Trang

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

29-08-2012 : THỨ TƯ TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN


THỨ TƯ TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN
THÁNH GIOAN TÂY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT
(Lễ nhớ)


BÀI ĐỌC I: Gr 1, 17-19

"Ngươi hãy nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi: Đừng run sợ trước mặt họ".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Trong những ngày ấy, lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Đừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cây cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi".
 Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17

Đáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (c. 15a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Đáp.
2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. - Đáp.
3) Bởi Ngài là Đấng con mong đợi, thân lạy Chúa! Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con từ hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Đấng bảo vệ con; con đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Đáp.
4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. - Đáp.

ALLELUIA: Mt 5, 10

Alleluia, alleluia! - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 6, 17-29

"Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.
Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gio-an Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.
Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.
 Đó là lời Chúa.


Lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

Thánh Gioan tẩy giả là người anh họ của Đức Chúa Giêsu. Thân mẫu ngài là thánh nữ Êlizabeth và thân phụ ngài là ông Zacaria. Chương đầu tiên của Tin mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố sinh nhật tuyệt vời của thánh Gioan. Và Tin mừng theo thánh Marcô, nơi chương thứ 6, các câu 14-29, kể lại những chi tiết tàn bạo về cái chết của Gioan tẩy giả.
Vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Gioan nói cho Hêrôđê biết điều ấy là sai, nhưng Hêrôđê và Hêrôđia không muốn nghe và giữ giới luật của Thiên Chúa. Họ chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Và Gioan tẩy giả đã phải trả giá cho lòng tốt của ngài! Tuy nhiên, thánh nhân không thể hành động theo cách khác được. Ngài không im lặng trước tội lỗi và bất công. Sứ mệnh của Gioan là mời gọi người ta cải hối cuộc đời; và ngài mong muốn cho hết thảy mọi người được ơn giao hòa cùng Thiên Chúa.
Hêrôđia đã giữ mối hận thù đối với Gioan. Và khi dịp thuận tiện xảy đến, bà đã ra tay sắp đặt để Gioan bị chém đầu. Gioan đã phải chấp nhận những hậu quả nghiệt ngã cho việc giảng dạy chân lý Phúc âm.
Thánh Gioan tẩy giả rao giảng phép rửa sám hối, chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Mêsia. Ngài đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và được hưởng kiến niềm vui vì sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu đã khởi sự. Gioan tẩy giả đã khích lệ các môn đồ của mình đi theo Đức Chúa Giêsu. Ngài biết rằng danh Chúa phải tỏa sáng ra, còn danh mình phải lu mờ đi. Trong chương thứ nhất Phúc âm theo thánh Gioan, thánh Gioan tẩy giả nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, chỉ thức tỉnh người ta hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng mà thôi! Thánh nhân mời gọi mọi người hãy sẵn sàng để chuẩn bị đón nhận Đấng Mêsia. Sứ điệp của Gioan tẩy giả phải chăng cũng là sứ điệp của mỗi người chúng ta?
Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan tẩy giả giúp chúng ta luôn sẵn sàng để đón nhận Chúa Giêsu ngự đến trong cuộc sống của mình.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Thánh Gioan Tẩy Giả chết

Bài đọc: 2 Thes 3:6-10, 16-18; Mk 6:17-29.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Kỷ luật cần thiết cho đời sống con người 
Con người khác con vật ở chỗ biết suy nghĩ và tự chủ, chứ không phải muốn làm gì thì làm như con vật. Các bài đọc hôm nay dẫn chứng những loại người không sống theo kỷ luật. Họ trở nên gánh nặng và gây ra nhiều thiệt hại cho người khác; nhưng họ phải gánh trách nhiệm trước tòa phán xét của Thiên Chúa trong Ngày Chung Thẩm. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đời sống kỷ luật
1.1/ Sự cần thiết của đời sống kỷ luật: Thành công hay thất bại cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đều tùy thuộc vào đời sống kỷ luật, thái độ luôn biết làm chủ con người mình trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Người kỷ luật không bao giờ để cho người khác hay khó khăn chi phối họ; trái lại, họ tìm mọi cách để khắc phục các trở ngại gặp phải. Thánh Phaolô là mẫu người kỷ luật, nhưng ngài cũng biết ảnh hưởng của những người vô kỷ luật trên các tín hữu của ngài, nên ngài nhắc nhở họ: “Thưa anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi. Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.” 
1.2/ Sự cần thiết của làm việc: Con người sống cần có của ăn, và để có của ăn con người phải làm việc. Những tư tế của Chúa, vì phải làm việc trong Đền Thờ nên không có giờ để làm việc kiếm của ăn như những người khác, Chúa ban cho họ được quyền hưởng của ăn do giáo dân cung cấp. Điều này công bằng vì họ cũng làm việc để lo lắng phần hồn cho giáo dân; chỉ bất công khi họ không chu toàn trách vụ của mình. Thánh Phaolô được quyền hưởng những gì dành cho các tư tế, nhưng ngài cố gắng hy sinh làm việc để nêu gương sáng cho giáo dân. Ngài nói: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước.”
Ngài ra chỉ thị cho họ: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” Điều này thật công bằng cho những người có khả năng làm việc. Nhưng nhiều người lười biếng lý luận “không làm mà cũng có ăn thì tốt hơn” hay “làm ít ăn nhiều thì mới là người khôn ngoan.” Chẳng những đã không làm, họ còn dùng thời giờ rảnh rỗi để phạm tội: nói xấu, xen vào việc của người khác, hưởng thụ những thú vui bất chính… Đúng như lời một thánh nhân đã cảnh cáo: “Ở không là mẹ của các tật xấu.” 
1.3/ Phản ứng của những người siêng năng làm việc: Khi thấy những người khác không làm mà được hưởng, đôi khi còn được hưởng trọn mọi cố gắng của người khác, những người siêng năng làm việc sẽ khó chịu tức tối vì bất công. Một số phản ứng sau đây sẽ xảy ra:
(1) Phản ứng thông thường là sẽ tìm cách cho những người ấy một bài học hay phơi bày họ ra ánh sáng. Phản ứng này sẽ làm con người bất an nếu gặp chống cự và kết quả không theo ý mình muốn.
(2) Một phản ứng khác là sờn lòng nản chí rồi bỏ không tiếp tục làm điều đúng nữa. Phản ứng này không nên làm vì đã để người khác chi phối cuộc đời mình.
(3) Phản ứng của Thánh Phaolô: Hãy khuyên bảo họ; nếu cách đó không kết quả thì hãy tìm sự bình an nơi Chúa vì: “Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện.” Hơn nữa, chúng ta không lo việc bất công vì chính Ngài sẽ phán xét họ, vì không có gì giấu kín mà không bị tỏ lộ ra. Họ có thể đóng kịch qua mặt hết mọi người nhưng không bao giờ qua mặt được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn họ. 
2/ Phúc Âm: Gioan Tẩy Giả chết làm chứng cho sự thật. 
2.1/ Rau nào sâu nấy: Nhìn vào gia đình của Herode, một người có thể nhìn thấy quyền lực vủa ma quỉ thống trị gia đình này. Vua Herode Cả có tất cả 5 đời vợ (Cleopatra của Jerusalem, Doris, Mariamne của Hasmonean, Mariamne của Boethusian, và Malthake). Chính ông đã giết 3 người con: Antipater bởi Bà Doris, Alexander và Aristobulus bởi Bà Mariamne của Hasmonean. Lọan luân xảy ra khi Herodias, con của Aristobulus, kết hôn với Philip, chú của Bà; rồi lại muốn kết hôn với Herode Antipas, em của Philip, như trình thuật kể hôm nay. Chuyện lọan luân khác nữa là Salome, người con gái của Bà Herodias trong trình thuật hôm nay, lại kết hôn với Philip, con của Bà Cleopatra. 
2.2/ Các thái độ sống khác nhau trong cuộc đời:
(1) Vua Herode Antipas: thừa hưởng một nếp sống hoang dâm và ác độc của vua cha, ông cũng không sống theo lập trường rõ rệt. Ông đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục: lý do là vì vua đã lấy bà Herodia, vợ của người anh là Philíp; và Gioan đã công khai chỉ trích nhà vua. Thái độ không lập trường của ông được Marcô mô tả: “Thật vậy, vua Herode biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”
“Sự tình xảy ra là khi nhà vua mở một bữa tiệc thết đãi quan khách tại Galilee, con gái bà Herodia, Salome, vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được." Được sự cố vấn của mẹ, cô xin “đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.”
(2) Bà Herodia và Salome: sống và làm chứng cho sự gian trá. Bà Herodia căm thù ông Gioan vì đã dám ngăn cản hôn nhân của Bà, và muốn giết ông nhưng chưa được. Khi cơ hội tới qua câu hỏi của cô con gái: "Con nên xin gì đây?" Bà đã lạnh lùng trả lời: "Đầu Gioan Tẩy Giả." Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm."
(3) Gioan Tẩy Giả: sống và làm chứng cho sự thật. Ông không chú ý đến nhu cầu vật chất, danh vọng, chức quyền; nhưng can đảm sống và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người chúng ta đều được Thiên Chúa cho vào đời với một sứ vụ; chứ không tình cờ xuất hiện hay chỉ để ăn uống, hưởng thụ. Sứ vụ của chúng ta là làm sao giúp cho mọi người nhận ra tình yêu và đạt được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- Chúng ta đều có bổn phận như Gioan là dọn tâm hồn và chỉ đường cho mọi người đến với Đức Kitô; chứ không hướng mọi người vào chúng ta, hay vào bất kỳ một nhân vật nào khác.
- Để hoàn thành điều này, chúng ta chắc chắn phải chịu nhiều đau khổ, như Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả đã trải qua.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Ngày 29 tháng 8, Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Sứ điệp: Để sống ơn gọi ngôn sứ như Thánh Gioan Tẩy Giả, người Kitô hữu phải can đảm làm chứng cho sự thật, ngăn chặn sự xấu, và dám chấp nhận đau khổ vì Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật là chua xót nhưng cũng thật hào hùng khi đầu của thánh Gioan nằm trong tay một vũ nữ. Quyền lực của sự dữ tỏ ra mạnh mẽ, thắng thế, áp đảo. Còn quyền lực của sự thiện có vẻ mong manh, yếu đuối, bị bóp dẹp trong lòng bàn tay.
Cái chết của Thánh Gioan cho con hiểu rằng đam mê tội lỗi làm cho lòng người ra mù quáng, lôi kéo từ tội này đến tội khác, từ sai lầm này đến sai lầm khác. Người này phạm tội kéo theo người khác phạm tội. Người phạm tội ngày càng đông, sự xấu ngày càng lan rộng. Trong khi đó, ít người dám sống công chính, ít người dám nói sự thật, ít người dám ngăn chặn sự ác, và lôi kéo người khác làm điều thiện. Chính con cũng chẳng sống được như vậy.
Lạy Chúa, Chúa đã đến làm chứng cho chân lý và dùng quyền năng của Tin Mừng để giải thoát thế gian khỏi tội lỗi. Chúa muốn chúng con nối tiếp sứ mạng của Chúa. Xin giúp chúng con dám sống theo Tin Mừng. Xin Chúa đừng để chúng con vì những đam mê, vì những mối lợi hay vì sợ bị thua thiệt cười chê mà rời xa lối sống Phúc Âm. Xin giúp chúng con can đảm ngăn chặn sự xấu đang diễn ra xung quanh. Chúa giao cho chúng con chịu trách nhiệm về người khác. Chúng con sẽ lỗi nặng khi thấy sai mà không lên tiếng, khi thấy đúng mà không làm, khi thấy tốt mà không kéo người khác theo. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót, và xin Chúa giúp chúng con chu toàn sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng. Amen.
Ghi nhớ : "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa".

29/08/12 THỨ TƯ TUẦN 21 TN
Th. Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết 
Mc 6,17-29

VÌ CHÚA, KHÔNG VÌ GÌ KHÁC!

“Vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện.” (Mc 6,20)

Suy niệm: “Thà không giữ lời hứa còn hơn làm điều xấu để giữ nó” (T. Fuller). Vua Hêrôđê thì làm ngược lại, thà giết người vô tội để giữ lời hứa còn hơn thất hứa, thà vi phạm một khoản luật lớn lao để giữ một lời hứa điên rồ! Ông sợ khuôn mặt giận dỗi của người phụ nữ hơn là sợ phạm một tội ác tày đình. Ông sợ tiếng cười chê của bá quan văn võ hơn là tiếng nói của lương tâm. Danh dự hão của Hêrôđê được trả giá bằng máu của một vị ngôn sứ lớn! Sự sụp đổ hoàn toàn của ông khởi đầu từ sai lầm trong đời sống hôn nhân: quyến rũ và lấy vợ của anh mình. Còn Gioan, vị tiền hô của Đức Giêsu, đã can đảm nói sự thật với nhà vua, dù biết làm vậy là ký bản án tử hình cho chính mình.

Mời Bạn: Cả cuộc sống của Gioan Tẩy Giả phục vụ cho sứ vụ tiền hô, làm chứng về Đấng Cứu Thế. Bây giờ ngay cả cái chết bi đát của ông cũng tiên báo cái chết cứu độ của Đức Giêsu. Sự cao cả trong cuộc sống và cái chết của ông gắn liền với Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Bạn cũng vậy, cuộc đời bạn có giá trị hay không chẳng tùy thuộc vào chức danh, khả năng của bạn, nhưng hoàn toàn tùy thuộc nơi việc có gắn bó với Đức Giêsu hay không.

Sống Lời Chúa: Xét xem tôi đang thi hành bổn phận do sĩ diện, danh dự, tiếng khen... hay do lòng yêu mến gắn bó với Chúa Giêsu, và tìm cách sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả là vị tiền hô tuyệt diệu khi hoàn toàn dành cuộc đời mình cho Chúa. Xin cho chúng con cũng biết noi gương thánh nhân, vì yêu mến Chúa, sẵn sàng dành mọi quan tâm, năng lực đời chúng con cho Chúa. Amen.




Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Bài tường thuật của Mác-cô về cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả rất rõ ràng và dễ hiểu. Ta cần ghi nhớ 2 điều:
- Gioan đã chết vì can đảm nói sự thật, theo đúng chức năng ngôn sứ của mình.
- Cái chết của Gioan có nhiều nét tiên báo cái chết của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ tiêu biểu: chết do can đảm sống sứ mạng của mình, chết do ác tâm của con người, chết trong sự thương tiếc của các môn đệ.
1. Trước hết, ta hãy nhìn vào Hêrôđê:Một con người vẫn còn lương tâm (“vua nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe”), nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình.
Văn hào Chateaubriand của Pháp vào thế kỷ 19 đã viết về lương tâm con người như sau: “Con sư tử sau khi giết và ăn thịt con mồi có thể nằm lăn ra ngủ, nhưng con người không thể ngủ yên sau khi giết hại một người đồng loại của mình”.
Thi hào Victor Hugo trong bài thơ “Lương tâm” đã mô tả tâm trạng vô cùng đau thương của Cain sau khi đã giết em mình là Abel: “Cho dẫu Cain có đi đâu, cho dẫu ông có đào một huyệt sâu trong lòng đất để trú ẩn, ánh mắt lương tâm cũng không bao giờ buông tha cho ông”.
Con người có phẩm giá cao cả vì con người có lương tâm. Lương tâm chính là ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không ngừng dõi theo con người để mời gọi thôi thúc con người vươn lên. Thảm trạng đau thương nhất của cá nhân cũng như của xã hội chính là tiếng nói của lương tâm bị bóp nghẹt. Xét cho cùng, thảm trạng ấy cũng đồng lõa với việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Khi ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không còn nhìn xuyên qua tâm hồn con người nữa, thì đó là lúc con người đang dãy chết.
2. Ta nhìn tiếp đến bà Hêrôđia:Một người đàn bà hoàn toàn để cho dục tình lôi cuốn. Vì dục tình, bà đã loạn luân. Vì thế, khi Gioan vạch tội bà, bà không ngại tìm dịp giết Gioan để không ai còn ngăn cản được cộc sống loạn luân của mình nữa.
Bà Hêrôđia đã làm những điều mà có lẽ ai trong chúng ta cũng lên án. Thế nhưng, xét cho kỹ thì trong thiên hạ cũng chẳng thiếu gì những người như thế. Không phải chỉ là loạn luân mà còn biết bao nhiêu tội ác khác nhiều khi còn tệ hơn nữa.
Tại một xứ Hồi giáo nọ, có người đàn ông bị vua ra lệnh treo cổ vì ăn trộm thức ăn của người khác. Như thường lệ, trước khi bị xử, tội nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ từ tội liền xin nhà vua:
- Tâu bệ hạ, xin cho thần được chồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, mọc thành cây và có trái ăn tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là khi thần chết đi rồi, bí quyết này sẽ không truyền lại cho hậu thế được.
Nhà vua truyền chuẩn bị mọi sự để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn chồng táo. Đến giờ hẹn, trước mặt vua và các quan văn võ, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:
- Chỉ có người nào chưa hề ăn trộm của người khác mới trồng được hạt giống này. Vì tôi đã lỡ ăn trộm nên không trồng được.
Nhà vua tin lời, nên quay sang nhìn tể tướng. Sau một lúc do dự, vị tể tướng thưa:
- Tâu bệ hạ, thần nhớ lúc còn niên thiếu thần cũng đã có lần lấy của người khác. Thần cảm thấy không đủ điều kiện trồng hạt táo này.
Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt. Ông nghĩ may ra quan thủ kho trong triều là người nổi tiếng trong sạch có thể đủ điều kiện. Nhưng quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố với mọi người rằng ông cũng đã có lần gian tham trong chuyện tiền bạc.
Bấy giờ người tử tội mới chua xót lên tiếng:
- Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng, không thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài không thể trồng được hạt táo này, chỉ vì các ngài cũng đã có lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác ăn cho đỡ đói, thế mà các ngài lại kết án treo cổ tôi.
Nghe thế, nhà vua và cả triều thần như xốn xao trong lương tâm. Ông bèn ra lệnh phóng thích người ăn trộm.
3. Ta hãy nhìn nàng Salômê:một người có tài mà không có đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình để đòi phần thưởng là cái đầu của một vị ngôn sứ.
Tài năng của con là những nén bạc Chúa trao để cho con sử dụng mà làm việc tốt phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Phục vụ chứ không khai thác để thỏa mãn những đam mê hay vơ vét vào cho mình. Chỉ khi nào, con người biết phục vụ thì lúc đó họ mới thấy cuộc đời của mình đậm đà ý nghĩa.
Dương Chấn, người đất Quan Tây đời nhà Hán, làm quan Thái Úy, tính tình thanh liêm, chánh trực. Khi đang làm Thứ Sử, ông có tiến dẫn Vương Mật làm Lệnh Doãn huyện Xương Ấp.
Một hôm, trời tối đi ngang qua Xương Ấp, Dương Chấn nghỉ lại đó một đêm. Vương Mật lén đem 10 lượng vàng đến để đền ơn thuở trước. Dương Chấn thấy vậy, trách Vương Mật:
- Ta biết tài ngươi, mà ngươi không biết được lòng ta.
Vương Mật cố năn nỉ:
- Đêm hôm khuya khoắt, không có một ai hay biết, ngài sợ gì?
Dương Chấn nghiệm mặt đáp:
- Sáng thì có trời đất biết, tối thì có quỷ thần soi biết, trong có ta biết, ngoài có ngươi biết. Chỗ hay biết có nhiều như vậy, sao ngươi gọi là không ai biết?
Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết sống tốt đối với mọi người để cho lương tâm của chúng ta lúc nào cũng được thanh thản và bình an.

Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Có những cái chết để lại cho đời niềm thương nhớ khôn nguôi. Có những sự ra đi làm cho con người thương nhớ, nhắc nhớ tên người chết mãi mãi không ngơi. Có những cái chết khiến người khác trề môi, phỉ nhổ. Chết là trở về nơi cũ. Chết là ra đi. Chết là trở về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và tác sinh. Cái chết của thánh Gioan tẩy Giả, Giáo Hội mừng kính hôm nay khiến nhân loại phải ghi nhớ, khiến nhiều người thương tiếc, nhưng cũng không khỏi nguồn rủa sự điên rồ, ngạo nghễ và dại gái, khôn nhà dại chợ của Hêrôđê, một vị vua tàn ác và thiếu tư cách làm người.
Một cái đầu, một sự trả giá vô biên
- Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi. Sự dại gái, khôn nhà, dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại. Sống trong tội lỗi,tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng, tối tăm. Ở trong bóng tối, Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Ông đã hành động tùy tiện việc nước, đã ăn chơi, chè chén trác táng. Ông không còn biết nhận ra sự thật. Số là Hêrôđê đã cướp vợ của ngay người em mình. Sự loạn luân không thể tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động vô luân của Hêrôđê và Hêrodias, vợ loạn luân của Hêrôđê. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng…” (Ga 1,6-7).
- Gioan không phải là ánh sáng, nhưng Gioan tới để minh chứng về ánh sáng. Vì chứng minh cho Chúa Giêsu là sự thật, là ánh sáng. Gioan đã không bao giờ chịu khuất phục trước những việc chướng tai gai mắt của con người, của xã hội đương thời và của nhân loại. Gioan đã có lần nói: “Có Đấng đến sau ông và ông không xứng đáng cởi giây dép của Ngài”. Gioan quả thực đã tới trần gian để dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Làm công tác dọn đường, Gioan đã sống đích thực sứ mạng của vị tiên tri. Ngôn sứ phải nói lên sự thật và không bao giờ sợ nguy hiểm cho dù công tác của vị ngôn sứ luôn gặp sự hiểm nguy. Để làm chứng cho Đấng cứu thế, Ngài đã nói công khai với mọi người khi họ lầm tưởng Gioan là Đức Kitô: “Người phải lớn lên,còn tôi phải nhỏ lại”. Gioan đã lớn lên trong sự minh chứng cho sự thật. Chống lại hành động loạn luân và dâm dật của đôi dâm phụ Hêrôđê và Hêrodias. Gioan Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời ngôn sứ của mình: cái chết. Hêrôdias vì không chấp nhận sự thật, không chịu nổi lời quở trách của vị tiên tri. Nên đã căm thù tìm cơ hội khử trừ vị ngôn sứ đầy uy tín. Với sự nhảy múa cuồng nhiệt nhân ngày sinh nhật, Hêrodiađê đã làm ngây ngất vua Cha. Cái đầu,vẫn là sự căm tức ngông cuồng của Hêrôdias. Đầu của vị ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã nằm gọn trong chiếc dĩa trước mặt Hêrôđê.
Lời chứng đáng giá nhất của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả
- Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời chứng của mình. Gioan Tẩy Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình.Cái đầu phải trả là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập giá đối với người Do Thái lúc đó. Gioan Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại.Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả hoàn toàn lời mời gọi của Thiên Chúa: “Ngài không sợ hãi,lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”.
(Lm Nguyễn Hưng Lợi)

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 8
29 THÁNG TÁM
Một Số Công Tác Đặc Biệt Được Phác Họa Bởi Thượng Hội Đồng Giám Mục
Cuối kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục này, một số công tác chuyên biệt được đề ra một cách ưu tiên là:
- Công bố bản giáo luật cho các Giáo Hội thuộc nghi thức Đông Phương.
- Soạn thủ bản giáo lý để được sử dụng cho Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.
- Nghiên cứu sâu xa về bản chất của các hội đồng giám mục được tổ chức theo cấp quốc gia.
Ủy Ban thư ký của Thượng Hội Đồng đã được mời gọi hợp tác trong việc triển khai một kế hoạch thực hiện các đề nghị của Thượng Hội Đồng. Về giáo luật cho các Giáo Hội Đông Phương, một ủy ban đặc biệt đang làm việc để đảm bảo rằng các Giáo Hội Đông Phương đáng kính sẽ nhận được một bản giáo luật không chỉ tôn trọng các truyền thống của các Giáo Hội này mà nhất là nhìn nhận vai trò và sứ mạng của các Giáo Hội này trong tương lai của Giáo Hội phổ quát.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các công việc này được hoàn thành nhờ sức mạnh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 29-8
THÁNH GIOAN TẨY GIẢ bị trảm quyết;
Gr 1, 17-19; Mc 6, 17-29
          LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết cho chúng ta thấy Hêrôđê từ tội bắt người công chính, để bịt miệng tố giác tội của mình, và không lường trước được những lời hứa của mình khi cao hứng đã phạm thêm trọng tội, để rồi suốt đời ân hận và bị lương tâm cắn rứt. Trong đời sống của chúng ta cũng phải cẩn thận trong ngôn từ của mình, nhất là những lời hứa; chúng ta phải biết cân nhắc hậu quả của những ngôn từ và lời hứa đó sẽ ảnh hưởng thế nào với những người chung quanh và chính bản thân của mình. Chúng ta cũng thấy được Hêrôđia một con người nuôi căm thù Gioan, và đã lôi kéo con gái mình vào âm mưu giết hại Gioan; cho chúng ta thấy tội ác sẽ lây lan, nếu cứ nuôi trong mình sự hận thù. Chúng ta cần phải noi gương Gioan biết nói lên sự thật, mạnh dạn quở trách thói xấu và kiên trì chịu khổ vì Chân Lý.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 29-08

KÍNH NHỚ CUỘC KHỔ NẠN THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Ngày 29 tháng 8, Giáo hội kính nhớ việc thánh Gioan tẩy giả bị chặt đầu, nghĩa là cuộc tử nạn của Ngài. Vị tiền hô lừng danh này từ thiếu thời, đã lui vào sa mạc để sống khoảng 25 năm khổ hạnh. Vào tuổi 29, Ngài được lệnh từ trời cao sai đến bên bờ sông Jordanô giảng phép thống hối và loan báo việc Đấng Thiên sai sắp tới. Khắp nơi, người ta đến với Ngài.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ Galilê tới xin Ngài rửa cho. Danh tiếng Ngài lẫy lừng khiến người Do thái sai sứ giả đến chất vấn Ngài, Ngài khiêm tốn trả lời: - Tôi không phải là đức Kitô.
Họ hỏi lại : - Vậy thì là ai ?
Ông đáp : - Tôi là tiếng kêu trong sa mạc: hãy bạt lối Chúa đi. 
Họ lại hỏi thêm: vậy tại sao ông dám thanh tẩy ?
Ông trả lời: phần tôi, tôi thanh tẩy bằng nước. Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép Ngài (Ga 1,19-27).
Rất mực khiêm tốn, nhưng tiếng tăm Ngài đã thấu tai Hêrôdê. Ong vua này biết Gioan "là người công chính và lành thánh nên vẫn che chở. Nghe ông thì Hêrôđê đâm phân vân nhiều nỗi nhưng lại cứ thích nghe" (Mc 6,20). Hêrôdê bị Gioan bắt lỗi về việc ông ta cưới Hêrôdia vợ của anh ông làm vợ mình. - Ông không được phép lấy vợ của anh (Mc 1,8).
Lời nói ấy phải trả giá bằng sự tự do. Gioan bị bắt tù. Nhưng việc tù tội của Gioan không làm giảm cơn giận của người đàn bà tội lỗi. Bà ta quyết tìm cách giết Gioan. Nhân một bữa tiệc Hêrôdê thết đãi tại hoàng cung, con gái mụ Hêrôdiađê vào nhảy múa giúp vui, nhà vua vui thích lắm, và hứa cho bất cứ gì nó muốn, ra hỏi người mẹ, nó trở lại hoàng cung và thưa: - Thần muốn Ngài ngự ban cho ngay trên chiếc đĩa cái đầu của Gioan Tẩy giả ( Mc 6,25)
Buồn phiền, nhưng vì đã lỡ thề hứa trước mặt quan khách, Hêrôđê đã sai thị vệ đi chặt đầu thánh nhân. Cái chết của thánh Gioan tẩy giả xảy ra khoảng một năm trước cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

 (daminhvn.net)
++++++++++++++++++
29 Tháng Tám
Cái Chết Của Một Tiên Tri
Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.
Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.
Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 29
Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

Lời của vị ngôn sứ mạnh mẽ hơn quyền lực của nhà vua. Gioan Baotixita là một người công chính và thánh thiện dưới mắt vua Hêrôđê, và ông vua này rất bối rối khi nghe Ngài nói, nhưng lại thích nghe, chắc hẳn là vì lời của vị tiền hô quấy rầy ông, nhưng đồng thời nói lên sự thật, và đánh động ông tận trong sâu thẳm tâm hổn. Chính vì vậy mà lời yêu cầu của bà Herôdiade khiến vua Hêrôđê phân vân dữ dội, nhưng chính đó là lúc ông bộc lộ điểm yếu của mình: ông đã đưa ra một lời hứa ngu xuẩn, nhưng lại không muốn làm mất mặt uy quyền của mình với khách dự tiệc, chính bà Hêrôdiade bây giờ mới là người nắm quyền, và điều vua Hêrôđê quyết định sẽ đi ngược lương tâm của ông.
Thánh Gioan Baotixita, ngay từ đầu sứ mạng ngôn sứ trong sa mạc, đã rao giảng về việc hoán cải, và đã mời gọi mọi người hoán cải, bất chấp địa vị của họ là gì. Vua Hêrôđê, kẻ đã lấy vợ của anh mình, cũng có quyền lắng nghe lời mời gọi trở về cùng Thiên Chúa, và hoán cải cuộc đời. Đó chính là điều khiến nhà vua bối rối, và đương nhiên cả bà Hêrôđia nữa. Nhưng bà này không muốn nghe Thánh Gioan Baotixita, nên đã quyết định làm cho Thánh nhân vĩnh viễn im tiếng.
Gérard Naslin

Thứ Tư 29-8

Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Chém Ðầu

L
ời thề khi say sưa của một vị vua coi thường danh dự, một điệu vũ mê hoặc và một con tim hận thù của hoàng hậu đã đưa đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Vị ngôn sứ vĩ đại nhất đã chịu chung số phận như nhiều ngôn sứ khác trong Cựu Ước: bị tẩy chay và tử đạo. "Tiếng kêu trong sa mạc" không ngần ngại lên án kẻ có tội, và dám nói lên sự thật. Tại sao ngài làm như vậy? Ngài được gì khi hy sinh mạng sống mình?
Nhà cải cách tôn giáo này đã được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị dân chúng đón nhận Ðấng Thiên Sai. Ơn gọi của ngài là một hy sinh cách vị tha. Chỉ có một quyền năng mà ngài công bố là Thần Khí Thiên Chúa. "Tôi làm phép rửa cho các người với nước để giục lòng sám hối, nhưng Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các ngươi trong Thánh Thần và lửa" (Mátthêu 3:11). Phúc Âm kể cho chúng ta biết có nhiều người theo Gioan để tìm kiếm hy vọng, có lẽ vì nóng lòng chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Gioan không bao giờ tự nhận cho mình cái vinh dự giả dối khi dân chúng tuốn đến với ngài. Ngài biết ơn gọi của mình là sự chuẩn bị. Khi đã đến lúc, ngài dẫn các môn đệ đến với Chúa Giêsu: "Hôm sau, ông Gioan lại có mặt ở đó với hai môn đệ của ông và khi thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông nói: 'Ðây là Chiên Thiên Chúa.' Hai môn đệ nghe nói, liền đi theo Ðức Giêsu" (Gioan 1:35-37)
Chính Gioan Tẩy Giả là người đã chỉ đường đến Ðức Kitô. Ðời sống và cái chết của Gioan là để hy sinh cho Thiên Chúa và loài người. Lối sống đơn giản của ngài thực sự là lối sống tách biệt khỏi vật chất thế gian. Tâm hồn của ngài đặt trọng tâm ở Thiên Chúa và lời mời gọi ngài nghe được từ Thần Khí Thiên Chúa đã đánh động tâm hồn ngài. Tin tưởng ở ơn Chúa, ngài đã can đảm nói những lời kết tội hoặc kêu gọi sám hối, vì sự cứu độ.

Lời Bàn

Mỗi người đều có một ơn gọi mà họ phải lắng nghe. Không ai có thể lập lại sứ vụ của Thánh Gioan, và tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến một sứ vụ riêng biệt. Ðó là vai trò làm chứng nhân cho Ðức Giêsu của mỗi một Kitô Hữu. Bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống, chúng ta được mời gọi để trở nên môn đệ của Ðức Kitô. Qua hành động và lời nói, người khác sẽ nhận thấy chúng ta đang sống trong niềm vui khi tin nhận Ðức Giêsu là Chúa chúng ta. Chúng ta không bị gò bó bởi sức mạnh hạn hẹp của chính chúng ta, nhưng chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh từ ơn cứu độ bao la của Ðức Kitô.

Lời Trích

"Họ đến gặp Gioan và nói: 'Thưa thầy, người đã ở với thầy bên kia sông Giođan, và được thầy chứng thực, bây giờ ông ấy đang làm phép rửa, và mọi người đều đến với ông ấy." Gioan trả lời: 'Không ai có thể nhận được gì mà không do trời ban. Chính anh em làm chứng là tôi đã nói: tôi không phải là Ðấng Thiên Sai, mà chỉ là kẻ được sai đến trước Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; người phù rể đứng ở đó thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng rể. Như vậy niềm vui của tôi đã được trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Gioan 3:26-30).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét