Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

10-11-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN năm C


10/11/2019
Chúa Nhật 32 Thường Niên năm C
(phần II)

Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 32 Thường niên năm C
(2 Mcb 7,2,1-2.9-14; 2 Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-40)
SỰ SỐNG LẠI CỦA KẺ CHẾT
‘Thiên Chúa không phải của kẻ chết, là mà của kẻ sống’ (x. Lc 20,38)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (2 Mcb 7,1-2.9-14)
Câu truyện trong sách Macabê hôm nay thuật lại niềm tin kiên vững của bà mẹ và bảy người con trước sự bắt bớ hành hạ của vua Antiôkhô. Họ sẵn sàng chịu chết hơn là phạm tội vì họ tin rằng Thiên Chúa sẽ dủ thương tôi tớ Người, Người sẽ cho họ sống lại để được sống đời đời. Đây là một tư tưởng khá mới của sách Macabê so với các sách Cựu Ước trước đó. Cách chung, người Do thái nghĩ là chết là đi vào chốn tối tăm, bị quên lãng, không còn ai nhớ tới. Ở đó không có ánh sáng của Thiên Chúa, không còn kêu cầu Danh Chúa, như chúng ta đọc trong các Thánh vịnh.
Bài đọc hôm nay là những lời tuyên xưng rõ ràng về sự sống lại của thân xác con người. Các anh hùng trong sách Macabê còn tuyên bố rõ rằng: các chi thể bị hành hạ cắt xẻo bởi lý hình thì Thiên Chúa cũng sẽ ban lại cho họ. Niềm tin của họ ngược lại với tinh thần Hy lạp vốn coi thân xác là tù ngục níu kéo con người trong những đam mê nặng nề, và chỉ có tiêu diệt thân xác thì con người mới siêu thoát, mới vươn đến những giá trị tinh thần cao đẹp. Chính sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu đã khẳng định ý nghĩa của niềm tin vào sự sống lại của kẻ chết.
2. Bài đọc 2 (2 Tx 2,16-3,5)
Thánh Phaolô, qua lời cầu nguyện, mong ước các tín hữu ở Thessalonika, những người đang bị bách hại và cảm thấy lung lay, không biết mình có thể sống như Thiên Chúa muốn không, hãy kiên vững trong thử thách và giữ vững truyền thống đã được khuyên dạy. Ngài khẳng định với họ về sự trợ giúp Thiên Chúa ban cho họ để giúp họ thắng vượt những khó khăn ở giữa dân ngoại.
Thánh nhân cũng xin họ cầu nguyện cho ngài, là người đang làm việc rao giảng lời Chúa. Ngài cũng gặp khó khăn do sự thiếu lòng tin của những đối phương, nhưng quan tâm của ngài là để Tin mừng được rao giảng rộng rãi chứ không vì sự an nguy của mình. Trong mọi lúc, thánh Phaolô cho thấy rõ niềm tin tưởng cậy trông vào lòng trung thành của Thiên Chúa và qua lời cầu nguyện của mình, ngài khuyên họ hướng lòng về tình yêu trung thành của Thiên Chúa và Đức Kitô, nguồn nâng đỡ vô tận của họ. Chính niềm tin tưởng vào sự trung thành của Thiên Chúa, vào sự hoàn thành các lời hứa của Người là sức mạnh giúp các tín hữu kiên vững trong mọi hoành cảnh.
3. Bài Tin Mừng (Lc 20,27-40)
Nhóm Sađốc là một trong các đảng phái lãnh đạo trong Do thái giáo; phần lớn của nhóm này thuộc tầng lớp tư tế và quý tộc giàu có; họ bảo thủ về giáo lý và chỉ nhận bộ Ngũ Thư – năm sách được coi là của Môsê – là Sách Thánh. Do đó những gì không được nói đến trong bộ Ngũ Thư thì cũng không được họ công nhận. Họ không tìm thấy giaó lý về sự sống lại trong năm sách của bộ Ngũ Thư, do đó họ không tin vào sự sống lại của kẻ chết. Trái ngược với nhóm Sađốc, nhóm Pharisêu công nhận không chỉ bộ Ngũ Thư, các sách Ngôn sứ và các trước tác, mà còn công nhận những giáo điều được truyền thống ghi nhận từ Môsê, trong đó có giáo điều căn bản về sự sống lại của kẻ chết. Do đó vấn đề về sự sống lại của kẻ chết luôn là đề tài tranh luận của hai nhóm này.
Trong bài Tin Mừng hôm nay nhóm Sađốc lại tranh luận về chủ đề kẻ chết sống lại, nhưng đối tượng của cuộc tranh luận là Chúa Giêsu. Họ chất vấn Đức Giêsu về vấn đề này bằng cách dùng luật hôn nhân để chứng minh là việc kẻ chết sống lại là một điều buồn cười. Nếu như theo luật, cả bảy anh em đều cưới một phụ nữ, thì khi sống lại, người phụ nữ này sẽ là vợ của ai? Đây quả là một câu hỏi khó và đầy cạm bẫy, nhưng Chúa Giêsu đã trả lời cách rõ ràng cho họ dựa trên lý luận và trên Kinh Thánh.
Trước hết, điều kiện sống ở thế giới này không phải là bằng chứng rằng đời sau sống lại người ta cũng sống trong cùng điều kiện như thế. Nghĩa là đời này người ta cưới vợ lấy chồng, vì người ta sẽ chết nên muốn lưu danh người chết bằng cách làm cho họ có người nối dõi tông đường, kéo dài sự hiện diện của họ trên trần gian. Nhưng “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng“, nghĩa là họ đã trở nên con cái Thiên Chúa, họ như những thiên thần, họ sẽ không còn chết nữa, họ được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, sự sống phục sinh khác xa với sự sống ở trần gian này. Những điều kiện hay vấn nạn của thế giới này không còn nghĩa lý gì đối với cuộc sống trên Nước Trời. Đây là sự sống mới nhờ sát nhập với Đức Kitô phục sinh qua việc cùng chịu đau khổ với Người.
Chúa Giêsu còn giải thích thêm cho họ bằng cách dùng lời Kinh Thánh trong sách Xuất hành (3,2) khi Thiên Chúa xưng mình ra với ông Môsê rằng Người là Thiên Chúa của các tổ phụ. Các tổ phụ đã chết từ lâu, nhưng Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của họ khi Người vẫn yêu thương, không bỏ rơi họ trong thế giới sự chết. Thiên Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ vì Người là Đấng cứu độ, che chở và giải thoát họ. Các tổ phụ vẫn “sống” vì Thiên Chúa vẫn quan tâm đến họ. Thế giới người chết không phải là nơi vĩnh viễn đóng kín con người ở đó, nhưng là nơi họ chờ đợi Thiên Chúa cứu thoát họ.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Có lẽ chúng ta không gặp những khó ngăn nguy hiểm đến tính mạng vì bảo vệ niềm tin như các anh hùng trong sách Macabê, nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta có dám tuyên xưng mình là người Công giáo khi phải chọn lựa một điều hơn thua? Ví dụ mình có sống thành thật, không gian dối nơi trường học, công sở hay phố chợ?
2. Thánh Phaolô nói đến việc rao giảng Lời Chúa và cầu nguyện cho việc rao giảng Lời Chúa được lan rộng để đem Tin Mừng đến cho nhiều người. Chúng ta có thể làm gì để cộng tác vào việc rao giảng này?
3. Chúng ta có xác tín vào sự sống lại của chúng ta trong ngày Chúa quang lâm? Chúng ta làm gì để chuẩn bị cho mình vào số những người được Thiên Chúa tuyển chọn vào hưởng hạnh phúc dành cho con cái Người?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha toàn năng đã cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, chính Người cũng sẽ cho thân xác yếu hèn của chúng ta được phục sinh vinh hiển vào ngày sau hết. Với niềm xác tín “xác loài người ngày sau sống lại”, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
1. “Vua hoàn vũ sẽ cho chúng tôi được sống lại để hưởng sự sống vĩnh cửu.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, biết diễn tả và loan báo niềm tin vào sự sống đời sau bằng một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa, siêng năng tham dự các cử hành Phụng vụ, và tích cực thực thi công bình bác ái.
2. Rất nhiều người trong xã hội hiện đại đang sống như thể không có đời sau. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trên thế giới biết tin nhận Thiên Chúa là nguồn mạch và cùng đích của muôn vật muôn loài, luôn sống xứng đáng với phẩm giá và ân huệ Chúa ban, để được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Người.
3. “Thiên Chúa sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi mọi sự dữ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang gặp khó khăn thử thách trong đời sống, biết cậy trông tín thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, luôn trung thành với các giá trị Tin Mừng và chú tâm tích lũy cho mình kho tàng ở trên trời.
4. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho thân bằng quyến thuộc của chúng ta đã qua đời sớm được vui hưởng vinh quang với Chúa, cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức sống ơn gọi của mình bằng một đời sống yêu thương, tha thứ và phục vụ.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ hằng quan tâm đến mọi nhu cầu của con cái, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn nâng đỡ, để chúng con thêm tin tưởng mà tiến bước trong hy vọng trên hành trình về bên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 32 TN C
Chủ đề :
Cuộc sống đời sau


Kẻ chết sống lại
(Lc 20,27-38)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Chuyện một bà mẹ và 7 đứa con tử đạo. Họ dám chết bởi vì họ tin tưởng vào cuộc sống mai sau.
– Tin Mừng : Chúa Giêsu tranh luận với nhóm Sađóc về vấn đề kẻ chết sống lại.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Lời Chúa hôm nay bảo đảm có một cuộc sống đời sau. Đây quả là một niềm hy vọng vui mừng, vì cuộc sống nơi dương thế của chúng ta sẽ không kết thúc bằng ngõ cụt, nhưng đó là một chặng của cuộc hành trình về cõi trường sinh.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta sống thế nào để sẽ mãi hạnh phúc trong cuộc sống đời sau.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta quá lo cho cuộc sống đời này mà ít lo cho cuộc sống đời sau.
– Nhiều khi chúng ta sống buông thả như không có đời sau.
– Cách sống của chúng ta chưa thuyết phục được người khác rằng chúng ta thực sự tin có đời sau.
III. Lời Chúa
1.     Bài đọc I (2 Mcb 7,1-2.9-14)
Chuyện kẻ về thời vua Antiochus bắt đạo. Một bà mẹ và 7 người con thà chịu chết chứ không chịu bỏ đạo Chúa.
Trích đoạn này chỉ ghi cái chết của 4 người con đầu. Lời họ nói với vua đều khẳng định Chúa sẽ cho họ hưởng sự sống đời đời.
2.                 Đáp ca (Tv 16)
Đây là lời cầu nguyện của những vị tử đạo : “Con đã sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài. Khi thức giấc, con sẽ được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh nhan”
3.                 Tin Mừng (Lc 20,27-38)
Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy : ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy :
– Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nói giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.
– Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.
4.                 Bài đọc II (2 Tx 2,16–3,5) (Chủ đề phụ)
Như đã trình bày (Chúa nhựt 31), nhiều tín hữu ở giáo đoàn Thêxalônica nghĩ rằng sắp tận thế nên đâm ra lười biếng không làm việc và sống buông thả. Trong trích đoạn của Chúa nhựt trước, thánh Phaolô đã vạch ra sai lầm của suy nghĩ đó.
Trong trích đoạn hôm nay, Thánh Phaolô nói thêm : dù không biết chắc khi nào tận thế và Chúa lại đến, nhưng các tín hữu phải sống trong niềm hy vọng và mong chờ Chúa đến. Chính niềm hy vọng và sự mong chờ này sẽ là động lực giúp họ sống tốt.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Bàn về việc sống lại
Ông Cao Bá Quát là một nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt nam. Ông có mấy câu thơ như sau :
“Ba vạn sáu ngàn ngày lá mấy,
Cảnh phù du trông thấy những nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo.”
Ông Cao Bá Quát nghĩ rằng đời người vắn vỏi lắm, dài nhất là 3 vạn 6 ngàn ngày, nghĩa là 100 năm, sau đó thì ai cũng chết, mà chết là hết tất cả, cho nên còn sống bao lâu thì hãy lo ăn chơi, hưởng thụ, uống rượu “tiêu khiển một vài chung lếu láo”. Những người không tin có đời sau, không tin có sống lại, thì cũng dễ rơi vào quan niệm sống buông trôi hưởng thụ như 4 câu thơ trên.
Thời Chúa Giêsu, phái Sađốc cũng không tin có sống lại. Họ dựa vào một khoản luật của Môsê để đặt ra một câu chuyện lố bịch chế diễu Chúa Giêsu. Khoản luật đó là : Nếu một người đàn ông có vợ nhưng chưa có con mà bị chết, thì một trong các anh em trai của người chết ấy phải cưới lấy người vợ góa. Khi sinh ra đứa con đầu tiên thì phải coi đứa con đó là con của người đàn ông quá cố. Mục đích của luật này là để cho người quá cố không bị tuyệt tự, nhưng vẫn có con lưu truyền nòi giống cho mình. Phái Sađốc đã căn cứ vào khoản luật này và đặt ra một thí dụ : gia đình kia có 7 anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con, người thứ hai lấy người vợ góa đó nhưng cũng chết không con, tới người thứ 3, thứ tư, năm, sáu bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không có con. Vậy khi sống lại thì người đàn bà này sẽ là vợ của ai ? Ta thấy mục đích của phái Sađốc là mỉa mai cho rằng sống lại là việc phi lý, vì nếu có sống lại thì chẳng lẽ người đàn bà ấy có thể là vợ chung của tập thể 7 anh em kia sao ?
Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời rất khôn khéo. Ngài vừa chứng minh rằng sống lại là một điều hợp lý, vừa giải thích cho người ta hiểu tình trạng của kẻ sống lại như thế nào.
Trước hết, để chứng minh rằng sống lại là điều hợp lý, Chúa Giêsu lập luận rằng Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống, chỉ có kẻ sống mới hưởng được tình thương của Chúa. Nếu chết mà là hết thì đâu còn hưởng được tình thương của Chúa. Do đó Chúa phải cho kẻ chết sống lại để họ có thể hưởng được tình thương Chúa mãi mãi. Lập luận này đối với chúng ta ngày nay thì hơi lạ tai, khó hiểu. Nhưng đối với người Do thái thời đó, vốn rất quen với quan niệm “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống”, thì họ đều dễ hiểu. Tóm lại là Chúa Giêsu khẳng định rằng kẻ chết sẽ được sống lại.
Rồi Chúa Giêsu còn giải thích tình trạng của kẻ sống lại như thế nào : đó là một cuộc sống khác hẳn cuộc sống bây giờ, không còn cưới vợ lấy chồng nữa ; cuộc sống ấy rất thánh thiện như “các thiên thần” cuộc sống ấy rất thân mật với Chúa, kẻ lành sống lại được coi là “Con của Chúa”.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay thuật lại một cuộc tranh luận về giáo lý giữa phái Sađốc và Chúa Giêsu. Phái Sađốc mỉa mai việc kẻ chết sống lại, còn Chúa Giêsu thì khẳng định tín điều ấy. Chúng ta chẳng cần đi sâu vào chi tiết cuộc tranh luận đó làm chi. Điều cần chúng ta quan tâm hơn là hãy suy nghĩ về niềm tin của mình. Vấn đề thực tế đối với chúng ta là chúng ta tin có sự sống lại Vậy nếu chúng ta tin có sống lại thì bây giờ chúng ta phải sống như thế nào ?
Hồi nảy chúng ta đã nghe lại mấy câu thơ của ông Cao bá Quát với chủ trương còn sống bao lâu thì hãy ăn chơi, hưởng thụ cho tối đa, kẻo chết rồi sẽ không còn được hưởng thụ nữa. Đây là quan niệm của những người không tin có sống lại. Vì quan niệm như vậy, cho nên nếu họ có sống buông thả, chạy theo hưởng thụ thì cũng là hợp lý thôi. Thế nhưng có những người có đạo mà cũng sống theo kiểu đó, quan tâm duy nhất của họ là chỉ lo ăn, lo mặc, lo xài, lo mua sắm, lo chơi, lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất. Sống kiểu đó là mâu thuẫn với niềm tin của mình.
Hạng người thứ hai không quá duy vật như số người vừa kể trên. Tuy họ mãi mê kiếm tiền và rất coi trọng cuộc sống vật chất, nhưng họ vẫn không quên đời sau. Họ ít đến nhà thờ, ít đọc kinh cầu nguyện, nhưng họ chịu khó bỏ tiền ra để xin lễ, chịu khó bỏ tiền ra để góp phần xây sửa nhà thờ, đóng góp tiền bạc khi có những cuộc quyên góp… Bỏ tiền ra như vậy là họ yên tâm, cho rằng mình đã có bỏ vốn để đầu tư cho đời sau. Có phải đó là niềm tin vào sự sống lại không ? Có lẽ cũng là niềm tin, nhưng là tin lệch lạc : hạnh phúc đời sau không phải mua được bằng tiền bạc đâu. Đời này thì có tiền mua tiên cũng được, nhưng đời sau không phải vậy !
Thiết nghĩ nếu chúng ta tin rằng có sống lại, thì chúng ta phải thể hiện niềm tin ấy bằng cách sống của mình. Thể hiện thế nào ?
– Trước hết, ta phải biết đánh giá những biến cố xảy ra ở đời này bằng cặp mắt đức tin : người không tin thì rất sợ chết, rất sợ bệnh tật, rất sợ mất mát, rất sợ đau khổ. Họ sợ như vậy là phải, bởi vì họ không biết có đời sau. Chỉ có mỗi đời này mà đời này lại bệnh tật, mất mát, khổ sở và chết nữa thì không sợ sao được. Nhưng người có đạo như chúng ta đã tin có đời sau, đã tin rằng đời này chỉ là tạm, đời sau mới vĩnh viễn, mà cũng sợ như thế tức là mâu thuẫn với niềm tin của mình.
– Điểm thứ hai để thể hiện niềm tin của mình vào sự sống lại là chúng ta phải biết phân chia thời giờ của ta để quan tâm chăm lo mọi mặt :
Dành một phần thời giờ để lo làm ăn sinh sống.
Dành thêm một phần thời giờ khác để gần gũi với con cái, giáo dục gia đình.
Thêm một phần thời giờ nữa để xây dựng những tương quan xã hội.
Và chắc chắn cũng phải dành một phần thời giờ để lo việc đạo, đời sau.
Chúng ta phải nhớ nguyên tắc “Gieo gì thì gặt nấy” : nếu chúng ta dành hết thời giờ ở đời này để chỉ lo tiền bạc vật chất thì chúng ta chỉ gặt được tiền bạc vật chất mà thôi ; nếu ta không dành thời giờ để xây dựng hạnh phúc gia đình thì sẽ không có gì lạ nếu gia đình ta chẳng hạnh phúc ; nếu ta không đầu tư thờ giờ và công khó để lo cho đời sau thì mong gì đời sau ta sẽ được hạnh phúc.
Dưới đây là một câu ngạn ngữ phương Tây cho chúng ta suy nghĩ :
Nếu bạn muốn hạnh phúc một ngày, hãy mua một cái áo mới
Nếu bạn muốn hạnh phúc một tuần, hãy làm thịt một con heo.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một năm, hãy cưới vợ lấy chồng.
Nếu bạn muốn hạnh phúc một đời, hãy làm người sống tử tế
Nếu bạn muốn hạnh phúc một muôn đời, hãy làm người có đạo tốt.
* 2. Sống lại
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đề cập đến vấn đề kẻ chết sống lại. Mỗi khi chúng ta đọc kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Chúng ta tuyên xưng như thế và chúng ta tin điều đó dễ dàng. Chứ thực ra vấn đề này không dễ dàng cả vào thời Chúa Giêsu lẫn ở thời nay.
Thời nay có nhiều người chỉ nghĩ đến vật chất : ngay cả Thiên Chúa, linh hồn và đời sau họ còn không tin, huống chi là tin chuyện xác loài người chết rồi mà một ngày kia còn sống lại được. Thời Chúa Giêsu 2000 năm trước đây cũng thế. Vấn đề kẻ chết sống lại là một tín điều không phải do trí óc con người lý luận ra, mà do Thiên Chúa mạc khải dần dần qua dòng thời gian. Ở thời xa xưa, khi mạc khải Chúa chưa tỏ hiện trọn vẹn, người Do thái cũng tin như những dân ngoại : Họ tin rằng sau khi chết, phần linh hồn của con người còn tồn tại, tồn tại trong cõi âm phủ tối tăm không ánh sáng vì thiếu hết mọi hạnh phúc, linh hồn kẻ lành người dữ sau khi chết đều phải rời vào cõi âm phủ buồn thảm đó. Còn phần xác thì tiêu tan ra, không hy vọng gì sống lại được. Mãi đến thời anh em nhà Macabê khởi đầu dành độc lập cho đất nước Do thái, nghĩa là khoảng 100 năm trước Chúa Giáng sinh, mạc khải mới cho biết xác loài người có ngày sẽ sống lại. Chính vì tin tưởng như thế nên vào thời này, như đoạn sách thánh lúc nãy thuật lại, có 7 anh em nhà bị bắt và được dụ dỗ bỏ đạo, 7 anh em sẵn sàng thà chết phần xác mà không bỏ đạo còn hơn là chết luôn phần hồn vì tội chối Chúa, vì họ tin chắc rằng xác thể họ sẽ không chết mãi, nhưng Thiên Chúa sẽ cho sống lại vinh hiển. Tuy đã có mạc khải như thế, nhưng cho tới thời Chúa Giêsu, vẫn có người còn chưa tin theo. Đại biểu của những kẻ không tin này là phái Sađóc. Vì không tin, nên khi nghe Chúa Giêsu giảng về kẻ chết sống lại, họ mỉa mai chế giễu và đến với Chúa đặt ra một câu hỏi lố bịch cốt ý chọc ghẹo Chúa. Họ lý luận : nếu như ông nói người ta sẽ sống lại, thì giả sử một nhà kia có 7 con trai, anh cả lấy vợ rồi chết. Và căn cứ theo luật Môsê thì em kế phải cưới người vợ góa để có con nối dõi tông đường, nhưng em kế cũng chết mà không con, rồi người thứ ba lấy, rồi cũng chết, cứ thế cho đến hết 7 anh em. Vậy khi sống lại thì người đàn bà kia là vợ của ai ? Khi hỏi như thế, nhóm Sađóc dĩ nhiên không cần Chúa trả lời rằng người đàn bà đó là vợ của ai cả, nhưng muốn Chúa bị bắt bí và phải thú nhận rằng giáo lý của Ngài về việc kẻ chết sống lại lại là bố bịch và do đó Ngài phải phủ nhận giáo lý đó để đi theo lập trường của họ. Nhưng trong câu trả lời của Chúa Giêsu, Ngài chẳng những giải thích rõ hơn về việc kẻ chết sống lại, mà còn trả lời thẳng về việc ai là chồng của người đàn kia. Đại khái Ngài bảo : vấn đề kẻ chết sống lại là một điều chắc chắc có căn cứ trên sách thánh, bởi Thiên Chúa đã phán Ngài là Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, mà Thiên Chúa không là Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống, cho nên các tổ phụ đó tuy đã lìa đời nhưng vẫn là kẻ sống và xác thể họ sẽ sống lại. Ngài còn cho phái Sađóc biết thêm rằng : sau khi sống lại người ta không còn sống theo những điều kiện của đời này, nghĩa là không còn cưới vợ lấy chồng nữa.
Tất cả đều hướng về Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc thật và độc nhất, và là Đấng thoả mãn mọi nhu cầu của con người.
Chúng ta là con cái Chúa đang sống giữa con cái thế gian như một nhóm thiểu số, như hạt muối trong lòng đất, như nhúm men trong thúng bột. Nhiều người sống quanh ta không tin ở đời sau, và đa số không tin việc sống lại. Do chính cuộc sống chúng ta, chúng ta phải làm sao chứng minh cho mọi người về niềm tin của chúng ta :
– Tin rằng xác loài người ngày sau sống lại, chúng ta phải làm sao cho mọi người thấy rằng ngoài những giá trị thuần túy vật chất như tiền bạc, cơm áo, tài sản… còn có những giá trị tinh thần quý báu hơn như thà mất mát một vài tiện ích vật chất chứ không phạm tội để bảo tồn những giá trị thiêng liêng của linh hồn ; như không khư khư nhắm mắt chỉ lo cho đời sống vật chất đời này mà quên mất đời sau : như dám quảng đại hy sinh chia xẻ những của cải mình đang có cho những người anh chị em túng thiếu hơn mình…
Một niềm tin chắc chắn và được biểu lộ qua một cuộc sống cụ thể như thế mới làm cho những kẻ không tin không chế nhạo chúng ta và còn có sức lôi kéo họ đi theo niềm tin của chúng ta về việc kẻ chết sống lại.
* 3. Hợp hoan bên chúa
Trong kho tàng chuyện cổ Tây Phương có câu chuyện Công Chúa Ngủ Trong Rừng, như sau :
Ngày xưa, ở vương quốc hạnh phúc, nhà vua sinh dược một công chúa xinh đẹp tuyệt vời. Lễ rửa tội được tổ chức linh đình, có mặt các bà tiên, mỗi bà tặng công chúa một món quà là một lời chúc tốt đẹp.
Dù không được mời, mụ phù thuỷ ghen tức cũng bay đến, lẩm bẩm câu chúc dữ : “Một ngày kia, cái suốt chỉ sẽ đâm vào tay công chúa và con bé sẽ phải chết !” Nói xong, mụ bay vù qua cửa sổ. Mọi người buồn bã mất vui. May thay, vẫn còn một bà tiên tốt bụng đến trễ. Bà nói : “Ta sẽ làm nhẹ lời nguyền rủa ấy : cô bé sẽ không chết, chỉ ngủ một giấc rất dài cho tới khi một hoàng tử tốt lành, sẽ đến nắm tay kéo dậy và cô sẽ được hạnh phúc mãi mãi”.
Để đề phòng, nhà vua cấm tất cả thần dân không được dùng suốt chỉ. Nhưng một ngày kia, công chúa lên tháp canh trong lâu dài và thấy một bà lão đang khâu vá. Cô xin bà cho khâu thử. Thế là cái suốt chỉ đâm vào tay cô, cô lăn ra chết !
Người ta đặt xác cô giữa lâu đài, nhưng các bà tiên tốt bụng đã khiến mọi người trong lâu đài cùng bất tỉnh cả. Một rừng cây mọc lên che phủ lâu đài. Hoa thơm cỏ lạ bốn mùa đua nở.
Thời gian trôi đi đã ngàn năm, cho đến khi một hoàng tử lịch lãm đi săn ngang qua đó, khám phá ra toà lâu đài. Chàng bước vào ngỡ ngàng trước nàng công chúa xinh đẹp. Hoàng tử đã quì gối cầm tay công chúa, và nàng liền mở mắt chỗi dậy. Thế là hoàng tử rước công chúa về kinh thành, xin vua cha tổ chức lễ cưới linh đình.
*
Công chúa ngủ trong rừng chính là hình ảnh của n người tín hữu an nghỉ trong ơn nghĩa Chúa. Sau một giấc ngủ dài họ được Thái Tử Bình An là chính Chúa Giêsu cầm tay nâng dậy, đưa vào tiệc cưới Nước Trời.
Chúng ta tin rằng con người sinh ra là để được sống mãi. Cái chết chỉ là ngưỡng cửa đưa vào chốn trường sinh. Một người chỉ có một cuộc sống, cuộc sống đời này sẽ quyết định số phận cho cuộc sống đời sau. Việc thiện hôm nay sẽ bảo đảm cho hạnh phúc ngày mai. Đúng như câu hát của nhạc sĩ Hoàng Vân : “Ngày mai, đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Phái Xa đốc, trái lại, họ không tin có sự sống đời sau, cũng chẳng tin có sự sống lại, nên hôm nay, Chúa Giêsu muốn tiết lộ một vài hình ảnh của đời sau rằng : Đời sau khác hẳn đời này. Người ta “không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” vì con người “không thể chết nữa”, nên đâu cần sinh con để bảo tồn nòi giống, nhưng được “sống ngang hàng với các thiên thần” là ca ngợi, tôn vinh và phụng thờ Thiên Chúa. Họ được thông phần vinh quang Thiên Chúa (Lv 12,7), được dự phần vào dòng dõi của Người (1 Ga 3,2). Thánh Phao lô viết : “Việc kẻ chất sống lại cũng vậy. Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt, gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang ; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ ; gieo xuống là thân thể có sinh khí mà chỗi dậy là thân thể có thần khí (1 Cr 15,42-44).
Quả thật, con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trường sinh, nhưng vì sự đố kỵ của ma quỷ mà cái chết đã nhập vào thế gian. Thánh ý của Thiên Chúa không thể mãi mãi bị ngăn chặn bởi quỷ ma, con người phải tìm lại được quyền bất tử của mình. Đó là sự sống lại của những người Công chính. Lời than thở của thánh Augúttinô đã nói lên nỗi khát khao của con người : “Lạy chúa Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa, nên lòng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.
Chúa dựng nên con người để hưởng hạnh phúc, nhưng không chỉ là hạnh phúc tạm bợ đời này, mà là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau, về với Đấng hằng đợi chờ và yêu thương ta mãi mãi. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú bên đường mà quên cùng đích cuộc đời là phải gặp được Chúa. Có những kẻ sống như thể mình không bao giờ phải chết, họ ung dung hưởng thụ những thú vui trần tục. Họ đã chết ngay khi còn đang sống. Có những kẻ sống như thể chỉ có đời này, tự điển sống của họ không có từ “đời sau”. Họ đang sống mà như đã chết.
*
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con hưởng dùng hương hoa của cuộc sống cùng với bao niềm vui và hạnh phúc. Chúng con chỉ xin Chúa thêm một ân huệ này là cho chúng con được về hợp hoan với Chúa đời đời. Amen. (TP)
* 4. Nghĩ đến sự chết
Càng lớn tuổi, chúng ta càng ý thức rằng cuộc sống này ngắn ngủi chừng nào và mỏng dòn như thế nào. Và mặc dù không muốn, càng ngày chúng ta càng nghĩ nhiều về sự chết.
Việc suy nghĩ về sự chết không nên khiến chúng ta bi quan sợ hãi, trái lại nó phải đem đến cho chúng ta những giá trị tích cực : nhờ nghĩ đến cái chết, chúng ta sẽ yêu quý sự sống hơn ; nhờ nghĩ đến cái chết, chúng ta sẽ đón nhận từng ngày sống như một món quà ; và khi đón nhận cuộc sống như một món quà của Chúa, chúng ta sẽ sống mà yêu thương Chúa nhiều hơn.
Chết chỉ là một bước đi qua. Tuy nhiên, nhiều người nghe nói thế mà không muốn tin như thế. Thực ra, có gì khó tin lắm đâu ? Cuộc đời vốn gồm nhiều bước đi qua :
– Khi chúng ta sinh ra là chúng ta đi qua từ cuộc sống trong bụng mẹ sang cuộc sống bên ngoài.
– Khi chúng ta đến trường là chúng ta đi qua từ cuộc sống ở gia đình nhỏ bé sang cuộc sống ở một cộng đồng rộng lớn hơn.
– Khi lập gia đình là chúng ta đi qua từ cuộc sống một mình sang cuộc sống lứa đôi.
– Khi đến tuổi hưu dưỡng, chúng ta sẽ đi qua từ cuộc sống làm việc sang cuộc sống nghỉ ngơi.
Mỗi một bước đi qua đều dẫn đến một tình trạng vừa giống như chết nhưng đồng thời cũng là một cách sống mới.
Thì ngày chết cũng vậy : đó là một bước đi qua từ cuộc sống đời này sang cuộc sống đời sau.
* 5. Làm chứng cho niềm tin vào cuộc sống đời sau
Bà mẹ và 7 người con trong bài đọc I là những người tin có sự sống đời sau, và họ đã làm chứng cho niềm tin ấy bằng cách dám hy sinh mạng sống đời này.
Chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau thì chúng ta cũng phải làm chứng cho người khác thấy là chúng ta thực sự tin như thế. Người khác mà thấy chúng ta thực sự tin như thế thì có thể họ mới tin theo chúng ta.
Nhưng thế nào là chứng tỏ mình thực sự tin vào cuộc sống đời sau ?
– Là chúng ta dám từ bỏ những thứ mà cuộc sống đời này cần.
– Là chúng ta không quá sợ khổ và sợ chết.
– Là trong khi còn sống, chúng ta không chỉ tìm kiếm những giá trị vật chất để bảo đảm cho đời này, mà còn tìm kiếm cách hăng say hơn những giá trị tinh thần và đạo đức là bảo đảm cho cuộc sống đời sau.
* 6. Kinh nghiệm cận tử
Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience) : nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau :
– Cảm nghiệm thứ nhất của những người ấy là thấy mình rời khỏi thân xác của mình, đồng thời cảm thấy nhẹ nhàng dễ chịu sau khi rời khỏi thân xác.
– Cảm nghiệm thứ hai là thấy mình đi trong một đường hầm rất dài. Sau khi đi hết đường hầm thì tới một vùng ánh sáng và gặp một Đấng tỏa ra ánh sáng. Thứ ánh sáng này sáng hơn mọi thứ ánh sáng họ đã từng thấy ở trần gian nhưng không chói mắt mà lại rất dễ chịu, đến nỗi họ muốn được ở mãi trong ánh sáng đó và bên cạnh Đấng tỏa ánh sáng đó.
– Cảm nghiệm thứ ba là được Đấng sáng láng ấy cho thấy lại cuộc đời của họ, giống như xem một cuốn phim quay tất cả những lời nói việc làm và suy nghĩ của họ từ hồi có trí khôn cho đến lúc chết. Lúc xem lại cuốn phim cuộc đời ấy, khi thấy một việc xấu thì tự nhiên lòng họ cảm thấy buồn và bứt rứt khó chịu, đồng thời đấng sáng láng ấy đánh giá cho họ biết đó là một việc làm không tốt. Ngược lại khi thấy một việc tốt thì họ cảm thấy vui, dễ chịu và hạnh phúc, đồng thời đấng sáng láng ấy khen thưởng. Những việc tốt là những việc đã làm vì lòng yêu thương, những việc xấu là những việc họ đã làm do động cơ không yêu thương.
– Được ở trong ánh sáng huyền diệu ấy và ở gần đấng sáng láng ấy, ai cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc nên muốn ở lại mãi, nhưng Đấng ấy bảo : “Bây giờ con chưa được ở lại, vì con còn nhiều việc bổn phận phải làm ở trần gian. Vậy con phải về”. Và khi đó là lúc họ tỉnh lại.
– Tất cả những người sống lại ấy đều thay đổi cách sống : từ đó trở đi họ không sợ chết nữa ; họ không coi trọng việc tìm kiếm danh lợi thú nữa mà chỉ lo chu toàn bổn phận và đối xử với mọi người bằng tình thương.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu nói : Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Tin tưởng vài tín điều kẻ chết sống lại, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1.     Hội thánh là hiện thân của Thiên Chúa Tình yêu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh / biết cố gắng sống trọn vẹn đức bác ái yêu thương / để mọi người nhận biết Chúa qua chính đời sống của mình.
2.     Thử thách gian truân dễ làm cho con người mất niềm tin / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang gặp khó khăn / buồn phiền trong cuộc sống / biết tìm đến Chúa là Đấng hay an ủi kẻ ưu phiền.
3.     Chúa yêu thương hết thảy mọi người / không bao giờ kỳ thị thiên tư / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết noi gương Chúa trong cách cư xử của mình.
4.     Cuộc sống hôm nay quyết định số phận mai sau của người tín hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết nhiệt thành sống đức tin / để nhờ đó mà được hưởng sự sống đời đời.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu Kitô, việc Chúa Phục sinh từ cõi chết là một đảm bảo cho cuộc sống đời sau của chúng con. Xin cho chúng con biết tuân giữ trọn vẹn Lề Luật của Chúa, để sau này cùng được chung hưởng vinh phúc trên trời với Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta là con của Ngài. Ngài dẫn dắt từng bước chân ta đi trên con đường dương thế này, và cuối cùng Ngài sẽ dẫn chúng ta về nhà Ngài. Với tất cả lòng tin yêu phó thác, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài.
VII. Giải tán
Xin Thiên Chúa thắp lên trong lòng anh chị em niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau. Xin cho niềm hy vọng ấy là động cơ giúp anh chị em sống tốt trong từng giây phút của cuộc sống đời này. Lễ xong, chúc anh chị em luôn bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật XXXII Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 10 Tháng 11, 2019

Chúa Giêsu trả lời cho các người Sađốc
Là những kẻ chế nhạo niềm tin vào Sự Sống Lại   
Lc 20:27-40 


Lời nguyện mở đầu

Thân lạy Đấng Mầu Nhiệm Hằng Sống,
Chúng con chỉ là hư không
Và chúng con vẫn có thể ngợi ca danh Người
Với chính tiếng nói của Lời Chúa
Đấng đã trở thành tiếng nói của toàn thể nhân loại chúng con.
Ôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi của con, con chẳng là gì trong Chúa
Nhưng Chúa lại hoàn toàn hiện diện trong con
Và thế là sự hư vô của con là Sự Sống … đó là sự sống đời đời.

Nt. Maria Evangelista, Thiên Chúa Ba Ngôi, dòng Cát Minh

1.  Bài Đọc

27 Có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chủ trương không có sự sống lại, đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Người rằng:  28 “Thưa Thầy, Môisen đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ góa đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng.  29 Vậy, có bảy anh em; người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. 30 Người kế tiếp cưới vợ góa đó, rồi cũng chết không con. 31  Người thứ ba cũng cưới người vợ góa đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. 32 Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết.  33 Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? Vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ.”  34Chúa Giêsu trả lời họ rằng:  “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, 35 song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; 36 họ sẽ không chết nữa : vì họ giống như thiên thần, vì họ là con cái của sự sống lại: họ là con cái Thiên Chúa.  37 Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môisen đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacóp.  38 Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.”  39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm." 40 Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.   

2.  Suy Gẫm
                            
a)  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng:

·         Bối cảnh:

Chúng ta có thể nói rằng đoạn Phúc Âm đề ra cho chúng ta sự phản ảnh của chúng ta là một phần chính của văn bản trong sách Tin Mừng Luca từ câu 20:20 đến câu 22:4, trong đó đề cập đến các cuộc thảo luận với các thày thượng tế của dân chúng.  Ngay ở đầu chương 20, Luca trình bày cho chúng ta một số các mâu thuẫn phát sinh giữa Chúa Giêsu với các thày cả và các kinh sư (các câu 1–19).  Tại đây, Chúa Giêsu thấy mình đối diện trước một số xung đột với các triết lý của phái Sađốc, những người thuộc dòng dõi của Gia-đốc, tư tế của vua Đavít (2Sm 8:17). Họ chỉ chấp nhận sự mặc khải trong những tác phẩm viết về ông Môisen (câu 28) và phủ nhận việc phát triển dần dần của sự mặc khải trong Kinh Thánh.  Trong ý nghĩa này, người ta có thể hiểu rõ hơn về câu nói:  “Môisen đã ra lệnh cho chúng tôi” được lặp đi lặp lại bởi những người Sađốc trong cuộc tranh luận đầy ác ý này mà họ đã dùng như một cái bẫy để gài Chúa Giêsu và “để mong bắt quả tang Chúa Giêsu lỡ lời” (xem Lc 20:2; 20:20).  Trường phái triết học này đã biến mất cùng với việc phá hủy Đền Thờ.

·         Luật về anh em chồng

Những người thuộc phái Sađốc nhất quyết từ chối không tin vào sự sống lại từ cõi chết bởi vì, theo họ, tín lý này không thuộc về phần mặc khải được truyền lại cho họ từ ông Môisen.  Điều tương tự cũng có thể được nói liên quan đến niềm tin vào sự hiện hữu của các thiên thần.  Tại Israel, niềm tin vào sự sống lại của người chết được thấy trong sách Đanien được viết vào năm 605 – 530 trước Chúa Giáng Sinh (Đn 12:2-3).  Chúng ta cũng tìm thấy nó trong sách tiên tri Mácabê, 2Mcb 7:9, 11, 14, 23.  Để giễu cợt niềm tin vào sự sống lại của người chết, các người Sađốc trích dẫn luật Môisen về anh em chồng (Đnl 25:5), liên quan đến lề luật cổ xưa của chủng tộc Do-Thái (gồm cả người Do-Thái), theo luật này, người anh em hay người thân cận của một người đàn ông cưới vợ mà chết đi không có con trai, thì phải kết hôn với người vợ góa để: a) bảo đảm người chết có kẻ nối giòng (các người con trai sẽ được chính thức thừa nhận như con của người đàn ông quá cố), và b) một người chồng cho người góa phụ, bởi vì người phụ nữ phụ thuộc vào người đàn ông cho việc sinh kế của họ.  Các trường hợp loại này được nhắc đến trong Cựu Ước trong sách Sáng Thế Ký và sách bà Rút.

Trong sách Sáng Thế Ký (38:6-26) chép lại việc “Giuđa đã cưới vợ cho người con trai trưởng Er, có tên là Tamar.  Nhưng Er, người con trưởng của Giuđa, làm mất lòng Đức Chúa, nên Đức Chúa khiến cậu chết.  Ông Giuđa bảo Ônan:  “Con hãy ăn ở với chị dâu con, hãy chu toàn nhiệm vụ của một người em chồng, và làm cho anh con có người nối dõi” (St 38:6-8).  Nhưng Ônan cũng làm mất lòng Đức Chúa và bị chết (St 38:10), bởi vì Ônan biết rằng giòng dõi sinh ra sẽ không được coi như là của mình, nên khi ăn ở với chị dâu thì cậu lại cho tinh rơi xuống đất, để không cho anh cậu có người nối dõi (St 38:9). Giuđa thấy vậy nên nói với Tamar, con dâu ông, về ở góa bên nhà cha nàng, để khỏi phải cho Shêla, con trai thứ ba của ông, làm chồng Tamar (St 38:10-11).  Tamar sau đó cải trang thành một cô gái điếm, ngủ với Giuđa và có song thai với ông.  Giuđa khi khám phá ra sự thật, đã công nhận “Tamar là người công chính và tôi đã sai” (St 38:26).

Trong sách của bà Rút, một câu chuyện tương tự được kể về chính bà, bà Rút là người Mô-áp, người vẫn ở góa sau khi lấy chồng là con của ông Êli-me-léc.  Cùng với mẹ chồng là bà Naomi, đã buộc phải đi ăn xin để sống qua ngày và đi mót lúa đằng sau thợ gặt, cho đến khi bà kết hôn với ông Bô-át, một thân nhân bên họ người chồng quá cố của mình.

Trường hợp mà những người Sađốc đề nghị với Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về câu chuyện của ông Tôbia, con trai ông Tôbít, kết hôn với bà Sa-ra, con gái của ông Ra-guên, người góa phụ có bảy đời chồng, tất cả đều bị giết bởi Át-mốt, con quỷ của nhục dục, ngay trong đêm động phòng.  Tôbia có quyền kết hôn với cô ấy vì cô thuộc về dòng dõi gia tộc của ông (Tb 7:9).

Chúa Giêsu nhắc cho các người Sađốc biết rằng mục đích của hôn nhân là sinh sản, và do đó nó cần thiết cho tương lai của loài người, vì không ai trong số “các con trai của thế gian này” (câu 34) là vĩnh cửu.  Song “những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau” (câu 35) thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không chết nữa” (câu 35-36), họ sống trong Thiên Chúa:  “họ giống như thiên thần, vì họ là con cái của sự sống lại, họ là con cái của Thiên Chúa” (câu 36).  Trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, các thiên thần được gọi là con cái của Thiên Chúa (xem ví dụ, St 6:2; Tv 29:1; Lc 10:6; 16:8).  Những Lời này của Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, trong đó được viết rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa vì sự Phục Sinh của Người, Người là Trưởng Tử sống lại từ cõi chết và, nhờ Thánh Thần, Người được đặt làm con Thiên Chúa với tất cả quyền năng (Rm1:4).  Ở đây chúng ta cũng có thể trích dẫn các bản văn của thánh Phaolô về sự Phục Sinh từ cõi chết như là một sự kiện ơn cứu rỗi của một bản chất tâm linh (1Cr 15:35-50).

·         Ta là:  Thiên Chúa của Kẻ Sống

Chúa Giêsu tiếp tục xác nhận thực tế của sự sống lại bằng cách trích dẫn một đoạn khác lấy từ sách Xuất Hành, lần này bắt đầu từ sự mặc khải của Thiên Chúa cho ông Môisen trong bụi gai bốc cháy.  Những người Sađốc làm rõ quan điểm của họ bằng cách trích dẫn lời của Môisen:  Chúa Giêsu, đồng thời, bác bỏ lập luận của họ cũng bằng cách trích dẫn lời của Môisen:  “Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môisen đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp” (câu 37).   Trong sách Xuất Hành, chúng ta thấy Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môisen với những lời này:  “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6).   Thiên Chúa sau đó tiếp tục mặc khải cho Môisen Danh Thánh Chúa: “Ta là” (Xh 3:14).  Chữ ehjej trong tiếng Do-Thái, từ gốc chữ Hei-Yod-Hei, được dùng để chỉ Danh Hiệu Thiên Chúa trong sách Xuất Hành chương 3:14, có nghĩa là chính Ta là Đấng Hiện Hữu.  Gốc chữ cũng có thể có nghĩa là sự sống, sự hiện hữu.  Và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu có thể kết luận:  “Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống” (câu 38).  Trong cùng một câu, Chúa Giêsu xác định rằng “tất cả sống vì Người [Thiên Chúa]”.  Điều này cũng có nghĩa là “tất cả sống trong Người”.  Suy gẫm về cái chết của Chúa Giêsu, trong thư gửi cho các tín hữu Rôma, thánh Phaolô viết: “Bằng cái chết, Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.  Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6:10).
                                                                                       
Chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu, một lần nữa, làm cho các người Sađốc thấy lòng trung tín của Thiên Chúa, đối với dân của Người, hay đối với một cá nhân, thì chẳng dựa trên sự tồn tại hay không của một vương quốc chính trị (trong trường hợp lòng trung tín của Thiên Chúa đối với Dân của Người), nó cũng không dựa trên có sự thịnh vượng và con cháu trong đời này hay không.  Hy vọng của người tín hữu thật sự không căn cứ vào vật chất của đời này, mà căn cứ vào Thiên Chúa Hằng Sống.  Đây là lý do tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi để sống như con cái của sự sống lại, đó là, con cái của sự sống trong Thiên Chúa, là Thầy và là Chúa của họ, “đã được tái sinh không phải do hạt giống dễ hư nát mà do hạt giống bất diệt, đó là, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1Pr 1:23).

b)  Một vài câu hỏi giúp cho việc suy gẫm:

·       Điều gì đã đánh động bạn nhất trong đoạn Tin Mừng này?  Những chữ nào? Thái độ đặc biệt nào?
·       Bạn hãy thử đọc lại bài Phúc Âm trong bối cảnh của các đoạn Kinh Thánh được trích dẫn trong phần chìa khóa dẫn đến bài đọc.  Bạn cũng sẽ tìm thấy những điều khác.
·      Bạn giải thích ra sao về sự mâu thuẫn phát sinh giữa các thượng tế dân chúng và các người phái Sađốc với Chúa Giêsu?
·       Hãy tạm ngừng và suy nghĩ về cách thức Chúa Giêsu đối diện với cuộc xung đột.  Bạn đã học được những gì từ cách cư xử của Chúa?
·       Bạn nghĩ đâu là trọng điểm của cuộc thảo luận?
·       Sự sống lại từ cõi chết có ý nghĩa gì đối với bạn?
·       Bạn có cảm thấy mình là con cái của sự sống lại không?
·      Sống trong sự sống lại bắt đầu ngay từ bây giờ, ở thời điểm hiện tại, mang ý nghĩa gì đối với bạn?       

3.  Cầu Nguyện

Từ Thánh Vịnh 17:

Lạy Chúa, chúng con sẽ được no thỏa, bằng cách chiêm ngưỡng Thánh Nhan Ngài

Lạy CHÚA, xin nghe con giãi bày lẽ phải,
lời con than vãn, xin Ngài để ý;
xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu
thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.

Con chẳng theo thói đời buông những lời sai trái.
Con tuân giữ mọi lời Chúa dạy,
tránh xa đường lối kẻ bạo tàn,
dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.
Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con.
Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.

Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa,
Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài
Về phần con, sống công minh chính trực,
con sẽ được trông thấy mặt Ngài,
khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan

4. Chiêm Niệm

Trích từ nhật ký mầu nhiệm của
Nữ tu Maria Evangelista của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, dòng Cát Minh

Cuộc sống trần thế này đầy tràn tình yêu, với ân sủng của “sự thật”, các quà tặng ẩn dấu và đồng thời, mặc khải bởi dấu chỉ….  Con cảm thấy một sự biết ơn to lớn cho mỗi một giá trị của con người. Sống trong sự hiệp thông với Đấng Tạo Hóa, trong tình bằng hữu với các anh em, trong sự mở lòng ra đối với công việc của Thiên Chúa và công việc của loài người, trong một kinh nghiệm liên tục của món quà của đời sống, ngay cả trong lúc đau khổ, thậm chí đơn giản khi được làm người, đó là một hồng ân liên tục, một món quà liên tục.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét