lại xẩy ra, cũng các nhà lãnh đạo đó tuyên bố rằng họ lôi kéo được ít thành viên hơn, nhưng thẩy đều là những người tốt hơn. Bây giờ, thì họ tỏ ra bất cần trước viễn tượng trong một thập niên nữa nhiều cộng đoàn của họ sẽ hết đoàn viên. Đức HY Franc Rodé, cựu tổng trưởng Thánh Bộ Dòng Tu, cho người ta thấy rõ: dù LCWR đại diện cho 80% các cộng đoàn nữ tu tại Hoa Kỳ, nhưng Hội Đồng Các Bề Trên Cả Dòng Nữ (CMSR), một hội đồng nữ tu khác, hiện đang thu hút 80% các ơn gọi nữ.

Mặc dù hàng giáo phẩm vốn nội tại trong đời sống tôn giáo xưa nay, nhưng LCWR đã từ bỏ ý niệm “bề trên”, coi nó như độc đoán, để phát huy ý niệm “lãnh đạo” được họ coi là dân chủ hơn. Nhưng đây là trò bịp bợm, vì một trong các động lực khiến Tòa Thánh mở cuộc điều tra chính là vì các nữ tu khiếu nại rằng LCWR chuyên áp đặt các thay đổi từ trên và bất cứ ai phản đối đều bị cho ra rìa.

Cuộc điều tra trên bị tố cáo là “lùng diệt phù thủy” và “lùng diệt dị giáo” nhưng cùng một lúc, các nữ tu huênh hoang rằng cuộc sống của họ đã hoàn toàn thay đổi, đến độ không ít người trong số họ đã trở thành những người tranh đấu mạnh mẽ cho việc phá thai. Một quảng cáo 4 trang trên tờ NCR đã chào mừng các nữ tu bằng những lời sứ thần Gabrien thưa cùng Đức Mẹ: “Kính chào, các bà đầy ơn phúc” và tuyên xưng “các đạo binh thần thánh trong liên đới với các bà”. Trong số những người tài trợ quảng cáo này, ta thấy có nhóm phò phá thai Người Công Giáo Tự Do Chọn Lựa.

Giống như trong các lãnh vực khác, dù hay nói tới đa dạng tính và chủ nghĩa đa nguyên, nhưng người Công Giáo cấp tiến không coi sinh hoạt tôn giáo truyền thống là chân thực. Bởi thế, một độc giả của NCR “biết tỏng tong” là các thiếu nữ gia nhập các dòng truyền thống thẩy đều “đã nuốt chửng cái bả huyền thoại về chính mặc cảm tự ti của mình”. Còn Ken Briggs, một cựu phóng viên của New York Times thì tuyên bố rằng LCWR là “thế hệ sống sót cuối cùng của Công Đồng Vatican II”. Đối với Briggs, sự hiện hữu của Hội Đồng Các Bề Trên Cả Dòng Nữ quả là một âm mưu phá hoại đối với LCWR, một tổ chức mà chỉ có nó mới có quyền lên tiếng thay cho mọi nữ tu, kể cả các nữ tu không nhất trí với các chủ trương của nó. Ông bảo: nói rằng các cộng đoàn truyền thống đang lôi cuốn nhiều ơn gọi hơn không hề đúng sự thật mà chỉ là một âm mưu khác của Vatican nhằm phá hoại LCWR.

Ở đây, một lần nữa, lịch sử lại là chướng ngại vật cho cái hiểu về chính mình của phe cấp tiến. Họ nhắc lại các phục vụ anh hùng mà các nữ tu vốn thực hiện tại các trường họ, các nhà thương và các nhà mồ côi để hàm ý một cách phi lý rằng các nữ tu hiện đang bị điều tra là vì chính những việc phục vụ anh hùng đó, chứ không phải vì họ đã bỏ bê chúng một cách đại qui mô. Các giáo dân thuộc đủ khuynh hướng hẳn nhận ra rằng trong nhiều năm qua, trong các trường Công Giáo và trong nhiều định chế y tế Công Giáo, người ta ít thấy bóng dáng các nữ tu này.

Các nữ tu sĩ hiện đại tự hào về các thành tựu của các bậc đàn chị đi trước, nhưng lại chỉ có thể ngưỡng mộ họ một cách mập mờ, vì cho rằng các công trình vĩ đại của ngày qua được thực hiện bởi các đàn chị chỉ biết sống cái lối sống bị ngày nay kết án là hẹp hòi, bẳn gắt, một lối sống mà các nữ tu hậu công đồng đã tự mình thoát ra khỏi.

Nhưng thái độ được họ chấp nhận đối với các nữ tu thời tiền công đồng đã được duyệt lại trong cố gắng giải quyết sự mâu thuẫn trên. Trong một thời gian, ý kiến của phe cấp tiến xem ra ủng hộ mẫu người trong vở kịch Sister Mary Ignatius Explains It All, trong đó, các nữ tu bị chính nền huấn luyện sai lạc của họ biến thành độc ác và rối loạn về tâm lý. Cái nhìn này nay đã bị họ loại bỏ để chọn một quan điểm trái ngược: các nữ tu trông rộng thấy dài vốn là những người đi tiên phong trong việc tạo ra mọi thiện ích trong Đạo Công Giáo Hoa Kỳ, nhưng họ bị hàng giáo phẩm phản động cản trở.

Lý do ở lại

Tại sao các người cấp tiến bất mãn cứ tiếp tục ở lại trong cái Giáo Hội vốn luôn làm họ thất vọng này là điều khó hiểu; lý do không hẳn vì họ tin vào bản chất thần linh của Giáo Hội. Đôi khi họ trích dẫn Phép Thánh Thể làm lý do ở lại, nhưng về phương diện luận lý, các nguyên tắc của họ đòi họ tin rằng phép thánh thể của Thệ phản cũng đâu có kém giá trị.

Việc làm người Công Giáo bị phe cấp tiến thu gọn vào một mẫu số chung rất thấp, như một độc giả của NCR từng viết: đó là “các mối tương quan với hàng trăm người”... các tổ chức chuyên nghiệp, các câu lạc bộ cựu học sinh, hay các nhóm vận động hành lang. Một độc giả khác vốn tham dự một giáo xứ “tiến bộ, không phải vì tôi cần tới Đạo Công Giáo để trưởng thành về thiêng liêng, mà bởi vì cộng đồng có tính bao gồm này nuôi dưỡng tôi một cách độc đáo chưa thấy ở nơi nào”.

Một người duy nữ tuyên bố như sau: “phụ nữ không cần Vatican. Chúng tôi không cần các giám mục. Họ là một đe dọa thực sự”. Nhưng thực ra, phụ nữ cần những thực tại ấy, vì căn tính của họ vốn được nhào nặn nên nhờ cái tâm tình nổi loạn đầy ám ảnh chống lại thẩm quyền Giáo Hội.

Thèm khát quyền lực

Phe cấp tiến lặp đi lặp lại luận điệu cho rằng các vị trong hàng giáo phẩm là những người thèm khát quyền lực, nhưng thực ra, phe cấp tiến mới là người bị quyền lực ám ảnh, và đây là lý do chính khiến họ tiếp tục ở lại trong Giáo Hội. Một phụ nữ kể cho độc giả NCR nghe: đã từ lâu, bà không đi nhà thờ nữa cho tới khi một người duy nữ khác có quyền chào hỏi người ta trước thánh lễ.

Phần lớn người duy nữ không đưa ra được một nền thần học gắn bó nào về chức linh mục, ấy thế nhưng họ vẫn một mực đòi được thụ phong. Một “giám mục” đàn bà đã nói rằng: dù “Giáo Hội Công Giáo độc hại đối với phụ nữ… nhưng điều hết sức quan trọng đối với uy tín của tôi là được nhận mình là người Công Giáo Rôma. Tôi phong chức linh mục cho các phụ nữ của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Tuy bị phạt tuyệt thông, tôi vẫn ở trong giáo hội này một cách đặc thù và trong ý hướng”.

Một “chuyên viên” về giáo dân, cựu linh mục Dòng Tên Paul Lakeland, tố cáo rằng Giáo Hội Công Giáo “đang nhi hóa” (infantilizes) con người. Hình như qua thuật ngữ này, ông muốn nói rằng đời sống tôn giáo và luân lý của họ không hẳn non dại cho bằng họ đã không “nắm lấy quyền sở hữu đối với giáo hội hoàn vũ”.

Trong một thư ngỏ, linh mục Eric Hodgens, người Úc, than phiền rằng những người xuất chúng như ông không được nắm giữ những chức vụ họ đáng được nắm, trong khi những người “bán linh hồn để mua thăng tiến” thì được thăng thưởng.

Giáo hội học cấp tiến

Chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo đang diễn lại lịch sử Cải Cách thế kỷ 16, bắt đầu bằng lời kêu gọi cải cách hợp pháp, và rồi kết thúc với thật nhiều chia rẽ. Nhưng trong khi Luther và Calvin bác bỏ những người tiến quá xa và quá nhanh, thì ý niệm lạc giáo và ly giáo hoàn toàn vô nghĩa trong nền giáo hội học thiếu gắn bó của người Công Giáo cấp tiến, trong đó, phán đoán của mỗi người đều được coi là thánh thiêng và ai cũng là người Công Giáo nếu họ nghĩ về họ như vậy.

Chính tờ NCR hiện đang ủng hộ một thứ ly giáo chính thức, tức đòi cho phụ nữ được thụ phong linh mục, dù Giáo Hội đã chính thức tuyên bố: việc phong chức ấy bất thành. Jamie Manson, một bỉnh bút thường xuyên của NCR, thúc giục phụ nữ tham dự “tiệc thánh thể do giáo dân chủ sự” hay tìm cách được thụ phong bởi người ly giáo, trong khi “bà” thần học gia duy nữ Rosemary Radford Ruether tuyên bố mình thích có hệ thống, trong đó toàn bộ cộng đồng “phong chức” linh mục cho phụ nữ, không cần giám mục.

Kane thì cho hay: “tôi không ở ngoài hiệp thông. Định chế ở ngoài hiệp thông với tôi”. Bà thấy phụng vụ là “nguồn gây lo lắng, buồn sầu, thậm chí còn trống rỗng nữa”, nên bà rất vui khi một vài cộng đoàn đang cố gắng tạo ra các nền phụng vụ duy nữ riêng cho mình. “Có lẽ đây là khởi đầu của một giáo hội mới”. LCWR từng tặng Huy Chương Lãnh Đạo Xuất Chúng cho Kane, cựu chủ tịch của nó.

Đối với người Công Giáo cấp tiến, điều xem ra là giáo hội học được xây dựng trên “tinh thần” của Công Đồng Vatican II, một tinh thần mà chỉ một số người nào đó nắm bắt được, còn những người khác, kể cả các vị giáo hoàng, đều không biện phân được. Kinh nghiệm nhân bản trở thành tiêu chuẩn duy nhất của sự thật, nhưng có những kinh nghiệm bình đẳng hơn những kinh nghiệm khác. Người cấp tiến thực sự tin rằng “Thánh Linh” nói với họ chứ không nói với những người họ bất đồng với.

Họ thường quảng đại ban thưởng cho nhau những hình dung từ như “sâu sắc”, “đẹp đẽ”, “đầy cảm thương”, “đầy yêu thương” và “thánh thiện”, tấn phong cho nhau là ‘nghệ sĩ”, “tiên tri” và “người thấy trước”. Một độc giả của NCR tỏ ý không bằng lòng với kiểu nói “Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy” như chuyện đã qua, vì như thế là loại bỏ rất nhiều tiên tri đang sống hiện nay.

Clifford và Gaillardetz nại tới ơn gọi tiên tri của thần học gia, những người “không màng tới thị phi thông thường”, mà nhiệm vụ “đòi một cảm thức khiêm nhường sâu xa”. Nhưng những anh hùng cấp tiến như Hans Kung đã từ lâu vốn rất thích nhận những khen tặng của truyền thông. Những người cấp tiến cũng rất thích hãnh diện rằng đại đa số người Công Giáo đồng ý với nền luân lý dễ dãi của họ về tính dục.

Mặt khác, tước hiệu tiên tri ít khi được họ ban tặng cho những ai không ủng hộ ý thức hệ cấp tiến. Trong số những người ấy ta thấy có Chân Phúc Têrêxa Thành Calcutta, người, đối với họ, chỉ là con voi chính trưng bày trong phòng khách, vì bà không ăn khớp với khuôn mẫu người Công Giáo “hậu công đồng” của họ. Có lần, Unsworth nhạo báng bà trên các trang của tờ NCR, gọi bà là “Mẹ Jugo”, tên một loại xe hơi rẻ tiền của Âu Châu và than phiền rằng các nữ tu của bà là trở ngại cho giáo hội cấp tiến ở Chicago.

Người Công Giáo cấp tiến cũng không chịu ca ngợi một “nữ tu độc lập” khác, một phụ nữ biết vươn tay ra với thế giới bên ngoài bốn bức tùng tu viện, vượt thắng vô vàn trở ngại, trong đó có cả sự chống đối lộ liễu của một vị hồng y mạnh quyền, để tạo nên một hệ thống truyền thông Công Giáo lớn nhất thế giới. Những công trạng ấy đáng lẽ đã biến Mẹ Angelica thành bậc anh hùng duy nữ, nhưng NCR chỉ coi bà như một thứ trình diễn hào nhoáng.

Khi mô tả những cuộc tụ họp của mình, người cấp tiến thường nhấn mạnh tới cảm thức hài hước của họ và quả thực họ không nhìn họ một cách nghiêm chỉnh. NCR hay đăng các bức hình cho thấy các anh hùng cấp tiến đang cười để tương phản họ với nét khó chịu của người bảo thủ. Sau khi Unsworth qua đời, chủ bút NCR Tom Fox xưng tụng ông là người dí dỏm vĩ đại, và trích dẫn những câu bông đùa của ông như “ơn toàn xá lấy từ gác xép ra dành cho thiên niên kỷ mới”. Việc ông nhạo báng, gọi Chân Phúc Têrêxa là “Mẹ Jugo” được coi là cau khôi hài muôn thuở!

Linh đạo cấp tiến

Khi thẩm quyền chức vụ bị bác bỏ, thì người ta bắt buộc phải thay thế nó bằng việc tôn thờ cá nhân. Chittister thường hạ giá các cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng, coi chúng chỉ là các biểu hiện lấy tiếng, cỡ biến cố hoàn cầu, để rồi, trước mặt độc giả NCR, tự thế chỗ của Đức Giáo Hoàng: “chỉ cần biết có một Joan Chittister cũng đủ làm nhiều người được phấn khởi”; “bà có một trung tâm linh đạo bình thản”; “Đã qua tuổi 70 mới đây, bà không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ chầm chậm lại…”; “luôn bình thản, duyên dáng, và có mặt…”; “… luôn ý thức sâu sắc được đau khổ và ước muốn khôn nguôi đương đầu với nguyên nhân của đau khổ ấy…”; “bà thong dong buớc cùng khắp Cựu Ước, nơi bà tìm thấy nhiều bằng hữu vượt thời gian”; “ít nhà văn nào có nhà in riêng…”; những người ái mộ bà “giữ cho thế giới đồng nhịp với các suy tư của Chittister về thân phận con người…”…

Còn nữa: “Số người muốn có thời gian với bà đông vô kể. Những người cầu thân với bà đôi khi phải đăng ký trước cả ba năm…”; “quả là một đặc ân đối với Call to Action (Tiếng Gọi Hành Động) khi thành công đăng ký được bà…” Chủ bút NCR rất vui khi được gặp bà trên điện thoại sau khi đã cố gắng gọi lần thứ hai. Bà mệt mỏi vì bay “vội vào ra” Newfundland, tiếp theo sau chuyến bay khác tới New York… hôm sau lại bay đi California”. Tờ báo không quên đăng tấm hình người tị nạn Iraq tại Damascus quây quần quanh bà để tỏ lòng tri ân đối với chuyến bay viếng thăm của bà… Còn rất nhiều những ca tụng đại loại như thế.

Tất cả những ca tụng ấy xem ra nhất quán với cái hiểu của Chittister đối với Luật của Thánh Bênêđíctô. Lời Thánh Nhân khuyên khiêm nhường đòi người ta phải dẹp các ảo tưởng của họ đối với sự phóng đại và bằng lòng với những xử sự thấp hèn nhất. Nhưng theo bà, đối với phụ nữ, lời khuyên ấy phải là sự cả quyết (self-assertive).

Nền linh đạo cổ điển khuyên ta phải cẩn thận biện phân được các thúc đẩy (impulses), phân biệt các thúc đẩy từ Thiên Chúa khỏi các thúc đẩy không từ Người. Nhưng trong thứ linh đạo cấp tiến hiện nay, bản ngã là thẩm quyền tối hậu.

Người Công Giáo cấp tiến lên án “xã hội tiêu thụ” mà không thấy cách tiếp cận linh đạo của họ ăn khớp với nó xiết bao. Reese từng nói về việc Giáo Hội mất nhiều thành viên như sau: “nếu ta là nhà bán lẻ tận gốc (outlet), thì ta chỉ còn biết đổ lỗi cho khách hàng”. Nhưng trên thực tế, người cấp tiến coi tôn giáo như nhà bán lẻ tận gốc. Nếu Đạo Công Giáo cổ truyền có tính giáo điều và độc đoán, nó đâu có chú ý tới ý muốn của người ta. Tuy nhiên, giờ đây, người ta quả coi tôn giáo như một quán cà phê trong đó, họ muốn lựa món nào tùy thích. Các nhà tĩnh tâm hiện đang được điều hành bởi các nữ tu chuyên tìm cách lôi cuốn “khách hàng” để “thoa bóp trị liệu” hay các món xa xỉ tâm linh khác cho những người có hết mọi sự.

Do đó, môn đệ Chúa Kitô đã trở thành khách hàng mà người ta liên tục cần chiếm được sự lui tới của họ. Các bức thư gửi tới NCR hay thông báo rằng tác giả của chúng đã chán ngấy lắm rồi và đã rời bỏ Giáo Hội hay đang nghĩ tới chuyện đó. Một độc giả NCR cho rằng “một ngày kia, rất có thể tôi được mời gọi bác bỏ giáo hội của tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ bác bỏ Thiên Chúa hay chính tôi”. Thiên Chúa và bản ngã xem ra đã trở nên một. Một độc giả khác thắc mắc há “Thiên Chúa mà tôi chọn để thờ phượng trong Giáo Hội Công Giáo không đang nói với tôi rằng ‘khốn cho ngươi’” vì đã thuộc về một giáo hội không chịu thừa nhận các cuộc kết hợp đồng tính.

Bình luận về việc một số bằng hữu của ông đã rời bỏ Giáo Hội, Ruff cho rằng “đáp ứng của tôi là ở lại trong giáo hội này suốt đời và cố gắng hết sức để phục vụ giáo hội ấy”, một quyết định được ông coi cũng chỉ là một trong các khả thể có tính hợp pháp ngang nhau. Tuy nhiên, chỉ có một câu hỏi có giá trị duy nhất, liên quan tới việc làm người Công Giáo, là liệu các giáo huấn của Giáo Hội có chân thực hay không. Nếu chúng không chân thực, thì không ai nên tham gia cái giáo hội ấy, còn nếu chúng chân thực, thì không ai có quyền ròi bỏ nó về phương diện luân lý.

Người Công Giáo thế kỷ 21

Nghị trình cấp tiến hiện nay đã đi quá xa việc đi tìm Đạo Công Giáo thích hợp cho thế kỷ 21. Nó đã nghiêng về cánh tả đến độ chỉ còn là Kitô hữu một cách hàm hồ. “Linh đạo” là điều chủ yếu, vì từ ngữ này hiện đang được cả những người vô thần sử dụng. Những người này đang tự cho mình đạt tới chỗ cao nhất trong “kinh nghiệm tôn giáo” mà không cần dấn thân vào bất kỳ một tín ngưỡng đặc thù nào.

Đối với Jamie Manson, Phép Thánh Thể chỉ là một dịp để làm những chuyện quan trọng hơn trở thành khả hữu, vì đối với các thừa tác viên giáo dân “sự nối kết sâu xa nhất của họ với Thiên Chúa xẩy ra trong hai kinh nghiệm: lúc nhìn vào đôi mắt người chịu lễ và trong bữa ăn họ chia sẻ với các thành viên của cộng đoàn sau đó”.

Bà tường trình rằng các việc sùng kính cổ truyền đã nhường bước cho “yoga, thiền, ca hát, âm nhạc hay các thao tác lặp đi lặp lại khác nhằm đem lại sự lành mạnh cho cả thân xác lẫn tinh thần”. Chính bà lần chuỗi không phải để suy niệm các mầu nhiệm Ba Ngôi nhưng chỉ để “làm tan biến các xao xuyến âu lo của tôi”. Quả có gì khác nhau đâu giữa chuỗi Mân Côi và chuỗi hạt Phật Giáo? Sau khi ngăn cấm lối cầu nguyện lặp đi lặp lại đầy “vô nghĩa”, hiện nay, người cấp tiến lại cho phép nếu họ thấy nó thỏa đáng trong chính cuộc sống họ.

Brennan thuật lại rằng, nhờ chịu ảnh hưởng của phong trào duy nữ, lý thuyết của Jung, và nhiều điều khác, nay bà đã khám phá ra rằng “Thiên Chúa không phải là bất cứ ai… nhưng là nguồn suối và là thực tại của mọi người và mọi sự”. Bà đã giải thoát mình khỏi các ý niệm xưa cũ về Thiên Chúa vốn thả neo trong trí khôn tôi nhưng không còn nói với trái tim tôi nữa”.

Theo chân nhà tranh đấu da đen đầy kỳ thị chủng tộc Malcolm X, linh mục thần học gia Bryan Massingale, cựu chủ tịch Hội Thần Học Hoa Kỳ, thấy rằng gốc rễ chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc nằm trong “cơ cấu biểu tượng của Kitô Giáo, nhất là hình ảnh của tôn giáo này về một Thiên Chúa da trắng”. Bởi thế, theo ông, cần phải “bác bỏ hệ thống biểu tượng văn hóa của Kitô Giáo Phương Tây”. Những người cấp tiến xưa nay vốn thích nhắc người Công Giáo nhớ tới việc Chúa Giêsu là một người Do Thái cũng là những người rất thích diễn tả Người như một người đàn ông da đen hay một người Ấn Độ.

Thiên Chúa Ba Ngôi tại quán càphê Starbucks

Bước theo đường mòn của chủ nghĩa Thệ Phản cấp tiến, Terrence Tilley, một cựu chủ tịch khác của Hội Thần Học Hoa Kỳ, thắc mắc không biết liệu các công thức tín lý cổ điển của các công đồng tiên khởi, nhất là các công thức có liên quan tới Chúa Giêsu, đã lỗi thời chưa và có làm ta lầm lẫn hay không. Ông cho rằng phải hiểu Chúa Giêsu một cách nào đó để có thể quả quyết rằng ngoài Kitô Giáo ra, các tôn giáo khác cũng có mặc khải thần linh.

Linh mục thần học gia Phêrô Phạm Văn Cho cũng chủ trương rằng “các từ ngữ như tính phổ quát, tính duy nhất, và tính độc chiếm, do có liên hệ lịch sử với phong trào thực dân và đế quốc của Phương Tây, phải được coi là không còn thích hợp và hữu dụng nữa để phát biểu đức tin của ta…”

Còn nhà thần học duy nữ Elizabeth Johnson thì cho hay: “Chẳng có gì có hại nếu ta bỏ hẳn từ ngữ ‘Chúa Ba Ngôi’”. Một độc giả NCR khuyên người ta nên dùng một sách cầu nguyện vì trong đó, “không có ‘Cha, Con và Thánh Thần’, không có cả Giêsu lẫn Mẹ Đồng Trinh”.

Trong một bài xã luận Lễ Giáng Sinh, NCR cho độc giả của mình hay: học thuyết về cứu chuộc là một sai lầm đã được truyền tụng trong nhiều thế kỷ qua, cho tới khi nó bị bác bỏ bởi một số ít thần học gia hiện đại. Bài xã luận tự khen: “có lẽ đây là lần đầu tiên, bạn được nghe Tin Mừng này”.

Jeanette Blonigen Clancy, một cựu nhân viên của tổng giáo phận St Paul-Minneapolis, bác bỏ học lý “nam giới” về Ba Ngôi như “ba gã trên trời”. Cô cho rằng “tôi tôn kính Chúa Giêsu như khuôn mặt cổ kính để gợi hứng lối sống chính trực cho ta. Nhưng việc Người xuống thế gian không phải là biến cố một lần mãi mãi làm thay đổi mọi sự mọi thời… Sự đau khổ và cái chết của Người chỉ có giá trị thần thoại biểu tượng cho mọi đau khổ và cái chết cứu chuộc… Sự hy sinh của họ cũng không kém đáng kể như chính sự hy sinh của Người… Tôi thấy Chúa Giêsu nói chuyện làm ăn với Buddha tại quán cà phê Starbucks”.

Nhưng ngay cả việc hoàn toàn cởi mở đối với các tôn giáo khác vẫn chưa đủ. Thần học gia duy nữ Mary Dale cho hay: “Tôi khẩn khoản xin các bạn phạm tội… Nhưng không phải để chống lại các tôn giáo nhỏ nhoi như Kitô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo… tất cả đều phát sinh từ tôn giáo vĩ đại của chế độ tổ phụ. Mà là phạm tội chống lại chính hạ tầng cơ sở”. Nên nhớ, Chittister rất ái mộ Daly, coi tác giả này như một thần học gia lỗi lạc.

Nhược điểm tai hại của sinh hoạt tôn giáo hậu công đồng là hiểu canh tân theo nghĩa giải thoát khỏi nền linh đạo truyền thống, tự cắt mình khỏi Giáo Hội đến nỗi tạo ra cả một lỗ hổng tâm linh cần được trám đầy. Hiện nay, một số nữ tu thực sự đã dật dờ đi vào chủ thuyết ngoại đạo mới, thờ nữ thần và nhiều loại linh đạo phi Kitô giáo đa dạng, sử dụng thẩm quyền còn lại của họ để quảng bá cho điều thực chất là một tôn giáo thù nghịch.

Kate Childs Graham, một cộng tác viên của NCR, người liên minh với Hội Đồng Phong Chức Phụ Nữ và Tiếng Gọi Hành Động, đã coi Starhawk, “nhà văn và nhà tranh đấu xã hội”, như một thế giá, mà thực chất chỉ là một người tự xưng là “phù thủy”, thờ nữ thần.

Một số người Công Giáo theo thuyết duy môi sinh trên thực tế, tỏ ra thờ trái đất thực sự. Chủ Bút NCR là Rick Heffern, từng phát biểu “Điều hiện đang lên khuôn lời cầu nguyện của tôi hơn cả chính là trình thuật khoa học về tạo dựng… Vũ trụ là một đơn nhất, một cộng đồng tương tác, biến hóa gồm các hữu thể và sự sống gắn bó một cách khắng khít với nhau”.

Người cấp tiến chỉ thấy một lý do duy nhất khiến người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội là tính khô cứng trong các giáo huấn, chứ không kể gì tới sự rời bỏ đều đặn trong các giáo phái khác như Giáo Hội Anh Giáo Mỹ và các nhóm Thệ Phản chính dòng.

Giáo Hội Anh Giáo Mỹ cung cấp cho người ta chính điều người Công Giáo cấp tiến rất thèm muốn: không giáo hoàng, được bầu giám mục, thẩm quyền giám mục yếu ớt, muốn cử hành phụng vụ ra sao tùy thích, hết sức mềm dẻo về tín lý, hoàn toàn chấp nhận cuộc cách mạng tình dục. Nhưng, cũng như các dòng nữ cấp tiến, Anh Giáo Mỹ xem ra đang tiến tới việc tự hủy.

Như lịch sử Thệ Phản Giáo và Do Thái Giáo hiện đại đã chứng minh, thành tựu chính của tôn giáo cấp tiến là thuyết phục người ta tin rằng họ không cần chi tới tôn giáo. Công Giáo cấp tiến đã đạt được mục tiêu của họ trong việc phá hoại nhiều niềm tin và thực hành truyền thống, nhưng do đó, nó cũng đang phá hoại chính nó: các vấn đề như phong chức phụ nữ không còn kéo được sự chú ý của những người vốn thuộc về Giáo Hội như thuộc về một câu lạc bộ sức khỏe. Con số những người cấp tiến tự coi mình như Công Giáo ngày càng giảm, và về một phương diện nào đó, những người Công Giáo cấp tiến “hơn cả” chính là những người đã hoàn toàn ra khỏi Giáo Hội.

Nhưng không phải mọi người rời bỏ Giáo Hội đều làm thế vì họ cho rằng học thuyết của Giáo Hội quá khô cứng. Trái lại, một số rất đông đã tham gia các nhóm Thệ Phản cực đoan, vì than phiền rằng các linh mục cấp tiến của họ trình bày cho họ một dịch bản quá ư trần tục về Tin Mừng.

Người Công Giáo cấp tiến chạy trốn trước điều họ coi là mặc cảm tâm thần đè nặng lên họ từ nền dưỡng dục tôn giáo, nhưng cảm thức đè nén này phần lớn chỉ nằm trong giáo huấn về tính dục.

Ý niệm “tội xã hội”: chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, các cơ cấu kinh tế và xã hội bất công, bất kể giá trị như thế nào, thực chất đã áp đặt lên người ta một mặc cảm nặng nề đến nỗi họ không thể nào tháo gỡ được, vì tội xã hội được định nghĩa là tội mà người phạm tội không thừa nhận sự đồng loã của mình.

Massingale quả quyết rằng người da trắng dính líu tới nền văn hóa kỳ thị chủng tộc một cách sâu xa đến nỗi những ai nghĩ mình tự do cũng đồng loã vì chính lý do đó. Một chủ bút của NCR ca ngợi một cuốn sách do dòng Maryknoll ấn hành vì đã không tin rằng chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc có thể giải quyết được trong ngữ cảnh văn hóa Mỹ, vì “chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và tội diệt chủng vốn là hiến định của Hiệp Chúng Quốc…”

James Hitchcock.
Cuối cùng, chủ nghĩa cấp tiến hiện đại, cả thế tục lẫn tôn giáo, đều muốn nhân danh tự do để kiểm soát người ta. Sự cay đắng hiện đang bàng bạc trong phong trào cấp tiến là ý thức quá chậm rằng ít nhất trong Giáo Hội Công Giáo, chương trình này đã thất bại.

Phóng dịch bài “The Failure of Liberal Catholicism” của Tiến Sĩ James Hitchcock, đăng trong Catholic World Report, số ngày 15-5-2011.
(www.vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét