Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

16-06-2013 : (phần 1) CHÚA NHẬT XI MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

Chúa Nhật Ngày 16/06/2013
Chúa Nhật Tuần XI Thường Niên – Năm C
(Phần I)


BÀI ĐỌC I: 2 Sm 12, 7-10. 13
"Chúa cũng đã tha tội cho vua rồi và vua sẽ không phải chết".

 Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Nathan thưa cùng Đavít rằng: "Ngài chính là người đó". Chúa là Thiên Chúa Israel phán rằng: "Ta đã xức dầu phong cho ngươi làm vua Israel và đã cứu ngươi khỏi tay Saolê. Ta đã ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao cả cung phi của chủ ngươi vào lòng ngươi. Và tặng cho ngươi nhà Israel và Giuđa. Nếu bấy nhiêu đó còn ít, Ta cho ngươi thêm nhiều nữa. Vậy tại sao ngươi khinh thường lời Chúa mà làm điều gian ác trước mặt Ta? Ngươi đã dùng gươm giết Uria người Hêthê và bắt vợ y làm vợ mình, ngươi còn dùng gươm con cái Ammon mà giết y nữa. Do đó, lưỡi gươm sẽ không rời khỏi dòng dõi ngươi cho đến muôn đời, vì ngươi đã khinh dể Ta, và cướp vợ của Uria người Hêthê làm vợ mình". Đavít liền nói với Nathan rằng: "Trẫm đã phạm tội cùng Chúa". Nathan thưa lại Đavít rằng: "Chúa cũng đã tha tội cho vua rồi, và vua sẽ không phải chết". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 31, 1-2. 5. 7. 11
Đáp: Lạy Chúa, Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con (c. 5c)

1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. - Đáp.
2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: Tôi thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi. - Đáp.
3)  Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ. - Đáp.
4)  Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng! - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Gl 2, 16. 19-21
"Không phải tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, anh em biết rằng con người được công chính hoá không phải do các việc làm của lề luật dạy, nhưng chỉ là nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Nên chúng ta đã tin vào Đức Giêsu Kitô để được công chính hoá do lòng tin vào Đức Kitô, chớ không phải do các việc làm của lề luật dạy. Do đó, không một ai được công chính hoá do các việc làm của lề luật dạy. Quả vậy, phần tôi, chính do lề luật mà tôi đã chết cho lề luật, để được sống cho Thiên Chúa. Tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Hiện giờ tôi sống trong thân xác, là tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và đã phó mình vì tôi. Tôi không loại bỏ ơn Thiên Chúa. Nhưng nếu có sự công chính nào bởi lề luật, thì quả thực Đức Kitô đã chết cách luống công. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 7, 36-50  hoặc 7, 36 - 8, 3
"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người nghĩ thầm rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi". Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa: "Xin Thầy cứ nói".

- "Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng". Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".

Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

Sau đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna, đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Muốn được ơn tha thứ phải có nhiều lòng tin và lòng mến
Thiên Chúa đã bỏ qua lỗi lầm cho Ðavít; Chúa Giêsu đã tha tội cho một người phụ nữ. Những bài Kinh Thánh như vậy đáng được những ai biết mình có tội, đọc lại và ngẫm nghĩ. Những người chưa thấy ngay tội lỗi của mình cũng hãy đọc lại để không bỏ mất ơn Chúa. Và nếu họ tiếp tục tưởng mình xa lạ với những câu chuyện trên, bài thư Phaolô sẽ đến để giúp họ suy nghĩ đúng về đời sống đạo đức.
Do đó cả ba bài Kinh Thánh ngày hôm nay đều gần chúng ta và muốn xây dựng chúng ta lớn lên trong ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đọc lại với lòng yêu mến, biết ơn.

1. Ðavít Ðược Chiếu Cố
Bài sách Samuen nhắc lại chuyện Ðavít. Ông là vị hoàng đế được con cái Israen yêu chuộng. Họ còn tin vào Lời Chúa hứa ban cho dòng dõi Ðavít một triều đại vững bền. Do đó nghĩ đến Ðavít, con cái Israen chỉ có một lòng kính yêu. Dù vậy, các tác giả thánh cũng không bỏ qua các lỗi lầm của Ðavít. Các người vẫn còn nhắc lại. Phải chăng để nói với chúng ta rằng: Chẳng có ai vô tội trước mặt Chúa? Các tác giả thánh còn nói đến các hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên Ðavít vì tội lỗi của ông. Há chẳng phải để nói rằng: Chúa vẫn không dung tha lỗi phạm của cả những người được Người tuyển chọn? Tuy nhiên khi kể lại các tội của Ðavít, các tác giả thánh dường như chú trọng nhiều hơn đến lòng thống hối ăn năn của nhà vua được mến chuộng ấy, và để nói lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với Ðavít, cả khi ông lỗi phạm. Ít ra đó là những điều chúng ta gặp thấy trong bài sách Samuen hôm nay.
Ðể dễ hiểu chúng ta vắn tắt nhắc lại câu chuyện mà nhiều người đã biết. Vào buổi chiều nọ, Ðavít dậy khỏi giường và đi tản bộ trên sân thượng. Ông thấy một phụ nữ đang tắm, dáng vẻ rất xinh đẹp. Ông sai người đi hỏi tung tích, mời nàng ấy đến và rồi nàng có thai. Chẳng may nàng đã có chồng, và ông đang ở ngoài mặt trận. Ðavít cho người đi, liệu cách giết người chồng xấu số kia và Ðavít cưới người phụ nữ ấy.
Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến gặp Ðavít. Natan bắt đầu gợi cho Ðavít biết những tội ông vừa phạm thật là nặng nề. Chúa đã xử với ông quá đại lượng. Người đã tuyển chọn, đặt ông làm vua, ban cho ông đủ mọi sự; và nếu ông còn cho như thế là ít, thì Chúa sẽ ban thêm gấp mấy ngần ấy nữa... Thế là ông đã khinh Lời Chúa; dám làm sự dữ trước mắt Người, đã cướp vợ người khác lại còn dùng gươm đâm chết chồng người ta, và họ là dân ngoại... Thế nên gươm sẽ không rời khỏi nhà ông bao giờ nữa.
Ðavít thấy lỗi của mình. Ông đã phạm những tội tày đình. Ông thật là người nhà giàu đã đi bắt con chiên nhỏ của người nhà nghèo đem về làm thịt đãi khách, đang khi ông có cả một đàn chiên lớn. Ông làm cho Danh Thiên Chúa bị nhục trước mặt dân ngoại. Có lẽ ông đã suy nghĩ không kỹ. Nhưng bây giờ được người của Thiên Chúa mở mắt cho, ông cúi đầu thú nhận: "Tôi đã phạm tội nghịch với Giavê".
Không phải ai cũng biết mau nhận lỗi như Ðavít. Càng không có nhà vua nào có thể khiêm nhường ngay như thế. Rõ ràng Ðavít chưa bỏ mất hẳn tính đơn thật chất phác của thời được Chúa gọi. Lòng thành nhận biết tội lỗi như thế quả thật đã kéo xuống được lòng chạnh thương cứu độ của Chúa.
Natan bây giờ nói với Ðavít: "Cả Giavê nữa, Người cũng bỏ qua lỗi lầm của ông". Nhưng sự việc này đã để lại trong cuộc đời của Ðavít nhiều hậu quả. Gươm vẫn không rời khỏi nhà Ðavít. Nhất là một tâm tình hối tiếc ăn năn không ngớt dâng lên trong lòng nhà vua, khiến ông trở thành hình ảnh gương mẫu cho những kẻ sám hối và nhiều thánh thi thú nhận tội lỗi đã được truyền tụng như là của ông.
Tuy nhiên vẫn có thể nói Ðavít vẫn chưa được phúc như người tội lỗi trong bài Tin Mừng hôm nay. Ông đã gặp Natan chứ không phải Chúa Giêsu. Và điều này khiến chúng ta thấy lòng thống hối trong Cựu Ước chưa gặp được niềm hân hoan cứu độ thực sự. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu đọc lại bài Tin Mừng đã.

2. Người Tội Lỗi Ðược Tha Thứ
Nhiều người coi đoạn văn này như một kiệt tác của nhà văn Luca. Nhưng phân tách một chút người ta thấy có một vài nét hơi bất thường. Câu chuyện hai người mắc nợ lồng trong câu chuyện người phụ nữ được tha thứ, có cần hẳn không? Nó làm cho bài tường thuật dài ra. Cắt bỏ đi, nó chẳng làm thiệt hại gì. Ðàng khác trong câu chuyện hai người mắc nợ, Chúa bảo: Ai được tha nhiều thì mến nhiều. Còn câu chuyện người phụ nữ tội lỗi Chúa lại khẳng định: bà ta được tha nhiều vì mến nhiều. Như vậy, hai lời tuyên bố không ăn với nhau, khiến hai câu chuyện không cần và theo lẽ không nên đi với nhau.
Rồi trong các sách Tin Mừng khác, cũng có chuyện một người phụ nữ xức dầu cho Chúa Giêsu ở Bêtania. Câu chuyện của Luca kể hôm nay có phải là câu chuyện của các tác giả kia không? Những thắc mắc này, cuối cùng, như chúng ta sẽ thấy, chỉ làm tăng giá trị cho bài tường thuật của Luca thôi. Và đó là điều nên để ý.
Thật ra câu chuyện hai người mắc nợ lồng giữa câu chuyện người phụ nữ tội lỗi không cần thiết. Nhưng nếu cắt bỏ đi thì thật là tiếc. Nó không làm tăng giá trị cho câu chuyện chính, nhưng có một tác động tâm lý rất quan trọng để người ta được điều kiện đón nhận bài học đạo đức sâu xa. Chúng ta cứ xem. Khi Ðức Giêsu vào nhà người Biệt phái để dùng bữa, người ta để ý quan sát Người biết mấy. Nhất là khi đột xuất có một người phụ nữ bước vào đi đến gần Người. Ai cũng sửng sốt vì biết rõ bà ta nổi tiếng tội lỗi ở trong thành. Kìa, bà ta đến đứng đàng sau Ðức Giêsu, khóc lóc nức nở. Thấy nước mắt mình chảy xuống làm ướt đẫm chân Người, bà vội cúi xuống, lấy ngay tóc xõa trên đầu cố lau cho sạch, rồi tha thiết hôn chân Người và lấy dầu thơm đổ xuống. Bằng ấy cử chỉ của bà ta chẳng làm cho người ta ngạc nhiên. Lạ thật! Họ vẫn suy nghĩ một cách cũ kỹ: Nếu Người là tiên tri ắt biết đứa động đến mình kia là ai. Nó là đứa tội lỗi mà... Ði thẳng vào vấn đề và lý luận cho họ hiểu ư, Ðức Giêsu thấy không được. Người phải nhẹ nhàng lôi cuốn họ đến chân lý. Người dùng khoa sư phạm của các bậc thầy thời bấy giờ. Người nói với chủ nhà: Simon, tôi có điều muốn nói với ông... Rồi Người kể một dụ ngôn, tức là câu chuyện về hai người mắc nợ. Người lôi cuốn suy nghĩ và tâm lý của người ta đến một chân lý dễ hiểu để từ đó so sánh với thực tại họ đang sống. Và vì là so sánh nên hai việc không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau. Những câu chuyện trong dụ ngôn chỉ là bàn đạp cần thiết cho người ta nhảy lên những thực tại tự nhiên khó nhận ra.
Và quả thật, sau khi nghe câu chuyện hai người mắc nợ, người ta đã được chuẩn bị tâm lý và tâm hồn để hiểu sự việc đang xảy ra trước mắt. Người ta thấy gì? Một người đàn bà tội lỗi ư? Không, bà ta đến đây không còn là người tội lỗi nữa. Bà đã chà đạp dư luận và những cái nhìn phán xét để đến đứng đàng sau Ðức Giêsu. Bà khóc lóc nức nở, biểu lộ tâm hồn ăn năn hối lỗi; bà lấy tóc mình mà lau chân Chúa; bà còn hôn chân Người một cách tha thiết. Bà đổ cả dầu thơm nữa. Bà có lòng mến nhiều. Không ai chối cãi được. Và đây là lòng mến sám hối tìm lại được con đường thánh thiện. Nó đã xuất từ một niềm tin, tin Ðức Giêsu là Ðấng Thánh, có thể làm cho mình khỏi tội. Không có niềm tin này, bà đã không làm như vậy. Niềm tin ấy còn gia tăng, từ khi bà có ý tưởng đến gặp Chúa Giêsu. Thoạt đầu bà đã dám đến đứng đàng sau Người; rồi bà khóc; rồi không thấy bị đuổi và thấy nước mắt mình làm ướt chân Người, bà đã vội vụng về lau bằng chính tóc của mình. Rồi bạo dạn thêm, bà hôn chân Chúa và đổ dầu. Bao nhiêu cử chỉ là bằng ấy chứng cớ về mức độ gia tăng của lòng tin và lòng mến. Bà không còn là người tội lỗi nữa. Bà đã đủ điều kiện để được nghe lời an ủi: "Tội của ngươi đã được tha... Hãy đi bằng yên". Chắc chắn bà đã được sung sướng hơn Ðavít, bà được tiếp xúc thẳng với Thiên Chúa. Người hiền từ và thông cảm làm sao! Người bênh vực kẻ tội lỗi. Người ban ơn tha tội. Người để họ ra về bình yên vì Người đã đổi mới họ.
Tất cả chúng ta đã được hưởng kinh nghiệm êm ái của người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi viết câu: "Tội của ngươi đã được tha. Hãy đi bằng yên", tác giả Luca không ám chỉ đến ơn tha tội và công thức tha tội trong Hội Thánh của chúng ta sao? Và nếu như vậy, hẳn người cũng đã muốn nói với chúng ta rằng: muốn được ơn tha thứ, phải có nhiều lòng tin và lòng mến.
Rồi khi kết thúc bài Tin Mừng hôm nay, Luca viết có nhiều phụ nữ được chữa lành khỏi quỉ dữ đã đi theo Chúa và phục vụ Người. Tác giả há không muốn ngụ ý rằng: sau khi được tha tội, chúng ta ra đi bằng yên bằng cách đi theo và phục vụ Chúa sao? Nhưng phục vụ thế nào?

3. Phaolô Phục Vụ Chúa
Thánh Tông đồ nêu gương cho chúng ta. Người đang tranh luận với những kẻ muốn duy trì tinh thần và tập tục Do Thái giáo ở ngay trong Hội Thánh. Họ muốn người dân Galát phải cắt bì và giữ luật Môsê, cho rằng chỉ những việc này mới ban ơn tha tội khiến con người được trở nên công chính. Như vậy, Ðức Giêsu Kitô và sự nghiệp của Người sẽ bằng thừa. Người ta cứ theo luật mà làm thì tội lỗi sẽ được tha và người ta được nên công chính. Ðức Giêsu Kitô không còn chỗ đứng nào nữa trong một quan niệm như vậy. Và điều này phủ nhận hẳn kinh nghiệm sâu xa của Phaolô và làm cho cuộc rao giảng Tin Mừng trở nên vô ích.
Phaolô là người như ngày nay không phải vì các việc làm theo lề luật. Ngược lại những việc này đã biến Phaolô nên người hăng say đi tìm bắt những kẻ theo đạo. Chính nhờ sự tỏ hiện của Chúa Giêsu Kitô và nhờ lòng tin của Người mà Phaolô được ơn tha thứ và trở nên công chính. Từ đó nhìn lại Luật pháp Môsê, người ta đã thấy chính Tổ phụ của dân đang giữ luật này cũng đã được công nhận là công chính, không phải do các việc ông làm, nhưng tự lòng ông đã tin Lời Chúa. Rồi hiện nay dân Do Thái đang làm không biết bao nhiêu việc theo lề luật, mà tội lỗi họ vẫn còn y nguyên đó.
Qua miệng các tiên tri, Thiên Chúa còn nói rõ: nhờ đau khổ, người Tôi Tớ của Người sẽ công chính hóa các tội nhân. Ðức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm thánh giá không phải là người Tôi Tớ này hay sao? Do đó Phaolô viết: Ðời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi. Chính Chúa Giêsu Kitô khi bị lề luật đóng đinh vào thập giá, đã đóng đinh lề luật vào sự chết của Người, để khi sống lại Người ban cho những ai tin vào Người ơn tha thứ tội lỗi và sự sống mới, không phải sự sống theo lề luật nữa, nhưng là sự sống làm con Thiên Chúa nhờ lòng tin và lòng mến.
Chúng ta đã sung sướng đồng ý với thánh Phaolô rồi khi Người nói: Chính nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà chúng ta đã được tha thứ tội lỗi. Chúng ta còn phải thi hành cũng chính lời Người đã nói theo cùng một ý đó rằng: nay tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi. Tức là chúng ta phải phát huy sự sống của Ðức Giêsu Kitô Cứu Thế trong thân xác và cuộc đời của chúng ta. Không những chúng ta phải từ bỏ nếp sống tội lỗi trước đây, mà còn phải bày tỏ đời sống làm con Thiên Chúa và làm anh em đồng bào với mọi người.
Chính Chúa Giêsu, trong mầu nhiệm cử hành nơi bàn thờ bây giờ muốn làm công việc ấy nơi chúng ta. Người ban ơn tha tội, cho chúng ta nhận lấy Người để chúng ta được làm con Thiên Chúa hơn và làm anh em với mọi người hơn. Ðời sống của chúng ta phải là đời sống phục vụ, như chính Chúa Giêsu đã đi trên đường phục vụ khi ở trần gian. Chúng ta không phải chỉ như người phụ nữ trong bài Tin Mừng: được tha thứ rồi bà sung sướng đi theo phục vụ Chúa. Chúng ta còn được thay mặt Chúa để làm công việc cứu thế. Và như vậy hạnh phúc của chúng ta trổi vượt hơn Ðavít ngày xưa biết mấy. Xin cho chúng ta biết đón nhận và sống ơn Chúa hôm nay ban như vậy.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 11 Thường Niên, Năm C

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Nhu cầu cần xét mình để nhận ra tội và đừng kết án tha nhân.

Trong cuộc đời, con người thường nghĩ các quyết định của mình là đúng, cho tới giây phút nào đó, Thiên Chúa gởi người đến soi sáng và vạch ra những sai lầm của mình. Trong những giây phút được soi sáng như thế, con người phải khiêm nhường nhìn nhận khuyết điểm thì mới nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Nếu không, giây phút hồng ân đó qua đi và con người sẽ ôm hận suốt đời.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những trường hợp được Thiên Chúa soi sáng. Trong bài đọc I, tiên tri Nathan sửa lỗi vua David rất khéo, bằng cách kể cho nhà vua nghe một câu truyện bất công. Thoạt nghe, vua David nổi xung buộc tội anh nhà giàu giết chiên hàng xóm; nhưng Nathan tuyên án vua David: anh nhà giàu đó chính là nhà vua! Lúc đó vua David mới nhận ra lỗi mình mà kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc II, trước biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus, Phaolô vẫn nghĩ con người có thể được cứu độ bằng việc giữ trọn vẹn Lề Luật; nhưng sau biến cố được soi sáng đó, Phaolô phải khiêm nhường nhìn nhận: không ai có thể giữ trọn vẹn Lề Luật. Vì thế, mọi người phải tin vào Đức Kitô mới được hưởng ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng kể một câu truyện và đòi người kinh sư phải trả lời; sau đó Chúa mới vạch trần sự khinh thường đón khách và sự kết án người khác của anh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: Tiên tri Nathan giúp cho vua David xét mình.

Để hiểu rõ trình thuật hôm nay, độc giả cần đọc lại những chương trước; nhất là câu truyện tiên tri Nathan kể về hai người hàng xóm trước đoạn này (2 Sam 12:1-6).

1.1/ Nhận ra những hồng ân Thiên Chúa đã làm cho nhà vua:

Sau khi Nathan kể chuyện, vua David bừng bừng nổi giận kết tội anh nhà giàu và ra hình phạt cho anh. Nhưng Nathan nói với vua David: "Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Israel, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Saul. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà IsraelJudah. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa.”

1.2/ Nhận ra tội lỗi nhà vua đã xúc phạm đến Thiên Chúa:

Vua David biết Nathan ám chỉ mình chính là người giàu có trong chuyện, và những gì xảy ra trong quá khứ David tưởng không ai biết giờ được Nathan thuật lại từng chi tiết.

(1) Tội giết người không vũ khí của David: Nathan tiếp tục: “Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm Uriah, người Hittite; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammonites mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Uriah, người Hittite, làm vợ ngươi.” David không trực tiếp dùng gươm đâm, nhưng âm mưu gởi Uriah ra chỗ mặt trận gay cấn nhất mà không cho quân cứu viện để Uriah phải tử trận vào tay quân thù. Mục đích là để David lấy được bà Batsheba, vợ của Uriah.

(2) Vua David ăn năn thống hối: Bấy giờ vua David nói với ông Nathan: "Tôi đắc tội với Đức Chúa." Ông Nathan nói với vua David: "Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết.” Kể từ đó, bao nhiêu điều khốn khổ đã xảy ra trong nhà David; nhưng nhà vua không dám than phiền Thiên Chúa vì đã biết tội mình.

2/ Bài đọc II: Không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.

2.1/ Xét mình theo tương quan với Lề Luật:

Trình thuật của Thư Galat hôm nay là trọng tâm đạo lý của Thư. Để hiểu tại sao Phaolô có thể kết luận: “con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Giêsu Kitô, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.” Chúng ta phải trở lại biến cố đã xảy ra cho Phaolô trên đường đi Damascus. Lúc đó, Phaolô còn là một “kinh sư thủ cựu” đang trên đường đi bắt bớ các tín hữu theo Đức Kitô tại Damascus; vì Phaolô nghĩ họ là những người chống lại Lề Luật tốt lành của cha ông để lại. Nhưng một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống làm ông ngã ngựa và bị mù. Sau đó, Đức Kitô Phục Sinh thân hành hiện đến với Phaolô và chứng minh cho ông Ngài vẫn sống.

Sau đó, Ngài mở mắt cả phần xác lẫn phần hồn cho Phaolô để ông hiểu: Lề Luật tốt lành, nhưng không một ai có thể giữ tất cả Lề Luật. Theo Lời Chúa phán với Moses, chỉ cần vi phạm một Luật thôi, con người cũng phải mang án tử. Vì vậy, không ai trở nên công chính nhờ việc giữ Luật, vì mọi người đều phạm tội. Hậu quả của tội là mọi người đều phải chết.

2.2/ Tại sao Đức Kitô phải đến?

Vì không ai có thể nên công chính và được cứu độ, nên Đức Kitô phải đến và lãnh hình phạt thay cho con người. Khi con người được xóa tội, con người được nên công chính với Thiên Chúa. Khi đã nên công chính, con người không phải chết nữa.

Vì thế, Phaolô xác tín: “Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích.”

3/ Phúc Âm: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."

Tại sao ông Pharisee Simon mời Chúa dùng bữa ăn? Chắc hẳn là không như một khách quí, vì ông đã không chu toàn nhiệm vụ hiếu khách. Chắc hẳn cũng không tìm cách hại Chúa như các kinh sư khác vì ông gọi Chúa bằng danh xưng Rabbi (Thầy). Nhưng có lẽ ông là người ở giữa muốn được phổ thông và cũng muốn được nghe Chúa dạy.

Người phụ nữ phải là khán giả của Chúa. Chị đã được nghe và cải hóa bởi những lời giảng dạy nên bày tỏ lòng ăn năn và tình yêu với Chúa. Sự kiện chị ấy xõa tóc trước công chúng bị coi là hành động không thể chấp nhận của một phụ nữ đứng đắn; nhưng chị không quan tâm vì chị sống thực lòng mình. Chị biết chị là người tội lỗi và nghĩ mọi người chung quanh biết điều đó, nên chẳng cần phải che đậy gì nữa.

Phong tục của người Do-thái: Khi khách đến thăm, chủ nhà sẽ đặt một tay trên vai khách và hôn khách, sau đó sẽ lấy nước rửa chân cho khách, sau cùng sẽ nhỏ trên đầu khách vài giọt dầu thơm. Ông kinh sư này đã không làm bất cứ thủ tục nào theo truyền thống cho Chúa Giêsu cả.

Không những thế, ông còn xét đoán cả Chúa và người phụ nữ: "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!"

3.1/ Chúa Giêsu mời ông Pharisee xét mình.

Giống như trình thuật Nathan-David trong bài đọc I, Chúa Giêsu cũng kể một câu truyện cho ông kinh sư. Thoạt nghe, ông kinh sư thấy chẳng có gì liên quan đến mình cả.

(1) Qua ví dụ hai con nợ: Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: "Này ông Simon, tôi có điều muốn nói với ông!" Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói." Đức Giêsu nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?" Ông Simon đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn." Đức Giêsu bảo: "Ông xét đúng lắm."

(2) Qua trường hợp cụ thể: Quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simon: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít."

3.2/ Chúa Giêsu tha tội cho người phụ nữ.

Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi." Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội?" Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."

Niềm tin của người phụ nữ biểu lộ qua tình thương chị dành cho Chúa Giêsu. Chúa không khen tội của người phụ nữ; nhưng Chúa tuyên dương hành động thống hối của chị. Chị biết mình có tội, và tội rất nhiều; nhưng chị tin vào lòng thương xót của Chúa Giêsu sẽ tha mọi tội cho chị. Vì chị có tội nhiều, nên chị biết ơn nhiều khi được tha nhiều. Và chị tìm thấy sự bình an.

Còn ông Pharisee, chúng ta không thấy trình thuật nói về phản ứng của ông, một lời xin lỗi Chúa cũng không thấy đề cập đến. Thực ra, mọi người đều có tội. Khi một người không cảm thấy có tội là do bởi xét mình chưa kỹ thôi. Điều nguy hiểm cho những người tự cho mình là công chính là họ không cần đến Chúa và tình thương tha thứ của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần phải thường xuyên xét mình để nhận ra tội lỗi và khẩn cầu ơn tha thứ của Chúa. Người không năng xét mình sẽ không nhận ra các tội để chừa.

- Sau khi đã hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta phải rộng lòng tha nhứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta.

- Chúng ta cần phải tránh xa việc xét đoán tha nhân. Hãy để việc đó cho Thiên Chúa. Chúng ta chỉ cần biết một điều: đã là người ai cũng có những giây phút yếu lòng cả.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


CHỊ HÃY ĐI BÌNH AN
Tội quá khứ khi được tha lại tạo nên hứng khởi để yêu hơn. Những vấp ngã được chữa lành lại khởi đầu cho một bước mới, can đảm hơn, quảng đại hơn và nồng nhiệt hơn. 


Suy nim:
Trong Tin mừng Luca, các người Pharisêu
ba lần mời Đức Giêsu dự tiệc (7, 36; 11, 37; 14, 1).
Xem ra không phải mọi người Pharisêu đều có ác cảm với Đức Giêsu.
Hôm nay Ngài là khách mời của ông Simon.
Ngài đến với ông như Ngài đã đến với người thu thuế tội lỗi (7, 34).
Trong bữa tiệc lớn này, thực khách nằm trên những ghế dài, có gối.
Tay trái dùng để tựa, tay phải dùng để lấy thức ăn.
Bất ngờ một phụ nữ mạnh dạn bước vào phòng tiệc.
Người ta nhận ra chị vốn là một người tội lỗi trong thành.
Chị đến đây vì biết Đức Giêsu có mặt trong bữa tiệc.
Ngài là người mà chị đã có lần gặp và nhận được ơn tha thứ.
Chị đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (c. 37).
Hẳn chị đã chuẩn bị kỹ và biết mình sẽ làm gì cho Đức Giêsu.
Khi đứng ở gần chân Ngài, chị bật khóc nức nở.
Nước mắt chị làm ướt đẫm chân Ngài.
Sau đó chị xõa tóc để lau khô, hôn lên chân và xức dầu thơm.
Những cử chỉ táo bạo của chị thật là chướng mắt cho những thực khách.
Ông Simon chủ tiệc không thể hiểu được tại sao một ngôn sứ như Ngài
lại để cho một phụ nữ tội lỗi làm những cử chỉ khiếm nhã như vậy.
Nhưng chính vì Đức Giêsu là ngôn sứ của Thiên Chúa
nên Ngài hiểu rất rõ ý nghĩa của những gì chị đang làm.
Đó không phải là cử chỉ quyến rũ của cô gái làng chơi,
nhưng là hành vi tri ân và yêu mến nồng nàn của người được tha thứ.
Tuyệt đối không có chút nhơ uế nào nơi những cử chỉ trên.
Đức Giêsu đã đón nhận tất cả với trái tim thanh khiết của mình.
Dụ ngôn sau đó của Ngài về hai người mắc nợ cho thấy
người được tha nhiều hơn sẽ bày tỏ tình yêu nhiều hơn (cc. 40-42).
Chị phụ nữ này chính là người đã được tha nhiều, nên yêu nhiều.
Lòng yêu mến trào dâng của chị
là kết quả của việc biết mình đã được thứ tha.
Chị là người yêu hơn (c. 42), và yêu nhiều (c. 47), so với ông Simon.
Tội quá khứ khi được tha lại tạo nên hứng khởi để yêu hơn.
Những vấp ngã được chữa lành lại khởi đầu cho một bước mới,
can đảm hơn, quảng đại hơn và nồng nhiệt hơn.
“Tội của chị đã được tha rồi”.
Đức Giêsu khẳng định lại với chị về ơn chị đã lãnh nhận.
Ngài ca ngợi lòng tin của chị và chúc chị đi bình an (c. 50).
Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi người phụ nữ này,
nhất là sự táo bạo của chị trong cách diễn tả tình yêu biết ơn.
Chị đã không nói một lời nào, nhưng nói bằng hành động.
Lắm khi chúng ta rụt rè khi phải bày tỏ lòng yêu mến Chúa,
ngại ngùng khi phải diễn tả lòng biết ơn.
Xin cho chúng ta dám trao hiến cả đời mình,
như người phụ nữ đổ bình bạch ngọc chứa dầu thơm lên chân Giêsu.
Cầu nguyn:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

16 THÁNG SÁU

Có Thể Tin Tưởng Dù Ngay Giữa Khổ Đau

“Vì sao Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta?” Câu hỏi ấy đã được đặt ra trong sách giáo lý Kitô giáo hay trong giáo huấn về đời sống Kitôhữu. Trong ánh sáng đức tin kiên vững của Giáo Hội, chúng ta (cả người trưởng thành lẫn thanh thiếu niên) cần phải tâm niệm những lời này: “Thiên Chúa đã tạo nên ta để ta hiểu biết và yêu mến Ngài trong cuộc sống này và để sống với Ngài mãi mãi trong cuộc sống đời sau”.

Đó là một chân lý lớn lao và chắc chắn về Thiên Chúa. Ngài là Cha Trên Trời của chúng ta và là Đấng hướng dẫn cuộc sống chúng ta bằng sự tiếp xúc êm ái và đầy yêu thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài mãi mãi.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16-6

Chúa nhật XI Thường Niên
2 Sm 12, 7-10.13; Gl 2, 16.19-21; Lc 7, 36-8,3


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều. Điều này giúp cho chúng ta cảm nhận ra tỉnh yêu của Thiên Chúa mà vững tin vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta phải biết chạy đến với Chúa trong mọi lúc, phải quyết tâm hoán cải; để sửa đổi mình nên tốt hơn. Đồng thời cũng giúp cho chúng ta biết cọng tác vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, mà luôn biết cầu nguyện cho những kẻ có tội  được ăn năn trở lại cùng Chúa và với cộng đoàn; chứ đừng xầm xì, hất hủi hay có thái độ xa lánh họ. Nếu chúng ta không ý thức và không tiếp tục cầu nguyện, thì con chiên lạc, lại sẽ bỏ xa đàn lần nữa.

Mạnh Phương


16 Tháng Sáu

Hãy Ðến Với Ta


Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước... Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu...

Người ta kể lại rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn...

Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.

Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Ðức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.


"Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho".


Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế... Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: "Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy".

Trút lên Ngài tất cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người. Kết hiệp với Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người đang đau khổ...

(Lẽ Sống)

16-6

Thánh Gioan Phanxicô Regis

(1597-1640)

S
inh trong một gia đình giầu có ở Narbonne, Languedoc nước Pháp, ngay từ nhỏ, vì quá mến mộ các thầy giáo Dòng Tên nên Gioan Phanxicô luôn ao ước gia nhập dòng này. Và ngài đã thực hiện ý định ấy khi 18 tuổi. Trong thời gian tu tập, mặc dù học trình rất nghiêm nhặt nhưng ngài đã dành nhiều thì giờ cầu nguyện hàng đêm.
Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Regis đi truyền giáo trong một vài thành phố ở Pháp. Ðặc biệt, ngài lưu tâm đến người nghèo và rất siêng năng thi hành mục vụ. Ngay từ sáng sớm ngài đã có mặt ở tòa giải tội sau khi cử hành Thánh Lễ; vào buổi chiều ngài đi thăm các bệnh nhân và tù nhân. Vào năm 1631, khi trận dịch hạch tấn công thành phố, ngài làm việc trong bệnh viện ở Toulouse với "những công việc tầm thường nhất ở trong bếp nhưng lúc nào cũng vui vẻ và sẵn sàng."
Vào thời bấy giờ, vì thiếu giám mục và các linh mục thì chểnh mảng, giáo dân không biết gì đến bí tích có trên 20 năm. Nhiều hình thức Tin Lành phát triển mau chóng trong khi hàng giáo sĩ vẫn giữ thái độ lãnh đạm trong nhiều lãnh vực. Trong ba năm trường, Cha Regis đã đi khắp địa phận, tổ chức các buổi học hỏi, xưng tội trước khi mời đức giám mục đến thăm. Ngài thành công trong việc hoán cải nhiều người và đã đưa họ trở về với đời sống đạo tốt lành.
Về đời sống cá nhân, ngài càng khó khăn với chính mình bao nhiêu thì ngài lại nhân từ với người khác bấy nhiêu. Thức ăn của ngài thường là rau trái và bánh thô, nhiều khi vì số người đến xưng tội quá đông đến độ ngài không còn thời giờ để ăn uống. Ðể hy sinh hãm mình, mỗi đêm, ngài ngủ không quá ba giờ đồng hồ.
Mặc dù Cha Regis ao ước đi truyền giáo cho người da đỏ Bắc Mỹ ở Gia Nã Ðại, nhưng suốt cuộc đời ngài đã tận tụy phục vụ Thiên Chúa trong những nơi hoang vu nhất ở ngay quê hương của ngài. Ở đó ngài phải chịu sự khắc nghiệt của thời tiết và nhiều thiệt thòi khác. Tuy nhiên, sự thánh thiện của ngài ngày càng gia tăng và được nhiều người biết đến.
Trong bốn năm cuối đời, ngài rao giảng và làm việc trong các tổ chức xã hội, nhất là cho người tù, người bệnh và người nghèo. Vào mùa thu năm 1640, dù cảm thấy cái chết đã gần kề, Cha Regis vẫn cố gắng trong công tác mục vụ, nhằm đưa các linh hồn về với Chúa. Sau khi làm việc cả ngày Giáng Sinh không ngừng nghỉ, vào ngày hôm sau, sau khi lên toà giảng ngài đã ngất xỉu vì kiệt sức. Bốn ngày sau đó, trước khi thở hơi cuối cùng, ngài đã thốt lên: "Lạy Chúa Giêsu, con phó linh hồn con trong tay Chúa." Lúc ấy ngài mới 43 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1737.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét