Trang

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

26-06-2013 : THỨ TƯ TUẦN XII MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Tư Ngày 26/06/2013
Thứ Tư Tuần XII Thường Niên – Năm C
St 15,1-12


BÀI ĐỌC I:  St 15, 1-12. 17-18
"Abram tin vào Thiên Chúa và vì đó, ông được công chính".

Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, có lời Chúa phán cùng Abram trong thị kiến rằng: "Hỡi Abram, ngươi chớ sợ, Ta là Đấng phù trợ và là phần thưởng rất bội hậu cho ngươi". Abram thưa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho con điều gì? Con sẽ qua đi mà không có con; chỉ có Eliêzer này, người Đamas, con của người giúp việc gia đình con". Abram nói tiếp rằng: "Chúa không cho con sinh con; đây con của người giúp việc sẽ là kẻ nối nghiệp con". Tức thì có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Chẳng phải người này sẽ là kẻ nối nghiệp ngươi, nhưng là chính người con ngươi sinh ra, sẽ là kẻ nối nghiệp ngươi". Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: "Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao". Rồi Chúa nói tiếp: "Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế". Abram tin vào Thiên Chúa và vì đó, ông được công chính.
Và Chúa lại nói: "Ta là Chúa, Đấng dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ này làm gia nghiệp". Abram thưa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, làm sao con có thể biết con sẽ được xứ đó làm gia nghiệp?" Chúa đáp: "Ngươi hãy bắt một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một con chim gáy mái và một con bồ câu non". Abram bắt tất cả những con vật ấy, chặt ra làm đôi, đặt phân nửa này đối diện với phân nửa kia: nhưng ông không chặt đôi các con chim. Các mãnh cầm lao xuống trên những con vật vừa bị giết, song ông Abram đuổi chúng đi.
Lúc mặt trời lặn, Abram ngủ mê; một cơn sợ hãi khủng khiếp và u tối bao trùm lấy ông. Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mù mịt phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: "Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Euphrát". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9
Đáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Ngài, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa.  - Đáp.
2) Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn.  - Đáp.
3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn. Chính chúa là Thiên Chúa
chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu. - Đáp.
4) Tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Người đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Người đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Người đã thề với Isaac.  - Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 7, 15-20
"Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng".  Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Xem quả biết cây
Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Ðộ là cha Anthony de Mello có kể câu truyện ngụ ngôn: Một vị giáo sĩ nọ đến gặp một tiên tri và xin ngài cầu nguyện cho một đôi vợ chồng trẻ: họ là những người rất mực đạo đức, nhưng không có con. Nghe thế vị tiên tri trả lời: "Ta rất lấy làm tiếc, Chúa không muốn cho họ có con".
Thế nhưng, 5 năm sau, vị giáo sĩ trở lại thăm đôi vợ chồng trẻ, lần này ông nghe thấy tiếng trẻ con cười đùa trong nhà. Người chồng giải thích rằng cách đây 5 năm, có một người hành khất lang thang trước nhà họ, người chồng mời người hành khất vào nhà, cho ăn uống và mặc quần áo mới cho. Trước khi từ giã, người hành khất đã chúc lành cho đôi vợ chồng trẻ và Chúa đã ban cho họ được hai đứa con.
Vị giáo sĩ trở lại gặp vị tiên tri để xin một lời giải thích. Vị tiên tri mỉm cười trả lời: "Ta chỉ có thể nói rằng có một vị thánh đã đến thăm đôi vợ chồng trẻ này, và nhờ lời chúc phúc của ngài, họ đã có được hai đứa con; các thánh có cách thay đổi chương trình của Thiên Chúa".
Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác. Ðó có thể là ý tưởng nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến trái tốt từ cây tốt. Qua kiểu nói này, hẳn Chúa Giêsu muốn nói đến những thể hiện đích thực của lòng tin: một đức tin chân thật luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Chính Ngài đã nói: "Không phải những ai đã nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi". Thánh Giacôbê đã lấy lại giáo huấn này khi ngài viết: "Ðức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ".
Chúa Giêsu tỏ lòng cảm thông và tha thứ cho những yếu hèn và vấp ngã của con người, nhưng Ngài không hề dung chấp cho thái độ giả hình của những người Biệt phái. Ngài gọi họ là những tiên tri giả, những người đội lốt chiên mà bên trong là lòng dạ của sói dữ. Họ trưng bày một bộ mặt đạo đức, nhưng cuộc sống của họ gồm toàn những hành động xấu xa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước thói giả hình. Bao lâu giữa niềm tin và cuộc sống còn có khoảng cách, thì bấy lâu chúng ta vẫn còn là những kẻ giả hình; trên cây đức tin của chúng ta chỉ có những quả xấu; cuộc sống chỉ còn là những phản từ, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc: chúng ta làm ố danh sự đạo. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ tín hữu Côrintô: Những người rước Mình Thánh Chúa mà vẫn tiếp tục sống trong chia rẽ và kỳ thị, là những người sống trong mâu thuẫn không thể chấp nhận được, và họ rước Mình Thánh Chúa một cách bất xứng. Bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi giới răn yêu thương: người ta không thể rước Mình Thánh Chúa mà đồng thời lại sống xa lạ với anh em đang bị đói khát, đau yếu, tù đày. Từ việc rước lễ phải nẩy sinh trong chúng ta sức mạnh của niềm tin yêu khiến chúng ta cởi mở với tha nhân, có lòng từ bi đối với những người sống trong túng thiếu và quẫn bách.
Ước gì chúng ta luôn biết thể hiện đức tin của chúng ta bằng những hành động cụ thể. Ước gì hoa trái của đức tin chúng ta trở thành của ăn có sức nuôi dưỡng bồi bổ đối với những người xung quanh.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 12 TN1, Năm Lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy sống xứng đáng với danh hiệu mình mang.

Theo thuyết Chính Danh của Khổng Tử: làm vua phải biết lo cho dân được ấm no và bình an, làm dân phải biết tuân giữ các mệnh lệnh và chu toàn bổn phận của mình; làm cha phải biết thương yêu và giáo dục con cái nên người, làm con phải biết vâng lời và báo hiếu cha mẹ. Nếu mọi người trong nước và trong gia đình đều biết sống đúng như danh hiệu của mình, dân chúng sẽ an cư lạc nghiệp, gia đình sẽ yên vui hạnh phúc, và đất nước sẽ bình an.

Các bài đọc hôm nay muốn đưa ra những tấm gương để mọi người nhìn vào đó và nhận ra mình đã sống đúng với danh hiệu của mình chưa. Trong bài đọc I, Đức Chúa hứa sẽ ban cho Abram hai điều: một dòng dõi đông đảo như sao trên trời và một vùng đất Canaan trù phú. Ngài đã làm y như vậy. Phần Abram, ông đã tin những gì Đức Chúa hứa, cho dẫu ông chưa được thấy dấu hiệu của những gì Đức Chúa hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đề phòng cho dân chúng đừng tin các ngôn sứ giả. Họ là những chó sói đội lốt người chăn chiên để rình chờ cắn xé chiên. Để giúp dân nhận ra những ngôn sứ giả, Chúa Giêsu khuyên dân chúng đừng đánh giá bằng bộ áo họ mặc; nhưng nhìn vào cuộc sống của họ, vì cây tốt không thể sinh quả xấu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.

1.1/ Đức Chúa hứa ban cho Abram một dòng dõi. Truyền thống Do-thái tin con cháu đầy đàn là một trong những phần thưởng Đức Chúa ban cho những ai biết kính sợ Ngài. Abram đã cao niên mà vẫn chưa có lấy một người con; nhưng trong một thị kiến, Đức Chúa hứa “phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” Ông Abram thưa lại: "Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Eliezer, một người Damas... Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con." Nhưng Đức Chúa phán với ông rằng: "Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi." Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: "Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không." Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!"

Tuy chưa có lấy một người con trong khi tuổi đã già, Abram tin những gì Đức Chúa nói, và vì thế, ông được Đức Chúa kể là người công chính vì ông đã tin những gì Ngài phán. Chúng ta biết sau đó Đức Chúa đã ban cho Abram một người con thừa kế là Isaac, Isaac có hai con là Esau và Jacob, Jacob có tới 12 người con; và từ đó, dân tộc Israel được thành hình. Khi Đức Chúa hứa, Ngài không nói khi nào những điều ấy được thực hiện, bổn phận của Abram là phải tin những gì Ngài hứa dù chưa thấy.


1.2/ Đức Chúa hứa ban cho Abram Đất Hứa. Người lại phán với ông: "Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Urs của người Chaldeans, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu." Abram thưa: "Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?" Người phán với ông: "Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non." Ông kiếm cho Người tất cả những con vật ấy, xẻ đôi ra, và đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ. Truyền thống Do-thái khi làm giao ước với ai thường có lễ vật kèm theo để bảo điểm lời hứa. Ý nghĩa của các con vật được xẻ đôi có lẽ muốn nói, nếu một bên xé bỏ giao ước thì cũng bị phân thân xác làm hai như thế.

Điều Đức Chúa cho Abram biết trước là sự kiện dòng dõi ông sẽ phải sống nô lệ cho người Ai-cập trong vòng 400 năm: “Ngươi phải biết rằng: dòng dõi ngươi sẽ trú ngụ trong một đất không phải của chúng. Chúng sẽ làm tôi người ta và người ta sẽ hành hạ chúng bốn trăm năm.Nhưng Ta sẽ xét xử dân tộc chúng phải làm tôi, và sau đó chúng sẽ ra đi với nhiều tài sản. Còn ngươi sẽ về với cha ông ngươi bình an, và sẽ được chôn cất sau khi hưởng tuổi già hạnh phúc.” Sự kiện Abram thấy “một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi” chứng minh Đức Chúa đã chứng nhận giao ước, và Ngài sẽ thực thi những gì Ngài đã hứa. Điều này cũng đã xảy ra khi ông Moses và Aaron thừa lệnh Đức Chúa đem dân tộc Israel ra khỏi Ai-cập, lang thang trong sa mạc 40 năm, và sau đó đinh cư trong vùng đất Đức Chúa đã hứa.

2/ Phúc Âm: Hãy coi chừng các ngôn sứ giả

2.1/ Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả: Đời nào cũng có các ngôn sứ giả. Lịch sử Do-thái không thiếu những hạng người này như được ghi chép nhiều lần trong Sách ngôn sứ Jeremiah và Ezekiel. Thánh Phaolô cũng đề phòng môn đệ Timothy về hạng người này và gọi họ là “chó sói” như Chúa Giêsu gọi hôm nay: “Họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.” Ngày nay, cũng đầy dẫy những linh mục giả lợi dụng chiếc áo để gieo những lạc thuyết sai lầm và tìm kiếm lợi nhuận. Làm sao để nhận ra các ngôn sứ giả? Trước tiên chúng ta phải biết một ngôn sứ thật.

(1) Ngôn sứ thật: Theo định nghĩa đúng, người ngôn sứ là người nói những gì Thiên Chúa muốn nói như một sấm ngôn hay một sứ điệp, chứ không nhải là người nói tiên tri những gì sẽ xảy ra, dầu đôi khi có thể như vậy. Ngôn sứ là cái miệng của Thiên Chúa dùng để nói những gì Ngài muốn nói với con người. Ngày nay, ngôn sứ thật phải biết Lời Chúa và giảng Kinh Thánh, chứ không phải giảng văn chương và nói chuyện chính trị. Ngôn sứ thật phải dạy dân biết Luật của Thiên Chúa và can đảm sửa sai khi cần thiết.

(2) Ngôn sứ giả: Họ không nói lời của Thiên Chúa, thay vào đó họ nói những gì họ muốn hay lời của người khác rồi đổ cho Thiên Chúa. Họ không dạy cho dân biết Kinh Thánh và Lề Luật của Thiên Chúa, nhiều khi cũng chẳng chịu học biết để dạy. Họ không dám sửa dạy dân chúng vì sợ mất lòng và bị ghét. Họ thích nói những gì dân chúng muốn như: khen ngợi nhiều, đừng bắt làm nhiều, nhất là đừng khui tội của dân chúng ra để lương tâm họ bị cắn rứt.

2.2/ Phương cách để nhận ra các ngôn sứ giả: Để giúp các tín hữu nhận ra những ngôn sứ giả, Chúa Giêsu dạy: Nhìn quả biết cây; cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Các tín hữu có thể nhìn cách sống của một người để biết ngôn sứ thật hay giả. Hai điều chúng ta có thể rút ra từ những lời dạy của Chúa Giêsu:

(1) Đừng nhìn bên ngoài mà đánh giá: Đừng đánh giá bởi bộ áo bên ngoài vì “Chiếc áo không làm nên thầy tu.” Chúa Giêsu mô tả: “Họ xúng xính trong bộ áo thụng! Họ đeo những hộp kinh lớn trên trán và các tua áo dài... Họ đọc kinh nhiều và dài để nuốt hết gia tài các bà góa.”

(2) Phải nhìn việc làm để đánh giá vì ý hướng bên trong của họ ta không thấy. Họ không quan tâm gì đến phần hồn của chiên; nhưng để ý đến những gì chiên mang lại cho họ. Họ như chó sói đội lốt chiên luôn rình chờ để cắn xé đoàn chiên. Một số các đặc điểm của các ngôn sứ giả:

+ Tham lợi nhuận vật chất: họ thích tiền và những của biếu xén.

+ Ham danh vọng: Họ lợi dụng chức vụ để xây dựng danh tiếng cho mình. Họ chỉ nhận lời làm những gì mang lại danh thơm tiếng tốt và chê bỏ những gì tầm thường, hèn kém.

+ Thích quyền hành: Họ mong những chức vụ cao trọng trong Giáo Hội để được ăn trên ngồi chốc, hay chán nản bi quan khi cấp cao không nhận ra tài năng quan trọng của họ.

+ Thỏa mãn xác thịt: Họ lạm dụng niềm tin của phụ nữ và con trẻ để thỏa mãn xác thịt. Đây là thứ tội mà Chúa Giêsu kinh tởm và buộc tội: “Thà buộc cối đá và quăng xuống biển còn hơn!”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta hãy biết sống đúng với danh hiệu của mình. Nếu là ngôn sứ, hãy dạy dân biết Lời Chúa và chỉ đường cho dân đến với Ngài. Nếu là Kitô hữu, hãy vâng lời và làm những gì Thiên Chúa truyền dạy. Chúng ta đừng đánh giá người khác theo cái vỏ bên ngoài; nhưng hãy nhìn vào việc làm của họ.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


26/06/13 THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Mt 7,15-20

XEM QUẢ BIẾT CÂY
“Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 7,19-20)
Suy niệm: Báo chí thỉnh thoảng vẫn đăng tin đó đây có những người tuyên bố mình có khả năng chữa lành bách bệnh… bằng những phương thức kỳ quái. Thiên hạ đổ xô tới xin chữa bệnh. Chỉ khi tiền mất tật mang người ta mới vỡ lẽ ra đó chỉ là chiêu trò lừa dối để thủ lợi. Xem quả biết cây là như thế! Chúa Giêsu cũng dùng kinh nghiệm dân gian đó để cảnh báo chúng ta trước hiện tượng những “ngôn sứ giả” không phải là hiếm trong xã hội hôm nay (x. 1Ga 4,1): bề ngoài họ “đội lốt chiên” nhưng bên trong họ là những “sói dữ tham mồi.” Áp dụng nguyên tắc “xem quả biết cây” này, thánh Gioan tông đồ đưa ra một tiêu chí để nhận định: “Thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2). Quả thế, những người xưng mình là môn đệ Chúa Kitô mà đời sống không làm chứng cho thập giá của Ngài thì đã là ngôn sứ giả, là phản-Kitô rồi.
Mời Bạn: Mời bạn rà soát xem trong mảnh đất tâm hồn bản có “cây” nào sinh “trái” ích kỷ, gian tham, ghen ghét, và mời  bạn mạnh dạn triệt hạ những “cây” xấu đó. Và hãy nỗ lực trổ sinh những hoa trái của Thánh Thần là những việc làm “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).
Sống Lời Chúa: Chọn một loại “trái tốt” của Thánh Thần để “sản xuất” thành nhiều việc tốt trong đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con sinh nhiều hoa trái và để hoa trái chúng con tồn tại. Xin giúp chúng con sinh nhiều trái tốt cho Nước Chúa.

Cứ xem quả thì biết họ

Suy nim:
Thời nào Hội Thánh cũng có những ngôn sứ giả.
Họ mang dáng dấp là người của Chúa, người nói lời Chúa.
Họ hấp dẫn quần chúng và có nhiều người chạy theo.
Đức Giêsu dạy ta phải coi chừng họ (c. 15).
Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc để nói lên mối nguy cơ này.
Các ngôn sứ giả đội lốt chiên tốt lành mà đến với dân Chúa.
Nhưng thực chất họ là sói dữ tham mồi.
Cái khó là nhận ra bộ mặt thật của họ để không bị đánh lừa.
Không nhận ra họ là sói, chúng ta có thể dễ làm mồi cho họ.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh khác
để chỉ cho ta cách phân biệt chiên với sói: hình ảnh quả và cây.
Cây nào sinh quả ấy: đó là một nguyên tắc bất biến.
“Có ai hái được nho ở bụi gai, hay hái vả trên cây găng không?” (c. 16).
Hẳn là không rồi.
Cây tốt ắt sinh quả tốt, cây bị sâu ắt sinh quả chẳng ra gì (c. 17).
Hơn nữa, Đức Giêsu còn mạnh mẽ khẳng định:
cây tốt không thể sinh quả xấu,
và cây xấu không thể sinh quả tốt được (c. 18).
Chính vì thế cứ nhìn quả thì biết cây.
Cứ nhìn những công việc do một người làm,
ta sẽ biết người ấy là ai (cc. 16. 20).
Những môn đệ đích thực của Đức Giêsu hẳn sẽ sinh quả tốt,
đó là sống công chính như giáo huấn của Bài Giảng trên núi.
Còn những ngôn sứ giả bị lộ mặt nạ qua đời sống bất chính của họ.
Chuyện ngôn sứ giả đã có từ xưa trong Cựu ước.
Ở Côrintô, thánh Phaolô đã phải vất vả đối đầu
với những kẻ mà ngài gọi là tông đồ giả, đội lốt tông đồ của Đức Kitô.
Ngài còn thêm: “Lạ gì đâu !
Vì chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cr 11, 13-14).
Như thế các tín hữu phải cảnh giác để phân biệt chân và giả,
đặc biệt trong thời Hội Thánh gặp khủng hoảng khó khăn.
Họ phải tỉnh táo để khỏi bị dáng vẻ bên ngoài hay lý luận mê hoặc.
Điều cần lưu tâm là đời sống công chính của vị ngôn sứ.
Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô cho chúng ta một tiêu chuẩn
để nhận ra  hoa quả nào là bắt nguồn từ Thần Khí (5, 22).
Đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín…
Những điều ngược lại, ngài gọi là những hành động của xác thịt,
như hận thù, bất hòa, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái… (5, 20).
Sống trong một thế giới phẳng và đa nguyên, người kitô hữu hôm nay
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và nhanh chóng,
bởi nhiều nguồn thông tin, đến từ nhiều người.
Những tiêu chuẩn của Đức Giêsu hay của thánh Phaolô vẫn còn giá trị.
Nhưng chúng ta cần có thời gian để phân định quả xấu, quả tốt.
Và cũng cần có thời gian để nhận ra đâu là sói, đâu là chiên.
Cầu nguyn:

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Biết tin vào ai?
“Anh em hãy coi chừng những ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt, thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.” (Mt. 7, 15-17)
Những tiếng chào mời khắp nơi
Thời nay càng không thiếu những người nói hay nói khéo. Người ta gặp họ nhan nhản ở trong các nhà thờ. Nhưng họ cũng có mặt đông đảo ở những nơi công cộng, trên vô tuyến, trên truyền hình. Những kẻ ba hoa này thích được người ta coi mình là những thày dạy đời, những nhà tiên tri. Mỗi người đều có những ngón nghề riêng để nói hay về hạnh phúc. Vấn đề là họ không nói chung cùng một tiếng nói. Kẻ nói trắng, người nói đen.
Mỗi ngày, những người công dân bình thường đều bị chới với vì những làn sóng thông tin, sứ điệp ùa tràn từ mọi phía. Những Kitô hữu cũng được người ta mời chào đón nhận những lý thuyết mới lạ và chạy theo những con đường rất trái ngược nhau. Phải tin ai đây? Phải coi chừng ai? Có cách nào để biết được ai là tiên tri thật, ai không phải?
Cây tốt, trái tốt
Có một cách rất đơn sơ mà không sợ sai lầm. Đó là đừng để cho những lời nói hay nói khéo kia mê hoặc mình và phải xét xem đâu là hậu ý. Đó là để mắt kỹ coi xem những nhà “giảng thuyết” ấy sống điều họ giảng như thế nào. Ta còn phải kiểm chứng cụ thể để biết những lý thuyết hay ho kia gây được những hiệu quả thực tiễn nào
Cây tốt thì sinh trái tốt. Ý tưởng tốt chỉ có thể dẫn tới những hành vi tốt. Tiên tri thật thì giúp con người sống hạnh phúc hơn, hiệp nhất hơn, phát triển hơn. Nếu thực hành điều họ dạy chỉ làm ta chia rẽ, dẫn đến hận thù thay vì yêu thương, gieo rắc bạo lực và ương ngạnh thay vì hiền từ và hiểu biết, thì rõ ràng là chúng ta phải xem xét lại những vị tiên tri giả này. Cứ xem hoa trái của họ thì biết được ai là tiên tri tốt, ai là tiên tri giả. Không có gì đơn giản hơn vậy

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

26 THÁNG SÁU

Mọi Sự Đều Phục Vụ Cho Điều Thiện Hảo

Đề cập đến sự quan phòng của Thiên Chúa nghĩa là nhìn nhận rằng từ nguyên thủy, trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa không có chỗ cho sự dữ. Tuy nhiên, một khi sự dữ được con người gây ra và được Thiên Chúa cho phép xảy ra, thì rốt cục nó trở thành phụ thuộc đối với sự thiện: “Tất cả đều phục vụ cho điều thiện hảo”, như lời Thánh Phao-lô Tông Đồ (Rm 8, 28). Đây là một khẳng định cần được ta tìm hiểu thêm.

Chúng ta đã ghi nhận rằng Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, bênh vực cho sự thật. Sự thật về sự quan phòng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn bộ mạc khải cũng như trong tạo vật. Sự thật ấy chính là điểm qui chiếu đầu tiên và nền tảng của tất cả những gì mà Thiên Chúa “bằng nhiều lần nhiều cách” muốn nói với con người “qua các tiên tri và – trong những ngày sau hết – qua Người Con” (Dt 1,1). Thật rất quan trọng việc đọc và suy tư về sự thật này trong Thánh Kinh – nơi mà nó được trình bày trực tiếp cho chúng ta. Cũng rất hữu ích việc nghiên cứu những tham chiếu gián tiếp cho thấy tính chân thật của mạc khải Thiên Chúa trong Thánh Kinh.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 26-6
St 15, 1-12.17-18; Mt 7, 15-20


LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7,15).

Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta phải đề cao cảnh giác những ngôn sứ giả. Bởi trong mọi thời đại, trong mọi xã hội đều xuất hiện một số ngôn sứ giả, càng văn minh tiến bộ, những con sói dữ càng có nhiều phương tiện, dụng cụ để hóa trang thành những con chiên hiền lành. Muốn phát hiện những con sói dữ này; người Tín Hữu phải luôn học hỏi giáo lý, học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện với niềm tin và tuân phục. Chính nhờ Lời Chúa thấm nhập, sẽ khai mở cho chúng ta đâu mới là Sự Thật; điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta phải thực hiện trong đời sống, để ngày sau được sum họp với Chúa trong Nước của Ngài.

Mạnh Phương


26 Tháng Sáu

Bằng Lòng Về Chính Mình

Hans Christian Andersen, văn sĩ Ðan Mạch sống vào khoảng cuối thế kỷ 19, là tác giả của những câu chuyện dạy đời bất hủ. Ông có kể câu chuyện như sau:
Có một đôi vợ chồng già nọ sống bên nhau rất hạnh phúc. Thật ra người nắm giữ bí quyết hạnh phúc trong gia đình này chính là người vợ. Lúc nào bà cũng hài lòng về bất cứ hành động nào của người chồng. Một hôm, người vợ đề nghị với chồng là nên bán bớt một con bò. Thật ra tất cả tài sản của họ chỉ là đôi bò.
Người chồng tán thành ý kiến của vợ. Ngay từ sáng sớm, ông dắt bò ra chợ. Nhưng đường dài, mặt trời mỗi lúc một chói chang. Con bò già lại không thể bước nhanh. Do đó khi thấy một người nông dân khác cũng đang dắt heo ra chợ bán, người chồng mới có ý nghĩ đem đổi bò lấy con heo. May ra con heo có thể đi nhanh hơn không?
Ðổi được con heo và đi được một quãng đường, người chồng lại cảm thấy không thoải mái chút nào. Con heo cứ muốn đi theo hướng của nó. Vừa bực tức với con heo, ông lại thấy một người nhà quê khác cũng đang dắt dê ra tỉnh. Ông nghĩ rằng dê có thể là con vật ít cồng kềnh hơn con heo, cho nên ông mới nấn ná đến người chủ dê để đề nghị hoán đổi.
Ðổi được dê, người đàn ông như cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Nhưng chỉ trong vài phút đồng hồ, ông mới khám được cái tính bất thường của loài dê. Nó chạy bên này, nhảy bên kia, nó đưa sừng húc khắp mọi nơi... Giữa lúc ông ngán ngẩm với con dê, thì bỗng đâu một người nhà quê khác tiến lại gần ông với cả một đàn ngỗng. Con ngỗng dù sao cũng ít cồng kềnh hơn con dê. Nghĩ vậy cho nên ông mang con dê đến đổi lấy một chú ngỗng trắng. Ôm lấy chú ngỗng vào lòng, người đàn ông cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết. Ông tin chắc là mình sẽ đến chợ sớm hơn. Nhưng chưa đến chợ, thì ông lại thấy một người buôn gà. So sánh gà với ngỗng, dĩ nhiên gà phải nhẹ hơn... Tính toán mãi, cuối cùng, ông đã đem chú ngỗng đến đổi lấy một con gà.
Mặt trời mỗi lúc một lên cao. Cơn khát như muốn đốt cháy cổ họng ông. Bụng ông lại trống rỗng. Vừa thấy một quán ăn bên vệ đường, người đàn ông không còn cầm được cơn cám dỗ. Ông đành phải đem con gà bán đi với giá một đồng bạc. Một đồng này vừa đủ cho một bữa ăn trưa cộng với một ly bia.
Những người đàn ông trong quán ăn biết chuyện mới tỏ ra ái ngại cho giây phút ông phải đối đầu với người vợ. Thế nhưng, con người luôn luôn được vợ hài lòng ấy vẫn tỏ ra bình thản. Ông tin tưởng rằng vợ ông sẽ không boa giờ trách móc ông. Một người đàn ông có máu cờ bạc, không tin ở thái độ của bà vợ ông, cho nên mới đề nghị đánh cá. Ôngta đưa ra hai mươi đồng và đi theo người đàn ông về đến nhà. Ôn núp một nơi kín đáo để theo dõi phản ứng của người vợ.
Quả thực, người đàn ông bắt đầu báo cáo lại cho vợ từng chi tiết của những cuộc trao đổi của ông. Cứ mỗi lần người đàn ông kể lại một cuộc đổi chác của mình, người vợ đều tỏ ra hài lòng. Khi người đàn ông kể đến chuyện ông bán con gà được một đồng và vào quán ăn trưa, người vợ mới mỉm cười thốt lên như sau: "Tạ ơn Chúa, cũng may là mình bán được con gà. Như vậy là mình có thể ngủ yên mà không sợ tiếng gà gáy phá giấc. Ðiều quan trọng đối với tôi là biết rằng mình thỏa mãn là được".
Người chồng thắng được vụ cá cuộc. Ông được hai mươi đồng, số tiền còn lớn hơn cả giá bán con bò.

Hãy đón nhận từng giây phút hiện tại với hân hoan, cảm mến. Hãy làm công việc trong phút giây hiện tại như là công việc quan trọng nhất. Hãy đón tiếp người trước mặt như một người quan trọng nhất. Hãy chấp nhận mọi người với cảm thông, tha thứ và lạc quan. Hãy chấp nhận chính bản thân với sự bằng lòng, thoải mái: đó là tất cả bí quyết của hạnh phúc mà chúng ta cần phải nắm lấy.

(Lẽ Sống)

Thứ Tư 26-6

Chân Phước Raymond Lull

(1235-1315)

H
ầu hết cuộc đời của Chân Phước Raymond là để giúp đỡ công cuộc truyền giáo và ngài từ trần khi truyền giáo ở Bắc Phi.
Raymond là con của một viên tướng chỉ huy ở Palma, Majorca và được làm việc dưới triều của Vua James I xứ Aragon, với công việc đại quản gia của triều đình. Tuy đã lập gia đình, nhưng Raymond vẫn còn gian díu với các thê thiếp. Một hôm khi đang viết thư cho tình nhân thì Raymond được thị kiến Ðức Kitô, và năm lần tiếp đó. Sau cuộc hành hương đến Compostela và Rocamadour, ngài gia nhập dòng ba Phanxicô, chia tài sản cho vợ con và tận hiến cuộc đời còn lại cho việc hoán cải người Hồi Giáo.
Lui về đời sống ẩn dật, ngài sống như một vị ẩn tu. Trong thời gian chín năm, ngài viết về mọi loại kiến thức mà công trình ấy giúp ngài xứng với danh hiệu "Tiến Sĩ Khai Sáng." Sau đó, Raymond thực hiện nhiều cuộc hành trình đến Âu Châu để thuyết phục các giáo hoàng, các hoàng đế và thái tử trong việc thiết lập các trường đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các nhà thừa sai trong công cuộc truyền giáo. 
Sau nhiều lần thất bại, sau cùng vào năm 1311 ngài đã thành công khi Công Ðồng Vienne ra lệnh cho thành lập các phân khoa dạy tiếng Do Thái, Ả Rập và Canđê tại các trường đại học Bologna, Oxford, Balê và Salamanca.
Vào năm 79 tuổi, chính Raymond đến Bắc Phi để truyền giáo. Một đám đông người Hồi Giáo đã thịnh nộ ném đá ngài ở thành phố Bougie nhưng được các thủy thủ người Genoa cứu thoát. Trên con tầu trở về nước, ngài đã từ trần khi gần đến Majorca.
Chân Phước Raymond sáng tác rất nhiều. Ngài viết trên 300 luận án về triết học, âm nhạc, hàng hải, luật pháp, thiên văn, toán học, và thần học (hầu hết bằng tiếng Ả Rập). Ngài cũng sáng tác thi văn thần nghiệm và được coi là người tiên phong của Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá trong lãnh vực này.

Lời Bàn

Chân Phước Raymond đã tận tụy trong việc loan truyền Phúc Âm. Sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như sự chống đối ở Bắc Phi đã không làm ngài nản chí. Ba trăm năm sau, hoạt động của ngài bắt đầu có ảnh hưởng ở Mỹ Châu. Khi người Tây Ban Nha bắt đầu truyền giáo ở Tân Thế Giới, họ đã theo ý tưởng của ngài và thành lập các trường truyền giáo để chuẩn bị cho công cuộc này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét