24/12/2016
Vọng Giáng Sinh
LỄ VỌNG GIÁNG SINH
(Lễ Nửa đêm xem ở phía dưới)
BÀI ĐỌC I: Is 62, 1-5
"Ngươi đẹp lòng Chúa".
"Ngươi đẹp lòng Chúa".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Vì Sion, tôi sẽ
không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Đấng công
chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời.
Mọi dân tộc sẽ thấy
Người là Đấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người.
Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển
trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi. ngươi sẽ
không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang
vu. Ngươi sẽ được gọi là "kẻ Ta ưa thích", và đất ngươi sẽ được gọi
là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa và đất ngươi sẽ có dân cư.
(Như) thanh niên sẽ ở
cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì
vợ, Thiên Chúa ngươi cũng sẽ vui mừng vì ngươi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 4-5. 16-17.
27 và 29
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa
tới muôn đời (x. c. 2a).
1) Ta đã ký minh ước
cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Đavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho
tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua
muôn thế hệ". - Đáp.
2) Phúc thay dân tộc
biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng
rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. -
Đáp.
3) Chính người
sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Đá Tảng cứu độ của
con". Đời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người
sẽ được mãi mãi duy trì. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Cv 13, 16-17.
22-25
"Thánh Phaolô làm chứng về Chúa Kitô, con vua
Đavít".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Phaolô đến Antiôkia
thuộc Pisiđia, vào hội đường, đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng
rồi nói: "Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây.
Thiên Chúa Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ
còn cư ngụ trong nước Ai-cập, và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra
khỏi nước ấy.
"Sau khi loại bỏ
Saolê, Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính
Người đã phán: 'Ta đã gặp được Đavít, con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi
hành mọi ý muốn của Ta'.
"Bởi dòng dõi
Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng
mà Gioan đã báo trước, khi ông đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân
Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ông tuyên bố: 'Tôi không phải là người
mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây
giày dưới chân Người'". Đó là lời Chúa.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia! - Ngày mai tội lỗi trần gian sẽ được
xoá bỏ, và Đấng Cứu Thế sẽ ngự trị trên chúng ta. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 1, 1-25
(bài dài)
"Dòng dõi Chúa Giêsu Kitô, con vua
Đavít".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Sách gia phả của
Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh
Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara bởi
bà Thamar; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab
sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh
Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.
Đavít sinh Salomon
do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa
sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham;
Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh
Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở
Babylon.
Sau thời lưu đày ở
Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Salathiel sinh Zorababel; Zorababel sinh
Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim;
Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp;
Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.
Vậy, từ Abraham đến
Đavít có tất cả mười bốn đời, từ Đavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời,
và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.
Chúa Kitô giáng sinh
trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về
chung sống với nhau, bà đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà
là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ
và bảo:
"Hỡi Giuse con
vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi
phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì
chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Tất cả sự kiện này đã được thực hiện
để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh
nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel,
nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
Khi tỉnh dậy, Giuse
đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền. Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng
không ăn ở với nhau, cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt
tên con trẻ là Giêsu. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài ngắn này: Mt
1, 18-25
"Maria sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt
tên là Giêsu".
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây:
Mẹ Người là Maria
đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, bà đã thụ thai bởi
phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo
bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy,
thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo:
"Hỡi Giuse con
vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình: vì Maria mang thai là bởi
phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì
chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Tất cả sự kiện này đã được thực hiện
để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:
"Này đây một
trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là
Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
Khi tỉnh dậy, Giuse
đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền. Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng
không ăn ở với nhau, cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt
tên con trẻ là Giêsu. Đó là lời Chúa.
SUY
NIỆM : Không nhà không cửa
Một hài nhi không
nhà không cửa.
Hẳn rằng chúng ta
còn nhớ, có lần Chúa Giêsu đã phán: Con cáo có hang, chim trời có tổ nhưng Con
Người không có chỗ tựa đầu. Lời nói này đã trở thành một sự thật ngay từ đêm
hôm nay, khi Ngài mở mắt chào đời.
Thực vậy, Ngài đã
sinh ra trong một hang đá ngoài đồng vắng, nơi nghỉ ngơi của chiên bò. Mẹ Ngài
đã đặt Ngài nằm trong một chiếc máng có. Thế nhưng đó lại là một sự kiện kỳ diệu,
làm chuyển biến cả số phận của nhân loại.
Theo lệnh của hoàng
đế César, những người trở về Bêlem để đăng ký nhân hộ khẩu, đều tìm thấy một
mái nhà để nghỉ qua đêm, hoặc là nơi hàng quán, hoặc là nơi bà con thân thích.
Dường như chỉ có mình Ngài, một hài nhi không nhà không cửa, không cả chốn tựa
đầu.
Theo lề thói thông
thường, chúng ta có thể mường tượng Ngài sinh ra trong một toà lâu đài hay
trong một cung điện kín cổng cao tường. Nhưng Ngài đã không làm thế, bởi vì
Ngài là người của mọi người, Ngài đến để cứu chuộc cả nhân loại. Hang đá Bêlem
không có cửa, và nếu có thì cánh cửa ấy vẫn luôn mở rộng, để tất cả chúng ta đến
tìm gặp Ngài, mà không cần báo trước, không cần chờ đợi, không cần những thủ tục
kính chuyển.
Hơn thế nữa, Ngài đã
không sinh ra dưới một mái nhà kiên cố, điều ấy như muốn chứng tỏ rằng vương quốc
của Ngài không thuộc trần gian này, cho nên Ngài không cần tới một tấc đất để
làm sản nghiệp. Ngài không tranh giành ảnh hưởng, Ngài không gây chiến để mở
mang bờ cõi. Nhưng Ngài đã để lại và trao ban cho chúng ta tất cả, cho đến giọt
máu cuối cùng trên thập giá, để chứng tỏ một tình yêu thương dạt đào: Không ai
yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Hài nhi nơi máng cỏ
Bêlem, phải chăng là một hình ảnh, một biểu tượng của vị vua hoà bình. Ngài chỉ
muốn giải thoát chúng ta khỏi mọi ách nô lệ, nhất là ách nô lệ của tội lỗi.
Ngài chỉ ước mong cho chúng ta được nếm thử niềm vui, niềm vui của một tâm hồn
trong sạch, hầu chuẩn bị cho hạnh phúc Nước Trời. Ngài không cần chúng ta dành
cho Ngài một mái nhà, nhưng chính Ngài sẽ dành cho chúng ta một chỗ cư ngụ vĩnh
viễn trong nhà Cha trên trời.
Là một vị Vua không
binh đội, không cung điện, không ngai vàng. Là một vị Vua của mọi tâm hồn, vì
thế có lẽ điều Ngài mong đợi hơn cả nơi mỗi người chúng ta, đó là hãy dành cho
Ngài một nơi cư ngụ trong chính thẳm sâu cõi lòng chúng ta. Tâm hồn chúng ta phải
là một hang đá máng cỏ sống động cho Chúa và tình yêu của chúng ta sẽ là những
tia nắng sưởi ấm cho Chúa. Thế nhưng chúng ta đã ý thức và thực hiện được điều
đó hay chưa?
Lễ Nửa Đêm
BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7
(Hr 1-3. 5-6)
"Chúa ban Con của Người cho chúng
ta".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan.
Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm
cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan
Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân
hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề
trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức.
Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. ĐBởi lẽ mọi chiếc
giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt
đi và trở nên mồi nuôi lửa.
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con
đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ
sẽ gọi tên Người là "Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn
Thuở, Ông Vua Thái Bình". Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình
sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít, và trong vương quốc Người, để
củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến
muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3.
11-12. 13
Đáp: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng
ta, Người là Đức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11).
1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa
đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người.
- Đáp.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật
vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
- Đáp.
3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi
và muôn vật trong đó hãy reo lên. Đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui.
Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. -
Đáp.
4) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người
ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân
cách chân thành. -
Đáp.
BÀI ĐỌC II: Tt 2,
11-14
"Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện
cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống
tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc
và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng
Cứu Độ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi
điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một
dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Lc 2, 10-11
Alleluia, alleluia! - Ta báo cho anh em một tin mừng: Hôm
nay Đấng Cứu Thế, là Chúa Kitô, đã giáng sinh cho chúng ta. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 2, 1-14
"Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho
chúng ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền
cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời
Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình.
Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi
là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra
cùng với Maria, bạn người, đang có thai.
Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới
ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ
trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong
hàng quán.
Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và
thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần
bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức
kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: "Các ngươi đừng sợ, đây ta
mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn
dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của
Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một
hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ".
Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc
đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa
trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm". Đó là lời
Chúa.
Suy
Niệm: Ðấng Cứu Thế Ðã Ra Ðời
Hết thảy
chúng ta hãy mở lòng đón nhận lời chúc mừng lễ Chúa Giáng Sinh, mà Thiên Chúa vừa
gửi đến trong câu cuối cùng bài Tin Mừng. Phải có sự bình an của Chúa mới hiểu
được ngày lễ hôm nay; và nhất là mới nhận được nhiều ơn của Chúa Giáng Sinh.
Thật vậy,
chúng ta muốn mừng lễ này thật long trọng, nhưng vẫn phải đứng trước một máng cỏ
nghèo nàn; Chúng ta muốn trang hoàng hang đá này thật lộng lẫy, nhưng vẫn thấy
Chúa sinh ra thật đơn sơ. Dường như có một sự nghịch thường sâu sắc trong việc
Chúa Giáng sinh và trong thánh lễ này. Và nếu không nhận được sự bình an của
Chúa, lòng chúng ta không thể nào thấm thía được mầu nhiệm Giáng sinh.
Tuy nhiên
cũng phải nói ngược lại, có hiểu được ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, chúng ta mới
đón nhận được lời chúc bình an quý hóa của Thiên Thần. Là vì đối với tất cả những
việc có hệ đến Thiên Chúa phải có ơn Người giúp đỡ thì người ta mới hiểu được!
Và khi hiểu được, người ta mới nhận được đầy đủ ơn của Người.
Thế nên
chúng ta cầu xin ơn bình an của Chúa để nhờ các bài đọc Thánh Kinh tìm hiểu việc
Chúa Giáng sinh; để rồi nhờ đó chúng ta được thêm ơn bình an là nguồn mọi ơn
cao cả khác mà Chúa Giáng sinh muốn ban cho tất cả chúng ta trong dịp này.
1. Một Trẻ Ðã Sinh Ra
Chúng ta tự
nhiên muốn nhìn thẳng vào hang đá máng cỏ để tìm hiểu việc Chúa Giáng sinh.
Nhưng nếu làm như vậy, chúng ta sẽ liều chẳng nhìn thấy gì cả, hay chẳng nhìn
được bao nhiêu. Cùng lắm, như một cái máy vô hình, mắt chúng ta sẽ thấy một hài
nhi vừa sinh, được bọc trong khăn và nơi máng cỏ, có hai ông bà ở gần mà người
ta nghĩ là cha mẹ hài nhi. Rồi có may mắn nhất thì người ta cũng chỉ còn xem thấy
một đám mục đồng đến ngó xem cảnh tượng đản sinh khác thường này.
Phải, nếu
không được hướng dẫn trước, người ta chỉ nhìn thấy có bấy nhiêu. Và cảnh tượng
xem thấy sẽ gợi lên nhiều nhất vài cảm nghĩ tự nhiên hoặc thương hại một gia
đình khó nghèo, hoặc có cảm tình với em bé vừa sinh. Chẳng có gì độc đáo và
quan trọng lắm trong tất cả những điều đã mắt thấy, tai nghe và cảm nghĩ như vậy.
Nhưng nếu
nhìn quang cảnh đản sinh kia trong tất cả lịch sử cứu độ, nếu đọc chuyện Ðức
Giêsu giáng sinh trong toàn bộ Cựu và Tân Ước, chúng ta sẽ thấy mọi sự trở nên
khác hẳn. Ðây vừa là kết quả của nhiều nghìn năm lịch sử chuẩn bị, vừa là khởi
sự của nhiều thời đại về sau. Phụng vụ chọn lúc nửa đêm để cử hành thánh lễ này
cũng có ý nói lên niềm tin ấy. Việc Ðức Giêsu Giáng sinh kết thúc đạo cũ và
khai mạc đạo mới.
Thế nên
chúng ta phải nhờ tiếng nói của đạo cũ dẫn tới hang đá máng cỏ và nhờ tiếng nói
của đạo mới để nhận ra ý nghĩa của cuộc đản sinh này.
Hôm nay, tiếng
nói của đạo cũ là một bài sách Isaia. Nhà tiên tri này sống trước sự kiện lịch
sử chúng ta kính nhớ hôm nay những 600 năm. Thế mà lời của ông có vẻ rất thích
hợp với việc đản sinh của hài nhi thành Bêlem. Sự thật, bấy giờ ông đang sống ở
một thời đại rất bấp bênh của lịch sử dân Chúa. Nhiều tỉnh trong nước Do Thái
đã bị đế quốc Assyri xâm chiếm và tàn phá. Dân chúng như phải đi trong tối tăm.
Ở các tỉnh còn lại người ta lo sợ như đang sống trong sự hãi hùng của tử thần.
Và triều đình Do Thái lúng túng cãi cọ chẳng biết nên cầu viện và liên minh với
lực lượng ngoại bang nào.
Chính lúc
đen tối sợ hãi ấy, nhà tiên tri đã lên tiếng. Ông chẳng nói gì khác niềm tin,
niềm tin cổ truyền vào lòng trung tín của Thiên Chúa sẽ giữ lời giao ước. Người
sẽ chẳng bỏ dân cho dù dân bất nghĩa. Tình trạng hiện nay cho thấy Người đang
phạt họ, nhưng rồi Người sẽ thương, sẽ cứu. Bấy giờ, dân đi trong tăm tối đã
nhìn thấy một ánh sáng lớn. Trên những kẻ ở xứ âm u, một ánh sáng đã rạng ngời.
Ðức tin của
nhà tiên tri vững vàng đến nỗi, sự việc sẽ xảy đến trong tương lai mà ông như
đã nhìn thấy rồi. Ông thấy ơn cứu độ đã đến cho dân Chúa đang tối tăm mặt mũi
vì hoạn nạn đau khổ và đang hãi hùng trong tình hình âm u. Ơn cứu độ ấy như một
ánh sáng lớn đến xua đuổi tối tăm và âm u. Hơn nữa đó là một Hoàng đế cứu tinh
vĩ đại, vì người Ðông phương vẫn quen ví bậc vua chúa như mặt trời và ánh sáng.
Với sự xuất
hiện của ánh sáng ấy và của vị Hoàng đế ấy, Chúa ban cho dân được niềm vui lớn,
như khi được mùa và như khi đại thắng.
Biết rằng
dân đang khao khát một cuộc chiến thắng, nhà tiên tri dừng lại ở đây để quảng
diễn ơn Chúa cứu độ như một cuộc thắng trận chưa từng thấy. Không những mọi ách
xâm lược, mọi thồ trên vai, một roi đốc công sẽ bị đập tan tành, mà giầy trận
chiến bào sẽ bị đốt tàn rụi, để không bao giờ còn chinh chiến đổ máu nữa. Isaia
đã dùng hình ảnh ngày chiến thắng quân Mađian kể trong sách Thẩm phán (c. 7-8)
để so sánh vừa để nói lên tính cách đại thắng, vừa để khẳng định đó là việc do
quyền năng Chúa làm cho kẻ yếu đuối khiêm cung. Hơn nữa, chiến thắng ở Mađian
đã dẫn đến ý kiến muốn có một triều đại, một vị hoàng đế thay thế chế độ thẩm
phán. Isaia hẳn đã muốn gợi lại câu chuyện này để giới thiệu vị Hoàng đế cứu
tinh mà Thiên Chúa sẽ gởi đến cho dân, như trên kia ông đã dùng hình ảnh ánh
sáng để nói đến nhà Vua sắp xuất hiện.
Là vì theo
Isaia, Thiên Chúa sẽ giải cứu dân lần này nhờ một vị hoàng đế mới. Lời văn có vẻ
mô tả việc đản sinh của Ngài vì tác giả viết: Một trẻ đã sinh ra cho ta... Vai
Ngài, đỡ lấy quyền bính. Nhưng thật sự Isaia muốn nói đến ngày Ngài lên Ngôi,
mà các dân Ðông phương vẫn coi là ngày sinh ra một triều đại, một vị vua mới.
Và cũng chính trong ngày lên ngôi báu mà nhà Vua công bố tước hiệu Ngài đã chọn.
Ở đây, Isaia gán cho vị hoàng đế cứu tinh mọi danh xưng quý hóa nhất đối với
lòng người dân Chúa. Ngài là Mưu sư kỳ lạ, vì có khôn ngoan siêu việt như
Salômon; Ngài là Thần anh hùng vì có sức mạnh siêu phàm như Ðavít; Ngài là Cha
đời đời, như chính Thiên Chúa. Ngài là Vua bình an như Ðấng Thiên Sai muôn dân
trông đợi.
Chúng ta có
thể tự hỏi: sao Isaia không nói thêm một danh xưng nữa cho đủ năm danh xưng
theo kiểu các Hoàng đế Ai Cập thời bấy giờ? Hay là ông muốn nhắc chúng ta nhớ lại
điều ông đã viết trước đây trong chương 7. Trẻ đã sinh ra cho ta đó có tên là
Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Dù sao những điều ông viết tiếp
theo về vị hoàng đế cứu tinh có quyền bính bao la và bình an vô tận trên ngai
Ðavít, cũng như làm cho đất nước được kiên cố nhờ công minh đức nghĩa đến muôn
đời, làm chúng ta nghĩ rằng vị hoàng đế phải siêu phàm, gần như, nếu không phải
là giống như Thiên Chúa.
Như vậy,
bài tiên tri Isaia hôm nay ít nhất đã loan báo cho chúng ta biết: trẻ sinh ra cứu
đời sẽ là một vị hoàng đế mới, đến chấm dứt chiến tranh đau khổ và thiết lập thời
đại hòa bình đức nghĩa. Chắc chắn chẳng một vị vua Do Thái nào đã tỏ ra xứng
đáng với lời tiên tri ấy. Và do đó, dân Cựu Ước đã đặt tất cả hy vọng vào Ðấng
Thiên Sai cứu thế sau này. Hôm nay, Hội Thánh chúng ta nói rằng Ngài đã đến nơi
hài nhi thành Bêlem. Có thể như vậy được không. Trẻ mới sinh được bọc trong
khăn đặt nằm nơi máng ăn của súc vật là hoàng đế cứu tinh ư? Bề ngoài không thể
như vậy, nhưng thật sự lại là thế. Ðó là điều mà bài Tin Mừng Luca hôm nay muốn
khẳng định với chúng ta. Chúng ta hãy tìm hiểu.
2. Ðấng Cứu Thế Ðã Ra Ðời
Bản văn được
cấu tạo với hai phần rõ rệt. Phần đầu như mô tả một cách chân thực việc sinh ra
khó nghèo của hài nhi; còn phần sau nói đến vinh quang cao cả của Ngài. Những
ai quen đọc Thánh Kinh có thể thấy ngay đó cũng là một lối trình bày mầu nhiệm
Tử nạn và phục sinh. Và nhà thần học thâm thúy có thể nói rằng tác giả Luca đã
muốn diễn tả bản tính nhân loại và bản tính Thiên Chúa nơi hài nhi vừa sinh.
Câu mở đầu
rất ý nghĩa: "Trong những ngày ấy, Hoàng đế Augustô ra sắc chỉ ban hành lệnh
kiểm tra toàn thể thiên hạ". Dĩ nhiên Luca muốn tỏ ra mình là một sử gia,
viết chuyện có niên hiệu chắc chắn. Nhưng không phải vô cớ mà ông đã không viết
đích danh Hoàng đế là Octavô, mà chỉ ghi tước hiệu của Ngài là Augustô, một
danh xưng xực mùi tự phụ coi mình là thiên tử. Luca muốn nói rằng bấy giờ thiên
hạ chỉ biết Hoàng đế là nhất, không còn ai trên Ngài nữa. Ngài đang ra lệnh cho
toàn thể thiên hạ. Luca quá biết, đế quốc La Mã cho dù rất lớn vẫn không phải
là cả thiên hạ. Và lệnh kiểm tra cũng chỉ hạn chế trong một số tỉnh nào thôi.
Nhưng Luca muốn cho chúng ta một ấn tượng: thế giới bấy giờ đang ở dưới quyền một
người. Quyền bính của ông thật lớn, đến nỗi ông tưởng mình là Augustô (thiên
hoàng). Và như vậy hài nhi sắp sinh sẽ là gì ở trong thế giới và ở trước mặt vị
hoàng đế ấy?
Trẻ mới
sinh chẳng là gì cả, chúng ta có thể nói được như vậy. Ðến như cha mẹ hài nhi
cũng thế. Giuse bấy giờ chỉ là người thuộc xứ Galilê ở Nazaret, là những địa
danh chỉ gợi lên lòng khinh bỉ của người Do Thái vì đó là những nơi đầy dân ngoại
khác hẳn với xứ Giuđê thành Giêrusalem là các trung tâm của tôn giáo mạc khải.
Còn ai biết Giuse là dòng họ Ðavit và có gốc gác ở Bêlem nữa? Maira chỉ là một
bà đang thai nghén trên đường về quê khai lý lịch. Hai người đã không tìm được
chỗ trọ trong quán; mà buổi lâm bồn của Maria thì đã đến. Họ phải đưa nhau ra một
hang súc vật ngoài đồng vắng. Và sinh con rồi, Maria bọc trẻ đem đặt nơi máng
ăn của súc vật, báo trước sau này lớn lên Ðức Giêsu sẽ chẳng có nơi gối đầu.
Chúng ta chẳng
cần đi thêm vào chi tiết. Rõ ràng hài nhi đã sinh ra rất khó nghèo. Chưa ai đã
sinh ra trong một hoàn cảnh như thế. Gioan Tẩy Giả vị tiền hô của Chúa, đã ra đời
trong cảnh "trướng rũ màn che" hạnh phúc hơn nhiều. Ấy là chưa kể cái
lịnh kiểm tra của Hoàng đế, diễn tả uy quyền của ông, như đang đè xuống nơi
máng cỏ nghèo hèn này.
Tuy nhiên
trên nền ảnh mờ tối kia của cảnh hang đá máng cỏ, Luca cũng đã điểm những chấm
sáng không thể bỏ qua. Ðó là dòng máu Ðavit trong con người Giuse; là tư cách
"đính hôn" của Maria, tức là sự cưu mang đồng trinh của Người; và là
điểm Con đầu lòng nói về hài nhi. Luca quá biết hài nhi là Con Một của Maria;
nhưng từ ngữ "Con Một" đã có một công dụng khác trong ngữ vựng Kitô
giáo. Nó dùng để nói Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa. Ở đây Luca dùng kiểu
nói "Con đầu lòng" để làm âm vang truyền thống đạo đức của Thánh
Kinh, bởi vì nơi dân Do Thái, mọi con đầu lòng đều thuộc về Chúa để nhớ ơn Người
đã cứu con cái Israen khi các con đầu lòng của người Ai Cập bị sát hại. Ðàng
khác từ ngữ "Con đầu lòng" còn dùng để nói về toàn thể dân Chúa là
con đầu lòng giữa mọi dân nước mà Chúa đã dựng nên. Nó cũng gợi đến mầu nhiệm
phục sinh sau này vì Chúa sống lại là "trưởng tử" giữa các vong nhân.
Và như vậy
trong cuộc đản sinh khó nghèo nơi máng cỏ, đã có những điểm sáng lớn chờ ngày rực
lên át hẳn vẻ huy hoàng của thế gian, biểu hiện nơi uy quyền của hoàng đế Augustô
trong câu chuyện này.
Tác giả
Luca hôm nay muốn báo trước thời đại rực rỡ của Hài nhi trong phần sau của bài
tường thuật. Thiên Thần Chúa bỗng đã hiện đến bên đám mục đồng đang canh giữ
chiên lúc đêm khuya. Lập tức họ được bọc trong ánh sáng của vinh quang Chúa. Sự
cao cả của Người đã "chụp" lấy họ khiến họ hãi hùng, không phải sự
hãi hùng làm họ có thể chết đi, nhưng là sự hãi hùng kéo họ ra khỏi nếp sống tầm
thường và đưa họ lên thế giới siêu việt. Thế nên họ đã được trấn an tức khắc:
"Ðừng sợ, này ta đem tin vui cho các ngươi về một niềm vui to lớn, tức là
niềm vui cho toàn dân..." Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh, những lời này chỉ
được dùng để loan báo ơn cứu độ.
Quả vậy, niềm
vui cho toàn dân chỉ có thể là sự giải cứu mà các tiên tri từng loan báo, là lời
hứa mà bài sách Isaia trên kia chẳng hạn khẳng định rằng sẽ thực hiện trong
ngày Chúa viếng thăm dân Người. Hôm nay, niềm vui ấy đã đến vì Cứu Chúa đã sinh
ra. Ngài là Ðức Kitô Chúa. Ngài vừa sinh trong thành của Ðavít.
Ðám mục đồng
có hiểu được những lời ấy không? Hài nhi được giới thiệu không những là Cứu thế
và là Kitô, những danh xưng đã quen thuộc trong Cựu Ước; nhưng còn là Chúa nữa.
Danh xưng này phải đợi sau mầu nhiệm Phục sinh - Lên trời - Hiện xuống mới gặp
thấy nơi các tín hữu của Chúa Giêsu. Họ chúc tụng Ngài là Kitô và là Chúa. Họ
tuyên xưng Ðức Kitô bây giờ là Chúa ở bên hữu Thiên Chúa Cha. Và với danh hiệu
này, Ngài vượt trên hết mọi loài dưới đất và trên trời. Tước hiệu Augustô bấy
giờ còn có nghĩa gì nữa đâu!
Sự cao cả của
Hài nhi là ở chỗ đó. Ngài là Chúa, tức là Thiên Chúa. Thiên Thần đã công bố tước
hiệu của Ngài ngay hôm nay khi Ngài sinh ra; chứ không như Octavô phải đợi đến
khi chinh phục được cả thiên hạ rồi lên ngôi hoàng đế và bắt người ta phải xưng
tụng mình là Augustô cũng có nghĩa là chúa. Ông lạm quyền, vì ông cũng chỉ là
phàm nhân. Ðang khi hài nhi thành Bêlem, tuy quấn trong khăn, nằm nơi máng cỏ
đã là Chúa từ bẩm sinh và từ bản tính. Tước hiệu hoàng đế chỉ theo sau xa xa vậy,
khi người ta hiểu theo nghĩa thông thường Ngài thuộc dòng Ðavít.
Trái lại,
vì là Chúa và chia sẻ quyền Thiên hoàng của Chúa Cha, Ngài được các thiên thần
hợp đoàn đông đảo chúc tụng.
"Vinh
quang Thiên Chúa trên trời cao thẳm. Và dưới đất bình an cho kẻ Ngài
thương".
Ngài đến
ban bình an cho mọi người dưới đất để ứng nghiệm sách Isaia chúng ta đã nghe đọc.
Như vậy,
bài Tin Mừng Luca nói lên niềm tin sâu xa của cả Hội Thánh khi đứng trước hang
đá máng cỏ. Bề ngoài mọi sự thật bình dị, khó nghèo và khổ sở nữa dưới sức mạnh
của thế gian; nhưng rõ ràng đây là trẻ thánh mà Isaia đã tiên báo sẽ đem bình
an đến cho mọi người. Các Tông đồ của Người không bao giờ phải sợ rao giảng Mầu
nhiệm Thập giá; vì cũng như Luca hôm nay đã thấy vinh quang cao cả của Thiên
Chúa đến ngay sau cảnh tượng đản sinh khó nghèo, thì sức mạnh của Chúa Phục
sinh sẽ tỏ hiện trong sứ điệp thập giá. Luca đã dùng chữ "hôm nay" để
nói rằng lúc này Chúa Cứu Thế còn đến với chúng ta và việc Giáng sinh của Ngài
hiện tại vẫn có sức mạnh cho những ai đón nhận Ngài.
Vậy, làm thế
nào để hằng ngày vẫn nhận được ơn Ngài giáng sinh? Có lẽ bài thư gởi Titô có thể
đem lại cho chúng ta một câu trả lời.
3. Chúng Ta Phải Ngóng Ðợi Cuộc Hiển Linh Của Chúa
Thánh
Phaolô tác giả bài thơ đã quá biết: Ân sủng cứu độ của Thiên Chúa đã hiển linh
cho mọi người rồi trong cuộc đản sinh và trong cuộc đời của Ðức Giêsu Kitô.
Nhưng Người cũng biết rõ: Cuộc hiển linh ấy mới chỉ khởi sự. Nó còn phải đi tới
chỗ vinh quang lớn lao trong ngày Chúa trở lại. Bây giờ chúng ta mới biết Ðức
Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã sinh ra làm người và đã thí mình vì ta để cứu
chuộc ta khỏi mọi tội ác và tẩy rửa lấy cho mình một dân làm sở hữu là Hội
Thánh; nhưng chúng ta chưa được thấy Ngài trong vinh quang Chúa Cha. Thế nên
chúng ta phải ngóng đợi... Không phải một cách thụ động nhưng tích cực. Chúng
ta phải nhìn vào cuộc đời của Ðức Giêsu Kitô để có thái độ đẹp lòng Ngài lúc
Ngài lại đến. Thế mà Ngài đã dạy chúng ta từ bỏ lối sống vô đạo thất nghĩa với
Thiên Chúa và lối sống chạy theo các đam mê trần tục, để sống điềm đạm, công
chính và đạo đức nơi đời này. Do đó, chúng ta hãy biết chế ngự các đam mê để được
điềm đạm; sống bác ái để nên công chính và thi hành đạo đức để đẹp lòng Chúa.
Có như vậy chúng ta mới khỏi tội lỗi và được ở trong dân thánh sở hữu của Ngài
để có ngày nhận được hy vọng hồng phúc Ngài hứa ban là nhìn thấy vinh quang lớn
lao của Ngài mà ánh sáng đêm nay mới khởi sự...
Như vậy,
chiêm ngưỡng Chúa Giáng sinh hôm nay, chỉ là để nhìn thấy nếp sống và đường lối
của Người mà đi theo. Hơn nữa tham dự thánh lễ này là để rước Người vào giáng
sinh ở nơi tâm hồn và đời sống chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ biết sống như Người.
Và như thế để sau cuộc đời trần gian, bề ngoài có vẻ khó nghèo và khổ đau nhưng
có ơn Người làm sức mạnh, chúng ta sẽ đi tới ngày hiển linh, vinh quang lớn lao
của Người và của chúng ta. Bởi vì hôm nay Người đã giáng sinh là để kết hợp với
những ai đón nhận Người và đưa họ tới vinh quang cao cả của Người đã có từ muôn
thuở với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Lễ Giáng sinh hôm nay vì thế chỉ là
khởi đầu... Chúng ta hy vọng sẽ được cùng nhau đạt tới lễ rực rỡ huy hoàng vô tận
sau này.
(Trích dẫn
từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức
cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 24 tháng 12 GS, Lễ Nửa Đêm
Bài đọc: Isa
9:1-3, 5-6; Tit 2:11-14; Lk 2:1-14.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Mừng Giáng Sinh là tình yêu Thiên
Chúa.
– Một cụ già 93 tuổi, được coi là khá thành công trong cuộc
đời: có nhiều của cải, con đàn cháu đống gần 100 đứa. Về già, có nhiều thời
gian nhìn lại và suy gẫm, cụ ngậm ngùi kết luận: Vất vả ngược xuôi cả cuộc đời
cũng chẳng đến đâu, có tí của ăn nhưng nhìn lại đàn con đàn cháu thấy giật
mình. Đứa thì gia đình tan nát, đứa thì bệnh họan, hầu hết con cháu đều xa
Chúa, cố gắng khuyên lơn bảo ban nhưng chúng nó không chịu nghe. Nếu Chúa không
thương đưa con cháu trở lại thì chết mất! Chẳng biết sau này Chúa cho gặp được
bao nhiêu người? May mắn cho cụ già đã nhìn ra bóng tối đang vây bọc gia đình,
nhưng làm sao để đưa các con cháu về lại với Thiên Chúa?
– Hòan cảnh của cụ già có lẽ cũng là hòan cảnh của hầu hết
gia đình chúng ta. Khi được may mắn định cư nơi các cường quốc có nhiều cơ hội,
chúng ta lăn xả vào đời để kiếm tiền sinh sống, mà không bao giờ chịu cân nhắc
những thiệt hại của lối sống tư bản này. Nhiều cha mẹ đã không quản ngại hy
sinh vất vả để cày 2,3 việc; với hy vọng cho con được tiến thân trong việc học
hành, với hy vọng sau khi đã hy sinh cho con sẽ được chúng báo hiếu sau này,
như mình đã từng thương yêu và báo hiếu cha mẹ. Sau hơn 30 năm vật lộn với cuộc
sống nơi xứ lạ quê người, giờ có thời gian nhìn lại những cố gắng của mình như
cụ già, chắc nhiều người chúng ta cũng không khỏi giật mình: gia đình có của
nhưng con cái xa Chúa và xa mình vạn dặm. Con cái bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, làm
rất nhiều tiền nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến việc phải báo hiếu cha mẹ; dạy dỗ
khuyên răn chúng khó chịu và chỉ để ngòai tai. Chúng ta cũng chép miệng thở
than như cụ già: Hy sinh vất vả cả đời để giờ phải chấp nhận một thực tại chúng
ta không ao ước!
– Câu hỏi được đặt ra: Chúng ta đã làm điều gì sai? Làm thế
nào để cứu chúng ta và con cháu ra khỏi vùng bóng tối sự chết này?
– Câu trả lời: Chúng ta đã không đặt Thiên Chúa trên hết mọi
sự. Chúng ta coi trọng tiền của nên đã dùng quá nhiều thời giờ vào việc kiếm tiền,
mà quên đi Lời Chúa báo trước: “Các con không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền
tài.” Chúng ta đã xao lãng trong việc trau dồi đời sống tâm linh mà chỉ chú trọng
đến thức ăn của uống, mà quên đi Lời Chúa báo trước: “Người ta không chỉ sống
nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Chúng ta đã
chạy theo và thờ lạy những hào nhóang thế gian như danh vọng, quyền bính, khóai
lạc; mà quên đi Lời Chúa sửa dạy ma quỉ: “Ngươi phải thờ phượng Thiên Chúa, chứ
không phải Thiên Chúa thờ phượng ngươi.” Nói tóm, chúng ta đã không sống theo
những gì Thiên Chúa muốn, nhưng sống hệt theo lối sống của ma quỉ đã cám dỗ
Thiên Chúa. Nếu chính chúng ta không sống những gì Chúa dạy, làm sao chúng ta
mong các con chúng ta biết sống? Nếu chúng ta đã không dạy cho con biết kính sợ
Thiên Chúa, và gia đình đã không sống theo đường lối của Thiên Chúa; chúng sẽ sống
theo kiểu của xã hội hiện nay: ích kỷ chỉ biết tới mình, tôn thờ vật chất, sống
buông thả như không có ngày mai.
– Tin Mừng Giáng Sinh: Những Bài đọc đêm nay cung cấp cho
chúng ta những tia sáng hy vọng. Trong Bài đọc I: Tiên-tri Isaiah tường thuật
những lợi ích khi con người có được Đấng Cứu Thế: Ngài như ánh sáng soi cho con
người đang sống trong vùng bóng tối của sự chết. Ngài giúp giải thóat con người
khỏi làm nô lệ cho tội lỗi. Ngài ban cho con người khôn ngoan, sức mạnh, thương
yêu, và bình an. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô dạy Titô, môn đệ của ngài: Ân sủng
Cứu Độ dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống
chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Chúa Giêsu đã tự hiến để cứu
chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta,
khiến chúng ta thành Dân Riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.
Trong Phúc Âm, Tin Mừng Giáng Sinh được loan báo cho con người: Con Thiên Chúa
đã giáng sinh làm người trong hang đá khó nghèo. Chỉ có Mục đồng là những người
đầu tiên được sứ Thần loan báo và nhận ra Tin Mừng Cứu Độ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ơn Cứu Độ được thực hiện qua Người Con.
1.1/ Sự khác biệt khi Đấng Cứu Thế
đến: Ngay trong tuần thứ I Mùa Vọng, Giáo Hội đã mời gọi chúng ta suy
xét để nhận ra sự khác biệt giữa người có và không có Thiên Chúa. Tiên-tri
Isaiah hôm nay cũng mời gọi chúng ta suy xét để nhận ra tình trạng của mình và
sự cần thiết của Đấng Cứu Thế trong cuộc đời mỗi người, qua 2 hình ảnh:
(1) Ánh sáng và bóng tối: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã
thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh
sáng bừng lên chiếu rọi.” Tình trạng của dân Do-Thái thời Tiên-tri và tình trạng
của con người trước khi Đấng Cứu Thế đến là hòan tòan bi quan và tăm tối. Hai
vương quốc của Do-Thái sắp sửa bị quân thù Assyria và Babylon xâm chiếm và đem
đi lưu đày. Con người bị bao quanh bởi bóng tối của sự không biết Thiên Chúa,
không biết suy xét, và bao nhiêu tội lỗi lan tràn. Hậu quả tai hại nhất của việc
sống trong bóng tối là con người chắc chắn sẽ phải chết.
Nhưng may mắn cho dân tộc Do-Thái và cho con người, Thiên
Chúa đã ban cho họ một ánh sáng, Người Con của Ngài. Ánh sáng này sẽ làm cho
con người được thấy, được thấu hiểu những Mầu Nhiệm của Thiên Chúa, và nhất là
mang lại Ơn Cứu Độ cho con người, cho họ được sống đời đời.
(2) Vui mừng và đau khổ: Hình ảnh thứ hai Tiên-tri dùng là
liên kết ánh sáng với vui mừng và bóng tối với đau khổ: “Vì Chúa đã gia tăng
các quốc gia, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên
hạ mừng vui trong mùa gặt hái, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm.
Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp,
Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Median.”
Chúng ta có thể hiểu nỗi đau khổ của dân Do-Thái trong nơi
lưu đày: mất quê hương, gia đình tan nát, Đền Thờ và sự hiện diện của Thiên
Chúa không còn, cuộc sống thiếu thốn và khổ cực, bị đối xử tàn bạo bởi kẻ thù.
Tất cả những đau khổ này sẽ được Thiên Chúa cất hết khi Ngài cho họ được trở về
quê hương để tái thiết quốc gia và Đền Thờ. Tất cả những điều này là do Thiên
Chúa làm, chứ không do sức lực của con người. Tiên-tri nhắc nhở cho dân nhớ lại
chiến thắng tại Median, Thiên Chúa muốn Thủ-lãnh Gideon đuổi quân lính về hết,
kẻo họ nghĩ rằng sở dĩ có chiến thắng là do sức mạnh của họ.
Thiên Chúa gia tăng các quốc gia và nỗi vui mừng bằng cách
loan Tin Mừng cho Dân Ngọai và cho họ cũng được hưởng Ơn Cứu Độ. Cả dân Do-Thái
cũng như Dân Ngọai không làm gì xứng đáng để được hưởng Ơn Cứu Độ, vì tất cả đều
phạm tội. Sở dĩ tất cả đều được hưởng Ơn Cứu Độ là hòan tòan do Thiên Chúa.
1.2/ Con người Đấng Cứu Thế: “Vì
một trẻ thơ đã được sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho
ta. Người đã lãnh nhận quyền cai trị (arché) trên vai, tên của Người sẽ được gọi
là Cố Vấn kỳ diệu, Thiên Chúa uy quyền, Người Cha muôn thuở, Hòang Tử hoà
bình.” Tên là người; những danh hiệu này cần được hiểu thấu đáo để chúng ta ước
mong có được Người Con này trong cuộc đời:
(1) Cố Vấn kỳ diệu: Người cố vấn phải là người khôn ngoan,
có khả năng nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy. Người Con này là người
Cố Vấn kỳ diệu cho con người, vì Ngài là Thiên Chúa khôn ngoan: cố vấn cho mọi
người và chẳng cần ai làm cố vấn cho Người. Nếu có người cố vấn như vậy trong
cuộc đời, chúng ta sẽ không khiếp sợ ai nữa.
(2) Thiên Chúa uy quyền: Tuy dáng vẻ là con người yếu đuối,
nhưng ẩn chứa quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Người Con này làm được mọi sự,
và không có gì là không thể đối với Ngài. Nếu chúng ta có Ngài trong đời, Ngài
sẽ giúp chúng ta làm được mọi sự.
(3) Người Cha muôn thuở: Bản tính của người cha là yêu
thương, dạy dỗ, và săn sóc cho con cái. Người Con này là Thiên Chúa, Người Cha
muôn thuở của con người. Bằng việc nhập thể, chính Ngài vẫn tiếp tục yêu
thương, dạy dỗ, và săn sóc từng người. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa dùng các tiên
tri để dạy dỗ; trong Tân Ước, chính Thiên Chúa dạy dỗ con người.
(4) Hòang Tử bình an: Để có bình an, người lãnh đạo phải yêu
mến bình an, và phải có khả năng đem lại bình an. Người Con này có khả năng hòa
giải giữa con người với con người, và giữa con người với Thiên Chúa. Chỉ khi
nào con người có được Hòang Tử bình an này, con người mới thực sự có bình an.
1.3/ Triều đại của Đấng Cứu Thế: “Quyền
cai trị của Ngài sẽ gia tăng, và hoà bình sẽ vô tận cho ngai vàng và vương quốc
của vua David. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng
công bình và chính trực, từ nay cho đến mãi muôn đời. Lòng nhiệt thành của Đức
Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.”
– Trong khi các vua chúa trần gian gia tăng quyền cai trị của
họ bằng chiến tranh; Người Con gia tăng vương quốc của mình bằng hòa bình. Điều
này, chúng ta có thể thấy được qua sự phát triển của Giáo-hội: con số những người
tin vào Đức Kitô mỗi ngày một gia tăng, không bằng chiến tranh, nhưng bằng sự
rao giảng Tin Mừng và sự làm việc bên trong của Chúa Thánh Thần. Vua chúa trần
gian càng bách hại Đạo, số tín hữu càng gia tăng. Nước Thiên Chúa không còn giới
hạn trong dân tộc Do-Thái, nhưng được lan rộng ra tới mọi dân tộc trên địa cầu.
– Tiên-tri Isaiah liên kết giữa triều đại của David và của
Người Con. Như lời Thiên Chúa hứa qua các Tổ-phụ và các Tiên-tri, triều đại của
Nhà David sẽ tồn tại muôn đời. Điều này chỉ thực hiện được qua Người Con thuộc
giòng dõi David, Ngài sẽ làm cho triều đại David được tồn tại đến muôn đời.
– Trong khi các vua chúa trần gian củng cố vương quốc của
mình bằng đàn áp và bạo lực, Người Con củng cố vương quốc bằng công bình và
chính trực. Đàn áp và bạo lực chỉ có thể giữ dân chúng một thời gian; công bình
và chính trực sẽ thu hút lòng dân đến muôn đời (Lk 1:32-33).
– Tác nhân chính của sự gia tăng là Thiên Chúa và lòng nhiệt
thành yêu thương của Ngài, chứ không do đức độ, tài năng, hay sức mạnh của con
người. Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Người Con này cho con người (Jn
3:16); và trong Người Con này, mọi lời hứa được thực hiện.
2/ Bài đọc II: Ơn Cứu Độ thay đổi đời sống luân lý của các Kitô hữu
2.1/ Ơn Cứu Độ giúp con người biết
sống: Con người làm bất cứ một việc gì đều có một mục đích. Khi các Kitô
hữu biết rõ ràng mục đích của cuộc đời là “trông chờ ngày hồng phúc, ngày Đức
Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta, xuất hiện vinh quang;” họ sẽ phải biết chuẩn
bị xứng đáng cho ngày đó. Thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu: (1) Cách tiêu cực:
Họ phải từ bỏ lối sống thế gian và những đam mê trần tục; vì lối sống này ngăn
cản không cho họ đạt tới mục đích của cuộc đời. (2) Cách tích cực: Họ phải biết
sống chừng mực, công chính, và đạo đức ở thế gian này. Những nhân đức này sẽ
giúp họ đạt được mục đích của cuộc đời.
2.2/ Ơn Cứu Độ giải thóat con người:
Bằng Mầu Nhiệm Nhập Thể, Đức Kitô giải thóat con người: (1) cách tiêu cực:
khỏi mọi điều bất chính (tội lỗi); cách tích cực: biến họ thành người hăng say
làm việc thiện. Chính sự tích cực này làm con người xứng đáng thành Dân Riêng của
Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta.
3.1/ Hòan cảnh sinh ra của Đấng Cứu
Thế: Không giống như các biến cố khác của cuộc đời Chúa Cứu Thế, biến cố
sinh ra chỉ được tường thuật bởi Thánh sử Luca cách vắn tắt như sau: “Thời ấy,
Hoàng-đế Augusto ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.
Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quirinô làm tổng trấn xứ
Syria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ
thành Nazareth, miền Galilee lên thành vua David tức là Bethlehem, miền Judah,
vì ông thuộc giòng tộc vua David. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành
hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà
Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc
con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.”
Khỏang cách từ Nazareth đến Bethlehem là 80 dặm, và phương
tiện di chuyển duy nhất thời đó là đi bộ hay dùng các thú vật như bò lừa.
Bethlehem rất lạnh vào mùa Đông vì là một cánh đồng chỉ cách Jerusalem vài dặm
và có rất nhiều các hang đá ẩn sâu trong lòng đất, vẫn còn tồn tại tới hôm nay.
Các hang đá này là chỗ lý tưởng cho các người chăn chiên vì họ có thể giữ chiên
trong đó an tòan và tránh lạnh mà không cần chuồng.
3.2/ Thiên Thần loan Tin Mừng trọng
đại cho các mục-đồng.
Mục-đồng (Bedouins) vẫn còn tồn tại ở Do-Thái cho tới ngày
nay. Họ không thích lối sống thành phố hay cố định ở một chỗ; nhưng thích lang
thang khắp đó đây theo đòan vật, chỗ nào có cỏ và nước cho súc vật họ sẽ định
cư tại đó. Họ bị các người Do-Thái khác khinh thường vì bẩn thỉu và không thể
giữ các nghi thức thanh tẩy trước khi ăn.
Tại sao các mục đồng được diễm phúc là những người đầu tiên
biết Tin Mừng Giáng Sinh của Hài Nhi Cứu Độ? Để trả lời, chúng ta cần hỏi câu hỏi
ngược lại: Ai là người sẽ dễ đón nhận Tin Mừng Giáng Sinh nhất trong hòan cảnh
này?
Mối Phúc thứ nhất: “Phúc cho những ai nghèo khó vì Nước Trời
là của họ” sẽ giúp chúng ta trả lời. Thiên Chúa chọn cho con mình giáng sinh
trong hòan cảnh nghèo khó, chứ không trong dinh thự giàu sang. Người muốn con
mình cảm nhận thân phận cùng cực của kiếp người. Vì sinh ra trong hòan cảnh
nghèo hèn như thế, chỉ có những người nghèo như các mục-đồng mới có thể nhận ra
và cảm thông, vì Con Trẻ cùng một hòan cảnh như họ. Hơn nữa, người nghèo khổ là
người biết trông cậy vào Thiên Chúa, chứ không cậy vào sức của họ; vì thế, dễ
cho họ đón nhận Tin Mừng Giáng Sinh hơn. Lời ca của muôn vàn thiên binh hợp với
sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” cũng củng cố cách cắt nghĩa này.
Thiên Chúa đóai thương và nhìn đến kẻ khó nghèo.
Tin Mừng Giáng Sinh được Sứ thần loan báo cho các mục-đồng:
“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng
cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua
David, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em
sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa đã quá yêu thương nhân lọai. Chúng ta phải cảm
nhận được tình yêu của Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Mục đích của Mầu Nhiệm
Nhập Thể là để gánh tội lỗi và mang Ơn Cứu Độ cho con người. Không có Mầu Nhiệm
Nhập Thể, con người sẽ chết trong tội.
– Món quà Giáng Sinh quí giá nhất Thiên Chúa ban cho chúng
ta là chính Chúa Giêsu; qua Người Con này, chúng ta sẽ không thiếu bất cứ ân huệ
cần thiết nào của cuộc sống. Chúng ta phải đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng
cách làm sao cho có và giữ được Chúa Giêsu trong cuộc đời.
– Ơn Cứu Độ phải trở thành đích điểm cho cuộc sống. Chúng ta
phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công
chính, và đạo đức ở thế gian này.
– Thiên Chúa là Chủ Tể của vũ trụ, mà lại chọn sinh ra trong
cảnh khó nghèo để dạy chúng ta một bài học: Sống đơn giản và nghèo khó làm
chúng ta dễ dàng trông cậy vào Thiên Chúa và nhận ra những nhu cầu của tha nhân
hơn.
– Mong sao cho Tin Mừng Giáng Sinh hôm nay giải thóat các
gia đình chúng ta ra khỏi vùng bóng tối sự chết, và đưa chúng ta vào miền ánh
sáng, bình an, và hoan lạc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét