Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

08-06-2013 : THỨ BẢY TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN - TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ

Thứ Bảy Ngày 08/06/2013
Tuần IX Thường Niên – Năm C
TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ
(lễ nhớ)


BÀI ĐỌC I: Tb 12, 1. 5-15. 20
"Tôi phải trở về cùng Đấng đã sai tôi; còn các người hãy chúc tụng Thiên Chúa".

 Trích sách Tôbia.
Trong những ngày ấy, Tôbia kêu con trai lại và hỏi rằng: "Chúng ta phải tặng cái gì cho người thánh thiện đi với con?" Rồi cả hai cha con gọi thiên thần đến và đưa người ra chỗ riêng và xin người vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về. Bấy giờ người bảo nhỏ hai cha con rằng: "Các người hãy chúc tụng Chúa Trời, và tuyên xưng Người trước mặt mọi sinh vật, vì Người tỏ lòng từ bi đối với các người. Bởi chưng, giữ kín bí mật của nhà vua là một việc tốt, nhưng công bố và tuyên xưng các kỳ công của Thiên Chúa là một vinh dự; cầu nguyện, ăn chay, bố thí, thì tốt hơn là cất giấu kho vàng, vì việc bố thí cứu khỏi chết, tẩy sạch tội lỗi, mang lại lòng từ bi và sự sống đời đời. Còn những ai phạm tội và làm điều gian ác, thì là thù địch của linh hồn mình.
Vậy tôi tiết lộ cho các người biết sự thật, và không giữ kín câu chuyện bí mật với các người nữa: Khi ông than khóc cầu nguyện, chôn xác kẻ chết, bỏ cơm trưa, và ban ngày giấu xác chết trong nhà, rồi ban đêm mang đi chôn, chính tôi đã dâng lời nguyện của ông lên cùng Chúa. Và vì ông đã được đẹp lòng Chúa, nên cần phải có thử thách để thanh luyện ông. Nay Chúa sai tôi đến để chữa ông, và cứu Sara con dâu của ông khỏi ma quỷ. Vì tôi là thiên thần Raphael, một trong bảy thiên thần chầu chực trước mặt Chúa. Vậy đã đến lúc tôi phải trở về cùng Đấng đã sai tôi; còn các người hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Người". Đó là lời Chúa.
Tb 12,1


ĐÁP CA: Tb 13, 2. 6. 7. 8
Đáp: Lạy Chúa cao cả muôn đời (c. 1b).

1) Chúa trừng phạt, rồi Chúa lại tha thứ; Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa.  - Đáp.
2) Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi.  - Đáp.
3) Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội.  - Đáp.
4)  Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 12, 38-44
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn". Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống". Đó là lời Chúa.

(hoặc lễ về Đức Mẹ)
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 5, 14-21
"Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến Đức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Đức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho mình, nhưng là cho Đấng đã chết và sống lại cho mình.
Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Đức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa. Ai ở trong Đức Kitô, (kẻ ấy) là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi; này mọi sự đã được đổi mới. Và mọi sự đều do Thiên Chúa, là Đấng giải hoà chúng ta với Người nhờ Đức Kitô, và đã trao chức vụ giải hoà cho chúng tôi. Chính Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, không còn quy trách tội lỗi cho họ nữa, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Đức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12
Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Đáp.
2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, ân sủng. - Đáp.
3) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. - Đáp.
4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Đáp.

ALLELUIA:  x. Lc 2, 19
Alleluia, alleluia! - Đức Trinh Nữ Maria hiển vinh đã ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong lòng. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 2, 41-52
"Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.
Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta. Đó là lời Chúa.
Lc 2,41-52


SUY NIỆM : (Mc 12, 38-44) Tín thác vào Chúa
Một văn sĩ Mỹ kể lại giai thoại như sau: Hôm đó là Chúa Nhật, ông đi tham dự buổi nói chuyện của một nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo nói năng rất hùng hồn, những nỗi thống khổ của người dân bản xứ mà nhà truyền giáo kể lại đã khiến cử tọa cảm động sâu xa. Văn sĩ kể về mình thế này: Khi nhà truyền giáo kêu gọi sự giúp đỡ, tôi định bỏ vào giỏ một đôla; nhưng giọng nói của ông cảm động đến độ tôi định tăng lên năm đôla, và ngay cả ký một chi phiếu. Thế rồi, nhà truyền giáo tiếp tục phóng đại nỗi thống khổ của người bản xứ; ông cứ nói mãi, nói mãi, đến nỗi mọi người không còn muốn nghe nữa. Tự nhiên tôi có ý định rút lại việc ký ngân phiếu, rồi từ từ giảm xuống năm rồi còn một đôla, và cuối cùng khi nhà truyền giáo chấm dứt bài thuyết trình và cái giỏ tiền được chuyền đến tay tôi, thì tôi chỉ bỏ vào đó có mười xu.
Giai thoại trên đây có thể gợi cho chúng ta thái độ cầu nguyện của các luật sĩ và biệt phái mà Chúa Giêsu đã không ngừng lên án. Họ nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Thái độ cầu nguyện này phát xuất từ một quan niệm có tính cách bùa chú về Thiên Chúa. Họ tưởng rằng Thiên Chúa là một vị Thần mà người ta có thể hối lộ hoặc kích thích lòng quảng đại bằng những việc đạo đức của họ. Họ áp dụng cho Thiên Chúa sự tính toán hơn thiệt dựa trên sự công bình: có vay có trả, có qua có lại của con người. Chính quan niệm ấy đã khiến nhiều người xem sự giàu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa, còn tai họa rủi ro là một trừng phạt vì tội lỗi; từ đó người ta tự phụ về những công đức của mình và khinh bỉ những người nghèo hèn và những người tội lỗi.
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người một Thiên Chúa khác biệt. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà người ta không thể giới hạn vào một số công thức bùa chú. Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người.
Mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đúng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan. Khi có một cánh cửa nào đó trong căn nhà của cuộc sống chúng ta bị đóng lại, thì Thiên Chúa lại mở ra những cánh cửa khác. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta; ngay cả khi đứng trước tội lỗi chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta.
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không thể đo lường, tính toán. Xin cho từng tâm tư và suy nghĩ của chúng ta là một lời tri ân cảm tạ Chúa vì xác tín rằng bàn tay quan phòng của Chúa đang làm những điều kỳ diệu cho chúng ta.
(Veritas Asia)


Lễ Trái Tim Đức Mẹ
Có thứ nghệ thuật cho rằng đặt trái tim bốc lửa ra ngoài ngực của Đức Giêsu và Đức Maria là một gương mù ! thế mà chiêm ngưỡng lối cách mạng này là trình bày cho chúng ta thấy hai Đấng thương yêu chúng ta đậm đà nồng ấm biết chừng nào! và chúng ta thấy hai Đấng đáng mến vô cùng. Người ta cho đó là thứ đạo đức thời trang! lấy lý do đạo đức trong sáng, người ta chê thiếu sự liêm chính tri thức và tinh thần tối thiểu trong đức tin! Nhưng người ta không thấy chướng tai gai mắt của lối thương mại in đúc những trái tim to bự bằng nhiều kiểu để trao tặng cho nhau trong ngày lễ Va-lăng-tin!
Như thế người ta nghĩ sao?
Thói chỉ trích đó do thứ thông minh đáng nghi ngờ! cho rằng lối nghệ thuật cơ bắp đó chỉ lôi cuốn sự sùng kính cảm tình. Tuy nhiên, nghệ thuật tạo hình để bày tỏ sự thực của Thiên Chúa, nó nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Đừng cười chê quá lố! chúng ta thích biểu lộ tình yêu của chúng ta thế nào? bằng phá bỏ tưởng tượng này chăng? Phải, nếu muốn làm cho lòng yêu mến biến mất và không còn gì để kính tôn nữa. Cần phải đến những nhà thờ để chiêm ngưỡng! tôi đã đến và thấy rằng: “Những tượng ảnh xưa đầy gợi cảm đang sống động tốt”. Chúng có giá trị kích thích lòng đạo đức, chúng không thể là thứ danh từ tân thời như ngày nay.
Đức Maria yêu thương chúng ta
Trái tim cực sạch Đức Maria thế nào? Ngài yêu thương chúng ta. Trái tim cực sạch của Ngài đồng nghĩa với tình yêu chân thật, giống như tình yêu Con Ngài đối với chúng ta. Dù cho chúng ta tan tành cũ rách, và chẳng đáng để ý chút gì.
Thi hào Claudel
“Lạy Mẹ Đức Giêsu Kitô, con không đến cầu xin, con đến chỉ để nhìn ngắm Mẹ thôi. Nhìn ngắm Mẹ không chỉ để một lát, mà suốt mọi lúc...
Vì Mẹ là bà Mẹ sáng ngời vinh quang nguyên tuyền...chỉ vì mẹ là Maria... Mẹ Đức Giêsu Kitô,
Xin đoái thương chúng con”.


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 9 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Làm thế nào để sống mối liên hệ với Thiên Chúa?

Trong tương quan giữa người với người, mối liên hệ nào cũng đòi phải có hai chiều: chiều cho đi và chiều nhận lại; thì mới thăng bằng và tiến triển được. Trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng thế, Thiên Chúa sẽ yêu thương, chúc lành, bảo vệ ... nếu con người yêu thương Thiên Chúa, và tuân giữ những gì Ngài dạy. Ngược lại, nếu con người không yêu thương và ăn ở theo đường lối của Thiên Chúa, Ngài sẽ để mặc họ cho kẻ thù tha hồ tấn công tứ phía.

Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta phải luôn biết sống đúng đắn mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thiên sứ Gabriel sau cùng đã mặc khải cho cha con ông Tobit về căn tính và sứ vụ của ngài được Thiên Chúa trao phó. Đồng thời, thiên sứ cũng mặc khải hai bổn phận quan trọng con người phải chu toàn: (1) phải luôn khen ngợi và chúc tụng danh Chúa, (2) phải luôn ăn ngay ở lành hết mọi ngày trong cuộc sống. Nếu con người chu toàn bổn phận của mình, Thiên Chúa sẽ sai sứ thần bảo vệ và ban muôn ơn lành cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo con người khi làm các việc thờ phượng và khi đóng góp vào nhà thờ. Mục đích của việc thờ phượng là làm thăng hoa mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác. Mục đích của việc đóng góp là trả lại cho Thiên Chúa những ơn lành Ngài đã đổ xuống trên con người, chứ không phải chỉ là cho đi của dư thừa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy chúc tụng Thiên Chúa về những điều tốt lành Người đã làm cho cha con ông.

1.1/ Bổn phận của con người đối với Thiên Chúa:

(1) Phải luôn ngợi khen Thiên Chúa: Thiên sứ Raphael kín đáo gọi hai cha con lại và nói: "Hãy chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng Người trước toàn thể sinh linh, về những điều tốt lành Người đã làm cho cha con ông. Hãy chúc tụng và ca ngợi danh Người! Những việc Thiên Chúa đã làm, hãy long trọng tỏ cho mọi người biết. Đừng ngần ngại xưng tụng Người! Giữ kín bí mật của vua là điều tốt đẹp; nhưng công trình của Thiên Chúa, thì phải tỏ bày và long trọng xưng tụng." Việc làm của Thiên Chúa khác với việc làm của vua chúa, Ngài chẳng cần chi phải giữ bí mật cả, nhưng muốn cho càng nhiều người biết tới càng tốt.

(2) Phải luôn cố gắng ăn ngay ở lành: Hãy làm điều lành thì cha con ông sẽ không gặp điều dữ. "Cầu nguyện kèm theo đời sống chân thật, bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công; làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu. Những ai phạm tội ăn ở bất công là kẻ thù của chính mình."

1.2/ Thiên sứ Raphael là khí cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cho cha con ông Tobit và cô Sarah: Thiên sứ nói: "Tôi sẽ tỏ cho ông và con ông biết tất cả sự thật, không giấu diếm chi."

(1) Thiên Chúa có mắt, có tai: Mắt và tai của Thiên Chúa là các thiên-sứ của Ngài; không một điều gì con người nói hay làm mà Thiên Chúa không biết. Chính thiên-sứ Raphael mặc khải cho cha con ông Tobit: "Hãy biết rằng khi ông và cô Sarah cầu nguyện, chính tôi đã tiến dâng những lời cầu nguyện đó lên trước nhan vinh hiển của Đức Chúa, để xin Chúa nhớ đến hai người; tôi cũng làm như vậy khi ông chôn cất người chết. Và khi ông không ngại trỗi dậy, bỏ dở bữa ăn để đi chôn cất người chết, bấy giờ tôi được sai đến bên ông để thử thách ông."

(2) Thiên Chúa có tay để chữa lành: "Thiên Chúa cũng sai tôi chữa lành cho ông và cô Sarah, con dâu ông. Tôi đây là Raphael, một trong bảy thiên sứ luôn hầu cận và vào chầu trước nhan vinh hiển của Đức Chúa."


2/ Phúc Âm: Bà góa này rút từ cái túng thiếu của mình để bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.

2.1/ Những điều con người cần đề phòng khi làm việc thờ phượng: Mục đích của việc thờ phượng là đưa con người tới Thiên Chúa. Vì thế, phải tránh tất cả những gì chia trí, làm ngăn cản con người không hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Một số các chia trí được Chúa Giêsu liệt kê:

(1) Thói thích phô trương quần áo: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng." Điều này có thể được áp dụng cho cả các linh mục và giáo dân thời nay: có nhiều người chú trọng đến quần áo bên ngoài hơn những chuẩn bị trong tâm hồn để gặp gỡ Chúa.

(2) Thói thích được chào hỏi, khen ngợi: Có những người "thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng." Nhiệm vụ của tư tế là đưa con người đến với Thiên Chúa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông vẫn chỉ là người đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa: ông hoàn thành bổn phận đã được Thiên Chúa trao cho ông để làm (Lk 17:10). Thói quen này có thể ngăn cản các ngôn sứ nói lời của Thiên Chúa, mà chú trọng đến nói những gì để người khác khen và vỗ tay tán thưởng.

(3) Thói thích được danh dự: "Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc." Con người háo danh thường thích được điều này. Người sứ giả của Thiên Chúa được khuyến khích làm ngược lại, vì: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống."

(4) Lợi dụng việc đạo đức để kiếm tiền: "Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." Việc lạm dụng các Bí-tích để kiếm lợi nhuận cho cá nhân đã từng xảy ra, và bị kết án nặng nề trong thời Phục Hưng.

2.2/ Khi cho đi, không phải chỉ cho của dư thừa: Đa số người Việt-nam chúng ta quan niệm không đúng về việc bỏ tiền vào nhà thờ, ví dụ hôm nay cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn về bổn phận đóng góp vào Nhà Chúa. Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao:

(1) Phải đóng góp bằng của cần dùng:

+ Người giầu: Chúa nhìn thấy có lắm người giàu có bỏ thật nhiều tiền, nhưng Chúa không khen họ khi Ngài nói: "Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó."

+ Có một bà goá nghèo: Bà đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền nói với các môn đệ: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết; vì bà này rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

(2) Phải tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Luật Do-thái nói rõ, dân chúng phải đóng góp 10% những gì họ thu thập được; ví dụ, nếu một tuần thu thập được 400 đồng, tiền bỏ vào nhà thờ sẽ phải là 40 đồng, nhưng rất ít người thời nay có được thói quen này. Một điều con người cần tập là tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Nếu con người bác ái cho đi, Thiên Chúa nhân từ sẽ rộng lượng cho lại; nhưng nếu con người cứ bo bo giữ của, làm sao họ có kinh nghiệm sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không chỉ thờ phượng Thiên Chúa bằng những lời ca ngợi; nhưng còn phải tỏ tình yêu chân thành bằng việc giữ các điều răn của Ngài.

- Khi làm việc thờ phượng, chúng ta phải chú trọng đến chiều kích tâm linh. Đừng để bị chia trí và lôi cuốn vì người khác hay vì những lợi nhuận vật chất.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 9 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Bảy :

Mc 12,38-44

A. Hạt giống...
Có hai hình ảnh rất đối chọi nhau trong đoạn Tin Mừng này :
- Hình ảnh của các luật sĩ : rất cao sang, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Thế nhưng đó chỉ là cái vỏ, che đậy bên trong là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối.
- Hình ảnh một bà goá : nghèo tiền nhưng rất giàu lòng. Chúa Giêsu coi đây là hình ảnh đẹp nên "gọi các môn đệ đến" chỉ cho họ thấy và bảo họ noi gương.

B.... nẩy mầm.
1. Được vinh dự, được ngợi khen, được tôn trọng, được coi là đạo đức… Ai mà không muốn được những thứ đó. Tôi cũng thế thôi. Nhưng Chúa bảo tôi "hãy coi chừng" : coi chừng đừng chỉ lo tô vẻ bề ngoài, coi chừng kẻo bề trong tương phản với bề ngoài ấy. Điều quan trọng hơn là phải bồi dưỡng bề trong trước.
2. Bà goá này làm tôi giật mình. Tôi chỉ bố thí khi tôi có tiền dư. Còn khi không dư thì thật vô phúc cho ai tới xin tôi lúc đó. Chẳng những tôi không cho, mà còn nói nặng nói nhẹ người ta nữa.
3. Bà lại nhắc tôi bổn phận đóng góp cho Giáo Hội : Tôi đã hưởng nhờ của Giáo Hội biết bao nhiêu thứ, thế nhưng tôi có ý thức góp một phần nào về tinh thần hoặc vật chất cho Giáo Hội không ?
4. Chúa Giêsu dạy một điều rất lạ mà rất hay : có khi nhiều mà là ít, như số tiền dư thừa mà những người giàu có bỏ ra ; có khi ít mà là nhiều, như một phần tư xu của bà goá nghèo. Nhiều không phải ở của bỏ ra mà là ở tấm lòng và sự hy sinh.
5. "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng" (Mc 12,38)
Chuyện kể rằng : một người được mời đến dự buổi tiệc lớn. Ông vui vẻ nhận lời và khoác bộ áo xấu nhất. Đến nơi, không ai thèm cười và để ý đến ông. Ông quay về khoác bộ áo đẹp có đính kim cương và các hạt nút bằng vàng. Trong khi ấy yến tiệc vẫn tiếp tục. Ông quay trở lại, lập tức bao lời mời đẹp nhất, danh dự nhất đều dành cho ông. Thịt béo rượu thơm lúc này được bày ra trước mắt ông và ông ngồi chỗ nhất.
Ông liền đứng lên, cởi áo khoác lên ghế, đoạn lấy thức ăn đưa cho cái  áo và nói : "Mày ăn uống đi, người ta mời mày đó !" Mọi người hết sức ngạc nhiên, nhưng đều hiểu ý ông này. Ông muốn nói với mọi người rằng giá trị của con người không ở bộ áo xúng xính hay cái mã bên ngoài nhưng đó là tấm lòng bên trong ; không ở những cái mình có nhưng ở cái mình là. Vậy tôi là ai ?
Lời Chúa hôm nay đối với tôi không chỉ là cảnh giác nhưng còn là lời tra vấn.
Lạy Chúa, xin giúp con biết con ; xin giúp con biết nhìn nhận phẩm giá của những người quanh con. Nhờ đó, con yêu thương nhiều hơn. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

08/06/13 THỨ BẢY TUẦN 9 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51

TRÁI TIM MẸ : TRÁI TIM YÊU CHÚA
Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng. (Lc 2,51)
Suy niệm: “Tôn sùng Trái Tim Mẹ” là một trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ đã truyền khi hiện ra tại Fatima năm 1917. Trước đó, vào thế kỷ XII, lòng sùng kính Trái Tim Mẹ đã được các nhà thần học khởi xướng. Cho đến ngày 8 tháng 12 năm 1942, Đức Piô XII đã long trọng dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Đây là việc thực hành đúng đắn và ý nghĩa mà Giáo Hội dành riêng để kính Mẹ, người Mẹ của Đấng đã vì yêu mà vâng lời cho đến chết va chết trên thập giá (Pl 2,8). Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ là tình yêu nguyên tuyền, trong sạch của Mẹ dành cho Thiên Chúa, cũng chính là Trái Tim đã để cho tình yêu Chúa chiếm đoạt, để rồi suốt đời Mẹ là lời đáp trả “xin vâng” trọn vẹn cho thánh ý Chúa. Việc Mẹ Maria luôn luôn ghi nhớ và suy niệm những việc Chúa làm nơi Mẹ là dấu chỉ Trái Tim Mẹ luôn luôn thuộc về Chúa. Nơi Trái Tim Mẹ, chương trình cứu độ của Chúa được thực hiện một cách viên mãn và tròn đầy.
Mời Bạn: Thánh Amađêô đã nói: “Tình yêu tự nhiên đối với Chúa là Con Mẹ và tình yêu siêu nhiên đối với Chúa là Thiên Chúa của Mẹ đều qui tụ trong Trái Tim Mẹ Maria.”Mẹ yêu Chúa nhiều nên con tim Mẹ luôn quy hướng về Chúa và suy nghĩ những điều thuộc về Chúa. Chúng ta nói rằng mình yêu mến Chúa thì tất cả lời nói hay việc làm đều phải quy hướng về Chúa.
Sống Lời Chúa: Dâng lên Mẹ một lời cầu xin Mẹ đồng hành với bạn mỗi khi bạn đọc và suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Xin Mẹ dạy con biết noi gương Mẹ: tất cả vì Chúa và cho ý Chúa được thưc hiện trong cuộc đời con. Amen.

Hằng ghi nhớ trong lòng 
Suy nim:
Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,
nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).
Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,
và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).
Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM Mc 12,38-44
Đoạn Tin Mừng được trình bày với hai cảnh: cảnh Đức Giêsu giảng dạy đám đông và cảnh Đức Giêsu ngồi trong Đền thờ. Và hai hình ảnh nổi bật của hai cảnh là các ông kinh sư và bà góa. Hai hình ảnh trái ngược nhau từ cách thể hiện bên ngoài đến nội tâm bên trong.
Trước hết là hình ảnh của các ông Kinh sư: thích mặc áo dài để đi dạo, thích được chào hỏi nơi công cộng, thích ngồi chỗ cao nhất trong hội đường, trong đám tiệc. Như thế, lời nhận định của Đức Giêsu về các Kinh sư cũng là lời tố cáo lối sống giả hình và hám danh của họ.
Và ngược lại với chân dung những ông Kinh sư quyền uy là hình ảnh của một bà góa nghèo. Sau khi quan sát những người bỏ tiền vào thùng dâng cúng cho Đền thờ, Đức Giêsu khẳng định với các môn đệ rằng bà góa nghèo đã bỏ nhiều hơn hết. Đức Giêsu đã đánh giá cao hai đồng tiền kẽm của bà. Ngài biết hai đồng tiền nhỏ là tất cả những gì bà có để nuôi thân.
Chúng ta cần ghi nhận lối đánh giá con người của Đức Giêsu. Ngài nhìn thấy tấm lòng chứ không chỉ dựa vào lễ vật.
Mong sao, tôi luôn xác tín rằng thiện chí của tôi, dù nhỏ nhoi và âm thầm, nhưng Chúa vẫn luôn nhìn thấy và trân trọng đón nhận.
Mong sao, tôi hiểu rằng, dù nghèo hèn hay khốn khó đến đâu, tôi vẫn có thể trao hai đồng tiền kẽm của tôi cho Chúa, cho Giáo hội và cho anh chị em tôi.

Lm. AN NAM
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

8 THÁNG SÁU

Một Cộng Đồng Nhân Vị

Bản văn Sáng Thế 2,24 được kết hợp với lời chúc phúc được ghi lại trong Sáng Thế 1,28: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”. Chúng ta nhận ra rằng hôn nhân và gia đình – vốn là một phần của mầu nhiệm sáng tạo con người – được nối kết bởi mệnh lệnh “thống trị” mặt đất. Mệnh lệnh này được Đấng Tạo Hóa ủy thác cho đôi vợ chồng đầu tiên.

Con người được kêu gọi thống trị mặt đất, nhưng con người phải cẩn thận. Con người được kêu gọi để thống trị mặt đất chứ không phải để hủy diệt nó; vì công trình sáng tạo là một quà tặng của Thiên Chúa và xứng đáng được chúng ta tôn trọng. Người nam và người nữ được mời gọi để thống trị mặt đất cùng với nhau. Và mối kết hợp này là gốc rễ phát sinh gia đình và xã hội.

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ vì con người là nam và là nữ – nhưng còn vì mối quan hệ hỗ tương của phái tính. Mối quan hệ ấy làm nên linh hồn và trái tim của “cộng đồng nhân vị”. Nó trở thành một thực tại qua Bí Tích Hôn Nhân và mang dáng dấp của sự hiệp nhất ba ngôi vị thần linh nơi Chúa Ba Ngôi.

Về chủ đề này, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc – bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’ (St 1,27); sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính; và nếu không liên lạc với những người khác, con người sẽ không thể sống và thể hiện các khả năng của mình” (MV 12).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Is 61,9-11;Lc 2, 41-51.
Chúa Giê-su ở lại đền thờ (tranh Hàn Quốc)


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm gặp Chúa Giêsu ở lại Đền Thờ sau ba ngày lạc mất. “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng.” (Lc 2, 51)

Khi Đức Mẹ chịu truyền tin, Đức Mẹ đã biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa thật, nhưng khi đứng trước những biến cố: Chúa Giêsu tự ý ở lại trong Đền Thờ. – Ngồi giữa các thầy dạy để nghe, đặt câu hỏi, đối đáp một cách thông minh. – Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao? – Trở về và hằng vâng phục. Qua từng biến cố Đức Mẹ chỉ biết ghi nhớ trong lòng. Chúng ta phải biết học nơi Đức Mẹ điều này. Bởi trong cuộc sống của chúng ta luôn có những biến cố lớn nhỏ, đôi khi chúng ta không quan tâm đến, làm cho chúng ta không nhận ra ân huệ của Chúa ban cho chúng ta. Cần phải ghi nhớ trong lòng mình để thấy mình còn sống tốt như hôm nay là nhờ ơn của Chúa.


Mạnh Phương

08 Tháng Sáu

Mẹ Chúng Ta

Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử tọa như sau: "Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Ðức Mẹ là ai?"
Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: "Thưa Cha, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa". Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: "Ðúng thế, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria". Liền sau đó, cử tọa liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Ðàng, Mẹ là Ðấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Ðấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Ðấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v...
Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Ðức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nóitiếp: "Ðức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn noid thêm về Ðức maria...".
Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: "Tôi xin được nói với anh chị em Ðức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Ðó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Ðàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria...".



Chính lúc Ðức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ.

Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Ðức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.

Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người trà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.

Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.

Sứ điệp của Ðức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.


(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét