Trang

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

17-06-2013 : THỨ HAI TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Hai Ngày 17/06/2013
Tuần XI Thường Niên – Năm C


BÀI ĐỌC I:  2 Cr 6, 1-10
"Chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, với tư cách là những người cộng sự với Chúa Giêsu, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô ích. Quả thật Chúa phán: "Dịp thuận tiện đến, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày cứu thoát, Ta đã cứu vớt ngươi". Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát. Chúng tôi không hề làm cớ cho ai phải vấp phạm, để công việc phục vụ của chúng tôi khỏi bị đàm tiếu. Nhưng trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là những người phục vụ Thiên Chúa, với hết lòng kiên nhẫn: trong gian truân thiếu thốn, nguy khốn, đòn vọt, tù đày, biến loạn, khó nhọc, nhịn ăn, nhịn ngủ với lòng thanh khiết, am hiểu, đại lượng, dịu dàng, bằng sức mạnh Thánh Thần, bằng lòng yêu thương không giả dối, bằng lời chân thật, và bằng quyền năng Thiên Chúa; nhờ khí giới công chính bên tả bên hữu; trải qua vinh quang cũng như tủi nhục, tiếng xấu cũng như tiếng tốt, bị coi là phường bịp bợm, mặc dầu là chân thành; bị coi là vô danh, nhưng hằng được biết đến; bị coi là đang giẫy chết, nhưng này chúng tôi vẫn sống; bị coi như bị gia hình, mà nào đã chết đâu; bị coi như phải ưu sầu, nhưng chúng tôi vẫn luôn an vui; bị coi là kẻ nghèo túng, nhưng chúng tôi lại làm cho nhiều người được giàu có; bị coi như không có gì, nhưng chúng tôi làm chủ tất cả. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 5, 38-42
"Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Ðừng báo thù
"Mắt đền mắt, răng đền răng", đó là công thức của luật báo thù. Người ta xúc phạm đến tôi bao nhiêu, tôi phải làm lại cho người đó bấy nhiêu. Kẻ lý luận như thế là dựa trên sự công bằng, nhưng đây là sự công bằng theo mức độ của loài người. Luật trả thù này đã được ghi chép thành văn trong bộ luật của vua xứ Babylon năm 1750 TCN. Trong Bộ Ngũ Kinh, người ta cũng có thể đọc thấy vài công thức của luật trả thù này, và đó là sự bất toàn của Luật Môsê thời Cựu Ước.
Nhưng luật trả thù này không những có trong những bộ luật lâu đời, mà còn nằm trong tâm hồn con người mọi thời. Chúa Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ Ngài xưa cũng như nay, là cần phải sẵn sàng dập tắt ngay nơi bản thân mầm mống của bạo động: "Ðừng chống cự người ác". Ngài nhấn mạnh đến tinh thần mà người môn đệ phải có, đó là tinh thần tha thứ, vượt qua điều anh em xúc phạm đến mình. Ðây là hình thức cao cả của tình yêu Kitô: yêu thương một cách nhưng không, không đòi lại điều gì, cũng không chờ đợi điều gì. Như vậy câu nói của Chúa Giêsu: "Ai muốn lấy áo trong của con, thì hãy cho nó cả áo ngoài" không phải là thái độ thụ động, mà là thái độ tích cực sống yêu thương tha thứ như Chúa đã nêu gương từ trên Thập giá khi Ngài cầu nguyện: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm". Chúa Giêsu đã yêu thương và tha thứ đến cùng, và Ngài dạy chúng ta sống theo gương Ngài, nếu chúng ta muốn trở nên môn đệ đích thực của Ngài.
Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời kinh hòa bình của thánh Phanxicô Assisiô: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn u sầu.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 11 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô

Làm môn đệ ai là mong muốn được trở nên giống người đó. Làm môn đệ của Đức Kitô là chúng ta phải cố gắng học hỏi cuộc đời của Ngài, và diễn tả cách sống động bằng chính cuộc đời của chúng ta, để những người khác cũng muốn trở thành môn đệ của Ngài. Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những lời dạy dỗ và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu đừng để các ân huệ Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu, họ phải biết cách dùng nó cho việc phục vụ Tin Mừng như ông đã từng làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài không chỉ giữ Luật công bằng như người xưa; nhưng còn phải sống luật yêu thương, để chứng tỏ cho người ta biết các ông là môn đệ Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chịu đựng đau khổ cho Nước Chúa trị đến.

1.1/ Đừng để ân huệ của Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu:

(1) Các tín hữu phải biết sinh lời cho Chúa: Ân huệ Chúa ban cho con người không phải giữ lại để hưởng thụ, nhưng để cho việc phục vụ và loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô nhận thức rõ được điều này, nên ông khuyên các tín hữu: ''Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.''

(2) Noi gương Phaolô: Nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình, Phaolô tâm sự với các tín hữu, mục đích không phải để đánh bóng cá nhân, nhưng để các tín hữu bắt chước ông như ông đã bắt chước Đức Kitô: "Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa.'' Trong khi phục vụ Tin Mừng, Phaolô đã phải chịu khó khăn đến từ mọi phía, Phaolô liệt kê những áp lực này như sau:

+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên trong: căng thẳng, sợ hãi, lo âu.

+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên ngoài: đòn vọt, tù đày, chống đối.

+ Phải hy sinh chịu đựng khi rao giảng: lao nhọc, mất ngủ, mất ăn.

Khi phải đương đầu với những áp lực khó khăn này, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng (u`pomonh/|). Chúa Giêsu cũng đã báo trước cho các môn đệ biết những khó khăn mà các ông phải đương đầu với; nhưng Ngài hứa với các ông: Đừng sợ! vì Thầy ở cùng anh em.

1.2/ Người rao giảng phải được trang bị đầy đủ để sẵn sàng đối phó với nghịch cảnh: Thánh Phaolô chắc đã quá quen với binh giáp của người chiến sĩ Rôma, nên khi mô tả hình ảnh nhà rao giảng, ông dựa trên những binh giáp này. Hai khí cụ chính người chiến sĩ cần có là khiên thuẫn để bảo vệ thân mình và gươm giáo để tấn công địch thù. Tương tự, nhà rao giảng cũng cần có 4 đức tính để bảo vệ mình và 4 vũ khí để giao chiến.

(1) Những đức tính và vũ khí người môn đệ phải có:

- 4 đức tính phải sở hữu để tự vệ như thuẫn đỡ khiên che: trong sạch để không bị lôi cuốn vào lối sống của thế gian, khôn khéo để biết cách đương đầu với con người và thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau, nhẫn nhục để chịu đựng mọi gian khổ và xỉ nhục, và có lòng nhân hậu để thông cảm và tha thứ.

- 4 vũ khí cần thiết để tấn công như gươm giáo:

+ một tinh thần thánh thiện để thánh hóa đời, chứ không để đời lôi cuốn.

+ một tình thương không giả dối: để yêu thương và cho đi cách vô vị lợi.

+ lời chân lý: thông hiểu và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.

+ sức mạnh của Thiên Chúa: người môn đệ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào sức mình. Nói như thánh Phaolô: "Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu.''

(2) Những thái độ tự tin người môn đệ phải có: Bên cạnh các vũ khí được trang bị, người chiến sĩ cần có một thái độ tự tin khi giao chiến. Nếu không có thái độ tự tin, người chiến sĩ sẽ dễ đầu hàng trước nghịch cảnh. Một cách tương tự, nhà rao giảng cũng phải có thái độ vững tin nơi Thiên Chúa và nơi mình. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thánh Phaolô liệt kê một số những thái độ tự tin nhà rao giảng cần có:

- bị coi là giả hiệu (impostor), nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành;

- bị coi là vô danh, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến;

- bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống;

- bị coi như trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;

- bị coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ;

- bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có;

- bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.

2/ Phúc Âm: Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

2.1/ Đòi hỏi tối thiểu của Luật công bằng: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng." Đây là Luật Talionis xưa nhất trên thế giới, được tìm thấy trong Bộ Luật Hammurabi, khỏang 2250 BC. Luật này cũng được tìm thấy trong Cựu Ước ít là 3 lần (Exo 21:23-25, Lev 24:19-20, Deut 19:21). Mấy điều quan trọng về Luật này cần lưu ý: (1) Nó ngăn cấm việc gia tăng báo thù; (2) Nó được thi hành bởi quan án và ngăn cấm việc báo thù cá nhân; (3) Nó không được thi hành theo nghĩa đen, nhưng được tính bằng tiền bồi thường; và (4) nó không phải là tất cả Luật của Cựu Ước, vì vẫn còn những luật yêu thương và tha thứ (Lev 19:18, Pro 25:21, Lam 3:30).

2.2/ Sự hoàn thiện của Luật Yêu Thương: "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa; nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài; nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi." Chúa Giêsu không bảo chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta 3 nguyên tắc chính yếu của luân lý Kitô Giáo: (1) Người môn đệ không bao giờ được khinh bỉ hay tìm cách báo thù người đã gây thiệt hại cho họ; (2) Người môn đệ không bao giờ được đòi hỏi quyền mình phải được hưởng; (3) Người môn đệ không bao giờ được vịn vào quyền và tự do để làm những gì mình thích, nhưng phải luôn nghĩ tới bổn phận phải làm để giúp tha nhân và xây dựng Nước Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô; vì thế, chúng ta phải cố gắng học hỏi và minh họa đời sống của Đức Kitô trong chính bản thân mình cho người khác nhận ra và tin vào Ngài.

- Chúng ta không thể bằng lòng với việc giữ cẩn thận Thập Giới, vì đó chỉ là nhưng điều kiện tối thiểu; nhưng phải đáp ứng đòi hỏi của giới luật yêu thương để chinh phục con người về cho Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 11 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Hai :

Mt 5,38-42

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu tiếp tục bàn đến luật trả đũa.
- Khuynh hướng tự nhiên là muốn trả đũa, và trả đũa thì thường nặng hơn mức người ta gây cho mình : "Hòn đất ném đi hòn chì ném lại".
- Cựu Ước hạn chế sự trả đũa đúng với mức thiệt hại người ta gây cho mình : "Mắt đền mắt, răng đền răng"
- Phần Chúa Giêsu, Ngài dạy hoàn toàn không trả đũa.

B.... nẩy mầm.
1. Không trả đũa, đó không phải là thái độ của kẻ yếu, mà ngược lại đó chính là thái độ của kẻ mạnh. Chỉ người nào rất mạnh mới chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong lòng mình. Người đó còn mạnh về tình thương nữa, vì chỉ có một tình thương rất mạnh mới vẫn tiếp tục yêu thương và không trả đũa kẻ đã xúc phạm mình.
2. Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy... nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn : Từ thuở nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm cho gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.
 Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. 5 ngày trôi qua nhưng ông vẫn chưa tìm được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.
 Cicéron diễn giả Lamã đã nói "Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình". Đúng thế, con người tự tạo cho mình kẻ thù rồi tự tiêu diệt chính mình.  (Trích "Món quà giáng sinh")
3. "Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự với người ác ; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa." (Mt 5,38-39)
Trong trận bóng chung kết tuần vừa qua của trường, tôi tham gia thi đấu cho khoa của mình. Trận đấu diễn ra trong sự vui vẻ và đoàn kết.
Đến phút 20 của hiệp I,  tôi ghi được một bàn thắng. và giây phút đó, trận đấu trở nên sôi nổi hơn nhưng cũng không thiếu sự thô bạo.
Tôi sớm trở thành nạn nhân. Một cái đạp từ phía sau, do cố ý, làm tôi gục xuống. Tuy đau nhưng tôi vẫn gượng cười và tiếp tục thi đấu. Hiệp I gần hết, sự "không may" một lần nữa lại đến với tôi bằng cú lên gối-ngực của chính kẻ đã đạp tôi lần trước. Thế là tôi phải ra sân.
Trận đấu kết thúc với tỉ số 1-1. Người ấy đã đến gặp tôi và xin lỗi.
Chúa ơi, nếu con vì đau mà trả thù ngay trên sân thì ắt sẽ không có sự nhận lỗi và xin lỗi này. Và hận thù sẽ tiếp nối hận thù phải không Chúa ? Con cám ơn Chúa đã giúp con thắng được chính mình. Xin cho con luôn nhớ rằng : "Bạo động chỉ gây thêm bạo động. Chỉ có tình yêu mới mang lại tình yêu." (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

17/06/13 THỨ HAI TUẦN 11 TN 
Mt 5,38-42

ĐỪNG LẤY OÁN BÁO OÁN
“Anh em nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.” 
(Mt 5,38-41)
Suy niệm: Chúa Giêsu dùng nhiều hình tượng để minh họa chỉ một giáo huấn, một giáo huấn xem ra chẳng cần dài dòng chú giải. Thế nhưng trong thực tế ta thường tìm cách ‘giải thích’ những lời này sao cho mình có thể tránh ‘đưa cả má trái’, tránh ‘đi thêm một dặm’, tránh ‘trao luôn áo trong’ khi chính mình bị xúc phạm... Giáo huấn này của Chúa thật khó nuốt, bởi vì nó đụng đến một bản năng sâu thẳm của chúng ta: bản năng trả thù! Trên thập giá Chúa Giêsu minh họa cách sống động nhất cho giáo huấn này: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không ý thức việc họ làm.” (Lc 23,34). Mặt khác, sống theo giáo huấn này của Chúa Giêsu không có nghĩa là trở thành một tấm thảm chùi giày cho người ta mặc tình chà đạp. Người Kitô hữu phải biết thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình bằng cách chất vấn sự dữ, sự bất công nơi người ta: “Nếu tôi nói sai, hãy chỉ cho thấy tôi sai chỗ nào, còn nếu tôi nói phải, sao lại đánh tôi?” (Ga 18,22).
Mời Bạn: Ý thức rằng tha thứ - và chỉ có tha thứ - mới có thể tận diệt được sự dữ.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy quyết sống thật hiền hòa, bao dung.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.       (Kinh Hoà Bình)

Ai xin, hãy cho
Lời của Đức Giêsu hôm nay làm chúng ta choáng váng. Lời này không đòi dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù... 

Suy nim:
Đoạn Tin Mừng hôm nay dễ bị đem ra nhạo cười,
vì có vẻ nó dung túng sự ác và biểu lộ một tinh thần yếu hèn bạc nhược.
Người ta hay nghĩ rằng nếu cứ sống theo tinh thần của Chúa Kitô
thì hẳn kẻ ác sẽ tha hồ tác oai tác quái trong thế giới này.
Tuy nhiên, chính vì con người muốn sống theo khuynh hướng tự nhiên,
nên thế giới hôm nay mới không ngớt chiến tranh và đau khổ.
Đánh phủ đầu là đánh trước khi người kia kịp đánh mình.
Trên thế giới mỗi ngày có biết bao vụ sát nhân chỉ vì một chút hờn oán.
“Mắt đền mắt, răng đền răng”
câu này thường được dùng để cho thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước.
Thật ra, Cựu Ước chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù.
Câu này chỉ nhằm giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng.
Trong xã hội mang tính bộ tộc của Ítraen thuở ban đầu,
“mắt đền mắt” đã là một tiến bộ đáng kể.
Đức Giêsu đi xa hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác,
nghĩa là đừng lấy ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục (lex talionis).
“Nếu bị ai vả má bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39).
Bị vả má bên phải nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải.
Không phải là đau hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều.
Đức Giêsu đã từng có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67).
“Đưa má kia” đơn giản chỉ có nghĩa là tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu,
vì báo oán là chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20).
“Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).
“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40).
Ở Đông phương, áo ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm,
nên nếu bị cầm cố, thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13).
Đưa cả áo trong lẫn áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình
là chấp nhận bị trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi.
Trong xã hội Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma,
chuyện bị ép vác đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (x. Mt 27, 32).
“Người bắt anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41).
Môn đệ Đức Giêsu, trước những ép buộc không mấy chính đáng,
chẳng những được mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc.
Câu cuối của bài Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của Kitô hữu
trước những yêu cầu của có thật của tha nhân (c. 42).
Mở lòng ra trước người xin, người muốn vay mượn,
dù kẻ ấy là kẻ thù hay người không có khả năng hoàn trả.
Lời của Đức Giêsu hôm nay làm chúng ta choáng váng.
Lời này không đòi dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù.
Nhưng nếu các Kitô hữu cứ để cho Lời này thấm vào lòng từ từ,
đời sống của họ sẽ được thay đổi một cách kỳ diệu,
và bộ mặt thế giới sẽ đổi khác.
Hiền hậu, bao dung, quảng đại, đó là điều thế giới hôm nay thiếu trầm trọng.
Gandhi, người say mê những câu Lời Chúa hôm nay, đã than phiền:
“Tôi thích Đức Kitô của các anh, nhưng tôi không thích các Kitô hữu.
Vì các Kitô hữu thì chẳng giống Đức Kitô mấy.”
Chỉ mong chúng ta có trái tim hiền hậu giống Đức Kitô hơn.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Tránh mắc vào guồng bạo động
Sau khi đọc đoạn Tin Mừng này, người ta tự hỏi phải tổ chức đời sống xã hội trên thể thức công bằng nào? Phải chăng là bật đèn xanh cho người hung ác và kẻ bất lương mà không bắt họ phải chịu thiệt thòi gì cả?
Thật ra, những lời Chúa Giêsu nói không nhằm đến nền luân lý trong xã hội. Luật báo thù, xét về phương diện xã hội học, đã là một bước tiến quan trọng so với những tập tục xa xưa, khi mà sự trả đũa diễn ra trong hỗn loạn. Nhưng ở đây Chúa Giêsu tuyên bố: luật báo thù phải được bãi bỏ. Luật lệ xã hội không bao giờ đủ để làm cho công bằng và hòa bình chân chính ngự trị. Chúa Giêsu kêu mời đừng trả đũa khi bị lầm lỗi và thiệt hại. Điều này không có nghĩa là xã hội được miễn khỏi việc tái lập công bằng, nhưng người Kitô hữu không được trả thù, nghĩa là gây thiệt hại lại khi bị thiệt hại. Có một khác biệt sâu xa giữa việc đền bù một bất công thuộc thẩm quyền tư pháp và gây thiệt hại lại khi bị thiệt hại.
Đàng khác phải nhớ rằng Chúa Giêsu dùng thứ ngôn ngữ rất thực tế, hợp với dân chúng. Chúa lấy những ví dụ đập mạnh vào sự chú ý của dân chúng nhờ tính cách rắn rỏi và có vẻ nghịch lý. Nếu hiểu theo nghĩa đen thí dụ cái vả má, người ta sẽ tự hỏi tại sao Chúa Giêsu, khi bị tên đầy tớ vả má trước mặt Caipha, lại quả quyết mình vô tội, thay vì giơ má bên kia nữa. Vậy điều hệ trọng là tìm xem điều Chúa Giêsu muốn dạy qua những thí dụ về áo choàng, cái vả má… Lời giải thích được tìm thấy trong câu ngắn ngủi này: Ta bảo các ngươi đừng cự lại người ác. Điều này có nghĩa: chớ cãi vã, đánh đập, trả thù, chớ đi vào tinh thần kiện tụng (là thứ tinh thần quen thuộc trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu). Bình an là hoa quả của công bằng, nhưng không ai có bình an bằng phương tiện bạo động tự xử cho mình.
Một điểm nhỏ cần lưu ý: nếu ai cậy nhờ ngươi… Trong đời sống thường nhật chúng ta đã chẳng bị ‘nhờ vả’ bởi đủ thứ việc sao? Đừng tìm cách tránh né, nghĩa là chúng ta đừng lẩn trốn, nhưng hãy đáp lại với lòng quảng đại và nhân ái.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

17 THÁNG SÁU

Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa

Chúng ta được mời gọi ký thác trọn vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa Quan Phòng. Như lời tác giả thánh vịnh: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Thế nhưng, lúc này lúc khác, chúng ta xem ra không dám ký thác chính mình cho Thiên Chúa là Chúa Tể và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi các vấn đề. Chúng ta quên bẵng Đấng Tạo Thành. Cũng có thể chúng ta đang thực sự đắm chìm trong đau khổ và ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, Cha của chúng ta.

Kỳ thực, sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa vốn rất gần gũi chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ. Có rất nhiều ví dụ trong Thánh Kinh. Chẳng hạn, Gióp không ngần ngại kêu van với Chúa – dù đang ở giữa nỗi khổ đau. Gióp thể hiện niềm tin tưởng lạ lùng vào Thiên Chúa. Niềm tin tưởng này không hề vu vơ. Lời Chúa xác nhận rằng sự quan phòng của Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Ngài, đổ tràn trên Dân của Ngài trong những giờ phút quẫn bách nhất của họ, bởi vì họ là con cái của Ngài. Trong đớn đau chất ngất cả thân xác lẫn tâm hồn, Gióp thốt lên: “Ai sẽ cho tôi biết phải tới đâu để tìm Ngài, và làm sao đến được nơi Ngài ngự? Tôi sẽ tỏ bày vụ việc trước nhan Ngài, miệng tôi chất chứa lời biện bạch” (G 23,3-4). Chúng ta hôm nay cũng thế, hãy đến trước Cha với tất cả những nhu cầu của chúng ta!

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

2Cr 6, 1-10; Mt 5, 38-42




LỜI SUY NIỆM: “Anh em đã nghe Luật day rằng:Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,38-39).

Luật mắt đền mắt, răng đền răng, là một Luật rất tiến bộ trong thời Cựu Ước, đây là một sự trả thù có giới hạn. Nhưng khi Chúa Giêsu.đến thì Ngài đòi buộc con người không được trả thù, không được nuôi hận trong lòng mình, nhưng phải biết tha thứ và chấm dứt mọi sự trả thù lẫn nhau. Bởi tất cả đều là con một Cha trên trời, cùng đồng hưởng một tình yêu thương của Thiên Chúa; cùng nhận mọi sự tha thứ của Thiên Chúa. Để hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người càng tỏ rạng hơn.

Mạnh Phương


17 Tháng Sáu

Ðời Vẫn Có Ý Nghĩa

Một tác giả người Thụy Ðiển đã tưởng tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư sinh sống tại một khu rừng nọ. Ðề tài của cuộc tranh luận là: Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống?...
Kẻ kên tiếng phát biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú khẳng định rằng: "Ðời là một cuộc ca hát không ngừng". Một chú chuột chũi phản pháo tức khắc.
Theo chú: "Ðời là một cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối". Con bướm có đôi cánh sặc sỡ thốt lên: "Ðời là vui chơi và hạnh phúc". Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: "Ðời là một cuộc lao động vất vả". Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động. Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến: "Ðời là tự do". Ðó là ý kiến của động vật.
Các thảo mộc cũng không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán thành ý kiến của con phượng hoàng: "Ðời là tự do". Một cánh hoa dại giữa rừng thì lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất vả. Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh phúc và vui tươi.
Thế giới vô tri cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên: "Ðời chỉ là đắng cay và nước mắt". Một dòng sông hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: "Ðời là một dòng nước chảy không ngừng".
Lời phát biểu cuối cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên những lời như sau: "Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Ðời là hòa bình, đời là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay, nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần".

Tôi bởi đâu mà đến? Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.

Cám ơn Chúa vì đã cho chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể.

Chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Ðức Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý nghĩa, một hướng đi.

Cuộc sống có ngọt bùi, đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi... Tất cả đều mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự sống.

Nếu chúng ta đón nhận cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát, đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.


(Lẽ Sống)

Thứ Hai 17-6

Thánh Gioan Fisher

(1469-1535)

Thánh Gioan Fisher thường có liên hệ với Erasmus, Thomas More và những người thuộc phong trào nhân bản thời Phục Hưng. Bởi đó, cuộc đời ngài không có nét bề ngoài như đời sống các thánh khác. Ðúng hơn, ngài là một con người học thức, thân quen với giới trí thức và chính trị thời bấy giờ. 
Gioan Fisher sinh ở Beverley, Yorkshire Anh Quốc, tốt nghiệp Ðại Học Cambridge, thụ phong linh mục năm 1491 và lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học năm 1501. Ngài có tài quản trị nên được nhà trường lần lượt giao cho các chức vụ tổng giám thị, phó chưởng ấn và chưởng ấn. Trong thời gian này, ngài là cha giải tội của mẹ vua Henry VII và đã khuyên bảo bà dùng của cải một cách bác ái, cũng như đưa môn thuyết giảng vào hai đại học lớn ở Anh. Cũng chính thời gian này, ngài làm bạn với Erasmus và Thomas More.
Vào năm 1504, ngài được làm giám mục ở Rochester và cai quản giáo phận nghèo nàn này trong ba mươi năm; ngài đích thực là một giám mục, sống làm gương cho các linh mục và chú ý đến đời sống tâm linh của họ. Chính Ðức Giám Mục Fisher là một văn bút và vị giảng thuyết sáng giá. Các bài giảng của ngài về ăn năn sám hối được tái bản đến bảy lần trước khi ngài từ trần. Với sự tràn lan của giáo phái Luther, ngài đã tham dự vào các cuộc tranh luận. Tám cuốn sách ngài viết để chống với lạc giáo đã đem lại cho ngài địa vị hàng đầu của các thần học gia Âu Châu. Cần nhận xét ở đây là Ðức Gioan Fisher không bao giờ dùng lời lẽ hạ cấp để nhục mạ đối phương như trong các cuộc tranh luận thời bấy giờ, nhưng ngài dùng lý lẽ để khuyên bảo những người lầm đường lạc lối. 
Vào năm 1527, ngài được yêu cầu xem xét vấn đề hôn nhân của vua Anh là Henry VIII. Nhà vua muốn li dị hoàng hậu hiện thời là bà Catherine ở Aragon vì bà không sinh được con trai nối dõi. Ðức Fisher đã làm vua Henry tức giận khi tuyên bố hôn nhân cũ của nhà vua vẫn còn giá trị, và sau này Ðức Fisher còn từ chối không chấp nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh Quốc như nhà vua tự xưng.
Trong mưu toan hãm hại Ðức Fisher, đầu tiên vua Henry buộc tội ngài là không phúc trình các "mặc khải" chống đối nhà vua của sơ Elizabeth Barton. Sau đó ngài bị triệu đến để thề chấp nhận Ðạo Luật Thừa Kế. Tất cả các quan trong triều đều tuyên thệ chấp nhận, ngoại trừ Ðức Giám Mục Fisher và Thomas More, cả hai từ chối vì Ðạo Luật này hợp pháp hóa sự li dị của Henry cũng như chấp nhận ông là thủ lãnh của Giáo Hội Anh. Cả hai người bị tống ngục Tower, khi ấy Ðức Fisher đã sáu mươi lăm tuổi và bệnh tật đang làm hao mòn sức khỏe của ngài.
Vào năm 1535, đức giáo hoàng tấn phong Ðức Gioan Fisher làm hồng y, nhà vua lại càng thêm tức giận và đã gài bẫy để đưa Ðức Gioan ra tòa về tội phản quốc. Ngài bị kết án và bị hành quyết, thi thể ngài bị để nằm nguyên ngày trên giàn chém và đầu của ngài bị treo trên cầu Luân Ðôn. Hai tuần sau, Thomas More cũng bị xử tử.
Ðức Gioan Fisher và Thomas More được phong thánh năm 1935.

Lời Bàn

Ngày nay, có nhiều vấn đề được nêu lên về việc tích cực tham gia sinh hoạt xã hội của linh mục và giáo dân. Ðức Gioan Fisher đã trung thành với ơn gọi giám mục của ngài. Ngài cương quyết duy trì giáo huấn của Giáo Hội; lý do ngài bị tử đạo là vì trung thành với Rôma. Ngài đã can dự đến các sinh hoạt văn hóa cũng như tranh chấp chính trị thời bấy giờ. Sự can dự này khiến ngài phải thắc mắc về tư cách đạo đức của người lãnh đạo quốc gia. "Giáo Hội có quyền, đúng hơn là nhiệm vụ, để đề cao sự công bằng trong lãnh vực xã hội, quốc gia và quốc tế, để lên án những bất công, khi các quyền căn bản của con người và sự cứu độ của họ đòi hỏi" (Công Bình Trong Thế Giới, Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971).

Lời Trích

Erasmus đã nói về Ðức Gioan Fisher như sau: "Ngài là con người mà thời bấy giờ không ai sánh được về sự chính trực của đời sống, về học thuật và về nét cao quý của linh hồn."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét