Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Giáo hoàng, tạp chí Forbes và khoa chú giải Thánh Kinh

Giáo hoàng, tạp chí Forbes và khoa chú giải Thánh Kinh

Forbes là một tạp chí kinh doanh của Mỹ, chuyên bàn về tài chánh, kỹ nghệ, đầu tư và tiếp thị. Ngoài ra, tạp chí này cũng tường trình về các chủ đề khác như kỹ thuật, truyền thông, khoa học và luật pháp. Nó nổi tiếng về các bảng liệt kê, nhất là bảng liệt kê những người Mỹ giấu nhất, những tài tử lương cao nhất, các tỷ phú gia. Khẩu hiệu của nó là “Khí Cụ Tư Bản” (The Capitalist Tool). Không lạ gì nó kịch liệt bênh vực chủ nghĩa tư bản. 

Chính trên tạp chí này, Jerry Bowyer đã có hai bài chỉ trích Đức Phanxicô không phải vì quan điểm kinh tế đúng nghĩa mà vì ngài đã dùng một khoa chú giải Thánh Kinh mà ông ta cho là tồi để hỗ trợ quan điểm kinh tế “tả khuynh” của mình. Bài đầu đăng ngày 13 tháng 3 năm nay, tựa là Is Jorge Bergoglio, The New Pope Francis, A Capitalist?, cho thấy sự lo ngại của Bowyer liên quan tới cách đọc đoạn Lc 19:1-10 nói về Giakêu. Bài thứ hai, tựa là Pope Francis's Economics: Yes, He Has A Leftist View Of Free Markets, thách thức việc ngài so sánh đoạn nói về con bò vàng ở Xh 32 với nền kinh tế thị trường ngày nay. Về cách đọc Xh 32 của Đức Phanxicô, Bowyer cho rằng “Bản văn là bản văn và ngay cả các vĩ nhân vẫn có thể và thực sự đã hiểu lầm nó”. Dù câu “bản văn là bản văn” che khuất thực tại rõ ràng của việc giải thích Thánh Kinh và sự kiện bản văn không luôn cho ta ý nghĩa của nó một cách dễ dàng cũng như không phải mọi nhà chú giải Thánh Kinh đều đồng ý một lối đọc tốt nhất cho một bản văn nào đó, một sự kiện từng phát xuất từ chính các tác giả Thánh Kinh, các thầy rabbis Do Thái và các Giáo Phụ, ta phải nhận rằng “ngay cả các vĩ nhân vẫn có thể và thực sự đã hiểu lầm nó”. Nếu câu đó đã đúng đối với các vĩ nhân, thì nhất thiết, nó cũng đúng với chúng ta, những người không phải là vĩ nhân cũng chẳng phải là học giả Thánh Kinh nổi tiếng. 

Giakêu, “cá mập cắt cổ”

Trong bài thứ nhất, Bowyer phản đối Đức Giáo Hoàng vì ông không thích nền kinh tế thị trường tân tự do (neo-liberal). Theo ông, tân tự do là một hạn từ được phe tả sử dụng để mô tả trường phái kinh tế hiện đại, là nền kinh tế cố gắng hướng thế giới về các thị trường tự do (chủ nghĩa tự do cổ điển) và tránh xa các hình thức kiểm soát trung ương khác nhau. Nhưng cuộc tranh luận chính trị tại Argentina có chiều hướng diễn ra giữa hai phe cùng lấy nhà nước làm trọng (statist), đó là chủ nghĩa Peron cánh hữu và chủ nghĩa Cộng Sản cánh tả. 

Theo tờ Catholic Herald, khuynh hướng của Đức HY Bergoglio phát xuất nhiều hơn từ cánh hữu phản thị trường hơn là từ cánh tả phản thị trường: “Thiện cảm chính trị của ngài nằm ở đâu? Nhất định không nằm ở cánh tả. Những người biết ngài hơn cả luôn coi ngài thuộc cánh hữu ôn hòa, gần với chiều hướng của chủ nghĩa Peron bình dân, một chủ nghĩa luôn đối nghịch với chủ nghĩa tư bản tự do. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2001-2002, khi Argentina không trả được nợ nần, khi dân ùa ra đường phố và các siêu thị bị cướp bóc, Đức HY Bergoglio đã nhanh chóng tố cáo hệ thống ngân hàng tân tự do, một hệ thống khiến Argentina không thể trả được các món nợ kia”. 

Tờ National Catholic Reporter, có khuynh hướng tự do, cho rằng “Đức HY Bergoglio vốn ủng hộ triết lý công bằng xã hội của Công Giáo Châu Mỹ La Tinh, trong đó có việc mạnh mẽ bênh vực người nghèo…”. Tờ này đã trích lời ngài như sau: “Ta đang sống trong phần bất bình đẳng nhất của địa cầu, tức phần gia tăng nỗi khốn cùng nhiều nhất và giảm thiểu nó ít nhất. Việc phân chia của cải cách bất công vẫn tiếp diễn, khiến cho tội xã hội kêu thấu tời Trời và giới hạn các khả thể sống đầy đủ hơn cho rất nhiều anh chị em của ta”. 

Đức HY Bergoglio nhấn mạnh tới việc phân chia của cải hơn là việc tạo ra chúng. Về phương diện tâm linh, ngài nhấn mạnh tới việc phải đồng hóa với người nghèo và tới lợi ích thiêng liêng của việc sống nghèo. 

Sau khi lược tả quan điểm kinh tế của Đức Phanxicô và của Argentina, Bowyer nói đến một bài giảng lễ của ngài. Ông không trích dẫn chính bài giảng mà dựa vào một phúc trình đăng trên trang mạng www.chiesa.espressonline.it nói về Đức HY Jorge Bergoglio, trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Đây là lời trích dẫn bài báo do Sandro Magister viết: “Tại buổi hát kinh Tạ Ơn (Te Deum) trong một nghi lễ toàn quốc vào ngày 25 tháng 5 mới đây, con số khán giả nghe bài giảng của Đức HY Bergoglio quả là kỷ lục. Đức HY yêu cầu dân chúng Argentina hành động như Giakêu đã hành động trong Tin Mừng. Ông từng là một con cá mập cho vay cắt cổ. Nhưng nhờ ý thức được sự thấp hèn về luân lý của mình, ông đã trèo lên cây sung, để nhìn thấy Chúa Giêsu và để Chúa Giêsu nhìn thấy ông và hoán cải ông”. 

Bowyer phê phán hình ảnh Đức HY Bergoglio mô tả Giakêu như “con cá mập cho vay cắt cổ”. Ông bảo hình ảnh ấy quả nặng nề và có tính chính trị. Theo ông, vấn đề là Tin Mừng đâu có mô tả như thế, Giakêu đâu phải người cho vay, mà là một viên thu thuế. Nhưng Bowyer đâu ngờ điều này: trong bài giảng bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức HY Bergoglio không dùng thuật ngữ “cá mập cho vay cắt cổ” (sinister loan shark). Đó chỉ là cách “phiên dịch” của Sandro Magister mà thôi. Bowyer phạm một sai lầm mà không hiểu ở tòa soạn Forbes người ta gọi là gì, nhưng trong giới học hỏi Thánh Kinh, người ta gọi là nghiên cứu tồi vì đã không chịu tìm đọc chính bản gốc. Thực ra, không những không gọi Giakêu là “con cá mập cho vay cắt cổ”, Đức Hồng Y Bergoglio còn mời gọi chúng ta theo gương ông. 

Ngài chỉ gọi ông là “publican”, một hạn từ phiên dịch tốt nhất hạn từ telônês của Hy Ngữ, nghĩa là “người thu thuế”. Như thế, dở về nghiên cứu hẳn là Bowyer chứ không phải Đức Phanxicô. Còn bài thứ hai đăng ngày 23 tháng 5, 2013, thì sao? 

Con bò vàng

Một lần nữa, Bowyer nhắc tới một bài giảng khác, lần này của Đức Phanxicô Giáo Hoàng và xem ra ông dựa vào chính lời của ngài chứ không dựa vào bản tóm tắt của người khác, tức lời ngài nói với các đại sứ: “Việc thờ bò vàng thuở xưa tìm được hình ảnh mới và vô tâm nơi việc tôn thờ tiền bạc và nền độc tài của một nền kinh tế không mặt mũi và thiếu hẳn mục tiêu nhân bản”.

Bowyer không thích việc Đức Phanxicô sử dụng hình ảnh bò vàng trong thí dụ này, không phải việc ngài giải thích chi tiết về ẩn dụ bò vàng cho bằng chính hình ảnh bò vàng. Thực ra, Đức Giáo Hoàng chỉ muốn so sánh việc dân Do Thái thờ bò vàng, một ngẫu tượng, chứ không thờ Thiên Chúa đích thực và sống động với việc nhiều người thời nay thờ tiền bạc, cũng là một ngẫu tượng, chứ không thờ Thiên Chúa đích thực và sống động. 

Dựa vào câu trích trên, Bowyer cho rằng: câu truyện bò vàng được thuật ở chương 32 sách Xuất Hành. Sau khi thoát khỏi Ai Cập và băng qua Biển Đỏ, Dân Israel tiến vào vùng núi Sinai. Ở đấy, Moses leo lên núi thánh để tiếp nhận lề luật của Thiên Chúa, còn Dân Israel thì đóng trại ở phía dưới. Vì Moses ở trên núi quá lâu, Dân Israel cảm thấy nóng ruột, nên đã yêu cầu Aaron, anh trai Moses và là người lãnh đạo thứ hai, làm cho họ các thần minh để lãnh đạo họ khi Moses không ở đấy. Aaron thu vàng bạc của dân và đúc nên tượng một con bò, vốn là vật thờ phượng truyền thống ở Ai Cập. 

Nếu vậy, thì chỗ nào trong câu truyện nói tới trật tự thị trường tân tự do? Trình thuật này rõ ràng là một tranh đấu chống lại quyền lực chính trị. Pharaô là chủ nhân ông về chính trị của Dân Israel. Moses tranh đấu chống nhà nước Ai Cập và thắng thế. Dân Israel trở thành một quốc gia độc lập, với Moses là nhà cai trị dân sự dưới uy quyền của Thiên Chúa. Rồi Moses đánh mất lòng tin tưởng của dân, nên dân đòi một tân lãnh tụ. Người Ai Cập vốn chạm khắc các hình tượng thần minh, trong đó có hình tượng bò, để hỗ trợ quyền lực của Pharaô, vốn được coi là vua và thần minh. Aaron cũng đã làm như vậy. Vàng được lấy ra khỏi diễn trình lưu hành (nghĩa là lấy ra khỏi lãnh vực nó có thể được dùng để đổi chác trên thị trường) và được nhà lãnh đạo dân sự mới tập thể hóa để tuyên truyền và nhằm kết hợp chính trị. Nhà lãnh đạo này sau đó, đã sử dụng hệ thống chính trị kiểu Ai Cập để tạo ra một người cầm đầu sẽ dẫn dân trở lại Ai Cập, trở lại với ách thống trị của một nhà nước uy quyền. 

Bowyer đọc câu truyện bò vàng đại cương như thế, như một biểu tượng chính trị chứ không phải một biểu tượng tôn giáo. Chính vì thế ông tự hỏi: Đúng ra, chỗ nào trong câu truyện nói tới nền độc tài của trật tự thị trường tân tự do? Thiển nghĩ điều đó đâu có trong câu truyện bò vàng mà cả chuyện “ách thống trị của một nhà nước uy quyền” cũng không có nốt. 

Ông dựa vào Nơkhemia 9 để hỗ trợ cho việc ông hiểu bản văn Xuất Hành như trên. Không dựa vào câu nào nhất định, ông chỉ viết chung chung rằng: “Tiên tri Nơkhemia trong lịch sử sau này của Israel đã giải thích câu truyện cách đó, nghĩa là đi tìm một lãnh tụ (rosh trong tiếng Hípri có nghĩa người cầm đầu) để dẫn họ trở lại Ai Cập”. Chủ đề “đi tìm một lãnh tụ” rất có thể có trong Nkm 9, nhưng nhất định không phải là vấn đề chính để hiểu ý nghĩa của câu truyện bò vàng. 

Hạn từ rosh quả có trong Nkm 9:17, tuy nhiên hạn từ này không nhất thiết có nghĩa là “lãnh tụ” hay “đầu” mà có nghĩa “khởi đầu” hay “khởi sự” nhiều hơn. Chính vì thế, bản New Revised Standard Version xuất bản năm 1989 đã dịch câu đó như sau: họ “nhất định trở lại kiếp nô lệ ở Ai Cập”. Đây là lối dịch của hầu hết các ấn bản Thánh Kinh Công Giáo như Bible de Jérusalem, Knox; các bản dịch Việt Nam, trừ bản của Tin Lành, cũng dịch như vậy.

Nhưng dù cách đọc Nkm 9:17 của Bowyer có đúng đi chăng nữa, nghĩa là dân Israel có tìm một lãnh tụ để dẫn họ trở lại Ai Cập, và dù sau này, Giarópam có tạc nhiều bò vàng để củng cố quyền lực chính trị của mình (1V 12:26-33) đi chăng nữa, thì tội lớn lao vẫn là thờ ngẫu tượng, bất kể ngẫu tượng đó là một người làm vua hay các hình tượng chạm khắc. Đây không phải là chuyện thờ “nhà nước” Ai Cập hay là tự do của Thiên Chúa, được điển hình hóa trong “Sách Ước, một thực thi mười điều răn có tính dân sự, một thứ hiến pháp ngắn của quốc gia với một nhà nước nhỏ nhoi nhưng mạnh mẽ bảo vệ quyền tư hữu”. Đây là việc phải thờ phượng một mình Thiên Chúa, không thờ phượng bất cứ nhà nước nào, dù lớn dù nhỏ, hay bất cứ hệ thống chính trị, thị trường tự do hay thị trường nhà nước hoặc an toàn tiền tệ nào. Đây là câu truyện nói về vị Thiên Chúa duy nhất, chân thật và hằng sống, và những ngẫu thần dùng thay thế Người.

Tất cả chúng ta đều từ bỏ con người của mình lúc giải thích Thánh Kinh, Bowyer trái lại đã dùng Thánh Kinh để hỗ trợ cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Với ông ta, “bản văn là bản văn” trừ khi các thiên kiến thắng vượt nó, lúc ấy, ta sẵn sàng dùng bản văn để hỗ trợ cho các con bò vàng của chính mình. Đã đành, các nhà giải thích ít nhiều đều có những điểm yếu như thế, nhưng họ đâu có lạc thời gian (anachronistic) đến nỗi coi Moses là chiến sĩ của thị trường tự do, các con bò vàng là tượng trưng cho cái nôi “duy nhà nước” nhằm nuôi sống hệ thống an sinh xã hội nặng nề. 

Đức Phanxicô từng nói nhiều về các phân cách giầu nghèo, về nền chuyên chế của tiền bạc, nhưng ngài đâu cần phải có một chủ trương kinh tế đặc thù như “tân tự do”, duy xã hội hay gì gì đó để hiểu rằng cả Chúa Giêsu nữa cũng đã chỉ trích sự phân cách giầu nghèo và nền chuyên chế của tiền bạc. Nền chuyên chế của tiền bạc được Người đề cập một cách rõ rệt hơn cả trong dụ ngôn người giầu có ngu ngốc (Lc 12:13-21) trong khi dụ ngôn người giầu có và người nghèo Ladarô (Lc 16:19-31) nói rất hay về khoảng cách giầu nghèo. Nhưng có nhân vật nào bị mô tả là tân tự do hay duy xã hội đâu! Họ chỉ là những con người để tiền bạc thống trị đời họ. Điều này xẩy ra dưới bất cứ hệ thống kinh tế nào, dù đó là hệ thống tốt nhất. 

Khi giải thích con bò vàng trong Xh 32 như lời chỉ trích “chủ nghĩa nhà nước” chứ không phải các ngẫu tượng, Bowyer đã đi quá trớn. Đã đành, mọi thực thể chính trị tại Cận Đông xưa, đúng hơn, trên toàn bộ thế giới cổ thời, đều có liên hệ với các thần minh. Hồi ấy, không hề có sự phân biệt giữa Ai Cập và các thần minh của Ai Cập, không hề có sự phân biệt giữa Thiên Chúa của Israel và Israel. Nhưng ta hãy trở về với con bò vàng. Xh 32:1 cho ta hay: dân muốn Aaron “làm cho chúng tôi các thần minh để các ngài đi trước chúng tôi”. Trong XH 32:4, Aaron nói về các con bò vàng: “Hỡi Israel, đây là các thần minh của các ngươi, những vị đã dẫn các ngươi ra khỏi đất Ai Cập”. Các thần minh này không nhất thiết là biểu tượng của Ai Cập, hay ngay cả ý muốn trở lại Ai Cập, nhưng là những biểu tượng sai lạc về Thiên Chúa, những biểu tượng mà họ nghĩ đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ và đói khát của Ai Cập, vì họ đã đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa chân thật. Bộ Tân Chú Giải Thánh Kinh Jerome cho ta hay: “thờ phượng những ngẫu thần này là vi phạm điều răn thứ nhất (Xh 20:2-7)… Trong tranh ảnh của Cận Đông xưa, bò được vẽ rõ ràng hoặc như biểu tượng của các thần minh, như Thần Bò (Bull El) trong bản văn Ugaritic, hoặc như những con vật với các thần minh đứng trên lưng. Dưới mắt dân chúng, các hình tượng này tượng trưng cho Giavê (do đó, một bàn thờ đã được dựng lên cho chúng), ngược hẳn lại truyền thống vô ảnh tượng của Israel” (số 59). Bất kể người Do Thái nghĩ những hình tượng này biểu tượng cho điều chi, cho các thần minh khác, cho Giavê, hay cho ngai tòa Giavê ngự, thờ phượng chúng đều sai lầm như nhau. Tiền bạc cũng là một thứ bò vàng nếu nó được thờ phượng thay vì Thiên Chúa chân thật và hằng sống. Lòng yêu quí tiền bạc này vượt trên mọi hệ thống chính trị, nhưng bất cứ khi nào và nơi nào nó trở thành ngẫu tượng, Đức Phanxicô đều có lý để phê phán nó. 

Cuối cùng, điều đáng nói ở đây là người ta không cần phải dựa vào tạp chí Forbes để học hỏi Thánh Kinh vì trong lãnh vực này, Jerry Bowyer “non est audiendus” (không cần phải được nghe). Cũng thế, ta cần lắng nghe Đức Phanxicô khi ngài nói tới tiền bạc, giầu nghèo và Thánh Kinh; còn chuyện kinh tế, xin miễn, chuyện ấy là việc của các chuyên viên. 


Viết theo John. W. Martens, Bible Junkies 23-05-2013


Vũ Văn An6/6/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét