Mô hình Chủ nghĩa Tư bản mới
trong đó không ai bị loại trừ
Sáng thứ Hai 11/11, ĐTC Phanxicô đã gặp những vị đứng đầu
các Bộ của Toà Thánh. Trước đây, tất cả các Bộ trưởng đều là hồng y. Tuy nhiên,
tháng 7/2018, ĐTC bổ nhiệm ông Paolo Ruffini, một giáo dân, làm Bộ trưởng Bộ
truyền thông của Toà Thánh.
Văn Yên, SJ - Vatican News
Kế sau cuộc gặp các Bộ trưởng, ĐTC gặp Hội đồng về Chủ nghĩa
Tư bản Bao gồm. Chủ nghĩa Tư bản Bao gồm là một mô hình Chủ nghĩa Tư bản mới,
trong đó không ai bị loại trừ, khác với mô hình Tư bản cũ, nhắm tìm lợi ích của
một nhóm người.
Trong bài diễn văn trước Hội đồng, ĐTC nhắc lại bài diễn văn
của ngài tại Diễn đàn Toàn cầu Fortune-Time 2016 về nhu cầu cần có những mô
hình kinh tế bao gồm [inclusive - không ai bị loại trừ] và
bình đẳng hơn, cho phép mỗi người đều nhận được phần tài nguyên của thế giới
này và có cơ hội hiện thực hoá tiềm năng của họ.
Điều này đòi hỏi phải vượt qua một nền kinh tế loại trừ và
làm cho khoảng cách của đa số người với sự thịnh vượng được gần hơn, điều mà hiện
chỉ được hưởng bởi một thiểu số (x. Evangelii Gaudium, 53-55). Mức độ nghèo đói
gia tăng trên quy mô toàn cầu cho thấy sự bất bình đẳng chiếm ưu thế hơn là sự
hòa nhập hài hòa của con người và quốc gia.
Nhìn vào lịch sử gần đây, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài
chính năm 2008, cho chúng ta thấy rằng một hệ thống kinh tế lành mạnh không thể
dựa trên lợi nhuận ngắn hạn mà quên đi đầu tư và phát triển có hiệu quả, bền vững
và có trách nhiệm xã hội.
Hoạt động kinh doanh đúng “là một ơn gọi cao quý nhằm tạo ra
sự giàu có và cải thiện thế giới cho tất cả mọi người”. Tuy nhiên, như thánh
Phaolô VI đã nhắc, sự phát triển thực sự không thể chỉ giới hạn ở tăng trưởng
kinh tế mà phải thúc đẩy sự tăng trưởng của mỗi người và toàn bộ con người (x.
Thông điệp Populorum Progressio, 14). Điều này có ý nghĩa nhiều hơn là cân bằng
ngân sách, cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp nhiều loại hàng hoá hơn.
Một hệ thống kinh tế tách rời khỏi các mối quan tâm về đạo đức
thì không mang lại trật tự xã hội công bằng, nhưng sẽ dẫn đến một nền văn hóa
“dùng rồi bỏ”. Ngược lại, khi chúng ta nhận ra chiều kích đạo đức của đời sống
kinh tế, vốn là một trong những khía cạnh của học thuyết xã hội của Giáo hội,
thì chúng ta có thể hành động với lòng bác ái huynh đệ, trong khi mong muốn,
tìm kiếm và bảo vệ lợi ích của người khác và sự phát triển toàn diện của họ.
Đức Thánh Cha khuyến khích các thành viên của Hội đồng về Chủ
nghĩa Tư bản Bao gồm kiên trì trên hành trình liên đới quảng đại và dấn thân trả
lại cho nền kinh tế và tài chính một lối tiếp cận đạo đức vì con người.
(CSR_6642_2019)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét