Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Người Công Giáo và hội Tam Điểm (Freemason)

Người Công Giáo và hội Tam Điểm (Freemason)

Một trường hợp treo chén.
ĐGM.Yves Boivineau

Mới đây bên Pháp ngày 11 tháng 6 năm 2013 Đức Giám Mục Yves Boivineau của giáo phận Annecy đã cấm một linh mục địa phương không được thi hành sứ vụ công khai sau khi vị linh mục này tiết lộ đã gia nhập hội Tam Điểm (Freemason, Hội thợ hồ tự do)

(Bên VN chúng ta gọi Freemason là Tam Điểm bởi vì các hội viên thường viết 3 chấm theo hình tam giác vào đằng sau những danh xưng F và M, có nghiã là Sư huynh/Sư đệ (Frère), Đại Sư phụ (Maître) )

Linh mục Pascal Vesin, 43 tuổi, đã bị treo chén vì hoạt động cho 'hội quán' (Masonic lodge) Grand Orient. Ngài nhập hội năm 2001, 5 năm sau khi chịu chức linh mục.

Theo những nghiên cứu cuả linh mục William Saunders thì từ năm 1877, hội quán "Grand Orient" đã loại bỏ sự cần thiết phải tin vào Thiên Chúa hoặc sự bất tử của linh hồn, do đó có thể nhận người vô thần vào hội của họ, những hội Tam Điểm vô thần như thế đang đặc biệt lan tràn ở các nước Châu Mỹ Latin.

Đức Giám Mục Boivineau đã treo chén vị linh mục này theo lời yêu cầu từ Rome.

Giáo phận mô tả việc treo chén không phải là một hình phạt vĩnh viễn, đó chỉ là một "liều thuốc đắng" nhằm khuyến khích sự trở lại của vị linh mục.

Vị linh mục tuyên bố rằng ông không coi hội Tam Điểm là chống đối với Giáo Hội Công Giáo. Ông cho biết hành động của mình là "biểu hiện sự tự do tuyệt đối về lương tâm Công Giáo."
Lm.Pascal Versin


Rõ ràng vị linh mục này đã thơ ngây về hai chữ 'tự do' và 'lương tâm' và có một cái nhìn phiến diện hoặc lầm lẫn về bản chất cuả Tam Điểm. 

Rập khuôn theo các hiệp hội nghề nghiệp bí truyền thời Trung Cổ, các 'tay thợ hồ tập sự' sẽ được truyền thụ thêm các 'bí mật trong nghề' khi được thăng chức (có thể có tới 30 cấp). Ngày nay nhửng hội Tam Điểm, qua nhiều biến thiên và thay đổi về thành phần hội viên, có những 'bí mật' không còn tính cách nghề nghiệp nữa mà chỉ là những tôn chỉ hành động, mỗi nơi có những 'bí mật' riêng.
Vậy thì vị linh mục có 'tự do tuyệt đối' không khi ông ta thề mà không biết hết về những bí mật tương lai cuả hội, và ông ta có thực sự tỉnh táo không khi lấy mạng sống cuả mình ra để bảo đảm cho một lời thề độc?

Giáo Hội Công Giáo chống lại Tam Điểm vì tính chất bí mật, bài tôn giáo và lịch sử của những mưu mô chống đối Giáo Hội.

Những hội viên Tam Điểm từ lâu bị lên án vì nhiều lý do. Lý do chính được lặp đi lặp lại trong tài liệu năm 1983 cuả Bộ Giáo Lý Đức Tin, đó là vì những nguyên tắc cuả Tam Điểm "đã không bao giờ hòa hợp được với giáo lý của Giáo Hội."

"Các tín hữu tham gia hội Tam Điểm thì ở trong tình trạng 'phạm tội trọng' và không thể rước lễ," theo tài liệu ký năm 1983 bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, sau này là Giáo Hoàng Benedict XVI.

Trong lá thư gửi cho các giám mục Mỹ năm 1985, nguyên Tổng Giám Mục Boston Hồng Y Bernard Law, lúc đó là chủ tịch uỷ ban Nghiên Cứu Mục Vụ và đã kết thúc một chương trình nghiên cứu về Tam Điểm ở Mỹ, đưa ra kết luận, vì hội Tam Điểm chủ trương một hình thức tôn giáo "tự nhiên" cho nên "không phù hợp với đức tin và thực hành Kitô giáo."

Để đào xâu hơn, xin được giới thiệu hai bài tham khảo, một bài có nhiều dữ liệu lịch sử và bài kia bàn về khiá cạnh giáo luật và thần học. Bài 'Catholics and the Freemason Religion' cuả linh mục William Saunders, viện trưởng viện Notre Dame Institude ở Alexandria viết ngày 9 tháng 5 năm 1996 nói về lịch sử và bài 'Catholicism vs Freemasonry irreconcilable forever' cuả linh mục Robert I. Bradley, dòng Tên, tác giả nhiều sách lịch sử và thần học, viết ngày 25 tháng 10 năm 2005 trình bày nhiều khiá cạnh thần học và giáo luật:

Người Công Giáo và "tôn giáo" Tam Điểm
Linh mục William Saunders

Đi tìm nguồn gốc của Tam Điểm, hoặc những gì chính thức được gọi là Tam Điểm, thì quả là một việc làm khó khăn. 

Một trong những hậu quả của phong trào Tin Lành là những việc xây dựng nhà thờ đã suy giảm, do đó số hội viên xây cất cũng xuy giảm, các bang hội phải thu nhận thêm những người từ bên ngoài (ngoại ngạch) để tồn tại. Cuối cùng, số hội viên ngoại ngạch vượt quá số thợ chuyên môn, và các bang hội dần dà trở thành những nơi tụ tập cho các cuộc thảo luận về đạo đức và luân lý trong khi vẫn lưu giữ các ký hiệu bí mật cuả nghề nghiệp lúc ban đầu. Bốn bang hội đã sáp nhập vào nhau vào năm 1717 tại London, Anh quốc, để thành lập một 'hội quán Tam Điểm' goị là Grand Lodge of Freemasons (Đại Hội Quán cuả những thợ hồ tự do). (Một "thợ hồ tự do" (Tam điểm) là một người có tay nghề cao, được hưởng những đặc quyền trong bang hội.) Các hội viên Tam Điểm từ đó lan tràn ra khắp thế giới.

Theo những "cẩm nang" cổ của Tam Điểm, thì họ tự mô tả tổ chức bằng những câu như:

"một hệ thống đạo đức đặc biệt ẩn hiện dưới một chiếc khăn voan là những lời nói bóng bẩy và được minh họa ra bằng những biểu tượng", 

"một khoa học đang tham gia vào việc tìm kiếm sự thật thần thánh," và 

"là hoạt động cuả những người đàn ông đoàn kết chặt chẽ với nhau, sử dụng các biểu tượng vay mượn chủ yếu từ bang hội của nghề thợ hồ và cuả những người khác nữa và từ đó sẽ tạo nên một liên minh phổ quát cho nhân loại mà ngay từ bây giờ họ mong muốn thực hiện việc đó trên một quy mô nhỏ (là nhóm cuả họ.) "

James Anderson (mất năm 1739), là một đại sư phụ cuả Tam Điểm và cũng là một mục sư người Scotland, đã viết cuốn 
(Sách Hiến Pháp) trong đó ông giả tạo ra một lịch sử Tam Điểm nay được gọi là "lịch sử truyền thống". Người Tam Điểm (Thợ Hồ) cho rằng Thiên Chúa là một "kiến ​​trúc sư vĩ đại" đã thành lập ra hội (thợ hồ) Tam Điểm, và những người như Adong và các Tổ Phụ là những khách hàng. Chúa Giêsu được liệt kê là "Grand Master" (Đại Sư Phụ) của Kitô giáo. Họ nhận rằng chính họ là những người đã dựng nên chiếc tàu cuả ông Noah, xây tháp Babel, xây các kim tự tháp và đền thờ cuả vua Solomon. 

Từ đó Tam Điểm đã vay mượn rất tự do từ những lịch sử và truyền thống của các 'giáo phái' như Druids, Mithars, Thầy buà Ai Cập, Rosicrucians và nhiều nơi khác để thêu dệt nên một lịch sử 'hổ lốn' của họ.

Giáo Hội Công Giáo có nhiều khó khăn với Tam Điểm bởi vì nó thực sự là một loại tôn giáo riêng biệt. Họ có đền thờ, bàn thờ, luật đạo, nghi lễ thờ phượng, áo lễ, ngày lễ, một hệ thống phẩm trật, có nghi lễ nhập môn và mai táng, và hứa hẹn phần thưởng đời đời và sự trừng phạt. Trong khi ở Mỹ hầu hết các hội viên Tam Điểm là Kitô hữu cho nên một quyển Kinh Thánh thường được trưng bày trên "bàn thờ" của họ, nhưng ở những nơi khác, người Do Thái, người Hồi giáo, Ấn giáo hoặc tôn giáo ngoài Kitô giáo khác có thể được thu nhận và có thể sử dụng sách thánh riêng của mình. (Ở Pháp, vào năm 1877, hội quán "Grand Orient" loại bỏ sự cần thiết phải tin vào Thiên Chúa hoặc sự bất tử của linh hồn, do đó thừa nhận người vô thần vào hội của họ, những hội Tam Điểm vô thần này đang đặc biệt lan tràn ở các nước Châu Mỹ Latin.)

Hơn nữa, các nghi lễ cuả họ làm sai lạc những ý nghiã của Kitô giáo. Thập giá được họ xử dụng làm một biểu tượng của thiên nhiên và sự sống đời đời, chứ không phải là sự cứu chuộc của Chúa Kitô cho tội lỗi. Chữ INRI (Đối với Kitô hữu là "Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum", tức là Chúa Giêsu thành Nazareth Vua dân Do Thái) thì với Tam Điểm có nghĩa là "Igne Natura Renovatur Integra" ("ngọn lửa của thiên nhiên làm hồi xuân tất cả) tức là (sự thật và tình yêu) sẽ tái sinh ngọn lửa thiêng của nhân loại, cũng giống như mặt trời tái tạo thiên nhiên trong mùa xuân.

Các nghi lễ cũng có hại cho Công Giáo. Trong nghi thức gia nhập, ứng viên thể hiện sự mong muốn tìm kiếm "ánh sáng", và anh ta được đảm bảo sẽ nhận được ánh sáng của việc hướng dẫn thiêng liêng mà anh ta sẽ không thể nhận được trong những Giáo Hội khác, và rằng anh ta sẽ đạt được sự an nghỉ đời đời trong "hội quán thiên quốc" nếu anh ta sống và chết theo nguyên tắc của Tam Điểm. Cũng cần lưu ý rằng kể từ khi Tam Điểm thu nhận những người ngoài Kitô giáo, thì việc sử dụng tên của Chúa Giêsu đã bị cấm.

Một tinh thần chống Công Giáo cũng âm ỉ trong các hội Tam Điểm. Hai kẻ thù truyền thống của Tam Điểm là hoàng gia và các giáo hoàng. Người Tam Điểm tin rằng Chúa Kitô, chết trên đồi Canvê, là "vị tông đồ lớn nhất của nhân loại, đã đương đầu chống lại chế độ chuyên quyền La Mã và sự cuồng tín và cố chấp của các linh mục." Khi một hội viên Tam Điểm đạt tới cấp 30 trong hệ thống phẩn trật, được gọi là Kadosh, người đó phải nghiền nát dưới chân vương miện của giáo hoàng và vương miện cuả vua, và thề tranh đấu cho nhân loại được tự do thoát khỏi "ách nô lệ của chế độ chuyên quyền và chuyên chế tinh thần."

Một khó khăn thứ hai cho người Công Giáo liên quan đến việc cử hành lời thề. Một lời thề là một hành động tôn giáo để cầu xin Chúa chứng kiến ​​sự thật hoặc sự thực hiện một lời hứa. Chỉ có Giáo Hội và nhà nước, vì những lý do nghiêm trọng, có thể yêu cầu một lời thề. 

Một ứng viên tuyên thệ vào Tam Điểm và nhận những bí mật của nó bằng cách lấy cái chết tàn khốc hoặc sự tự hủy họa thân xác làm tin. Anh ta bị bịt mắt quỳ trước bàn thờ, đặt hai tay trên một cuốn sách luật thiêng liêng (có lẽ là Kinh Thánh), trên một thước thợ và một 'com pa', và lặp lại các lời thề theo sau một "sư phụ." Hãy nhớ rằng anh ta chưa có biết tất cả các "bí mật" trong lúc thực hiện lời thề như thế.

Lịch sử của Tam Điểm chứng minh tính chất chống Công Giáo cuả họ. Tại Hoa Kỳ, một trong những nhà lãnh đạo của Tam Điểm, đai sư phụ Albert Pike (mất năm 1891) gọi giáo hoàng là "một kẻ thù chí tử và nguy hiểm," và viết: "Các giáo hoàng trong hàng ngàn năm đã là những tên tra tấn đáng nguyền ruả của nhân loại, là những tên giả mạo xấu hổ nhất, khi chúng giả bộ là sức mạnh tinh thần của mọi thời đại. " Ở Pháp, vào năm 1877, và ở Bồ Đào Nha vào năm 1910, Tam Điểm đã nắm quyền kiểm soát chính phủ trong một thời gian và nhiều luật đã được ban hành để hạn chế các hoạt động của Giáo Hội, đặc biệt là trong việc giáo dục. Ở Châu Mỹ La-tinh, Tam Điểm cũng đang truyền bá những thái độ chống Giáo Hội và hàng giáo sĩ.

Kể từ khi có Sắc Lệnh "In Eminenti" của Giáo hoàng Clement XII năm 1738, người Công Giáo đã bị cấm tham gia Tam Điểm, và cho đến năm 1983, phải chịu hình phạt vạ tuyệt thông. (Các Giáo Hội Tin Lành, Chính thống, Hồi giáo và nhiều đạo khác cũng cấm Tam Điểm.) 

Một sự lẫn lộn đã xảy ra vào năm 1974, khi một bức thư của Đức Hồng Y Franjo Seper, lúc đó là tổng trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã được giải thích sai lầm là người Công Giáo có thể tham gia hội Tam Điểm nếu 'hội quán' đó không chống Công Giáo, nhưng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tuyên bố giải thích này là sai lầm trong năm 1981.

Vào ngày 26 Tháng 11 năm 1983, với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Hội Thánh nhắc lại lệnh cấm người Công Giáo tham gia hội Tam Điểm: "Cái nhìn tiêu cực của Giáo Hội về hội Tam Điểm. .. vẫn không thay đổi, vì vì những nguyên tắc cuả Tam Điểm đã không bao giờ hòa hợp được với giáo lý của Giáo Hội. Do đó, các tín hữu tham gia hội Tam Điểm thì ở trong tình trạng 'phạm tội trọng' và không thể rước lễ". Tuy nhiên, lời nhắn nhủ này và cả luật Hội Thánh năm 1983 cũng không áp đặt hình phạt vạ tuyệt thông.

Công Giáo và Tam Điểm muôn đời không hoà hợp

Linh mục Robert I. Bradley, dòng Tên.

(Có nhiều người vẫn chưa hiểu rõ ) Thái độ chính thức của Giáo Hội Công Giáo ngày nay đối với Tam Điểm là gì? (một câu hỏi hàm chứa ý tưởng rằng Giáo Hội thực ra không có một chủ trương rõ rệt về Tam Điểm.) Để làm sáng tỏ sự bối rối trên thiết tưởng chúng ta nên duyệt xét lại lịch sử những gì đã được đề cập trong các bộ luật cuả Giáo Hội trước khi đặt bất kỳ một nghi vấn nào khác. 

Luật Giáo Hội cũ (được ban hành vào ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày 27 tháng 5 năm 1917, hai tuần sau khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima) có một điều luật (canon) rõ ràng bao gồm tất cả các lời kết án Tam Điểm bởi các vị giáo hoàng trước đó. Như sau (Canon 2335):

Những người gia nhập các hiệp hội của giáo phái Tam Điểm (Masonic sect) hoặc bất kỳ những hiệp hội nào khác giống như thế đang âm mưu chống lại Giáo Hội và chính quyền dân sự hợp pháp thì bị vạ tuyệt thông tiền kết chỉ có Tòa Thánh mới có quyền hoá giải.

Tuy nhiên, trong tinh thần của Công Đồng Vatican II, khi việc sửa đổi Giáo Luật đang được tiến hành, tinh thần thịnh thời lúc đó là "đối thoại đại kết" làm cho nhiều vị giám mục đặt câu hỏi là liệu Canon 2335 còn có hiệu lực không. Trả lời những câu hỏi như thế, một bức thư của Đức Hồng Y Francis Seper, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, gửi tới tất cả các vị Chủ tịch của các hội đồng giám mục, ngày 18 Tháng Bảy năm 1974, nói rằng: (1) Tòa Thánh đã nhiều lần và đang tìm kiếm thêm thông tin về các hoạt động hiện đại cuả Tam Điểm nhằm chống lại Giáo Hội từ các giám mục, (2) trong khi chờ đợi sự sửa đổi của Bộ luật mới, sẽ không có luật nào mới về vấn đề này, (3) tất cả các giáo luật thuộc về hình sự vẫn cần phải được hiểu đúng và (4) cấm hàng giáo sĩ, tu sĩ và các thành viên của các cơ sở dân sự cuả Giáo Hội gia nhập Tam Điểm.

Cấu trúc cuả bức thư quả là vụng về (trong đó, vì một lý do gì đó, đã không được công bố trên tạp chí chính thức cuả Tòa Thánh) đã được nhiều nơi giải thích là cho phép giáo dân gia nhập hội Tam Điểm tuỳ vào sự đánh giá của các giám mục địa phương, là các hội đó không tích cực âm mưu chống lại Giáo Hội và chính quyền dân sự hợp pháp.

Với tình trạng như thế kéo dài nhiều năm, một số không ít người Công Giáo đã thanh thản trở thành hội viên của Tam Điểm. Sau đó, vào ngày 17 tháng 2 năm 1981, Đức Hồng Y Seper lại ban hành một tuyên bố chính thức khác là: (1) bức thư trước của ngài không thay đổi hiệu lực của Canon 2335 trong bất kỳ trạng huống nào, (2) các hình phạt theo giáo luật quy định vẫn không bị bãi bỏ vì bất kỳ lý do nào và (3 ) ngài nhắc lại rằng những nguyên tắc chung được dành cho các giám mục địa phương để giải quyết các trường hợp cá nhân, chứ không phải là để dành cho bất kỳ hội đồng giám mục một thẩm quyền công khai phán xét bản chất của một hiệp hội Tam Điểm, mà một cách nào đó làm tổn hại đến các quy định trước đây.

Bởi vì lời tuyên bố thứ hai này cũng lúng túng giống như lời tuyên bố đầu tiên, sự nhầm lẫn vẫn không kết thúc. Cuối cùng, vào năm 1983 Bộ luật mới được ban hành với điều luật Canon 1374:

Ai gia nhập một hiệp hội có âm mưu chống lại Giáo Hội thì phải bị trừng phạt với một hình phạt tương xứng, ai khuyến khích hoặc giữ một chức vụ trong một hiệp hội như vậy thì phải bị trừng phạt bằng một hình phạt cấm.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Ratzinger

Sau khi ban hành luật mới, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng mới của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cũng ban hành một tuyên bố mới: (1) Canon 1374 có nội dung giống như Canon 2335 cũ, mặc dù "giáo phái Tam Điểm" không còn được nêu tên rõ ràng, nhưng điều đó không làm suy yếu điều luật cũ (2) sự phán xét tiêu cực của Giáo Hội về Tam Điểm vẫn không thay đổi, bởi vì các nguyên tắc Tam Điểm không thể hòa giải với giáo huấn của Giáo Hội ("earum Principia sempre iconciliabilia Habita sunt kiêm Ecclesiae Doctrina") (3) người Công Giáo gia nhập Tam Điểm thì ở trong tình trạng phạm tội trọng và không thể rước lễ và (4) không một thẩm quyền của Giáo Hội địa phương nào có quyền thay đổi những phán xét của Thánh Bộ.

Với những tuyên bố chính thức của Giáo Hội Hoàn Vũ như trên, thì rõ ràng rằng sự nhầm lẫn đáng tiếc của rất nhiều người Công Giáo liên quan đến Tam Điểm phải được xem như là những sai lầm tạm thời, coi như thể là một hệ quả tốn kém nhất do sự thiếu ý thức về Công Đồng Vatican II. Nhưng chúng ta có thể hy vọng rằng, cũng như nhiều vấn đề khác đã xảy ra trong Giáo Hội trong nhiều năm, vẫn có một sự quan phòng, một phước lành tiềm ẩn dưới những bề ngoài xáo trộn. Là bây giờ, rõ ràng hơn bao giờ hết, chúng ta thấy tại sao Giáo Hội Công Giáo đã và sẽ luôn luôn phản đối hội Tam Điểm.

Đầu tiên, có vẻ hợp lý cho rằng lý do chính mà hội Tam Điểm bị Giáo Hội kết án bởi vì đây là một hiệp hội đầy âm mưu. Lời mô tả được xử dụng trong cả hai bộ Giáo Luật là âm mưu chống lại Giáo Hội (và, trong luật cũ, âm mưu chống lại cả nhà nước). Hơn thế nữa, các tài liệu cuả giáo triều mà chúng tôi đã trích dẫn (năm 1974) dường như cũng ngụ ý rằng, một trong những điều kiện tiên quyết để cho phép người Công Giáo tham gia vào một hội quán Tam Điểm là liệu nó có chủ động âm mưu chống lại Giáo Hội và Nhà Nước hay không. Tuy nhiên, măc dù ý kiến này xem ra có vẻ hợp lý, nhưng dường như không đủ. Bằng chứng hiển nhiên (cuả sự kết án) sẽ được tìm thấy ở trong hai tài liệu cuả giáo triều kế tiếp (năm 1981 và 1983), và dứt khoát hơn là từ toàn bộ lịch sử trước đó qua nhiều hồ sơ cuả Rome, cuả giáo triều và cuả các giáo hoàng, về hội Tam Điểm.

Bắt đầu với thông điệp 
cuả ĐGH Clement XII năm 1738 (hai mươi năm sau khi 'Đại Hội Quán' (Grand Lodge) ở Anh quốc được thành lập, sự kiện thường được coi như là sự bắt đầu của phong trào Tam Điểm hiện đại) và trải qua mười triều đại giáo hoàng kế tiếp, Giáo Hội thường xuyên tuyên bố chống lại Tam Điểm, đỉnh điểm là thông điệp (Nói về Nhân loại) vào năm 1884 cuả ĐGH Leo XIII đã lên án sự giối trá cuả hội Tam Điểm về mục tiêu thực sự của nó trong xã hội và hậu quả của những chính sách bí mật cuả nó chống lại các cơ quan của Giáo Hội và cuả Nhà Nước, thậm chí các đẳng cấp cuả chúng cũng dùng để chống đối lẫn nhau. Những sự giối trá đó đã từng được nhiều vị giáo hoàng lưu ý tới. Và nhiều thế kỷ sau và ngay cả ở tại đây (Hoa Kỳ,) người ta cũng đã ghi nhận rất nhiều bằng cớ về những mưu mô gian dối cuả hội này.

Tuy những kiến ​​thức về chiến lược cuả Tam Điểm có giúp phần nào cho sự hiểu biết về bản chất của phong trào, những kiến ​​thức đó chỉ là thứ yếu mà thôi. Vì bản chất cuả nó hoàn toàn phụ thuộc vào những gì là định nghiã đích thực cho phong trào: nội dung của những âm mưu chỉ là "phương pháp" mà thôi, “cứu cánh”xác định và biện minh cho “phương tiện.” Cái nội dung tức là cái cứu cánh chính là những gì chúng ta phải kiểm tra, nếu chúng ta muốn hiểu được những lý do cơ bản và dứt khoát cuả sự kết án của Giáo Hội. 

Lý do cơ bản này có thể tóm gọn qua lời cuả Tông huấn (Nói về Nhân loại) cuả ĐGH Leo XIII.

.. . những gì là mục đích cuối cùng của họ đã tự phanh phui ra ánh sáng, đó là âm mưu lật đổ toàn bộ trật tự tôn giáo và chính trị của thế giới mà việc giảng dạy cuả Kitô giáo đã sản xuất ra, và thay thế bằng một nhà nước mới phù hợp với ý tưởng của họ, đó là căn bản cuả pháp luật phải được rút tiả ra từ ‘chỉ một’ "chủ nghĩa Tự nhiên.". ..

Vậy thì, cơ bản cuả học thuyết Tự nhiên, theo họ, là trên hết, bản năng và lý trí cuả con người phải trở nên như một tình nhân và hướng dẫn viên. Như vậy, họ không đếm xiả gì đến trách nhiệm đối với Thiên Chúa, hoặc sẽ xuyên tạc những trách nhiệm ấy ra những điều mơ hồ lầm lạc. Vì họ từ chối bất cứ điều gì được giảng dạy từ Thiên Chúa, họ không chấp nhận các giáo điều tôn giáo hay sự thật nào mà họ không có thể hiểu được bằng trí khôn của con người, họ cũng không tuân phục một bậc thầy nào vì lý do thẩm quyền. Và vì Giáo Hội Công Giáo có nhiệm vụ đặc biệt và độc quyền qui định đâu là sự thật được Thiên Chúa mạc khải, để giảng dạy, ban phát ơn thánh cho phần rỗi, thực thi thẩm quyền, và bảo vệ sự thật với độ tinh khiết hoàn hảo, cho nên Giáo Hội trở thành mục tiêu mà các kẻ thù hợp lực tấn công với tất cả cuồng độ.

Thiên Chúa giáo và Tam Điểm do đó đối nghịch với nhau về cơ bản. Nếu một bên chấm dứt sự đối nghịch, bên đó trên thực tế trở thành một cái gì đó khác với những gì trước đây, với hiệu lực là bên đó sẽ không còn tồn tại như là nó nữa. Vì đạo Công Giáo cơ bản là một tôn giáo do mặc khải, cơ bản là ở trên cả hai phương diện số phận và nguồn lực. Vượt ra ngoài tất cả hiện thực cuả tự nhiên, Giáo Hội có xu hướng hướng tới một cõi đời đời của sự kết hợp không thể tả được với chính Thiên Chúa, và vượt lên trên tất cả tài nguyên thiên nhiên, Giáo Hội bắt đầu sự kết hợp với Thiên Chuá ở đây và bây giờ trong đời sống bí tích của Giáo Hội.

Tam Điểm, mặt khác, về cơ bản là một tôn giáo của "lý trí." Cũng như Công Giáo, sứ mệnh cao nhất cuả Tam Điểm là hứa hẹn một sự hoàn thiện trong trật tự tự nhiên. Và nó nhắm tới sự hoàn hảo này bằng những nguồn lực là sự tích lũy của các giá trị thuần túy nhân loại, dưới một biểu tượng là “lý trí”.

Tam Điểm dùng một chiếc “com pa” và một cây thước vuông làm biểu tượng cho chủ nghiã duy lý, được coi là đồng nghiã với tất cả những gì là "tự nhiên". Họ pha trộn tất cả các kinh nghiệm cuả con người từ những bí ẩn thuộc loại phù chú của Phương Đông xưa đến các kỹ thuật công nghệ của Tây Phương hậu hiện đại, để tạo ra một sự hổ lốn làm cơ sở cho lời tuyên xưng rằng Tam Điểm không chỉ là một tôn giáo, nhưng chính là ‘tôn giáo duy nhất’ (‘the’ religion): một Tôn Giáo "tự nhiên" của loài người. Đó là lý do tại sao họ đòi đánh dấu lịch sử cuả họ kể từ lúc khai nguyên cuả lịch sử, và dùng số niên lịch bằng "năm ánh sáng" (kể từ ngày đầu tiên của Sáng tạo) hay còn gọi là "năm của thế giới". Và đó là lý do tại sao họ đã chống đối Giáo Hội Công Giáo trước khi Giáo Hội Công Giáo chống đối họ. Bởi vì họ không thể chấp nhận việc Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng mình là Giáo Hội thật, và việc Giáo Hội hạ thấp địa vị cuả họ thành một "giáo phái" mà thôi.

Bởi vì Giáo Hội Công Giáo dựa vào một Thiên Chuá Thật để tuyên xưng mình là Đạo Thật, phe Tam Điểm đối lập cũng phải tìm ra một nhận thức tương tự về Thiên Chuá để đối chọi lại. Và họ quả đã làm như vậy. Mặc dù Đức Giáo Hoàng Leo không minh thị ra những nghịch lý giữa Công Giáo và Tam Điểm qua điều răn thứ nhất của Thiên Chúa: "Ta là Đấng Thượng Đế, ngươi sẽ không thờ thần nào khác"- nhưng chắc chắn cách triệt để nhất và đơn giản nhất để phân định sự đối lập này là dùng giới răn này. "Thiên Chúa" cuả Tam Điểm chỉ là một hay là vị thần đã lừa phỉnh con người ngay từ thời khởi nguyên: là vị Thần Dữ trong bộ mặt nạ. Đây là lý do chính tại sao Giáo Hội Công Giáo đã lên án, và sẽ luôn luôn lên án, Tam Điểm. Rõ ràng chỉ một lý do này đã là đủ, và hầu ĐGH như Leo XIII cũng ngụ ý rằng, đó là lý do duy nhất trong thực tế.

Sự lạm dụng ác độc trong lời thề

Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa thêm một lý do thứ hai. Cũng không xa rời lý do thứ nhất bao nhiêu, vì cũng đặt căn bản trên Giới răn thứ nhất, nhưng chúng ta có thể phân biệt lý do thứ hai này dựa vào căn bản cuả Giới răn thứ hai. Trước khi tông huấn được ban hành, thì đã có một tác phẩm ngắn gọn nhưng sâu sắc về Tam Điểm do giám mục cuả Orleans là Felix Dupanloup viết, DC Dupanloup đã ghi nhận tỉ mỉ các sự kiện, và sự trầm trọng cuả các âm mưu của Tam Điểm. Nhưng những gì ngài đã nhấn mạnh, ngoài những điểm chính sẽ được đức Leo XIII nói tới, tức là những vi phạm về Giới răn thứ nhất, là hành vi vi phạm về giới răn thứ hai do việc sử dụng một cách sai trái và ác độc nghiêm trọng của lời tuyên thệ. Những lời tuyên thệ trong toàn bộ nghi lễ của hội Tam Điểm không chỉ là những lời hứa dựa trên danh dự cá nhân mà thôi. Nhưng chính thức là những lời kêu lên một đấng tối cao, và cam kết hoàn toàn ủy thác sự sống cuả mình cũng như hứng chiụ những hình thức xử phạt thảm khốc nhất. Giáo Hội Công Giáo nhìn thấy lời tuyên thệ đó là một tội ác nghiêm trọng. Dù cho người tuyên thệ có tin những điều họ nói ra hay không. Nếu họ tin, thì Thiên Chúa đang được họ gọi đến để chứng giám sự đảo ngược lòng trung thành đã được Thiên Chuá chúc lành cuả họ với Giáo Hội và nhà nước. Nếu lời tuyên thệ đơn thuần chỉ là hư cấu, thì Thiên Chúa đang được gọi đến để làm chứng cho một trò đùa.

Không phải là những bí mật diễn ra "đằng sau cánh cửa hội quán" là những lý do lớn cuả sự lên án của Giáo Hội. Mà đúng hơn là sự vi phạm giới răn thứ hai. Thực ra những bí mật của Tam Điểm mà người ta từng bàn tán, khó còn là những bí mật nữa. Trong thực tế, những người Tam Điểm thường xuyên tuyên bố là không có bí mật gì trong hội Tam Điểm cả - tất cả là một cánh cửa mở rộng cho những tâm trí thực sự cởi mở. Về điểm này, chúng ta có thể tin vào lời của họ: họ đang nói thực hơn cả những gì họ được biết!

Lập trường kết án Tam Điểm cuả Giáo Hội Công Giáo là rõ ràng và minh bạch. Do bản chất triết học của nó và kinh nghiệm lịch sử của nó, Tam Điểm vi phạm giới răn thứ nhất và thứ hai của Thiên Chúa. Nó không tôn thờ Một Thiên Chúa Thật trong mạc khải, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng là tôn thờ một thần giả, tượng trưng cho sự siêu việt nhưng thực sự lại có thật: "thần" đó gọi là “Lý Trí”. Và khi họ kêu cầu đến Tên của Thiên Chúa Thật thì lại với một lý do bất xứng. Với một trường hợp hệ trọng như thế, thì những lý do như “bí mật” khi gia nhập và những “bí mật” cuả guồng máy “âm mưu” đã không còn gay cấn nữa, chỉ như là những điểm bàn cãi ngoài lề, phụ thuộc mà thôi.

Để kết luận: Người Công Giáo bây giờ có cái nhìn rõ ràng hơn về những gì thực sự là Tam Điểm. Họ là những người thừa kế (vô tình hoặc không thích hợp) của một tôn giáo mà chủ ý là thay thế tôn giáo cuả “một Thiên Chúa", và do đó là kẻ thù, trong bản chất cũng như trong mục đích, cuả Thiên Chúa giáo. Hội Tam Điểm trong tình trạng hiện đại thì nói cho cùng chỉ là một loại "Công Giáo giả" với một "Thiên Chúa giả": người từng muốn trở thành Thiên Chúa, là hoàng tử của thế gian, cha đẻ của những sự gian trá.


Trần Mạnh Trác 6/13/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét