Trang

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

28-08-2012 : THỨ BA TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Ba sau Chúa Nhật 21 Quanh Năm
Thánh Âu-tinh, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh.
(Lễ nhớ)
Thánh Âu-tinh,Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tx 2, 1-3a. 13-16
"Anh em hãy nắm giữ truyền thống anh em đã học biết".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, nhân vì sự Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta sẽ đến, và sự tập họp của chúng ta trong Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội thay lòng đổi dạ, chớ kinh hãi vì linh ứng, lời giảng hay thư từ nào, dường như của chúng tôi gởi tới loan báo ngày Chúa gần đến. Ðừng để ai lừa dối anh em cách nào.
Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng của chúng tôi mà kêu mời anh em đến lãnh nhận vinh quang của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu Kitô. Anh em thân mến, vì vậy anh em hãy đứng vững, hãy nắm giữ truyền thống anh em đã học biết hoặc bằng lời giảng dạy, hoặc bằng thư từ chúng tôi đã viết. Nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 10. 11-12a. 12b-13
Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13ab).
Xướng: 1) Hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.
2) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan, biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên, đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. - Ðáp.
3) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Ep 1, 17-18
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 23, 23-26
"Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này và không bỏ các điều kia.
"Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra, nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".
Ðó là lời Chúa.
Chúa Giê-su với các Pha-ri-sêu.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu tiếp tục trách móc những người kinh sư, vì họ đã trở thành những người nô lệ lề luật. Họ tỏ ra nhiệt tình với lề luật, nhưng thực ra họ chẳng hiểu gì tinh thần lề luật. Họ không biết rằng cốt lõi của lề luật là công bằng và tình yêu thương.
Chúng ta cũng cảm thấy xấu hổ về cuộc sống của chính mình. Chúng ta cũng đọc kinh, ăn chay, hãm mình, đi lễ... nhưng lại chẳng biết quan tâm gì đến anh chị em chung quanh chúng ta. Chúng ta đã không cảm thông, chia sẻ, lại còn mau lên án, nói xấu, loại trừ... anh chị em của chúng ta.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khẳng định điều cốt yếu trọng tâm của lề luật là Mến Chúa Yêu Người. Có lẽ ai trong chúng con cũng biết điều này. Nhưng chúng con đã thực hành như thế nào thì mỗi người chúng con phải tự trả lời với Chúa.
Xin cho chúng con biết dùng lời Chúa để cật vấn lương tâm luôn. Nhờ đó chúng con biết sống đẹp lòng Chúa hơn và vui lòng mọi người hơn. Amen.



(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Kết Án Thái Ðộ Vụ Hình Thức
(Mt 23, 23-26)
Suy Niệm:
Kết Án Thái Ðộ Vụ Hình Thức
Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án của Chúa đối với thái độ vụ hình thức. Trước hết là việc giữ luật bên ngoài thật tỉ mỉ, mà không có lòng đạo đức thật, không thi hành công bằng và tình yêu thương.
Trong Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa. Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ Luật, thì chỉ buộc trả thuế thập phân trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng. Thế nhưng, có lẽ vì quá sốt sắng, những Luật sĩ và Biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là, rau húng.
Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.
Thái độ vụ hình thức thứ hai của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.
Nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Xin cho chúng ta sống ngay chính bên trong cũng như bên ngoài, sống điều chúng ta nói trên môi miệng để làm chứng cho Chúa giữa mọi người.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ BA TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: 2 Thes 2:1-3, 14-16; Mt 23:23-26
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Giữ thăng bằng cho cuộc sống.

Cần giữ thăng bằng cho cuộc sống: Đừng chỉ lo những việc lớn hay việc tương lai, cũng đừng quá chú trọng đến những việc nhỏ nhặt hay chỉ lo việc hiện tại. Người khôn ngoan và nhân đức là người trung dung: sống hiện tại với cái nhìn về tương lai, lo việc lớn nhưng cũng không khinh thường việc nhỏ. Các Bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự cần thiết của việc giữ thăng bằng cho cuộc sống.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đừng quá lo chuyện tương lai đến nỗi bị lường gạt.

Con người hay có khuynh hướng làm tiên tri để tiên đóan những gì sắp xảy tới, nhất là về Ngày Tận Thế. Mặc dù đã được Chúa cho biết: chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng còn ngày nào và giờ nào chỉ có Chúa Cha biết; nhưng con người ở mọi thời vẫn muốn tiên đóan về ngày và giờ này. Mới đây nhất nhiều người tiên đoán là năm 2000! Năm 2000 đã qua và ngày đó vẫn chưa tới. Trong thời đại của Thánh Phaolô cũng vậy, những lời chúng ta nghe trong Bài đọc I xác nhận những tiên đoán về Ngày Tận Thế trong thời đại của ngài: “Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần giao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào.”
Nếu dễ tin vào những tiên đóan về ngày này, con người sẽ dễ giao động và lo sợ: Có người sẽ đình chỉ mọi công việc thường nhật để chờ ngày Chúa tới; có người sẽ phung phí tất cả tiền bạc của cải để hưởng thụ… Thánh Phaolô muốn các tín hữu hãy sống bình an và đừng quá lo sợ về ngày này vì những lý do sau:
(1) Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, Ngài muốn cho con người được hưởng vinh quang với Ngài trên trời chứ không muốn luận phạt con người đến chỗ bị hủy diệt.
(2) Với niềm cậy trông vào tình thương Thiên Chúa, con người cố gắng sống giây phút hiện tại trong ân sủng của Ngài để lúc nào cũng luôn sẵn sàng cho ngày đó.
(3) Con người không lo sợ bị lạc hướng vì đã có Tin Mừng của Chúa Giêsu soi dẫn và những lời chỉ dạy của Giáo Hội cho biết phải làm gì đang khi chờ ngày đó tới.
2/ Phúc Âm: Quá lo việc nhỏ mọn đến nỗi quên đi những việc quan trọng.

Chúa tiếp tục trách các kinh sư về nếp sống giả hình và sự khờ dại của việc quá lo lắng những việc nhỏ mọn mà quên đi những việc lớn quan trọng hơn: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisee giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.”

Các lọai rau thơm mà người Do-Thái và Việt-Nam ta quen dùng quá nhỏ để đóng thuế vì ngày xưa họ có thói quen trồng những thứ này chung quanh nhà để cần đến khi dùng, chứ không sản xuất bằng những nhà kiếng to lớn như ngày nay. Chúa Giêsu muốn cho các Kinh-sư và Biệt-phái nhìn thấy những điều quan trọng hơn trong Luật mà họ đã không để ý tới là công lý, lòng nhân và thành tín. Đây là 3 điều tối quan trọng mà Chúa sẽ dùng để phán xét con người trong Ngày Chung Thẩm chứ không phải việc tính coi có bao nhiêu rau thơm để đóng thuế!

Chúa lên án họ là: “Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.” Cả hai: muỗi và lạc đà đều là vật dơ bẩn đối với người Do-Thái. Khi con muỗi rơi vào các chum nước dùng để thanh tẩy, họ sẽ cẩn thận gạn lọc để lấy ra. Điều chính Chúa Giêsu muốn làm nổi bật ở đây là sự tương phản về chiều kích: lạc đà là con vật to lớn trong khi muỗi là một côn trùng quá nhỏ. Các Kinh-sư và Biệt-phái đã quá chú trọng đến việc nhỏ như việc đóng thuế rau thơm mà quên đi những việc tối quan trọng của Luật như công lý, lòng nhân và thành tín.

Chúa cũng lên án họ về việc giả hình: quá chú trọng đến hình thức bên ngòai mà bỏ quên trau dồi những nét đẹp trong tâm hồn: "Khốn cho các ngươi, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Biệt-phái mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”

Việc rửa tay trước khi ăn cho hợp vệ sinh là việc cần làm nhưng không quan trọng bằng việc thanh tẩy sạch những tội lỗi trong tâm hồn. Chúng ta đã nghe Chúa nói trong những chương trước không phải những gì từ ngoài vào làm con người ô uế, nhưng là tất cả những tội lỗi từ trong con người phát ra như nói hành, cáo gian, dâm ô, trộm cướp, giết người…

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đã bao lần chúng ta cũng đã từng lo lắng như những dân thành Thessalonica; nhưng một khi ngày lo sợ đã qua đi, chúng ta trở lại cuộc sống bình thường với những tội quen phạm và bất công quen làm, mà quên đi lời Chúa cảnh cáo “vào giờ các ngươi không ngờ thì Con Người sẽ tới.”
- Đã bao lần chúng ta đã hành động giống như các Kinh sư và Biệt phái: Đọc kinh theo thứ tự và không bỏ sót kinh nào, nhưng không bao giờ để ý tới việc lỗi đức công bằng qua việc nói xấu người vắng mặt, hay không chịu bỏ công bỏ của để giúp cho các anh chị em đang thiếu thốn. Cần khôn ngoan để nhận ra tổng quát bức tranh của cuộc đời, các việc quan trọng phải làm trước khi chú trọng đến các việc nhỏ hơn.
- Đã bao lần chúng ta bỏ lỡ bao cơ hội để học hỏi Lời Chúa, những buổi tĩnh tâm để nhìn ra những tội lỗi cần sửa và những nhân đức cần tập luyện, đưa con cái đến nhà thờ học giáo lý, sinh họat đòan thể … Thay vào đó, chúng ta chạy theo những hình thức bên ngoài như lo làm giầu, lo hưởng thụ. Nếu những bậc cha mẹ làm những điều này thì họ có khác chi những người dẫn đường mù quáng mà Chúa cảnh cáo hôm nay.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.



Thứ Ba tuần 21 thường niên
Sứ điệp: Người Kitô hữu trưởng thành phải biết sống đạo cách quân bình và có chiều sâu: vừa mến Chúa và đồng thời cũng biết công bằng bác ái, có bề ngoài và có cả bề trong.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chính Chúa đang huấn luyện con sống đạo một cách trưởng thành, sống đạo có chiều sâu, sống đạo cách quân bình, sống đạo toàn diện.
Xuyên qua những tập tục áp dụng cho người Do thái, con nhận ra rằng Chúa đang chất vấn đời sống Kitô hữu của con. Rất nhiều lúc con đã ru ngủ lương tâm mình. Con đọc kinh dự lễ thật nhiều, trong khi đó con lại hận thù ghen ghét anh em. Con làm các việc đạo đức, nhưng chính lúc ấy con lại nói xấu nói hành, gây đau khổ cho người khác. Con gây ra bất công, và để lương tâm khỏi cắn rứt, con dâng tiền vào nhà thờ hoặc đi xin lễ. Con không dám xúc phạm đến Chúa, đang lúc ấy con lại dễ dàng chà đạp, xúc phạm, độc ác với anh em. Con giữ phong cách bề ngoài thật đẹp, nhưng tâm hồn con không được trong sạch.
Hôm nay Chúa dạy con: điều quan trọng nhất trong lề luật là công bằng, lòng nhân, và thành tín. Chắc chắn Chúa không dạy con bỏ Chúa để chỉ yêu mến anh em. Chúa chỉ muốn con nhớ rằng công bằng và bác ái cũng quan trọng như là yêu mến Chúa. Chúa chỉ muốn nhấn mạnh điều mà con thường quên sót.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống bác ái và công bằng như là dấu hiệu chứng tỏ lòng con mến Chúa. Xin Chúa giúp con luôn sống trong tình yêu. Xin đừng để trái tim con trở nên khép kín, hẹp hòi, nhỏ nhen, ác độc, chai cứng. Xin Chúa ban cho con quả tim biết yêu thương. Amen.
Ghi nhớ : "Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia".

28/08/12 THỨ BA TUẦN 21 TN
Th. Âutinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 23,23-26

SỐNG CÔNG BÌNH VÀ THÀNH TÍN

“Hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình, các ngươi nộp thuế thập phân ... mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín.” (Mt 23,23)

Suy niệm: Tại cửa hàng một thị trấn nhỏ, một thanh niên cao lớn, nhanh nhẹn đứng bán hàng. Ngày nọ, có bà già vào mua hàng. Cậu trao cho bà món hàng và lấy tiền. Tối hôm đó, khi kiểm tiền, cậu thấy dư ra vài xu. Cậu cố nhớ lại những người mua ngày hôm đó, và thấy số tiền dư đúng là của bà già nọ. Cậu đặt mấy xu đó vào túi, lấy mũ, đóng cửa và đi bộ tới nhà bà già cách đó 3 dặm. Cậu thiếu niên đó chính là Abraham Lincoln, sau làm Tổng thống Hoa kỳ (Góp nhặt). Chúa Giêsu dạy điều quan trọng nhất trong lề luật, đó là đức công bình, lòng nhân ái và thành tín. Những điều đó làm người ta nên cao quý dù được thể hiện trong những việc nhỏ nhặt kín đáo. Nếu không có những phẩm chất đó, thì dẫu có làm đủ thứ việc chi li của lề luật cũng là vô ích và giả hình mà thôi.

Mời Bạn: Chúng ta dễ cảm thấy yên tâm khi làm được đôi việc tốt. Đó chính là cái bẫy êm ái nhưng nguy hiểm của sự giả hình. Cần phải tìm lại chính mình bằng cách thay vì kể đếm những “việc tốt” mình làm được, bạn hãy biết xét mình từ gốc: tôi có ý thức công bình, lòng nhân và thành tín chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày xét mình dựa theo tiêu chí trên đây của Lời Chúa: công bình, lòng nhân và thành tín.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn mới... Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa. Amen. (Th. Augustinô)



BÊN TRONG, BÊN NGOÀI.

Trở về với lòng mình để nhận ra những ô nhơ, thật là điều khó. Rửa tay trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều. Trở vào lòng mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm..

Suy nim:
Đức Giêsu đã từng nói về tám Mối Phúc trong Bài Giảng trên núi.
Trong chương này, Ngài sẽ nói với các kinh sư và nhóm Pharisêu bảy lần:
“Khốn cho các ngươi!”
Đây không phải là lời chúc dữ cho bằng là lời trách than, buồn tiếc,
vì những sự giả hình, che đậy nơi một số nhà lãnh đạo Do thái giáo.
Nhưng giả hình không phải chỉ là bệnh của một số kinh sư ngày xưa.
Nó là bệnh của những Kitô hữu trong Hội Thánh của Mátthêu sau năm 70.
Và nó cũng là bệnh của những Kitô hữu thuộc thế kỷ hai mươi mốt.
“Khốn cho các ngươi!” là một lời cảnh báo đối với chính bản thân tôi.
Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ tư (c. 23)
là bệnh quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu.
Có một số người Pharisêu bày tỏ sự đạo đức của mình
qua việc nộp thuế thập phân về những thứ rau lặt vặt họ trồng trong vườn.
Ba thứ rau thơm: bạc hà, thì là, rau húng, đúng ra không phải tính thuế,
vì chỉ phải nộp thuế về hoa lợi của vụ mùa, của vườn cây ăn trái thôi.
Nhưng có người đã nộp thuế về mọi thứ rau cỏ trong vườn (Lc 11, 42).
Thuế thập phân chỉ đòi nộp một phần mười sản phẩm nông nghiệp làm được,
để giúp việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ và các người làm việc tại đó.
Đức Giêsu không cản chuyện nộp thuế về những điều lặt vặt (c. 23).
Ngài chỉ tiếc là những chuyện nặng ký hơn trong Lề Luật
như công lý, lòng nhân và thành tín, lại bị bỏ quên (c. 23).
Ba điều này đều được các ngôn sứ nhắc nhở (Is 1, 17; Hs 6, 6; Hb 2, 4).
Ngôn sứ Mikha đã viết một câu nổi tiếng (Mk 6, 8):
“Đức Chúa đòi anh em điều gì nếu không phải là sống theo công lý,
mến chuộng lòng nhân và khiêm hạ đi với Thiên Chúa của anh em.”
Có thể thái độ đạo đức giả bắt nguồn từ thói háo danh và sợ khó.
Nộp thuế dễ được người ta thấy hơn
và cũng khỏi phải hoán cải nơi bề sâu của lòng mình.
Tập trung vào những cái lặt vặt để khỏi phải áy náy về chuyện hệ trọng.
Làm tốt một chuyện nhỏ, nhưng lại làm hỏng một chuyện rất lớn.
Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ năm (c. 25)
là bệnh quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong.
Một số người Pharisêu loay hoay với chuyện lau sạch bên ngoài chén đĩa.
Họ sợ mình trở nên ô uế nếu sử dụng đồ chưa được rửa kỹ.
Tiếc thay, họ không để ý đủ đến sự nhơ uế bên trong tâm hồn.
Mà đó mới là thứ nhơ uế thật sự đáng quan tâm.
Có nguy cơ là sự sạch sẽ bên ngoài nhằm che đậy sự nhơ uế bên trong,
và đánh lừa cái nhìn của người khác, khiến họ lầm tưởng.
Thật ra trở về với lòng mình để nhận ra những ô nhơ, thật là điều khó.
Rửa tay trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều.
Trở vào lòng mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm muốn vô độ.
Những điều ấy ta không muốn nhìn nhận có nơi mình.
Đức Giêsu mời chúng ta tìm kiếm sự tinh tuyền bên trong trước đã,
rồi mới để ý đến cái sạch sẽ bên ngoài sau (c. 26).
Xin Chúa cho chúng ta đừng bị đui mù, nhưng được sáng mắt (cc. 24. 26),
để biết phân biệt cái chính, cái phụ, cái trong, cái ngoài.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia"
Công bình, nhân ái, thành tín, trong sạch
Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không bỏ các điều kia.” (Mt. 23, 23)
Tôi rất thích mấy câu Phúc Âm này. Một lần nữa Đức Giêsu tỏ ra yêu thương những người biệt phái. Người hiểu và kính trọng họ biết bao. Nhưng Người cũng khiển trách thái độ nước đôi của họ: Vừa cứu vãn những vẻ bề ngoài bằng những cử chỉ vô ích, vừa loại bỏ những điều chân thực bên trong.
Đó là kiểu mẫu người tốt thời Đức Giêsu và chúng ta ngày nay cũng thế. Một đàng họ rất khắt khe tỉ mỉ bên ngoài, đàng khác họ quá phóng túng bên trong. Họ tỏ ra rất tự do rộng rãi đối với những điều thật sự quan trọng.
Càng đọc đi đọc lại những câu Tin Mừng này, tôi càng thấy nực cười! Đó là những câu rất đúng với hiện tại! Nếu chúng ta muốn rõ, chúng ta thử tự đánh giá mình một chút xem Tin Mừng là tấm gương soi cái gì?
Ba điều:
Ba điều này làm cho chúng ta phải chú ý: “Ba điều quan trọng nhất trong lề luật là: Công bình, lòng nhân ái và thành tín”. Các ngôn sứ, Đức Kitô, thánh Phao-lô và ngày nay Giáo Hội hằng rao giảng. Chính những điều này. Những bổn phận về công bình xã hội và tình yêu thương quan trọng hơn những bổn phận về nghi lễ. Các Ngài đã không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: Giúp những người nghèo khó, trung tín trong đời sống gia đình, công bình xã hội trong công ăn việc làm, định mức giá cả, thuế má, đồng lương. Ngôn sứ Za-ca-ri-a cũng kêu gọi: “Hãy thực hiện công bình theo chân lý, thực hành lòng yêu thương đối với nhau. Chớ áp bức kẻ góa bụa, mồ côi, khách lạ, nghèo khó và đừng mưu mô trong lòng để hãm hại nhau” (7, 9-10).
Không trong sạch:
Nhờ so sánh những lời Đức Giêsu khiển trách biệt phái, chúng ta thấy đó cũng là những lời khiển trách chúng ta. Phải, Người khiển trách tôi, khiển trách bạn: “Các ngươi lọc con muỗi, nhưng lại nhốt con lạc đà”, “Các ngươi rửa sạch chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ”, bất công, lừa đảo lẫn nhau.
Chỉ con tim trong sạch mới nhìn thấy rõ Thiên Chúa. Không phải cái bên ngoài vào miệng làm cho con người ra nhơ bẩn, nhưng cái bên trong con người ra, mới làm nhơ bẩn con người thật sự. (Mt. 15, 11. 15-20)
J.M

www.gplongxuyen.net

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 8
28 THÁNG TÁM
Bên Thềm Thiên Niên Kỷ Thứ Ba
Một vấn đề quan trọng khác mà các nghị phụ Thượng Hội Đồng đặc biệt ưu tư, đó là nhu cầu huấn luyện và đào tạo các linh mục tương lai. Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba sẽ được ủy thác trong tay và trong sự săn sóc mục vụ của những thế hệ linh mục mới. Đời sống và sứ vụ của họ phải là một sự diễn dịch sống động các giáo huấn của Công Đồng. Họ phải đảm nhận trách nhiệm lớn lao – đó là triển khai các giáo huấn của Công Đồng trong đời sống của dân Thiên Chúa.
Tiếng gọi đại kết cũng là một tiếng gọi hết sức thúc bách. Thực vậy, các nghị phụ nhấn mạnh vai trò của Công Đồng Vatican II trong việc thúc đẩy phong trào đại kết. Chúng ta chứng kiến những bước tiến chắc chắn và đều đặn hướng về hiệp nhất, một số kết quả đầy triển vọng đã bắt đầu hiện lộ ra. Tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cùng với mười quan sát viên đến từ các nhóm và các Giáo Hội khác nhau để tham gia vào cuộc đối thoại thần học với Giáo Hội Công Giáo.
Tất cả những vấn đề ấy nằm ở trung tâm ưu tư của Thượng Hội Đồng, và đã dấy lên một sự hưởng ứng sôi nổi. Một lần nữa, Thánh Thần đã nói với Giáo Hội với “tiếng nói như nước lũ” (Kh 1,15; 2,7.11.17.29; 3,6.13.22). Chúng ta hãy chú ý lắng nghe Ngài.
Bản Báo Cáo Chung Kết của Thượng Hội Đồng là một tổng hợp quan trọng các suy tư và các điểm nhắm cho tương lai mà mọi người được kỳ vọng hướng tới. Đây không phải là những từ ngữ suông. Đây là một nỗ lực mời gọi cầu nguyện, lắng nghe và áp dụng. Đây là những hướng dẫn cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội trong những năm cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai. Chúng ta hãy lắng nghe Thánh Thần.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28-8
THÁNH AUGUSTINÔ, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh;
2Tx 2, 1-3a.14-17; Mt 23, 23-26.
LỜI SUY NIỆM: “Quân dẫn đường mù quáng! Các ngươi lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạ đà” (Mt 23, 24).
          Chúa Giêsu, Ngài lên án những cái lệch lạc của những con người trong cung cách tuân giữ lề luật, họ so đo tính toán sao cho họ được lợi, trong công việc thì họ tìm vinh quang riêng cho mình.
          Trong cuộc sống hôm nay cũng đang còn có những hạng người như vậy: họ giữ đạo và sống đạo như một cái tủ áo có nhiều ngăn kéo, khi đến Nhà Thờ thì phải mặc chiếc áo với bộ mặt đạo đức thánh thiện, tham gia mọi công tác một cách nhiệt tình, hy sinh đóng góp cả tinh thần lẫn vật chất một cách rộng rãi. Nhưng khi ra ngoài chợ búa, thì mua gian bán lận, cân đo không thật. Trong gia đình thì nóng nảy, bần tiện trong việc sử dụng đồng tiền với người thân, bỏ bê bổn phận với gia đình. Chúa Giêsu đã dùng một ví dụ sống động: Việc lọc, là cốt lấy đi những cái cặn dơ, nhưng đây, lại loại bỏ những cái dơ nhỏ mà nhận lấy cái dơ lớn. Chúng ta hãy tự xét mình lại, xem bản thân có sự lệch lạc trong lối sống đạo?
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 28-08

Thánh AUGUSTINÔ
Giám mục Tiến Sĩ Hội Thánh (354 - 430)
Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Thagaste miền Numidia nay là Souk-Akras nước Algeria. Ông Patricô, cha ngài là một tiểu nông và là nghị viên thành phố. Ong là lương dân và chỉ theo đạo vào lúc cuối đời. Mẹ Ngài là thánh Monica đã nhờ kinh nguyện, lòng nhẫn nại và tình yêu không biết mệt mỏi đã cải hoá con. Theo thói quen thời đó, Augustinô thuộc vào số những ứng viên lãnh phép rửa tội, nhưng lại trì hoãn để tránh nguy cơ phạm tội, Ngài chỉ được thánh Ambrosiô rửa tội cho sau khi trở lại vào tuổi 32.
Augustinô đã theo học những lớp về văn chương tại Thagaste và Madaura, cuối cùng Ngài theo học khoa tu từ tại Carthage. Đời sống luân lý của Ngài vào thời kỳ này không đến nỗi tồi tệ mà có lẽ khá hơn nhiều những thanh niên cùng thời và chúng ta không nên gắt gao kết án lối cư xử của Ngài theo sát chữ viết trong cuốn "tự thuật", chắc chắn Ngài có một tình nhân và trung tín với nàng cho tới năm 385. Ngài đã có với nàng một người con tên là Adcodatus cũng vào thời này Ngài trở thành người theo phái Manichêô.
Năm 383, Augustinô đến Roma dạy tu từ và năm 384 có được một địa sở tại Milan. Lúc này Ngài đã thấu suốt được thuyết Manichêô và rơi vào tình trạng nghi nan bất định. Tại Milan Ngài có dịp tiếp xúc với vị giám mục thời danh của giáo phận nầy là thánh Ambrosiô. Các bài giảng của thánh nhân cho Ngài thấy lần đầu tiên rằng Ngài có thể tin vào Thánh Kinh như sự giải thích của Giáo hội mà không phải hy sinh sự hiểu biết của mình. Ngài còn đọc sách của những nhà tân học phái Platôn như Plotinê và Per phyry, Những sách đã chữa cho Ngài khỏi thuyết duy vật của Manichêô và đưa Ngài vào triết học linh thiêng hơn, phù hợp với mạc khải Kitô giáo.
Augustinô đã xác tín về sự chân thật của Kitô giáo vẫn chưa đi đến bước quyết định, cho tới tháng 9 năm 386 khi Ngài trải qua một kinh nghiệm bất ngờ nhưng được chuẩn bị từ trước. Ngài đã trình bày kinh nghiệm ấy trong cuốn VIII bộ "tự thuật". Đây là cuộc trở lại Kitô giáo lẫn cuộc sống khổ hạnh đã theo đuổi bậc trọn lành. Bỏ nghề, Ngài lui về Cassiciacum, gần Milan, cùng thánh nữ Monica mẹ Ngài và Adeodatus con Ngài, với một số bạn bè. Tại đây, Ngài bắt đầu viết và xuất bản một số tác phẩm và trau dồi về triết học, những tác phẩm đầu tiên của Ngài.
Ngài được thánh Ambrosiô rửa tội vào lễ phục sinh năm 387 rồi cùng mẹ và các bạn trở về Phi Châu. Thánh nữ Monica qua đời trên đường về tại Ostia. Tại Phi Châu theo lời khuyên của Đức Cha Valêriô địa phận Kippô, Ngài xin làm linh mục và được thụ phong năm 391. Năm 395, Ngài được tấn phong làm giám mục phụ tá và chẳng bao lâu sau lên kế vị đức cha Valêriô làm giám mục Hippô. 35 năm còn lại, Ngài bận rộn với công việc mệt nhọc của một giám mục địa phận, đồng thời vẫn dành giờ để trước tác. Ngoài tác phẩm được biết nhiều là bộ "tự thuật" còn nhiều tác phẩm thần học của Ngài (gồm 96 cuốn không kể các bài giảng và thư tín) đã mang lại sức sống mãnh liệt cho Giáo hội thời đó lẫn ngày nay.
Thánh Augustinô sống đời tu viện với hàng giáo sĩ và làm mọi sự để khích lệ việc canh tân các cộng đoàn tu sĩ. Hai bài giảng về đời sống khổ hạnh trong cộng đoàn và một bức thư dài về các nguyên tắc mà Ngài viết cho các cộng đoàn nữ tu do Ngài thành lập và em Ngài là bề trên tiên khởi, làm thành "luật thánh Augustinô".
Thánh Possidiô bạn Ngài đã viết một bản tường thuật rất hay về đời giám mục của thánh Augustinô. Bản tường thuật này cho thấy Ngài là một người rất nhân bản, dễ thương và giàu lòng bác ái, tận tụy phục vụ cộng đoàn, thích sống nghèo khó nhưng lại hiếu khách. Chỉ có một điều Ngài không thể tha thứ được là gương mù tại bàn ăn. Ngài luôn dấn thân vào việc bệnh vực Giáo hội chống lại các người theo lạc giáo như những người theo phái Manichêô, Phômatô, Pêlagiô. Cuộc tranh luận với Pêlagiô đã để lại những bút tích của thánh Augustinô về ơn thánh. Với ảnh hưởng lớn lao trong Giáo hội sau này. Dầu nhiệt tâm chống lại lạc thuyết, thánh Augustinô vẫn luôn lịch sự và thân ái khi đối thoại với các người theo lạc giáo.
Thánh Augustinô đã sống để chứng kiến cuộc xâm lược man rợ của người Vandal vào Phi Châu bắt đầu từ năm429. Ngày 28 tháng 8 năm 430 Ngài từ trần, hưởng thọ 76 tuổi, Ngài không để lại chúc thư vì không có tài sản gì. Nhưng kể từ khi qua đời tới nay, di sản tư tưởng của Ngài được ghi nhận là phong phú nhất sau thánh Phaolô.
 (daminhvn.net)
++++++++++++++++++
28 Tháng Tám
Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng
"Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.
Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.
Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.
Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.
Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.
Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa".
Trên đây là một đoạn trong quyển "Tự Thú" của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành Hippone.
Duyệt qua cuộc sống của thánh Augustinô, chúng ta có thể nói: Ngài là một tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô: "Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô".
Và kể từ đó, có thể nói được là Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo trong tâm hồn ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.
Ngoài lời mời gọi và thôi thúc của Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội nhân trở thành thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những bàn tay cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:
Trước tiên, cường độ của sức sống nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ mãnh liệt hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.
Tiếp đến, những dòng nước mắt sầu đau và những kinh nguyện thành tâm của mẹ ngài, bà thánh Mônica dâng lên Thiên Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.
Và sau cùng là sự hướng dẫn tận tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.
Tất cả những yếu tố trên cộng lại đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho và vì Tình Yêu, như thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung".
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++


Ngày 28
Thánh Augustinô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh



Ôi chân lý ngàn đời, ôi đức ái đích thực, ôi vĩnh hằng yêu dấu! Ngài là Thiên Chúa con, ngày đêm con khao khát Ngài. Khi lần đầu tiên con biết Ngài, Ngài đã nâng con lên với Ngài để cho con thấy sự hiện hữu của điều mà con phải thấy, nhưng cho đến lúc ấy tự mình con, con chưa thể thấy được. Ngài đã làm cho cái nhìn yếu kém của con chóa mắt bằng quyền năng của ánh sáng Ngài, và con đã rùng mình vì yêu thương cùng sợ hãi. Con đã khám phá ra rằng con đang xa cách Ngài, trong miền đất lưu đày xa lạ, và dường như con đang nghe tiếng Ngài, từ trời cao vọng xuống: "Ta là lương thực của kẻ mạnh: hãy lớn lên và ngươi sẽ ăn Ta. Ngươi sẽ không biến Ta trở nên giống như ngươi, tựa như thức ăn của thân xác ngươi, nhưng chính ngươi sẽ được biến đổi để nên giống như Ta"

Con mãi kiếm tìm phương thế để đạt được sức mạnh giúp con có thể sống kết hiệp với Ngài, nhưng nào đâu có thấy. Cuối cùng con đã ôm lấy Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là con người Đức Giêsu Kitô, Ngài là Đấng vượt trên tất cả, là Thiên Chúa đáng chúc tụng muôn đời. Chính Ngài kêu gọi chúng con và nói với chúng con: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14).
Th. Augustinô

Ngày 28 tháng 8
THÁNH ÂUTINH GIÁM MỤC TIẾN SĨ 
(+430)
Thánh Augustine thành Hippo.

Những vị thánh được gọi là đại thánh thường là những vị có một nếp sống trổi vượt trong thời bình sinh và còn để lại nhiều ảnh hưởng tốt đẹp sau lúc tạ thế. Thánh Âutinh, vị Giám mục khiêm tốn trong tỉnh nhỏ ở Phi châu, đáng vào sổ những “Ngôi sao” xuất sắc nhất. Ngài là một trong bốn vị tiến sĩ thời danh thuộc Giáo hội Phi châu. Ngài sống dịu hiền, khiêm tốn, dùng tài trí Chúa ban để huấn luyện những người dốt nát. Về tài trí, ngài là phượng hoàng, nhưng về cách sống, ngài là mẹ già đáng yêu.
Thagastê thuộc tỉnh Numidia nay gọi là Souk-Ahras đã hân hạnh là tổ quán của vị đại thánh. Ngài sinh ngày 13.11.354, trong một gia đình giầu có nhưng thiếu bầu khí đạo đức. Thân phụ tên là Patriciô một người ngoại đạo lại có tính hung dữ và cục cằn. Ông là con một gia đình tiểu tư sản ở vùng quê, nhưng đi lại và quen thuộc nhiều với giới quý tộc trên tỉnh và miền phụ cận. Vì thế, dù ngoại giáo, ông đã có thể kết duyên với một thiếu nữ trẻ đẹp và rất mực đạo hạnh tên là Monica. Monica chỉ vì muốn tuân theo ý Chúa nên đã gánh chịu bao cảnh đau lòng trong đời sống mới: đời sống làm dâu, làm vợ hiền, làm mẹ đầy hy sinh. Phải, chính đức vâng lời nhẫn nhục đối với cha mẹ, lòng hy sinh, chung thủy đối với người bạn trăm năm và tình yêu xả kỷ đối với con cái đã làm cho bà thành một vị đại thánh và thành ngôi sao bất diệt chỉ lối cho các bà mẹ. Bà sinh hạ được ba con: Âutinh là anh cả rồi đến Navigiô, sau cùng trở lại với anh, cuối cùng là cô gái út thùy mị và đạo đức. Lớn lên cô dâng mình cho Chúa, làm bề trên một tu viện và chết tại Hippôniê năm 424.
Mặc dầu sống trong một gia đình ngoại giáo, bà Monica không sao nhãng bổn phận thiêng liêng đối với con cái. Bà tìm hết cách cho các con được học hiểu lẽ đạo và chịu phép thanh tẩy. Vì thế, tuy thói quen bấy giờ người ta không rửa tội cho các trẻ em mới sinh, bà cũng gửi em bé Âutinh đến học các lớp trẻ dự tòng. Lúc ấy Âutinh mới tám tuổi (năm 362), cậu chỉ mê chơi, coi việc cắp sách đến trường là một gánh nặng. Biết tính con, bà Monica âm thầm chịu đựng, lấy nhẫn nhục và hiền dịu giáo dục con.
Âutinh nghịch ngợm và ương ngạnh, nhưng rất giàu tình cảm. Nhờ đó cậu cũng dễ cảm nhận phần nào lòng yêu thánh thiện của mẹ. Nhưng đặc biệt hơn cả là khiếu thông minh của cậu. Mãn tiểu học ở trường làng, cậu được cha cho lên học văn chương tại Madaurê. Cậu mê học La tinh hơn tiếng Hy lạp. Những tác phẩm của thi sĩ Vergiliô mở cho cậu một chân trời mới. Năm 370, cậu đến theo học khoa tu từ tại Carthagô, một thành phố hoa lệ và nổi tiếng văn học thời bấy giờ. Nơi đây cảnh phù hoa và những trào lưu tư tưởng ngoại giáo ảnh hưởng đến tâm hồn Âutinh, và biến chàng thanh niên ấy thành con người ham mê cuồng loạn, chơi bời trụy lạc và chiều theo những tư tưởng phản đức tin! Dầu vậy, với trí thông minh tuyệt bậc, Âutinh một sinh viên 18 tuổi đã thụ hưởng được nhiều kết quả tốt đẹp cho tương lai. Nhưng sắp sửa tốt nghiệp Luật khoa thì tin buồn: thân phụ từ trần đưa đến, làm gián đoạn việc học của Âutinh. Bỏ luật, Âutinh theo ban triết lý và kết thân với một sinh viên trẻ tuổi tên Alypiô, sau làm Giám mục Thagastê. Theo lời khuyên của bạn, Âutinh bắt đầu ham học Kinh Thánh. Nhưng chẳng bao lâu ngài thấy chán ngán vì nhiều đoạn khó hiểu với lối văn La tinh vụng về. Thấy không thoả mãn trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, lại rối loạn vì những dục tình đang nổi dậy trong tâm hồn. Âutinh tin theo thuyết nhị nguyên của Manes. Khi trở về Thagastê với tư cách một giáo sư văn phạm, ngài còn tìm hết cách khuất phục Rômanianô và Alypiô. Cách sống của Âutinh đã gieo vào lòng bà Monica nhiều đau khổ. Vừa mới được đôi chút vui mừng vì cái chết thống hối và lành thánh của người chồng, thì lúc này bà phải se lòng nhìn thấy con cứ cố chấp để lăn mình xuống vực thẳm.
Bà Monica đau đớn thấy con phản bội chân lý, nhưng Chúa gìn giữ bà bằng một giấc mộng: Bà nhìn thấy con đứng sát cạnh bà trên một thước gỗ, mà sau này thánh Âutinh đã kể lại như sau: “Bấy giờ mẹ tôi thấy một thanh niên chói sáng đến cùng người và hỏi tại sao mà khóc. Người trả lời rằng: “Tôi khóc linh hồn con tôi”. Người thanh niên trẻ đẹp đó trả lời: “Ồ, bà đừng khóc nữa, hãy trông đứa con bà, bà ở đâu thì nó ở đó; rồi người nhìn tôi và thấy tôi cùng đứng trên thềm đó. Phải chăng đó là dấu “Người con của bao nước mắt sẽ không hư đi đời đời!” Nhưng với tuổi trẻ kiêu hãnh, Âutinh không muốn nghe những lời khuyên lơn của mẹ. Người đột ngột trở lại Carthagô, mở trường dạy khoa hùng biện với sự cộng tác của Rômanianô và Alypiô.
Mùa thu năm 383, Âutinh cảm thấy tâm hồn nặng trĩu u buồn, một phần vì chán cái nghề dạy học, một phần đau đớn vì cái chết của một người bạn chí thiết! Nhưng chính lúc tâm hồn sầu muộn ấy, ơn Chúa đến hòa tan với những giọt nước mắt của bà Monica đã cảm hóa tâm hồn Âutinh: ngài nhận thấy bè rối mình theo trong mười năm trời là một sự ngược ngạo vô lý! Âutinh lập tức từ bỏ.
Sự thay đổi lớn lao bấy được thể hiện bằng ý định đi Rôma, ngài muốn tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn. Nhưng có ngờ đâu khổ cực lại dồn dập đến hơn mọi lúc. Trong khi thân xác bị những cơn sốt rét dằn vật hành hạ, tâm trí quay cuồng vì những tư tưởng phản đạo, thì tâm hồn ngài còn bị những hình ảnh tội lỗi sống lại dày vò; ngài cảm thấy như bị Thiên Chúa ruồng bỏ, sau này nhớ lại phút đen tối ấy, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, con sẽ đi đâu nếu Chúa để con chết bấy giờ”. Khỏi bệnh, Âutinh được mời làm giáo sư hùng biện tại Milanô. Như thế ngài có dịp đi lại thân mật với thánh Giám mục Ambrôsiô, với tính tình niềm nở và đời sống thánh thiện, thánh Giám mục chiếm được lòng cảm phục và tín nhiệm của Âutinh. Chính ngài cũng đã giúp Âutinh tìm hiểu nhiều về Thánh Kinh. Cũng nhờ lời khuyên của thánh Giám mục Ambrôsiô, Âutinh bắt đầu sống đời thành thực và ngoan ngoãn với mẹ hơn. Ít ngao du đàng điếm, từ nay Âutinh luôn sống gần mẹ, ngày đêm chăm đọc sách Thánh, nhất là thư thánh Phaolô. Chính vào thời kỳ này ngài đã lãnh nhận được ánh sáng đức tin để can đảm cắt đứt những sợi dây tình dục của tuổi thanh niên trói buộc mình. Ngày kia, trong lúc tâm hồn thác loạn vì những tình dục, Âutinh đã nghe thấy tiếng phán bảo: “Hãy cầm lấy mà đọc, hãy cầm lấy mà đọc”. Âutinh bèn lấy thư thánh Phaolô mở ra và gặp những câu: “Đừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Kittô…” Đặt sách xuống, Âutinh quyết định trở về với chân lý! Ngài mau mắn đem tin vui mừng ấy cho bà Monica. Niềm vui hiện lên nét mặt, hai mẹ con cùng quỳ gối cảm tạ Chúa (Conf. VIII-8).
Thánh Âu-tinh và Monica.

Từ nay Âutinh cảm thấy tâm hồn tươi vui như một bông hoa nở dưới ánh mặt trời. Ngài được Đức Giám mục Ambrôsiô ban phép Thánh tẩy đêm lễ Phục sinh 25.4.378.
Sau đó vì bị bệnh đau cuống phổi, Âutinh phải cùng mẹ rời bỏ Milanô về nhà một người bạn tại Cassicaum. Nhờ những ngày sống thanh tĩnh, Âutinh đã nâng lòng lên suy gẫm nhiều điều siêu nhiên.
Thời gian hạnh phúc này nhắc Âutinh và mẹ ngài nhớ tới xứ Thagaste là quê hương thân yêu của hai người. Bà Monica muốn cùng với con trở về quê hương yêu dấu. Nhưng khi trở về tới hải cảng Ostia thì bà Monica phải bệnh và từ trần cách êm ái tại đây. Tâm hồn đau đớn, nước mắt muốn trào ra, Âutinh thầm hiểu rằng mẹ không chết, nhưng là bỏ đời “nước mắt” để qua hưởng hạnh phúc vĩnh cửu thiên quốc. Vì thế, táng xác mẹ xong, Âutinh giãn việc trở về Phi châu, ngài dừng lại ở Rôma thu tập các tài liệu và viết mấy tác phẩm minh giáo chống lại bè rối Manes.
Cho đến cuối năm 388, Âutinh mới trở về Carthagô và Thagastê. Cùng đi với ngài có ông bạn Alypiô và cậu con trai tên là Adeodatô. Sau ba tháng làm việc, thánh nhân bán hết gia tài lấy tiền cho kẻ khó. Vào kỳ này ngài cũng xuất bản nhiều sách như cuốn “Bách khoa văn học”, “Luận về âm nhạc”… Bán hết gia tài, chuyên dùng ngòi bút phụng sự nhân loại, thánh Âutinh chưa lấy làm thoả mãn. Mỗi ngày ngài cảm thấy mãnh liệt hơn, tiếng Chúa gọi ngài làm “thợ gặt” cho đồng lúa nước trời. Cái chết thánh thiện nhưng bất ngờ của người con yêu, thêm vào đó tình trạng một xã hội văn minh nhưng suy đồi về đạo lý, lúc bấy giờ đã giúp ngài hăng hái nghe theo tiếng Chúa. Ngài lên đường đi Hippôniê giúp việc truyền giáo cho một vị Giám mục lão thành tên là Valêriô. Sau mấy năm làm việc, Âutinh tỏ ra có một thiên tài lãnh đạo và đời sống thánh thiện cao vời. Vì thế năm 391, ngài được chịu chức linh mục và lãnh sứ mệnh giảng Phúc âm chống lại bè rối Donat (do Giám mục Donat lãnh đạo phát xuất ở Cathargô vào thế kỷ IV).
Bốn năm sau, tức 395, ngài thụ phong Giám mục kế vị Đức Valêrriô. Tiếp tục công cuộc truyền giáo của đức tiên Giám mục, thánh Âutinh không bao giờ sao nhãng bổn phận của kẻ chăn chiên. Suốt 15 năm ngài giảng dạy hầu như hằng ngày tại nhà thờ chính toà “Hòa Bình”. Lời giảng dạy của ngài đơn sơ và hấp dẫn, tuy nhiên không kém bề sâu sắc về thần học. Vì thế, đi đôi với đời sống thánh thiện, lời giảng của thánh giám mục đã gây nên nhiều ảnh hưởng sâu rộng, không những trong địa phận, trong các giáo đoàn Phi châu, mà còn lan đến khắp nơi như Rôma, Pháp, Tây Ban Nha. Người ta càng ca ngợi trí thông minh, đức khôn ngoan của ngài bao nhiêu, thì lại càng phải thầm phục đức nhẫn nại, lòng khiêm tốn và bác ái của ngài bấy nhiêu.
Suốt đời làm Giám mục, thánh Âutinh hết sức thân mật với các linh mục dưới quyền. Ngài ăn mặc đơn sơ không khác gì linh mục. Ngài lưu tâm cách riêng đến việc huấn khuyên các linh mục, nhất là việc đào tạo các chủng sinh. Ngài muốn tất cả các linh mục trong địa phận sống chung như một cộng đồng, thành thực giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Đường lối huấn luyện của ngài đã hiến cho Giáo hội Phi châu nhiều vị linh mục thánh thiện và khôn ngoan.
Về văn hóa, chúng ta không thể kể cho hết được những tác phẩm ngài đã viết. Theo ngài, viết sách là một phương pháp truyền giáo mà ảnh hưởng sâu xa và bền bỉ nhất. Ngay mấy năm đầu đời Giám mục, ngài đã viết bộ “Tự Thuật” bằng một lối văn hết sức sống động. Nó vừa kể lại cho chúng ta đời sống thân mẫu ngài là thánh nữ Monica và đời sống riêng của ngài, vừa gợi lên những lời ca ngợi cảm ơn và thống hối của một linh hồn yêu mến chân lý sau bao nhiêu ngày tìm kiếm. Hơn thế, nó còn chứa đựng nhiều tư tưởng thần học. Và năm 400, thánh Giám mục lần lượt cho xuất bản nhiều tác phẩm về minh giáo, huấn đức, thần học, chú giải Thánh Kinh và văn chương triết học.
Bấy giờ thánh Giám mục Âutinh đương nhiên là một trong những cột trụ chống đỡ lâu đài Giáo hội. Chính ngài đã hăng hái chống đỡ với các bè rối Manes (chủ trương thuyết nhị nguyên), Pélagianismô do thánh Pêlagiô hiểu sai về ân sủng và Donatismô. Ngài làm việc không ngừng cho đến năm 76 tuổi thì ngã bệnh nặng. Những cơn sốt rét kinh niên đã phá hoại sinh lực của ngài. Nhưng bù lại, Chúa ban cho ngài ơn làm phép lạ để đem sức sống và nguồn vui đến cho nhiều người bị quỷ ám và bệnh tật.
Tháng 8 năm 430, ngài biết giờ chết đã gần đến, ngài truyền cho Hêracliô, người kế vị tương lai của ngài, trải lên phía bên giường ngài những tấm giấy da, và viết lên đó những lời ca vịnh thống hối. Rồi cho đến lúc tắt nghỉ, ngài đọc đi đọc lại lời: “Sự chết sẽ bị hủy diệt trong vinh thắng, và chúng ta sẽ được tự do chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong hòa bình vĩnh cửu, sẽ trở thành công dân thành Giêrusalem, thành thánh của Thiên Chúa (Tv 143).
Thánh nhân qua đời ngày 28.8.430 tại Hippôniê. Xác thánh ngài sau được cải táng và đem về Pavia.
Sau những năm tận tụy với sứ mệnh tông đồ, thánh Âutinh về trời để lại cho Giáo hội một học thuyết làm tường thành chống đỡ đức tin Công giáo. Học thuyết ấy sẽ còn mãi với Giáo hội, với tinh thần Phúc âm Chúa Kitô, vì nó đã được kiến tạo do tình yêu và đã hoạt động cho tình yêu như lời ngài đã viết: “Hãy yêu đã và rồi làm điều bạn muốn” (Ama et fac quod vis).


Thánh Augustine

(354-430)
St.Augustine of Hippo.

Là Kitô Hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi: ai ai cũng quen thuộc với tiểu sử tóm lược của Thánh Augustine Hippo, một tội-nhân-trở-thành-thánh-nhân. Nhưng có thực sự biết về cuộc đời thánh nhân thì điều đó mới có giá trị.
Dù khi xa cách Thiên Chúa hay hướng về Thiên Chúa, đời sống của ngài mau chóng đạt đến mức độ mãnh liệt. Nước mắt của mẹ ngài, những lời huấn đức của Thánh Ambrôsiô và, trên hết mọi sự, chính Thiên Chúa nói với ngài qua Kinh Thánh đã thay đổi tính đam mê thế gian của Augustine thành một cuộc đời đầy bác ái. 
Từng đắm chìm trong sự cao ngạo về cuộc đời mình trong thời niên thiếu và từng say sưa cặn bã cay đắng của cuộc đời, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Augustine, khi quay trở về, ngài đã phải chống trả với sự tấn công của ma quỷ bằng sự thánh thiện quyết liệt. Thời đại của ngài thực sự sa sút -- về chính trị, xã hội và luân lý. Người ta vừa sợ và vừa mến ngài, giống như Thầy Giêsu. Ngài bị chỉ trích không bao giờ cùng: là bản tính khắt khe của loài người.
Cuộc đời ngài, do thiên ý, ngài đã chu toàn nhiệm vụ của một ngôn sứ. Như ngôn sứ Giêrêmia và các vị đại ngôn sứ khác, ngài bị bó buộc nhưng không thể giữ im lặng. "Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhắc đến Người, tôi sẽ không nhân danh Người mà lên tiếng nữa. Nhưng rồi như lửa bừng cháy trong tim, giam hãm thân thể tôi; và tôi cầm hãm không nổi, chịu đựng không thấu" (Giêrêmia 20:9).

Lời Bàn

Trong thời đại chúng ta, Thánh Augustine vẫn còn được xưng tụng và vẫn còn bị kết án. Ngài là vị ngôn sứ của thời đại ngày nay, thúc giục chúng ta phải từ bỏ khuynh hướng thoát ly thực tế và can đảm đối diện với trách nhiệm và phẩm giá của mỗi một người.

Lời Trích

"Thật quá trễ để con yêu mến Ngài, ôi Ðấng Tuyệt Mỹ của ngày xa xưa ấy, nhưng mới lạ hơn bao giờ hết! Thật quá muộn để con yêu mến Ngài! Và đây, Ngài ở bên trong, con ở bên ngoài, và con đi tìm Ngài; con bị méo mó, đắm chìm trong những hình dáng đẹp đẽ mà Ngài đã dựng nên. Ngài ở với con, nhưng con không ở với Ngài. Nhiều thứ đã giữ con xa Ngài - những thứ mà nếu chúng không ở trong Ngài, thì chẳng là gì cả. Ngài kêu lớn và gào thét vào sự ngơ điếc của con. Ngài lấp lánh và chiếu sáng vào sự mù quáng của con. Ngài thở hương thơm và con bị lôi cuốn - và con khao khát Ngài. Con đã nếm thử, và con đói khát. Ngài chạm đến con, và con đã bừng cháy vì sự bình an của Ngài" (Tự Thú của Thánh Augustine).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét