Trang

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

03-06-2013 : THỨ HAI TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Hai sau Chúa Nhật 9 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Tb 1, 1a. 2; 2, 1-9
"Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là nhà vua".
Khởi đầu sách Tôbia.
Tôbia, người chi họ và thành Nephthali, ông bị bắt lưu đày trong đời Salmanasar, vua xứ Assyria. Mặc dầu bị lưu đày, ông không bỏ đường chân lý.
Khi đến lễ trọng kính Chúa, trong gia đình Tôbia có dọn bữa ăn thịnh soạn, ông nói với con trai ông rằng: "Con hãy đi mời mấy người, thuộc chi họ chúng ta biết kính sợ Chúa, đến dự tiệc với chúng ta". Con ông đi, rồi trở về báo tin cho ông hay rằng: "Một người con cái Israel bị bóp cổ chết nằm ngoài đường". Lập tức, ông bỏ bàn ăn, ra khỏi phòng, bụng còn đói, chạy đến chỗ tử thi. Ông lén vác xác về nhà, để chờ lúc mặt trời lặn sẽ chôn cất cẩn thận. Sau khi đã giấu xác rồi, ông vừa dùng bữa vừa than khóc và run sợ, vì nhớ lại lời Chúa dùng miệng tiên tri Amos mà phán rằng: "Ngày lễ của các ngươi sẽ trở thành ngày than khóc và tang chế". Khi mặt trời lặn, ông đi chôn xác. Tất cả các người bà con chỉ trích ông rằng: "Ông đã bị lên án tử hình cũng vì công việc đó, và may là ông thoát khỏi án tử, nay ông lại đi chôn kẻ chết nữa sao?" Nhưng Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là sợ nhà vua, vẫn lấy trộm xác kẻ bị giết, giấu trong nhà, rồi đến nửa đêm ông đem đi chôn.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.
2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối, người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. - Ðáp.
3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. - Ðáp.

Alleluia: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 1-12
"Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra vườn nho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão rằng: "Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa.
"Ðến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho. Nhưng những người này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục. Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết. Ông còn sai nhiều người khác nữa, nhưng kẻ thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết.
"Ông chỉ còn lại một cậu con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, (vì) ông nghĩ rằng: "Chúng sẽ kiêng nể con trai ta". Nhưng những tá điền nói với nhau rằng: "Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta". Ðoạn chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho. Chủ vườn nho sẽ xử thế nào? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: "Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường. Ðó là việc Chúa làm, thật lạ lùng trước mắt chúng ta".
Họ tìm bắt Người, nhưng họ lại sợ dân chúng. Vì họ đã quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người mà đi.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðá tảng góc tường
Tin Mừng hôm nay nói về vườn nho của Chúa được trao cho các tá điền để làm sinh lợi thêm những hoa trái mới. Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng những kẻ có trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của mình; còn vườn nho mới chính là Israel mới, tức Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao cho những tá điền mới. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy chương trình hành động của Thiên Chúa, Ðấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng và đòi hỏi sự cộng tác của con người.
Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu Phục Sinh sau biến cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo Hội. Giáo Hội và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người phải xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. "Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.
Lời của Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta trước trách nhiệm phải làm sao để dung mạo của Chúa được chiếu tỏa trong đời sống chúng ta và trong Giáo Hội. Chúa Giêsu là Ðá Tảng góc tường, là nền tảng và là sức sống cho cuộc đời chúng ta, xin cho chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 9 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Có cần phải ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày trong cuộc đời?

Nhiều người cho là không, vì những lý do "cụ thể" sau đây:
(1) Óc "thực tiễn:" Đòi hỏi của Thiên Chúa quá khó khăn, họ phải làm những gì vượt sức con người. Họ đang sống trong "thế gian," chứ có gọi là "thế ngay" đâu? Nếu họ làm như thế, họ trở thành "thánh" mất rồi, mà họ còn đang muốn làm người. Họ quên đi đòi hỏi của Chúa: Hãy sống thánh thiện như Cha của các con trên trời là Đấng Thánh. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa truyền những gì vượt sức con người, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa, vì Ngài bắt con người làm điều không thể.
(2) Óc "khiêm nhường giả tạo:" Họ đang sống trong một xã hội mà chẳng ai làm như thế; không muốn sống khác người. Họ muốn sống như một người tầm thường, ẩn dật để không ai biết tới. Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi họ: Giữa một thế hệ gian tà và sa đọa, họ phải chiếu sáng như những vì sao sáng cho thế gian. Nếu họ không dám sống chứng nhân như đòi hỏi của người Kitô hữu, họ cũng không có quyền đòi được hưởng những ân huệ Chúa dành cho các chứng nhân.
(3) Óc "kinh doanh, nhỏ mọn:" Làm gì cũng phải có lợi nhuận trước mắt. Khi làm việc phúc đức, không biết Chúa có biết hay không? Nếu biết, Chúa có thưởng cho điều gì ngay không? Người kinh doanh khôn ngoan không nhắm lợi nhuận tạm thời trước mắt; nhưng những giá trị vĩnh cửu. Đúng ra, họ chẳng bao giờ có thể sống công bằng với Chúa, vì Người đã làm cho họ vượt quá những gì họ có thể thấy. Hơn nữa, họ không nhìn thấy phần thưởng của những người làm theo ý Chúa trong tương lai.
(4) Óc "hài hòa, thông cảm:" Chúa biết con người yếu đuối nên Ngài sẵn lòng tha thứ mọi khuyết điểm. Vì thế, cứ việc sống không vâng phục; khi nào tiện, vào tòa giải tội một lần là xong. Nếu Thiên Chúa khó quá, ai có thể vào Nước Trời được. Nếu sự thực Chúa khó như vậy, chết cả đám như phần đông nhân loại cũng được!

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sống trong nơi lưu đày, gia đình Tobit vẫn kính sợ và giữ Luật Thiên Chúa.
1.1/ Tobit dạy con: cho kẻ đói ăn. Ông Tobit là người Do-thái bị lưu đày qua Nineveh, Babylon. Sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã của nơi lưu đày, đa số đã óan trách Thiên Chúa và không giữ Lề Luật của Ngài; nhưng Tobit vẫn cố gắng ăn ở theo sự thật và lẽ ngay. Ông đã từng rộng tay bố thí cho anh em và đồng bào, những người cùng đi đày với ông. Dưới triều vua Esarhaddon, ông được trở về nhà. Người ta đã trả lại cho ông Anna, vợ ông, và Tôbia, con trai ông. Trong ngày lễ Các Tuần, người ta dọn cho ông một bữa ăn ngon.
(1) Phản ứng của ông Tobit: Khi thấy người ta bày bàn, dọn cho mình nhiều món, Tobit nói với Tôbia, con ông: "Con ơi, con hãy đi tìm trong số các anh em chúng ta bị đày ở Nineveh, một người nghèo hết lòng tưởng nhớ Thiên Chúa, rồi dẫn người ấy về đây cùng dùng bữa với cha. Này, con ơi, cha đợi con cho đến khi con về."
+ Có đau mắt mới biết thương người mù: Ông Tobit đã có kinh nghiệm đói khát nơi lưu đày Nineveh nên ông nghĩ đến những người đói khổ, và muốn họ cùng chia sẻ hạnh phúc có của ăn ngon với ông.
+ Ông là người biết kính sợ Thiên Chúa và muốn thực thi những gì Ngài dạy: Con người phải biết chia cơm sẻ áo cho những người nghèo khó. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đã từng nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." Làm cho những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù là làm cho chính Chúa; và như thế, mới xứng đáng được hưởng phúc lành trong Ngày Tận Thế.
(2) Phản ứng của hầu hết con người sẽ như sau:
+ Không nên làm như thế vì phải chờ đợi! và không được thưởng thức ngay những món ăn ngon còn nóng sốt, làm phí của Thiên Chúa ban cho!
+ Không nên làm như thế vì phải vất vả đi tìm người nghèo. Cứ việc ăn trước, sau này khi gặp người nghèo cho họ vài đồng là xong!
+ Không nên làm như thế vì đồ ăn ngon còn phải tùy thuộc vào bạn hiền và chỗ ăn nữa. Người nghèo là khách lạ mình có biết tính khí họ làm sao? Trên hết mọi sự, mình phải chịu đựng những "mùi" của người nghèo; không biết khi chịu rồi, có còn muốn ăn nữa hay không!
1.2/ Tobit dạy con: chôn xác kẻ chết. Tôbia vâng lời cha ra đi, tìm một người nghèo trong số các anh em chúng tôi. Khi trở về, nó nói: "Cha ơi!" Tôi bảo nó: "Cha đây, con." Nó trả lời: "Thưa cha, có một người trong đồng bào chúng ta đã bị giết và quăng ngoài chợ, là nơi bây giờ người ấy còn đang bị thắt cổ."
(1) Phản ứng của ông Tobit: Tobit liền chồm dậy, bỏ cả ăn, chẳng kịp nếm chút gì. Ông đem người ấy ra khỏi quảng trường và đặt trong một căn nhà nhỏ, chờ lúc mặt trời lặn sẽ đem chôn. Khi trở về nhà, ông tắm rửa, rồi ăn uống mà lòng cảm thấy ưu sầu tang tóc. Ông nhớ lại lời ngôn sứ Amos đã nói về Bethel rằng: "Những ngày lễ của các ngươi sẽ biến thành tang tóc, mọi bài hát của các ngươi sẽ nên khúc ai ca." Khi mặt trời lặn, ông đào huyệt chôn người ấy.
(2) Phản ứng của con người: Láng giềng nhạo cười tôi rằng: "Hắn vẫn còn chưa sợ! Người ta truy nã để giết hắn về tội ấy và hắn đã trốn đi, thế mà hắn lại vẫn chôn cất người chết!"

2/ Phúc Âm: Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác.
Để dẫn chứng sự bất công và chống lại Thiên Chúa của những người trong THĐ, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp.
2.1/ Hành động của các tá điền: Đã không nộp hoa lợi thì chớ, họ còn bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: "Chúng sẽ nể con ta." Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. Tại sao các tá điền hành động như thế?
+ Trước tiên, họ khinh thường Lề Luật của Thiên Chúa và của loài người, hay họ nghĩ lấy của nhà giàu không có tội. Họ là những người dân nghèo và nghĩ Thiên Chúa sẽ đứng về phía họ.
+ Họ không biết ông chủ phải vắng mặt đi xa; không biết ông có còn sống không hay chết rồi! Những tên đầy tớ dụng danh ông chủ để bắt chẹt họ và thu hoa lợi.
2.2/ Hành động của ông chủ: Ác giả ác báo! Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta! Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải cố gắng ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày trong cuộc đời. Trường hợp không thể vì yếu đuối con người, Thiên Chúa thấu hiểu những cố gắng của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta phải nhắm tới điều thiện hảo và niềm vui khi sống theo những gì Chúa muốn.
- Cố gắng sống theo sự thật là cách chúng ta làm chứng cho Thiên Chúa và biến đổi thế giới chung quanh. Sống theo trào lưu của thế gian là chúng ta đã bị thế gian đồng hóa bởi họ.

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 9 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)


Thứ Hai :

Mc 12,1-12

A. Hạt giống...
Đây là một ẩn dụ. mà Chúa Giêsu dùng để ám chỉ các nhà lãnh đạo tôn giáo do thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa ; vườn nho là dân Israel ; các tá điền là các lãnh tụ ấy ; tôi tớ được sai đi thu hoa lợi là các ngôn sứ ; người con của ông chủ là Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ do thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các ngôn sứ nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe và còn giết chết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa sẽ truất quyền họ, Ngài sẽ ban Nước Trời cho một dân khác là Giáo Hội. Phần Chúa Giêsu, tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo Hội.

B.... nẩy mầm.
1. Áp dụng dụ ngôn này vào bản thân : vườn nho mà Chúa giao cho tôi là những khả năng và phương tiện Ngài ban. Lẽ ra tôi phải dùng chúng để phục vụ người khác. Nhưng tôi có khuynh hướng muốn giữ chúng làm của riêng cho mình. Tôi dùng chúng một cách ích kỷ, không phục vụ ai cả. Hãy coi chừng Chúa sẽ lấy lại vườn nho mà trao cho kẻ khác.
2. Cặp vợ chồng nghèo nọ trúng số độc đắc. Bà con thân thuộc kéo đến nhận họ hàng, xin xỏ, vay mượn. Cuộc sống gia đình luôn bị xáo trộn. Ông chồng bàn với vợ dọn đi chỗ khác, đổi tên đổi họ không cho ai biết. Nhưng người vợ nói dù đã đổi tên đổi họ nhưng nếu người ta biết mình có tiền thì người ta vẫn tìm tới quấy rầy. Người chồng bảo hãy giấu luôn số tiền và sống đạm bạc y như những người nghèo thực thụ. Hai người nhất trí làm y như vậy. Họ đến một nơi khác, cất một túp lều tranh nghèo nàn, chôn dấu số tiền, sống đạm bạc. Dần dần họ quên luôn rằng mình có số tiền đó. Khi chết họ quên cả trối lại cho con cái số tiền ấy. Thành ra trúng số mà cũng như không.
Nhận lãnh là để trao ban. Có là để chia sẻ. Không trao ban, không chia xẻ thì ơn Chúa ban cũng giống như nén bạc bị đem chôn xuống đất. Nó không đem lại niềm vui mà chỉ gây nên lo lắng buồn phiền.
Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng "Cho thì có phúc hơn nhận lãnh". Xin cho con hưởng được niềm vui khi trao ban và tiêu hao bản thân con mỗi ngày. (Chờ đợi Chúa)
3. "Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào dậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp" (Mc 12,1-2)
Tôi là ai ? Tôi có cái gì ?
Tôi là một con người. Tôi có một thể xác, một tâm hồn. Tôi có lý trí, có tình cảm. Tôi có tình yêu. Và quan trọng hơn cả, là tôi được sống.
Thiên Chúa đã tạo nên hình hài này, trang bị cho nó những điều ấy, rồi Ngài trao nó cho tôi.
Vậy, tôi phải làm gì đây ?
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa. Xin hãy dùng con như ý Chúa muốn để sinh cho hoa lợi cho Ngài. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

03/06/13 THỨ HAI TUẦN 9 TN
Th. Carôlô Loanga và các bạn tử đạo
Mc 12,1-12

TRÁCH NHIỆM VÀ VINH DỰ
“Bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau :’Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài ấy sẽ về tay ta !’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho.” (Mc 12,7-8)
Suy niệm: Những tên tá điền trong dụ ngôn thật độc ác và tham lam lam. Ông chủ vườn nho đã sắp đặt chu đáo, nào là rào dậu, khoét bồn đạp nho lại còn xây tháp canh. Các tá điền chỉ việc chăm sóc vườn nho và sinh hoa lợi. Thế mà khi người chủ sai đầy tớ đến thu hoa lợi, thì họ lại cư xử thật ngạo ngược ngang tàng: đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ; thậm chí cả người con của ông chủ cũng bị họ sát hại không thương tiếc. Chúa Giêsu ám chỉ thái độ của người Do Thái đối với các ngôn sứ được Chúa sai đến và nhất là đối với chính Ngài là Con Một Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến.
Mời Bạn: Thái độ của người Do Thái cũng có thể là thái độ của tôi, khi tôi chưa yêu mến Giáo Hội đủ, chưa cộng tác với những người đại điện của Chúa trong cộng đoàn và nhất là khi tôi còn sống trong tội lỗi. Mel Gibson vừa là đạo diễn vừa là người đóng vai quân dữ cầm búa trực tiếp đóng đinh Chúa Giêsu trong bộ phim “12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu”, muốn nói với mọi người rằng: Mỗi người chúng ta, trong tội lỗi, đều tham dự vào việc đóng đinh Chúa và đều chịu trách nhiệm về cái chết của Người.
Chia sẻ: Bạn có đảm nhiệm công tác gì, tham gia hoạt động nào trong giáo xứ của bạn không? Nếu có, bạn đang tham gia với thái độ nào?
Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng tham gia những hoạt động bác ái, tông đồ trong giáo xứ của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

Tảng đá góc 


Suy nim: Mc 12, 1-12
Dụ ngôn Đức Giêsu kể trong bài Tin Mừng hôm nay làm ta khó chịu. 
Chúng ta không chấp nhận được sự độc ác của những tá điền, 
những người làm công cho ông chủ, 
và có bổn phận phải nộp hoa lợi vườn nho cho ông khi đến mùa. 
Tại sao họ lại đánh đập người đầy tớ đầu tiên do ông chủ sai đến? 
Tại sao họ lại tiếp tục đánh đập và làm nhục người đầy tớ thứ hai? 
Tại sao họ dám cả gan giết người thứ ba 
và tiếp tục làm như thế với nhiều đầy tớ khác? (cc. 2-5). 
Cuối cùng, ông chủ đã sai đến với các tá điền người con yêu dấu của mình, 
người cuối cùng trong số những người được ông sai. 
Ông nghĩ người con của ông sẽ có đủ uy tín để khiến các tá điền phải vị nể. 
Nhưng đáng thương thay, cậu con thừa tự dấu yêu đã bị bắt, 
bị giết và bị quăng xác ra ngoài vườn nho.
Chúng ta không hiểu được sự độc ác tàn nhẫn của các tá điền. 
Nhưng chúng ta lại càng không hiểu được 
sự cam chịu kiên trì và sự ngây thơ lạ lùng của ông chủ. 
Tại sao ông lại không phản ứng mạnh mẽ ngay từ tội ác đầu tiên? 
Tại sao ông lại thiếu cương quyết khiến cho nhiều đầy tớ, 
và chính con yêu dấu của mình phải chết như vậy?
Dụ ngôn Đức Giêsu kể nhắm vào các nhà lãnh đạo Do thái giáo, 
những thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11,27; 12,12). 
Các đầy tớ trong dụ ngôn là những ngôn sứ đã được sai đến với dân Ítraen. 
Các tá điền chính là những nhà lãnh đạo dân Ítraen từ bao đời. 
Người con yêu dấu chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, 
người đã được Thiên Chúa gọi là Con yêu dấu khi chịu phép rửa 
và khi được biến hình (Mc 1, 11; 9, 7). 
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu báo trước cuộc khổ nạn và cái chết sắp đến 
bởi tay các nhà lãnh đạo đang đứng trước mặt Ngài đây.
Thiên Chúa như ông chủ vườn nho đau khổ, 
có sức chịu đựng vô bờ dù bao lần dân Ítraen quay lưng từ chối. 
Nhưng cuối cùng ông sẽ tiêu diệt các tá điền và giao vườn nho cho người khác. 
Như thế dụ ngôn này vẫn mang nét tươi, 
vì mọi sự không chấm dứt với cái chết của người con. 
Tảng đá bị thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc (c. 10). 
Đức Giêsu phục sinh chính là tảng đá góc cho một tòa nhà mới. 
Đó là cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài, 
thuộc cả dân Do thái và dân ngoại.
Cả một lịch sử cứu độ nằm trong một dụ ngôn, mới nhìn có vẻ buồn. 
Nhưng nơi đây ta bắt gặp tình yêu Thiên Chúa làm chủ suốt dòng lịch sử. 
Một tình yêu kiên nhẫn chịu đựng, có vẻ dại dột và ngây thơ. 
Một tình yêu bị bẽ bàng và làm nhục qua cái chết của Người Con yêu dấu. 
Nhưng cuối cùng tình yêu ấy đã chiến thắng vẻ vang nơi sự phục sinh, 
và nơi công trình kỳ diệu là Giáo Hội (c.11).
Cầu nguyn:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM Mc 12, 1-12

Đức Giêsu kể câu chuyện dụ ngôn với những nhân vật và bối cảnh: ông chủ vườn nho, vườn nho, mùa thu hoạch, những tá điền làm vườn nho, các đầy tớ của ông chủ và con trai ông chủ. Đây là những hình ảnh quen thuộc, có sẵn trong tư tưởng và trí tưởng tượng của dân Do Thái thời Đức Giêsu.
Chúng ta cần nhận ra những ý nghĩa ám chỉ qua những nhân vật và bối cảnh của câu chuyện dụ ngôn: ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn nho là Nước Trời, tá điền vườn nho là những nhà lãnh đạo Do Thái, đầy tớ của ông chủ là các ngôn sứ và con trai ông chủ là Đức Giêsu.
Câu chuyện dụ ngôn hôm nay nhắc tôi về hình ảnh của Thiên Chúa – một Thiên Chúa rất bao dung, tin cậy, nhẫn nhục, chờ đợi sự hoán cải và trung thành nơi con người.
Câu chuyện dụ ngôn cũng nhắc tôi phản tỉnh chính mình. Biết bao ơn lành của Chúa được gởi tới trong cuộc đời tôi. Biết bao sự tín nhiệm và chờ đợi của Thiên Chúa khi Ngài ban cho tôi sống cuộc đời này và cuộc đời của riêng tôi. Thế mà lắm khi, tôi để hư mất những ơn lành của Chúa, làm mai một những ơn phúc của Chúa, mà lẽ ra, tôi phải sinh lợi cho mình và cho anh chị em.
Mong sao, tôi biết sử dụng ơn ban của Chúa để làm phong phú cuộc đời mình.
Mong sao, tôi biết dùng những cơ hội, những khả năng Chúa ban để nâng đỡ những phận đời kém may mà tôi có trách nhiệm hay gặp gỡ.
Lm. AN NAM

DỤ NGÔN LỚN LAO
Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không.” (Mc. 12, 1-3)
Nếu chúng ta coi dụ ngôn những tá điền sát nhân là một câu truyện vĩ đại, một câu truyện rất vĩ đại có nhiều điều khó tin, thì đối với những người Do thái được nuôi dường trong văn hóa Kinh thánh, nó là một lời tiên tri trong sáng. Đối với chúng ta, vườn nho là vườn nho cho dù có rộng mênh mông đến thế nào, thì thái độ khờ khạo của ông chủ vườn nho cũng vượt xa giới hạn của vườn. Còn đối với những người đầy tớ cũng như người con trai cứ ngoan ngõan tới cho người ta lần lượt giết chết, thiết tưởng cũng cảm động, nếu như họ không phải là những người quá điên khùng. Đối với thính giả Do thái, dù là người ít thông thạo nhất về thể văn, thì vườn nho đáng thèm khát biết bao kia chính là Israel và họ chẳng cần phải giải thích chút nào mới nhận ra được các ngôn sứ là những người đầy tớ bị hành hạ và Đức Giêsu là người Con yêu dấu.
Những dụ ngôn rất thường là những chứng cứ Kinh thánh vốn không có gì bí ẩn đối với những người đương thời của Chúa Giêsu. Đó là tranh ảnh riêng của họ, không cần đến lời giải thích. Hiển nhiên khi chúng ta buộc phải soạn ra ít lời giải thích giá trị của những hình ảnh hay họa phẩm của ta, thì điều khó nói, khó diễn tả vẫn là nét truyền cảm toát ra từ tranh ảnh hay bức họa đó. Đó chính là trường hợp những dụ ngôn của Chúa Giêsu, những dụ ngôn đó là ngôn ngữ gia đình, là tiếng nói thân thương của họ, đang khi đối với chúng ta nó là những ẩn ngữ hay trò chơi tìm ô chữ vậy.
Chúa Giêsu với lai lịch của Người
Mục sư Bonhoeffer viết: “Ai muốn đi vào và cảm nghiệm quá vội vã và quá trực tiếp cái hồn của Tân ước, thì người đó, theo ý kiến tôi không phải là Kitô hữu…Người ta không thể cũng không nói ra được tiếng cuối cùng trước khi nói ra tiếng áp chót.” Để có thể cảm nhận được Chúa và sứ điệp của Người, ta phải nhận biết không những nguồn gốc thần linh của Người mà cả những gốc rễ nhân loại từ đó Người cũng hoàn toàn được sinh ra như được sinh ra từ Cha Người Đấng ngự trên trời. Cũng vậy, Cựu ước được Chúa mạc khải như Tân ước, và Cựu ước cũng là Lời Chúa như Phúc âm, thiết tưởng không phải là điều để ta không quan tâm.
Chúa Giêsu không phải từ trời rơi xuống, Người sinh ra trong một dân tộc, Người đã có những tổ tiên mà người ta gọi là các tổ phụ và các tiền hô là những ngôn sứ vậy.

Thứ Hai 3-6

Thánh Charles Lwanga và Các Bạn

(c. 1886)

Tổ Chức Truyền Giáo Phi Châu đến Uganda chỉ có 6 năm, tuy nhiên đức tin của cộng đồng Kitô Hữu ở đây thật đáng ca ngợi mà sự hăng say sống Tin Mừng của họ vượt cả các linh mục truyền giáo (Các Cha Da Trắng). Nhiều người tân tòng đã can đảm sống đức tin trong bộ lạc của tù trưởng Mwanga.
Tù trưởng Mwanga là nhà cai trị tàn ác và thích dâm dục với trẻ em và người cùng phái. Các Kitô Hữu làm việc trong triều cố gắng bảo vệ những người tiểu hầu này. Người quản lý các tiểu hầu là một thanh niên Công Giáo hai mươi lăm tuổi, Joseph Mkasa và anh cũng là người lãnh đạo cộng đồng Kitô Hữu.
Khi tù trưởng Mwanga giết các nhà truyền giáo Tin Lành, anh Joseph Mkasa đã chất vấn và lên án hành động của ông. Mwanga rất quý Joseph, nhưng vì anh dám đòi hỏi ông phải thay đổi lối sống, Mwanga đã quên đi tình bằng hữu ấy và đã tuyên án tử hình sau khi đâm anh bằng giáo. Trước khi bị chặt đầu và hoả thiêu, anh Joseph đã tha thứ cho nhà vua.
Anh Charles Lwanga thay thế vai trò lãnh đạo cộng đồng Kitô Giáo trong triều đình -- với trách nhiệm gìn giữ các tiểu hầu khỏi bàn tay dâm loạn của tù trưởng. Một ngày trong tháng Năm 1886, sau khi tù trưởng Mwanga biết tiểu hầu Mwafu đang được học giáo lý Công Giáo, ông nổi điên và đã dùng giáo đâm chết Denis Sebuggwago, là thầy dạy các tiểu hầu.
Ðêm hôm đó, anh Charles Lwanga rửa tội thêm năm tiểu hầu nữa. Sáng hôm sau, việc rửa tội được khám phá, Mwanga điên tiết, tụ họp tất cả các tiểu hầu và ra lệnh những ai là Kitô Hữu phải đứng tách sang một bên. Mười lăm người, tất cả đều dưới 25 tuổi, đồng loạt đứng sang một bên và sau đó có thêm hai người nữa trước đây đã bị bắt và có cả hai người lính. Khi được hỏi có muốn giữ đạo hay không, tất cả đều trả lời, "Giữ đạo cho đến chết." Tù trưởng Mwanga ra lệnh tử hình mọi Kitô Hữu sống trong triều.
Tất cả ba mươi hai người Công Giáo và Tin Lành được điệu đến một nơi cách đó 37 dặm để bị thiêu sống. Ba người bị giết trên đường đi. Những người còn lại bị giam giữ trong bảy ngày để chuẩn bị giàn hoả thiêu. Vào ngày lễ Thăng Thiên, tất cả các vị tử đạo nằm trên chiếu bằng sậy, được bó lại và cột chặt. Sau khi đổ dầu, tất cả đều bị thiêu sống.
Việc bắt đạo bắt đầu lan tràn. Dưới sự cai trị của tù trưởng Mwanga, khoảng 100 Kitô Hữu đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin.
Sau khi Mwanga từ trần, các linh mục thừa sai trở lại đây, họ thấy số Kitô Hữu đã lên đến 500 người và một ngàn dự tòng đang đợi để được rửa tội.
Hai mươi hai vị tử đạo Công Giáo đã được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh ngày 18 tháng Mười 1964.

Lời Bàn

Cũng như Thánh Charles Lwanga, tất cả chúng ta là người rao giảng và chứng nhân cho đời sống Kitô Giáo. Chúng ta được mời gọi loan truyền lời Chúa, qua lời nói và hành động. Khi can đảm sống đức tin trong thời đại nhiều thử thách về luân lý, chúng ta đã sống như Ðức Kitô.

Lời Trích

Trong chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với người Uganda, "trở nên một Kitô Hữu là điều tốt lành, nhưng không luôn luôn dễ dàng."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét